26/01/2022
3695

Chương II

MARIA, MẸ CỦA CON

 

1. Lòng yêu mến Đức Mẹ và những lời hứa

Cũng như mọi tín hữu Việt Nam, lòng yêu mến Đức Mẹ nơi tôi khởi xuất ngay từ trong gia đình. Tôi lớn lên với lời ru con của mẹ và với kinh Kính Mừng trong những giờ kinh tối gia đình. Tôi còn nhớ, khi người lớn nói chuyện, trẻ nhỏ chúng tôi chạy nhảy, vui đùa, nhưng khi người lớn bắt đầu đọc kinh (lần chuỗi Mân Côi) là tôi nằm lăn ra ngủ trong lòng mẹ. Giấc ngủ chập chờn với những lời kinh “Kính mừng Maria…”, “Thánh Maria…” văng vẳng bên tai và cứ thế chảy vào hồn.

Khi lớn lên, được nhập đoàn Nghĩa binh Thánh Thể, lòng yêu mến Đức Mẹ lại lớn lên theo nhịp đời sống đạo của Giáo xứ qua những buổi lần chuỗi Mân Côi mỗi buổi chiều, những buổi rước kiệu và dâng hoa kính Đức Mẹ, nhất là vào tháng Hoa.

Trong những năm sống ở Tiểu Chủng viện thánh Phanxicô Bùi Chu và Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, nhiều bài suy gẫm, những sinh hoạt đạo đức đều khơi lên và nuôi dưỡng lòng yêu mến Đức Mẹ. Đặc biệt trong năm Đệ IV (Lớp 10), tôi được đọc cuốn “Thành thực sùng kính Mẹ Maria” của thánh Louis Marie Grignon de Montfort. Cuốn sách này đã khơi lên trong tôi lòng sùng kính rất sâu đậm đối với Mẹ Maria.

Lòng yêu mến Đức Mẹ lúc đó không dựa nhiều vào những suy luận lý trí, nhưng dựa nhiều hơn vào những tâm tình đạo đức, được nuôi dưỡng bởi bầu khí kính mến Đức Mẹ trong gia đình, giáo xứ và chủng viện. Tôi hiểu và sống trong tương quan với Đức Mẹ dựa trên kinh nghiệm về tình yêu của tôi đối với mẹ tôi. Đó là thứ tình cảm linh thiêng rất tự nhiên, được nuôi dưỡng bởi những cử chỉ nho nhỏ hằng ngày giữa hai mẹ con, mà không cần phải suy tư tìm kiếm lý lẽ, cũng chẳng cần ai cắt nghĩa về tình mẹ. Tôi còn nhớ lúc đó, tôi rất bực bội khi nghe nói một số linh mục đi du học về, lên lời chỉ trích việc sùng kính Đức Mẹ của giáo dân Việt Nam.

Tôi kêu cầu Đức Mẹ cho mọi nhu cầu, mọi ước vọng và những khốn khó tôi gặp phải trên đường đời. Tôi kêu xin Đức Mẹ với lòng tin tưởng và phó thác. Nhiều lần tôi đã được Đức Mẹ nhận lời. Tôi không nhớ rõ ai đã dạy tôi, nhưng mỗi khi bị cám dỗ hay gặp khó khăn, tôi thường đọc kinh “Lạy Mẹ Maria, vì ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin Mẹ giữ gìn hồn con trong sạch và nên lành thánh suốt đời” và kinh Hãy Nhớ: Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Ðức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Ðức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời. Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Ðức Mẹ là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Ðức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhận lời con cùng. Amen”.

Chính trong tâm tình tin tưởng cậy trông và niềm vui khi được Đức Mẹ nhận lời cầu xin, tôi đã có lần hứa với Đức Mẹ là sẽ viết một cuốn sách để ca ngợi tình yêu của Đức Mẹ và mời gọi mọi người tin tưởng chạy đến với Đức Mẹ. Nhưng lời hứa đó cho đến nay, tôi mới chỉ thực hiện được một phần và cách gián tiếp. Đó là dọn một số bài suy niệm về Đức Mẹ để giảng tĩnh tâm cho các Dòng Tu và tổ chức nhiều nhóm hành hương kính viếng Đức Mẹ tại Lộ Đức và Fatima. Khi làm giám mục, trong các Thư Chung và các Lời Chủ Chăn, tôi luôn tìm cách hướng lòng mọi người về Đức Mẹ.

 

2. Khủng hoảng đức tin và chuỗi Mân Côi

Khi còn là chủng sinh, lớp Thần học II và III, tôi gặp cơn khủng hoảng đức tin rất nghiêm trọng như đã ghi lại ở phần trên. Có nhiều yếu tố đã giúp tôi vượt thắng cơn khủng hoảng đó, nhưng một trong những yếu tố quan trọng và mang tính quyết định giúp tôi thắng lướt được cơn khủng hoảng đức tin đó là tràng chuỗi Mân Côi.

Có thể nói cuộc đời của tôi được đan dệt bởi tràng chuỗi Mân Côi. Thường mỗi ngày tôi lần một chuỗi Mân Côi. Nay ngồi nghĩ lại quá khứ, tôi thấy thời gian khủng hoảng đức tin đã xảy ra đúng vào thời kỳ tôi sao nhãng, bỏ qua nhiều ngày không lần hạt Mân Côi.

Tôi không biết việc sao nhãng đọc kinh Mân Côi là nguồn gốc hay là hậu quả của cuộc khủng hoảng đức tin, tôi chỉ biết là tôi đã thắng lướt cuộc khủng hoảng đó không nhờ vào những tư tưởng thần học mới, nhưng tựa dựa vào ánh sáng của Chúa chiếu soi tâm trí. Ánh sáng đó tôi lãnh nhận được qua lòng khiêm nhường, quỳ gối kêu xin Chúa Giêsu Thánh Thể và qua việc trở lại với chuỗi Mân Côi mỗi ngày, kêu xin Đức Mẹ trợ giúp và hướng dẫn.

Chính kinh nghiệm thiêng liêng từ cuộc khủng hoảng đức tin đã là nguồn gợi hứng cho tôi khi làm Giám đốc Đại Chủng viện Xuân Lộc, tôi luôn mời gọi các chủng sinh chăm chỉ “Nối nguồn Giêsu” qua việc siêng năng viếng Chúa Giêsu Thánh Thể; khi làm Giám mục, trong những cuộc viếng thăm mục vụ hoặc ban bí tích Thêm Sức, tôi luôn trao tặng cho người lớn cũng như trẻ em một chuỗi Mân Côi. Tôi trao tặng chuỗi Mân Côi 5 màu, được gọi là Tràng Chuỗi Năm Châu hay Chuỗi Mân Côi Truyền Giáo, vì 5 màu là biểu tượng cho năm Châu: màu vàng: châu Á; màu xanh nước biển: châu Úc; màu trắng: châu Âu; màu đỏ: châu Mỹ; màu xanh lá cây: châu Phi. Tôi xin mỗi người khi lần chuỗi Mân Côi tới màu nào, hãy cầu nguyện cho những người trong Châu lục do màu đó biểu tượng, đặc biệt những người nghèo đói, đau khổ và những anh chị em chưa biết Chúa.

Việc tặng chuỗi Mân Côi trong các dịp gặp gỡ của tôi cũng được gợi hứng từ thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Khi những khách hành hương được vào tham dự Thánh Lễ riêng với Đức Thánh cha, sau khi kết thúc Thánh Lễ và ra về, Ngài chào từng người và trao tặng mỗi người một tràng chuỗi Mân Côi.

 

3. Chuyến đi Tepatitlan, Mêxicô

Đầu năm 1976, Đức Hồng y Agnelo Rossi sai tôi về làm việc tại trung tâm CIAM. Mùa hè năm 1977, tôi được mời sang Mêxicô để cộng tác giảng huấn cho khóa học truyền giáo của các linh mục, tu sĩ và các bạn trẻ truyền giáo thuộc châu Mỹ La Tinh. Cha Giám đốc khóa học đó đã đích thân sang Rôma gặp và mời tôi đến cộng tác cho khóa học này, sẽ được tổ chức tại thành phố Tepatitlan[1]. Khi tôi nhận lời mời, ngài cho biết phi trường tôi cần đến là Guadalajara và khi đã mua vé, xin cho ngài biết chắc chắn ngày giờ tới phi trường để ngài cử người ra đón. Sau khi đã chọn được ngày giờ và mua vé đi Guadalajara, tôi liền viết thư để báo cho ngài biết về ngày giờ tôi sẽ đến và an tâm chờ ngày lên đường.

Lúc đó, tôi chưa nói tiếng Tây Ban Nha thành thạo, nên các bài thuyết trình tôi viết bằng tiếng Ý và nhờ một cha dịch sang tiếng Tây Ban Nha để tôi đọc.

Trước khi đi Mêxicô, tôi đến thăm Mẹ sáng lập Dòng các nữ tu Thừa sai truyền giáo Ngôi Lời Nhập Thể (Missionarie del Verbo Incarnato) mà Nhà Mẹ ở Fiesole, một thành phố nhỏ gần thành phố nổi tiếng Firenze[2] của nước Ý. Tôi thưa với Mẹ sáng lập là tôi sắp đi Tepatitlan bên Mêxicô, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến đó mà tiếng Tây Ban Nha lại chưa thành thạo lắm, nên lòng cũng hơi lo. Mẹ sáng lập nói: “Cha đừng lo, có Đức Mẹ sẽ đồng hành, hướng dẫn và bảo vệ cha”. Nghe Mẹ sáng lập nói thế, tôi cảm thấy an tâm hơn.

Đến ngày khởi hành, tôi thanh thản ra phi trường và đáp máy bay tới thành phố Mêxicô[3], rồi chuyển máy bay đi Guadalajara như chương trình đã định. Máy bay đến phi trường Guadalajara lúc 10 giờ sáng, ngó ngang ngó dọc nhưng tôi không thấy ai ra đón. Tôi đứng chờ hồi lâu và lấy tràng hạt ra lần chuỗi. Tôi không nhớ mình đã lần được mấy Chuỗi, chỉ biết đã gần 12 giờ trưa mà vẫn chưa thấy ai đến đón tôi. Vì không có số điện thoại, cũng không biết địa chỉ nơi đến, tôi gọi Taxi đưa tôi đến nhà thờ Chính tòa Guadalajara và thầm mong ở đó có thể hỏi thông tin về Khóa học Truyền giáo tại Tepatitlan là nơi tôi phải đến.

Tới nhà thờ Chính tòa, vì đã quá trưa, trong phòng áo, chỉ có ông từ chứ không có vị linh mục nào, nên tôi đành đứng chờ. Sau đó, có một linh mục lớn tuổi tới nhà thờ, tôi dùng hết vốn ít ỏi tiếng Tây Ban Nha để cắt nghĩa cho ngài hoàn cảnh của tôi. Tôi cần đến Tepatitlan để cộng tác giảng dạy Khóa học Truyền giáo tại đó, nhưng không biết địa chỉ cũng chẳng biết cách đến đó và xin ngài giúp. Vị linh mục già nghe xong, chỉ cho tôi điện thoại trong phòng áo và bảo tôi: “Điện thoại đấy, cha gọi đi!” Nói xong, ngài bỏ đi. Nhưng tôi không có số điện thoại của ai cả! Lúc đó, tôi cảm thấy mệt mỏi, nhưng không hiểu sao tôi lại chẳng cảm thấy lo lắng hay bất an.

Đứng chờ một lúc, tôi thấy một linh mục trẻ hơn đến nhà thờ Chính tòa. Nghe tôi trình bày vấn đề, vị linh mục này xin tôi chờ ít phút, xong việc ngài sẽ trở lại. Vị linh mục trẻ trở lại, chở tôi về nhà của các linh mục giáo phận Guadalajara. Sau đó, ngài gọi phone cho nhiều người ngài quen biết ở Tepatitlan, nhưng không ai biết Khóa học Truyền giáo được tổ chức ở chỗ nào. Cuối cùng, ngài nói chỉ còn một cách là tôi hãy đi Tepatitlan và hỏi; ở đó chắc sẽ có người biết địa chỉ nơi tổ chức khóa học. Lúc đó cũng gần 4 giờ chiều, tôi chưa ăn uống gì, nhưng cần phải đi ngay vì sợ lỡ chuyến xe. Vị linh mục trẻ chở tôi ra bến xe, mua vé xe cho tôi và nói với tài xế nhắc bảo tôi xuống khi xe đến Tepatitlan.

Tôi lên xe ngồi, cũng không hiểu tại sao tôi chẳng lo lắng gì cả. Khi đến Tepatitlan, tài xế nói tôi xuống. Khi tôi vừa bước xuống khỏi xe, có một bà độ 50 tuổi, người Mêxicô đến nói với tôi: “Tôi biết nơi cha phải đến, cha hãy theo tôi”. Nói rồi, bà xách hành lý của tôi tới chiếc xe ôtô mà tôi còn nhớ nó màu xanh đậm và đã cũ. Trên xe đã có tài xế, anh không quay lại nhìn tôi và tôi nhớ trong suốt cả chuyến đi, anh chẳng bao giờ quay lại. Bà mở cửa cho tôi vào ngồi băng ghế phía sau, bà ngồi phía trước, ngang với tài xế. Xe lăn bánh và đưa tôi đến trước cổng một ngôi nhà, bà nói: “Đây là nơi cha cần phải đến”. Tôi muốn trả tiền, nhưng bà bảo không cần, rồi bà vội ra xe và đi.

Tôi bấm chuông, một người ra mở cửa và mời tôi vào nhà. Thấy tôi, cha Giám đốc khóa truyền giáo vô cùng vui mừng, nhảy lên ôm chầm lấy tôi và nói: “Làm sao cha đến đây được, tôi đã đánh mất thư của cha, nên không nhớ rõ ngày giờ cha đến. Trong 3 ngày vừa qua, tôi cho hai người ra sân bay, một người ở sân bay thành phố Mêxicô là nơi cha sẽ phải đổi máy bay và một người ở sân bay Guadalajara, nơi cha tới. Họ đã chờ 3 ngày nhưng không thấy cha nên nản chí bỏ cuộc.

Tôi cứ ngỡ là vị linh mục tốt bụng ở Guadalajara đã liên lạc được với cha Giám đốc và ngài cho người ra đón tôi, nhưng không phải!... Mỗi khi nhớ đến sự kiện này, tôi luôn tự hỏi: “Người đàn bà kia là ai?”

Nghe câu chuyện tôi kể, có người nói bà đó là chính Đức Mẹ đã đến hướng dẫn tôi. Có người lại nghĩ có lẽ vị linh mục trẻ ở Guadalajara đã gọi điện trước nhờ bà này đến đón tôi. Nhưng giả thuyết này không thuyết phục, vì nếu đúng như vậy, chắc bà đã phải đến báo cho cha Giám đốc khóa học để ngài cho người đi đón, hay nếu bà tự ý đi đón, khi đến nơi, thế nào bà cũng vào nhà gặp cha Giám đốc khóa học để trao đổi đôi câu. Đàng này, bà chỉ đứng trước cửa nhà và bảo tôi đây là nơi tôi phải đến, rồi bà lên xe đi ngay.

Tôi thầm nghĩ, dù đó là chính Đức Mẹ hay một người nào đó đã đến giúp tôi, tôi vẫn xác tín đây là sự quan phòng của Chúa và sự chở che của Đức Mẹ đối với tôi. Tôi nhớ mãi và khắc ghi kinh nghiệm sống quý báu này như nguồn an ủi và động lực thúc đẩy tôi yêu mến Đức Mẹ và luôn xin Đức Mẹ đồng hành với tôi trong cuộc sống cũng như trong sứ vụ tông đồ.

 

4. Đức Mẹ Lộ Đức

Khi còn ở Rôma, vào dịp Tuần Thánh hàng năm, tôi thường sắp xếp chương trình đi hành hương Lộ Đức kính viếng Đức Mẹ và tĩnh tâm riêng. Năm đó, tại Trung tâm Hành hương Lộ Đức, người ta trình chiếu lần đầu cuốn phim thánh nữ Bernadette. Khi xem phim đó, tôi thấy lòng được khơi lên nhiều cảm xúc thiêng liêng đến độ làm tôi rơi lệ, cảm thấy lòng phấn chấn và được khích lệ rất nhiều. Sau đó, tôi đã hứa với Đức Mẹ sẽ tìm cách đưa nhiều người đến kính viếng và xin Đức Mẹ khích lệ họ như đã khích lệ tôi.

Tôi đã thực hiện lời hứa với Đức Mẹ bằng việc tổ chức nhiều cuộc hành hương đến Lộ Đức, trước tiên cho các cha Việt Nam đang du học tại Pháp và Rôma. Cũng cần nói thêm là sau khi tôi được Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân tộc trao trách nhiệm phối kết công việc mục vụ của người Công giáo Việt Nam trên thế giới, một trong những hoạt động đầu tiên của tôi là tổ chức những cuộc gặp gỡ giữa các linh mục Việt Nam đang du học tại Pháp (Paris và Toulouse) và tại Rôma, mong các ngài quen biết nhau để khi trở về Việt Nam sẽ dễ dàng chung tay cộng tác phục vụ Giáo hội. Sau khi các linh mục đã gặp nhau tại Paris và Rôma, tôi đề nghị các ngài tổ chức gặp mặt tại Lộ Đức, xin Đức Mẹ quy tụ đoàn con lại trong tình huynh đệ để mai sau cùng nhau phục vụ Giáo hội tại quê nhà.

Tôi còn tổ chức nhiều chuyến hành hương đến Đức Mẹ Lộ Đức cho các nữ tu và chủng sinh Việt Nam đang theo học tại Rôma cũng như các Bề trên Dòng từ Việt Nam qua Rôma dự các khóa bồi dưỡng và cho những đoàn hành hương giáo dân từ Hoa kỳ. Khi sắp xếp chương trình cho các đoàn hành hương, bao giờ tôi cũng đề xuất ba địa điểm chính là Rôma - Lộ Đức - Fatima. Tôi không nhớ đã tổ chức được bao nhiêu cuộc hành hương đến Đức Mẹ Lộ Đức, nhưng chắc chắn là rất nhiều và tôi tin tưởng nhiều linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đã được Đức Mẹ Lộ Đức ban ơn, khích lệ và cảm hóa tâm hồn.

Khi nói đến Đức Mẹ Lộ Đức, tôi nhớ lại hai sự kiện vẫn còn sống động trong ký ức.

Sự kiện thứ nhất: khi tôi ngồi cầu nguyện trước Hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra, có đoàn hành hương là những người khuyết tật ngồi xe lăn, được người thân trong gia đình hay các thiện nguyện viên của Trung tâm Hành hương đưa đến Hang đá.

Đang nhắm mắt cầu nguyện, tôi nghe văng vẳng từ Hang đá những tiếng la hét đau đớn của các bệnh nhân ngồi xe lăn được đẩy đến nơi Đức Mẹ đã hiện ra. Lúc đó, trong tâm trí tôi hiện ra cảnh tượng các tù nhân đang la hét trong các trại tù, trại cải tạo, các bệnh nhân trong các nhà thương, những người đau khổ đủ loại, những gia đình bất hòa, những người bị bỏ rơi, những trẻ em đường phố, cô đơn, mồ côi không cha không mẹ, không nơi nương tựa, sống vất vưởng đầu đường, xó chợ, cuối phố hay dưới gầm cầu, v.v.

Trong phút giây đó, những tiếng la hét đau đớn của cả nhân loại như tụ lại trong tâm trí mà cho đến nay vẫn còn sống động trong tôi. Trong khi tôi cầu nguyện, với tất cả cõi lòng đầy xúc động, tôi tha thiết xin Chúa cho những người đau khổ trên khắp thế giới được thoát khỏi hoàn cảnh khổ đau, thử thách đang hứng chịu. Chính lúc đó, tôi lại nhớ đến lời Đức Mẹ nói với em Bernadette: “Mẹ hứa cho con được hạnh phúc, nhưng ở đời sau. Ở đời này, con có chấp nhận chịu đau khổ để cầu nguyện cho các kẻ có tội được ơn ăn năn hối cải không?” Em Bernadette đã đón nhận lời yêu cầu của Đức Mẹ. Do đó, tôi lại khẩn nài cho những người đau khổ biết thánh hóa khổ đau của họ như lời Đức Mẹ yêu cầu với em Bernadette, để cứu rỗi nhân loại tội lỗi.

Sự kiện thứ hai: có một thời gian sức khỏe của tôi không được tốt cho lắm. Tuần Thánh năm đó, từ Rôma tôi đi hành hương Đức Mẹ Lộ Đức không chỉ để tĩnh tâm năm riêng như mọi lần, nhưng còn có ý xin Đức Mẹ chữa lành bệnh. Theo chương trình của Trung tâm Hành hương Lộ Đức, mỗi buổi chiều đều có cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa và người ta đặt các bệnh nhân nằm trên băng ca ở hàng đầu. Kết thúc giờ chầu Thánh Thể, cha chủ sự kiệu Mình Thánh Chúa xuống và đến ban phép lành Thánh Thể cho từng bệnh nhân đang nằm trên băng ca. Hôm đó, tôi đến đứng ở phía sau băng ca của một bệnh nhân và cầu mong khi cha chủ sự đến ban phép lành cho bệnh nhân đó, tôi cũng được hưởng nhờ phép lành và được chữa khỏi bệnh. Nhưng khi cha chủ sự đến gần bệnh nhân phía trước tôi, tôi nghe thấy như có một tiếng nói vang lên trong tâm trí: “Nếu có người khác cần ơn Chúa hơn con thì sao?” Ngay khi đó, một bà đứng sau tôi nói: “Đi lên”, rồi đẩy chồng bà lên đứng ngay trước mặt tôi, chắn ngang giữa tôi và người bệnh nằm băng ca. Nếu không có tiếng nói vang lên trong tâm trí trước đó, chắc tôi sẽ cảm thấy rất khó chịu và bực bội, nhưng vì “tiếng nói” đó, tôi đón nhận động thái không mấy “vừa lòng” ấy cách an bình. Tôi xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng toàn năng, “trời cao thăm thẳm cũng không chứa nổi Ngài” (1V 8,27), nên Chúa có thể ban ơn cho toàn thể nhân loại mà không bao giờ quyền năng và sự giàu có của Ngài vơi cạn, nhưng Chúa muốn con cái Chúa phải chia sẻ ơn của Chúa cho nhau. Tôi hiểu cách cụ thể hơn ý nghĩa mầu nhiệm các Thánh cùng thông công và tinh thần hiệp thông trong Giáo hội; tinh thần này không chỉ giới hạn ở việc chia sẻ của cải vật chất và nghĩa tình, mà còn phải vươn lên tầm cao thiêng liêng để chia sẻ cho nhau ơn lành của Chúa như các tài năng, trí tuệ, công đức do những hy sinh, hãm mình và việc thiện đem lại.

 

5. Đức Mẹ Fatima

Tôi nhớ trước Năm Thánh 2000, Giáo hội và thế giới sống trong bầu khí an bình, khách hành hương khi đến viếng thăm Đền thờ thánh Phêrô có thể ra vào tự do, an nhiên mà không bị kiểm soát an ninh. Nhưng khi bước vào Năm Thánh 2000, sức mạnh sự dữ bùng lên trên toàn thế giới và len lỏi vào trong lòng Giáo hội.

Người ta thấy nhen nhúm hiện tượng những người Hồi giáo quá khích dấy lên trên thế giới, đe dọa đốt phá những nơi thánh của Kitô giáo, cách riêng của Giáo hội Công giáo. Ở Rôma, những phần tử Hồi giáo quá khích đe dọa sẽ đặt chất nổ, phá các Đền thờ, nhất là Đền thờ thánh Phêrô. Thế nên, những người có trách nhiệm về an ninh phải tức tốc cho lắp đặt hệ thống kiểm soát và mọi người muốn vào Đền thờ thánh Phêrô phải xếp hàng đi qua trạm kiểm soát an ninh. Chính điều này làm cho việc ra vào Đền Thánh trở nên hết sức khó khăn vì phải xếp hàng chờ đợi mất nhiều thời gian, có khi cả tiếng đồng hồ.

Đứng trước hoàn cảnh hiểm nguy đang rình rập thế giới và Giáo hội, tôi thấy lòng mình như được thôi thúc mạnh mẽ đi hành hương cầu nguyện kính viếng Đức Mẹ Fatima để xin ơn bình an cho Giáo hội và thế giới. Tôi nhớ lại lời Đức Mẹ Fatima kêu gọi Giáo hội ăn chay, cầu nguyện, cải thiện đời sống và tôn sùng Trái tim Đức Mẹ để thế giới được hòa bình và cứu nhiều linh hồn khỏi sa vào hỏa ngục như lời Đức Mẹ đã nói với ba trẻ chăn chiên tại Fatima: “Các con có muốn dâng hiến mình cho Thiên Chúa, chấp nhận chịu mọi đau khổ Người gửi đến để đền trả các tội đã xúc phạm đến Người và khẩn cầu xin cho các kẻ có tội được ăn năn trở lại không?”; Các con hãy lần hạt Mân Côi, ăn chay hãm mình, cầu nguyện cho các kẻ có tội được ăn năn trở lại và như vậy chiến tranh sẽ sớm kết thúc và thế giới sẽ sớm tìm lại hòa bình

Đây cũng chính là lý do vì sao trong thời gian này, tôi đã tổ chức đưa nhiều nhóm đi hành hương Đức Mẹ Fatima, trong đó phải kể đặc biệt một số nhóm trẻ truyền giáo người Ý, nhóm các linh mục, tu sĩ, chủng sinh Việt Nam du học tại Pháp, Rôma và nhiều nhóm khác.

Mỗi lần hành hương Đức Mẹ Fatima, dành thời gian gẫm suy về những vấn đề lớn lao như hòa bình, bất công, nghèo đói, chiến tranh, vô thần trên thế giới…, tôi tự hỏi: “Sứ điệp Fatima có giá trị gì? Chẳng lẽ chỉ đọc kinh cầu nguyện, lần hạt Mân Côi, ăn chay hãm mình, cải thiện đời sống là đủ để giải quyết các vấn đề đó sao?”

Tôi suy nghĩ và hiểu ra là để giải quyết những vấn đề lớn lao trên đây, các hoạt động chính trị, ngoại giao, v.v. là việc quan trọng và cần thiết, nhưng yếu tố nền tảng để giải quyết các vấn đề vẫn là lương tâm và tinh thần của con người, đặc biệt các nhà chính trị, ngoại giao là những người nắm giữ vận mạng các dân tộc. Thế nên, việc ăn chay, hãm mình, lần hạt để cầu nguyện cho hòa bình thế giới là đi vào căn bản và gốc rễ của các hoạt động để xin Chúa soi sáng và cải hóa tâm hồn mọi người, nhất là những vị đang đảm nhiệm những trọng trách chính trị và nắm trong tay vận mạng các quốc gia. Hy vọng có nhiều người đáp lại lời mời gọi của Đức Mẹ Fatima để góp phần vào công trình cứu độ của Chúa và tái tạo hòa bình cho nhân loại.

 

6. Đức Mẹ Guadalupe

Tôi được Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục giáo phận Sài Gòn gửi đi du học Rôma năm 1965. Năm 1994, tôi quyết định trở về thăm Việt Nam lần đầu tiên sau 29 năm xa quê hương. Khi đã quyết định và mua vé máy bay rồi, tôi lại cảm thấy lo sợ và ngại ngùng vì một thời gian đã khá dài tôi xa quê hương và vì tình hình chính trị khi đó vẫn còn rất khó khăn.

Trước khi về Việt Nam, tôi còn phải sang Mêxicô để cộng tác giảng huấn trong một khóa học về Truyền giáo được tổ chức cho châu Mỹ La Tinh tại trung tâm truyền giáo gần Đền thánh Đức Mẹ Guadalupe. Trong suốt tuần lễ đó, mỗi khi có giờ rảnh, tôi thường lên Đền thánh để cầu nguyện và kính viếng Đức Mẹ.

Tại Đền thánh Đức Mẹ Guadalupe, có treo bức ảnh phép lạ là chiếc áo choàng mùa đông của anh Juan Diego, người bản xứ Mêxicô, đã được in hình Đức Mẹ một cách nhiệm mầu{C}{C}{C}[4]. Phía dưới bức ảnh ghi lại lời Đức Mẹ đã nói với anh Juan Diego, người đã được thị kiến Đức Mẹ hiện ra và trao cho anh sứ mệnh đến gặp Đức cha Giáo phận, xin ngài xây một nhà thờ để mọi người có nơi đến kính viếng Đức Mẹ. Vì anh Juan Diego sợ không dám đi gặp Đức cha, Đức Mẹ trấn an anh: “Mẹ không ở đây và là Mẹ của con sao?”.

Rời xa Việt Nam đã 29 năm, với bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội và chính trị tôi cảm thấy băn khoăn trước chuyến viếng thăm quê hương này. Nhưng khi đọc được những lời Đức Mẹ nói với anh Juan Diego, tôi rất xúc động và cảm thấy như thể đó là những lời Đức Mẹ nói với tôi lúc này: “Mẹ không ở đây và là Mẹ của con sao?” Lời của Đức Mẹ nói với anh Juan Diego đồng hành với tôi trong suốt cuộc viếng thăm Việt Nam và đã đem lại cho tôi sự an bình trong mọi thời điểm và hoàn cảnh.

Trong thời gian về thăm quê hương, cha nghĩa phụ Đaminh Vũ Nguyên Thiều và cha cố Antôn Phạm Gia Thuấn thuê xe đưa tôi đi từ Tp. Hồ Chí Minh ra tới giáo xứ Thức Hóa thuộc giáo phận Bùi Chu, là nguyên quán của tôi. Trên đường đi, tôi ghé thăm tất cả các Tòa Giám mục và các Giáo xứ có người quen biết. Trong thời gian đó, cũng có một vài vị về thăm quê, chính quyền yêu cầu không được giảng lễ, còn tôi, đi đến đâu, tôi vẫn dâng lễ và giảng lễ bình thường, đôi khi còn gặp gỡ giới trẻ, mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Tất cả được diễn tiến trong an bình, vui tươi.

Hành trình về thăm Việt Nam lần đầu tiên sau 29 năm xa quê ấy, nhờ lời Đức Mẹ nói với anh Juan Diego luôn sống động trong lòng, tôi cảm thấy bình an trong mọi lúc mọi nơi. Tôi xác tín mọi bước đường tôi đi trong cuộc đời luôn có Đức Mẹ đồng hành, chở che và dẫn dắt. Đức Mẹ đúng là “Lẽ Cậy Trông” của cuộc đời tôi.

 

7. Đức Mẹ Genezzano

Có thể nói, tất cả nhịp sống đời tôi, trong mọi hoàn cảnh dù lớn hay nhỏ, dù an bình hay sóng gió, tất cả đều có dấu ấn của Đức Mẹ hướng dẫn, chỉ bảo, bênh đỡ, khích lệ cũng như khuyên răn.

Năm 2009, tôi quyết định nhận lời mời của Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục giáo phận Xuân Lộc về đảm trách chức vụ Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc. Mặc dù tôi đã nhận lời về giáo phận Xuân Lộc trong tinh thần tìm kiếm ý Chúa, nhưng lòng tôi vẫn cảm thấy băn khoăn vì tại giáo phận Xuân Lộc, tôi chỉ biết một vài linh mục, nhưng không thể nói là những người quen thân. Nghĩ đến việc phục vụ ở môi trường mới, mà tôi lại xa quê hương đã hơn 40 năm, cũng chẳng biết nhiều về hoàn cảnh hiện tại, về cách đối nhân xử thế trong Giáo hội, ngoài xã hội, với chính quyền, v.v. nên tôi cảm thấy ít nhiều băn khoăn.

Vì băn khoăn như vậy, tôi quyết định đi hành hương Genezzano, cách Rôma khoảng 30 km, nơi đây, Đức Mẹ được tôn kính dưới tước hiệu “Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành” (Madonna del Buon Consiglio). Đây là Trung tâm Thánh Mẫu mà Đức Thánh cha Piô IX đã kính viếng và cầu nguyện trước khi quyết định triệu tập Công đồng Vaticanô I. Đây cũng là nơi thánh Gioan Bosco đến kính viếng và phó dâng cho Đức Mẹ dự án thành lập Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, với sự cộng tác của thánh nữ Maria Domenica Mazzarello.

Mặc dù việc về phục vụ tại giáo phận Xuân Lộc tôi đã quyết định trong tinh thần tìm kiếm thánh ý Chúa và tôi tin tưởng đây là ý Chúa, nhưng từ tận sâu thẳm đáy lòng, tôi vẫn còn cảm thấy lo lắng. Do đó, tôi chạy đến kêu cầu Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành Genezzano, tha thiết nguyện xin Đức Mẹ dẫn đàng chỉ lối, nhất là trong những hoàn cảnh cụ thể. Nhờ việc cầu nguyện và viếng thăm Đức Mẹ, tôi đã tìm được an bình trong hoàn cảnh khó khăn này cũng như trong những khúc mắc éo le sau này của cuộc đời.


{C}{C}{C}{C}[1]{C}{C}{C}{C} Tepatitlan là một thành phố nhỏ gần thành phố Guadalajara và là một thành phố công giáo sốt sắng, hầu như nhà nào cũng có người đi tu.

{C}{C}{C}{C}[2]{C}{C}{C}{C} Firenze là một trong những thành phố lớn và nổi tếng của nước Ý. Giáo phận Fiesole là Giáo phận mẹ của Giáo phận Firenze. Thành phố Fiesole có trước thành phố Firenze, nhưng Firenze phát triển mạnh về văn hóa, mỹ thuật, kinh tế và xã hội trong khi Fiesole luôn là thành phố nhỏ và rất dễ thương. Vì lý do đó, Firenze trở thành Tổng Giáo phận còn Fiesole vẫn chỉ là một giáo phận nhỏ.

{C}{C}{C}{C}[3]{C}{C}{C}{C} Thành phố Mêxicô là thủ đô nước Mêxicô.

[4]{C}{C}{C}{C} Juan Diego, người được thị kiến, vốn tên là Cuautlatohuac (Con Phượng Hoàng hót), thuộc thổ dân Aztec, sống tại làng Cuautilan, gần Mêxicô City, đã đổi tên là Juan Diego khi được rửa tội. Theo lịch sử, Đức Mẹ đã hiện ra với anh Juan Diego, người bản xứ, khi đó chưa gia nhập đạo Công giáo. Đức Mẹ sai anh đến gặp Đức cha Zumárraga, Giám mục giáo phận thành phố Mêxicô, xin ngài xây một nhà nguyện để dân chúng đến kính viếng Đức Mẹ và để Đức Mẹ có thể ban ơn cho họ. Juan Diego rất sợ vì anh không phải là người công giáo, lại là người bản xứ, còn Đức giám mục là người Tây Ban Nha. Thêm một khó khăn nữa, chính là xin xây dựng một nhà nguyện kính Đức Mẹ. Juan Diego e ngại không dám đi, nhưng lần nào Đức Mẹ cũng nhắc đến chuyện này và để khích lệ anh, Đức Mẹ đã nói với anh: “Mẹ không ở đây và là Mẹ của con sao?” Nhờ vậy, anh đã can đảm đi gặp Đức cha và truyền đạt lời yêu cầu của Đức Mẹ.

Khi nghe lời yêu cầu xây nhà nguyện, Đức cha Zumárraga bảo anh: “Anh hãy xin Bà làm trổ hoa hồng và đem đến, tôi sẽ xây nhà thờ”. Lúc đó là mùa đông, hoa hồng không thể nở được. Juan Diego trở lại gặp Đức Mẹ và thưa với Đức Mẹ lời yêu cầu của Đức cha. Đức Mẹ bảo anh ra khóm hoa hồng ở gần đó và khi Juan Diego tới khóm hoa hồng, anh thấy những đóa hồng nở rất đẹp.

Anh hái hoa hồng bỏ vào vạt áo choàng mùa đông của anh và đưa đến cho Đức cha. Khi anh mở vạt áo để đưa hoa hồng cho Đức cha, anh và mọi người có mặt thấy hiện ra trên áo choàng mùa đông của anh hình Đức Mẹ là một cô gái bản xứ. Khi nghiên cứu bức hình Đức Mẹ đã được in trên áo choàng mùa đông của Juan Diego, người ta phóng lớn lên 10.000 lần thì thấy trong mắt Đức Mẹ có hình của Đức cha và những người đứng gần Đức cha.


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...