28/09/2024
267

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN – B

Lời Chúa: Ds 11,25-29;  Gc 5,1-6;  Mc 9,38-43.45.47-48
---------------------------------------

Mục lục

1. Thiên Đàng và Hỏa Ngục (Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Chủ nghĩa loại bỏ  (Jorathe Nắng Tím)

3. Yêu thương là thế  (Lm. Jos DĐH. Gp.Xuân Lộc)

4. Làm cớ sa ngã  (Lm. Thái Nguyên)

5. Ơn gọi nên thánh  (Bông Hồng Nhỏ, Học viện MTG.Thủ Đức)

6. Để vào Nước Chúa  (Thiên San, Học viện MTG.Thủ Đức)

7. Nguyên tắc cởi mở  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

8. Quyền lợi  (Lm. Giuse Trần Việt Hùng)

9. Cấp độ  (Trầm Thiên Thu)

 

THIÊN ĐÀNG VÀ HỎA NGỤC

Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên

Con người sống ở đời luôn luôn phải lựa chọn. Làm thế nào để khôn ngoan chọn lựa cho mình những điều tốt đẹp và hạnh phúc lâu dài. Bối cảnh xã hội, cùng với những nguyên nhân, chủ quan và khách quan, nhiều khi làm cho người ta lầm lạc. Có những khi tưởng là chắc chắn vững bền mà thực ra chỉ là đuổi mồi bắt bóng. Đối với người tin Chúa, cuộc sống luôn là sự chọn lựa giữa Thiên Chúa và thế gian, giữa Thiên đàng và hoả ngục. Vì con đường hạnh phúc là con đường hẹp, còn con đường hư hỏng lại rộng rãi thênh thang, nên sự chọn lựa này nhiều khi rất cam go, khiến chúng ta phải hy sinh mất mát vật chất cũng như tình cảm.

Bài Tin Mừng hôm nay như một tổng hợp nhiều bài học giáo huấn trong một đoạn văn ngắn. Tác giả Luca chắc hẳn đã thu góp sưu tập những lời giảng dạy của Chúa, rồi đặt chúng bên cạnh nhau theo một lối hành văn cô đọng có chủ ý gửi gắm những thông điệp cụ thể.

Trước hết, Chúa Giêsu dạy chúng ta về tình liên đới hài hoà để chống lại sự ghen tị chia rẽ. Đây cũng là giáo huấn mà chúng ta đã nghe trong Lời Chúa Chúa nhật trước. Tông đồ Gioan khó chịu khi thấy những người khác nhân danh Đức Giêsu mà trừ quỷ. Lập luận của ông thuần tuý trần tục, với tư tưởng phe cánh: ai không cùng nhóm với các môn đệ Thày thì không thể nhân danh Thày. Gioan cũng như một số môn đệ khác tự cho mình là được ưu tuyển, là chính danh, để coi thường những người khác và muốn phủ nhận những điều tốt lành họ đang làm. Chúa Giêsu không quan niệm như thế. Người khẳng định: Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. Sự ganh tị cũng được nhắc tới trong Bài đọc I. Ông Giosuê, người sau này sẽ trở thành thủ lãnh kế vị ông Môisen, cũng ghen tương với những người khác và không chấp nhận cho họ nói tiên tri, trong khi chính Chúa ban cho họ khả năng ấy. Điều đó cho thấy sự nhỏ nhen của của người. Họ muốn giành quyền Thiên Chúa để phán xét theo cái nhìn thiển cận và ghen tương của mình. Chúa dạy chúng ta hãy có cái nhìn công bằng hơn. Bất cứ ai làm điều tốt, dù họ thuộc về phe phái chính trị hoặc về tôn giáo nào, đều đáng trân trọng. Thiên Chúa là nguồn gốc của Chân, Thiện, Mỹ, nên những ai làm những thiện hảo và tốt đẹp đều đang hướng về Chúa và mặc dù không ý thức điều đó, họ vẫn đang diễn tả vẻ đẹp và sự tốt lành của Ngài.

Từ khái niệm hài hoà yêu thương, Đức Giêsu nhắc đến tình liên đới của những ai muốn làm môn đệ Chúa. Hình ảnh một chén nước lã quá đơn giản, mà khi được trao tặng với tư cách là môn đệ của Chúa, sẽ mang lại những lợi ích lớn lao. Trong bài giảng về ngày phán xét chung (x. Mt 25,31-46), Chúa Giêsu còn nhắc tới giáo huấn này. Hơn nữa, Người còn đồng hoá mình với những người bé mọn, cô thế cô thân và bất hạnh đau khổ.

Chọn lựa Thiên đàng chính là chọn lựa tình liên đới và yêu thương. Hoả ngục là nơi dành cho những người ghen ghét hận thù. Lời giáo huấn của thánh Giacôbê mang âm hưởng của vị Thẩm phán trong ngày cánh chung. Tác giả nghiêm khắc khiển trách những người giàu, vì họ chỉ lo tích trữ của cải mà vô cảm với những người nghèo xung quanh. Một cách đặc biệt, thánh Giacôbê lên án những người làm giàu bất chính, thu lợi từ những hành vi gian lận của người nghèo. Họ sẽ phải nhận được hậu quả do những việc ác họ đã làm.

Sống ở đời, con người không phải là những ốc đảo riêng rẽ cô đơn, nhưng liên đới với nhau trong hạnh phúc cũng như trong đau khổ. Mỗi hành vi cử chỉ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, mà còn liên luỵ hoặc làm dịp cho người khác vấp phạm. Đối với Chúa Giêsu, những người làm gương xấu thật đáng lên án, đến nỗi thà buộc cối đá lớn vào cổ mà quăng xuống biển. Điều đó có nghĩa những việc xấu gây nên những hậu quả vô cùng tai hại cho những người xung quanh, nhất là đối với những người đơn sơ và trẻ em.

Như đã nói ở trên, cuộc sống là sự chọn lựa giữa ánh sáng và bóng tối, cái thiện và cái ác, sự thánh thiện và tội lỗi, Thiên đàng và hoả ngục. Chân, tay, mắt là ba phương tiện chính yếu để thực thi mối tương giao với người khác. Vì vậy, cần phải có con mắt trong sáng và phải có những hành vi thiện lành. Chắc chắn Chúa không đòi chúng ta phải chặt chân, chặt tay hay móc mắt, nhưng Chúa muốn chúng ta dành cho Chúa một tình yêu ưu tiên, vượt lên trên mọi tình cảm và quyền lợi trần gian, nhờ đó chúng ta sẽ đạt được gia nghiệp vĩnh cửu Chúa dành cho ai trọn tình yêu mến Ngài.

Một tác giả đã viết: Người quân tử khắt khe với bản thân và rộng rãi với người khác. Ý tưởng này được nhấn mạnh trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Cách nói tạo hình ảnh gây ấn tượng như chặt chân, chặt tay, móc mắt… diễn tả sự chọn lựa cương quyết giữa hạnh phúc đời này với hạnh phúc đời sau, giữa sự thanh thỏa nội tâm với những bổng lộc trần thế. Đây cũng là cách khẳng định mạnh mẽ về sự dứt khoát từ bỏ những nguyên nhân gây nên tội ác, để trung tín với Đấng đã hy sinh mạng sống vì yêu thương chúng ta.

Tương lai của chúng ta là Thiên đàng hay hoả ngục? đó là kết quả do sự lựa chọn của chúng ta.

Về mục lục

CHỦ NGHĨA LOẠI BỎ

Jorathe Nắng Tím

 “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 40), Đức Giêsu cho chúng ta thấy đường vào Nước Trời luôn rộng mở cho mọi người, và muốn chúng ta trở nên những hướng dẫn viên, bạn đồng hành có tâm hồn hào sảng, cởi mở, từ tâm của mọi người trên đường đến gặp Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất.

Khuynh hướng loại bỏ là khuynh hướng sẵn có ở mỗi người, phát sinh từ ích kỷ, khi chỉ nghĩ đến mình và tìm bảo vệ mình cách an toàn nhất, xây dựng cho mình vị thế vững chắc nhất, thu gom cho mình bao nhiêu lợi lộc có thể. Khuynh hướng loại bỏ ấy sẽ nảy mầm và lớn lên tạo thành nếp sống, mà người ta gọi là “văn hoá”, để rồi đạt đến đỉnh cao được gọi là chủ nghĩa loại bỏ.

Ngay những trang đầu của Kinh Thánh, khuynh hướng loại bỏ đã được đề cập khi Cain quyết đinh loại bỏ em mình, bằng việc dụ em ra ngoài đồng và “xông đến giết Aben” (St 4,6). Cain đã loại bỏ em khỏi thế giới người sống, không muốn em cùng sống trên cõi đời, vì sự hiện diện của em đang trở thành đe dọa cho anh, khi Thiên Chúa Giavê đã nhận lễ vật của Aben, mà không nhận lễ vật của Cain (x. St 4, 3-5).

Ngày nay, khuynh hướng loại bỏ đã đạt đến đỉnh điểm khi biến thành chủ nghĩa: người ta không còn ngẫu nhiên, ngẫu hứng hay vô ý, vô tình loại bỏ những người chống lại mình, không đồng tình với mình, không cùng đảng phái, phe nhóm, vùng miền, nhưng phần đông đã không còn  lấn cấn, do dự, không ngại ngùng, dè dặt, không hối tiếc, ân hận loại bỏ người chung quanh một cách thoải mái, dễ dàng, bởi loại bỏ đã trở thành chủ nghĩa, chủ trương, đường lối để đạt thành công.

Chúng ta hãy nhìn vào đường lối cai trị của những nhà độc tài, toàn trị trên thế giới, như Hitler khi ông loại bỏ không tiếc thương tất cả những con người mà theo ông không còn có lợi cho nước Đức. Họ là những người tàn tật, bệnh hoạn, thiểu năng, đồng tình luyến ái, những người Do Thái mà ông thù ghét, và những ai có ý đồ, hoặc hành vi chống lại chế độ Đức Quốc Xã của ông. Những trại tập trung khổng lồ, và lò hơi ngạt sát sinh đã là phương tiện thực hiện hữu hiệu chủ nghĩa loại bỏ kinh khủng này.

Nhưng chủ nghĩa loại bỏ đã không dừng lại ở bàn tay những nhà độc tài phi nhân. Trái lại, nó len lỏi khắp nơi và đang dữ dội tàn phá xã hội loài người. Len lỏi vào đời sống gia đình, khi người già bị bỏ rơi, không được quan tâm, vì không còn khả năng sinh lời, sản suất; thai nhi bị loại bỏ vì phiền hà, rắc rối; người nghèo, người bệnh, người mù chữ bị loại bỏ, vì là gánh nặng và lực cản đà tiến của xã hội.

Chưa hết, ngay trong sinh hoạt tôn giáo, trong cách cư xử giữa những người đồng đạo, chúng ta cũng bị chủ nghĩa loại bỏ của xã hội thực dụng ảnh hưởng trầm trọng, mà nhiều khi chúng ta không nhận ra.

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã không chỉ không đồng tình với khuynh hướng  và chủ nghĩa loại bỏ, nhưng còn đi xa hơn, đi rất xa, và điều Ngài nói đã làm sửng sốt các môn đệ có mặt, và đặt ra cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ:

Đức Giêsu không đồng tình với đề nghị “ngăn cản” những người nhân danh Ngài mà trừ quỷ, dù họ không đi theo Ngài của các môn đệ,  khi các ông thưa với Ngài: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ qủy. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9, 38).

Các môn đệ cho mình là có lý, và nắm chắc Đức Giêsu sẽ ủng hộ quan điểm và đường lối “loại bỏ” của mình, khi đưa ra lý do được coi là chính đáng: “vì người ấy không theo chúng ta”. Theo các ông, “không theo chúng ta” nên không có quyền nhân danh tập thể của chúng ta, không theo Thầy như chúng con, nên không được phép nhân Thầy như chúng con, nhưng rất tiếc, các ông đã ngỡ ngàng vì câu trả lời bất ngờ của Ngài: “Đừng ngăn cản người ta” (Mc 9, 39).

Các môn đệ còn hết hồn, ngã ngửa khi Đức Giêsu đưa ra lý do: “Vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy” (Mc 9,39).

Lý do Ngài đưa ra rất đơn giản, dễ hiểu đối với mọi người: vì không ai ngu dốt, dại khờ đến độ nói xấu, hạ nhục người mình vừa mới nhân danh để làm phép lạ, bởi nếu nói xấu người mình “lấy danh nghĩa, cậy đến tên” mà làm một việc tự mình không làm được, thì khác nào tự bôi bác, tự hạ thấp giá trị, và tư phủ nhận chính mình.

Ở đây, chúng ta thấy Đức Giêsu đặt trọng tâm vào việc “làm vinh danh Thiên Chúa”, nghĩa là đặt “Thánh Danh Thiên Chúa, Tên Thiên Chúa” trên tất cả, trước tất cả, bởi chính Danh Thánh ấy mới là mục tiêu con người phải tìm kiếm, và chỉ nhờ Danh Thánh ấy, phép lạ mới được thực hiện, nên bất cứ con người nào, ở vị thế, hoàn cảnh, giai tầng nào cũng không quan trọng, vì không là yếu tố quyết định, không là sức mạnh thánh thiêng đã  làm nên những phép lạ cả thể, phi thường như trừ quủy, chữa các bệnh nan y…

Quả thực, Đức Giêsu trong Tin Mừng đã công khai chống lại chủ nghĩa loại bỏ, chủ nghĩa đang làm tàn úa mùa xuân “Nước Trời đã ở giữa chúng ta”, chủ nghĩa đang phá vỡ không ít công trình cứu độ của Thiên Chúa, chủ nghĩa đang phủ nhận chính Thiên Chúa khi loại bỏ con người, bằng cách dạy chúng ta tinh thần cởi mở đón nhận, cởi mở đồng hành, cởi mở hợp tác với mọi người thiện tâm, bởi khi tâm thiện, khi trái tim mang thiện chí, người ta sẽ tự khắc nhận ra Thiên Chúa, biết tên Ngài và  “nhân danh” Ngài, như lời chúc của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh: “Bình an cho người thiện tâm dưới thế” (Lc 2,14).

Khẳng định: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 40), Đức Giêsu cho chúng ta thấy đường vào Nước Trời luôn rộng mở cho mọi người, và muốn chúng ta trở nên những hướng dẫn viên, những bạn đồng hành có tâm hồn hào sảng, cởi mở, từ tâm của mọi người trên đường đến gặp Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất.

Về mục lục

YÊU THƯƠNG LÀ THẾ

Lm. Jos DĐH.

Câu truyện ngụ ngôn “Bõ đũa”, ít nhiều gì chúng ta cũng đã đọc, đã nghe. Truyện kể về người cha già có 3 người con, chúng không thương yêu nhau, và còn ganh ghét nói hành nói xấu nhau. Một hôm người cha gọi các con lại và nói, đây là bõ đũa, nếu ai bẻ gẫy được, cha sẽ thưởng cho túi tiền này. Và rồi từ người anh cả, đến anh kế, cho đến em út, tất cả đã lấy hết sức mà bẻ bõ đũa, nhưng anh em họ không thể bẻ gãy. Sau đó, người cha đã rút ra từng chiếc đũa và bẻ thì thật dễ dàng, người cha ân cần nói: nếu các con chia rẽ, không yêu thương nhau, chúng con sẽ giống như chiếc đũa riêng lẻ này, sớm bị giông lốc cuộc đời bẻ gẫy mất mà thôi. Biết sống hiệp nhất, yêu thương nhau, chúng con sẽ thành công, chúng con mới thực sự là con của cha.

Cuộc sống quanh ta không thiếu những bài học trân quý: lấy của che thân, không ai lấy thân che của ; hoặc người sống của còn, người chết của hết. Lấy quyền cha mẹ răn dạy con cháu thì đúng rồi, tuy nhiên, sẽ không thích hợp, khi bậc sinh thành dùng uy quyền để hù doạ con cháu. Trong tương quan xã hội: mạnh được yếu thua, nhất thế nhì thân, cậy quyền cậy thế, đã thực sự “làm hỏng” mơ ước của tiền nhân “hậu sinh khả uý” ! Khuynh hướng muốn được nổi danh nổi tiếng, hoặc ghen ăn tức ở với anh chị em mình, nếu bạn có tính xấu xa đó, bạn đã vô tình để công sinh thành dưỡng dục, bị xem là uổng phí. Bởi vì mỗi chúng ta từng được nhắc bảo: đắng cay cũng thể ruột già, dù cay, cay lắm, vẫn là anh em. Hãy vui với người vui, khóc với người khóc.

Có yêu thầy, mới hy vọng được làm thầy. Có lầm lỡ, sai quấy, có vấp ngã, và phải vất vả khi đứng lên, bạn sớm nhận ra phận người yếu đuối, bạn sẽ khiêm tốn hơn, để hiểu tại sao cha ông ta nói: không thầy đố mày làm nên. Nếu không phải là bậc thầy, không phải vì yêu thương, làm sao Đức Giêsu đủ bình tĩnh khi nghe trò nói: “lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và con đã ngăn cấm y”. Điều Thầy Giêsu mong chờ Gioan và các học trò là họ đủ can đảm, đủ yêu thương, biết ngăn cản người anh em mình đừng làm điều xấu. Điều mà các đấng bậc sinh thành mơ ước, anh chị em hãy sống đoàn kết yêu thương nhau, cùng chung tay xây dựng gia đình, dòng tộc, quê hương đất nước vững mạnh hơn.

Quan sát các hoạt động xã hội thật ý nghĩa, cứ tưởng các đấng bậc ví von cho vui: một cây làm chẳng nên non, 3 cây chụm lại nên hòn núi cao. Trong nông nghiệp, các ngài cũng đề cao xã hội tính: xấu đều hơn tốt lỏi, hay trước tình hình phức tạp giữa các huynh đệ với nhau, bằng một thông điệp, khích lệ nhau: phúc cùng hưởng, hoạ cùng chia. Để được lớn lên, trưởng thành hơn trong hiểu biết, trong tình hiệp thông liên đới trách nhiệm: làm quan ăn lộc vua, ở chùa ăn lộc Phật. Đức Giêsu dẫn đưa các học trò đến một quy luật cơ bản: “ai không chống đối các con là ủng hộ các con”. Đừng ngăn cấm y, đừng ngăn cản người anh chị em mình đang làm điều tốt, yêu thương là thế, làm môn đệ Thầy Giêsu là thế, hãy liên đới tình hiệp thông yêu thương. Kinh nghiệm về tình đoàn kết gắn bó tin yêu, người đời vẫn có câu: ăn cơm có canh, tu hành có bạn.

Quy định nơi cuộc sống, ai cũng có trách nhiệm, bổn phận với gia đình, ai cũng cần nghe, để biết, để hiểu, và thực hành, khởi đi từ sự công bằng: nhận và cho, được ơn ban phải chia sẻ ơn ban. Cũng có những phần tử đang biểu lộ quyền uy: lấy thịt đè người, rung cây nhát khỉ, hù ma Đức giáo hoàng, chẳng qua tiền nhân ta muốn nói đến những kẻ làm điều đó chỉ vô công tốn sức mà thôi. Trên phương diện thực hành đức ái, Đức Giêsu đã chỉ cho thấy tính chất yêu thương, được đặt trong hành động, vô cùng quan trọng. “Ai nhân danh Thầy mà cho các con dù chỉ một ly nước lã, vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô, kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Vị chi muốn ứng xử đúng, đẹp, không thể bỏ việc tập luyện ý chí, quyết tâm, muốn có gương sáng đức tin trong thực hành, không thể chỉ cậy dựa vào khả năng riêng lẻ, mà ai cũng phải cậy dựa vào tình yêu Đức Giêsu.

Sống ở đời: sắc vàng, sắc đỏ, rực rỡ có, thuỳ mị có, tất nhiên sắc đen, sắc xám, cũng tồn tại theo. Đừng ích kỷ, hãy khiêm tốn học hỏi, rút kinh nghiệm, để cùng minh chứng với hậu thế: tại sao ta cần phải khôn ngoan, chuẩn mực. Đức Giêsu đã chẳng nghiêm túc, khi nói: “nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn”. Chớ trêu ở đời: vợ người thì đẹp, văn mình thì hay. Bao lâu chưa thấm đủ tình yêu thương, người ta dễ để lòng ngờ vực anh chị em mình. Bao lâu ta chưa đặt để tình yêu thương của Đức Giêsu vào tâm hồn, ta dễ có đầu óc bè phái, hoặc nhìn người anh chị em mình bằng ánh mắt hình viên đạn, thật đáng tiếc ! Chúng ta cũng từng nghe: không có phụ nữ nào xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp. Kitô giáo thì quả quyết: không có cá nhân nào hư hỏng đến độ không thể được cứu độ, có chăng là họ chưa có động lực để làm việc tốt, để sống có ý nghĩa. Xin tình yêu của Thầy Giêsu trợ giúp, và hãy ở mãi nơi tâm hồn chúng con. Amen.

Về mục lục

LÀM CỚ SA NGÃ

Lm. Thái Nguyên

Suy niệm

Cuộc sống dù trong tập thể nào vẫn luôn có những gương xấu. Gương xấu gây ra một bầu khí ô nhiễm tinh thần. Một trong những khuynh hướng xấu rất thông thường nơi con người là óc bè phái và muốn độc quyền. Sợ người khác hơn mình, làm mất ảnh hưởng và uy tín của nhóm mình, nên có lần các môn đệ cũng đã dùng quyền để hạn chế hoạt động của người khác. Đức Giêsu không chấp nhận điều đó. Ngài đã đưa ra một cái nhìn lạc quan và tích cực để xóa bỏ sự phân biệt, kỳ thị, phe nhóm. “Ðừng ngăn cản người ta… ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Với con tim rộng mở, với cái nhìn siêu thoát, Đức Giêsu chủ trương tiếp nhận tất cả, hòa hợp tất cả, gần gũi tất cả, yêu thương tất cả. Nếu có loại trừ thì loại trừ sự kỳ thị, phân chia, ngăn cách, tranh giành và và chống chọi với nhau.

Có khi chính chúng ta cũng rơi vào não trạng bè phái và muốn chiếm hữu độc quyền trong việc hành thiện. Ngay trong Kitô giáo cũng chia thành nhiều giáo phái. Điều trớ trêu là các giáo phái nói xấu lẫn nhau, mạt sát lẫn nhau, kết án lẫn nhau, có khi khủng bố lẫn nhau. Đây quả là một gương xấu quá lớn, một điều mỉa mai cho Đức Giêsu và cho tất cả những ai tin vào Ngài, đồng thời  là một phản chứng nặng nề đối với những người ngoài Kitô giáo. Ngay trong Hội Thánh cũng không thiếu những gương xấu, khiến cho nhiều người thất vọng đi tìm con đường khác, đời sống đức tin gặp khủng hoảng. Ðức Giêsu tỏ thái độ không khoan nhượng đối với kẻ nào gây ra gương xấu: “… thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”.

Gương xấu làm cớ cho người khác sa ngã, và có khi là nguyên do gây ra một phản ứng quá đà mang tính xã hội, trong đó có trách nhiệm của chúng ta. Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, Công Đồng cũng đã thú nhận các tín hữu chúng ta có thể chịu trách nhiệm một phần không nhỏ trong việc khai sinh vô thần. Có thể bản thân ta cũng đã từng gây dịp tội khiến cho người khác phải sa ngã. Thân xác ta cũng có thể là dịp tội cho chính mình. Ðức Giêsu đòi chặt tay, chặt chân, móc mắt, nếu những bộ phận đó làm ta phạm tội. Không thể hiểu những điều đó theo nghĩa đen, nhưng cũng không thể coi nhẹ tính chất quyết liệt của những đòi hỏi mà Chúa Giêsu đã nêu lên.

Chúng ta đã biết có nhiều người vì bệnh tiểu đường dám cắt bỏ một phần thân thể để cứu lấy sinh mạng của mình. Loại bỏ một điều quý giá để giữ lại một điều quý giá hơn. Cuộc sống là điều quí giá trên mọi điều quí giá, đáng cho chúng ta loại bỏ một phần thân thể đã bị hoại tử. Nếu cần một cuộc giải phẫu để cứu lấy thân xác, thì càng cần hơn nữa một cuộc cắt bỏ những điều hư hại để cứu lấy linh hồn mình.

Chúng ta có thể cắt bỏ một tật xấu, cắt bỏ một lời nói cay độc, cắt bỏ một ánh mắt căm hờn, cắt bỏ một cử chỉ khinh thị, cắt bỏ một lối sống buông tuồng, cắt bỏ một mối quan hệ bất chính… Cắt bỏ như thế có khi còn đau hơn “móc con mắt, chặt cánh tay”. Đau vì nó quá thân thiết với cuộc đời ta; đau vì nó quá gắn liền với bản thân ta; đau vì nó quá ăn sâu trong bản chất con người mình. Nhưng nếu can đảm vượt thắng nỗi đau, chúng ta sẽ lớn lên trong phẩm cách làm người, đạt tới sự tự do và trưởng thành hơn trong địa vị làm con cái Thiên Chúa.

Tuy nhiên, giải phẫu không chỉ là cắt bỏ, mà còn là thay thế các bộ phận hư hỏng: thay trái tim sỏi đá căm hờn bằng trái tim dịu hiền yêu thương; thay bộ óc với tầm nhìn hẹp hòi, cạn cợt, bằng bộ óc rộng mở, thoáng đạt và hồn nhiên; thay cái nhìn đầy thành kiến về người khác bằng cái nhìn hiểu biết và cảm thông, để khám phá ra những điều lành thánh nơi họ. Cuộc sống mới sẽ triển nở khi ta đoạn tuyệt với lối sống cũ, không còn phải sống chung với lũ hay ru ngủ đời mình cách ngây ngô.

Chúa Giêsu đưa ra những đòi hỏi tận căn, vì nếu ta muốn vươn tới Tuyệt Ðối thì cần hy sinh cái tương đối; muốn đạt tới Thiên Chúa thì phải loại trừ những thần tượng, và những gì gây cản trở cho đời mình.

Cầu nguyện 

Lạy Chúa!
Vẫn có những gương xấu trong Hội Thánh,
không tránh được bè phái và phân tranh,
những chia rẽ và lạm dụng quyền hành,
đưa tới ganh ghét và tranh giành địa vị.

Gương xấu làm cho nhiều người thất vọng,
có khi gây khủng hoảng mất lòng tin,
nên có nhiều kẻ đi theo con đường khác,
để tìm cho đời mình sự bình an.

Xem ra gương xấu vẫn lan tràn,
làm bao người tốt phải hoang mang,
nhưng rồi chẳng ai là vô tội,
nên bản thân con cần sám hối.

Như cành lá sâu xia cần cắt bỏ,
Chúa đòi con làm sáng tỏ đời mình,
dám loại ra những gì gây hư hại,
để đem lại một sức sống tươi hồng.

Xin cho con thấy mình được khích lệ,
bởi biết bao gương sáng không thể kể,
dù bóng tối vẫn còn trong Giáo Hội,
những vết nhăn vẫn hằn trên khuôn mặt,
nhưng Giáo Hội không cần phải che chắn,
không sợ phải hạ thấp bản thân mình,
để dưới ánh sáng rực rỡ của Tin Mừng,
Giáo hội lại được kiên vững và tinh luyện.

Xin cho chúng con luôn xác tín,
mình thuộc về đoàn dân thánh thiện,
dựng xây một Giáo Hội hoàn thiện,
làm chứng về chúa Đấng toàn thiện,
cho con người sự sống mới linh thiêng. Amen.

Về mục lục

ƠN GỌI NÊN THÁNH

Bông hồng nhỏ

Hôm nay, ông Gioan thưa với Thầy Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9, 38) nhưng Thầy Giêsu khuyên các ông đừng ngăn cản họ và hãy đón nhận sự ủng hộ của họ, dù họ không thuộc nhóm. Điều Thầy Giêsu muốn nhắn nhủ các ông là đừng làm cớ cho người khác và cho mình sa ngã.

Quả thật, tội lỗi là nguyên cớ làm cho con người rời xa Thiên Chúa và phải đau khổ. Người ta phạm tội do lỗi của mình và một phần cũng do bởi gương xấu. Tình yêu đích thực mà mỗi người cần dành cho nhau đó là cùng nhau nên thánh mỗi ngày. Khi nhận thấy điều gì đó tốt đẹp của người khác, ta hãy vui mừng vì hồng ân họ nhận được. Khi thấy người ngoài nhóm cũng lấy danh Thầy mà trừ quỷ thì các tông đồ đã cố ngăn cản. Thầy Giêsu biết rõ lòng các môn đệ. Khi các ông cãi nhau dọc đường, xem ai mới là người lớn hơn cả, thì về nhà, Thầy Giêsu đã gọi các ông lại mà dạy dỗ. Thầy dạy rằng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9, 34 – 37). Thầy không muốn giữa các ông có điều bất hòa nhưng phải yêu thương nhau. Các môn đệ lặng nghe lời Thầy dạy. Ngay sau đó, ông Gioan đã đem việc các ông đã cố ngăn cản người ta lấy danh Thầy mà trừ quỷ thì Thầy cũng khuyên các ông hãy giữ hòa khí với họ. “Vì ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Làm sao để chia sẻ vinh dự với người khác đang khi các ông còn dành nhau chỗ lớn nhất? Sứ mạng của Chúa Giêsu là thi hành thánh ý Chúa Cha, là cứu độ nhân loại. Sự thánh thiện của Thiên Chúa không bị giới hạn trong một nhóm người, trong một tổ chức nhưng dành cho tất cả mọi người. Ai cũng được mời gọi rộng mở tâm hồn để đón nhận làn gió của Thánh Thần, để sống thánh thiện. Trong tông huấn “Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ” (Gaudete Et Exsultate) về lời mời gọi nên thánh trong thế giới hôm nay, Đức thánh cha Phanxicô cũng khẳng định rằng sự thánh thiện là ơn gọi nền tảng của mỗi người.

Để sống thánh thiện, mỗi người cần biết phân định và chọn lựa đâu là điều Chúa muốn tôi làm. Chúa muốn tôi hãy yêu thương người bé nhỏ, yêu thương mọi người bằng những cử chỉ yêu thương, ví như một chén nước lã tôi dành cho họ. Mỗi việc tôi làm đều xuất phát từ lòng yêu Chúa, vì ý thức rằng mọi người đều thuộc về Chúa Kitô, rằng tận sâu bên trong những con người yếu đuối và bất toàn ấy vẫn mang một hạt giống của sự thánh thiện, rằng ẩn sau những khuôn mặt hốc hác hay ghê sợ kia, Chúa Kitô vẫn đang hiện diện. Chúa Kitô vẫn đang chịu đau khổ nơi những anh chị em này. “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9, 42). Không ai có thể tự mình sống thánh thiện và cũng không ai nên thánh một mình. Nỗ lực nên thánh và giúp người khác nên thánh luôn đòi hỏi mỗi người phải biết sống theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, dựa vào ơn Chúa để vượt qua những cám dỗ, sống dưới sự soi sáng của Chúa để đón nhận con người yếu đuối của mình, can đảm sống thật với con người mình, can đảm và khiêm tốn nhìn nhận mình yếu đuối. Thầy Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải biết dứt khoát với tội lỗi, xa tránh dịp tội.

Lạy Chúa Giêsu! Cảm tạ Chúa đã ban cho con ơn được sống trong ân huệ của Chúa. Chúa muốn con sống thánh thiện. Mỗi ngày Chúa vẫn nói với con, chỉ dạy cho con, nhất là những lúc con vấp ngã, Chúa đã nâng con dậy, chỉ dạy con biết lỗi lầm của mình. Xin Chúa tiếp tục đồng hành và giúp con biết can đảm nhận lỗi và sửa lỗi, đó là con đường dẫn con quay về với Chúa, cùng yêu thương anh chị em con. Amen.

Về mục lục

ĐỂ VÀO NƯỚC CHÚA

Thiên San

Tin Mừng hôm nay chỉ lối cho chúng ta về cách thức để vào được Nước Thiên Chúa. Khi môn đệ Gioan thấy có người lấy danh của Thầy của mình mà trừ quỷ, ông đã cố ngăn cản vì người ấy không thuộc về nhóm của ông. Ông đã kể chuyện đó với Thầy Giêsu nhưng Người mời gọi ông đừng ngăn cản họ làm điều đó. Đoạn, Người khẳng định rằng: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô thì Thầy bảo thật anh em, Người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9, 41). Tiếp đến, Người mời gọi những kẻ thuộc về Người phải có thái độ dứt khoát với những gì gây cản trở họ trên đường tiến về Nước Thiên Chúa.

Thiên Chúa có quyền định đoạt và ban phát các ân huệ của Người theo cách Người muốn. Thời Cựu Ước, Đức Chúa không chỉ ban Thần Khí cho một mình ông Môsê mà còn ban Thần Khí cho cả các kỳ mục. Khi thấy các kỳ mục phát ngôn trong trại, một thanh niên chạy đi báo cho ông Môsê biết. Giôsuê, kẻ đã theo hầu Môsê từ hồi còn nhỏ liền thưa: Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ” (Ds, 11, 28). Nhưng ông Môsê trả lời: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ! (Ds 11,29). Thời Tân Ước, Thiên Chúa qua Đức Giêsu cũng đã làm điều đó. Ngoài nhóm Mười Hai, Đức Giêsu còn cho phép những kẻ tin ở Ngài có thể nhân danh Ngài mà làm điều tốt đẹp như trừ quỷ. Đối với Thầy Giêsu, “ai không chống lại chúng ta là ửng hộ chúng ta” (Mc 9,40).

“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô thì Thầy bảo thật anh em, Người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9, 41). Khi chúng ta làm bất cứ điều gì tốt đẹp cho ai vì lẽ họ thuộc về Đấng Kitô thì phần thưởng của chúng ta đã được ban. Thực ra trước đó, các môn đệ đã cãi nhau về chuyện ai sẽ là người lớn nhất. Vì chuyện đó, nhóm Mười Hai mất hòa khí với nhau. Bởi vậy, chúng ta thật dễ hiểu vì sao Gioan lại ngăn cản khi thấy người ta dùng danh Thầy mà trừ quỷ. Đức Giêsu mời gọi các ông giữ hòa khí với cả những người “không thuộc về chúng ta”. Nếu nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa nơi tha nhân, có thể chúng ta sẽ sẵn sàng thực thi những điều tốt đẹp cho người khác mà không cần đắn đo suy nghĩ. Cũng bởi, tất cả nhân loại đều là con cùng một Cha trên Trời. Họ cũng mang hình ảnh của Thiên Chúa.

Để vào được Nước Trời, Đức Giêsu còn mời gọi chúng ta có một thái độ dứt khoát với những gì gây cản trở ta trên con đường tiến về Quê Trời. Có thể nói, đó là một trận chiến khốc liệt ngay trong chính mỗi người. Cuộc chiến khốc liệt, đau đớn và để lại những khiếm khuyết. “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục” (Mc 9, 45). Cũng như tay hay mắt của ta làm cớ cho ta sa ngã thì cũng vậy. Hạnh phúc thiên đàng quan trọng đến độ ta phải chấp nhận “chặt”, “móc” đi những gì cản trở ta và chấp nhận khiếm khuyết để được vào Nước Trời. Nhưng thử hỏi, ai trong chúng ta có đủ nhuệ khí, đủ dũng cảm để tự chặt tay chân hay móc mắt của mình? Điều đó thật đau đớn nhưng chúng ta luôn luôn phải dứt khoát với tội lỗi. Lời Chúa cho chúng ta thấy: Nước Thiên Chúa là tất cả. Đời sống này là hành trình để ta tiến về Nước Thiên Chúa, quê hương đích thực của mỗi chúng ta. Đang khi sống đời này, chúng ta không thể tránh khỏi những cản trở đó. Những cản trở đó có khi xuất phát từ chính chúng ta. Thêm nữa, chúng ta cũng đừng bao giờ trở nên cớ vấp phạm cho người khác.

Lạy Chúa! Chúng con cảm tạ Chúa về tình thương Chúa dành cho chúng con. Nước Thiên Chúa là phần thưởng cho mỗi người chúng con, là quê hương đích thực của mỗi người chúng con. Để tiến về quê hương ấy, chúng con rất cần đến ơn Chúa. Xin giúp chúng con hiểu rằng, mỗi người trên thế giới này đều là con cái của Chúa. Chúa có quyền ban ơn cho những ai Ngài muốn. Xin giúp chúng con biết bước ra khỏi hàng rào của “phe nhóm” để bước ra vùng ngoại biên, đối thoại với mọi người. Chúa đang ở vùng ngoại biên và Người chờ chúng con nơi hình ảnh của những anh chị em đang đau khổ. Chúa sẽ giúp chúng con biết sống hoà thuận, yêu thương và trở nên gương sáng cho nhau. Nhất là, xin cho chúng con biết can đảm chấp nhận mất mát, chấp nhận đau đớn để chiếm được Nước Thiên Chúa. Amen.

Về mục lục

NGUYÊN TẮC CỞI MỞ

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Công đồng Vatican II đã mở ra cho Giáo hội một cái nhìn mới về mối tương quan giữa người Công giáo với những anh chị em Tin Lành và cả những người thuộc các tôn giáo khác nữa.Những văn kiện của Công đồng, đặc biệt là sắc lệnh Đại kết (Unitatis redintegratio) và tuyên ngôn Tôn giáo ngoài Kitô giáo (Nostra aetate), đã giúp chúng ta nhìn anh chị em ngoài Giáo Hội với thái độ cởi mở, thân thiện và đoàn kết hơn. Công đồng đã đưa chúng ta trở về nguồn cội của bình an và hòa thuận là Thần Khí của Thiên Chúa và tinh thần của Chúa Giêsu, như được diễn tả trong bài đọc Cựu Ước và bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay.

Bài đọc 1 kể chuyện, thời ông Môsê dẫn dân Ítraen ra khỏi Aicập. Thiên Chúa đã lấy một phần Thần Khí Người ban cho ông Môsê để chia sẻ cho các kỳ mục. Có hai kỳ mục tên là Enđát và Mêđát không có mặt tại Lều hội ngộ lúc Thần Khí xuống trên bảy mươi kỳ mục kia, nhưng Thần Khí vẫn ngự xuống trên hai ông đang khi họ ở trong trại.  Được đầy Thần Khí, hai ông bắt đầu nói tiên tri trong trại. Người ta báo cáo việc này cho ông Môsê và ông Giôsuê còn lên tiếng xin ông Môsê hãy ngăn cản hai kỳ mục kia. Ông khuyên họ hãy nhận biết đó là việc Thiên Chúa làm và việc hai kỳ mục thi hành tác vụ ngôn sứ là điều đẹp lòng Thiên Chúa. Bản thân ông Môsê không coi việc Thiên Chúa “lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục” là một sự thiệt hại cho ông. Trái lại, ông còn vui mừng ước mong Thần Khí không những xuống trên ông và các kỳ mục, mà còn xuống “trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ nữa”. Đối với ông, hai kỳ mục kia đã làm công việc của Thiên Chúa,vì thế ông không được “ngăn cản” họ chỉ vì họ không cùng có mặt với ông và bảy mươi kỳ mục khác. Đúng như Chúa Giêsu sẽ nói sau này: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.

Bài Tin Mừng thuật chuyện, khi thấy một số người mặc dù không thuộc nhóm các môn đệ của Chúa Giêsu mà lại ra tay trừ quỷ, ông Gioan tìm mọi cách để cản ngăn. Ông hãnh diện về việc này và kể công với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cấm, vì người ấy không theo chúng ta”. Ông Gioan đã cùng với các bạn cố “ngăn cản” người nhân danh Chúa mà trừ quỷ, vì người ấy “không theo chúng ta”. Ông Gioan và các bạn tông đồ không muốn nhìn nhận tác vụ trừ quỷ của người kia chỉ vì người ấy không cùng phe với họ. Các ông quên mất rằng việc trừ quỷ là do Thiên Chúa đã ban đặc ân cho người trừ quỷ. Chúa Giêsu đưa ra một Nguyên tắc cởi mở: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. (x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô. Lm Giuse Nguyễn Công Đoan). “Chúng ta” là chính Ngài và những người đi theo Ngài, vốn sẽ làm nên Giáo Hội. Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ các môn sinh:  bất cứ ai làm công việc của Thiên Chúa thì đương nhiên là “theo chúng ta” rồi!  Làm công việc của Thiên Chúa không lệ thuộc vào phe nhóm hoặc nhờ cái nhãn hiệu. Trừ quỷ là nhờ “dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ” (Mt 12,28), chứ đâu phải dựa vào phe nhóm. Tinh thần phe nhóm là khí giới ma quỷ sử dụng thường xuyên nhất để tạo nên ganh ghét hận thù.

Chứng kiến điều kỳ diệu, đó là Danh Thầy Giêsu được tuyên xưng vượt khỏi giới hạn nhóm của mình, và Danh Thầy Giêsu có sức mạnh trừ quỉ, nhưng thay vì tạ ơn Chúa, ca tụng Thầy và chúc mừng người ta, thì môn đệ Gioan và các môn đệ khác lại “cố ngăn cản”, vì “người ấy không theo chúng ta”. “Không theo chúng ta”, nhưng họ đang làm việc trừ quỷ, tức là họ đang làm được những việc tốt lành, việc thiện. Mà mọi điều tốt lành phải từ Thiên Chúa mà đến. “Họ không theo chúng ta”, nhưng họ đều được Thiên Chúa tạo dựng và có quyền gọi Thiên Chúa là cha như “ chúng ta”. Chúa cũng muốn các tông đồ bao dung tha thứ. “Họ đã lấy danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ”, cho dù chưa được sự cho phép của Chúa Giêsu, nhưng chứng tỏ Danh Chúa đã được họ tôn trọng yêu mến. Điều đó chứng tỏ họ cũng được Thiên Chúa trao cho bổn phận loan báo hồng ân cứu độ nơi Chúa Giêsu một cách nào đó.Do vậy “chúng ta” không được phép ngăn cản, ghen tị hay tự đắc độc quyền với việc loan báo hồng ân ấy.

Ngày nay người ta lên án mọi hình thức độc quyền: độc quyền về điện nước, xăng dầu, sách giáo khoa… Những thứ độc quyền này đã và đang làm suy yếu nền kinh tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác nữa. Trong đời sống tôn giáo, cũng có một thứ độc quyền mà Chúa Giêsu mạnh mẽ đả phá, đó là độc quyền về ơn sủng, độc quyền làm điều thiện.Đàng sau sự độc quyền là lòng kiêu căng, tham danh, hám lợi. Chỉ có ta hay phe nhóm chúng ta mới là duy nhất đúng, vì thế chỉ có ta hay phe ta mới có quyền giáo dục, mới có quyền lãnh đạo… và rồi chỉ có ta, phe ta mới được hưởng lợi lộc và được tôn vinh. Hậu quả của thái độ độc tôn, độc quyền thật đáng sợ mà lịch sử cho thấy qua những cuộc chiến tranh, đàn áp bất công, loại trừ tha nhân cách này cách khác…

 “Nguyên Tắc Cởi Mở”của Chúa Giêsu là việc tốt, việc thiện, việc lành do bất cứ ai làm nhân danh Ngài đều có giá trị.Hơn thế nữa, một việc tốt, việc lành, nhất là việc phục vụ anh chị em đồng loại, dù nhỏ bé tầm thường đến mấy vẫn không mất công phúc: “Thầy bảo thật anh em, ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41). Ta có thể cho nhiều hay cho ít, điều đó không quan trọng. Ðiều quan trọng là ta đã cho “như thế nào”, bao nhiêu tình yêu mến được đặt vào nghĩa cử mà ta làm cho người khác. Ðôi khi chỉ cần cho một chén nước lã mà lại được ghi công. “Cho một chén nước lã” là một cử chỉ tầm thường, nhỏ bé, song lại lớn lao trước mắt Thiên Chúa khi được thực hiện nhân danh Người, khi thực hiện với tình thương. Giá trị của nó còn nằm ở chỗ : “Làm cho những kẻ bé mọn là làm cho chính Chúa” (Mt 25,40).

Những người sống “Nguyên Tắc Cởi Mở” thì sẵn sàng đón nhận những khác biệt, nhất là những khác biệt có thể mang lại ích lợi chung. Điều này càng đúng cho thời đại hôm nay, vì thế giới ngày càng đa cực, đa diện hơn trong cách ứng xử, tiếp cận chân lý. Đừng sợ sự khác biệt, hãy bao dung đón nhận những người không thuộc phe nhóm với mình, nhưng cùng hoạt động cho thiện ích chung của xã hội, Giáo hội. Chúng ta hãy tỉnh táo phân định xem mục tiêu của công việc, những phương thế để đạt mục tiêu, ngõ hầu cùng hợp tác làm việc chung. Không nên vội vàng hấp tấp loại trừ họ chỉ vì họ không phải “phe ta”! Dấu chỉ để nhận ra bàn tay của Thánh Thần thúc đẩy là sự hiệp nhất, yêu thương và xây dựng. Phá đổ, nói xấu, dèm pha, ngăn cản điều tốt là do ma quỷ. Việc của ma quỷ đôi khi đội lốt đạo đức, đó là khi người ta lấy Danh Chúa mà cản trở việc tốt của anh em.

Người Công giáo chúng ta đang sống trong một xã hội đa tôn giáo, nên cần phải loại bỏ tinh thần độc tôn, không nên nghĩ rằng chỉ có người trong đạo mình mới làm được những việc tốt đẹp, rồi đánh giá thấp những công việc tích cực của anh chị em thuộc các tôn giáo bạn. Thật ra, Chúa không chỉ muốn những người Công giáo làm việc tốt, mà Chúa còn muốn cho tất cả mọi người đều làm việc tốt, để nhân loại được hưởng nhờ, vì thực thi việc tốt là bổn phận không của riêng ai. Hãy loại bỏ tinh thần độc tôn, đừng cho rằng Đoàn Thể của mình là quan trọng nhất, đừng nghĩ rằng chỉ có Nhóm của mình là có đặc ân tối ưu, rồi xem thường những người không “cùng hội cùng thuyền” với mình. Bởi lẽ, trong việc nên thánh, không ai có thể nên thánh một mình, cũng không ai được độc quyền khi nên hoàn thiện.

Tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, sứ mạng của Giáo Hội là làm cho Nước Thiên Chúa được loan báo đến cho mọi người. Trong một thế giới đa nguyên về ý thức hệ, văn hóa và tôn giáo, sống tinh thần bao dung của Chúa Kitô thật quan trọng. Thay vì loại trừ người khác chỉ vì họ không thuộc về nhóm của mình, chúng ta được mời gọi để nhận ra trong thế giới đầy dẫy khác biệt này vẫn có đông đảo những người đứng về phía sự thật, họ là những người ủng hộ Chúa Kitô bởi vì họ không chống lại Ngài.

Khi thường nhìn người khác một cách nghi kỵ và khắt khe: “Họ không ủng hộ tôi tức là họ chống đối tôi”, nếp sống của con người trở nên bi quan và khép kín. Hôm nay, Chúa dạy chúng ta một cái nhìn rất bao dung và rất lạc quan với “Nguyên Tắc Cởi Mở”: Ai không chống đối các con là ủng hộ các con. Chắc chắn với cái nhìn này đời chúng ta sẽ vui tươi hơn và sẽ làm việc thoải mái hơn.

Về mục lục

QUYỀN LỢI

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Ông Môisê mệt mỏi vì phải giải quyết qúa nhiều vấn nạn của dân chúng đang phải đối diện trong cuộc sống. Ông đã chọn 70 vị bô lão trong dân để cùng chia sẻ trách nhiệm này. Các vị bô lão được lãnh nhận Thần Trí của Chúa đã nói tiên tri. Xảy ra là có hai vị bô lão tên là Elđađ và Mêđađ vẫn ở trong lều trại của mình cũng nhận được Thần Trí. Có đứa trẻ báo tin cho ông Môisê rằng hai ông này cũng đang nói tiên tri, vì quyền lợi nên ông Giôsuê đã lên tiếng nói rằng: Ông Giôsuê con ông Nun, từng theo hầu ông Môisê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Môisê: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ! (Ds 11, 28). Ông Môisê bình tĩnh và không bị phiền hà. Ông nhận biết được các ơn đặc sủng tùy theo ý Chúa ban cho từng người. Gió muốn thổi đâu thì thổi, Thần Khí của Chúa cư ngụ nơi những tâm hồn chân thiện.

Khi ra rao giảng tin mừng cứu độ, Chúa Giêsu phải đối diện với mọi tầng lớp trong xã hội. Chúa đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo trong xã hội dân sự và các phẩm trật trong tôn giáo truyền thống. Chúa đi vào đời sống cộng đồng đang bị ràng buộc bởi nhiều luật lệ, phong tục tập quán, truyền thống, tục lệ của cha ông và thói quen vốn có. Những điều này đã kết dệt nên những quan niệm và cách sống thường ngày của người dân. Chúa Giêsu rao giảng tin vui của đạo mới đã đụng chạm đến các thói tục cố hữu này. Có nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo bị đụng chạm quyền lợi và bị thách thức thay đổi não trạng, nên đã gây những làn sóng chống đối, tẩy chay và thù oán. Chúa Giêsu giầu lòng nhân ái đã mở rộng cửa đón nhận nhiều người bằng những lời rất chân tình: Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta (Mc 9, 40). Chúa biết có nhiều tâm hồn rất đơn sơ và chân thành. Họ không lên tiếng nhưng vẫn âm thầm bước theo Chúa như ông Nicôđêmô.

Chúa Giêsu đưa ra một loạt những ngăn ngừa dịp tội qua quan năng bên ngoài. Giác quan là những cửa ngõ tiếp xúc với môi trường và tha nhân. Chúng ta phải phòng hộ sáu giác quan của mình là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Mỗi một giác quan như người lính gác canh giữ thành quách. Chỉ cần một anh lính canh ngủ gục, giặc có thể xâm nhập vào thành. Cũng thế, dù chỉ một giác quan lơ là, thì sự xấu và tội lỗi cũng có thể xâm nhập vào tâm. Không phải chúng ta cứ nhắm mắt, bịt tai, ngậm miệng là có thể tránh được các cơn cám dỗ. Chúng ta phải ý thức tự căn và tu tâm khởi giác. Cám dỗ đến từ tâm lòng qua cửa ngõ là giác quan bên ngoài khởi động.

Chúa Giêsu đã dùng từ ngữ mạnh như chặt chân, chặt tay và móc mắt, ám chỉ sự từ bỏ và hy sinh một cách dứt khoát những dịp tội. Ai cũng có những kinh nghiệm bản thân về sự chiến đấu với các cơn cám dỗ. Đôi khi chúng ta chủ quan nghĩ mình có đủ bản lãnh để dễ dàng vượt qua các cơn cám dỗ. Con người chúng ta yếu đuối, mỏng dòn và dễ chiều sa ngã lắm. Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh rằng các con hãy cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ. Sự dữ, kẻ xấu và tội lỗi luôn luôn mang những vẻ mặt rất quyến rũ và dễ thương. Dịp tội luôn là lời mời mọc nhẹ nhàng giúp thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của những ước muốn. Cám dỗ đáp ứng những đam mê thèm khát của lục giác: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý. Các dịp tội dẫn chúng ta đi vào sự thỏa mãn không bao giờ cùng tận. Nếu không biết dừng lại đúng lúc, chúng ta sẽ rẽ vào con đường lầm lạc lúc nào mà không hay biết.

Thánh Giacôbê tông đồ kinh nghiệm cuộc sống rất rõ: Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại (Gc 5,5). Có những người bước vào con đường lầm lạc nhưng không biết mình đang bị lạc, nên họ dễ bị ngập chìm trong tội lỗi và trụy lạc. Một cách tốt nhất là chúng ta phải hồi tâm luôn và quay đầu là bờ. Xét mình để biết mình đang ở đâu, làm gì và đang sống trong tình trạng nào. Chúng ta thường không muốn nhìn nhận những sai trái và sự lầm lạc của mình. Chúng ta luôn nại vào những lý do riêng tư, tự bào chữa và chối từ (denial). Có thể vì ngại ngùng, xấu hổ, phán đoán lệch lạc và sợ hãi, chúng ta xuất hiện bằng sự giả dối và đóng kịch.

Muốn nên thánh, chúng ta phải nên người trước. Muốn làm người, chúng ta phải học làm người. Để trở thành một người tốt, chúng ta phải tu thân tích đức và luyện tập miệt mài các nhân đức. Muốn có triều thiên vinh quang hay thành qủa sống đạo, chúng ta phải kinh qua những tháng năm kiên trì rèn luyện và nhiệt tâm tu tập. Không ai có thể cắt ngắn, rút gọn hay đi đường tắt đạt tới sự tốt lành thánh thiện. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, niềm tin phải được tôi luyện như lửa thử vàng. Đừng khi nào tự phụ để mình rơi vào hoang tưởng là đã đạt tới viên mãn của sự thánh thiện.

Lạy Chúa, xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Vì không có Chúa chúng con không thể làm gì được. Xin cho chúng con biết mở lòng tin đạo, sống đạo và hành đạo với hết tâm tình, phần còn lại Chúa sẽ bù đắp.

Về mục lục

CẤP ĐỘ

Trầm Thiên Thu

Cuộc sống có nhiều cấp độ – từ thấp tới cao, từ nhỏ tới to, từ đơn giản tới phức tạp, từ chậm chạp đến mau chóng. Cấp độ từ nhỏ tới to có thể khiến người ta từ lo tới mừng, hoặc từ lo tới sợ. Nói đơn giản, cấp độ là mức độ hoặc trình độ nào đó trong các lĩnh vực của cuộc sống – đời thường hoặc tâm linh.

Cuộc sống không đơn giản như người ta tửng. Có những thứ to mà nhỏ, có những cái nhỏ mà to. Té bào là thứ nhỏ bé và giản dị nhưng lại thực sự rất cần thiết. Lỗ nhỏ làm đắm thuyền. Cấp độ cũng có nghĩa đen và nghĩa bóng, tiêu cực và tích cực, như cái vòng lẩn quẩn xoay tít theo thời gian và trong không gian.

Cấp độ về tinh thần hoặc thể lý đều có những lúc tăng hoặc giảm, thậm chí là khựng lại – level off, không tăng cũng chẳng giảm. Theo nghĩa xấu, đó là mức tồi tệ; theo nghĩa tốt, đó là mức ổn định. Xã hội Việt Nam có những cấp độ “kỳ lạ” lắm! [*]

Cấp độ có thể liên quan cấp số. Cấp số có thể là cấp số cộng hoặc cấp số nhân. Giữa các cấp số cộng hoặc cấp số nhân cũng khác nhau, khác ít hay nhiều tùy vào mức độ to hay nhỏ của công sai – đối với cấp số cộng, và của công bội – đối với cấp số nhân. Cuộc đời thực sự vô cùng nhiêu khê!

Tỷ lệ thuận và tỷ lệ nghịch cũng có khi tốt, có khi xấu. Tỷ lệ thuận TỐT: “Càng gần Thiên Chúa càng trở nên giản dị.” (Thánh TS Teresa Avila) Tỷ lệ thuận XẤU: Càng ngu dốt càng độc ác, kẻ đó có chức quyền càng cao thì cấp độ nguy hiểm càng tăng. Cấp độ đáng sợ: “Tất cả vạn vật đều hữu hạn, chỉ có cái ngu là vô hạn.” (Bác học Albert Einstein) Tỷ lệ nghịch TỐT: “Càng là bạn tốt của nhau chừng nào, anh em càng nói thẳng với nhau chừng nấy.” (Thánh Phanxicô Xaviê) Tỷ lệ nghịch XẤU: “Hiểu biết càng ít, cái tôi càng to.” (Bác học Albert Einstein) Tội lỗi càng tăng, nhân đức càng giảm.

Sự thật thường phũ phàng, khiến người ta thất vọng. làm chúng ta đau lòng, nhưng ai dám đối mặt với sự thật thì mới khả dĩ nên khôn, bởi vì chỉ có sự thật mới khả dĩ giải thoát con người đúng nghĩa mà thôi. (x. Ga 8:32)

Kinh Thánh cho biết: “Đức Chúa ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Môsê. Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục. Khi Thần Khí đậu xuống trên các ông thì các ông bắt đầu phát ngôn, nhưng việc đó không tái diễn nữa.” (Ds 11:25-26) Thần Khí đó là Thánh Linh, là Chúa Thánh Thần, là Ngôi Ba Thiên Chúa. Ngài thường xuất hiện trong các dạng Gió, Lửa, Nước, hoặc Bồ Câu. Ngài không ngừng tác động nơi mỗi chúng ta, ngay từ trong ý nghĩ, dù ngày hay đêm.

Lúc đó có hai người ở lại trong trại – Enđát và Mêđát. Cả hai đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng họ đã không đến Lều. Thần Khí đậu xuống trên họ và họ bắt đầu phát ngôn trong trại. Một thanh niên chạy đi báo tin cho ông Môsê: “Ông Enđát và ông Mêđát đang phát ngôn trong trại.” (Ds 11:27) Ông Giôsuê, con ông Nun, từng theo hầu ông Môsê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Môsê: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ.” (Ds 11:28) Nhưng ông Môsê trả lời: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ.” (Ds 11:29)

Chắc chắn ai cũng muốn được lãnh nhận Thần Khí, ông Môsê cũng đã mong cho mọi người đều được ơn “nói tiếng lạ” để trở nên ngôn sứ của Thiên Chúa. Về cơ bản, bất cứ ai đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy thì đều có ba thiên chức: Ngôn sứ, Tư tế, và Vương giả. Đây là lĩnh vực thần học, như Công đồng Vatican II đã đề cập trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội (số 10) Đại ý: Thiên chức Tư tế (linh mục là tư tế thừa tác, Kitô hữu là tư tế cộng đồng) là để hiến dâng của lễ cứu độ loài người; Tiên tri (hoặc Ngôn sứ) là để loan báo Tin Mừng Nước Trời; Thiên chức Vương giả (hoặc Vương đế) là để phục vụ dân riêng của Thiên Chúa. Mọi tín nhân đều có trách nhiệm loan báo Tin Mừng về Nước Trời.

Tất cả các Kitô hữu (giáo hoàng, hồng y, giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, giáo dân, thành viên của các hội đoàn) đều được Thánh Phêrô nhắn nhủ: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em em như những VIÊN ĐÁ SỐNG ĐỘNG mà xây lên NGÔI ĐỀN THỜ THIÊNG LIÊNG, và hãy để Thiên Chúa dắt anh em làm HÀNG TƯ TẾ THÁNH, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô.” (1 Pr 2:5)

Trong những năm qua, chúng ta thấy xuất hiện nhiều “vấn đề lạ” như Sứ Điệp Từ Trời, Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, Nhóm trừ quỷ Bảo Lộc,… nếu cứ “chạy đua” theo các “sự lạ” như vậy, coi chừng sẽ lạc giáo.

Do đó, đừng ham chạy “thành tích” hoặc “sự lạ” mà tự làm hại đức tin của chính mình. Phúc đâu chưa thấy mà chỉ thấy họa mà thôi. Trừ một số ít các vị thánh có ơn đặc biệt (Thánh Gianuariô, Thánh Martin de Porres, Thánh Faustina, Thánh Piô Năm Dấu,…), đa số các thánh đều có cuộc sống bình thường, thậm chí là rất bình thương, không có gì gọi là “lạ” hoặc khác thường. Vấn đề quan trọng vẫn là sống lòng thương xót để chứng tỏ đức tin vững mạnh và trọn vẹn đến hơi thở cuối cùng.

Ngay cả Thánh GH Gioan XXIII, Thánh GH Gioan Phaolô II, Thánh GH Phaolô VI, Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, Bậc đáng kính HY P.X. Nguyễn Văn Thuận,… là những người vừa sống cùng thời với chúng ta, cuộc đời các ngài không có gì liên quan cái gọi là “sự lạ,” có chăng là “cách sống lạ” – tức là thâm tín, chịu đựng, hy sinh, dấn thân,… vì mến Chúa và yêu người.

Ai thực sự được gặp Chúa thì chắc chắn cuộc đời biến đổi hẳn, chứ không “nửa vời” như những người vẫn vỗ ngực tự nhận là được “ơn lạ,” nhưng cách sống của họ không có gì khác. Quả là chí lý khi tiền nhân cảnh báo chúng ta: Cẩn tắc vô ưu! Chắc hẳn Thánh Vịnh gia cũng sống đời thường như chúng ta, nhưng có “cái lạ” là biết giữ trọn Luật Chúa và ý thức sâu sắc: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.” (Tv 19:8) Nhận thức được như vậy thì quyết tâm tuân thủ, không so đo, không tính toán: “Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh.” (Tv 19:10)

Thánh Vịnh gia thật là khôn ngoan khi biết tìm kiếm và cầu xin những gì thực sự có lợi cho linh hồn: “Tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi; ai giữ những điều này sẽ ĐƯỢC NHIỀU LỢI ÍCH. Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình? Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay. Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài KHỎI KIÊU NGẠO, đừng để tính xấu này thống trị con. Như thế con sẽ NÊN VẸN TOÀN, không còn vương trọng tội.” (Tv 19:12-14)

Chúa Giêsu là Đấng chí tôn, tối thượng, nhưng Ngài đã hạ mình đến tột cùng để sẵn sàng coi tội nhân chúng ta là thân hữu của Ngài: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15:15) Chúng ta dành cả đời để tạ ơn Ngài cũng không đủ, chứ nói chi dám năn nỉ Ngài ban cho điều gì nữa. Vì thế, chớ có ngu xuẩn mà ảo tưởng, tự cho mình là “ông kia, bà nọ,” hoặc đòi phải thế nọ, thế kia.

Thánh Giacôbê vừa nhắc nhở vừa cảnh báo: “Giờ đây, hỡi NHỮNG KẺ GIÀU CÓ, các người hãy THAN VAN RÊN RỈ về NHỮNG TAI HỌA sắp đổ xuống trên đầu các người. Tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn. Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này.” (Gc 5:1-3)

Giàu sang, lắm của và nhiều tiền, đó không là tội. Nhưng tiền bạc có ma lực khó cưỡng lại, vì thế mà Thánh Phaolô đã xác định: “CỘI RỄ SINH RA MỌI ĐIỀU ÁC LÀ LÒNG HAM MUỐN TIỀN BẠC, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.” (1 Tm 6:10) Đừng tưởng rằng những người đi tu mà “quên” tiền bạc, thậm chí có người còn tệ hơn giáo dân nữa kìa, dù họ là giám mục hoặc linh mục. Cụ thể như Gm Tebartz-van Elst “nổi tiếng” là xa hoa hào nhoáng ở Đức, ĐGH Phanxicô đã cho mãn nhiệm hồi tháng 10-2014, Lm Gioan Baotixita Võ Hồng Khanh vì lem nhem chuyện tiền bạc đã bị tước năng quyền cử hành phụng vụ tại bất kỳ cơ sở nào của TGP Los Angeles, Hoa Kỳ, hồi tháng 06-2015, Lm Ng. của TGP Saigon, còn trẻ nhưng đã bị nghỉ hưu non vài tháng qua vì lem nhem tiền bạc. Sự thật quá bẽ bàng!

Những chiếc “phong bì” bình thường mà rất đáng quan ngại. Thảo nào người ta bảo “tiền là tiên, là Phật,…” Thật ngu xuẩn đối với những người xếp hàng để được vào gặp “quan lớn” như vậy! Thánh TS Tôma Aquinô cho biết: “Nhận ra những ai là người chúng ta phải tránh, đó là phương thế quan trọng để cứu lấy linh hồn mình.”

Tiền nhân nhận xét chí lý: “Tin ĐẠO chứ KHÔNG tin NGƯỜI CÓ ĐẠO.” Vâng, Thánh Giacôbê nói thêm: “Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh. Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại. Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người.” (Gc 5:4-6) Tiền nhân cũng xác định: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” Cái nào cũng to, cũng khó, nhưng khó nhất vẫn là “tu thân” vì đó là tiêu chí hàng đầu.

Tiền bạc rất phức tạp, chuyện nhỏ mà to, thêm lo chứ chẳng an tâm. Thánh Phêrô nói: “Anh em hãy sống TIẾT ĐỘ và TỈNH THỨC, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr 5:8)

Với những người giàu, Thánh Phaolô đưa ra lời khuyên để Thánh Timôthê truyền đạt lại: “Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ ĐỪNG tự cao tự đại, cũng ĐỪNG đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ PHẢI làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, PHẢI ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật.” (1 Tm 17:19) Khác nhau là giàu hoặc nghèo ở đời này hay đời sau.

Trình thuật Mc 9:38-48 cho biết rằng môn đệ Gioan nói với Sư Phụ Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Gioan hơi bị vô duyên, vì cứ tưởng không ai khác được quyền trừ quỷ. Cái ảo tưởng của Gioan cũng là cái ảo tưởng của nhiều người trong chúng ta ngày nay. Nhưng Chúa Giêsu nói ngay: “ĐỪNG ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”

Chúa Giêsu xác định: “Ai cho anh em uống MỘT CHÉN NƯỚC vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ KHONG MẤT PHẦN THƯỞNG đâu.” Dù là nước gì thì một chén nước cũng chẳng đáng chi, thế mà vẫn thực sự quan trọng, và được Chúa Giêsu “chấm công.” Hành động nhỏ mà được thực hiện với tình yêu lớn thì càng tuyệt vời hơn gấp bội. Đức ái rất quan trọng, hầu như ở cấp độ tuyệt đối: “Nếu KHÔNG có đức ái thì KHÔNG có bất kỳ đức hạnh nào, giống như nếu KHÔNG có mặt trời thì cũng KHÔNG có một tinh tú nào cả.” (Thánh LM TS Tôma Aquinô) Về phương diện tỷ giảo cấp, đó là cách so sánh cực cấp – superlative.

Chúa Giêsu thẳng thắn nói: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” Cách so sánh rất “nặng nề,” nhưng Ngài nói thật chứ chẳng giỡn chơi hoặc hù dọa. Trẻ nhỏ ở đây không hẳn chỉ là trẻ thơ, trẻ em, hoặc con nít, mà còn là những người chân chất thật thà – dù đã trưởng thành hoặc cao niên. Càng đơn sơ giản dị càng dễ vào Nước Trời. Thánh Nicholas Flue nói: “Hãy tỉnh táo và chăm chỉ, hãy tránh mọi thứ hào nhoáng trong cách ăn mặc, đó là cái sẽ loại trừ anh em ra khỏi Thiên Đàng.”

Và rồi Chúa Giêsu còn nói mạnh hơn: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.” Thật đáng sợ biết bao!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con nhận diện và ý thức chính mình, giúp con làm những việc bình thường với cách thức phi thường; xin cứu con thoát mọi dạng ảo tưởng và ảo giác, giúp con biết tự thu nhỏ lại để Ngài lớn mạnh lên, biết tự hạ thấp xuống để Ngài cao vút lên. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

 [*] Một đất nước NHỎ có một thủ đô TO, thủ đô TO có những con đường NHỎ, con đường NHỎ có những căn nhà TO, căn nhà TO có cô vợ NHỎ, cô vợ nhỏ dành cho ông quan TO, ông quan TO mang chiếc cặp nhỏ, chiếc cặp NHỎ có những dự án TO, dự án TO nhưng hiệu quả NHỎ, hiệu quả NHỎ nhưng thất thoát TO, thất thoát TO nhưng lỗi lại NHỎ… Trong đất nước NHỎ có những ông lãnh đạo TO, những ông lãnh đạo TO có cái đầu NHỎ, cái đầu NHỎ nhưng túi tham TO, túi tham TO bởi vì đầu óc NHỎ, đầu óc NHỎ nên tác hại TO, tác hại TO mà trách nhiệm NHỎ, trách nhiệm NHỎ nhưng quát tháo TO, quát tháo TO vì trí tuệ NHỎ, trí tuệ NHỎ nhưng lợi nhuận TO, lợi nhuận TO nhưng số người chia chác lại NHỎ, số người tuy NHỎ nhưng tổn thất TO, tổn thất TO nhưng báo cáo là NHỎ , báo cáo NHỎ nhưng thành tích thật vẫn TO. Và… cán bộ TO đi xe NHỎ (xe riêng), cán bộ NHỎ lại đi xe TO (xe đò), ông quan TO thường ở với vợ NHỎ (vợ bé), ông quan NHỎ phải ở với vợ TO (vợ cả) và ở nhà TO (nhà tập thể). Cứ thế và cứ thế…

Về mục lục


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...