07/05/2023
684

CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH – Năm A

Lời Chúa: Cv 6,1-7; 1Pr 2,4-9; Ga 14,1-12
-----------------------------

Mục lục

1. Tìm một lối đi  (Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Lối đi nào cho kiếp người (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

3. Đường sự thật, sự sống (Lm. Giuse Hoàng Kim Toan)

4. Xin cho con biết Chúa (Bông Hồng Nhỏ, Tập sinh MTG.Thủ Đức)

5. Con đường Chúa đi  (Anna Cỏ May, Tập sinh MTG.Thủ Đức)

6. Theo Chúa là đường, là sự thật và là sự sống (Lm. Trần Bình Trọng)

7. Thanh nhàn  (Lm. Vũ Đình Tường)

8. Chúa Giêsu là đường là sự thật và là sự sống (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)

9. Vững chí  (Trầm Thiên Thu)

10. Suy niệm chú giải Lời Chúa-Chúa Nhật 5 PS_A  (Lm. Inhaxio Hồ Thông)


 

TÌM MỘT LỐI ĐI

Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên

Phụng vụ của mỗi Chúa nhật Phục sinh diễn tả một khía cạnh về sứ mạng của Chúa Giêsu: Chúa nhật thứ nhất, chúng ta cùng với Giáo Hội khẳng định: Đức Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết. Chúa nhật thứ hai, Chúa phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta, mặc dù chúng ta không thấy Người. Chúa nhật thứ ba, Đấng Phục sinh đang đồng hành để khơi lên niềm hy vọng nơi những người bi quan, chán chường, cụ thể là hai môn đệ trên đường Emmaus. Chúa nhật thứ bốn, Đấng Phục sinh đang hướng dẫn chúng ta như một mục tử, để đưa chúng ta đến bến bờ của hạnh phúc. Chúa nhật hôm nay, tức là Chúa nhật thứ năm, Đức Giêsu là Đường, là Sự thật và là Sự sống.

Đường, Sự thật, Sự sống. Đó là ba yếu tố quan trọng làm nên căn bản của cuộc sống con người. Ai trong chúng ta cũng phải tìm cho mình một lối đi. Đó là định hướng cho một đời người. Ai trong chúng ta cũng phải sống theo sự thật, vì sự thật giải phóng con người và làm cho con người trở nên quang minh chính đại. Đi ngược lại với sự thật là sự dối trá mưu mô. Ai trong chúng ta cũng cần đến sự sống. Không chỉ sự sống phần xác mà còn sự sống thiêng liêng. Nhờ sự sống thiêng liêng mà chúng ta có tình yêu, hạnh phúc trong cuộc đời. Như thế, Đường, Sự thật và Sự sống làm nên vẻ đẹp của cuộc sống chúng ta và làm cho cuộc đời này có ý nghĩa.

“Thầy là Đường”. Trong lịch sử cũng như trong hiện tại, chưa có ai tuyên bố tự tin như thế. Hình ảnh con đường mang rất nhiều ý nghĩa đối với cuộc sống chúng ta.

Mỗi người, khi bắt đầu biết suy nghĩ, thì đã lo chọn cho mình một con đường, tức là một định hướng cho tương lai. Đó là định hướng về nghề nghiệp, về tình yêu, về phong cách sống, về nơi ăn chốn ở, về các mối quan hệ. Khi xác định được một con đường, họ cứ thế mà bước theo. Những chuyên viên tâm lý kết luận rằng, ở độ tuổi từ 25 đến 30 là lúc một người trẻ phải xác định được hướng đi cho tương lai cuộc đời. Nếu ở tuổi 30, tức tuổi “tam thập nhi lập” mà không trả lời được hỏi: đâu là định hướng tương lai của đời bạn? thì người đó khó mà có một tương lai tốt đẹp. Người ở tuổi 30 mà không chủ động chọn cho mình một định hướng, thì sẽ rơi vào lối mòn, bỏ mặc cho cuộc sống đưa đẩy về một tương lai vô định.

Con đường nào cũng có một đích điểm. Con đường Giêsu dẫn chúng ta đến với Chúa Cha. “Lòng anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thày…. thày đi để dọn chỗ cho anh em”. Chúa Giêsu đã “đến đích” của con đường, tức là đến với Chúa Cha. Người đi trước để dọn chỗ cho chúng ta trong nhà Cha trên trời. Đích điểm của con đường này, cũng là đích điểm của cuộc đời người tín hữu, đó là hạnh phúc viên mãn nơi Ba Ngôi Thiên Chúa.

Con đường nào cũng nhiều thử thách gian nan. Người đi trên con đường có tên Giêsu phải chấp nhận qua cửa hẹp. Quả vậy, cửa rộng thênh thang thì dẫn tới hư hỏng. Chẳng có chiến thắng nào mà lại không trải qua đau khổ. Chẳng có vành nguyệt quế nào mà không qua tập luyện dày công. Con đường Giêsu cũng là con đường thập giá. Tuy vậy, thập giá không phải là chặng cuối của con đường. Chặng cuối của con đường là Phục sinh. Đi trên con đường Giêsu là chấp nhận những đề nghị của Người. với xác tín “qua thập giá tới phục sinh, qua đau khổ tới hạnh phúc”. Trong hành trình theo Chúa, có những khó khăn, hạn chế và ràng buộc. Tuy vậy, như “lửa thử vàng, gian nan thử đức”, những ràng buộc ấy giúp con người trưởng thành và tôi luyện để kiên trung vững vàng hơn.

Trong một cuộc hành trình, người bi quan chỉ nhận ra những vất vả gian nan; người lạc quan lại cảm nhận hạnh phúc dâng trào, vì mỗi bước đi là đang thu ngắn khoảng cách và gần tới đích. Hành trình theo Chúa cũng là hành trình Đức tin và hành trình cuộc đời. Chúa Phục sinh đang đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình này. Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus đã minh chứng cho chúng ta: vào lúc bi quan chán nản và đau thương nhất, Chúa đến để cùng đi và nâng đỡ chúng ta. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy nhận ra Đức Giêsu là lý tưởng của chúng ta. Như viên đá bị thợ xây loại bỏ, Chúa Giêsu đã trở nên đá góc tường, là phiến đã chịu lực, đỡ nâng tòa nhà và bảo đảm cho sự vững chắc của tòa nhà ấy. Vì thế, hãy nhận ra vinh dự tuyệt vời mà Chúa ban cho chúng ta qua Bí tích Thanh tẩy. Bởi lẽ nhờ Bí tích này mà chúng ta được gọi là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa. Những khái niệm này thật lớn lao vĩ đại, làm cho chúng ta – những con người trần mắt thịt – trở nên như những thần linh (Bài đọc II).

Nhờ sự hiện diện của Đấng Phục sinh, số người tin Chúa không ngừng tăng trưởng. Giáo Hội từ thời sơ khai ấy cho đến hôm nay, vẫn đang cố gắng thể hiện hình ảnh của Đấng Phục sinh giữa đời (Bài đọc I). Không chỉ bảy người được trao sứ vụ phục vụ bàn (sau này được gọi là Phó tế), nhưng mỗi tín hữu đều được trao vinh dự loan báo Đức Giêsu.

“Lòng anh em đừng xao xuyến”.  Chúa nói với chúng ta như thế, trong lúc chúng ta đang hoang mang hoảng sợ vì đại dịch COVID-19. Quả thật, nếu vững tin vào Chúa thì còn có gì làm chúng ta lo sợ. Hãy vững tin vào Chúa. Hãy tìm một lối đi dẫn đưa tới bến bờ hạnh phúc. Lối đi ấy có tên là Giêsu. Người là  Đấng Cứu độ chúng ta.

Về mục lục

LỐI ĐI NÀO CHO KIẾP NGƯỜI

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

Đời người lẽ thường là phải theo lộ trình của sinh – lão – bệnh – tử. Tuy nhiên, cũng có người không đi hết lộ trình mà đi đường tắt chỉ sinh rồi tử. Đó là lý do người ta nhìn đời là phù du, là cõi tạm, kiếp nhân sinh cũng chỉ là tro bụi một mai cũng trở về bụi tro.
Có một  bài hát quen thuộc với giai điệu rằng:

“Người ơi hãy nhớ ta là cát bụi.
Sẽ về cát bụi thì xin đừng toan tính thiệt hơn.
Đời như thoáng mơ được mất ta đâu ngờ
Hỏi ai có bao giờ không trở về cát bụi đâu.

Sống để làm gì và chết rồi đi đâu vẫn là bài toán nan giải cho kiếp người chúng ta. Ai mà không biết sống tức là đang đi về cõi chết, nhưng chết rồi sẽ về đâu? Thân xác về cát bụi nhưng linh hồn sẽ về đâu?

Một bạn già nói với bạn mình: “Tôi sợ rằng chúng mình đều gần đất xa trời rồi, kiếm chỗ nào đi chơi cho thoải mái”. Người kia vui vẻ nói: “Theo mình nghĩ là chết là bỏ đất mà về Trời thì tụi mình xa đất gần  Trời mới đúng”.

Theo niềm tin ky-tô gíao thì chết là bỏ đất mà về trời. Bỏ cát bụi về chốn thần thiêng. Bỏ cõi tạm về cõi vĩnh hằng. Bỏ tham sân si để sống thanh thoát bình an. Bởi vì, quê hương đích thực của chúng ta là Nước Trời và cuộc sống chúng ta hôm nay đang hết lòng hướng về đó để có sự sống vĩnh cữu và hạnh phúc viên mãn với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, đâu là con đường, là cách thế thật sự để chúng ta đạt tới đích này.

Qua Chúa Giê-su đã cho chúng ta biết con đường về Trời, về nơi mà Ngài đã hứa rằng:“Thầy đi trước để dọn chỗ cho các con, để Thầy ở đâu các con cũng ở đó với Thầy”. Đây là một lời hứa thật đẹp. Đẹp vì nó mở ra cho chúng ta một khung trời hy vọng vì ngày mai tốt đẹp hơn. Đẹp vì cuộc sống của chúng ta không đi vào ngõ cụt. Cuộc sống của chúng ta từ nay đã có một lối đi về. Cuộc sống của chúng ta không dừng lại ở cái chết là hết một kiếp người. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Cuộc sống được nối dài vĩnh viễn trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa là Cha, là cội nguồn sự sống.

Tuy nhiên, để bước vào cõi Trời và thông hiệp sự sống thần linh của Thiên Chúa thì ngay từ đời này con người cần phải sống theo thánh ý và giáo huấn của Chúa.

Chúa Giê-su trong tư cách là một con người. Ngài đã luôn tìm kiếm ý Cha trên trời để thực thi. Ngài đã sống trọn vẹn 2 chữ yêu. Yêu Chúa Cha và yêu nhân loại. Có thể nói, Ngài đã sống cả cuộc đời vì yêu thương nhân loại và tôn vinh Chúa Cha. Vì Chúa Cha mà Ngài đã nhập thể làm người. Vì yêu nhân loại mà Ngài đã hy sinh chịu chết để cứu chuộc con người trở về làm con cái Thiên Chúa.

Là người ky tô hữu, chúng ta được mời gọi bước theo con đường Chúa Giê-su đã đi. Đó là con đường đi tìm thánh ý Chúa và thực thi đến hơi thở cuối cùng. Đó là con đường từ bỏ, đường thập giá, đường hiến tế đẫm máu trên đỉnh đồi Calve. Đó là con đường của tình yêu, tận hiến và hy sinh như Thầy Chí Thánh Giê-su. Đường tình yêu là con đường duy nhất để về Trời. Và Ngài còn nhấn mạnh chỉ những ai thực thi huấn lệnh yêu thương mới là môn đệ đích thực của Thầy Giê-su: “Căn cứ điều này để người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy là hãy yêu thương nhau”.

Nguyện xin Chúa Giê-su Phục Sinh luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống. Xin Người chỉ đường dẫn lối để chúng ta luôn tiến bước về nhà Cha trong an bình và gieo rắc tin mừng yêu thương đến tận cùng thế giới. Amen

Về mục lục

ĐƯỜNG SỰ THẬT, SỰ SỐNG

Lm Giuse Hoàng Kim Toan.

Đường mỗi người đang đi có thể là đường sự sống nhưng cũng đầy đường của sự chết. Con đường của sự chết do chỉ thích đi con đường của mình, càng đi càng lầm lạc, càng thấy đau khổ và bóng tối. Thánh Tôma hỏi Chúa Giêsu: ‘Làm sao chúng con biết đường đi” (Ga 14, 1 – 12)

Đường đi của cá nhân.

Con đường đi tự mình quyết định, xem ra thật đúng đắn và tự chủ. Thế nhưng, đường đi đâu dễ gì bằng phẳng như mong muốn. Phan Bội Châu trải qua nhiều đoạn đường gian nan, nói lên rằng: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai”. Vì đường đi mỗi người không giống nhau, mỗi người có thể cứ loay hoay mãi giữa cuộc đời, bước đi mà chẳng biết đi đâu; hoặc có cố gắng bước đi trên đường đã hoạch định mà cứ hoài thất bại, vấp ngã. Đó là đường đời, con đường nội tâm bất trắc còn hơn nhiều, thất bại về chính mình với những lần sa ngã, với cả những con đường tưởng sống thiêng liêng cao cả mà rốt cuộc chẳng gặt hái được gì, không thấy mình lớn lên trong ân sủng, cứ giống như đứa trẻ khóc đòi những gì mình muốn cho được.

Vết thương do tự mình gây ra.

Đi tìm mình nhưng lại tùy thuộc vào cái bên ngoài, thật sự là  một điều tự gây thương tích cho mình. Theo các nhà tâm lý xuyên bản ngã, người nào tự mình muốn dập tắt lo âu lại thường gặp những lo âu khác, càng muốn giải quyết trở ngại thì lại gặp những trở ngại khác. Thư thánh Phêrô chỉ ra nguyên nhân: “cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian” (2 Pet 1, 4). Con người chỉ tùy thuộc vào trần gian, lấp đầy những trấn an cho mình bằng những mua sắm như Pascal Bruckner nói: “Sự tiêu thụ là một sản phẩm tôn giáo được chế xuất, là tin vào sự phục hồi vô biên của sự vật, mà hội thánh là siêu thị, tin mừng là quảng cáo”. Không thể tự lấp đầy cho mình được sự bình an, niềm vui, đích thực, nên luôn cần tự sướng bằng cách khoe những gì sở hữu bằng mua sắm, thích được nhiều view, nhiều like…

Khinh chê trần gian, cho mọi sự vật trần gian là xấu, là dịp tội. Điều ấy cũng rất thường xuyên ở đời sống người tu sỹ hay người tín hữu nhiệt thành. Thật ra, những khinh thường đó cũng để che khuất góc tối đời mình. Vì thiếu vắng sống sự sống của Thiên Chúa ngay trong đời sống tu đức, đạo hạnh; nên chính mình lấy đời sống thiêng liêng, đạo đức để sống ảo, tự sướng, đánh bóng mình, thỏa mãn những dục vọng thầm kín.

Trở về với Chúa Giêsu là đường là sự thật và là sự sống.

Chúa Giêsu đến và ở lại trong mỗi người, điều đó Thánh Phaolô như nhắc nhở: “Tôi sống, không phải tôi, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2, 20). Khi sống như thế Thánh Phaolô  “Tôi coi mọi sự như phân tro, để chỉ mong được lời lãi Tình yêu Chúa Kitô” (Pl 3, 8). Một cái nhìn rất tốt đẹp trên mọi nẻo đường đi khi đường đi ấy có Chúa. Đôi khi, như hai môn đệ trên đường Emmau, dù không nhận ra Chúa đang cùng đi với họ, nhưng Lời Chúa bên họ cũng làm cho lòng họ an vui. Dù khi cuộc đời người tín hữu, bước đi trong buồn nản, nếu cùng gẫm lại Lời Chúa, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, giảng giải, cũng sẽ nhận ra Chúa Giêsu Kitô, Người đang sống với con người trong mọi nẻo đường.

Niềm vui ở nơi Chúa, tất cả là do Chúa tác tạo, mọi sự là hồng ân. Đó là một niềm vui biết mình đang được thông phần với Chúa trên mọi nẻo đường, lúc vui, khi buồn, khi thành công; lúc thất bại, lúc xao xuyến cũng như lúc bình an. Chúa Giêsu Kitô là niềm vui của sự sống, niềm vui của con đường hành trình và để xác tín lại một lần nữa: “Bỏ Ngài con biết theo ai, Thầy mới có Lời ban sự sống” (Ga 6, 68)

Tìm biết Chúa mỗi ngày và “xin Chúa ở lại với con vì trời đã về chiều” ( Lc 24, 13 – 35) để được cùng sống với Chúa, cùng Chúa và gặp được Chúa sống trong con.

Về mục lục

XIN CHO CON BIẾT CHÚA

Bông hồng nhỏ

          Mỗi người đều mang trong trái tim mình nhiều ước mơ, có những ước mơ cháy bỏng những khát khao. Theo Thầy Giêsu, các môn đệ cũng mang trong lòng những khát khao. Hôm nay, ông Philípphê đã thưa với Thầy Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14, 8). Ông đã thay mặt các anh em khác nói lên nỗi khát khao này.

          Chính Thầy Giêsu đã khẳng định điều này: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người” (Ga 14, 7). Nghe lời ấy, ông Philípphê mới ngỏ ý xin cùng Thầy, Thầy đáp lại rằng: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư?” (Ga 14, 9). Mới nghe điều đó, ta cũng đã hết sức ngạc nhiên. Ông Philípphê xin Thầy tỏ cho biết Chúa Cha, vậy mà Thầy Giêsu lại trách ông chưa biết Người. Thầy Giêsu đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9b). Nếu chỉ dừng lại bằng cái nhìn của tự nhiên, bằng kinh nghiệm của mình, ta cũng chỉ hiểu lờ mờ rằng, Thầy Giêsu có diện mạo rất giống Chúa Cha, đến nỗi chỉ cần nhìn thấy Thầy, ta có thể hình dung ra khuôn mặt và vóc dáng của Cha Người. Cũng giống như bao lần về quê nội chơi, ta nghe thấy mấy người lạ vui vẻ  bắt chuyện: “Con bố Hưng về chơi à!” Điều đó cũng khiến ta thầm hiểu rằng mình rất giống bố.

Lắng nghe tiếp Lời của Thầy, ta lắng nghe được tâm tư và cảm nhận được nỗi khát khao đang cháy bỏng của Người: “Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14, 11). Hai nỗi khát khao tìm kiếm và gặp gỡ nhau. Khát khao của con người được nỗi khát khao của Chúa Giêsu thánh hóa. Người môn đệ khát khao mong được gặp Chúa Cha cho lòng mãn nguyện đã gặp thấy nỗi khát khao của Thầy Giêsu, Người mong mỏi các ông tin vào Người, tin rằng “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14, 11). Đây là một mầu nhiệm đức tin. Bằng thái dộ vâng phục của đức tin, ta mới có thể đón nhận mầu nhiệm ấy bằng chính cả cuộc sống và con người mình. Bằng ân sủng và sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, mầu nhiệm đức tin ấy sẽ dần dần biến đổi cuộc sống của ta. Mỗi ngày ta hãy xin Chúa “xin cho con biết Chúa”, biết Chúa hơn để yêu mến Chúa hơn.

          Chúa Giêsu và Chúa Cha nên một trong Thánh Thần tình yêu. Ai ở trong Chúa Giêsu, lắng nghe và thực hành giới răn yêu thương của Người cũng sẽ được trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Hãy để cho tình yêu của Chúa Giêsu biến đổi tâm hồn ta và hãy đến gần Người hơn nữa, để Người dạy cho ta biết yêu như Người đã yêu, để nhờ được ở với Người, ta cũng được Người bày tỏ chính mình cho ta. Đó là hạnh phúc lớn lao của người môn đệ.

          Lạy Chúa Giêsu! Cảm tạ Chúa đã cho con cảm nhận được nỗi khát khao của Chúa. Khát khao của Chúa làm cho khát khao trong con được diễn tả thành hành động, hành động của một đức tin mỗi ngày một lớn lên. Mỗi ngày Chúa vẫn hỏi con: “Thầy ở với con bấy lâu, thế mà con chưa biết Thầy ư?”. Đây quả là một lời mời gọi con tiến đến gần Chúa hơn và giúp con nhìn lại chính mình và sám hối. Xin cho con càng yêu mến Chúa, càng hiểu biết Chúa hơn nữa; càng hiểu biết Chúa lại càng yêu mến Chúa. Amen.

Về mục lục

CON ĐƯỜNG CHÚA ĐI

Anna Cỏ May

Khi muốn đến với ai đang ở xa hay đến một nơi nào đó, trước tiên chúng ta phải biết đường đi và địa chỉ nơi ở. Tuy nhiên, điều đó cũng không làm cho chúng ta cảm thấy khó khăn trong việc tìm đường. Vì chúng ta đã có phương tiện hữu ích là Internet. Chúng ta chỉ cần gõ tên đường, địa chỉ nơi ở là sẽ được hướng dẫn đi đến tận nơi. Đó là việc tìm đường đi ở thế gian. Còn đường đi đến Nước Trời thì sao?

Ông Tôma, sau khi nghe những lời nhắn nhủ yêu thương của Thầy, đã nói: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14,5). Câu hỏi của ông không hẳn là sai, vì ông thuộc về thế gian nên chỉ biết hỏi chuyện ở thế gian (x Ga 3,31). Ông nghĩ rằng muốn đến với Thầy phải biết đường đi và chỗ ở của Thầy. Ông chỉ dừng lại ở việc nghe lời Thầy nói nhưng chưa hiểu ý cũng như ước mong của Thầy. Chúa Giêsu không lấy vậy làm buồn. Ngài đáp lại ông: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6a). Con đường Chúa Giêsu nói tới là con đường cuộc đời của Ngài. Ngài mời gọi các ông hãy sống lại cuộc đời của Ngài, là sống trong sự thật và tiếp nối con đường Ngài đi, đó là con đường tình yêu. Vì không ai đến với Chúa Cha mà không qua Ngài (x. Ga 14,6b). Con đường của Ngài không có địa chỉ, vì Ngài đi khắp nơi, đến tận cùng trái đất rao giảng Tin Mừng và yêu thương hết mọi người. Con đường của Ngài cũng không có ngã ba hay ngã tư, mà chỉ một con đường thẳng, không xen đường gian dối. Tên con đường của Ngài là con đường tình yêu, tình yêu thì luôn có sự đau khổ và sự hy sinh, hy sinh cả tính mạng của mình. Chính Ngài đã yêu Chúa Cha và nhân loại bằng việc đón nhận sự sỉ nhục cho đến chết và chết trên thập giá. Bài hát “Đường thập giá” của tác giả Giang Ân đã nói về con đường Ngài đã đi qua. Đó là con đường mang tên thập giá. Những ai yêu Chúa và theo Chúa cũng phải đi qua con đường đó mới có thể vào Nước Trời mà đến với Chúa Cha.

Ngày nay, chúng ta không thấy Ngài bằng con mắt xác phàm để đi theo và sống lối sống của Ngài. Chúng ta sẽ dùng đôi mắt đức tin để gặp thấy Ngài trong Bí tích Thánh Thể và các Bí tích khác. Chúng ta dùng đôi tai đức tin để nghe lời Ngài qua Kinh Thánh và để Thần Khí Chúa hướng dẫn chúng ta sống cuộc sống của Chúa qua các mối phúc, các điều răn và các giáo huấn của Hội Thánh. Đó là những kho tàng và đường lối Chúa Giêsu đã để lại cho tất cả mọi người bước đến Nước Trời.

Đức Cha Pierre Lambert de la Motte đã gửi  một Bức Tâm Thư cho các nữ tu Mến Thánh Giá. Trong thư ngài viết: “Mục đích chính của Tu hội các con là tiếp nối nơi bản thân mình cuộc đời đau khổ của Chúa Giêsu Kitô và hằng ngày dâng việc suy gẫm cầu nguyện của các con, nước mắt của các con, các việc làm của các con và các hy sinh của các con, để cầu xin Người ban cho lương dân và những Kitô hữu bất hảo được ăn năn trở lại. Nhưng điều hết sức quan trọng là phải thực hành mọi việc thay cho Chúa Giêsu Kitô” (Btt 8-9). Là Kitô hữu, đã chịu Bí tích Rửa tội, chúng ta đã từng nghĩ đến con đường của Chúa chưa? Chúng ta đã và đang bước đi trên con đường như thế nào? Nếu chúng ta chưa để ý hay chưa bước đi trên con đường của Chúa thì đây là lúc chúng ta bước đi, đặc biệt là trước đại dịch Corona này. Chúng ta sẽ bước đi trong lời mời gọi yêu thương của Chúa là anh em hãy yêu thương nhau (x.Ga 15, 12). Chúng ta hãy chia sẻ của cải cho nhau và cùng nhau cầu nguyện. Chúng ta hãy tha thứ và nâng đỡ nhau vượt qua khó khăn, cùng bảo vệ mội trường mà chúng ta đang hiện diện. Nhờ đó, không chỉ có chúng ta bước đi trên con đường của Chúa mà cả những người nhận được sự yêu thương từ chúng ta, chính họ cũng đang tiến bước đến cuộc sống hạnh phúc trong Nước Trời.

Lạy Chúa! Chúa là con đường để chúng con bước đi. Xin cho mỗi người chúng con luôn vững tin vào Chúa trên con đường tình yêu, một con đường không thiếu những đau khổ nhưng đích đến là cuộc sống vĩnh cửu. Amen.

Về mục lục

THEO CHÚA LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG

Lm Trần Bình Trọng

Lời giã từ của Chúa Giêsu, để lại cho các tông đồ cảm giác lo lắng và sợ hãi. Vì thế trong Phúc Âm hôm nay Chúa dùng những lời lẽ khích lệ để an ủi và trấn an các ông:

Lòng các con đừng lo lắng bối rối. Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa và hãy tín nhiệm nơi Thày (Ga 14:1). Qua các tông đồ, Chúa cũng muốn ta đặt tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Chúa, vào chương trình quan phòng và cứu rỗi của Chúa.

Phó thác là điều mà ta có thể học được qua kinh nghiệm sống. Khi phải đương đầu với những khó khăn và vấn nạn của cuộc sống, ta cảm thấy như Chúa đi vắng. Nhiều người phải gặp cảnh lo âu, đau lòng và trắc trở trong cuộc sống. Ðứng trước những vấn nạn và trắc trở của cuộc sống, ta tự hỏi tại sao Chúa để gian nguy, khốn khó xẩy đến cho bản thân và gia đình ta? Tuy nhiên nếu nhìn sự vật bằng con mắt đức tin, ta sẽ thấy những cảnh gian nguy, khổ cực có thể là những thử thách làm tăng triển đời sống đức tin. Nhìn bằng con mắt đức tin, những khó khăn trắc trở của cuộc sống sẽ giúp ta xích lại gần Chúa trong lời cầu nguyện.

Từ giã các tông đồ về Trời, nhưng Chúa không bỏ rơi họ, mà vẫn ở lại với các tông đồ bằng ơn thánh, bằng sức mạnh thiêng liêng. Chúa còn hứa: Thày sẽ trở lại đón các con về cùng Thày, để cốt cho Thày ở  đâu, các con cũng được ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi (Ga 14:3-4).

Ðến đây Thánh Tôma liền thắc mắc là ông không biết đường. Chúa Giêsu đáp: Thày là đường, là sự thật, và là sự sống (Ga 14:6). Ðọc Thánh kinh, người ta thấy ông Tôma là người thực tế và có óc thực tiễn. Lần khác các tông đồ cho hay Chúa đã phục sinh và hiện ra với các ông, ông Tôma nhất định không tin. Ông đòi phải xỏ ngón tay vào lỗ đinh và cạnh sườn Người, ông mới tin. Vấn nạn của thánh Tôma nói lên sự thiếu hiểu biết của các tông đồ. Họ đã theo Chúa ba năm, nghe lời Chúa giảng dạy, chứng kiến phép lạ Chúa làm, mà họ vẫn chưa nhận thức được rằng, qua Ðức Kitô là họ được đến với Thiên Chúa Cha. Còn Thánh Philipê thì cũng cá mè một lứa. Ông xin Thày mình để cho được thấy Chúa Cha. Chúa Giêsu bảo ông Philipê là ông ta đã thấy Thiên Chúa Cha bằng việc xem thấy Chúa Con rồi.

Nếu đi lạc đường, sai hướng, Chúa Giêsu hứa sẽ chỉ lối cho ta đến cùng Chúa Cha. Qua bốn mươi năm trong sa mạc, ông Môsê cố gắng tìm đường1 đưa dân trở về đất hứa. Bây giờ Ðức Giêsu xác nhận Người là đường. Ðường của Chúa là đường lối Phúc âm.

Qua bao nhiêu thế kỉ, nhiều nhà triết học và học giả, đã cố công tìm sự thật2. Bây giờ Chúa Giêsu lại nói Người là sự thật. Sự thật cũng được tìm thấy trong sứ điệp Phúc âm. Qua bao nhiêu thế hệ, vua chúa người Trung Hoa và Ai Cập cố gắng tìm thuốc trường sinh để kéo dài mạng sống mãi mãi. Ngay cả gần đây những nhà lãnh đạo cộng sản Sô Viết cũng cố gắng làm như vậy. Còn bây giờ Chúa Giêsu lại bảo Người chính là sự sống, và là sự sống lại (Ga 11:25).

Chúa vẫn ở lại với  ta, đồng hành với ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Nếu ta đi lầm đường lạc lối, Chúa hứa chỉ đường cho ta trở về với Chúa qua Thánh kinh, qua Giáo Hội.  Người giảng dạy sự thật được ghi lại trong Phúc âm. Ðể đáp lại những khát vọng và những lời cầu xin của loài người qua nhiều thế hệ, Chúa Giêsu công bố Người là hiện thân của cả ba cùng đích: là đường, là sự thật, và là sự sống (Ga 14:6). Vào thời Trung cổ, tác giả sách: Gương Chúa Giêsu đặt những lời lẽ sau đây vào miệng Chúa: Ta là đường mà con phải bước theo, là sự thật mà con phải tin tưởng, là sự sống mà con hằng hi vọng.

Lời nguyện xin cho được hưởng sự sống vĩnh cửu:

Lạy Ðức Kitô phục sinh: là đường, là sự thật và là sự sống.

Con xin dâng lên Chúa những khó khăn trắc trở của cuộc sống.

Những lúc con đứng giữa ngã ba đường,

cũng như khi con bỏ đường đạo hạnh và công chính

xin chỉ cho con đường lối phải theo,

và dẫn dắt con về đường ngay nẻo chính.

Những khi tâm trí con bị lú lẫn về đạo lí phúc âm,

xin soi sáng cho con biết đâu là sự thật phải tìm kiếm.

để con được huởng sự sống vĩnh cửu. Amen.

Về mục lục

THANH NHÀN

Lm Vũđình Tường

Thế giới hữu hình bao gồm những gì mắt có thể nhìn, tay có thể đụng chạm, mũi có thể ngửi và lưỡi có thể nếm. Nói chung, giác quan giúp con người nhận biết chúng tồn tại trên đời. Chúng ta biết thế giới vô hình tồn tại qua cảm xúc. Đọc một câu chuyện bạn cảm thấy vui buồn, thương tâm. Nghe một câu nói bạn cảm thấy an ủi, mừng hay buồn. Nhờ vào những cảm xúc đó mà ta cho là chúng tồn tại trên đời. Rất thường khi nghe kể chuyện, khi đọc sách, chúng ta phải dùng đến thế giới hữu hình bằng cách mường tượng ra trong đầu những hình ảnh và bạn thấy dễ cảm nhận, thấy chúng gần hơn, xác thực hơn. Cả hai cách trên đều không thể dùng vào thế giới tâm linh, bởi thế giới tâm linh dùng ngôn ngữ của con tim. Con tim giúp bạn nhận biết thế giới tâm linh. Ai cũng biết yêu nhưng không ai giải thích được. Con người chỉ có thể diễn tả hình ảnh, hành động yêu thương, mà không thể giải thích được tình yêu. Tình yêu Đức Kitô dành cho bạn cũng thế. Bạn biết Thiên Chúa yêu bạn, và bạn đáp trả lại tình yêu đó. Đáp trả, diễn tả tình yêu Chúa qua kinh cầu, hành động bác ái, thương người và tha thứ. Chúng không phải là yêu mà là thành quả của yêu thương. Ngoài ra ta khó có cách nào tốt hơn để diễn tả tâm tình yêu thương. Đức tin thuộc vào thế giới tâm linh và thế giới tâm linh thường huyền bí, ngoài sức tưởng tượng của trí óc con người. Bởi thế giới tâm linh vừa mầu nhiệm, vừa huyền bí, không thể dùng giác quan cảm nhận nên niềm tin luôn bị thách thức giữa vững tin và ngờ vực. Môn đệ Đức Kitô muốn được nhìn thấy bằng thế giới giác quan, thế giới hữu hình. Các ông hỏi Đức Kitô điều đó. Cảm nghiệm của các tông đồ Đức Kitô, cũng là cảm nghiệm của các Kitô hữu. Thánh Thoma hỏi Đức Kitô chỉ cho biết đường về nhà Chúa Cha. Còn thánh thánh Philip xin Đức Kitô cho gặp Chúa Cha. nhờ vào thắc mắc của các Ngài mà chúng ta hiểu thêm về niềm tin, và về thân phận con người. Đáp lại thắc mắc của hai thánh nhân, qua giải thích của Đức Kitô chúng ta nhận được nhiều hữu ích cho niềm tin vào Đức Kitô.

Thứ nhất, Đức Kitô cho biết hiện tại các tông đồ chưa thể gặp được Chúa Cha, nhưng trong tương lai các vị sẽ được gặp Chúa Cha. Hiện tại các vị có thể nhận biết Chúa Cha qua nhận biết Đức Kitô,

‘Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha’ Gn.14, 9 vì ‘Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy’. Đức Kitô giải thích thêm ‘Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình’.

Đức Kitô cho biết con người không thể trực tiếp nhận biết Chúa Cha. Con người chỉ có thể nhận biết Chúa Cha qua nhận biết Đức Kitô. Đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Các tông đồ chỉ có khả năng nhận biết bản tính con người của Đức Kitô, các ông không đủ khả năng nhận biết bản tính Thiên Chúa của Đức Kitô. Tại sao thế? Bởi vì nhân loại có giới hạn riêng của mình. Chúng ta là những con người hữu hạn, được Thiên Chúa tạo dựng như thế. Giới hạn về nhiều phương diện. Giới hạn về sức khoẻ, tuổi tác; giới hạn về trí khôn, trí nhớ; giới hạn về tài năng, kiến thức; giới hạn về nhận thức và trí tưởng tượng; giới hạn về thời gian và không gian. Các giới hạn này khác nhau giữa người này với người kia. Giới hạn này cũng khác biệt ở trong cùng một người, giữa tuổi này với tuổi kia. Ví dụ như trí nhớ, sức khoẻ, sắc đẹp, bén nhậy. Con người dù cố gắng cách nào cũng không thể vượt thoát được giới hạn này. Con người chỉ có một lối thoát là chấp nhận thực tế giới hạn của mình. Vì thế mọi cố gắng chứng minh Thiên Chúa tồn tại, hiện hữu, là những cố gắng vượt quá giới hạn của con người. Cố gắng làm những gì quá giới hạn thường gặp phải thất bại ê chề. Bởi những giới hạn đó mà Đức Kitô cho các môn đệ biết hiện tại các ngài chưa thể nhìn thấy Chúa Cha, nhưng sẽ có ngày các vị sẽ diện kiến Chúa Cha. Để vượt qua các thắc mắc về giới hạn đức tin, Đức Kitô kêu gọi các môn đệ hãy đặt trọn niềm tin vào Ngài. Tin vào Đức Kitô các ông sẽ được thanh thản trong niềm tin, con tim được an bình, tâm trí được thanh thản. Hiện tại các môn đệ đang sống trong thế giới vật chất nên bị giới hạn về đời sống tâm linh. Con người sẽ vượt thoát giới hạn vật chất khi nào các ngài tái sinh vào cuộc sống trường sinh; lúc đó mọi giới hạn vật chất bị chấm dứt, và các ngài sẽ hiện diện trước tôn nhan Chúa Cha. Đức Kitô còn cho các tông đồ biết ‘Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở… thầy đi dọn chỗ cho anh em… Thầy đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó’ Gn.14,3.

Thoma xin Đức Kitô chỉ cho ngài đường đi. Nhờ câu hỏi này mà Đức Kitô cho biết a/ việc Đức Kitô ra đi không phải để các ông cô đơn, đơn độc một mình. Việc Đức Kitô ra đi là có lợi cho các ông, bởi Ngài đi trước chuẩn bị đón môn đệ trong ngày đoàn tụ. b/ các ông không thể tự sức riêng mình đến cùng Thiên Chúa. ‘Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy’ Gn 14,6. Con người có khả năng đi một mình trên đường trần thế, nhưng đường tâm linh, đường đức tin đẫn con người đến với Thiên Chúa, con người không có khả năng tự đi một mình. Con người cần Đức Kitô, hướng dẫn, chỉ đường, vạch lối. Đức Kitô là Đấng duy nhất biết đường dẫn ta đến cùng Chúa Cha. Đồng hành cùng Đức Kitô ta còn sợ chi, còn thắc mắc gì bởi có Đức Kitô cùng đồng hành. Kitô hữu sẽ có ngày diện kiến Chúa Cha và ngày đó sẽ đến trong tương lai và đó là điều Đức Kitô hứa ban cho ai trung thành đồng hành với Ngài. Hãy tin và được sống thanh thản.

Về mục lục

CHÚA GIÊSU LÀ ĐƯỜNG LÀ SỰ THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG

Lm.Giuse Đỗ Đức Trí

Đức Hồng Y George Pell, vị Hồng Y đáng kính của Giáo Hội đã được Tối Cao Pháp Viện Australia tuyên bố trắng án hôm 7/4/2020. Phát biểu sau khi tòa tuyên kết luận, Đức Hồng y nói: “Tôi đã kiên định trước sau như một để bảo vệ sự vô tội, ngay cả khi phải chịu cảnh bất công nghiêm trọng.”

Đức Hồng y cũng khẳng định ngài tha thứ cho người đã cáo buộc ngài và nhấn mạnh: “Tôi không muốn việc mình được tha sẽ làm tổn thương và mang lại cay đắng cho người khác; đã có quá nhiều đau đớn và cay đắng rồi.” “Điều cần thiết để có sự chữa lành là sự thật, nền tảng của công lý cũng là sự thật, vì công lý là sự thật cho mọi người.” Đức Hồng Y Pell được ra khỏi nhà tù của Úc sau 404 ngày bị giam giữ. Ngài là một người giữ nhiều chức vụ cao trong giáo hội Úc Châu và toàn cầu. Ngài cũng là một trong những hồng y cố vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Những người ủng hộ cùng tạ ơn Chúa và coi Đức Hồng Y như là nạn nhân của một thế lực thế tục. Phe chống đối lại đang kêu gào “bênh vực cho các nạn nhân”. Vậy, ai là nạn nhân trong vụ án này? Đức Hồng Y là nạn nhân hay những kẻ cáo gian là nạn nhân ?

Thưa quý OBACE, có thể nói, chúng ta sống trong một thế giới mà sự thật, chân lý đang bị xem nhẹ bị bóp méo. Người ta lấy sự giả dối để che đậy bộ mặt thật của mình, lấy sự gian trá để dẫn đường thế giới. Hôm nay, Chúa Giêsu quả quyết cho chúng ta: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy.

Các tông đồ hình dung đến việc sẽ phải chia tay với Đức Giêsu. Các ông vẫn chưa hình dung Thầy các ông sắp làm gì, sẻ đi về đâu? Vì thế, các tông đồ tỏ ra buồn phiền lo lắng về hiện tại, tương lai của các ông. Các ông sợ mình sẽ lạc đường, mất phương hướng. Chúa Giêsu đã phải trấn an các ông và chỉ cho các ông một con đường, đó là con đường trở về Nhà Cha, nơi đó, mọi người sẽ gặp Thiên Chúa và gặp lại nhau trong niềm vui và hạnh phúc.

Các tôn giáo khác chỉ có thể dẫn người ta đi lanh quanh theo vòng luân hồi từ kiếp này qua kiếp khác không lối thoát. Nhưng Chúa Giêsu đến, Ngài chỉ cho chúng ta một con đường thẳng và là con đường hướng về trời đưa chúng ta về với Thiên Chúa:  Anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào thầy. trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, Thầy đi để dọn chỗ cho anh em….Thầy sẽ trở lại đem anh em về với Thầy. Con đường của Chúa Giêsu là con đường đưa tới hạnh phúc đích thực được diễn tả qua niềm vui của người lữ khách về tới quê nhà, được cha mẹ và anh em đón tiếp yêu thương. “Quê nhà” là nơi Chúa Giêsu “đã ở”. Ngài từ đó ra đi đến với trần gian, nay Ngài lại dẫn tất cả trần gian trở về.

Thánh Toma còn băn khoăn về lời giải thích của Chúa Giêsu. Ông đặt vấn đề: Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu làm sao chúng con biết đường đi? Chúa Giêsu trả lời: Thầy là đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Con đường của Chúa Giêsu là con đường của sự thật và đưa tới sự thật là chính Thiên Chúa, vì Chúa là sự thật, là chân lý. Nơi Thiên Chúa không có mảy may sự gian dối. Sống và hành động theo sự thật con người sẽ được giải thoát. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi những trói buộc của quá khứ, tội lỗi; sự thật sẽ giải phóng chúng ta khỏi sự dữ và sự ác; sự thật sẽ đem lại cho chúng ta cuộc sống tự do. Chỉ những ai sống theo sự thật mới thực sự là con người tự do. Trái lại, những ai sống trong gian dối quanh co thì biến mình trở thành nô lệ của bóng tối và sự ác.

Chúa Giêsu đến để nói cho chúng ta biết sự thật về Thiên Chúa chân thật tốt lành, là người cha yêu thương nhân loại. Ngài đã sống và bảo vệ sự thật đến độ chấp nhận hy sinh mạng sống trên cây thập gía, để mình chứng một tình yêu chân thật dành cho con người. Trước mặt Philatô, Chúa Giêsu đã nói cho ông biết sự thật là: Nước tôi không thuộc về thế gian này, nếu nước tôi thuộc về thế gian này, tôi sẽ đem quân đội để chiến đấu. Nhưng nước tôi không thuộc chốn này. Philatô vì không phải là con người thuộc về sự thật đã không đón nhận được mạc khải thật đó. Ông đã hỏi lại Chúa: Sự thật là gì?

Chúa Giêsuu không trả lời Philatô, nhưng trước đó Philipphê hỏi Chúa: Thưa Thầy xin tỏ cho chúng con xem thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện. Chúa Giêsu đã mạc khải cho Philipphê một sự thật đó là: Ai thấy Thầy thì thấy Chúa Cha… Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy. Đây chính là một mạc khải sâu xa về màu nhiệm Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu. Qua mặc khải này Chúa Giêsu cho các môn đệ biết Ngài chính là Thiên Chúa, là Đấng “đồng hình, đồng dạng, đồng bản thể” với Đức Chúa Cha và là Đấng tạo dựng và cứu chuộc nhân loại.

Chính Thiên Chúa là chủ sự sống trên trần gian này, Ngài thông truyền sự sống cho loài nào, vật nào, loài đó vật đó sẽ có sự sống. Con người đã được dựng nên từ bùn đất và được Thiên chúa thổi hơi truyền trao sức sống thần linh của Ngài, làm cho con người có sự sống. Đặc biệt hơn nữa, Đức Giêsu là Đấng từ nơi Thiên Chúa Cha mà đến trần gian, Ngài đã rao giảng, chỉ đường, dẫn chúng ta về với Thiên Chúa là nguồn sự sống; Ngài còn trao tặng sự sống của Ngài cho nhân loại qua cái chết trên thập giá. Ngài đã sống lại trong vinh quang và ban cho con người được chia sẻ vào sự sống trường sinh bất tử với Ngài.

Sau khi về trời, Chúa Giêsu còn ban Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội. Chúa Thánh Thần chúng ta tuyên xứng Ngài là Đấng Ban sự sống.  Ngài làm Giáo Hội trở nên mới, có một sức sống mới, để tiếp tục làm chứng và rao giang về Chúa Giêsu là Đường là sự Thật và là Sự Sống. các tônng đồ và các tin hữu sơ khai đã thể hiện rõ néi sức sống thần linh của Thiên Chúa được ban qua Thánh Thần đang hoạt động trên từng người. Chúa Thánh Thần giúp Giáo Hội vượt qua những khó khăn của buổi sơ khai, ban sức mạnh, lòng can đảm để các tông đồ và các tín hữu mạnh mẽ sống theo con đường của Tin Mừng. Cuối cùng các tông đồ cũng đã chấp nhận cái chết để lànm chứng và bảo vệ cho sự thật là Thiên Chúa.

Sách Công Vụ hôm nay kề về hoạt động của Giáo Hội sơ khai. Nhờ đời sống chứng tá yêu thương, số những người tin theo Chúa Giêsu ngày càng gia tăng. Các tông đồ đã phải chọn thêm các phó tế, đặt tay trên họ, trao cho họ nhiệm vụ cùng với các ông phục vụ cộng đoàn. Mọi người đều sống theo sự thúc đẩy và sức sống của Chúa Thánh thần. Lời Chúa được loan truyền đi khắp nơi từ Giêrusalem đến tận cùng trái đất.

Giáo hội ngày này dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần vẫn đang nỗ lực làm chứng về về Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống cho thế giới. Giáo Hội không ngần ngại nói lên sự thật và bênh vực cho sự thật, cho dù bị hiểu lầm, bị chỉ trích, chống đối bằng nhiều cách. Thế giới này đang bị che phủ bởi thần tối tăm và gian dối là ma quỷ. Ma quỷ đang tìm mọi cách gieo rắc sự dối trá vào trong suy nghĩ, vào tâm hồn con người và không ngừng tấn công Giáo Hội bằng sự dối trá. Nó không bao giờ nói thật, nó chỉ nói một nửa sự thật mà thôi. Vì ma quỷ là cha của sự gian dối. Những ai dám sống theo sự thật, bênh vực sự thật là những người thuộc về Đức Kitô. Những ai sống và hành động theo sự gian dối thì thuộc về bóng tối và ma quỷ.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy sự dối trá. Sự dối trá được lặp đi lặp lại nhiều lần, nhiều ngày khiến cho người ta dần quen và chấp nhận nó như sự thật. Đó là một mưu chứơc rất nguy hiểm của ma quỷ. Nó sẽ làm cho lương tâm cùa chúng ta bị xói mòn, chai cứng khi quen sống với gian dối. Nó sẽ biến chúng ta thành kẻ độc ác, tàn nhẫn khi chúng ta đánh mất sự thật trong tâm hồn. Nó sẽ cướp mất sự sống thần linh trong chúng ta và sẽ đưa chúng ta đi lạc đường, không thể trở về với Thiên Chúa được.

Xin Chúa giúp chúng ta can đảm sống và làm chứng về Chúa Giêsu là đường đưa tối sự sống, là sự thật giải thoát nhân loại và là Đấng đem lại sự sống cho chúng ta. Amen

Về mục lục

VỮNG CHÍ

Trầm Thiên Thu

Kiên định là một đức tính cần thiết tập luyện và duy trì trong cuộc sống, cả đời thường và tâm linh. Để xây dựng đức tính này, điểm cốt lõi là cần đặt ra mục đích và quyết tâm hoàn tất, bắt đầu bằng việc xác định ước muốn sống kiên định như thế nào và hướng tới mục đích đó. Dần dần, khi đã thực sự kiên định, hãy cố gắng duy trì động lực và tự có trách nhiệm với chính mình. Trong quá trình tập luyện tính kiên định, cũng rất có thể phải thay đổi suy nghĩ để luôn sống lạc quan và làm việc một cách hiệu quả.

Con đường nào cũng có những loại “chông gai” đặc trưng, không là thảm lụa. Vì thế, rõ ràng rất cần kiên định, nói chung là luôn phải tự khó với chính mình. Chúa Giêsu đã từng động viên: “Đừng xao xuyến!” (Ga 14:1; Ga 14:27) và Thánh Phêrô cũng khuyến khích như vậy. (1 Pr 3:14) Điều đó cũng có nghĩa là không hèn hoặc không sợ hãi. Muốn vậy thì phải can đảm, muốn can đảm thì phải mạnh mẽ, muốn mạnh mẽ thì phải cầu xin Thiên Chúa Ngôi Ba, Đấng ban sức mạnh – một trong các ơn của Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần là Thần Khí, sống là nhờ thần khí: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.” (Ga 6:63a) Lời Chúa Giêsu cũng là thần khí và là sự sống. (Ga 6:63b) Nhưng đôi khi người ta có thể ảo tưởng mà lầm lẫn, cái gì cũng bảo là “Ý Chúa.” Vì thế, Thánh Gioan Tông Đồ đã khuyên chúng ta PHẢI cảnh giác và đưa ra cách nhận biết: “Anh em ĐỪNG cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy CÂN NHẮC các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có NHIỀU NGÔN SỨ GIẢ lan tràn khắp thế gian. Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: thần khí nào TUYÊN XƯNG Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào KHÔNG TUYÊN XƯNG Đức Giêsu thì không bởi Thiên Chúa, đó là thần khí của tên phản Kitô. Anh em đã nghe nói là nó đang tới, và HIỆN NAY nó ở trong thế gian rồi.” (1 Ga 4:1-3) Đơn giản mà nhiêu khê, dễ mà khó.

Quả thật, lời cảnh báo của Thánh Gioan rất đáng sợ. Chúng ta cũng đã và đang thấy nhiều thứ giả, trong đó cũng có đủ loại “người giả” – còn đáng sợ hơn các loại giả khác. Những điều tương tự cũng đã được Đức Mẹ nhiều lần tiên báo. Do đó, sự cảnh giác càng cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết, đặc biệt trong thế kỷ XXI đầy những khó khăn này, càng văn minh càng nhiêu khê. Thời nay mệnh danh là thời @ – mà đúng là cái chữ @ nó “vòng vo” rắc rối lắm, đôi khi giống như cứ loanh quanh trong mê cung, không biết lối ra. Và hơn bao giờ hết, người ta càng cần kiên định hơn.

Dù đời và đạo, cuộc sống luôn có nhiều thứ khiến chúng ta dao động, chia trí. Thật vậy, ma quỷ có thiên hình vạn trạng, nó len lỏi vào bất cứ nơi nào, thậm chí ma quỷ có thể cám dỗ người ta cảm thấy mình đạo đức và thánh thiện. Đó là dạng cám dỗ rất nguy hiểm, vì là dạng GIẢ DANH GIẢ NGHĨA. Thà rằng nó cám dỗ chúng ta khô khan, phạm tội, hoặc “quay lưng” lại với Chúa thì chúng ta dễ nhận biết mà tránh, đằng này nó lại làm cho chúng ta cảm thấy rất gần Chúa, thế mới đáng sợ, và chúng ta phải rất tỉnh thức. Đừng ảo tưởng, vì rất khó phân biệt, như Thánh Phaolô nói: “Lạ gì đâu! Vì chính Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!” (2 Cr 11:14)

Có một người quen ở Mỹ cho biết rằng em gái của họ lấy chồng là Phật tử, người chồng này làm cho cô ta bỏ đạo Công giáo và nói xấu Công giáo đủ thứ. Một thanh niên tại Saigon bỏ đạo Công giáo rồi cạo đầu và quy y, anh ta bảo rằng theo Công giáo phải giữ nghiêm luật nên “căng” quá, theo Phật giáo “khỏe” hơn nhiều. Còn tại Đồng Nai, một nữ tu bỏ đạo Công giáo rồi đi lập chùa riêng và làm ni cô trụ trì. Những người này không chỉ yếu đức tin Công giáo, mà còn thiếu tính kiên định.

Đừng vội hoang mang khi thấy có những trường hợp như vậy. Đó chỉ là những trường hợp hiếm hoi. Thật ra họ chỉ bất mãn một vấn đề nào đó vì họ không được thỏa mãn ý riêng, đồng thời họ là những người “yếu bóng vía” và chẳng hiểu rõ Công giáo, chỉ là dạng “lý sự cùn,” đầu óc thiển cận hoặc như “ếch ngồi đáy giếng” mà thôi. Những “ông tổ” của các đạo khác liên quan Kitô giáo cũng vậy, họ chỉ muốn theo ý riêng mà ly khai khỏi Công giáo. Rồi cũng chẳng đâu vào đâu, nhưng họ vẫn cố chấp.

Những người thiển cận hoặc nông cạn mới như vậy, còn những người sâu sắc không như vậy, bởi vì người ta càng giỏi thì càng nhận biết Thiên Chúa và tin yêu Ngài. Đa số các bác học đều là những người tin vào Thiên Chúa. Khoảng hơn 40 năm trước, chính Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910-1995) đã rửa tội cho một Thượng tọa Phật giáo cao niên vào chính đêm Chúa giáng sinh. (Liên quan chuyện “theo đạo” nên liên tưởng, nhưng tiếc rằng lâu quá rồi nên không còn nhớ tên ông cựu họ Thích này). Hơn 20 năm trước, có một ni cô chán “ăn chay trường” rồi gia nhập Công giáo, sau đó cô này lấy chồng là người Công giáo. Vợ chồng họ người Đồng Nai, nay họ vẫn sống hạnh phúc tại Bình Dương. Và còn rất nhiều những trường hợp tương tự, từ khắp nơi trên thế giới, không thể kể hết.

Có điều vô cùng đặc biệt: Không một người nào mà dám nói “tôi là Thiên Chúa” khi lập đạo, chỉ có Chúa Giêsu mới xác định như vậy. Cũng chẳng có ai làm được những phép lạ như Ngài đã làm. Và cũng chỉ có Ngài dám nói: “Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14:6) Đặc biệt nhất là chẳng có ai bị giết chết mà sống lại như Ngài. Chỉ vài điều như vậy thôi cũng đủ để chúng ta biết đâu là “chân lý thật” và đâu là “chân lý giả.” Càng ngày khoa học và khoa khảo cổ càng phát hiện những điều chính xác như Kinh Thánh đã đề cập. Đó là chứng cớ minh nhiên, những kẻ phủ nhận chỉ là cố chấp. Và còn các phép lạ Thánh Thể và những lần Đức Mẹ hiện ra nữa…

Bằng chứng cụ thể trong sách Công Vụ: Khi nghe ông Phêrô rao giảng việc ăn năn sám hối, chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội, và nhận được ân huệ là Thánh Thần, ngay lúc đó đã có KHOẢNG BA NGÀN người theo đạo. (Cv 2:38-41) Đâu có thể đơn giản mà có số người đông như vậy cùng gia nhập đạo một lúc, cũng đâu phải họ theo đạo cho vui hoặc có lợi về vật chất, đặc biệt là không ai dụ dỗ họ theo đạo để được giàu sang, danh vọng,… Và rồi ngày nay, hằng tháng tại nhiều nhà thờ Công giáo vẫn có những người trưởng thành (chứ không nói trẻ em) vui mừng lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Đó là những bằng chứng hùng hồn, là phép lạ thực sự mà Chúa Thánh Thần đang tác động không ngừng trong Giáo Hội, Nhiệm Thể Đức Giêsu Kitô.

Có những người gia nhập Công giáo không chỉ là người đã thực sự trưởng thành (tâm sinh lý), mà còn có những người lớn tuổi, họ sống đạo rất tốt với một đức tin trưởng thành và vững mạnh. Đặc biệt là có những người theo đạo Công giáo rồi đi tu trở thành tu sĩ hoặc linh mục – một người nổi bật là Lm Thiên Phong Bửu Dưỡng. [1] Họ đã trưởng thành, chắc chắn không ai có thể “dụ dỗ” được họ nếu họ không thực sự tin vào Đức-Giêsu-nhập-thể-làm-người-chịu-chết-và-phục-sinh. Ai cảm thấy còn “đắn đo,” hãy cố gắng giữ vững lòng tin, hãnh diện về Đức Tin Công giáo, và đừng dao động vì những chuyện không đâu. [2]

Những người càng giỏi càng tìm hiểu và nhận ra Thiên Chúa. Giáo Hội Công giáo đặt tiêu chuẩn cao về luân lý, rất cảm thông với người bất đồng ý kiến, nhưng KHÔNG NHƯỢNG BỘ bất kỳ áp lực nào. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Hòa Giải để tha thứ tội lỗi, để thương xót và ban ân sủng cho chúng ta, giúp chúng ta sống đời sống luân lý tốt hơn. Công giáo mệnh danh là Đạo Yêu Thương, vì Thiên Chúa là tình yêu. (1 Ga 4:8 và 16)

Vô tri bất mộ. Con mắt liên quan lý trí, liên quan đức tin. Kinh Thánh xác định và lý giải: “Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si. Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu, và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Đấng Hoá Công. Thế mà, lửa với gió, hay làn khí thoảng qua, hay tinh tú bầu trời, hay nước chảy cuồn cuộn, hay đèn trời thắp sáng, chúng lại coi là thần, là những bậc quản cai hoàn vũ.” (Kn 13:1-2) Rất rõ ràng, rất rạch ròi!

Ngay trong thời Giáo Hội sơ khai, khi Chúa Giêsu đã phục sinh và số môn đệ thêm đông, các tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp kêu trách những tín hữu Do Thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo CẦU NGUYỆN và PHỤC VỤ Lời Thiên Chúa.” (Cv 6:2-4)

Trình thuật Cv 6:5-7 cho biết: “Đề nghị đó được mọi người tán thành. Họ chọn ông Têphanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Philípphê, Pơrôkhôrô, Nicano, Timôn, Pácmêna và ông Nicôla, một người ngoại quê Antiôkhia đã theo đạo Do Thái. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông. Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giêrusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.” Đó chính là Nhóm Bảy Người, tức là các Phó tế đầu tiên của Giáo Hội, trong đó có Phó tế Têphanô về sau chịu tử đạo. Không chỉ có Phó tế Têphannô mà còn biết bao vị tử đạo khác đã xả thần vì danh Đức Giêsu Kitô, ở mọi nơi và mọi thời.

Niềm hãnh diện của Kitô hữu “không giống ai” chút nào, đôi khi người ta còn coi đó là dại dột hoặc ngu xuẩn, nhưng không phải vậy. Hãnh diện gì? Thánh Phaolô cho biết: “Vinh quang của tôi là Thập Giá của Đức Giêsu Kitô – Mea Gloria Est Crux Christi.” (Gl 6:14) Chắc chắn không ai và không tôn giáo nào có dạng vinh quang “ngược đời” như Kitô giáo. Người ta sợ đau khổ, nhưng khi đã cảm nhận được đau khổ, người ta lại bị đau khổ thu hút. Chắc chắn rằng những người không có niềm tin Kitô giáo sẽ chẳng bao giờ hiểu được điều đó, thế nên người vô thần bảo tôn giáo là thuốc phiện đã “ru ngủ” các Kitô hữu. Văn sĩ trào phúng Mark Twain (1835-1910, Mỹ) nhận định rất thú vị: “Chẳng thà mình không nói để người ta tưởng mình ngu, còn hơn mở miệng ra để người ta không còn nghi ngờ gì nữa.”

Thực sự cảm nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa, Thánh Vịnh gia hân hoan mời gọi: “Người công chính, hãy reo hò mừng Chúa, kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen. Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm, kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt.” (Tv 33:1-2) Và rồi không thể lặng im, Thánh Vịnh gia còn giải thích: “Vì lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hoà mặt đất.” (Tv 33:4-5)

Là tình yêu, Thiên Chúa thương xót chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân, (Rm 5:8) còn thù nghịch với Ngài, (Rm 5:10) thậm chí Ngài còn chết để cứu độ chúng ta. Tình yêu thương đó quá lớn lao. Thật vậy, Ngài luôn quan tâm chúng ta: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn.” (Tv 33:18-19) Và còn hơn vậy, Ngài biết rõ từng người: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi.” (Ga 10:14)

Thế nhưng có điều đáng quan ngại về chính chúng ta, rất cần xem lại chính mình, như Thánh Giacôbê đã phân tích: “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ ĐẠO ĐỨC HÃO.” (Gc 1:26) Sở dĩ như vậy vì chúng ta vốn dĩ là “kẻ xấu.” (Lc 11:13)

Vừa khuyên nhủ vừa động viên, Thánh Phêrô nói: “Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô. Quả thật, có lời Kinh Thánh chép: Này đây Ta đặt tại Sion một viên đá quý được lựa chọn, làm đá tảng góc tường: kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng.” (1 Pr 2:4-6) Lòng thương xót của Thiên Chúa quá đỗi kỳ diệu, chúng ta không thể nào hiểu nổi. Suốt đời xin tín thác và tạ ơn Ngài!

Về hạnh phúc của những người được tái sinh bởi Nước và Thánh Thần – các Kitô hữu, Thánh Phêrô cho biết thêm: “Vậy vinh dự cho anh em là những người tin, còn đối với những kẻ không tin thì viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường, và cũng là viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã. Họ đã vấp ngã vì không tin vào Lời Chúa. Số phận của họ là như vậy. Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.” (1 Pr 2:7-9) Có nhiều dạng ơn thiên triệu, nói theo bình dân là “ơn gọi,” và ơn gọi nào cũng cao cả: Ơn gọi tu trì, ơn gọi kết hôn, ơn gọi độc thân,… Ơn gọi nào cũng là để hoàn tất sứ mạng theo kế hoạch của Thiên Chúa. Ngài cũng nói với mỗi Kitô hữu như đã nói với Gia-cóp xưa: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta!” (Is 43:1)

Thật tuyệt vời, nhưng Thiên Chúa cần chúng ta vững chí tích cực cộng tác, như Chúa Giêsu đã động viên: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” (Ga 14:1) Cuộc sống đã và đang chứng tỏ cho chúng ta thấy như vậy, đúng là chỉ có Thiên Chúa là cứu cách và cùng đích, thiếu Đức Kitô thì chúng ta không thể làm được gì, dù là điều nhỏ nhoi. (x. Ga 15:5) Chúng ta có hoang mang hoặc lo sợ thì cũng chẳng “chuyển hóa” được gì, đúng như có lần Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được.” (Mt 5:36)

Vì thế, tín nhân phải vững chí sống theo lời khuyên của Chúa Giêsu: “Đừng xao xuyến!” Nói theo kiểu nói ngày nay: “Cứ vô tư mà sống!” Tại sao? Bởi vì lo bạc râu, sầu bạc tóc. Mà có lo cũng chẳng được gì, rồi cái gì đến sẽ đến, lo nhiều chỉ khổ thêm mà thôi. Chúa Giêsu khuyên “đừng xao xuyến” nghĩa là Ngài bảo chúng ta phải vững chí tin vào sự TIỀN ĐỊNH và QUAN PHÒNG của Ngài. Thiết tưởng có điều nên lưu ý: “Không xao xuyến” nghĩa là đừng chạy theo những cái mà người ta cho đó là “sự lạ,” dạng này thường xuyên được người ta “chú ý,” nếu vậy thì chưa thực sự tin vào Thiên Chúa, chưa thực sự tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót.

Chúa Giêsu căn dặn: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14:2-3) Người đời cũng biết nhận định: “Sinh ký, tử quy” (sống gởi, thác về). Thế gian chỉ là chuyến lữ hành về Thiên Đàng, như Thánh nữ Catarina đã khuyên: “Cuộc đời như chiếc cầu, hãy ĐI QUA chứ ĐỪNG DỪNG LẠI trên đó.” Chắc chắn chết không là “dấu chấm hết” mà là cuộc biến đổi, là “ngưỡng” bước vào sự sống vĩnh hằng. Thật hạnh phúc cho chúng ta vì đã được chính Chúa Giêsu hứa: “Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” Đúng là hạnh phúc của mọi hạnh phúc, hơn cả mức tuyệt vời.

Ngày xưa, khi Chúa Giêsu bảo: “Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi.” Ông Tôma đã ngạc nhiên và hỏi ngay: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” Ngài cười hiền: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14:6) Đây là câu “nổi tiếng” trong Kitô giáo, được trích dẫn rất nhiều, và cũng là niềm hy vọng chắc chắn của những người thực sự tin vào Con Thiên Chúa, Đấng nhập thể làm người, chịu chết và Phúc Âm. Rồi Ngài nói thêm: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” (Ga 14:7)

Sau đó, ông Philípphê xin Thầy Giêsu tỏ cho thấy Chúa Cha để được mãn nguyện. Nhưng Ngài trách ông đã ở với Ngài bao lâu rồi mà còn “hỏi ngớ ngẩn” như vậy. Rồi Ngài xác định: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” (Ga 14:9) Chắc chắn đó là cách hiểu vượt quá tầm hiểu của phàm nhân, nếu chúng ta ở bên Chúa Giêsu hồi đó thì chúng ta cũng vẫn “ngớ ngẩn” như Tông đồ Philípphê mà thôi, nhưng có lẽ ngày nay chúng ta cũng chưa hơn người xưa. Buồn thật!

Chính Chúa Giêsu cũng đang nói với mỗi chúng ta qua lời giải thích với ông Philípphê và các tông đồ khác: “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.” (Ga 14:10-12) Có vẻ dài mà không dài, mà là mức độ cần thiết.

Về tầm quan trọng của Đức Tin, Chúa Giêsu lại nhấn mạnh một lần nữa. Thật vậy, khi có đủ niềm tín thác vào Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót luôn quan phòng và tiền định cho mỗi người theo ơn gọi riêng (ơn thiên triệu), người ta sẽ thanh thản và vững chí sống lời khuyên của Thầy Giêsu trong mọi hoàn cảnh. Thánh Vịnh gia minh định: “Chúa là gia nghiệp đời con.” (Tv 16:5-6) Ước gì mỗi Kitô hữu chúng ta cũng khả dĩ xác định như vậy!

Lạy Thiên Chúa, xin ban thêm đức tin và lòng can đảm để chúng con không bị dao động trước mọi nghịch cảnh, ngay cả khi đối diện với kẻ thù, mặc dù chúng con chỉ là bụi tro dám làm bận mắt Ngài. Xin làm cho chúng con nên thánh theo kế hoạch mầu nhiệm của Ngài, xin ban Thánh Thần để chúng con vững chí bước đi trên hành trình đức tin. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Về mục lục

SUY NIỆM CHÚ GIẢI LỜI CHÚA-CHÚA NHẬT 5 PS_A

Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật V Phục Sinh tập trung đề tài vào Giáo Hội.

Cv 6: 1-7

Bài Đọc I, trích từ sách Tông Đồ Công Vụ, cho chúng ta biết rằng Giáo Hội sáng tạo cơ cấu đầu tiên của mình: lập “nhóm Bảy Người” là một hình thức mới của công việc phục vụ.

1Pr 2: 4-9

Thánh Phê-rô viết rằng Giáo Hội đặt nền móng trên viên đá sống động là Đức Giêsu Kitô. Những người Ki-tô hữu cũng là những viên đá sống động, vì họ tiếp tục xây nên Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.

Ga 14: 1-12

Tin Mừng hôm nay là phần đầu bài diễn từ cáo biệt của Đức Giêsu với các môn đệ Ngài trong Tiệc Ly. Đức Giêsu giải thích cho họ biết nơi mà Ngài dẫn những người tin vào Ngài đi là nhà Cha của Ngài.

BÀI ĐỌC I (Cv 6: 1-7)

Bài Đọc I tường thuật một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của Giáo Hội tiên khởi: việc lập “nhóm Bảy Người” khác với “nhóm Mười Hai”. Giữa cộng đoàn Giêrusalem, bảy thành viên được chọn nhằm mục đích phụ giúp công việc với các Tông Đồ. Thánh Luca đưa ra hai lý do cho quyết định này: trước tiên, số các tín hữu ngày càng đông khiến cho các Tông đồ không thể nào đảm đương công việc điều hành cộng đoàn được. Thêm nữa, sự bất hòa giữa những “Kitô hữu Do thái bản địa” và những “Kitô hữu Do thái hải ngoại”.

Trong cộng đoàn Giêrusalem, có những Kitô hữu Do thái sinh trưởng ở Paléttin và nói tiếng Aram, và những Kitô hữu Do thái sinh trưởng ở hải ngoại, trở về định cư ở Giêrusalem và nói tiếng Hy-lạp. Ở Giê-ru-sa-lem có những hội đường, ở đó phụng vụ ngày sabát được cử hành bằng tiếng Hylạp, Kinh Thánh được sử dụng là bản Bảy Mươi, bản dịch Hy-ạp. Số người Kitô hữu Do thái hải ngoại này chắc chắn là thiểu số.

1. Mối bất hòa

Chung chung người phụ nữ Do thái lập gia đình rất sớm và thường vẫn còn sống sau khi chồng đã qua đời. Vì thế, số lượng các bà góa có thể là khá đông. Bổn phận giúp đỡ các bà góa phát xuất từ lòng đạo đức truyền thống. Trong việc phân phát lương thực hằng ngày, những cuộc tranh cãi nổi lên giữa các bà góa: các bà góa thuộc khối Do thái hải ngoại nghĩ rằng mình không được quan tâm bằng các bà góa thuộc khối Do thái bản địa. Chính mối bất hòa này tạo cơ hội cho các Tông Đồ siêu thoát những bận lòng vật chất để “chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa”.

2. Việc tuyển chọn Nhóm Bảy Người

Chính cộng đoàn chỉ định bảy người: “Họ chọn các ông… đưa các ông ra và giới thiệu với các Tông Đồ”. Các tiêu chuẩn để chọn lựa nhóm bảy người là “được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan”. Nếu con số “Mười Hai” tượng trưng cho mười hai chi tộc Ít-ra-en (Mc 3: 14) thì con số “Bảy” được ấn định chắc chắn vì tính thánh thiêng và ý nghĩa viên mãn của nó, nhưng cũng có thể vì con số bảy tượng trưng cho bảy dân tộc ngoại giáo ở xứ Ca-na-an (Cv 13: 19). Như vậy, việc thiết lập nhóm Bảy Người nói lên hướng đi mới của Giáo Hội, đã đến lúc Giáo Hội và Tin Mừng Đức Ki-tô không còn bị giới hạn nơi những anh em Do thái, nhưng phải được phổ biến rộng rãi nơi các dân ngoại.

Dường như tất cả bảy cộng tác viên này được chọn giữa khối Ki-tô hữu Do thái hải ngoại, chắc chắn chủ yếu cốt là làm dịu đi sự bất đồng của khối này. Quả thật, tất cả tên của bảy cộng tác viên đều tên Hylạp. Dù thế nào, sự chọn lựa này chứng thực rằng cộng đoàn Giê-ru-sa-lem chấp nhận mở rộng mình ra hơn nữa với thế giới ngôn ngữ và văn hóa Hylạp. Thật đáng chú ý khi mà trong số bảy cộng tác viên, có một người tên là Nicôla quê Antiôkia, gốc dân ngoại, đã theo đạo Do thái, đoạn Kitô giáo. Ông là người Kitô hữu gốc dân ngoại đầu tiên đón nhận thừa tác vụ chính thức trong Giáo hội.

3. Nghi thức đặt tay

“Sau khi cầu nguyện, các Tông đồ đặt tay trên các ông”. Việc đặt tay có nghĩa truyền đạt quyền hành hay phẩm chất đặc biệt. Trong đạo Do thái, nghi thức này đã được thực hành từ xa xưa. Ông Môsê đã đặt tay trên ông Giô-suê và “ông đã được đầy tràn thần khí khôn ngoan” (Đnl 34: 9). Để là thành viên Thượng Hội Đồng, phải được Thượng Tế đặt tay.

Việc đặt tay trên bảy cộng tác viên chứng thực rằng ngay từ đầu người ta thấy trước rằng công việc của họ sẽ không bị giới hạn ở nơi “việc phân phát lương thực hàng ngày”. Quả thật, sau đó vì nhu cầu mục vụ đòi hỏi, bảy cộng tác viên ấy cũng tham dự vào việc phục vụ Lời Chúa như các Tông Đồ; và rồi do hoàn cảnh bách hại, họ chạy trốn ra ngoài xứ Pa-lét-tin và trở thành những nhà truyền giáo đầu tiên.

4. Nhiều tư tế đón nhận đức tin

Thánh Luca không bao giờ quên nhấn mạnh đức tin Kitô giáo phát triển rất nhanh, vì thế thánh ký nêu ra một số lượng lớn các tư tế Do thái đón nhận đức tin Ki-tô giáo. Chi tiết này rất quý báu vì nó giúp cho chúng ta hiểu biết hơn nỗi lo lắng của giáo quyền Giêrusalem và cuộc bách hại sắp giáng xuống trên cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, khởi đi với việc sát hại một trong bảy cộng tác viên là thánh Têphanô.

BÀI ĐỌC II (1Pr 2: 4-9)

Đoạn trích thư thứ nhất của thánh Phêrô hôm nay, hòa hợp với hai bài đọc khác, nói với chúng ta về Giáo Hội, cơ cấu của Giáo Hội, sứ mạng của Giáo Hội và nền tảng của Giáo Hội là Đức Kitô.

Chúng ta nên nhớ rằng thư này được gởi đến cho những Kitô hữu đang chịu đau khổ, bị vu khống và ít nhiều bị loại bỏ. Vì thế, thánh Tông đồ nhắc họ nhớ rằng đức tin kiên vững đặt nền tảng trên Đức Kitô, “viên đá sống động” bị con người loại bỏ, nhưng được Thiên Chúa chọn.

1. Ẩn dụ của đá

Một mặt, “đá” tự nhiên gợi ra ngay tức khắc yếu tố vững chắc, bền vững trước mắt chúng ta. Vì thế, chẳng có gì phải ngạc nhiên khi thấy phần lớn các dân tộc liên kết đá với việc cúng tế các vong nhân, như niềm hy vọng vào cuộc sống bất diệt. Mặt khác, Đức Kitô được gọi là “viên đá sống động”, chính vì Ngài đã chiến thắng sự chết và phân phát sự sống vô tận. Thêm nữa, đây là hình ảnh mang chiều kích thiên sai mà Kinh Thánh đã nhiều lần gợi lên: viên đá quí giá (Is 28: 16), đá tảng góc tường (Tv 118: 22), phiến đá độc nhất (Dcr 3: 9). Vì thế, “đá” trước tiên phải là Đức Ki-tô, rồi đến chính vị lãnh tụ của Giáo Hội, người mà Đức Giê-su  gọi là “Kepha”, nghĩa là “đá tảng”.

2. Viên đá sống động

“Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi đền thờ của Chúa Thánh Thần”, nghĩa là được Chúa Thánh Thần ở cùng, theo kiểu nói của thánh Phao-lô: “Anh em là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên” (1Cr 3: 9). Ở đây, chúng ta có thể nhấn mạnh động từ “xây” mà thánh Phêrô sử dụng cũng là động từ mà Đức Kitô sử dụng khi Ngài nói với Phêrô: “Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy”.

3. Chức tư tế thánh

“Hãy để Người đặt anh em hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Ki-tô”. Bản dịch của nhóm CGKPV này có thể khiến chúng ta nghĩ rằng đây cốt là chức tư tế thừa tác. Trái lại, bản văn này gợi lên chức tư tế của toàn thể Giáo Hội: Chức Tư Tế Cộng Đoàn. Bản TOB dịch chính xác hơn: “Anh em được xây dựng thành ngôi nhà của Chúa Thánh Thần để hình thành nên một cộng đồng tư tế thánh”.

4. Hiến lễ thiêng liêng

“Dâng những hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô”. Cách diễn tả này rất gần với tư tưởng của thánh Phaolô, ví dụ như trong thư gởi tín hữu Rôma: “Tôi khuyên anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12: 1).

5. Lương dân hoán cải và người Do thái cứng lòng tin

Biểu tượng “đá” thúc đẩy thánh Phê-rô đề cập đến một vấn đề đau đớn tận đáy lòng mình: việc dân Ít-ra-en loại bỏ Đức Kitô. Thật cảm động khi thấy rằng thánh nhân đau xót biết bao trước sự lòng cứng tin của dân mình: thánh nhân cố gắng hiểu, trong ánh sáng Kinh Thánh, tại sao sự chọn lựa của Thiên Chúa lại không đạt đến đích. Biểu tượng “đá” chứa đựng một biện chứng: căn nguyên của ơn cứu độ hay cớ vấp ngã. Đức Ki-tô là dấu chỉ mâu thuẫn. Ngài đòi buộc một sự chọn lựa: Ngài là điểm tựa cứu độ hay tảng đá vấp ngã.

A- Căn nguyên của ơn cứu độ

Trước hết, “đá” có thể là hình ảnh về một sự vững chắc của toà kiến trúc: đá nền hay đá góc tường (đá này có thể chỉ đá chóp đỉnh để đảm bảo sự cố kết của tòa nhà). Theo ngôn ngữ biểu tượng: một phần thay cho toàn thể, đá có nghĩa toàn khối kiến trúc. Bản văn Is 28: 16: “Này đây Ta đặt tại Xi-on một viên đá quý được lựa chọn, làm đá tảng góc tường: kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng” mà thánh Phêrô trích dẫn, thật dễ dàng ủng hộ cách giải thích theo chiều hướng thiên sai. Viên đá quý giá mà Đức Chúa tuyển chọn để xây dựng dân Ngài sẽ là Đấng Thiên Sai, Đấng Mêsia của Ngài.

“Kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng. Vậy, vinh dự cho anh em là những người tin”, trong câu này, chữ “vinh dự” đối lập với chữ “thất vọng”; nhưng đồng thời chữ “vinh dự” theo từ Hy lạp này cũng có nghĩa là “giá trị” vì thế gợi lên viên đá quý chính là Đức Kitô; nghĩa là trong Đức Kitô, những người tin cũng trở nên những viên đá quý. Những sắc thái ngữ nghĩa của bản văn khó diễn tả cho hết được.

 B- Cớ vấp ngã

Thánh Phê-rô tiếp tục tìm kiếm trong Kinh Thánh tại sao dân Do thái cứng lòng tin. Thánh nhân kết hợp Tv 118: 22: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường” với Is 8: 14: “Một hòn đá làm cho vấp, một hòn đá làm sẩy chân” vào trong cùng một câu trích dẫn. Thánh Phê-rô lấy lại hình ảnh này để chứng minh trước Thượng Hội Đồng, sau khi thánh nhân bị bắt: “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, người Nadarét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho chỗi dậy từ cõi chết… Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường” (Cv 4: 10-11).

Thánh nhân nói trong bài đọc hôm nay, “Họ đã vấp ngã vì không tin vào Lời Chúa. Số phận của họ là như vậy”. Đây không là chứng nhận số phận đã định trước, nhưng lời ta thán buồn phiền trước việc lời các ngôn sứ được ứng nghiệm, các ngài đã thấy trước sự loại bỏ này.

Đức Giêsu đã trích dẫn cũng chính lời tiên báo của Tv 118 sau khi đã kể dụ ngôn những tá điền sát nhân: “Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21: 42-43).

Dân Thiên Chúa mới này, dân mà thánh Phê-rô viết cho họ, đó là những dân ngoại trở lại đạo rất đông. Chính đó là những tước hiệu tuyệt vời mà xưa kia Đức Chúa đã trao tặng cho dân Ít-ra-en, từ nay được áp dụng cho dân mới này: “Còn anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa…”.

TIN MỪNG (Ga 14: 1-12)

Đoạn văn này được định vị ở phần đầu của diễn từ cáo biệt mà Đức Giêsu ngỏ lời với các môn đệ của mình trong bữa ăn cuối cùng mà Ngài tham dự với họ.

1. Bối cảnh

Trước khi rời bỏ họ để bước vào cuộc Khổ Nạn của mình, Ngài nói với họ thật thân thương và trìu mến: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy”. Ngài cố làm cho các ông hiểu biết hơn con người của Ngài và sứ mạng của Ngài. Ngài gợi lên tương lai theo cung bậc ngôn sứ. Ngài vừa mới loan báo cho họ một người trong họ phản bội Ngài và cho Phê-rô biết ông sẽ chối Ngài.

Nỗi buồn phiền chắc chắn hiện lên trên gương mặt của họ, vì Đức Giêsu nói với họ: “Anh em đừng xao xuyến!”. Tiếp đó, Ngài ra sức cũng cố niềm tin của họ: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Là những người Do thái mộ đạo, các Tông đồ tin vào Đức Chúa, nhưng họ không thể nào hiệp nhất giữa Đức Giêsu và Đức Chúa, vị Thiên Chúa mà họ tôn thờ. Có thể nào Đấng Mêsia là chính Thiên Chúa sao? Vì thế, Đức Giêsu sẽ nhấn mạnh sự duy nhất của Ngài với Cha Ngài. Diễn từ của Ngài sẽ xoay quanh sự duy nhất này. Độc thần giáo tuyệt đối của Do thái giáo bất khả chuyển lay, nhưng đó không là một điều hiển nhiên.

Đức Giêsu sẽ trấn an các môn đệ theo hai cách: khi gợi lên rằng họ sẽ hội ngộ với Ngài trong nhà Cha Ngài (Tin Mừng Chúa Nhật tuần này) và khi loan báo cho họ rằng Ngài sẽ hiện diện bên cạnh họ theo hình thức khác qua việc sai phái Thần Khí của Ngài (Tin Mừng Chúa Nhật tuần tới).

2. Họ sẽ hội ngộ với Ngài trong nhà Cha Ngài

“Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở”. Căn nhà ở miền Pa-lét-tin có kích thước nhỏ bé, vì thế để làm cho các môn đệ hiểu rằng có chỗ cho nhiều người trong nhà Cha Ngài, Đức Giêsu gợi lên nhiều chỗ ở, nhưng Ngài không đặt bất kỳ thứ bậc của những chỗ ở này, không nói về nhiều cấp độ khác nhau trong hạnh phúc thiên giới. Ngài xác định rằng chính Ngài sắp xếp: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em”.

“Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”. Đức Giêsu không hứa hẹn một cuộc hội ngộ với các môn đệ vào thời cánh chung, nhưng cái chết sắp đến của Ngài sẽ mở rộng nhà của Cha Ngài, như thế cái chết là lối vào sự sống. Chúng ta đọc các bản văn này chính xác sau lễ Vượt Qua bởi vì biến cố vượt qua soi sáng những lời này. Tuy nhiên, các môn đệ chưa nhận được ánh sáng này, vì thế họ không hiểu, họ xao xuyến. Thánh Tôma là một con người thực tiễn, thích những chính xác cụ thể, hỏi: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu?”.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giêsu gặp phải sự ngộ nhận này. Ngài thường lợi dụng sự ngộ nhận này để khai triển cuộc đối thoại đi xa hơn và dẫn đưa người đối thoại của Ngài vào trong thế giới của những thực tại vô hình.

3. “Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”

Chữ “đường” thuộc từ vựng tôn giáo của Do thái giáo: chữ này chất nặng lịch sử, nhắc nhớ cuộc hành trình băng qua sa mạc và đám mây sáng chói soi lối chỉ đường về Đất Hứa. Vào thời trở về từ cuộc lưu đày, một sứ giả “đã chuẩn bị con đường cho Đức Chúa”. Đức Giêsu đã lấy lại hình ảnh này lần đầu tiên khi gợi lên rằng “con đường dẫn đến sự sống” thì chật hẹp, trong khi con đường dẫn đến họa diệt vong thì rộng mở thênh thang (Mt 7: 8).

Trong Tin Mừng Gioan, chữ “đường” chỉ một thực tại sâu xa hơn. “Thầy là đường”: Chính Đức Giê-su là đường, không phải chỉ bởi giáo huấn của Ngài, nhưng bởi vì con người của Ngài là sự hiện diện thần linh. Ẩn dụ “Đường” nối kết với ẩn dụ Cửa: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10: 9).

“Thầy là Sự Thật”. Đức Giêsu đã mặc khải Chúa Cha và kế hoạch cứu độ của Cha Ngài cho con người. Ngài là phát ngôn viên của Cha: “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra”. Ngài là chứng nhân của Sự Thật.

“Thầy là Sự Sống”. Đức Giêsu là Thiên Chúa đang sống giữa con người, vị Mục Tử đến cho chiên “được sống và sống dồi dào” (Ga 10: 10). Ngài là “bánh ban sự sống” và Lời Ngài cũng là sự sống: “Ai tuân giữ lời tôi sẽ không chết bao giờ”, v.v…

Nói cho cùng, Đức Giê-su là “Đường” dẫn chúng ta đến “Sự Thật và Sự Sống”. Nhưng Ngài cũng là “Sự Thật và là Sự Sống”. Vì thế, ai đi theo Ngài, thật sự sống trong “Sự Thật và Sự Sống” ngay khi còn sống trong trần thế rồi.

4. Biết Đức Giêsu chính là biết Cha Ngài

Vì muốn các môn đệ Ngài thấu hiểu hơn nữa mầu nhiệm con người của Ngài, Đức Giêsu tiếp tục gợi lên chân tính của mình. “Ấy vậy, chân tính của Ngài chính là Con Thiên Chúa”.

“Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy”. Trong Tin Mừng thứ tư, động từ “biết” có một ngữ nghĩa rất mạnh: động từ này diễn tả một nhận thức của trí tuệ được tình yêu soi sáng, một sự thông hiệp trong mối tâm giao thật sự. Sự hiểu biết tròn đầy là sự hiểu biết hổ tương giữa Cha và Con. Sau này, trong lời cầu nguyện của Ngài, Đức Giêsu nói: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17: 3). Các môn đệ nhận biết Cha rồi vì họ tin vào Con, và sống trong tình yêu của Ngài. Đức Giêsu, nên một tròn đầy với Cha, nói: “Nếu anh em biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ anh em biết và đã thấy Ngài”.

Chính lúc đó thánh Philipphê góp phần vào câu chuyện. Chúng ta biết vị Tông Đồ này chỉ qua Tin Mừng Gioan, trong đó ông xuất hiện bốn lần: ơn gọi của Philipphê (Ga 1: 43), bánh hóa nhiều (Ga 6: 5), những người Hy lạp xin được gặp Đức Giêsu (12: 21) và đoạn Tin Mừng hôm nay (Ga 14: 8). Philipphê vốn bản tính ngay thẳng và nhiệt thành, ông đòi hỏi một cuộc “thần hiển”, ông muốn “thấy Thiên Chúa”. Như thế là mãn nguyện lắm rồi. Khát vọng này là khát vọng của tất cả mọi người: thấy Thiên Chúa, biết chắc chắn Ngài hiện hữu, thấu hiểu mầu nhiệm cao vời nhất.

Như khát vọng của tất cả mọi nguời Do thái, ông ao ước được thấy Thiên Chúa hiện diện trong uy nghi sáng chói như cuộc thần hiển trên núi Xi-nai xưa. Thế nhưng cuộc thần hiển theo kiểu ấy không còn nữa kể từ ngày Ngôi Lời Nhập Thể. Thiên Chúa sẽ không còn xuất hiện trong sấm chớp chói lòa khiến con người khiếp sợ không dám đến gần, nhưng hiện diện trong hình hài nhân loại của Đức Kitô, để từ đây ai thấy Chúa Giêsu là thấy Đức Chúa Cha.

4. Công việc của Ngài chính là chứng nhân

Sau khi nhấn mạnh sự đồng nhất giữa Ngài và Cha Ngài, Đức Giêsu nói tiếp: “Anh em cứ tin Thầy đi: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không, thì ít ra hãy tin vì công việc Thầy làm”. Đức Giêsu nhắc cho những tâm trí quá thực tiễn này nhớ công việc mà Ngài đã làm: đây không ám chỉ đến những dấu lạ của Ngài cho bằng sứ vụ và hành động cứu độ của Ngài. Đức Giêsu hứa với các môn đệ Ngài rằng họ sẽ làm những việc Ngài làm, nhưng còn làm những việc lớn lao hơn thế nữa, bởi vì công việc của họ sẽ được mở rộng khắp cùng cõi đất.

Từ nay, không ai có thể tin vào Thiên Chúa mà không tin vào Đức Ki-tô. Lời dạy này tóm gọn tất cả Tin Mừng.

Về mục lục


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...