20/09/2024
66

Suy Niệm Chúa Nhật 25 Thường Niên Năm B
Lời Chúa: Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37
---------------------

Mục lục

1. Ghen tương đố kỵ  (Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Người môn đệ mẫu  (Jorathe Nắng Tím)

3. Làm người phục vụ  (Lm. Thái Nguyên)

4. Ở đâu có ghen tỵ, ở đó có tệ đoan  (Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương)

5. Chúa bên con  (Bông Hồng Nhỏ, Học viện MTG.Thủ Đức)

6. Nên nhỏ bé  (Thiên San, Học viện MTG.Thủ Đức)

7. Làm lớn để phục vụ (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

8. Hai cách đánh giá con người  (Lm. Inhaxio Trần Ngà)

9. Lãnh đạo phục vụ  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

10. So đo  (Trầm Thiên Thu)

11. Nên một tình yêu  (Lm. Jos DĐH.)

12. Thiên vị  (Lm. Trần Việt Hùng)




 

GHEN TƯƠNG ĐỐ KỴ

Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên

Những ai đọc tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa đều biết đến nhân vật Chu Du. Ông là một vị tướng giỏi, túc trí đa mưu, nhưng lại có tính ghen tương đố kỵ. Đối thủ của Chu Du là Gia Cát Lượng. Khi bị thua trận cách bẽ bàng, trước khi hộc máu miệng và chết, Chu Du đã thốt lên câu cảm thán và câu này đã trở thành kinh điển: “Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng!”. Thật thê thảm thân phận một con người nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, ngó đâu cũng thấy tai hoạ! Hậu thế không khỏi xót xa cho một nhân tài mà không thắng nổi tính ghen tương của chính mình.

Ghen tương là sợ người khác hơn mình. Ghen tương có từ khi con người hiện hữu trên trái đất. Quả vậy, Cain ghen với Aben là em ruột, nên đã xuống tay đoạt mạng người em cùng huyết nhục. Tính ghen tương cũng hiện hữu nơi mỗi con người ở mọi thời đại, và đó là nguyên nhân gây nên biết bao đổ vỡ, thậm chí án mạng. Tác giả sách Khôn ngoan ghi lại những lời hằn học đố kỵ của những người mà ông gọi là “phường vô đạo” (Bài đọc I). Họ ghen tức với những người sống ngay chính, và những người không a dua theo thói sống mưu mô của họ. Họ bàn mưu tính kế để kết án và giết chết người công chính. Các nhà chú giải Kinh Thánh, dưới nhãn quan Kitô giáo, đã nhận ra đây là hình ảnh của Đức Kitô khổ nạn. Người đã cam lòng chịu chết cách bất công, để nêu gương bài học khiêm nhường, kiên nhẫn và phó thác nơi Thiên Chúa, như chúng ta sẽ thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay là lời loan báo cuộc khổ nạn lần thứ hai của Chúa Giêsu. Cũng như các ngôn sứ và những người công chính thời Cựu ước, Chúa sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị giết chết, nhưng Người sẽ sống lại. Lời loan báo này xem ra không gây chút ấn tượng nào nơi các môn đệ. Thánh Mác-cô đã làm độc giả ngạc nhiên khi ghi lại cuộc tranh cãi của các môn đệ xoay quanh đề tài “ai sẽ là người lớn nhất” vào lúc Chúa Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn thập giá. Người ta đặt câu hỏi: làm sao các môn đệ lại vô tâm trước những điều Đức Giêsu vừa nói? Thì ra, kể cả lúc Chúa tiên báo cuộc khổ hình đau thương mà Người sắp trải qua, các ông vẫn còn mơ về thời thiên sai theo nhãn giới phàm tục. Vì vậy, nghe Chúa nói về việc Người sẽ bị bắt bớ và bị giết, các ông “không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người”. Trong tâm trí các ông lúc đó, việc bình bầu ai là người lớn nhất còn đáng quan tâm hơn cả những gì Thày mình vừa nói về cuộc đau khổ và về thập giá.

 “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Đó là lời khẳng định của Chúa, cũng là bài học Chúa muốn dạy cho các môn đệ. Chính Chúa đã thực hiện nơi bản thân Người bài học này. Là Thiên Chúa uy quyền cao sang, Chúa Giêsu đã hạ mình mặc lấy thân phận con người để sống cùng và sống cho con người, nhằm mưu cầu hạnh phúc của họ. Qua hình ảnh một em bé, Chúa muốn khẳng định, những ai muốn theo Người cần phải sống đơn sơ, phó thác để có thể trở nên môn đệ đích thực của Người. Lý tưởng của Chúa Giêsu hoàn toàn trái ngược với lối suy nghĩ thông thường của con người. Ở đời, ai cũng muốn nổi hơn người khác về mọi phương diện. Nếu thấy người bên cạnh hơn mình thì họ ghen tương, thậm chí tìm cách gài bẫy để loại trừ. Chúa Giêsu cũng đã là nạn nhân của sự ghen tương của con người, và Người đã phải chết trên thập giá.

Thánh Giacôbê hôm nay nói đến sự ghen tương giữa các thành viên trong cộng đoàn tín hữu (Bài đọc II). Theo tác giả, ghen tương và tà ý là nguyên nhân gây nên mọi điều xấu xa. Điều tác giả đề cập, vẫn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, kể cả trong những cộng đoàn đức tin. Ghen tương đến từ việc người ta không bằng lòng với khả năng và vị trí của mình. Cũng có khi vì thấy người khác thành công, nên muốn “dìm hàng” phê phán và hạ bệ người khác. “Người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình” – lời khẳng định của Thánh Giacôbê cho thấy, những gì chúng ta làm với thiện ý và với trái tim chân thành, sẽ đóng góp xây dựng hòa bình nơi trần thế, đồng thời làm cho Vương quốc vĩnh cửu được hình thành ngay trong cuộc sống chúng ta.

“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này, vì danh Thày, là đón tiếp chính Thày; và ai tiếp đón Thày, thì không phải là tiếp đón Thày, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thày”. Thật không ngờ, những việc nhỏ mọn lại có ý nghĩa cao cả đến thế. Nhờ những nghĩa cử bác ái đơn sơ, mà chúng ta được gặp Đấng cao cả, là Thiên Chúa và là Cha của chúng ta.

Về mục lục

NGƯỜI MÔN ĐỆ MẪU

Jorathe Nắng Tím

Người môn đệ của Đức Giêsu cần có niềm xác tín nền tảng: “Ở đâu có  yêu thương, ở đó có Thiên Chúa”. Và với người môn đệ thì chỉ một mình Đức Giêsu là Đấng họ đi tìm, và “vinh quang của Đức Giêsu” là vinh quang duy nhất suốt đời.

Trên đường đi theo Đức Giêsu, rất nhiều lần chúng ta đã trao đổi, bàn bạc với nhau về hình ảnh của người môn đệ lý tưởng và nhiều hình mẫu lý tưởng đã được vẽ lên.

Việc làm này  nhóm môn đệ của Đức Giêsu ngày xưa đã làm, và Tin Mùng Máccô hôm nay tiết lộ cho chúng ta: các ông đã nói với nhau những gì ?

Các ông đã không chỉ nói với nhau,  hay bàn bạc với nhau, nhưng còn to tiếng, sừng cồ “ cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả ” (Mc 9,34), điều mà người ở ngoài Nhóm không thể  ngờ và không thể hiểu nổi.

Người không thuộc về nhóm môn đệ Đức Giêsu không thể ngờ, vì họ thấy Đức Giêsu nhân hậu, chỉ rao giảng giới luật Tình Yêu, dạy dỗ mọi người sống nghèo khó, hiền lành, trong sạch, yêu chuộng hoà bình,  khiêm  hạ, nhịn nhục và có lòng xót thương (x. Mt 5,2-12), nhưng sao các môn đệ của Ngài lại ham hố vinh quang, tranh chấp chức quyền, địa vị và bất hoà, hiềm khích vì những hư danh. Người không thuộc hàng ngũ những người đi theo Đức Giêsu cũng không thể hiểu, khi thấy nhiều môn đệ của Ngài không khá hơn ho, có khi còn tệ hơn nhiều người trong số họ, vì ganh ghét, tham vọng, ích kỷ, mưu mô thủ đọan.

Thực vậy, câu chuyện tình nguyện đầu quân đi theo Đức Giêsu để đuợc làm lớn, để đươc thiên hạ kính nể, trọng vọng, kể cả để vinh thân phì gia không chỉ là  chuyện cũ của các môn đệ Đức Giêsu, nhưng mãi  là câu chuyện thời sự đang xẩy ra “ở đây và lúc này”. Đó là câu chuyện được lặp đi lặp lại, mà người môn đệ chân chính  không ngừng phải chiến đấu với chính mình để không liều mình lầm đường lạc lối, không uổng phí một đời tận hiến, không phải sống một đời môn đệ gượng gạo, giả hình:

Để không lầm đường lạc lối khi đi tìm những điều thế gian say mê đua nhau đi tìm, vì con đường Đức Giêsu muốn người môn đệ phải đi, chính là con đường Ngài đã đi: đường lên Giêrusalem, ở đó, “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9, 31). Đây là con đường “qua thập giá đến vinh quang”, con đường Thánh Giá đau thương, chết chóc để có buổi sáng phục sinh khải hoàn, bởi “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu qúy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12, 24-25).

Để không uổng phí đời tận hiến, khi chân thì đi theo Đức Giêsu, tay thì phục vụ Hội Thánh, nhưng cái đầu thì chỉ mong tìm cho mình một vị thế, xây dựng riêng cho mình pháo đài quyền lực, ngai toà thống trị, vì kim chỉ nam của đời môn đệ là khiêm tốn phục vụ, như Đức Giêsu đã đến để phục vụ, bởi “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9, 35).

Để không phải sống một đời môn đệ gương gạo, giả hình, khi sống ngược Hiến Chương Nước Trời mà mình được mời gọi (x. Mt 5,1-12), sống trái lời hứa ban đầu khi chọn đi theo Đức Giêsu (x. Lc 9,23), vì tâm tình và thái độ của người môn đệ phải là tâm tình và thái độ Vâng Phục và Tín Thác của trẻ thơ đối với cha mình, như Đức Giêsu với Chúa Cha.

Thánh Giacôbê đã lý giải nguyên nhân gây ra nếp sống, và những thái độ cư xử không phù hợp ở người môn đệ khi viết : “Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa” (Gc 3,16). Thánh Tông Đồ còn quảng diễn: “Quả thế, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng đuợc gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gc 4,3).

Xin Chúa ban cho chúng ta, những môn đệ của Đức Giêsu niềm xác tín nền tảng, đó là: “Ở đâu có  yêu thương, ở đó có Thiên Chúa”, và quyết tâm ở lại trong Đức Giêsu,  với Đức Giêsu mọi nơi mọi lúc, mà không tìm kiếm xa gần những gì không thuộc về Đức Giêsu, như lời Ngài cầu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con trước khi thế gian được tạo tành” (Ga 17, 24).

Vâng, với người môn đệ, thì chỉ một mình Đức Giêsu là Đấng họ đi tìm, và “vinh quang của Đức Giêsu” là vinh quang duy nhất suốt đời họ chiêm ngưỡng, mà không bao giờ là “cái tôi” danh lợi thú, “cái mình” kiêu căng, quyền lực.

Về mục lục

LÀM NGƯỜI PHỤC VỤ

Lm. Thái Nguyên

 Suy niệm

Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn của Ngài, để khi sự việc xảy ra thì họ sẽ không quá ngỡ ngàng và hoang mang, nhưng họ vẫn không hiểu, hoặc không muốn hiểu. Nói rằng các ông sợ không dám hỏi lại, nhưng đúng hơn, các ông muốn tránh né vấn đề. W. Barclay đã bình phẩm thái độ này như sau: Tâm trí con người vốn có năng khiếu lạ lùng để loại bỏ điều họ không muốn thấy. Chúng ta có khác gì họ đâu? Cũng vậy thôi, chỉ tiếp nhận phần nào mình thích và phù hợp với mình, và từ chối không chịu hiểu phần còn lại.

Có lẽ các môn đệ cũng đoán được Đức Giêsu sắp kết thúc hoạt động rao giảng, nhưng kết thúc một cách huy hoàng bằng cuộc cách mạng tái lập lại Israel. Thế nên giữa các ông bắt đầu có một cuộc tranh chấp về địa vị trong vương quốc mới của Thầy mình. Các ông tranh cãi nhau ngay trong lúc đi đường xem ai là người lớn nhất trong nhóm. Điều đó cho thấy các ông không hiểu gì về sứ mạng của Thầy mình, nên nằm trong tình cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

Khi về đến nhà, Chúa Giêsu bảo các môn đệ ngồi lại, vờ hỏi xem đã bàn chuyện gì khi đi đường. Họ làm thinh không trả lời. Trong bầu khí trầm lắng, Ngài nhẹ nhàng đưa ra cho họ một cách thế để trở nên những con người lớn lao thực sự:“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Lời này có lẽ làm cho các đồ đệ vừa sượng sùng trước cái ham muốn quyền thế, vừa rơi xuống chiếc mặt nạ ảo tưởng về chính mình. Bởi vì người đứng đầu mà phải sống như người đứng cuối, thì có ai muốn đứng đầu nữa không?

Chúa Giêsu còn minh họa bằng một hình ảnh sống động khi đặt đứa bé vào giữa họ rồi ôm lấy nó, và tuyên bố: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”. Khi nói và làm như thế, Chúa Giêsu đã thực hiện một hành động phục hồi mang hai chiều kích: con người và tôn giáo; vừa nhận mình là tôi tớ của mọi người, vừa mở rộng vòng đai khép kín của Giáo hội đến tận những người hèn mọn nhất. Đó chính là sứ vụ của Chúa Giêsu ủy thác cho các môn đệ. Để nhấn mạnh thêm bài học quan trọng này, Ngài đã kết luận:“Ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Như vậy, ai đón nhận Ngài trong bản thân những kẻ bé nhỏ là đón nhận chính Thiên Chúa. Lạ thay! Thiên Chúa mang khuôn mặt một con trẻ. Đó là sứ điệp rất mới và rất lạ của đoạn Tin Mừng này.

Quả thật, trước giáo huấn của Chúa Giêsu, việc đua đòi danh vọng trở nên cái gì hàm hồ đối với những ai bước theo Ngài. Nhưng dường như ai cũng háo hức về chức tước, địa vị, quyền thế, vì nó không chỉ thỏa mãn được nhu cầu thể hiện bản thân, mà còn vì được công thành danh toại:“Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”, hoặc “Không công danh thà nát với cỏ cây”.

Chức vụ, địa vị, là điều phải có trong mọi tổ chức xã hội cũng như Giáo hội. Nó xấu là vì người ta quy về mình, lo chiếm hữu cho mình. Nhưng nó lại rất tốt khi người ta coi đó như một phương tiện phục vụ để đem lại bình an và hạnh phúc cho tha nhân. Tuy nhiên, kẻ ham mê quyền cao chức trọng thì không thể nói tốt được. Thực tế, việc ham muốn đứng đầu vẫn là một cám dỗ không ngừng đối với cả đạo đời. Rất ít người mong đứng đầu để phục vụ, mà để hưởng thụ và sống trên người khác. Dù có phục vụ đi nữa thì cũng phục vụ như kẻ có quyền hành. Không mấy ai có được tính cách phục vụ như Chúa Giêsu.

Nếu phải coi ai là “Người lớn nhất”, thì chắc phải là người phục vụ nhiều nhất, với lòng khiêm nhường và tình yêu vô vị lợi. “Người lớn nhất” không dùng sức mạnh để chỉ huy, nhưng dùng con tim để yêu thương; không đứng trên cao để điều khiển, nhưng xuống dưới thấp  để hầu hạ. Không phải chỉ Giáo hội, mà bất cứ một tập thể nào cũng rất cần những người đứng đầu theo kiểu mẫu của Đức Giêsu. Nhà truyền giáo Albert Schweitzer nói: “Người hạnh phúc nhất trong anh em là người đã tìm thấy con đường hiến thân phục vụ”.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Ngài là Con Thiên Chúa toàn năng,
nhưng không đến trần gian làm bá chủ,
mà chỉ đến để hiến thân phục vụ,
để đem lại hòa bình cho thế giới,
và trở thành giá cứu chuộc cho đời. 

Ai cũng muốn mình nên cao trọng,
nên chạy theo danh vọng quyền hành,
dùng mọi phương kế để đua tranh,
đưa đến bao nhiêu chuyện chẳng lành.

Chúa dạy con muốn nên người lớn nhất,
phải làm người nhỏ nhất giữa anh em,
làm cao phải biết cúi mình phục vụ,
làm lớn phải hành động thật khiêm nhu.

Nhìn ngắm tượng ảnh Chúa Giê-su,
con thấy tay Ngài không chỉ lên đầu
mà chỉ vào trái tim bị đâm thâu,
một trái tim bốc lửa vì yêu dấu.

Điều đó đã làm cho con hiểu:
đứng đầu phải sống như người hầu,
vui lòng đón nhận những thương đau,
như chính Chúa đã nên gương mẫu.

Sự phục vụ nào cũng đòi con xả kỷ,
không tìm mình và cũng chẳng mong chi,
chỉ mong sao ý Chúa được thực thi,
và ai cũng thấy mình được yêu quý.

Xin cho con đừng toan tính điều gì,
chỉ biết chân thành và phục vụ cho đi,
đặt mình làm tôi tớ của mọi người,
nhận ra vị trí của mình là ở dưới,
để góp phần cho cuộc sống đẹp tươi. Amen.

Về mục lục

Ở ĐÂU CÓ GHEN TỴ, Ở ĐÓ CÓ TỆ ĐOAN

Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương

Lời Chúa hôm nay nói nhiều về tính ghen tương hay là ghen tỵ nhau. Ghen tương là một trong bảy mối tội đầu, nghĩa là tật xấu này sinh ra nhiều nhiều tội khác. Tính ghen tương có thể xuất hiện ở bất người nào và bất cứ hoàn cảnh nào.

Bài đọc I từ sách Khôn Ngoan đề cập đến việc người xấu ghen tỵ với người tốt, phường vô đạo ghen tỵ với người công chính, họ tìm cách gài bẫy và làm hại người công chính. Bởi vì sự hiện diện của người công chính làm cho họ cảm thấy chướng tai gai mắt và chống lại những việc làm xấu xa họ làm. Dưới ánh sáng Tân Ước, những điều này được ứng nghiệm trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Như một người công chính, Người lên án thái độ giả hình và tham vọng của các Biệt Phái và Luật Sĩ, nên họ đã chống lại Người, bách hại và đóng đinh Người trên thập giá vì sự ghen ty và thù ghét Người.

Bài đọc này cũng được ứng nghiệm trong đời sống của tất cả những ai phải chịu đau khổ bởi sự bách hại bất công vì đã sống công chính và ngay thẳng. Giống như Đức Kitô, nhiều lúc, chúng ta bị bách hại bởi những kẻ thù bên ngoài và nhiều lúc bởi chính cả bạn bè, người thân nữa vì chúng ta làm điều gì đó tốt đẹp. Họ có thái độ thù địch và ghen ghét chúng ta. Nhưng chúng ta phải can đảm và bền lòng, vì Thiên Chúa chắc chắn sẽ minh oan cho chúng ta như Người đã làm cho Đức Kitô.

Bài đọc II nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc tập trung sống những điều tốt lành vốn chúng mang lại sự hiệp nhất với nhau hơn là chạy theo những điều làm chia rẽ chúng ta. Đó là anh em hãy “trở nên thanh khiết, hiếu hòa, bao dung, mềm dẻo, đầy lòng từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình” (Gc 3,17).
Tất cả chúng ta đều ước ao một cuộc sống hòa hợp, bởi vì nhiều cộng đoàn Kitô hữu, nhiều gia đình thường xuyên sống trong cảnh chiến tranh, xung đột và xáo trộn.

Những tranh chấp như thế nhiều lúc không thể tránh khỏi trong đời sống, nhưng chúng ta không được phép để cho chúng chia rẽ chúng ta. Thật đáng buồn, gốc rễ của hầu hết các cuộc tranh chấp như thế là do tham vọng ích kỷ. Vì thế, thánh Giacôbê nhắc nhở chúng ta đừng để cho những tham vọng ích kỷ phá hủy những tương quan, gia đình và cộng đoàn chúng ta. Thánh nhân quả quyết:

“Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa… Anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gc 3,16.4,2).”

Dĩ nhiên, nhiều gia đình, nhiều vợ chồng, nhiều cộng đoàn và nhiều quốc gia đã bị phá hủy vì những tham vọng và ước muốn ích kỷ.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu loan báo về việc Người sẽ bị bắt, bị giết chết và ngày thứ ba, Người sẽ sống lại, thì các môn đệ chỉ có nghĩ đến quyền lợi, địa vị và tranh dành nhau ai lớn hơn ai trong Nước Chúa. Rõ ràng các môn đệ theo Chúa nhưng vẫn còn mang trong mình những “giấc mơ trái mùa” mà họ nghĩ rằng Chúa đến để thiết lập, họ sẽ được thăng quan tiến chức theo kiểu thế gian hơn là đi theo Chúa để phục vụ tha nhân. Như thế, giống như cộng đoàn mà thánh Giacôbê viết thư khuyên bảo, các môn đệ của Chúa Giêsu cũng đã kinh nghiệm về sự tranh dành quyền lực và ganh tỵ nhau.

Đây cũng là điều mà chúng ta thường thấy trong xã hội, Giáo Hội, gia đình và bất cứ nơi đâu mà sự tham vọng cá nhân được xem là quan trọng hơn bất cứ điều gì. Khi đó, chúng ta thấy xuất hiện chiến tranh, ngồi lê đôi mách, dửng dưng, gây hấn, đe dọa mạng sống và tài sản, hiềm thù, và mọi tật xấu tệ đoan. Tất cả những điều này phá hủy hết mọi thiện ích chung và sự sống chung hòa bình.

Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một con đường để vượt thắng sự ghen tỵ. Đó là không nhìn người khác như là đối thủ phải loại trừ trong cuộc cạnh tranh. Tha nhân là đối tượng để chúng ta thăng tiến và phục vụ.

Vì thế, khi Chúa Giêsu bồng một em bé lên như là một mẫu gương cho chúng ta hôm nay, Người đơn giản muốn dạy chúng ta rằng chúng ta phải trở nên giống như trẻ thơ để trở nên người lớn nhất. Dĩ nhiên, đây không có nghĩa là trở nên “ấu trĩ.” Đúng hơn, nó có nghĩa là trở nên giống tinh thần trẻ thơ. Nghĩa là sống cách đơn giản, trong sáng, với tinh thần khiêm tốn, phục vụ Chúa và tha nhân.

Cuối cùng, để trở nên người lớn nhất có nghĩa là người biết tập trung vào người khác chứ không phải tập trung vào chính mình, người biết dùng khả năng mình để phục vụ, đón tiếp, và cộng tác với người khác như các trẻ thơ thường làm. Nó cũng có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận sự thật, tôn trọng sự khác biệt của người khác và hợp tác với nhau một cách tích cực.
Để kết thúc, chúng ta nghe lại câu chuyện dân gian Việt Nam về sự nguy hại của sự ghen tỵ, câu chuyện Thiếu Phụ Nam Xương.

Cô là một người phụ nữ có tên là Nguyễn Thị Thiết, lấy chồng họ Chương, sống ở tỉnh Hà Nam. Hai vợ chồng đang yêu thương và chung thủy với nhau, nhưng vì nước, chàng phải đi lính theo lời hiệu triệu của nhà vua. Trước khi ra trận, hai người có con mà không biết. Khi sinh con, mỗi buổi tối, người mẹ ru con ngủ, đứa con trai hỏi mẹ: “Bố con ở đâu?” Người mẹ chỉ vào cái bóng mình in trên vách nhà và nói: “Bố con đó.” Sau ba năm anh trở về, hai mẹ con đi ra đón chồng. Khi anh tới ôm đứa bé, nó liền bảo: “Ông không phải là bố tôi, bố tôi tối mới về kìa.” Nghe vậy chàng Chương bừng bừng nổi giận máu ghen với vợ mình. Đau lòng quá và không thể làm cách gì để giải thích cho chồng hiểu, nàng đành ra sông tự tử. Sau đó, cứ mỗi tối thấy bóng người trên vách nhà, đứa con lại kêu lên: “Bố con đã về kìa!” Hiểu ra vấn đề, chàng Chương ân hận, thương tiếc vợ mình, nhưng mọi sự đã quá muộn. Anh và đứa con liền ra sông lập miếu để thờ nàng.

Câu chuyện trên minh chứng lời này: có yêu thì mới ghen, nhưng quá ghen thì giết chết tình yêu!
Xin Chúa giúp chúng ta biết giệt trừ tính ghen tỵ trong lòng chúng ta. Amen!

Về mục lục

CHÚA BÊN CON

Bông hồng nhỏ

Sau khi chữa một người bị quỷ ám mắc bệnh động kinh, Thầy Giêsu cùng các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Thầy trò âm thầm tiến bước, không có đám đông vây quanh, chỉ có Thầy và trò sát cánh bên nhau, vì Chúa Giêsu không muốn cho ai biết về cuộc hành trình này. Lần này, Thầy Giêsu một lần nữa nhắc lại lời loan báo về cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Các môn đệ không hiểu và cũng vì sợ nên chẳng ai dám hỏi lại Người. Một sự thinh lặng đến nghẹt thở. Nhưng trong chính tâm hồn mỗi môn đệ đều đang có một cuộc chiến dữ dội. Cuộc chiến đấu nội tâm ấy là gì thì chỉ mình Chúa và mỗi người biết. Có lẽ, nỗi băn khoăn mà các ông đều cưu mang trong lòng đó là: Ai trong các ông là người lớn nhất?

Hơn ai hết, Thầy Giêsu hiểu rõ con đường mà Người đang dẫn các môn đệ bước đi. Càng ngày, cuộc hành trình càng đến gần thập giá. Đồi Canvê một chiều loang máu như ẩn hiện trong tâm trí Thầy. Những cực hình và cả cái chết treo trên thập giá đang chờ đợi phía trước, nhưng tất cả không ngăn được bước chân của Thầy. Thầy nhận thấy nỗi lo lắng và sợ hãi hiện trên khuôn mặt từng môn đệ, Người cũng hiểu rõ cả những nỗi ưu tư và bao toan tính đang giằng xé tâm hồn họ. Những con người ấy đã chia sẻ với Thầy bao hân hoan và vui mừng, chia sẻ cả những thiếu thốn trên hành trình rao giảng Tin Mừng. Liệu họ có trung thành theo Thầy đến đỉnh đồi Canvê? Thầy Giêsu thấu biết từng người trong các ông, và nhất là Người dành cho các ông một tình yêu trước sau như một, một tình yêu tròn đầy.

Khi cùng Thầy đến thành Caphácnaum, các môn đệ đã cãi nhau. Về đến nhà, Thầy mới hỏi: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?”( Mc 9, 33). Câu hỏi của Thầy khiến các ông lặng thinh. Có lẽ, các ông đã cãi nhau kịch liệt nhưng Thầy lại chỉ gọi đó là một cuộc “bàn tán”. Các ông cúi mặt khi bắt gặp ánh mắt trìu mến của Thầy. Dọc đường, có Thầy cùng đi nhưng các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Khi đụng đến quyền lợi, danh vọng, tất cả các ông đều bộc lộ con người mình. Thầy ngồi xuống, gọi các ông lại và nhẹ nhàng dạy bảo: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9, 35). Đó là giáo lý của Thầy Giêsu, một giáo lý hoàn toàn trái ngược với những gì mà con người vẫn suy tính và mong đợi. Lời Thầy dạy bảo như mũi tên đâm trúng tim đen của từng người và làm lộ ra những tham vọng đã chất đầy trong họ. Thầy biết rõ ước muốn của họ. Thầy dạy họ hãy làm mọi việc bằng tình yêu và nhân danh Thầy.

Còn ta, mỗi ngày qua đi, có biết bao điều đã xảy đến với ta. Kìa, Thầy Giêsu cũng đã ngồi xuống, Người đưa mắt mời gọi ta. Ta có mau mắn đến ngồi xuống bên Thầy như các môn đệ lúc này đây? Ta có sẵn sàng để Thầy chạm đến nơi sâu thẳm của tâm hồn mình không? Hãy để Lời Người thức tỉnh ta, đánh một tiếng động lớn trong lòng ta. Chắc chắn, ánh sáng tình yêu của Người sẽ làm lộ ra những gì ẩn khuất nơi tâm hồn ta: đó là những ước muốn bất chính, những đam mê, những ham muốn quyền lực, danh vọng hay cả những ước muốn yêu và được yêu. Người sẽ hướng dẫn ta quay trở về, nối lại những tương quan đã đổ vỡ vì hiểu lầm, xích mích; làm mới lại tình yêu với Chúa trong ta. Hãy nhớ rằng, những nẻo đường ta đang bước đi đều có Thầy hiện diện. Dù Người lên tiếng hay chỉ âm thầm đi bên cạnh, Người vẫn hướng toàn bộ cái nhìn và sự quan tâm dành riêng cho ta.

Lạy Chúa Giêsu! Cảm tạ Chúa đã luôn bước đi bên con. Dù có lúc con không để ý đến sự hiện diện của Chúa, dù lắm lúc con đã quên mất rằng Người vẫn có đó, hay vì con không thể nhận ra rằng Chúa thật sự đang ở bên con, thì trong ánh mắt của Chúa, trong tâm trí và trái tim của Chúa vẫn luôn ghi khắc hình ảnh của đứa con bé nhỏ và tội lỗi này: “Vì mỗi lần nhắc đến con; Ta lại thấy nhớ thương; Nên lòng Ta bồi hồi thổn thức; Ta thương con, thương con thật nhiều” (x.Gr 31, 20). Amen.

Về mục lục

NÊN NHỎ BÉ

Thiên San

“Xin cho con nhỏ bé trước mặt Chúa, đơn sơ, hiền hòa như suối mát. Xin cho con nhỏ bé trước anh em…” Đó là những ca từ rất giản dị, mộc mạc, đơn sơ của  một vị linh mục, như muốn gói gọn tâm tình của người môn đệ Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay cũng dạy cho chúng ta bài học về sự nhỏ bé ấy. Đức Giêsu vẫn kiên nhẫn trong việc hướng dẫn các môn đệ của mình.

Dân gian có câu: “Có chuyện gì thì đóng cửa bảo nhau”. Quả thực, đó là sự tế nhị, khôn khéo, bác ái để chúng ta giúp nhau xây dựng hòa khí trong gia đình, nhóm bạn. Sau khi nghe Thầy Giêsu loan báo lần thứ hai về Cuộc Thương Khó của Người, các môn đệ vẫn chưa hiểu và vì sợ nên không dám hỏi lại. Dường như các môn đệ không hiểu điều Thầy đang muốn mạc khải. Đang khi Thầy của mình còn phải đối diện với những khó khăn, với Cuộc Khổ Nạn sắp tới, thì các ông vẫn còn bận tâm đến chuyện ai lớn hơn ai. Nỗi bận tâm đó khiến các ông cãi nhau dọc đường. Biết vậy, về tới nhà, Đức Giêsu mới bắt đầu hỏi các môn đệ của mình: “Dọc đường, anh em bàn tán với nhau chuyện gì vậy? (Mc 9, 33). Các ông làm thinh (Mc 9,34).

Dường như nét mặt của các môn đệ đã nói lên tất cả. Các ông hãy còn đang hằn học với nhau, khuôn mặt vắng bóng nét vui tươi, bình an. Không hẳn vì các ông lo nghĩ đến những điều Thầy loan báo, nhưng có thể vì lòng các ông còn bận tâm đến “cái ghế” – chỗ đứng của mình. Tâm trạng của Thầy Giêsu như thế nào? Chắc hẳn Ngài phiền lòng lắm. Đức Giêsu hành xử thật tế nhị, dễ thương, nhân từ và vô cùng kiên nhẫn. Người ngồi xuống, gọi các môn đệ lại và ôn tồn dạy bảo: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9, 35). Người cũng đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, ôm nó vào lòng. Đoạn Người dạy rằng: “Ai đón tiếp một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là đón tiếp Thầy; và ai đón tiếp Thầy thì không phải là đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mc 9, 37).

 Với những ai chấp nhận trở nên bé nhỏ, khiêm tốn trước nhan Chúa, trước anh chị em mình, họ sẽ được Thiên Chúa yêu thương. Người ấy sẽ được ở trong vòng tay của Thầy Giêsu. Theo giáo huấn của Thầy Giêsu, những ai muốn làm lớn hơn cả phải chấp nhận làm người rốt hết, làm người phục vụ mọi người. Lời dạy bảo của Thầy Giêsu hôm nào cũng dành cho cả chúng ta. Thiết nghĩ, thường chúng ta thích làm lớn nhưng lại không thích phải phục vụ kẻ khác, không muốn trở nên người rốt hết. Nhưng lời Chúa dạy luôn là chân lý. Những ai muốn trở thành môn đệ đích thực của Thầy Giêsu thì phải chấp nhận đi theo giáo huấn của Người. Bởi chính Người cũng đã trở nên nhỏ bé, khiêm hạ, trở nên người phục vụ mọi người. Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và làm giá chuộc muôn người (x. Mt 20,28).

Là một Kitô hữu, khi đảm trách một công việc hay chức vụ gì, chúng ta được mời gọi sống khiêm tốn, trở nên nhỏ bé, rốt hết và phục vụ mọi người. Khi ý thức sống theo gương của Thầy chí thánh, chúng ta sẽ biết cách hành xử bác ái với nhau, biết cùng nhau xây dựng hòa bình, yêu thương. Nhất là, chúng ta sẽ trở nên nhỏ bé trước cái nhìn yêu thương của Chúa, được Chúa ôm vào lòng. Khi ý thức sự nhỏ nhỏ bé của mình, chúng ta cũng học biết được thế nào là sống tâm tình phó thác vào Chúa, tôn trọng những người ta đang phục vụ, biết dùng tình thương mà đối xử với nhau. Khi chúng ta đón tiếp những con người bé nhỏ như vậy là chúng ta đang đón tiếp chính Thiên Chúa.

Về mục lục

LÀM LỚN ĐỂ PHỤC VỤ

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Quyền lực là gì? Quyền lực là khả năng của cá nhân hay tổ chức có thể buộc các cá nhân hay tổ chức khác phải phục tùng ý chí của mình. Tâm lý con người nói chung ai chẳng thích quyền lực, không có gì hấp dẫn, cám dỗ con người bằng quyền lực. Thích làm lớn, hay thích quyền lực là thứ “gây nghiện” bằng tất cả những thứ “gây nghiện” khác cộng lại. Bởi quyền lực làm cho người chưa có khao khát có nó, có chút quyền lực rồi lại muốn quyền lực lớn hơn. Thích quyền, có thể biến người ta thành kẻ tán tận lương tâm, chia rẽ và giết chết nhau. Các môn đệ Chúa Giêsu cũng không nằm ngoài qui luật thông thường ấy. Các ông có tranh giành nhau cũng là chuyện bình thường. Quyền lực khiến cho hai anh em Gioan và Giacôbê xin được ngồi bên hữu và bên tả Chúa Giêsu (x.Mc 10 37) và làm cho “Mười môn đệ kia đâm ra tức tối” (Mc 10, 41) sinh ra chia rẽ, bất hòa.

Tranh giành quyền lực

Chuyện xảy ra vào chính lúc Chúa Giêsu loan báo cho các ông về cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Thay vì dừng lại và chia sẻ với Thầy, hoặc nếu chưa hiểu thì trao đổi với Thầy để am tường hơn, đàng này các ông lại ích kỷ, vụ lợi; tưởng thời lập quốc của Ðấng Mêsia sắp đến và ngày tể tướng triều chính phải được cắt đặt đã tới, thế là các ông bắt đầu tranh cãi về địa vị với nhau. Hiểu rõ nhân tình thế sự nơi người môn đệ, Chúa Giêsu nói với họ: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi mọi người” (Mc 9, 35). Đã ba lần Chúa Giêsu báo trước cuộc khổ nạn của Người cho các môn đệ, nhưng họ đâu có muốn Chúa nói với họ về khổ đau và thập giá. Họ càng không muốn biết về những thử thách và lo âu. Vì thế, họ tranh luận với nhau xem ai hơn ai, ai là người xuất sắc nhất, thanh sạch nhất, người có quyền được hưởng đặc ân nhiều hơn so với người khác. Thái độ tranh biện về quyền lực và danh vọng là thái độ vô ích, khiến người ta từ tránh khó, ngại khổ, không dấn thân vào việc chung vì ích chung.

Chúa Giêsu đặt em bé ở giữa

Chúa Giêsu biết rõ tư tưởng của các môn đệ, nên Người đề nghị một thuốc giải cho cuộc tranh giành quyền lực và sự từ khước hy sinh của họ; để mang lại tính chất long trọng cho điều Người sắp nói, Chúa “đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mc 9, 37). Bài học khiêm nhường như đứa trẻ nhỏ họ vẫn chưa thuộc.

Trước cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu dạy họ một bài học mà họ sẽ không bao giờ quên được. Chúa đã làm gì?

Trong lúc mọi người đang dùng bữa chung, Chúa Giêsu đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ngoài ra, lấy một chiếc khăn và quấn ngang thắt lưng rồi đổ nước vào chậu. Các môn đệ lúc ấy ngỡ ngàng sửng sốt lắm, Thầy sắp làm gì đây. Trong khi họ quan sát thì Chúa Giêsu đi đến từng người trong trong các ông, cúi xuống rửa chân cho họ. Người dùng khăn lau khô chân họ. Họ cảm thấy bối rối, còn Phêrô thì không muốn để Thày làm công việc phục vụ thấp kém này cho mình (x. Ga 13,1-15).

Ngày nay chúng ta thường không rửa chân cho nhau. Chúa Giêsu đã làm như vậy. Khi làm điều này, Chúa Giêsu dạy các môn đồ một bài học quan trọng là phục vụ lẫn nhau. Người không muốn họ chỉ nghĩ đến mình, cho mình là quan trọng đến độ luôn phải được người khác phục vụ. Người muốn họ sẵn sàng phục vụ người khác.

Phục vụ người khác không khó đâu. Vậy chúng ta đừng bao giờ do dự phục vụ người khác.

Giáo Hội được Chúa Giêsu thiếp lập để phục vụ

Bao lâu xã hội loài người còn, thì bấy lâu bài học Chúa dạy hôm nay vẫn còn giá trị, bởi vì cám dỗ về quyền lực và lạm quyền đã ăn sâu trong mỗi người và trong mọi cơ chế xã hội. Giáo hội cũng không được miễn nhiễm khỏi căn bệnh tìm kiếm chức quyền danh vọng. Não trạng thế gian thì tìm kiếm danh vọng chức quyền, còn tư tưởng của Thiên Chúa là phục vụ và trao ban sự sống.

Những người làm lớn trên thế gian xây dựng những ngai vàng cho quyền bính của họ, Thiên Chúa lại chọn một ngai không tiện nghi, là Thánh Giá, từ ngai đó Người cai trị khi ban tặng sự sống của Người: Chúa Giêsu nói: “Con Người đến không phải để được người ta hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống cho nhiều người” (Mc 10, 45).

Phục vụ là thuốc giải độc hiệu quả chống lại căn bệnh tìm kiếm địa vị chức quyền. Giáo Hội phải cúi xuống mà rửa những bàn chân của những người rốt hết, để phục vụ họ bằng tình yêu, đơn giản và chân thành.

Chúng ta hãy khẩn cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Người Nữ khiêm nhường luôn gắn bó với thánh ý  Chúa, giúp chúng ta vui vẻ bước theo Chúa Giêsu trên con đường phục vụ, con đường chính dẫn đến Thiên Đàng.

Về mục lục

HAI CÁCH ĐÁNH GIÁ CON NGƯỜI

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Có hai vợ chồng cùng đi mua bàn ghế để trang bị nội thất cho ngôi nhà mới xây. Người vợ thì thích sắm những đồ mộc thuộc nhóm gỗ kém, nhưng có phủ lớp sơn láng bóng, đẹp mắt; còn người chồng thì muốn chọn loại bàn ghế đóng bằng gỗ quý, chẳng sơn phết gì vì cho rằng “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.” Việc mua sắm bất thành vì mỗi người có một thị hiếu khác nhau, một cách đánh giá khác nhau.

Khi nhận định về giá trị con người cũng vậy, người ta cũng có những cách đánh giá khác nhau, dựa vào những tiêu chí khác nhau.

Cách đánh giá của người đời

Người đời đánh giá con người chiếu theo lớp sơn hào nhoáng bên ngoài.

Lớp sơn thứ nhất là sắc đẹp.

Một số người đánh giá con người tùy theo sắc đẹp ngoại hình. Thần tượng của họ là những ngôi sao điện ảnh, là hoa hậu, là những ca sĩ ăn mặc lố lăng hoặc người mẫu đang ăn khách… Điều nầy khiến khá đông bạn trẻ xem nhẹ việc trau dồi nhân cách, không màng phát huy đạo đức, không lo trau dồi kiến thức hay học tập mà chỉ tìm cách chưng diện, đua đòi y phục hợp thời trang…

Lớp sơn thứ hai là sang trọng, giàu có.

Lắm người đánh giá con người tùy theo tiền bạc, tài sản. Thần tượng của họ là những đại gia nghìn tỷ. Điều nầy thúc đẩy người ta đua tranh làm giàu bất chính, cố tậu cho mình những siêu xe sang trọng, xây cho mình những biệt thự xa hoa hoặc sở hữu những ngôi nhà hoành tráng, những đồ trang sức xa xỉ mắc tiền…

Lớp sơn thứ ba là địa vị xã hội.

Nhiều người cho rằng giá trị con người nằm ở địa vị cao, nên cần phải phấn đấu để đạt được ghế cao trong xã hội.

Ngay cả các môn đệ Chúa Giê-su cũng mang não trạng nầy.

Tin mừng hôm nay cho biết, hôm ấy, các môn đệ vừa đi đường vừa tranh luận với nhau xem giữa các ông, ai là người lớn nhất (Mc 9, 34).

Ngay cả khi các tông đồ cùng Chúa Giê-su ăn tiệc Vượt qua trước khi Ngài nộp mình chịu chết, các vị “cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất” (Lc 22,24)

Và cũng có lần hai môn đệ Gioan và Gia-cô-bê cùng với mẹ mình đến xin Chúa Giê-su cho ngồi bên tả bên hữu Chúa khi đến thời Ngài được hiển vinh (Mt 20, 20-24; Mc 10, 35-37).

Cách đánh giá của Thiên Chúa

Chúa Giê-su đánh giá tùy vào tinh thần hy sinh phục vụ. 

Chúa Giê-su phản đối não trạng đánh giá con người dựa vào lớp sơn hào nhoáng bên ngoài. Ngài đánh giá con người không tùy thuộc vào vẻ đẹp ngoại hình, vào tiền tài của cải, vào ghế thấp ghế cao trong xã hội… nhưng đánh giá con người tùy theo tinh thần hy sinh, phục vụ của mỗi người.

Hôm ấy, sau khi Chúa Giê-su nghe các môn đệ vừa đi đường vừa tranh cãi với nhau xem giữa các ông, ai là người lớn nhất, thì về đến nhà, Ngài gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người (Mc 9,35).

Và trong Tin mừng Lu-ca, sau khi nghe các môn đệ tranh cãi với nhau về điều nầy, Chúa Giê-su bảo các ông: “Vua các dân thì dùng uy quyền mà thống trị dân… nhưng anh em thì không phải như thế; trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ nhất và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22, 25).

Qua những lời nầy, Chúa Giê-su tỏ cho thấy giá trị con người được nâng cao khi người ta biết hạ mình phục vụ mọi người.

Nên theo cách đánh giá của ai? 

Lối đánh giá con người dựa vào những lớp sơn hào nhoáng bên ngoài gây ra hậu quả tai hại là khuyến khích nhiều người tìm cách đánh bóng mình bằng những lớp sơn phù phiếm, tạo ra những con người thiếu phẩm chất cao đẹp, nghèo đạo đức…

Còn cách đánh giá dựa vào tinh thần phục vụ của Chúa Giê-su sẽ khích lệ con người sống khiêm tốn, biết hy sinh quên mình để giúp ích cho tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su,

Từ bỏ cách đánh giá dựa theo lớp sơn bên ngoài để biết đánh giá con người theo tinh thần hạ mình phục vụ là điều rất khó.

Xin Chúa ban thêm khôn ngoan và soi tâm mở trí, để chúng con biết nhận ra giá trị con người không tùy thuộc vào lớp vỏ bên ngoài nhưng tùy vào lối sống hy sinh, phục vụ và biết thể hiện nếp sống nầy trong cuộc đời chúng con. Amen.

Về mục lục

LÃNH ĐẠO PHỤC VỤ

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tin Mừng tuần trước, các tông đồ tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Chúa đã tỏ cho các ông biết, Ngài là Đấng Cứu Thế khiêm hạ như lời tiên tri Isaia mô tả.

Tin Mừng tuần này, Chúa nói rõ hơn về cách thức cứu thế của Ngài: Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài, và ba ngày sau khi bị giết, Người sẽ sống lại.

Tuy nhiên, các tông đồ dường như im lặng suy nghĩ về những điều Thầy nói mà họ không hiểu! Khi bị Thầy hỏi:“Dọc đường anh em đã bàn tán chuyện gì vậy?”. “Các ông làm thinh”. Bởi vì “khi đi dọc đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”.

Chân thì đi đàng sau Thầy, nhưng lòng thì đi ngược chiều với Thầy. Điều đáng hỏi Thầy để hiểu thì không hỏi, lại quay ra cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Các ông vẫn nuôi hy vọng về chức tước, địa vị mà các ông nghĩ mình sẽ được nên đã ngấm ngầm bàn cãi với nhau để phân chia chỗ ngồi thấp cao.

Mọi chuyện khác thì Người vừa đi vừa dạy, cả đến chuyện Người sẽ bị nộp, bị giết chết thì Người cũng vừa đi vừa nói. Nhưng chuyện này thì Người long trọng dạy các ông: “Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói…”. Người ngồi xuống trong tư thế thầy dạy và gọi các ông lại trong tư thế môn đệ. Người trả lời thẳng đề tài mà các ông đã cãi nhau dọc đường: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Lời dạy thật rõ ràng, thiết thực, không văn hoa bỏng bảy. Rồi Người minh hoạ bằng hình ảnh một trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ thường gợi chúng ta nghĩ tới sự đơn sơ, trong sáng, nhưng trong Kinh Thánh thì “trẻ nhỏ không kể”, là số không. Người đưa ra một định luật ngược đời: muốn làm người lớn hơn cả thì phải trở thành số không! Chính Người tự đồng hoá với trẻ nhỏ: “Ai tiếp đón một trẻ nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.(x. tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô. Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).

Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ con đường trở nên lớn lao thật sự. Đó là con đường phục vụ. Con đường phục vụ thay thế cho tham vọng thống trị. Giúp đỡ tha nhân thay cho tham vọng bắt người khác phục vụ chính mình. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể. Người lớn nhất, người đứng đầu là người phục vụ hết mình. Chức tước, chức vụ, chức vị, chức quyền chỉ là phương tiện để phục vụ. Ai sống tinh thần phục vụ đó là người lớn nhất. Ai không biết phục vụ thì là người nhỏ nhất. Giá trị của một con người không do địa vị chức tước mà tuỳ vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó. Chúa Giêsu mở ra một nền văn minh mới. Người lớn nhất không dùng quyền để lãnh đạo, nhưng dùng khả năng để phục vụ. Người lớn nhất không dùng sức mạnh để chỉ huy, nhưng dùng trái tim để yêu thương.

Để làm gương cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã tự hạ mình: “không phải để được phục vụ mà đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20,25-28). Là Thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là lãnh đạo nhưng Người sẵn sàng hiến mạng sống “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu được thể hiện rõ nét nhất trong cử chỉ rửa chân “Nếu Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em phải rửa chân cho nhau”. (Ga 13,14-15). “Ta ở giữa các con như một người phục vụ” (Lc 22,27). Phục vụ lên đến tuyệt đỉnh trong hành vi tự hiến “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).

Quyền bính và phục vụ gắn liền với nhau làm nên bản chất người môn đệ Chúa Giêsu. Người lãnh đạo theo gương Chúa Giêsu là người có tâm, có tầm, có đức và có tài để phục vụ tha nhân theo tinh thần đức ái mục tử. Mục tử rao giảng chân lý và dám sống chân lý ấy cho dù phải hy sinh tính mạng.

Thánh Phêrô đã thấm nhuần lời dạy của Thầy Chí Thánh nên sau này ngài viết những lời tâm huyết cho các mục tử:“Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi ích thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt tình tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5,1-4). Thánh Phêrô cũng khuyên các tín hữu: “Ơn riêng của Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban.” (1Pr 4, 8-11).

Quyền bính đòi chiếm hữu và kiểm soát. Nhưng trong Giáo hội, quyền bính được xây trên nền tảng tình yêu Chúa. Chính vì thế, Chúa Giêsu mới cần Phêrô xác quyết tới ba lần : “Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,15-17). Quyền bính được xây dựng trên tình yêu nên người mục tử luôn khiêm tốn phục vụ tha nhân. Dân Chúa mong muốn trước tiên các linh mục của họ phải là các nhà lãnh đạo tinh thần: “Giáo dân mong muốn linh mục của họ là các người lãnh đạo tinh thần, luôn dễ gần, có tình yêu của Đức Kitô và chăm lo cho tất cả mọi người. Giáo dân mong muốn các linh mục dễ thương và ân cần tiếp đón. Giáo dân mong ước các linh mục yêu mến các công việc của các ngài, thi hành sứ vụ được xây dựng trên sự cầu nguyện, ban phát các bài giảng hay, quan tâm đến sự đào tạo tôn giáo cho trẻ em và người lớn, giảng dạy niềm tin Công giáo, là thành viên của giáo xứ nơi các ngài phục vụ hiểu biết và có tài lãnh đạo và các kỹ năng giao tiếp tốt”. (The Repord, 6-6-2006). Lãnh đạo tinh thần cơ bản là “gây ảnh hưởng”, là khả năng một người ảnh hưởng lên người khác qua sự mời gọi, thuyết phục và gương sáng để đưa người khác từ nơi họ đang ở đến nơi mà Chúa muốn họ đến. Linh mục là người giảng Lời Chúa, thi hành các Bí Tích và lãnh đạo cộng đoàn tín hữu. Các ngài là nhà lãnh đạo tinh thần hiệu quả khi trui rèn ba kỹ năng ấy. Mẹ Thánh Têrêxa đã diễn tả các đòi hỏi của thuật lãnh đạo tinh thần một cách hết sức đơn giản qua câu nói: “để giữ cho đèn cháy sáng, bạn phải luôn châm dầu cho nó”.

Lời dạy của Chúa Giêsu đưa nhân loại đi vào nền văn minh của tình thương. Và kể từ đó, hàng triệu vị Thánh được tôn vinh như là những chứng từ sống động cho hình ảnh “Người lớn nhất” trong nền văn minh mới của Tin Mừng. Mẹ Têrêxa Calcutta trở thành vĩ nhân của thời đại bằng con đường yêu thương và phục vụ người nghèo. Phục vụ luôn gắn liền với yêu thương. Đức Cha Gioan Casaigne, sau 15 năm trong cương vị chủ chăn tại Sài Gòn, ngài đã tình nguyện về sống và phục vụ những bệnh nhân phong cùi ở Di Linh trong một ngôi nhà gỗ nhỏ hẹp. Ngài đã dành trọn trái tim và cả cuộc đời phục vụ những phận đời khốn khổ.Thánh Augustinô nhận định: Trong đời sống người kitô hữu, có một cuộc chiến đấu giữa hai thứ tình yêu: yêu Thiên Chúa cho đến từ bỏ bản thân mình và yêu bản thân cho đến nỗi chối bỏ Thiên Chúa.

Người thành công nhất là người phục vụ cho đồng loại nhiều nhất. Một vĩ nhân không hệ tại ở địa vị xã hội của người ấy mà là sự cống hiến cuộc đời cho sự phát triển của nhân loại. Giáo hội tuyên phong một người lên bậc hiển thánh chung quy cũng là tuyên dương tinh thần phục vụ của người ấy vì Nước Chúa. Phục vụ để trở nên phong phú, có giá trị, nên hoàn thiện và trở nên gần Chúa Giêsu hơn.

“Nghệ thuật làm lớn” của Chúa Giêsu chính là khiêm tốn phục vụ. Người thật sự cao cả là người dâng đời mình cho lợi ích của cộng đoàn. Thiên Chúa đã tự liên đới với người nhỏ bé, nghèo hèn, không đáng kể nhất. Phục vụ một người không đáng kể nhất cũng là phục vụ chính Thiên Chúa. Con đường tự hạ, làm người bé nhỏ và phục vụ anh em là con đường để trở nên vĩ đại, trở nên người lớn nhất trước mặt Chúa.

Muốn trở thành người phục vụ đích thực, thánh Giacôbê trong bài đọc 2 khuyên hãy sống: “thanh khiết, hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa trái, không thiên vị, cũng đừng giả hình. Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, đó là người công chính”. Nơi nào có phục vụ, có chăm sóc, có chia sẻ không tính toán, nơi đó người ta sẽ thấy được sự chân thực của tình yêu.

Lạy Chúa, xin cho con biết : Phục vụ là hy sinh, phục vụ là quên mình. Phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ơn nghĩa không màng. Phục vụ là hy sinh, phục vụ vì Chúa Kitô. (Bài ca phục vụ).

Về mục lục

SO ĐO

Trầm Thiên Thu

Con gà tức nhau vì tiếng gáy. Còn con người “gáy” nhau nhiều thứ lắm: giàu có, nhà to, xe đời mới, quần áo hàng hiệu, ngoại hình đẹp, bằng cấp cao,… Bất cứ cái gì có vẻ hơn người khác một chút thì người ta đều ra vẻ vênh váo, ngông nghênh, nói năng trịch thượng, hách dịch.

Văn hào William Shakespeare nhận xét chí lý: “Thằng ngốc tự cho mình là thông minh, còn người thông minh biết mình là thằng ngốc.” Bác học Albert Einstein nói: “Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều, cái tôi càng bé. Hiểu biết càng ít, cái tôi càng to.” Và ông khuyên: “Ðừng nên cố trở thành một người thành công mà hãy gắng trở thành một người có giá trị.” Cứ là chính mình, không cần tranh giành gì với ai.

Kinh Thánh nói: “Người khôn khéo chẳng khoe điều mình biết, kẻ dại khờ để lộ chuyện ngu si.” (Cn 12:23) Người khôn ngoan là người sống khiêm nhu, người lương thiện là người sẵn sàng thứ tha. Chỉ có kẻ ngu si mới ép người quá đáng, chỉ có kẻ bất lương mới tính toán so đo.

Thuở xưa, vì thấy mình kém cỏi mà ác nhân ghen tức và tạo phe kết đảng với nhau: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.” (Kn 2:12) Họ hèn nhát vì mù quáng nên dễ mắc chứng ảo tưởng và suy nghĩ lệch lạc. Họ rất ranh mãnh, chúng ta phải thực sự cảnh giác kẻo “sập bẫy” mưu ma chước quỷ. Ngày nay mức nguy hiểm hơn nhiều!

Có đầy mới tràn. Tư tưởng xấu sinh ra ước muốn xấu, dẫn tới hành động xấu. Kẻ xấu cứ tưởng người khác cũng xấu như mình nên họ nghi ngờ người khác, và họ biện luận: “Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào. Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù. Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hòa làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.” (Kn 2:17-20) Chúa Giêsu đã bị những kẻ xấu ghét cay ghét đắng dù họ biết Ngài công minh chính trực.

Người công chính luôn sống ngay nói thẳng, và thường bị kẻ xấu không ưa. Không phải Thiên Chúa không biết hoặc làm ngơ, nhưng Ngài tôn trọng luật tự nhiên, Ngài chỉ ra tay khi thực sự cần thiết. Những người tín thác vào Thiên Chúa luôn tín nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin dùng uy danh mà cứu độ, lấy quyền năng Ngài mà xử cho con. Lạy Thiên Chúa, xin nghe con nguyện cầu, lắng tai nghe lời con thưa gửi. Phường kiêu ngạo nổi lên chống đối, bọn hung tàn tìm hại mạng sống con, chúng không kể gì đến Thiên Chúa. Nhưng này có Thiên Chúa phù trì, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.” (Tv 54:3-6)

Thiên Chúa biết rõ người nào mạnh, người nào yếu, nên Ngài không bắt ai chịu đựng quá sức. Vấn đề quan trọng là người đó nhận biết ơn độ trì của Ngài, như Thánh Vịnh gia thề hứa: “Con tự nguyện dâng Ngài lễ tế, lạy Chúa, con xưng tụng danh Ngài, thật danh Ngài thiện hảo!” (Tv 54:8) Bất cứ ai tin tưởng và hành động nhân danh Thiên Chúa thì chắc chắn sẽ không lầm đường lạc lối, vì Chúa Giêsu đã xác định: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8:12)

Vấn đề lương tâm vô cùng quan trọng đối với con người. Thánh Giacôbê đặt vấn đề: “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình, là cuộc đời công chính.” (Gc 3:16-18) Lương tâm không ngay thẳng sẽ sinh ra nhiều rắc rối, thậm chí còn ảnh hưởng sức khỏe thể lý.

Đúng là “lỗi tại tôi mọi đàng” chứ chẳng lỗi tại ai. Thánh Giacôbê phân tích: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.” (Gc 4:1-3) Hệ lụy rạch ròi, tất yếu, hiển nhiên!

Cuộc sống không chỉ là bể khổ mà còn phức tạp. Thiện tâm rất quan trọng, ngược lại thì rất nguy hiểm vì là dã tâm: “Lương ngôn nhất cú tam đông noãn, Ác ngữ thương nhân lục nguyệt hàn.” (Thiện tâm một tiếng ấm ba đông, Lời độc lạnh người sáu tháng ròng.) Trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh, đạo binh chư thần đã đồng ca: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm.” (Lc 1:14) Điều đó cho thấy sự thiện tâm là điều kiện cần thiết để được Thiên Chúa yêu thương.

Cuộc sống có nhiều thứ trái ngược: xuôi – ngược, phải – trái, hiền – dữ, to – nhỏ, thuận – nghịch, cao – thấp, dài – ngắn,… Trình thuật Mc 9:30-36 cho biết vấn đề so đo và cách Chúa Giêsu giáo huấn để chúng ta nên người.

Ngày hôm đó, Chúa Giêsu và các môn đệ băng qua miền Galilê. Ngài không muốn cho ai biết, nhưng Ngài “bật mí” cho họ biết chuyện rất quan trọng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” Nhưng họ không hiểu gì hết. Có lẽ họ vừa sợ vừa ngại nên không dám xin Thầy cho biết rõ ràng chi tiết hơn.

Rồi Thầy trò cùng đến Caphácnaum. Khi về nhà, Ngài hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Ôi, chỉ rỉ tai nhau thế mà Thầy cũng cũng biết sao? Các ông nhìn nhau mà không dám nói gì, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Thánh sử Máccô cho biết rõ là các môn đệ “cãi nhau” – chứng tỏ vấn đề nghiêm trọng chứ không đơn giản. Họ tranh giành nhau mức “cao – thấp” về chức quyền. Ngày nay vấn đề này có lẽ còn “dữ dội” hơn nhiều, nhất là trong một xã hội coi trọng hình thức và vật chất như Việt Nam.

Lúc đó có lẽ Chúa Giêsu rất buồn khi thấy các đệ tử vẫn vướng vòng tục lụy, vẫn nặng danh lợi như vậy. Ngài ngồi xuống rồi gọi các môn đệ lại và nói: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Ngài đề cao đức khiêm nhường. Ý tưởng của Ngài hoàn toàn trái ngược với chúng ta. Sau đó, Ngài đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” Một chuỗi hệ lụy thật lạ lùng biết bao!

Khi đó ông Gioan nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Nhưng Ngài nói ngay: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”

Có hai vấn đề. Thứ nhất là lớn – nhỏ, hoặc cao – thấp: Muốn làm đầu thì phải hạ mình thành rốt hết. Thứ hai là thuận – nghịch: Không chống lại là ủng hộ. Động thái của chàng trai trẻ Gioan nhắc nhở chúng ta chớ ảo tưởng: Đừng nghĩ hơn người khác về bất cứ lĩnh vực nào. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Tự đề cao mình là coi thường người khác. Đó là mạo nhận, là kiêu ngạo! Tương tự, “khoảng cách” giữa TIN và TƯỞNG rất mong manh: TIN mình được Chúa yêu thì không là kiêu ngạo, nhưng TƯỞNG mình được Chúa yêu thì lại là kiêu ngạo. Đó là đối lập với Đức Kitô, Đấng hiền hậu và khiêm nhường. (Mt 11:29) Thiên Chúa luôn hạ bệ những kẻ tự cao và nâng cao mọi kẻ khiêm hạ. (Lc 1:52; Hc 10:14; 1 Sm 2:7; Tv 147:6; Is 2:12, 17; Is 13:11; Ed 17:24; Ed 21:34)

Khiêm nhường thuộc về Thiên Chúa, kiêu ngạo thuộc về Satan. Thánh Philip Neri nói: “Đức khiêm nhường là người bảo vệ đức thanh sạch. Trong vấn đề thanh sạch, không có nguy hiểm nào tai hại hơn là thái độ không sợ nguy hiểm. Khi một người tự đặt mình vào dịp tội và tuyên bố mình không sa ngã, đó là dấu hiệu gần như xác thực rằng kẻ ấy sẽ sa ngã, với một thương tích trầm trọng cho linh hồn.” Và Thánh Piô Năm Dấu cho biết: “Khiêm nhường, khiêm nhường, và luôn luôn khiêm nhường. Satan sợ hãi và run rẩy trước những linh hồn khiêm nhường. Chúa sẵn lòng thực hiện những việc lớn lao, nhưng với điều kiện là chúng ta phải thực sự khiêm nhường.”

Cái bẫy của ma quỷ rất tinh vi. Thánh Augustinô nói: “Ma quỷ thường dùng hai cách lừa dối: Khi người ta chưa phạm tội, nó dụ dỗ người ta cậy vào lòng thương xót của Chúa mà phạm tội; khi người ta đã phạm tội, nó xúi giục người ta sợ hãi phép công thẳng của Chúa mà ngã lòng trông cậy.” Còn Thánh Catherine Bologna phân tích: “Đôi khi ma quỷ xúi giục các linh hồn ham hố một nhân đức hoặc một việc đạo đức nào đó đến lạ kỳ, để họ thực hiện việc ấy cách cuồng nhiệt, rồi nó làm họ đâm ra chán nản đến độ chểnh mảng với mọi sự vì mỏi mệt và ngao ngán. Chúng ta cần phải thắng vượt cả chiếc bẫy này lẫn chiếc bẫy kia.”

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con luôn làm theo Thánh Ý Ngài bằng mọi giá, không thỏa hiệp với ma quỷ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Về mục lục

NÊN MỘT TÌNH YÊU

Lm. Jos DĐH.

Ăn ngon mặc đẹp, né tránh được khổ đau, sống vui sống khoẻ, có ai cấm chúng ta mơ ước như thế không ? Bậc hiền tài biết ý thức: văn ôn võ luyện, đấng bậc sinh thành sống tốt, sống gương sáng cho con cháu, những học sinh chăm ngoan, trau dồi kiến thức, hẳn đó phải là khao khát chính đáng. Cho dù con người giới hạn đủ điều, nhưng ai cũng có cơ hội để vươn lên, hãy nghe để hiểu, hãy biết mình được yêu thương, để sống tốt, sống đúng, sống đẹp. Người ta không gieo trồng tri thức khi còn trẻ, làm sao có bóng râm lúc về già ! Con đường đến thành công, không thể có bước chân kẻ lười biếng. Sợ già, sợ xấu, sợ ốm đau bệnh tật, sợ chết, đó không phải là tội, chúng ta sẽ bị quở trách, khi sống vô kỷ luật, chưa có ý sẽ làm điều lành xa điều xấu.

Người xưa cho rằng: cha mẹ giầu thì con có, cha mẹ khó thì con không, thực tế thì gia đình, xã hội, đang huấn luyện nên những con người có tâm có tầm, hầu xây dựng đất nước quê hương phồn thịnh. Thầy tài giỏi đức độ, trò sẽ tiếp thu được những lời hay ý đẹp, nhân loại mới hy vọng nhìn thấy một tương lai: người người, nhà nhà, hạnh phúc. Hành trình Thầy trò Đức Giêsu đi Giêrusalem, để lại cho chúng ta nhiều nghịch lý: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta, và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Lẽ nào Đức Giêsu quyền năng, lại sẵn lòng để người ta bắt trói, tại sao Đấng đã từng làm nhiều phép lạ, chữa trị đủ thứ bệnh cho muôn dân, rồi sẽ chấp nhận để người ta giết chết ? Vâng, Đức Giêsu là hiện thân lòng thương xót, là tình yêu cứu độ, ta luôn có tự do, có sứ mạng riêng, hãy bày tỏ niềm tin của mình.

Thánh sử Marcô cho rằng, các môn đệ hôm đó vì không hiểu, vì sợ, mà không ai dám hỏi, hoặc thắc mắc về điều Thầy vừa truyền dạy. Nếu hiểu các môn đệ theo nghĩa tiêu cực: chưa thấy quan tài chưa đổ lệchưa thấy chết chưa sợ. Nếu hiểu theo cách tích cực: các ông rất khôn ngoan, biết đánh lừa cảm giác, nói chuyện thực tế về quyền bính, về chức vụ lớn nhỏ, làm vơi đi nỗi sợ hãi trước sứ mạng theo Thầy. Đồng ý rằng, con người có sinh, ắt có tử, đó là quy luật; kẻ ngu dốt, phải nhận lấy khổ đau, sự chết, là do bê trễ, thiếu cố gắng, là không tin vào lòng tốt của cha mẹ và người thân. Đau khổ thập giá là điều kiện trở nên môn đệ Đức Kitô, khiêm tốn phục vụ minh chứng ta là học trò Đức Kitô, tất cả đều tuỳ thuộc vào tình yêu ta lãnh nhận và chia sẻ.

Nên một tình yêu, là sức mạnh của liên đới hiệp thông, là “kháng thể” giúp ta thắng vượt thứ viêm nhiễm kiêu căng, biết xả thân phục vụ theo ơn gọi đặc biệt của mình. Ở trong Đức Kitô, người môn đệ sẽ hiểu: con đường tới vinh quang, phải trải qua thập giátình yêu chân chính không thể bị bào mòn bởi thời gian, cũng không bị lung lay bởi hoàn cảnh. Nên một tình yêu, nên một trong Đức Kitô, không phải là tìm cách né tránh khổ đau, sự chết, cũng không phải cậy dựa vào sự thông thái của mình để tìm đến vinh quang, đúng hơn, hãy khiêm tốn đặt trọn niềm tin nơi Thầy Giêsu. Tất cả mọi người muốn đến với nhau, đều phải bước đi trên đôi chân của mình, không thể nhờ ai bước thay ta, tất cả muốn trở nên môn đệ Đức Kitô, phải tự bỏ mình, sống tín thác vào tình yêu Giêsu.

Nên một tình yêu, nên một với khổ đau thập giá Đức Kitô, không phải là lời mời gọi nên một trên lý thuyết môi miệng, đúng sai, chức quyền hay dân đen, tất cả đều có chung sứ mạng sống vâng phục thánh ý Chúa Cha. “Ai muốn làm lớn, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Làm lớn, làm người đứng đầu, đâu phải là ăn trên ngồi chốc, nhưng phải là người hầu hạ, phục vụ, hết mình vì tình yêu, chỉ khi có tình hiệp thông với Đức Kitô, ta mới thực sự là môn đệ của Thiên Chúa yêu thương. Ngày hôm nay, Đức Giêsu sẽ không chỉ đưa ra hình ảnh em bé mà nhắc nhớ ta đón nhận chúng, Ngài sẽ còn lưu ý ta về người già neo đơn, về hoàn cảnh túng nghèo đang sống sát gần chúng ta.

Nên một tình yêu, còn gọi là nên một gia đình nhân loại trong yêu thương, muốn trở nên môn đệ Đức Kitô, không phải chỉ lưu ý tập luyện, được người ta gọi là linh mục tu sĩ là đủ. Người học trò Đức Giêsu, phải thực hành đức ái kitô, phải khao khát nên giống Thầy Giêsu trong tinh thần khiêm tốn phục vụ. Tình yêu thương là chìa khoá mà Đức Giêsu hoá giải khổ đau thập giá, sự chết, hoàn thành sứ mạng cứu độ nhân loại, hiệp thông liên đới niềm vui nên một trong tình yêu Ba Ngôi. Nên một tình yêu, là trở nên môn đệ, trở nên cộng tác viên thực sự cho việc gieo trồng niềm tin, xây dựng nền móng vững chắc của vương quốc yêu thương hiện tại và tương lai. Muốn được trở thành môn đệ Đức Kitô, người ta không thể ngồi một chỗ đời chờ cơ hội, dù tiền nhân có nói: thời thế tạo anh hùng. Giầu sang nghèo hèn, khổ đau thập giá, không phải đó là lỗi tội, đôi khi vì hoàn cảnh, có thể cản trở người anh chị em mình không thể phát huy được tinh thần nên một trong tình yêu Giêsu. Xin tình yêu Chúa, giúp mỗi người luôn biết sống tín thác với Đấng là Thầy là Chúa, sống nhạy cảm hơn với ơn ban mà mình đang có. Amen.

Về mục lục

THIÊN VỊ

Lm. Trần Việt Hùng.

Sống chung trong một xã hội, con người không tránh khỏi những va chạm, ganh tị và cãi vã. Con người mang tính ích kỷ trong mình và luôn mong muốn được hơn người khác. Người ta bon chen đua đòi hơn thua về mọi khía cạnh cuộc sống cả về tinh thần lẫn thể xác. Tranh dành về quyền thế, địa vị, danh vọng, tiền bạc và về thành qủa công ăn việc làm. Điều gì tốt đẹp và có lợi ích cũng có kẻ ham muốn chiếm đoạt. Kẻ sống trong lầm lạc, tự do và bất công thì thù ghét những người công chính và ngay thẳng. Họ ghen tị người khác chỉ vì họ yêu thích lối sống tầm thường theo bản năng.

Nhiều người chạy theo những đòi hỏi tạm thời mau qua chóng hết để thỏa mãn cuộc sống. Họ sống buông thả đi ngược lại với luân thường đạo lý. Họ ghét bỏ những người dám lên tiếng trách cứ hành động sai trái và lầm lạc của họ. Những người sống vô kỷ luật thì không muốn nhắc đến luật lệ vì lương tâm của họ có thể sẽ bị cắn rứt nhức nhối. Họ cũng không muốn ai nhắc bảo điều hơn lẽ thiệt vì có thể sẽ mất đi những hương vị ngọt ngào và dễ dãi của kiểu sống hưởng thụ. Tâm hồn của những kẻ gian ác chứa đầy những mầm mống của thù hận, ghen ghét và hủy hoại. Nếu không biết thức tỉnh, những sự thôi thúc nội tâm của bản năng thú tính sẽ đưa đẩy và kéo lôi con người vào sự dữ. Chúng ta không thể tưởng tuợng sự hung dữ cực kỳ của con người có máu lạnh.

Theo lời dạy của thánh Giacôbê tông đồ: Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa (Gc 3, 16). Khi cái ác chiếm ngự tâm hồn thì con người giống như những con quái vật. Họ mất đi tính người mà hành động theo thú tính, thực tình mà nói dữ hơn thú dữ. Chúng ta không thể hiểu điều gì đã thôi thúc cháy lửa trong lòng để họ phải hành động dã man như thế. Người ta gọi họ là những người say máu hay khát máu. Khi lương tâm một người bị cuồng say và sa đọa, người đó có thể làm bất cứ điều gì. Sự thiện và sự ác, tình yêu cũng như hận thù, nếu không được khơi dậy, dưỡng nuôi và chăm tưới, nó sẽ lụi tàn. Càng gây hận thù thì lửa hờn ghen báo thù càng mạnh. Chúng ta đừng thêm dầu vào lửa.

Chúa Giêsu dám đối diện với sự thật vì chỉ có sự thật mới có thể giải thoát. Chúa đã từ từ mạc khải cho các môn đệ về đường đi lối bước của Chúa. Chúa chọn con đường khởi từ thấp đi lên và con đường chông gai khổ đau để đạt tới vinh quang. Đối diện cái chết, thường thì ai cũng tránh né và sợ hãi. Mấy ai dám nói đến sự chết của riêng mình. Vua chúa trần gian tìm mọi cách để bảo vệ sự sống và vương quốc của riêng mình. Họ lo xây dựng và tìm đạt vinh quang qua sự hy sinh của thuộc hạ và toàn dân. Trong khi Chúa Giêsu chọn một con đường khác biệt, con đường thánh giá. Không mấy ai muốn hiến thân đi vào con đường này.

Chúa lại chọn con đường khiêm hạ và đau khổ thập giá để đến với nhân loại. Chúa đi con đường khổ hẹp cốt để thuyết phục nhân tâm. Chúa đã hạ mình xuống tận đáy vực thẳm để cảm thông những cùng cực của kiếp người. Chúa dẫn dắt con người vào chính lộ của niềm vui phục vụ và bác ái. Niềm vui tự tại trong tâm hồn. Muốn theo Chúa, chúng ta phải vác thánh giá hằng ngày mà theo. Thánh giá chính là những sự vui buồn và sướng khổ của cuộc sống. Chúng ta vui nhận cuộc sống vô thường này với tất cả ý thức và sự trân qúi. Không có điều gì tốt lành mà chúng ta đã thực hiện mà không sinh ích. Việc tốt sẽ sinh trái tốt. Chấp nhận mọi sự cố xảy đến trong đời với sự bình tâm và thanh thản. Chọn lựa thái độ sống là của chúng ta và không có sự gì có thể làm khó chúng ta.

Hoa trái của sự khôn ngoan là sự hài hòa, tha thứ, bao dung và hợp nhất. Người ta thường nói: Người đầu bạc thì khôn ngoan. Muốn nên hoàn thiện, chúng ta phải kinh qua thử thách như lửa thử vàng, gian nan thử đức. Càng trải nghiệm qua nhiều đau khổ, chúng ta càng có nhiều kinh nghiệm sống và khôn ngoan đối xử. Gian khổ là nấc thang giúp chúng ta bước lên, tiến tới, gạn bỏ đi những lầm lỗi và nết hư tật xấu. Bất cứ nhân đức nào cũng cần phải tu luyện, tập tành và bồi dưỡng hằng ngày.

Chúa Giêsu đã loan báo sự đau khổ, sự chết và sống lại. Chúa đã từng trải tất cả những biến cố đau thương và chết cách nhục nhã trên thánh giá. Từ trên thánh giá nguồn ơn phúc đổ tràn. Chúa tha tội cho mọi người xúc phạm đến Chúa. Chúa mở cửa thiên đàng đón nhận kẻ biết ăn năn hối cải. Chúa giao hòa giữa Thiên Chúa Cha và loài người cùng ban ơn cúu độ cho nhiều người. Thánh giá đã trổ hoa.

Lạy Chúa, Chúa đã đi qua tất cả các chặng đường khổ đau qua sự chết tới sự sống lại. Xin cho chúng con biết kết hợp những sầu khổ vào thánh giá của Chúa, để những khổ đau biến thành những hoa trái của niềm hoan lạc và hạnh phúc muôn đời.

Về mục lục


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...