20/09/2024
53

Suy Niệm Chúa Nhật 24 Thường Niên Năm B
Lời Chúa:  Is 50,5-9a;  Gc 2,14-18;  Mc 8,27-35
-------------------------

Mục lục

1. Đức tin nửa vời  (Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Một chữ tình  (Lm. Jos DĐH. Gp. Xuân Lộc)

3. Thầy là ai?  (Lm. Thái Nguyên)

4. Đúng hay sai  (Lm. Vũ Đình Tường)

5. Xin làm môn đệ Chúa (Bông Hồng Nhỏ, Học viện MTG.Thủ Đức)

6. Liều mất mạng sống mình (Thiên San, Học viện MTG.Thủ Đức)

7. Tin và bước theo Chúa Kitô khổ nạn-Phục sinh (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

8. Quyến rũ  (Trầm Thiên Thu)


 

ĐỨC TIN NỬA VỜI

Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên

Trong xã hội, người ta hay thực hiện các cuộc thăm dò để lấy phiếu tín nhiệm về một nhân vật, hoặc để tham khảo ý kiến về một dự án, có liên quan đến công ích. Ở phương Tây, những cuộc thăm dò thường xuyên được thực hiện trên báo chí và các phương tiện truyền thông, để biết về mức độ tín nhiệm đối với các nhân vật chính trị hoặc những người nổi tiếng, xem người dân nghĩ về họ như thế nào.

Thánh Luca cho biết, Chúa Giêsu cũng thực hiện một cuộc thăm dò. Cuộc thăm dò này được cả ba tác giả Tin mừng nhất lãm ghi lại, tuy có đôi chút khác biệt. Những người được thăm dò là các môn đệ. Họ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa được một thời gian, đã được Người huấn luyện và được Người sai đi để tiếp nối sứ vụ của Người. Nội dung của cuộc thăm dò này là hai câu hỏi:

– Người ta nói Thầy là ai?

– Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?

Xem ra các môn đệ lúng túng trong việc trả lời. Với câu hỏi thứ nhất, các ông vòng vo theo, dựa trên dư luận và lời đồn thổi. Đối với câu hỏi thứ hai, các ông im lặng, trừ một mình Phêrô trả lời: Thầy là Đấng Kitô!.

Thông thường, khi thực hiện một cuộc thăm dò, người ta công bố kết quả xem ai có câu trả lời đúng nhất. Trình thuật của thánh Mác-cô lại khác. Chúa cấm ngặt không được nói với ai về điều Phêrô vừa tuyên xưng. Không những thế, Chúa còn tiên báo cuộc khổ nạn mà Người sẽ phải chịu: “Con người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”. Phêrô, người vừa mạnh mẽ tuyên xưng thân thế và sự nghiệp của Thầy mình, cũng phải sững sờ ngạc nhiên. Ông không thể chấp nhận một Đấng Kitô chịu đau khổ. Nếu như vậy thì việc ông và các anh em theo Chúa sẽ trở nên vô nghĩa. Bởi lẽ nơi tâm trí các ông in đậm hình ảnh một Đấng Thiên sai mang màu sắc chính trị và trần tục. Phêrô đã can gián Thày mình, thậm chí đã trách Chúa. Ông đã suy nghĩ và hành động theo tư tưởng của loài người. Hành động này bị Chúa mắng là satan.

Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, nhưng ông không chấp nhận Người chịu đau khổ! Nhưng, một Đức Giêsu không thập giá, lại không phải là Đức Giêsu của lịch sử, lại càng không phải là Đức Giêsu cứu nhân độ thế. Vì trong chương trình của Thiên Chúa đã được thực hiện, Chúa Giêsu đã vác thập giá và đã chịu đóng đinh trên thập giá ấy.

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang thực hiện một cuộc thăm dò, xem chúng ta nghĩ về Người như thế nào. Chúng ta tin Chúa, đó là điều chắc chắn, nhưng hình ảnh của chúng ta có về Chúa như thế nào. Đối với một số người tín hữu, phải chăng Chúa Giêsu chỉ là một nhân vật huyền thoại, do các tín hữu thời nguyên thuỷ tưởng tượng ra? Phải chăng Chúa Giêsu là một nhân vật lịch sử, nhưng thuần tuý chỉ là một con người uyên bác xuất chúng? Phải chăng Chúa Giêsu đã lui vào quá khứ xa xưa, không có liên hệ gì với cá nhân mỗi người tín hữu? Hiện nay, có hiện tượng những tín hữu chỉ chấp nhận một phần của Đức tin, ví dụ họ tin Chúa nhưng không tin Người hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, hoặc không tin Người tha tội trong Bí tích Hoà Giải. Họ tin Chúa nhưng không chấp nhận cơ cấu và giáo huấn của Giáo Hội. Hiện tượng này được gọi là “đức tin nửa vời”, là “đức tin tuỳ ý chọn lựa theo sở thích”.

Đức Giêsu mà Giáo Hội rao giảng là Đức Giêsu chịu đóng đinh. Người là Người Tôi tớ đau khổ và trung thành. Bài đọc I trích sách Ngôn sứ Isaia đã diễn tả một phần cuộc khổ nạn của Chúa. Trước những vu cáo, bạo lực và gian dối của con người, vị Tôi Tớ của Chúa vẫn kiên trung và phó thác. “Tôi đã đưa lưng ra cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu”. Vị tôi tớ ấy chính là hình ảnh của Đức Giêsu. Người đã dùng cây thập giá để minh chứng tình thương bao la của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Như thế, theo Chúa là đi trên con đường thập giá, không có lựa chọn nào khác. Chúa Giêsu đã diễn giải điều này như bài học rút ra từ sự kiện được kể trong bài Tin Mừng.

– Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.

– Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

Tin vào Chúa Giêsu mà không chấp nhận thập giá là Đức tin nửa vời.

Tin vào Chúa, tức là chấp nhận đưa mạng sống mình ra để “đánh cược”với Ngài.

Đã là người chẳng có ai tránh khỏi những thử thách. Tuy vậy, trước một khó khăn, người có Đức tin cảm thấy lối thoát nhờ Đấng Tối cao; người vô thần cảm thấy như mình đứng trước ngõ cụt. Người tin Chúa tìm thấy sức mạnh và an ủi; người vô tín thấy mình chơi vơi giữa con sóng biển đời. Đó là ý nghĩa việc Chúa Giêsu nói đến thập giá trong cuộc đời người tín hữu. Chúa Giêsu đã đến trần gian, Người không hủy bỏ thập giá nơi kiếp sống con người, nhưng Người cùng vác thập giá với họ để chia sẻ gánh nặng cuộc đời. Con người không còn đơn lẻ trong chặng đường thập giá, vì có Con Thiên Chúa vác cùng. Sau thập giá là vinh quang của phục sinh.

Bạn và tôi, chúng ta đều tin vào Chúa. Tuy vậy, Đức tin vào Chúa không phải là lời nói suông, mà phải được minh chứng bằng việc làm. Thánh Giacôbê đã khẳng định với chúng ta: Tin vào Chúa mà không hành động thì là Đức tin chết (Bài đọc II). Nơi khác, vị tông đồ còn khẳng định mạnh mẽ hơn: Ma quỷ cũng tin vào Chúa và chúng run sợ, nhưng chúng không yêu mến Chúa (x. G 2,20). Chính qua việc làm mà chúng ta chứng tỏ một Đức tin sống động và đích thực.

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Câu hỏi này vẫn đang được đặt ra cho chúng ta hôm nay.

Về mục lục

MỘT CHỮ TÌNH

Lm. Jos DĐH.

Câu hỏi, câu trả lời: ngắn gọn, đơn giản, chân tình, luôn thu hút, cũng là cách gieo trồng tình thân thương tốt nhất, và dễ nghe, dễ hiểu hơn cả. Lời nói thẳng nói thật, vẫn bị xem là khó chấp nhận, khó đủ điều, đúng như câu tục ngữ: sự thật mất lòng. Mang dáng dấp của niềm vui, bình an, không phải là điều mơ ước mới lạ đối với ta, vì trong tương quan có tình, có lý, mà không nhàm chán, mới lạ nhưng không cổ kính, luôn ở sát gần ta. Cuộc sống vốn tự nhiên đã khổ đau rồi, tuy nhiên, nỗi nhọc nhằn sẽ qua đi, khi mỗi người được xây dựng trên một “chữ tình”: tình yêu thương, tình làng nghĩa xóm, tình liên đới hiệp thông. Ít nhiều gì thì chữ tình vẫn đang phảng phất nơi tâm tư mỗi chúng ta: đắng cay vẫn thể ruột già, dù xa, xa lắm vẫn là anh em.

Cũng phải nói rằng: dù ta đang nặng gánh trách nhiệm gia đình, thao thức với quê hương, vẫn chung một tín hiệu tốt đẹp ta đang gắn bó với mọi người, xây dựng nước Chúa ngay tại trần gian. Đức Giêsu năm xưa không hỏi về tài năng, thành bại, hoặc về niềm vui nỗi buồn, nhưng Ngài quy chiếu về “chữ tình” mà mọi người phải có. “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai” ? Vâng, bảo Thầy là ai, ông Phêrô đã trả lời ngắn gọn, chính xác, và số các học trò hôm đó cũng chẳng khó để tuyên xưng: Thầy là Đấng Kitô”. Ngày hôm nay và mai sau, Đức Giêsu vẫn mời gọi, từng người hãy chân thành nói lên lập trường của mình: tôi tin Đức Giêsu là Đấng Kitô. Phải chỉ một chữ tình, dù là tình liên đới hiệp thông, tình thân thương với mơ ước xoa dịu những lắng lo sợ hãi.

Ngày lại ngày, ta có suy nghĩ gì về “chữ tình” mà Đấng là Thầy là Chúa luôn thôi thúc ta không ? Đúng, mọi giấc mơ có thể thành sự thật, chỉ cần ta đủ dũng cảm, kiên trì, để sức mạnh của chữ tình biến đổi ta hoàn thiện câu trả lời: Thầy của tôi là Đấng Kitô. Sau khi các môn đệ nói đúng danh tính mà dư luận đám đông không thể trả lời, quả là đáng khen rồi. Liền đó, “Đức Giêsu bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại”. Chính trong tư cách là Thầy dạy đức tin, Đức Giêsu tỏ cho các học trò hiểu sâu hơn về sứ mạng con Thiên Chúa: phải đi từ khổ đau thập giá rồi mới đến vinh quang. Đau khổ thập giá của người môn đệ thấy hôm nay, chính là niềm vui thật mà mọi người sẽ gọi là hạnh phúc mai sau.

Chữ tình mà Đức Giêsu nói với Phêrô, và còn nói với từng người học trò của Ngài, đó là sự thật, “hãy lui ra đằng sau Thầy”. Là trò ngoan trò giỏi, phải biết hiệp thông mỉm cười khi thầy cười, vui khi thầy vui, nhưng không được khóc khi thầy khóc, vì lúc ấy học trò phải tỉnh táo hiệp thông với thầy vượt qua sự khó. Phải cần đến chữ tình: tình liên đới, tình hiệp thông, đó là sức mạnh khăng khít nhằm giúp người học trò luôn theo Thầy. Thầy Giêsu vượt qua đau khổ thập giá bằng tình yêu thương, trò cũng thắng vượt khổ đau thập giá bằng tình yêu thương, cùng sức mạnh của Thầy. Đi đằng sau Thầy, theo Thầy, không phải hy vọng để được che chắn, thoát hiểm như ở đời vẫn nói: ăn đi trước lội nước theo sau. Theo Thầy, đi sau Thầy là để học hiểu và sống sứ mạng loan báo tình yêu thương và ơn cứu độ như Thầy của mình.

Một chữ tình, ít nhiều đã mở rộng tầm nhìn cho những ai thao thức sống tốt, sống đúng, sống đẹp. Đức Giêsu còn mong muốn “tình yêu cứu độ”, sẽ mãi còn đọng lại nơi cuộc đời những ai theo Ngài làm môn đệ, nghĩa là biết thực hành đức tin mà người học trò nhận lãnh. Hoàn cảnh địa vị hay nén bạc của mỗi người mỗi khác, nhưng tình yêu trao ban của Đức Giêsu vẫn là một: “ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”. Cũng có thế nói: sống ở đời này, giống như con cá trong bể nước, nóng hay lạnh, chỉ mình con cá nó biết, nhận ra cái mình không biết, mới là điểm khởi đầu của cái biết. Tình cảm chân thành phải đi từ sự khiêm tốn, mới có thể nhìn rõ và hiểu đúng về đối tượng mình yêu thương, đức tin phải có việc làm, đức tin mới đủ sống động và nên hoàn thiện.

Chỉ một chữ tình, cũng từ một chữ tình, những môn đệ, tiền nhân chúng ta, và cả nhân loại sẽ còn được mời gọi để sống, để minh chứng, để đi đến tận cùng của hạnh phúc, khi mà mọi người dễ dàng mở miệng tuyên xưng: Thầy là Đấng Kitô. Tình người, tình đời, có thể mông lung, khó hiểu, ví như người ta lầm lẫn mà thả mồi bắt bóng. Ví như các chuyên gia tâm lý chia sẻ: nếu khi người con gái nói rằng, không có gì, nghĩa là bạn nhất định phải tìm ra vấn đề mà cô gái ấy đang gặp phải. Chữ tình mà Chúa Giêsu thức tỉnh các học trò hết sức rõ ràng: “ai liều mất mạng sống mình vì Tôi, vì Tin mừng, thì sẽ tìm gặp được sự sống ấy”. Chính tình yêu làm cho ta sống, chính sự liên đới hiệp thông với Đức kitô, làm cho người ta đủ tình yêu và bình an theo Chúa đến cùng. Xin Đấng là Thầy là Chúa, giúp chúng con khiêm tốn nhận ra sức mạnh của chúng con ở trong tay Chúa, ở trong tình thương xót Chúa. Amen.

Về mục lục

THẦY LÀ AI?

Lm. Thái Nguyên

Suy niệm

“Người ta nói Thầy là ai?”. Các môn đệ trả lời là dân chúng coi Thầy là Gioan Tẩy Giả, là ngôn sứ Êlia hay một ngôn sứ nào đó. Người ngoài có một cái nhìn mơ hồ và thiếu sót. Đức Giêsu chờ đợi một câu trả lời rõ ràng và đầy đủ hơn từ phía các môn đệ, là những người đã theo Ngài một thời gian, đã từng ở với Ngài, nghe Ngài giảng, thấy những dấu lạ Ngài làm… Ngài không trực tiếp nói cho họ biết rõ căn tính của mình, nhưng để họ tự khám phá ra.

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Phêrô đại diện cho cả nhóm, nói lên niềm xác tín của mình:“Thầy là Ðấng Kitô”. Phêrô trả lời hoàn toàn đúng, nhưng hình ảnh của ông về Đức Kitô vẫn không khác với quan niệm của đám đông: là một Đức Kitô oai phong lẫm liệt, chỉ chiến thắng chứ không hề chiến bại. Quan niệm và xác định như thế, nên khi Đức Giêsu tiên báo về cuộc Thương Khó của Ngài đã khiến Phêrô choáng váng. Ông không sao hiểu nổi vì đang mải mê với một Đức Kitô vinh quang. Ông vội kéo riêng Ngài ra để ngăn lại ý định đó, nhưng bị quở trách ngay: “Xatan! lui lại đằng sau Thầy. Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Đức Giêsu biết rõ đâu là con đường Chúa Cha mong muốn, và đâu là con đường thế gian chờ đợi. Con đường của Thiên Chúa thì vượt trên tính toán khôn ngoan của loài người (x.1Cr 1,25).

Con đường của Đức Giêsu là con đường hẹp:“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Từ bỏ chính mình là không còn sống cho chính mình nữa, mà dám liều mất mạng sống mình vì Đức Kitô và vì Tin Mừng. Từ bỏ chính mình là điều kiện tiên quyết, nếu không, việc tiếp nhận Đức Giêsu và sống sứ mạng đời mình sẽ trở thành một ảo vọng, hay đúng hơn là một tham vọng, một hình thức từ bỏ để chiếm hữu. Vì ngay các môn đệ, dù đã bỏ cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp, tài sản… để theo Chúa, thì họ vẫn thấy mình là người quan trọng. “Cái tôi” có nguy cơ lớn lên song song với lòng quảng đại hiến thân của họ. Vì vậy mà Nhóm Mười Hai đã từng tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất (x. Mc 9, 33). Trở ngại đầu tiên và cuối cùng cũng vẫn là cái tôiTừ bỏ cái tôi là nỗ lực liên tục của mọi Kitô hữu, dù là tu sĩ hay giáo dân, già hay trẻ, trí thức hay ít học. Thanh tẩy tội lỗi của mình đã là điều khó, nhưng thanh tẩy mình khỏi những nhân đức và công trạng xem ra còn khó hơn. Đó là điều mà ta phải luôn cảnh giác mình trên con đường theo Chúa.

Ngày nay, những ai nghe biết về Đức Giêsu, thì phần lớn nhìn nhận Ngài là một vĩ nhân, một siêu nhân, một vị Thầy đáng cho nhân loại thượng tôn. Như vậy Ngài cũng giống như Đức Khổng Tử, được thiên hạ tôn làm “Vạn Thế Sư Biểu”. Triết gia Karl Jasper đã từng xác nhận Đức Giêsu cùng với Socrates, Đức Phật, và Khổng Tử là một trong bốn nhân vật mẫu mực cho người đời noi theo. Và nếu như vậy thì cũng không khác gì cái nhìn của người Do Thái trong bài Tin Mừng này. Nơi Đức Giêsu còn một cái gì cao vượt hơn nhiều, liên quan trực tiếp đến toàn thể loài người và mỗi người, như lời Ngài phán:“Tôi là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga14,6). Ngài còn xác định nguồn cội và căn tính tuyệt đối của mình:“Tôi và Chúa Cha là một” (Ga10,10). Vì thế, “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9).

Nhưng điều quan trọng ở chỗ Đức Giêsu là ai đối với tôi? Để trả lời câu hỏi này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết, trước tiên: “Tôi phải đào sâu vào trong tâm hồn tôi”; nghĩa là phải bắt đầu từ kinh nghiệm của mình. Thánh Phaolô cũng đã trả lời câu hỏi đó bằng chính kinh nghiệm của ngài: Đức Kitô là “Đấng đã yêu mến tôi, và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 20). Muốn có kinh nghiệm này, tôi phải nhận ra mình là một tội nhân, tuyệt đối cần đến hy tế cứu chuộc của Đức Kitô. Đức Giáo Hoàng còn nói đến bước thứ hai là chiêm niệm và cầu nguyện. Ngài nhắc lại một lời nguyện tuyệt vời của thánh Augustinô: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, và xin cho con biết con”. Đây là ân ban mà chúng ta phải có lòng khao khát và cầu xin hằng ngày, để có thể liên tục khám phá về Đức Giêsu, Đấng luôn mới mẻ trong cuộc đời mình và trong từng biến cố của nhân sinh.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Câu hỏi ngày xưa Chúa đặt ra,
thì ngày nay vẫn còn luôn mới lạ,
con không thể trả lời theo người ta,
mà từ chính kinh nghiệm của bản thân,
qua thời gian con biết Chúa dần dần.

Nhưng rồi con thấy Chúa quá to,
vẫn là một mầu nhiệm khôn dò,
chẳng thể nào nói ra cho rõ,
lại càng không thể tỏ cho ai.

Con cảm nhận Chúa là tình thương,
hơn tất cả những gì con biết được,
hơn tất cả những gì con mơ ước,
là chỗ duy nhất con tựa nương.

Có khi con thấy Chúa rất lạ thường,
không như những gì con suy tưởng,
chỉ biết là Chúa Đấng khôn lường,
rất gần gũi nhưng vô cùng siêu vượt.

Xin Chúa thanh lọc tâm trí con,
những hình ảnh đã vốn có về Ngài,
để đón nhận một Giêsu luôn mới mẻ,
đi qua đời con với nhiều dáng vẻ,
làm tim con luôn tươi trẻ trong Ngài.

Xin cho con luôn tận tình đáp lại,
không ngần ngại trước mọi chông gai,
sẵn sàng hy sinh và từ bỏ chính mình,
để sống cuộc hành trình Ki-tô hữu.

Xin cho con mỗi ngày thêm khám phá,
để thực sự thấy Chúa là tất cả,
và lời con đáp trả thật sâu xa,
đạt tới niềm vui ơn cứu độ chan hòa. Amen.

Về mục lục

ĐÚNG HAY SAI

Lm Vũđình Tường

Đức Kitô muốn biết người ta nghĩ Ngài là ai. Ngài hỏi các môn đệ và các ông thưa có nhiều í kiến khác nhau lắm.
Họ bảo Thầy là Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Elia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó’ c.28.
Đức Kitô hỏi tiếp, còn các anh cho Thầy là ai? Ông Phêrô lên tiếng ‘Thầy là Đấng Kitô’. Đức Kitô khen Phêrô có câu trả lời đúng nhất. Câu trả lời khác chỉ đúng một phần nhỏ về sứ mạng của Ngài. Đức Kitô không hài lòng bởi chúng không diễn tả trọn vẹn sứ mạng Ngài sẽ thực hiện nơi dương thế.
Chính Đức Kitô không dùng thánh danh Kitô để nói về mình nhưng lại dùng thánh danh ‘Con Người’. Thánh danh ‘Con Người’ có lẽ Đức Kitô muốn nhấn mạnh đến cách hành xử tàn ác, thô bạo, con người dùng để hành hạ nhau. Đức Kitô với tư cách là con người cũng chung số phận bị hành hạ, ác độc, thô bạo như những con người khác.
Trước đó ít phút ông Phêrô trả lời đúng, Đức Kitô ca ngợi ông; ít phút sau đó ông Phêrô góp í sai, Đức Kitô cảnh báo ông. Ông Phêrô trả lời đúng bởi câu trả lời đó đến từ Thiên Chúa. Câu góp í của Phêrô sai bởi câu đó do í riêng con người. Dù trả lời đúng, Phêrô vẫn không hiểu rõ nhiệm vụ cứu chuộc của Đấng Kitô. Ông đúng về thánh danh, nhưng sai về nhiệm vụ cứu chuộc. Đức Kitô mặc khải cho các ông biết sứ mạng cứu chuộc của Ngài.
‘Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kì mục, thượng tế củng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại. c.32.
Điều Đức Kitô mặc khải là tin kinh hoàng cho tất cả các môn đệ. Lí luận hợp lí của con người không thể lí giải được mặc khải trên. Đối với con người, chết là hết, chết là thua, mất mọi sự. Ba ngày sau khi chết, tất cả niềm hy vọng đều chết, kể cả hy vọng gặp lại cũng chết theo.
Theo Đức Kitô, ai tự tìm cách cứu mạng sống mình thì không cầm giữ được mạng đó. Còn ai hy sinh mạng sống mình vì Tin Mừng, vì Đức Kitô thì sẽ sống muôn đời c.35. Điều này cho biết con người có khả năng tìm vinh danh cho mình, nhưng không thể tự cứu mình. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có quyền ban sự sống trường sinh.
Đức Kitô khiển trách Phêrô, ông làm điều gì sai trái?
a/ Thứ nhất, ông đã đưa ra lời khuyên, điều Đức Kitô cần ông suy gẫm về mặc khải Ngài cho biết, ông đã không làm lại đưa ra lời khuyên.
b/ Thứ hai, ông đã vượt quá giới hạn của chính mình. Thay vì hỏi để hiểu điều Đức Kitô mặc khải. Phêrô đã không hỏi nhưng lại đưa lời khuyên.
c/ Thứ ba, Phêrô là học trò; trò sao có đủ khôn ngoan để khuyên Thầy. Vì thế Đức Kitô nói với ông khôn ngoan của ông là khôn ngoan của con người, không thể nào hiểu khôn ngoan của Thiên Chúa.
Rất có thể về ba điểm nêu trên mà Đức Kitô nói với các ông,
‘Không được nói với ai về Ngài’ c.30.
Việc ngăn cấm này có lẽ nhằm mục đích giới hạn việc phỏng đoán sai lầm về sứ mạng cứu chuộc của Đức Kitô. Chính các tông đồ là những người cận kề Đức Kitô mà chưa hiểu rõ sứ mạng cứu chuộc của Ngài, thì người khác làm sao có thể biết hơn được. Vì thế mọi tiên đoán, đồn đãi về Đức Kitô đều không có căn cứ. Tốt hơn tạm ngưng nói về sứ mạng của Ngài cho đến khi Đức Kitô sống lại từ cõi chết.
Đức Kitô cũng cho Phêrô biết cách nhìn biết về Đức Kitô không phải là cách của riêng cá nhân ông mà chính là cách chung nhân loại nhận biết về Ngài.
Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người c.33
Câu này ngầm chứa nhiều khôn ngoan.
a/ Thứ nhất, để thi hành í Thiên Chúa thì phải nhận biết í Thiên Chúa, không thể nhận biết qua í kiến loài người.
b/ Thứ hai, con người có thói quen coi trọng í kiến riêng, coi í mình là quan trọng nhất. Mọi í kiến khác đều là thứ yếu.
c/ Thứ ba, Phêrô thành tâm không muốn để điều xấu xảy ra cho Đức Kitô. Ngài cho biết thành tâm, mong làm điều tốt không bảo đảm đó là í Thiên Chúa, thực hiện í Chúa.
d/ Thứ tư, cách con người thực hiện thường ỉ vào sức mạnh, quyền thế, tàn ác, ép người khác phục tùng. Họ có thể khống chế bề ngoài. Ta vẫn nghe nói: khẩu phục nhưng tâm thì không. Cách của Thiên Chúa nhẹ nhàng, chú trọng vào tâm hồn. Khâm phục cách tự nguyện và điều này phát xuất từ tâm hồn.
e/ Điểm cuối, con người không thích hình ảnh người Đầy Tớ Đau Khổ như các tiên tri tiên đoán về sứ mạng Chúa Cứu Thế. Nhân loại thích hình ảnh một vị vua oai phong, quyền lực. Nhân loại cũng không thích vác thập giá mình bước theo và cũng không thích từ bỏ chính mình. Trái lại nhân loại thích được nổi tiếng, trọng vọng, cao sang, quyền thế. Nhân loại chọn cách hành xử trong cuộc sống, dựa vào sức mạnh, quyền thế chèn ép, đè nén, giết, bỏ tù nhau. Đức Kitô kêu gọi môn đệ ngài từ bỏ những điều trên bởi chúng là nguyên nhân gây đau thương, tang tóc, chia rẽ, bè phái. Đức kitô tự chọn hạ mình, khiêm nhường, chấp nhận bị bắt, bị hành hạ, bị xỉ vả và chịu đóng đanh trên thập tự. Cách của Thiên Chúa là yêu thương, tha thứ, ban sự sống và xót thương. Con đường yêu thương, tha thứ là con đường môn đệ trung tín Đức Kitô chọn bước theo.

Về mục lục

XIN LÀM MÔN ĐỆ CHÚA

Hoa Hồng Nhỏ

Hôm nay, Thầy Giêsu và các môn đệ đi tới các làng thuộc vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, người khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (Mc 8, 27-28). Nói lại những gì người khác nói về Chúa có lẽ không khó lắm, nhưng để trả lời cho câu hỏi: “Còn con, con bảo Thầy là ai?” thì mỗi người phải trả lời bằng chính xác tín của mình, xác tín đến từ điều đã được Thiên Chúa mạc khải cho, đến từ chính mối tương quan của người ấy với Chúa. Cũng vậy, để thực sự là môn đệ của Chúa Giêsu, ta phải đi trên con đường Người đã đi, sẵn sàng liều mất mạng sống vì Chúa và vì Tin Mừng.

Các môn đệ được Chúa Giêsu chọn gọi, các ông được ở với Người, được Người dạy dỗ và sai đi. Chắc chắn, ở bên cạnh Người, các ông cảm nếm được tình yêu mà Chúa dành cho mình. Tông đồ trưởng Phêrô đã thay mặt các anh em trả lời với Thầy rằng. “Thầy là Đấng Kitô”. Điều đó không phải đến từ hiểu biết của riêng ông nhưng là hồng ân mà Chúa Cha đã mặc khải cho ông. Điều đến từ Thiên Chúa luôn là một hồng ân được ban tặng nhưng không cho những ai Người muốn. Dù đã mạnh mẽ tuyên xưng niềm tin của mình nhưng khi vừa nghe Thầy loan báo về cuộc Thương Khó mà Người sắp bước vào thì ông Phêrô đã kéo riêng Người ra mà trách. Ông không muốn cùng Chúa đi vào con đường Thương Khó ấy hay ông không muốn Thầy phải đau khổ? Ông vẫn muốn được sát cánh bên Thầy và vì thương yêu Thầy, ông không muốn Thầy đi vào chỗ chết. Ông chưa hiểu được đó là con đường mà thánh ý Chúa đã vạch ra, là con đường tình yêu mà Thầy sẽ dùng để cứu chuộc nhân loại. Chỉ vì chưa hiểu và vì thương yêu Thầy, ông đã bị Satan đánh lừa khi đứng ra can ngăn Thầy. Tư tưởng của ông không phải đến từ Thiên Chúa nhưng là của loài người (x. Mc 7, 33). Thầy nặng lời mắng ông là “Satan”,  đã sửa dạy ông trước mặt các anh em chỉ vì Người thương ông, không muốn ông đi lạc đường và Người cũng muốn dạy cho tất cả các môn đệ biết được chọn lựa của Người. Đối với Người, điều trần gian cho là tốt nhưng không phải là điều tốt trong mắt Chúa, việc thi hành thánh ý Thiên Chúa là điều quan trọng nhất, kiên quyết nhất.

Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ biết về những gì Người sẽ trải qua trong cuộc Thương Khó cách rõ ràng, không úp mở. Người còn dạy các ông về tâm thế phải có của một người môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Đó là người biết bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Chúa, sẵn sàng liều mất mạng sống mình vì Chúa và vì Tin Mừng (x. Mc 8, 34-35). Sau này, chính các môn đệ đã sống triệt để lời Thầy Giêsu dạy dỗ khi hy sinh mạng sống để làm chứng cho Tin Mừng Phục sinh. Còn với ta, đứng trước câu hỏi của Chúa Giêsu, câu trả lời của ta là gì? Ta cũng cần nhắc lại câu trả lời của thánh Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô”. Thêm nữa, mỗi ngày ta hãy chọn Chúa là Chúa của mình, khiêm nhường nhìn nhận thân phận yếu hèn của mình; sẵn sàng để Chúa bước vào cuộc đời ta, để Người ngự vào tâm hồn ta. Chính Người sẽ dạy ta cách để trở nên người tông đồ của lòng thương xót Chúa. Chúa ban cho ta sự sống, ban cho ta được hiện hữu là vì Chúa yêu ta và cũng để ta được sống trong tình thương của Người. Chúa Giêsu đã vác thập giá lên đồi Canvê là vì yêu nhân loại. Người cũng mời gọi ta bước cùng Người trên con đường ấy, để đáp lại tình yêu Chúa và để yêu thương anh em.

Lạy Chúa Giêsu! Có người đã từng nói: “Nếu chọn Chúa, con sẽ là tất cả. Nếu chọn ai đó, con sẽ không là gì cả”. Con tạ ơn Chúa đã viếng thăm con, yêu con đang khi con yếu hèn tội lỗi. Con được Chúa ban cho ơn nhận biết mình được yêu thương. Chúa cũng cho con thấy con cần phải thả neo cuộc đời con nơi chính Chúa, bởi vì Chúa đã hơn một lần nói với con: “Đối với Ta, con thật quý giá”. Amen.

Về mục lục

LIỀU MẤT MẠNG SỐNG MÌNH

Thiên San

Để chiêu gọi các môn sinh hay chiêu gọi khách hàng đến với mình, chúng ta thường chọn cách quảng bá những điều hay, hứa hẹn bao điều tốt đẹp, hấp dẫn mà các môn sinh hay các khách hàng muốn đạt được, có được. Trong những tình huống như vậy, ít ai chọn cách nói điều gây bất lợi hay làm mất hình ảnh của bản thân. Nhưng khi đọc bài Tin Mừng hôm nay nay, chúng ta thật ngạc nhiên khi Thầy Giêsu không ngần ngại nói cho các học trò của mình biết về những đau khổ, bắt bớ và cả cái chết, sự phục sinh mà mình sẽ trải qua. Không những thế, Người còn nói rõ điều kiện theo Chúa cho các học trò cũng như cho những ai muốn theo Người. Tất cả những điều đó xem ra không có gì hấp dẫn và đó còn là một thách đố lớn nữa.

Theo Chúa bấy lâu, hẳn các môn đệ cũng phần nào hiểu biết về Thầy của mình. Các ông cũng nghe người ta nói về Thầy của mình. Bằng chứng là khi được hỏi về điều đó, các ông đều có thể trả lời một cách rõ ràng: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác thì cho là một trong các vị ngôn sứ nào đó” (Mc 8, 28).  Nhưng khi được hỏi về cái nhìn của chính mình: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8, 29), dường như các ông mấy tự tin để trả lời. Chỉ có Phêrô là người đại diện trả lời: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8, 29). Từ đó, Thầy Giêsu không ngần nại nói cho các học trò biết về những gì sẽ xảy ra. Đoạn, Người cũng nói rõ những điều kiện dành cho những ai muốn theo Người. Đó là phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Chúa. Những điều kiện này xem ra cũng chẳng hấp dẫn hơn những gì Thầy Giêsu sẽ trải qua.

“Ai muốn giữ mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 35). Đó là lời khẳng định của Thầy Giêsu sau những điều Người đã mặc khải về cuộc Thương Khó của Người. Thiết nghĩ, các môn đệ còn chưa hiểu được Đấng Kitô nghĩa là gì. Để theo Người đúng nghĩa, các môn đệ phải chấp nhận liều mất mạng sống mình, chấp nhận những đòi hỏi khắt khe của Tin Mừng. Những đòi hỏi của Tin Mừng thật sự rất khó khăn. Đó là những thách đố cho con người mọi thời đại, cho những ai muốn theo Thầy, là nghịch lý của Tin Mừng. Bởi từ bỏ chính mình chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Trong tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng, ở những tuyến đầu, những nơi được gọi là tâm dịch, nơi đó vẫn còn biết bao bóng dáng của những “thiên thần áo trắng’, các thiện nguyện viên đang ngày đêm “liều mất mạng sống mình” để cho các bệnh nhân được sống. Thiết nghĩ, họ chính là những môn đệ đích thực của Thầy Giêsu. Ai cũng hiểu rằng, khi tiếp xúc, chăm sóc, cứu chữa cho các bệnh nhân thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ rất cao và có thể mất mạng. Sự sống thật mong manh. Theo một cách nào đó, họ chẳng phải là những môn đệ đang sống theo lời mời gọi của Thầy Giêsu đó sao? Từ bỏ mình, liều mất mạng sống mình để lao vào chiến trận, họ đang ngày đêm gồng mình chiến đấu, tìm mọi cách để cứu các bệnh nhân thoát khỏi tay tử thần. Không phải họ không sợ chết nhưng đạo đức nghề nghiệp và trái tim đầy tràn yêu thương là động lực giúp họ vượt qua mọi khó khăn, sưởi ấm bao tâm hồn đang bất động vì Covid. Còn chúng ta, chúng ta đang làm gì để sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng trong thời đại hôm nay, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh?

“Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2, 18). Lạy Chúa Giêsu! Chúng con cảm tạ Chúa đã cứu chuộc chúng con bằng giá Máu châu báu của Ngài trên thập giá. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Chúa, cùng biết liều mất mạng sống mình để sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng. Đặc biệt, xin cho chúng con biết hành động sao cho đẹp lòng Chúa, để nhờ đó mọi người nhận biết Chúa. Amen.

Về mục lục

TIN LÀ BƯỚC THEO CHÚA KITÔ KHỔ NẠN-PHỤC SINH

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Dung mạo một Vì Thiên Chúa, Đấng Mêssia dưới dáng dấp của “Người Tôi Tớ đau khổ” như Isaia mô tả được cụ thể hóa nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, chịu đau khổ, chịu đóng đanh, chết vì chúng ta và đã sống lại để cứu chuộc chúng ta.

Người Tôi Tớ đau khổ

Hình ảnh “Người Tôi Tớ đau khổ” bị chống đối: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6). Chịu đau đớn trong thân xác như: bị đánh vào lưng, bị giật râu, vừa đau lại vừa nhục (x. 2Sm 10,4), bị khạc nhổ vào mặt (x. Ds 12,14). Tất cả như báo trước về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô, vị ngôn sứ thành Nagiarét phải mang lấy vào thân và hiện thực nơi Người.

Đức Giêsu Kitô chính là “Người Tôi Tớ khổ đau của Thiên Chúa”, chứ không ai khác. Người là Đấng Cứu Thế được Thiên Chúa tuyển chọn, tự nguyện gánh tội trần gian, dùng chính cái chết của mình làm lễ giao hòa, hầu muôn dân được ơn tha tội.

Bước theo Đức Kitô khổ nạn và phục sinh

Vỗn dĩ là Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chấp nhận đau khổ và cái chết, không có nghĩa là Người tìm kiếm đau khổ cho mình. Người chịu như thế là vì vâng phục Chúa Cha, để cứu chuộc chúng ta như Thánh Phaolô đã nói: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3).

Suốt ba năm công khai đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Đức Giêsu đã nhiều lần báo cho các môn đệ biết trước về số phận cứu thế của mình rằng “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ, và giết đi, rồi ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mc 8,31-33). Lần khác khi tụ họp tại Galilêa, Đức Giêsu cũng tỏ cho họ biết: “Con Người sắp bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại” (Mc 9,30-32). Lúc sắp lên Giêrusalem, dọc đường Đức Giêsu nói riêng với Nhóm Mười Hai: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và ký lục; người ta sẽ lên án tử hình cho Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại, và người ta sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ trên Người, đánh đòn Người và giết đi, và ba ngày sau Người sẽ sống lại” (Mc 10,32-34).

Tất cả những gì các ngôn sứ viết về Người Tôi Tớ đau khổ, Đức Giêsu sẽ là người thực hiện. Nhưng các môn đệ đâu có hiểu, vì họ cũng như tất cả những người Do Thái thời đó đang trông chờ một Đấng Cứu Thế chính trị, nổi lên lãnh đạo dân Do thái đánh đuổi đế quốc Roma, thống trị các dân nước và khôi phục vương quốc nhà Đavít. Đức Giêsu Kitô, Đấng hoàn toàn thánh thiện và vô tội, đã tự nguyện gánh lấy mọi tội lỗi của trần gian và chấp nhận cái chết bất công hổ nhục để cứu chuộc muôn người. Tại Giêrusalem, ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô được đầy ơn Chúa Thánh Thần đã công khai loan báo: “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ mà đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết” (Cv 2,23-24). Đó là Tin Mừng và là đức tin Giáo Hội tiếp tục rao giảng cho muôn dân cho đến ngày tận thế.

Tin và thực hành

Tin Mừng hôm nay mô tả một hoàn cảnh đặc biệt. Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô “là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mc 8,29). Liền sau đó, Đức Giêsu hé mở cho các môn ông hiểu rằng “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ, và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8, 31), làm đảo lộn tâm hồn ông, Phêrô nổi loạn. Không thế được, không thế được. Làm sao Ðấng Kitô lại có thể bị đau khổ cho tới chết được? Phêrô không chấp nhận con đường ấy, nên mới: “Kéo Người lui ra mà can trách Người” (Mc 8, 32).  Ý của Phêrô là, Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Ðiều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá.

Ngỏ lời với Hồng y đoàn trước khi khai mào sứ vụ ngai tòa Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Ðức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.

Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình” (Mc 8, 34). Ý muốn của Thiên Chúa là chấp nhận thập giá.

Thì ra con đường của các môn đệ là theo Chúa Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Con đường “chịu mất chính mình”, để tìm lại được chính mình, như Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con đường “chịu mất chính mình“, là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (Ðức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).

Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta” (Mc 8, 34). Theo Chúa khi chấp nhận thập giá của mình với lòng yêu mến. Dưới con mắt thế gian, “chịu mất mạng sống” (Mc 8, 35) là một thất bại. Nhưng khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Ðức Giêsu mang lấy thập giá của tất cả mọi người và trở thành suối nguồn ơn thánh cứu độ cho toàn dân.

Lạy Maria, Mẹ đã sống lòng tin bằng cách trung thành theo Chúa Giêsu Con Mẹ, xin giúp chúng con bước đi trên con đường của Chúa Giêsu bằng cách quảng đại xả thân cho Chúa và cho tha nhân. Amen.

Về mục lục

QUYẾN RŨ

Trầm Thiên Thu

Ngôn sứ Giêrêmia thổ lộ: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.” (Gr 20:7) Cách quyến rũ của Thiên Chúa rất khác lạ, không giống như cách của loài người. Trong đời thường, người ta HỨA HẸN đủ thứ bằng những lời đường mật, còn Thiên Chúa lại quyến rũ bằng cách KHÔNG HỨA “ngon lành” hoặc “béo bở” mà Ngài HẸN những thứ hoàn toàn trái ý chúng ta: Từ bỏ chính mình và vác thập giá hằng ngày.

Chính mình mà lại không được chiều chuộng, còn đau khổ không ai muốn thì lại phải chấp nhận. Ngậm trái bồ hòn mà cảm thấy vị ngọt thì đúng là quá đỗi lạ lùng, kẻ đó có lẽ “điên khùng” thật. Nhưng đối với Thiên Chúa, kẻ điên khùng đó rất đáng yêu, đặc biệt là được thưởng Nước Trời. No Cross, No Crown; No Pain, No Gain. Không thập giá thì không có triều thiên; không đau khổ thì chẳng được lợi gì.

Thế gian được ví là bể khổ, chắc chắn chẳng vui sướng gì. Thật vậy, cuộc sống luôn có nhiều vấn nạn – từ nhỏ tới lớn, từ đơn giản tới phức tạp, từ cụ thể tới trừu tượng, từ riêng tới chung. Biết cách đặt vấn đề có thể giúp chúng ta xử lý tình huống tốt hơn hoặc dễ dàng hơn. Ngược lại, không biết cách đặt vấn đề có thể khiến chúng ta lâm vào thế bí. Rắc rối. Phức tạp. Nhiêu khê. Tuy nhiên, đặt vấn đề cũng có thể là đưa ra một điều kiện nào đó: Nếu làm thế này thì sẽ được cái kia.

Thập giá là vấn đề độc đáo đã được Chúa Giêsu đặt ra cho những người muốn theo Ngài, muốn làm môn đệ của Ngài. Thập giá là chiếc cầu gồm hai nhánh kỳ diệu, nhánh dọc đưa đến Thiên Chúa, nhánh ngang dẫn tới tha nhân. Hai nhánh giao nhau ở giữa, giao điểm đó chính là “nút thánh” Đức Giêsu Kitô. Thập giá là con đường duy nhất dẫn tới hạnh phúc đích thực. Không có con đường nào khác.

Đau khổ là vấn đề chúng ta phải lập kế hoạch rõ ràng. Thập Giá là Thánh Giá, là cái GIÁ để nên THÁNH. Muốn nên thánh thì phải trả giá bằng cách đi qua Con Đường Thập Giá. Chỉ có độc đạo đó dẫn tới Thiên Chúa mà thôi.

Đau khổ Thập Giá mà Đức Giêsu Kitô phải trải qua đã được ngôn sứ Isaia tiên báo: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.” (Is 50:5-7)

Thập Giá là nhục nhã, tang tóc, chết chóc. Nhưng Thập Giá lại tiềm ẩn sự quyến rũ lạ lùng, và đó là đại lộ dẫn tới cõi phục sinh, nơi trường sinh bất tử. Ngôn sứ Isaia đã đặt vấn đề: “Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu tòa! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi! Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?” (Is 50:8-9a)

Nếu thực sự có Thiên Chúa thì người ta không còn sợ hãi bất cứ ai hoặc điều gì: “Lòng tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi khẩn nài, Người lại lắng tai ngày tôi kêu cứu.” (Tv 114 [116]:1-2) Lòng tin ấy thật mãnh liệt, bền vững, và được kiểm chứng xác thực: “Gặp gian truân sầu khổ, tôi đã kêu cầu danh Chúa: ‘Ôi lạy Chúa, xin cứu gỡ mạng con!’ Chúa là Đấng nhân từ chính trực, Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương, hằng gìn giữ những ai bé mọn, tôi yếu đuối, Người đã cứu tôi.” (Tv 114 [116]:4-6)

Niềm tin được minh chứng thì niềm tin đó càng thêm vững mạnh, thế nên họ luôn tự nhủ: “Hồn tôi hỡi, thôi bình tĩnh lại, vì trên ngươi, Chúa đã xuống ơn lành; Chúa cứu gỡ mạng tôi khỏi chết, giữ mắt này chẳng còn đẫm lệ, ngăn ngừa tôi khỏi phải hụt chân. Tôi sẽ bước đi trước mặt Người trong cõi đất dành cho kẻ sống.” (Tv 114 [116]:7-9) Đức tin càng mạnh thì càng thêm trông cậy và thể hiện đức mến.

Nhưng đức tin đó phải được chứng tỏ bằng hành động cụ thể, như Thánh Giacôbê nói: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no,’ nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2:14-16) Đó cũng là cách giải thích rõ ràng các chi tiết và rất cụ thể.

Cách lý luận của Thánh Giacôbê rất độc đáo: “Đức tin KHÔNG CÓ HÀNH ĐỘNG thì quả là ĐỨC TIN CHẾT. Đàng khác, có người sẽ bảo: ‘Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động.’ Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.” (Gc 2:17-18) Cách đặt vấn đề lô-gích và tuyệt vời biết bao!

Chính Chúa Giêsu đã cho ông Tôma biết bí quyết đạt được sự sống vĩnh hằng: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. KHÔNG AI ĐẾN VỚI CHÚA CHA MÀ KHÔNG QUA THẦY.” (Ga 14:6) Con đường đó là Con Đường Giêsu, và cũng là Con Đường Thập Giá. Không có bất cứ con đường, lối đi hoặc ngõ ngách nào khác.

Có một số vấn đề quan trọng được trình bày trong trình thuật Mc 8:27-35. Một hôm, Đức Giêsu và các môn đệ tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Ngài hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Ngài lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” Lời tuyên xưng rõ ràng, chính xác, dứt khoát. Thật tuyệt vời và rất đáng khen, nhưng Ngài cấm các ông tiết lộ với người khác.

Rồi Ngài còn cho biết rằng Ngài phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Đây lần thứ nhất Ngài loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Ngài. Nghe Ngài nói rõ như vậy, ông Phêrô liền kéo riêng Ngài ra và trách Ngài. Nhưng Ngài liền quở trách ông Phêrô: “Satan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” Ông Phêrô vừa mới được khen thì lại bị trách ngay. Điều đó cho thấy rằng phàm nhân luôn biến đổi vì yếu đuối, thậm chí có lúc còn không biết mình là ai. Phàm nhân chẳng khác thời tiết thất thường, khó đoán.

Chúa Giêsu cho biết điều kiện để theo Ngài: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Nghe chừng là nghịch lý, nhưng thực ra lại là thuận lý. Đơn giản mà nhiêu khê!

Ngụ ngôn kể về hai mẹ con loài chó. Chó con hỏi chó mẹ: “Mẹ ơi, hạnh phúc là gì vậy?” Chó mẹ giải thích: “Hạnh phúc là cái đuôi của con đấy!” Chó con liền quay lại tóm lấy cái đuôi nhưng không thể. Chó con oà khóc và hỏi: “Mẹ ơi, tại sao con không thể bắt được hạnh phúc vậy?” Chó mẹ điềm nhiên: “Con yêu, con cứ tiến về phía trước thì hạnh phúc sẽ theo sau con. Con càng muốn năm bắt hạnh phúc thì hạnh phúc càng xa con.”

Triết lý sống rất đơn giản, nhưng người ta cứ tự làm cho cuộc sống thêm phức tạp. Tại sao cứ phải đi tìm hạnh phúc trong khi hạnh phúc vẫn luôn đi theo mình? Cứ sống và cảm nhận hạnh phúc mà Thiên Chúa dành cho chúng ta giữa trần gian này. Hạnh phúc trừu tượng mà vẫn cụ thể: HẠNH PHÚC LÀ ĐƯỢC SỐNG BÊN NHỮNG NGƯỜI MÌNH YÊU THƯƠNG. Như vậy, hạnh phúc luôn gần gũi và giản dị. Đời thường mà rất diệu kỳ.

“Vác thập giá hằng ngày” vừa là lời khuyên vừa là mệnh lệnh mà Chúa Giêsu truyền, ai nỗ lực thì sẽ được sống. Hạnh phúc nào cũng có vị mặn của nước mắt, thành công nào cũng cần khổ luyện. Thánh Bernard Clairvaux (1090-1153) xác nhận: “Sự chết là cửa ngõ của sự sống.” Còn đại văn hào Victor Hugo (1802-1885) cho biết: “Hành động tốt là bản lề của Cửa Nước Trời.” Thế thì chẳng gì phải ngạc nhiên khi Chúa Giêsu bảo chúng ta phải “từ bỏ mình” và “vác thập giá” không ngừng, triền miên từ sáng tới chiều, miệt mài hết ngày này qua tháng nọ.

Tình Chúa bao la và bất biến, hãy tín thác vào Ngài, vì Ngài đã thề hứa: “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống.” (Ed 33:11) Thiên Chúa rất muốn mọi người được vào Nước Trời, và đó cũng là cùng đích của chúng ta. Đây là sự khôn ngoan của Thánh Vịnh gia: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.” (Tv 51:3-5)

Nhân vô thập toàn, ai cũng có lúc được khen và có lúc bị chê. Nhưng quan trọng là cách thức khen và chê: “Kẻ khen ta mà khen thật mới chỉ là bạn ta, kẻ chê ta mà chê thật chính là thầy ta, còn kẻ nịnh hót tâng bốc ta thì chỉ là kẻ hại ta.” (Tuân Tử, hiền triết Trung Hoa) Trong mọi mối quan hệ, sự thẳng thắn vẫn là cách quyến rũ nhất.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con thành tín trong mọi động thái, gia tăng can đảm để chúng con khước từ những gì không thuộc về Ngài, xin giúp chúng con chấp nhận thập giá đại dịch này để hoán cải theo Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Về mục lục


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...