11/02/2023
3356
 
BÀI 4
ĐỨC TÍNH VÀ TÁC PHONG CỦA HUYNH TRƯỞNG
     Lời Chúa: “Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ. Trái lại, anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch.” (1Tm 5, 12)

1. Lời dẫn

     Huynh trưởng là người thuộc cấp lãnh đạo của Phong Trào, có trách nhiệm trực tiếp trên đoàn sinh. Trước tiên, Huynh Trưởng đã là người được Chúa chọn gọi để nên tông đồ của Chúa Giêsu, tiếp tục sứ mạng của Ngài nơi trần gian; cụ thể là để trông coi, hướng dẫn và giáo dục các em thiếu nhi, giúp các em có một đức tin sống động và chân thành yêu mến Chúa, sống hòa hợp với tha nhân. Thứ đến, với vai trò anh lớn của phong trào, Huynh Trưởng còn có trách nhiệm luyện tập cho các em về nhân cách và có được một số kỹ năng sống nhất định. - Vì thế, ngoài những nhân đức siêu nhiên cần phải sở đắc, Huynh Trưởng cần phải được huấn luyện và tự rèn luyện về những đức tính tốt và tác phong của mình, sao cho mỗi ngày thêm thăng tiến và mẫu mực về đời sống nhân bản cũng như đạo đức.
     Với sứ mạng cao cả đó, những đức tính và tác phong của người Huynh Trưởng cần phải là tấm gương để các em thiếu nhi noi theo, “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”.


2. Định nghĩa:

     Đức tính là gì? Là tư cách, đức hạnh riêng của một người, và cũng là giá trị tài năng, khiến người khác cảm phục, yêu mến.
     Tác phong là gì? Là cách ăn nết ở, là lề lối cư xử, là tác động của một con người nơi cuộc sống cộng đồng. (Bao gồm cả cách ăn mặc,lối đi đứng, lời ăn tiếng nói, phép lịch sự…)
     Tóm lại, tư cách là phẩm chất đạo đức chìm ẩn ở bên trong được biểu lộ ra bên ngoài qua tác phong của một người.



 


3. Các Đức Tính của người Huynh Trưởng

     Huynh Trưởng là một nhà sư phạm, là người hướng đạo, nên phải có những đức tính phù hợp với vai trò đó.

  1. Điềm tĩnh: điềm đạm, tỉnh trí để giải quyết công việc; tránh được sự nóng nảy, hấp tấp mà hỏng việc.

  2. Tế nhị: nhất là trong vấn đề thưởng phạt, và trong tương quan với những người đồng trách nhiệm.

  3. Kiên nhẫn: không lùi bước trước khó khăn, biết chịu đựng, đón nhận những khó khăn thử thách trong việc giáo dục các em.

  4. Bao dung: để tha thứ và để chữa lành.

  5. Trách nhiệm: chu toàn bổn phận như một lẽ công bằng.

  6. Cầu tiến: để tâm học hỏi, biết phục thiện và canh tân

  7. ​Vâng phục: thể hiện qua việc tuân giữ kỷ luật, tuyệt đối vâng lời Giáo Hội qua các bề trên thượng cấp.

  8. Chính trực: thẳng thắn, không dối trá, tôn trọng sự công bằng.

  9. Cẩn thận: luôn có sự chuẩn bị, kiểm điểm, nhận định đối với mọi công việc.

  10. Hiền lành và khiêm nhường: để trở nên phiên bản của Vị Huynh Trưởng Tối Cao Giêsu.

  11. ​Chăm chỉ: trân trọng quỹ thời gian để hoàn thành sứ mạng.


4. Tác phong của người Huynh Trưởng
     Huynh Trưởng vừa là người anh, vừa là người bạn của các  em thiếu nhi, nên phải có tác phong mang đậm nét của tình huynh đệ.

  1. Vui vẻ: để hấp dẫn kẻ khác, thể hiện 1 tâm hồn tràn đầy Tin Mừng.

  2. Tự tin: dễ thuyết phục đoàn sinh; nên cần phải luôn trau giồi về mọi mặt.

  3. Hòa đồng: cởi mở, sống đơn sơ chan hòa với hết mọi người.

  4. Nhanh nhẹn: thể hiện tinh thần Phụng sự của một Huynh Trưởng.

     Đặc biệt, tác phong của người Huynh Trưởng cần phải được biểu lộ qua trang phục của mình, sao cho “y phục xứng kỳ đức ”.

5. Đồng Phục Thiếu Nhi Thánh Thể
     Bản Nội Quy của Tổng Liên Đoàn TNTT VN năm 1974 đã dành gần như trọn vẹn chương 6 để hướng dẫn về đồng phục của TNTT.
     Gọi là đồng phục bởi vì được dùng cho tất cả các thành viên trong Phong Trào. Nếu tất cả cùng tuân theo sẽ tạo cho Đoàn được  vẻ đẹp đồng nhất bề ngoài, bên trong nói lên tinh thần kỷ luật, vâng lời, hiệp nhất... Do đó, mọi thành viên phải luôn mang đồng phục chỉnh tề và đúng cách vào những thời gian sinh hoạt mà Đoàn đã qui định.
Đồng phục thông dụng hiện nay:
a. Áo (dùng cho cả nam và nữ):
     Áo sơ mi Trắng ngắn tay, có cầu vai, hai túi có nếp ở giữa và có nắp ở trên.

  1. Băng hiệu Phong Trào: Băng hiệu PT được may ở giữa trên nắp túi áo trái.

  2. Huy hiệu Phong Trào: Huy hiệu Phong Trào được may ở giữa túi áo bên trái.

  3. Cấp hiệu (nếu có): cùng mầu với khăn quàng của Ngành, được gắn ở bên trên nắp túi áo phải.

  4. Chuyên hiệu (nếu có): được gắn ở bên vai phải.

  5. Huy hiệu Đoàn: Huy hiệu Đoàn (Logo) được gắn ở bên vai trái.

b. Quần:
     Quần dài hoặc ngắn màu Xanh biển đậm, dành cho nam và nữ.
     Đầm hay Jupe (nhiệm ý) : màu Xanh biển đậm có xếp nếp dành riêng cho nữ.

c. Khăn quàng: Nữ thắt hình cánh bướm, nam thắt kiểu cà-vạt.
d. Giầy trắng (nhiệm ý): Giầy màu Trắng bằng vải hoặc bằng da.
e. Mũ (nhiệm ý): Mũ màu Xanh biển đậm có huy hiệu và băng hiệu Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam chạy vòng cung trên huy hiệu phía trước.

f. Cách thắt khăn

Nam : Cuộn khăn sau đó thắt như chiếc cravate.
Nữ: Xếp khăn theo hình cánh quạt sau đó thắt theo hình cánh bướm.
     Kết Luận: Với lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, người Huynh Trưởng rèn luyện bản thân trong cầu nguyện và lao động, chắc hẳn Chúa Giêsu sẽ vui và chúc phúc lành cho từng Huynh Trưởng chúng ta. Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại và hy sinh của chúng ta.


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...