25/11/2021
693
Linh mục
Gerard S. Sloyan
Hyattsville, tiểu bang Maryland

     Cha Gerry[1] Sloyan là một Giáo Sư Danh Dự về Tôn Giáo Học tại Đại Học Temple, và là Diễn Giả Lỗi Lạc trong khoa nghiên cứu Tôn Giáo tại trường Đại Học Công Giáo America. Ngài là một người độc đáo trong các giáo sĩ mà câu chuyện được kể đến ở đây. Trong khi những ngày đầu đời linh mục của ngài gồm công việc ở xứ đạo, và trong khi các tài năng của ngài thực sự xứng hợp với việc quản trị, thì quá trình đào tạo của ngài đã chuẩn bị ngài cho một cuộc sống khác. Ngài là một học giả thông thái, suốt đời tận tụy với việc giáo dục. Suốt cuộc đời ngài đã luôn dấn thân trong việc dạy học, nghiên cứu, học hỏi về tôn giáo, viết lách, và đại kết. Hơn thế nữa, ngài thích thú trong việc san sẻ mục vụ cộng đồng qua việc tham dự vào phụng vụ thánh.
     Cha Sloyan sinh ra trong khu Fordham của thành phố Bronx năm 1919, và thụ phong linh mục cho địa phận Trenton năm 1944. Hai trong bốn chị em của ngài đã vào dòng tu.



     Các linh mục của xứ đạo tôi thời thơ ấu là những con người vĩ đại, bắt đầu từ cha sở là người rất chú trọng đến sức sống của trường học giáo xứ. Cha John B. McCloskey xuất thân từ một khu phố ở miền Nam tiểu bang New Jersey, nơi mà thiên kiến chống Công Giáo cũng sâu đậm như ở đồng quê miền nam. Nó đã biến ngài thành nhà hộ giáo cho đức tin qua ngành giáo dục. Không những ngài chăm lo để lớp 12 được cung cấp các Sơ dòng Thương Xót[2] giỏi nhất và thông thái nhất mà ngài đã khéo léo xin được từ Mẹ Bề Trên, song ngài cũng báo cáo trên tòa giảng về mỗi một chiến thắng nào của trường Công Giáo mà ngài biết, dù là hội chợ khoa học ở tiểu bang Kansas, hay cuộc thi đánh vần ở tiểu bang OhioSự thấy được và đến với được của các linh mục cũng như đời sống của họ là điều quan trọng để phô diễn sứ vụ linh mục như một ơn gọi hấp dẫn. Tôi coi các linh mục như đời sống của người sống, và như một phần của văn hóa.
     Các linh mục phó được sai đến xứ đạo tôi thuộc loại thích thể thao. Nhìn tổng thể, các linh mục là một nhóm đàn ông hấp dẫn. Tôi đã quyết định mình muốn là một người trong số họ rất sớm. Thật ra, tôi không thể nhớ được có lúc nào mà tôi lại không muốn. Khi niềm ước ao trở thành linh mục lớn dần, nỗi lo sợ duy nhất của tôi là mình không giỏi về thể thao. Tôi chơi hết các môn, nhưng tệ lắm. Môn thể thao duy nhất mà tôi khá là bơi lội và lặn, một môn thể thao không có thi đấu ở trình độ của tôi. Hầu hết các năng lực lúc trẻ của tôi dồn vào sinh hoạt Hướng Đạo. Tôi đã nghĩ rằng nếu có ngày trở thành linh mục, tôi sẽ có thể sử dụng những khả năng hướng đạo vào sứ vụ linh mục.
     Tôi nhận được một học bổng ở Đại Học Seton Hall, do các linh mục Tổng Giáo Phận Newark hướng dẫn. Hai năm kế tiếp đã mở mắt tôi. Tôi được biết một người có thể vừa là một linh mục thuộc giáo phận, và cùng lúc là một người chuyên lo sách vở và học hành. Cho đến thời điểm đó, các mẫu người linh mục của tôi có đủ mọi nhân đức, song họ đã không giảng thuyết hay dạy học giỏi. Từ lúc bước vào đại học, ước muốn trở thành linh mục của tôi trùng hợp với thích thú của tôi trong đời sống trí thức.
     Hoa-Kỳ đang trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, lúc tôi sắp chịu chức Năm. Tôi bắt đầu cảm thấy không chắc chắn về ơn gọi của mình. Tôi nghĩ rằng đức tin của tôi không mạnh đủ để phục vụ như một người lãnh đạo tinh thần cho người ta, hoặc không thể giảng đạo cho bất kỳ ai trừ mình tôi. Tôi đã đến gặp cha linh hướng chủng viện, một người được mọi người kính trọng. Khi tôi nói lên nỗi lo sợ của mình và thưa với ngài rằng tôi đang nghĩ đến việc nhập ngũ, thì ngài liền xua đi. Ngài bảo: 
“Này Gerry, con sẽ làm một người lính tồi, song sẽ là một linh mục tốt. Quên điều đó đi.” Tôi đã quên đi thật. Năm cuối trong trường thần học tại Đại Học Công Giáo ở Hoa-Thịnh-Đốn khiến tôi quên hết mọi ý tưởng đó. Các sinh viên ở đây là một nhóm người thật lý thú. Tôi đã mất hết sự nhút nhát và hiên ngang tiến tới.
     Ở chủng viện mà chúng tôi theo học, việc đào tạo khá nặng về mục vụ. Chúng tôi không bao giờ được phép quên rằng còn nhiều việc phải làm trong các xứ đạo thuộc tiểu bang New Jersey hay bất cứ giáo phận nào, nơi mà các sinh viên từ đó đến. Các linh mục giáo sư, hầu hết như mọi người đàn ông, đều ra giúp các xứ đạo vào những ngày cuối tuần. Cha linh hướng, cũng là một giảng sư, thường hay bảo: 
“Này các cậu, đây sẽ là một cuộc sống đơn độc; mấy cậu cần phải biết giải trí một cách khôn ngoan. Hãy giữ liên lạc với các bạn linh mục của mình. Lấy ngày nghỉ và đi nghỉ hè với một số bạn linh mục.”
     Đương nhiên chúng tôi biết là ngài đang nói về đời sống độc thân, song tôi đã học biết là còn có gì hơn thế, hơn là chỉ đơn thuần không có người vợ và gia đình. Ít lâu sau trong đời linh mục, rõ ràng là tôi cần những phương thế để đối phó với nhiều tiếng đồng hồ thật dài một mình. Đọc sách là một cách dùng thời giờ rảnh tốt nhất. Nó vừa mở rộng chân trời tâm trí tôi, vừa có lợi lớn lao cho những người nghe tôi giảng. Thêm vào đó, bất cứ hoạt động nào ngoài trời đều là liều thuốc tốt chống lại một cuộc sống dễ trở thành nhàn rỗi.
     Giám mục của tôi nhận được một thỉnh cầu từ vị giám đốc trường Đại Học Công Giáo America xin tôi phục vụ trong khoa tôn giáo dạy các sinh viên sắp ra trường và cũng cấp bằng tốt nghiệp. Đức giám mục đã chấp thuận thỉnh cầu đó, và 47 năm sau tôi vẫn còn dùng phấn viết lên chiếc bảng đen. Tôi đã trải qua 17 năm ở trường Đại Học Công Giáo. Bốn năm trong những năm ấy thì Công Đồng Vatican II đang nhóm họp. Trong thời gian họp Công Đồng và những năm liền ngay sau đó, tôi bận rộn trong việc du thuyết khắp cả nước để giải thích những tài liệu nào của Công Đồng đang được dạy. Đấy là một công việc lý thú, song điều còn quan trọng hơn nhiều chính là việc tôi dạy hằng trăm sinh viên đại học, các thầy giáo, các sơ và người giáo dân, tuyên úy quân đội, và các linh mục đến từ nhiều giáo phận và dòng tu. Dạy học là một công việc mục vụ không có cái ồn ào huyên náo 
như ở xứ đạo. Riêng về đời sống xứ đạo, tôi đã ngồi tòa giải tội và chủ tọa tiệc thánh thể trong các nhà thờ giáo xứ vào các Chúa Nhật suốt cả đời mình. Dầu vậy, tôi đã ít khi tham gia việc chăm sóc cho người bệnh và người hấp hối. Tôi nghèo đi nhiều vì không có cơ hội phục vụ ấy.
     Sau những ngày dạy học ở Hoa-Thịnh-Đốn, tôi đã trải qua 25 năm kế tiếp trong phân khoa tôn giáo tại Đại Học Temple. Đại Học Temple là một học viện thuộc tiểu bang của Khối Thịnh Vượng Chung Pensylvania, nơi tôi thường được các sinh viên biết đến với danh hiệu Tiến Sĩ Sloyan. Thỉnh thoảng, vào khoảng giữa hay cuối lục cá nguyệt, một sinh viên sắp ra trường lại gần bàn giấy sau giờ lớp với một cái nhìn xa lạ trên gương mặt và nói: 
“Tôi đã nói chuyện với một linh mục trong giáo xứ hôm trước đây…” Tôi hẳn sẽ biết ngay tức khắc rằng sinh viên ấy đã nhắc đến tên tôi, và một linh mục địa phương Philadelphia đã tiết lộ hành tung của tôi mất rồi.
     Những năm ở Temple đã đưa tôi đến liên hệ gần gũi với các sinh viên sắp ra trường theo đạo Do-Thái và Hồi Giáo, và các thành viên của hệ phái Mennonite[3] cũng
như Brethen[4] trong số các tín đồ Tin Lành. Một số nam nữ sinh viên thuộc Reconstructionist Rabbinical College tọa lạc gần đó cũng lấy hai bằng cấp cùng một lúc. Họ thuộc tầng lớp những sinh viên xuất sắc nhất mà tôi hướng dẫn trong các cuộc nghị luận. Các sinh viên Hồi Giáo hầu hết đến từ Pakistan, Nam Phi, Mã-Lai, Ấn-Độ, Nam Dương và Nigeria. Tất cả họ đều đã từng là giáo sư trong xứ sở của họ, và rất trí thức. Tôi cảm thấy có một ràng buộc đặc biệt với họ, không chỉ về những điểm tương đồng của Ki-tô giáo với việc dạy kinh Koran[5] (một điều làm họ ngạc nhiên), song cũng vì các thần học gia trung cổ và các kinh sĩ Công Giáo nói cùng một ngôn ngữ. Chúng tôi có chung toàn bộ truyền thống triết lý Aristote[6]. Về những điểm chung với các sinh viên Tin Lành, chúng tôi chỉ có Kinh Thánh và Thánh Au-gus-ti-nô được đọc dưới lăng kính của Lu-the-rô[7] và Calvin[8].
     Kinh Thánh là bộ môn sở trường của tôi, đặc biệt phần Tân Ước. Các sinh viên Mỹ gốc Phi Châu thuộc những câu Kinh Thánh rất khá, các sinh viên Tin Lành Mỹ trắng và Công Giáo thì không thuộc lắm. Các sinh viên Do-Thái thuộc Kinh Thánh như các thầy Rabbi dạy họ, được gọi là sách chú giải. Như các Cơ-Đốc nhân[
9] thường dạy Kinh Thánh theo sự soi sáng của những khai triển thần học rút ra từ đó thế nào, thì các thầy Do-Thái cũng dạy kinh Torah[10] qua những bài giảng soạn thảo kỹ lưỡng theo cách kể truyện để minh họa cho câu văn thế ấy.
     Ngoài khuôn viên Đại Học Temple, tôi bận rộn với một số những cuộc đối thoại song phương giữa các nhóm thần học gia và giáo sư Công Giáo và Tin Lành. Những cuộc đối thoại này được hỗ trợ bởi các Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ và vài giáo hội khác. Tôi khá may mắn được dự phần trong ba cuộc đối thoại liên tục với giáo hội Tin Lành Giám Lý[
11] và một lần với một số giáo hội cải cách, chính yếu là Presbyterian[12], song cũng có giáo hội cải cách Hòa-Lan và Hung-Gia-Lợi. Đáng nhớ hơn cả, có lẽ bởi vì nó đã kéo dài đến 8 năm liền và đưa đến một số tình bạn thân thiết, chính là việc tôi được bổ nhiệm làm quan sát viên cho Ủy Ban Dòng Tu Giáo Hội của 9 Giáo Hội thành viên của Hội Tham Vấn về Hiệp Nhất Giáo Hội –hiện nay được đổi tên là Liên Kết Giáo Hội của Chúa Ki-tô[13]. Những cuộc đối thoại đại kết đó (ngày nay nhiều cuộc đối thoại vẫn còn tiếp tục) giữa những sự hiệp thông khác của Đông và Tây đang có tác động, dầu hơi chậm và thầm lặng để giảm bớt căng thẳng và tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau. Hy vọng chúng cũng sẽ giảm thiểu cái gương mù của một Ki-tô giáo bị chia rẽ, một gương mù cho cả những người bên trong và bên ngoài niềm tin Ki-tô giáo.
     Trong tất cả những hoạt động này, chương trình giáo dục tôi học được ở chủng viện về triết lý, thần học, những hình thức thờ phượng theo nghi lễ Rô-ma tạo cho tôi một chỗ đứng tốt. Trong khi nó có vẻ như hạn hẹp, song rất phong phú và đa dạng so với nền giáo dục của một vài thành phần khác trong đối thoại đại kết. Nhiều thần học gia Tin Lành có chút ganh tị về những chương trình đào tạo thiêng liêng của các chủng viện Công Giáo. Họ thường ca ngợi đời sống cầu nguyện của các linh mục Công Giáo là những người được mong đợi trở thành lãnh đạo trong việc cầu nguyện cho suốt đời còn lại của mình.
     Việc các linh mục theo Công Giáo Rô-ma không lập gia đình đã là một sự kiện khá phổ biến nên không cần bàn thêm. Nó là một vấn đề gây tò mò không ngớt ở một mức độ nào đó, có người thì ân hận, người khác lại cổ võ. Tuy nhiên, các tham dự viên trong các buổi thảo luận thần học biết rằng đời sống độc thân, không khác gì đời sống gia đình, đều có những điểm tích cực và tiêu cực. Việc trung tín với lời cam kết, dù là trong mục vụ Ki-tô giáo hay hoàn toàn tách biệt với nó, đều là một điều kỳ diệu của ân sủng Thiên Chúa.
     Tôi có mối liên hệ thường xuyên với người Do-Thái, là những người không thuộc Ki-tô giáo. Việc này đã diễn ra chính là qua việc phục vụ lâu dài trong Hội Đồng về Lò Sát Sinh[
14] đặt ở Philadelphia (sau này là Liên Tôn). Tôi là thành viên trong Hội Đồng về Lò Sát Sinh đó đã tiếp tục được 15 năm. Nó khiến tôi nhận ra cách thức mà những người Do-Thái bình thường nhìn vào Ki-tô hữu. Toan tính của một số Ki-tô hữu muốn loại trừ người Do-Thái hoàn toàn khỏi mọi lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của Nazi chính là hệ quả của mối ác cảm lâu dài với Ki-tô hữu. Tôi cho là mình may mắn học được quan điểm phổ thông này của người Do-Thái trực tiếp qua những người sống sót của một số trại chết chóc và các con trưởng thành của những người sống sót đó. Sự kiện tôi là một linh mục của Giáo Hội Công Giáo vẫn luôn luôn là một phần của phụ đề trong bất kỳ mối liên hệ nào với người Do-Thái, dù là tốt hay xấu.
***
     Điều định nghĩa rõ nhất về vai trò linh mục đối với tôi, và là điều tôi luôn luôn thích thú, chính là năng quyền được diễn một vai trò chủ động trong phụng vụ cộng đồng của Giáo Hội mỗi ngày. Chủ sự những bí tích thánh, có thể giãi bày sự phong phú của Kinh Thánh trong bối cảnh đó, vẫn là niềm vui của tuổi thanh xuân nơi tôi, và còn tiếp tục trong tuổi trung niên. Được dự phần trong nghi lễ với tất cả ân sủng và vẻ đẹp mà Giáo Hội đã mặc cho, được làm người hướng dẫn mọi người cầu nguyện, thì còn hơn cả những gì tôi đã trông đợi lúc chuẩn bị đón nhận sứ vụ linh mục.
     Giáo Hội của chúng ta bất toàn trong một thế giới bất toàn. Song có một niềm hạnh phúc lớn lao cho những ai sống cuộc đời mình trong thân thể Chúa Ki-tô. Chức linh mục là một vai trò công khai trong Giáo Hội. Vì lý do đó, bất cứ ai sống quá riêng lẻ theo cách nói thời nay đều không nên hướng đến việc làm linh mục và không nên chịu chức. Cũng chẳng nên làm linh mục nếu người nào đó không có khiếu cử hành phụng vụ. Để trở thành những linh mục hữu ích, chúng ta cần cái khả năng để làm bạn với nhiều hạng người và đây là sự hoàn hảo của tình yêu nhân loại.
     Đời linh mục là một con đường tuyệt vời của cuộc sống Ki-tô hữu, và tôi đề nghị điều ấy cho bất kỳ ai nghĩ rằng mình có khuynh hướng và những đặc tính cần thiết. Anh ta có thể nói
: “Phải, nhưng tôi lại cứ hay dễ phải lòng. Thật vậy, ngay cả bây giờ tôi cũng đang yêu.” Tôi cũng thế thôi, đã từng yêu qua năm tháng. May mắn thay cho các bà, đã không hề có điều gì xảy ra cả.


[1] Gerry
– tên gọi thân mật của Gerard.

[2] Sisters of Mercy – tên trọn vẹn Religious Sisters of Mercy, viết tắt R.S.M., do Mẹ Bề Trên Catherine McAuley sáng lập năm 1831 tại Dublin, Ái-Nhĩ-Lan, chuyên phục vụ người nghèo qua các cơ quan bác ái khắp thế giới.


[3] Mennonite – một hệ phái Tin Lành bắt nguồn khoảng năm 1525 trong trào lưu Cải Cách, không chấp nhận việc rửa tội trẻ sơ sinh, chọn đường lối bất bạo động khi bị bách hại. Được đặt tên theo một trong các thủ lãnh là Menno Simons, một linh mục Công Giáo rời bỏ Giáo Hội năm 1536.

[4] Brethen Hội Thánh Anh Em, tên gọi chung của một số hệ phái Tin Lành.

[5] Kinh Koran – còn viết là Quran hay Qur’n, kinh thánh của Hồi Giáo, được coi là do thiên sứ Gabriel mạc khải cho Muhammad, vị “tiên tri” sáng lập Hồi Giáo, trong suốt 23 năm từ năm 609 đến 632, năm ông qua đời.

[6] Aristotle – triết gia và bác học Hy-Lạp, sinh năm 384 trước Công Nguyên, mất năm 322 trước Công Nguyên, là học trò của Plato, và thầy của A-lịchsơn Đại Đế.

[7] Martin Luther – (1483-1546) linh mục Công Giáo người Đức, tách rời khỏi giáo hội Công Giáo Rô-ma năm 1521 vì muốn trở về nguồn Kinh Thánh, phản đối việc dùng tiền để mua ân xá thời giáo hoàng Leo X.

[8] John Calvin – (1509-1564) mục sư Tin Lành người Pháp (Jean Calvin), gây ảnh hưởng lớn thời Cải Cách với nhiều chủ thuyết thần học Ki-tô giáo.

[9] Cơ-Đốc nhân – tiếng phiên âm của chữ Chrétien tiếng Pháp theo cách gọi của người Tin Lành; người Công Giáo dịch là Ki-tô hữu.

[10] Ngũ Kinh – tiếng người Do-Thái gọi năm cuốn sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh Cựu Ước.

[11] Methodist – một hệ phái Tin Lành phát sinh từ Anh Giáo, có nhiều điểm thực hành phụng vụ gần giống với Công Giáo, nhất là khi cử hành Tiệc Thánh. Hội thánh Giám Lý bắt nguồn từ cuộc canh tân của John Wesley, vốn là một giáo sĩ Anh Giáo, trong thế kỷ 18. Giám Lý ủng hộ việc phong chức mục sư cho phụ nữ. Hàng giáo sĩ cao nhất là giám mục.

[12] Presbyterian - một hệ phái Tin Lành, bắt nguồn từ Tô-Cách-Lan thế kỷ 16, tuân thủ thần học của Calvin, do Hội Đồng Trưởng Lão điều khiển.

[13] Church of Christ Uniting

[14] Council on the Holocaust.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...