07/05/2022
656
Giám mục
John Mackey

Auckland, Tân-Tây-Lan

     Giám mục John Mackey sinh tại thành phố Bray, quận Wicklow, nước Ái-Nhĩ-Lan năm 1918. Lúc còn rất nhỏ, ngài đã di cư cùng với mẹ và một người cậu đến Tân-Tây-Lan. Ngài đã học ở đó và thụ phong linh mục năm 1941, sau đó được truyền chức giám mục, và về hưu vài năm trước đây. Ngài là một người khôn ngoan và dí dỏm, ngài thuật lại một bài nói chuyện khôi hài lý thú về những ngày còn làm phó xứ và một bài phân tích thật sắc sảo về tình trạng Giáo Hội đương thời. Câu chuyện ngài kể trải dài từ cuộc vượt thoát khỏi Ái-Nhĩ-Lan đến thời lớn lên ở Tân-Tây-Lan và quãng thời sau đó.

     Khi tôi mới lên một tuổi, cha tôi qua đời vì bệnh cúm đen lúc ấy đang càn quét khắp Âu Châu từ năm 1916 đến 1918. Một người cậu bên họ mẹ tôi tên là Peter đã lãnh trách nhiệm săn sóc mẹ tôi và tôi. Chúng tôi rời Ái-Nhĩ-Lan vì những cuộc Biến Động, nghĩa là khoảng thời gian sau khi ký hiệp ước 1922. Năm 1916 người dân Ái-Nhĩ-Lan đã nổi loạn chống lại Anh Quốc. Cuộc nổi dậy đó bị tiêu diệt. Trong những năm sau chiến tranh, lính khố Đen và Xám, một đội quân Anh có trang bị vũ khí, được đưa vào đất Ái-Nhĩ-Lan. Chúng rất tàn nhẫn. Năm 1912, một hiệp ước được ký kết giữa Anh Quốc và Ái-Nhĩ-Lan, và đó là căn cớ của cuộc tranh chấp hiện tại: 26 quốc gia trở nên độc lập và 6 nước còn lại là một phần của Anh Quốc. Thế rồi mặt trận Ái-Nhĩ-Lan chung đã phân chia thành nhóm Sinn Fein là những người chấp thuận sự giàn xếp, và Quân Đội Cộng Hoà Ái-Nhĩ-Lan là những người chống lại. Chính Quân Đội Cộng Hoà Ái-Nhĩ-Lan này đã gây ra cuộc nội chiến chống lại nhóm Sinn Fein, với anh em tàn sát lẫn nhau. Sự xung khắc đó còn kéo dài mãi đến cuối thập niên 1920.
     Để thoát khỏi tình trạng ấy, chúng tôi đã di chuyển tới Tân-Tây-Lan năm 1924 để sống với một người cậu nữa bên họ ngoại là John, cha sở của xứ đạo Đức Mẹ của Thánh Tâm tại Epsom, một vùng ngoại ô của Auckland. Mẹ tôi trông coi nhà cửa cho cậu, bởi thế tôi đã trải qua một phần lớn tuổi ấu thơ trong nhà xứ. Tôi thường hay nói với các học sinh trong chủng viện rằng tôi không bao giờ có thể kêu gọi việc tách rời khỏi Giáo Hội với lời tuyên cáo có một sự hiểu lầm về đời sống linh mục ra sao, bởi vì tôi đã từng kinh nghiệm nó gần gũi hơn hầu hết mọi người. Nhưng hạnh phúc thay vì hơn hết mọi thứ, những kinh nghiệm ấy đã khiến tôi nghĩ rằng tôi có một ơn gọi. Tôi thích cậu tôi lắm, đã giúp lễ cho cậu, đi kẻ liệt với cậu, và đã từng hoạt động trong xứ đạo. Tôi lớn lên trong một bầu khí gia đình ấm cúng, đầy tin tưởng và thông cảm, và theo quan điểm của những người ngoại cuộc, có thể là nuông chiều nữa. Khi tôi hoàn tất trung học, tôi đã xin giám mục chấp thuận cho tôi được đi học làm linh mục, và ngài đã hỏi tại sao tôi lại muốn thế, tôi trả lời ngài bởi vì tôi muốn cứu linh hồn mình. Ngài bảo một động lực như thế cũng đủ tốt rồi.
     Một đêm kia tôi đang ngồi trên bãi biển, nhìn ra biển và ngắm trăng lên. Tôi đã cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Tôi nghĩ rằng
“Ngài thật toàn năng, mà cũng thật gần gũi. Ngài gìn giữ tôi trong bàn tay Ngài.” Tôi đã cố gắng luôn luôn sống với cái cảm nghiệm có sự hiện diện thần linh đó. 
     Bài sai của tôi sau khi thụ phong linh mục là đến một xứ đạo đáng yêu trong khu thành phố của Auckland, mang tên Remuera. Cha xứ là một người không hạnh phúc, người mà dân Ái-Nhĩ-Lan gọi là một “người Ái-Nhĩ-Lan đen.” Ngài đến từ miền Bắc và rất khinh miệt những người Tin Lành và bất cứ thứ gì không phải là Ái-Nhĩ-Lan. Ngài không để tôi hay các phó xứ khác được giảng. Công việc duy nhất của chúng tôi là đi cuốc bộ thăm các gia đình trong giáo xứ. Chúng tôi không có xe hơi, và trong những năm chiến tranh không thể sắm nổi một chiếc xe đạp nữa. Chế độ khẩu phần đang được áp dụng, và viên quản gia lục lọi các phiếu thực phẩm của chúng tôi hầu cung cấp một vài bữa ăn đàng hoàng cho cha xứ. Dầu sao, đó là những ngày hạnh phúc đối với tôi. Năm 1942, người Mỹ đã xây một bệnh viện hải quân ngay giữa xứ đạo, và người ta xin giáo phận cung cấp cho một tuyên úy để săn sóc những thương bệnh binh đến từ Quần Đảo Solomons. Cha xứ quan sát hai chúng tôi, và quyết định tôi là người vô tích sự hơn nên cử tôi làm công việc đó. Vì thế, suốt 14 tháng tôi săn sóc những người HoaKỳ đau yếu và bị thương tích. Bệnh viện bắt đầu với 800 bệnh nhân và kết thúc với khoảng 2.000 người.
     Tôi thường đến bệnh viện lúc 4 giờ sáng và dành hầu hết cả ngày thăm viếng, rồi trở về giáo xứ vào ban đêm. Khi tôi thấy những người trẻ bị trúng bom, bị phỏng, bị bắn lỗ chỗ với những viên đạn súng máy, bị cá mập cắn, bị gươm đâm lủng và bị mìn nổ tung, tôi thật chẳng thể nào tránh xa họ được. Họ rất cần một ai đó. Sự giao thiệp đầu tiên ấy với người Mỹ sau này khiến tôi nghĩ đến quốc gia của họ. Tôi giữ tình bạn với các thanh niên làm việc trong bệnh viện và các y tá quân y những năm sau đó, nghe biết về đám cưới của họ cũng như việc họ sinh con cái.
     Khoảng một năm sau, tôi được sai đến một xứ đạo miền quê ở Thames như thể một hình thức phạt vạ. Giám mục nói tôi đã chểnh mảng công việc mà tôi đáng lẽ phải làm khi ở Remuera.

     Chuyện di chuyển đến Thames quả là việc do ý Trời. Thêm vào việc hành hạ tôi vì đã chểnh mảng bổn phận, giám mục yêu cầu tôi tổ chức lễ ngân khánh của cha xứ, và nói chuyện với Hiệp Hội Phụ Nữ Công Giáo.[1] Cha Lyons lúc ấy là cha xứ, một trong những người đáng yêu nhất, bí ẩn nhất mà tôi từng gặp. Ngài tranh cãi thường xuyên với giám mục cho nên cả đời phải long đong ngoài vòng đai giáo phận, chả bao giờ được đến một xứ đạo thoải mái. Nhưng trong khi làm vậy, ngài đã lấy xong bằng cao học về lịch sử, văn bằng báo chí và xã hội học, lại còn lãnh một giải thưởng về báo chí tại trường đại học nữa. Khi tôi kể cho ngài nghe những công việc mà giám mục trao cho tôi, ngài nói: “Tôi sẽ tự tổ chức lễ ngân khánh cho mình, và Hiệp Hội Phụ Nữ Công Giáo còn nhiều thứ để làm hơn là nghe mấy bài nói chuyện của cậu.” Điều ấy hợp ý tôi lắm. Ngài hỏi tôi có thích đi học không, và khi tôi nói tôi thích, ngài đã sắp xếp cho tôi học lấy bằng cao học lịch sử. Sau khi tôi có bằng cấp, giám mục yêu cầu tôi lãnh trách nhiệm về hệ thống học đường trong giáo phận.
     Khi tôi trở lại thành phố, tôi đã lấy xong một văn bằng về giáo dục. Một trong các giảng sư đề nghị tôi tiếp tục học và nên xin một Học Bổng Fulbright[
2]. Tôi đã xin, và nhận được một khoản trợ cấp để học ở Notre Dame. Tôi sung sướng được đến Hoa-Kỳ, và có thể làm bạn lại với những người lính tôi đã gặp trong những năm chiến tranh.
    Giám mục cho phép tôi đi học một năm thôi. Tôi biết không thể nào lấy xong bằng tiến sĩ trong thời gian như vậy, nên tôi đã lấy thật nhiều lớp có thể. Điểm của tôi khá cao, và phân khoa đã viết thư cho giám mục của tôi, cho ngài biết tôi đang chuẩn bị các luận án cho bằng tiến sĩ và xin ngài gia hạn thêm. Với hai năm và hai mùa Hè có thể học ở Notre Dame, tôi nộp đơn làm ứng viên. Song ngần ấy thời gian vẫn chưa đủ. Cuối cùng tôi phải trở lại Tân-Tây-Lan với các bài học còn dang dở. Sáu năm sau tôi mới hoàn tất chương trình học và trở lại Notre Dame cho phần thi vấn đáp và bảo vệ luận án.
    Trở lại Tân-Tây-Lan, chính phủ đã thông qua đạo luật Hội Nhập[
3] qua đó hệ thống tiểu bang được đổi thành hệ thống quốc gia. Theo đạo luật ấy, các trường tư thục có thể nạp đơn xin hội nhập và được chấp thuận nếu họ có đất đai thích hợp cho trường học, và nếu các phòng ốc hội đủ các điều kiện của chính phủ. Thật là một lợi điểm cho các trường Công Giáo, vì có thể giữ lại căn tính Công Giáo của mình, đồng thời vẫn được nộp đơn xin hoà nhập. Nếu được chấp thuận, chính phủ sẽ cung cấp lương bổng cho giáo sư, sách vở, và mọi tiện ích khác như các trường công lập. Đạo luật Hội Nhập hơi bị lệch hướng để hoà nhập các trường của cá nhân thay vì toàn hệ thống học đường, bởi thế cả một chương trình phải được thiết lập để mỗi trường đều bị kiểm tra.
     Khoảng năm 1970 giám mục yêu cầu tôi về chủng viện dạy môn giáo sử và giáo dục. Đây là hai năm rưỡi rất tuyệt vời. Tôi đã viết một lịch sử ngắn gọn về Giáo Hội và đang định viết về Công Đồng Vatican II khi mà năm 1973 tôi được Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI phong chức giám mục Auckland. Vào thời điểm ấy, Tân-Tây-Lan được chia thành bốn giáo phận. Một trong những công tác chính yếu của tôi là giúp gầy dựng hai giáo phận mới. Tôi làm việc trong giáo phận 10 năm, rồi sau đó bắt đầu mắc chứng nhức đầu kinh khủng. Hình như tôi bị những âm hưởng của chấn thương đầu từ ba lần bị tai nạn xe cộ. Các bác sĩ nói rằng tôi sẽ phải cực nhọc lắm nếu cứ tiếp tục công việc, vì thế Rô-ma cho phép tôi được về hưu.
***
     Khi trở thành linh mục, tôi đã không bao giờ nghĩ đến nó như một sự cam kết. Tôi đã lớn lên chỉ nghĩ rằng chức linh mục là một món quà và tôi đã may mắn được đón nhận. Mỗi lần tôi từ chủng viện về thăm nhà dịp nghỉ hè, những người không Công Giáo thường hay hỏi tôi tại sao tôi còn trở lại. Họ nghĩ rằng một cách nào đó chúng tôi đã bị cưỡng ép phải ở lại, và rằng về nhà là một dịp tốt để trốn chạy nó. Bị đuổi ra không phải là vấn đề, nhưng ở lại mới là nan đề! Các linh mục ở chủng viện không tìm cách giữ chúng tôi ở lại đó. Họ đã nghĩ đến đủ mọi lý do có thể hình dung ra được để loại trừ chúng tôi, ít nhất đấy là điều mà chúng tôi nghĩ lúc còn là chủng sinh. Song tôi quyết định phải quyết chí về việc muốn trở thành cái gì. Theo ơn quan phòng, nếu lựa chọn của tôi là một điều tốt, nó sẽ lớn lên và trở thành phong phú hơn và thỏa lòng hơn cùng với năm tháng. Một cái gì đó giống như chất khoáng tụ lại quanh một hạt nhân.
     Hình ảnh ấy nhắc tôi nhớ đến một câu chuyện. Một người bạn kiến trúc sư của tôi hỏi tôi là tôi quyết định trở thành linh mục khi nào. Tôi trả lời anh:

     “Mới sáng nay. Đó không phải là chuyện tôi sẽ làm 20 năm hay 30 năm về sau. Đó là điều tôi quyết định với 24 tiếng đồng hồ ngay trước mặt. Điều mà tôi cam kết là cho 24 tiếng đồng hồ thôi. Và nếu điều tôi đang làm có giá trị đối với tôi, với xã hội và Giáo Hội, thì tôi sẽ tiếp tục làm nữa.” 
     Điều thất vọng lớn cho tôi là khi tôi được đặt làm giám mục. Tôi nghĩ rằng họ đã làm hỏng cuộc đời tôi. Song khi về hưu, tôi nói với các linh mục của mình:
     “Tôi đã không bao giờ muốn làm giám mục, song tôi kể 10 năm cuối này là một trong những ân sủng lớn nhất trong đời. Bạn sẽ chẳng khi nào có thể hình dung được mầu nhiệm của Giáo Hội, thực tại của Đấng Ki-tô, sự kỳ diệu của niềm tin, đến khi bạn điều hành một giáo phận. Ngay cả việc điều hành một giáo xứ cũng không đủ. Khi bạn điều khiển một giáo phận, bạn sẽ thấy những phẩm hạnh của con người như lòng can đảm, sự cam kết, lòng trung tín và quảng đại, thể hiện nơi tất cả những người làm đủ mọi công việc để xây dựng Hội Thánh.” 
     Một số người nghĩ rằng những giá trị đối ngược cũng đúng, rằng tất cả những vấn đề đặt trên bàn giấy của giám mục, nhiều điều xa lạ với hàng giáo sĩ và giáo dân, đã khiến họ nản chí. Tôi sẽ nói cho bạn biết tôi đối diện với vấn đề đó thế nào. Khi tôi giảng hay huấn đức, nếu tôi không nói “Đây là một thế giới buồn thảm và tội lỗi” vào một lúc nào đó, thì người ta sẽ thất vọng, bởi vì tôi đã nói điều ấy bao năm rồi. Có lẽ người ta sẽ tạc câu nói đó trên mộ bia của tôi. Nhưng tôi nói với các linh mục lý tưởng:
     “Hãy bắt đầu với câu nói đó như một tiền đề. Rồi hãy nhớ rằng Chúa Ki-tô đã phải chết để cứu vãn tình trạng rối ren này của nhân loại, và bạn sẽ lớn lên để cảm nhận được sự kỳ diệu của tất cả những thứ không buồn nản và không tội lỗi.”
***
     Vai trò của linh mục ngày nay giống hệt như lúc khởi đầu của Ki-tô giáo. Giáo Hội đã thay đổi, các cảm nhận về Giáo Hội cũng đổi thay, nhưng công việc trọng tâm của linh mục thì vẫn thế. Công Đồng Vatican II nói rằng Giáo Hội là bí tích của sự kỳ diệu của Tình Yêu Thiên Chúa, mặc khải cho chúng ta trong Đức Ki-tô. Và linh mục là người được Thiên Chúa mời gọi dấn thân làm cho tình yêu ấy thành một hiện thực trong đời sống của những giáo dân trong xứ đạo của mình. Linh mục chúng ta được kêu gọi làm công việc đặc biệt là bảo tồn sự kỳ diệu của sự hiện diện của Thiên Chúa siêu việt trong lịch sử nhân loại.
     Tôi không thể nghĩ đến một ơn gọi nào khích lệ hơn là làm một linh mục. Hãy lấy một người thành công nhất trên thế giới, một người đã đạt đến các mục tiêu cao nhất có thể với tới: cuộc đời của người đó đang được tài bồi và hưng phấn bởi đức tin. Và đấy chính xác là điều mà linh mục đang làm, là khích lệ, tạo thành và phát triển đức tin. Không có gì mà linh mục không thể biến thành vàng.
***
     Về phương diện tâm lý, có hai điểm then chốt trong cuộc đời mỗi người: cuối tuổi thanh niên và tuổi 40. Chính ở những thời điểm này mà người ta cần đến sự giúp đỡ của một linh mục hơn cả. Cuối giai đoạn thanh niên, người ta quyết định những điều mà hầu hết sẽ ảnh hưởng đến lối sống trong 30 năm kế tiếp. Thế rồi, trong tuổi 40, họ bất chợt nhận ra những điều đã tạo thành cuộc sống họ; hoặc là họ sẽ điều chỉnh lại cho sâu sắc và hạnh phúc, hoặc họ sẽ thử làm những chuyện không thể thực hiện nổi, chối bỏ hẳn toàn bộ quá khứ, và bắt đầu một cuộc sống mới. Linh mục thật sự cần thiết cho các cặp vợ chồng trẻ ngày nay, vì hiện tại gia đình đang bị tấn công nhiều mặt.
     Một trong những điều tệ hại nhất mà tôi phải đương đầu trong đời linh mục là giải thích về luân lý phái tính như Giáo Hội dạy, trong khi chúng ta đang trong tiến trình thay đổi. Cách duy nhất để tôi hòa giải chính mình với điều ấy là nhớ lại rằng các thánh tử đạo của Giáo Hội đã chết cho những điều mà nhiều năm sau Giáo Hội mới từ bỏ. Thánh Thomas Becket, tổng giám mục Canterbury, đã thấy mình bị kẹt giữa giáo hoàng và các vua chúa. Các quyền lợi trần thế của Giáo Hội xoay quanh tiền tài và đất đai. Vua Henry II đã tấn công những quyền lợi đó. Ngày nay hẳn chúng ta sẽ nói vua đã chỉ làm điều mà một vị vua tốt nên làm. Nhưng trong tiến trình đó, Thomas đã phải bảo vệ vị trí của Giáo Hội, và ngài đã chịu tử đạo. Điều mà ngài chết cho thì đã qua đi từ lâu rồi. Trong khi đó, giả như lúc ấy ngài đã không chết vì điều ấy, thì Giáo Hội thời Trung Cổ hẳn đã rơi vào tình trạng nghèo nàn. Bởi vậy chúng ta không bao giờ biết được chiều hướng của Đấng Quan Phòng đang làm. Tôi nghĩ rằng sẽ có những thay đổi trong giáo huấn về luân lý phái tính. Ngay lúc này, tôi đồng ý với Đức Thánh Cha rằng chúng ta phải vịn vào trọng tâm cho đến khi có thể có một sự đồng tình thực sự về việc thay đổi. Tôi cảm thấy là luân lý về phái tính của Giáo Hội gần như không nhân bản lắm, và cũng chẳng quan tâm đến sự kiện đây là một thế giới buồn thảm và tội lỗi.
***
     Ngày nay hai tuyên cáo vẫn được truyền thông nhắc đến về đòi hỏi đời sống độc thân: một là, họ cho đó là lý do chính yếu dẫn đến sự thiếu hụt linh mục; thứ hai, họ cho đó là một sự cản trở và trói buộc đối với linh mục được truyền chức. Điều thứ nhất có thể đúng lắm. Điều thứ hai thì không, ít nhất với trường hợp của tôi. Tôi không thể nói thay cho người khác. Khi học ở Notre Dame, tôi thường hay nói khôi hài rằng tôi không có vấn đề gì với đời sống độc thân cả. Vấn đề là với đời sống khiết tịnh kìa, mà đây là một vấn đề khác.
     Tôi không có giải pháp đặc biệt nào đối với việc thiếu hụt linh mục, song tôi có một vài suy tư về một số điểm chung cần phải được thực hiện.
     Trước hết, chúng ta phải cố gắng làm cho người Công Giáo chúng ta lấy lại được cái ý nghĩa của sự kỳ diệu trong ơn gọi, cái ý nghĩa của sự thánh thiêng trong việc trở thành linh mục. Chúng ta đã đánh mất sự phân biệt giữa cái thánh thiêng và cái trần tục đến một mức độ rộng lớn. Có lẽ trong quá khứ thì chúng ta đã quá hướng về tôn giáo, song chúng ta lại đã đi quá xa về chiều đối nghịch. Trong cái khao khát của chúng ta để xây đắp tình thân hữu, chúng ta cũng xây dựng sự thân mật. Sự thân mật dẫn đến việc coi thường. Ngày nay đang có một loại khinh rẻ đối với sự thánh thiêng của những điều chúng ta cử hành. Thứ đến, có một sự đánh mất luân lý ngay trong hàng ngũ linh mục. Chúng ta cần phải phục hồi lại sự kỳ diệu của ơn gọi chúng ta. Nếu chúng ta không thấy được sự kỳ diệu, sẽ không ai khác thấy được hết.
     Bất kể sự kiện chúng ta đang sống trong một thời đại nhiễu nhương, thì tương lai của Giáo Hội vẫn tươi sáng đối với tôi. Chúng ta thường hay nói rằng Giáo Hội như một thành phố bị vây hãm dưới sự đe dọa và bị vây quanh bởi các lực lượng thù nghịch. Chúng ta thực sự đang sống trong thời đại của những thay đổi lớn lao. Một trong những thắng lợi của Công Đồng Vatican II là chúng ta đã bỏ được cái quan niệm quốc giáo Ki-tô. Chúng ta đã từng sống với niềm tin chắc rằng một ngày nào đó Thiên Chúa sẽ đem mọi dân tộc trên thế giới vào trong đàn Ki-tô hữu. Niềm hy vọng đó không còn nữa. Chúng ta sẽ mãi như là men trong bột: thấm nhuần nó, đi qua nó, ảnh hưởng nó, nhưng không thống trị nó. Bởi vậy tôi nghĩ rằng tôi sẽ nói là chúng ta không hẳn đang tiến trên con đường xấu hay con đường tốt trong thời buổi hiện tại. Chúng ta đang trên con đường mà Giáo Hội vẫn luôn đang đi và sẽ tiếp tục đi cho đến ngày tận thế. Chúng ta là sự hiện diện của Thiên Chúa Nhập Thể giữa dân Ngài.
***
     Hãy nói cho những ai đọc cuốn sách này hãy coi trọng những lời nói của Socrates: Một cuộc đời không được kiểm điểm là một cuộc đời không đáng sống. Hãy bảo họ rằng nếu họ muốn đời mình đáng sống, họ cần phải kiểm điểm lại đời mình trong ánh sáng của đức tin, và nghĩ tới điều vĩnh cửu. Điều vĩnh cửu đã ở trong tầm tay họ rồi. Họ đang uốn nắn nó, nắm giữ nó, và làm nó nên hình nên dạng. Bao lâu họ chưa bắt đầu kiểm điểm lại đời sống mình, họ sẽ chỉ như những thứ bồng bềnh và nổi trôi trên sóng nước, và sẽ bị trôi giạt vào bờ mà không có gì để chứng tỏ họ đã từng ở đó. 
     Thật là một thế giới buồn thảm và đầy tội lỗi.





[1] Catholic Women’s League - Hiệp Hội Phụ Nữ Công Giáo bắt nguồn từ Anh Quốc, lan sang các quốc gia trong khối Thịnh Vượng Chung qua phong trào di dân.
[2] Fulbright Program – Học bổng trao đổi giáo dục quốc tế do thượng nghị sĩ Hoa-Kỳ J. William Fulbright lập ra năm 1946, nhằm khuyến khích sinh viên, giảng sư cũng như chuyên viên từ nước ngoài nghiên cứu ngành chuyên môn tại Hoa-Kỳ và ngược lại. Hiện có giá trị trong 155 quốc gia.
[3] Integration Act.


 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...