27/03/2024
3907


THÁNH THỂ-ĐƯỜNG HIỆP HÀNH KHIÊM NHƯỜNG

Lm. Phaolô Đinh Chí Hiền

Giáo phận Xuân Lộc

Trong ngày Giáo phận và định hướng đời sống đức tin năm phụng vụ 2023-2024, Đức cha Gioan, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc đã mong ước mọi thành phần dân Chúa cùng nhau sống hiệp hành nhờ Lời Chúa và Thánh Thể. Định hướng này đã được công bố vào đầu Mùa Vọng và tính đến hôm nay, thứ Tư Tuần Thánh, đã qua trọn Mùa Chay Thánh, nghĩa là hết một phần ba của năm Phụng vụ. Tôi thật sự giật mình khi dừng lạinhìn lại quãng thời gian êm đềm nhưng trôi rất nhanh. Câu hỏi được đặt ra cho bản thân để suy nghĩ: Tôi đã thực hành chủ đề sống này như thế nào? Bên Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi được dạy và cảm nghiệm:

Thánh Thể-nguồn bổ dưỡng đức tin

Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, linh mục và chính bản thân tôi đón nhận hồng ân cử hành bí tích Thánh Thể với thái độ nghiêm trang cung kính lặp lại lời rất cao đẹp di chúc mà Chúa Giêsu đã trối lại cho các Tông Đồ cũng như cho Giáo hội, “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.[1] Trong tình yêu vâng phục, Chúa Cha trở thành động lực thúc đẩy Chúa Giêsu hiến tế cuộc đời làm nên sự sống thần linh được hiện sinh và trao ban sự sống ấy cho tất cả những ai khao khát đón nhận  (x.Pl 2, 1-11). Tình yêu tự hiến được Chúa Giêsu hành động bằng đời sống tự hủy trong trọn cuộc đời dương thế; bẻ ra và trao ban vì nhân loại. Đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể là nhận lãnh nguồn sống của ơn cứu độ đời đời. Nhờ tin vào Chúa Giêsu, tôi xác tín rằng phận người phải chết của tôi được sống và sống dồi dào (x.Ga 10, 10); con người thấp hèn của tôi được nâng cao phẩm giá (x.Ep 1, 3-10); và sự mỏng manh của đời sống được bảo đảm trong sự toàn năng của Thiên Chúa (x.2 Cr 12, 9-10). Giá trị cao quý của Thánh Thể vang vọng lời mời gọi tha thiết đến từng người và cho mọi người…

Cùng đến và cùng nhận

Trong khi cử hành Thánh Thể và đặc biệt là lời truyền phép, vị chủ tế nghiêm trang đọc chậm và rõ, “tất cả các con…” Vâng, Thánh Thể là nguồn sống cho hết mọi người chứ không chỉ dành riêng cho một vài người đặc biệt. Là con cái Chúa nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được thừa hưởng quyền lãnh nhận những ân phúc mà Chúa muốn tặng trao. Khao khát của Thiên Chúa là tất cả mọi người đón nhận “Con Một yêu dấu của Chúa” để họ được chính Chúa và được sự sống của Chúa (x. Ga 3, 16-20). Hơn ai hết, thánh Gioan tông đồ cảm nghiệm sâu giá trị trao ban này khi chia sẻ “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa -mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Ga 3, 1).

Trong sứ điệp Mùa Chay năm 2024, ĐTC Phanxicô đưa ra một khái niệm rất độc đáo về ‘dừng lại’. ĐTC viết như sau, “Đã đến lúc ta phải hành động, và trong Mùa Chay, hành động cũng có nghĩa là dừng lại. Dừng lại để cầu nguyện, để đón nhận Lời Chúa, dừng lại như người Samari trước sự hiện diện của một người anh em, chị em bị thương tích. Mến Chúa và yêu người chỉ là một tình yêu.” Tôi thực sự được đánh động lời dạy khôn ngoan và thực tế này. Thiên Chúa thực sự muốn chúng ta thuộc về Chúa; cho nên, việc cùng nhau dừng lại bên Chúa, dừng lại trong Chúa vừa làm nên căn tính người lữ hành trên đường hy vọng; vừa tiếp nhận nguồn sức mạnh Chúa dành sẵn cho những ai mong chờ. Chúa không muốn cứu độ một vài người nhưng là muốn tất cả mọi người hưởng ân phúc cứu độ. Đó là giá trị của hiệp hành-cùng nhau đến và cùng nhau đón nhận Chúa là lẽ sống và làm gia nghiệp đời người Kitô hữu.

Khi áp dụng lời dạy của Đức thánh cha Phanxcicô, tôi đã dừng lại bên Chúa Giêsu Thánh Thể trong ngôi nhà nguyện mà thường ngày tôi vẫn dâng thánh lễ, cầu nguyện và thực hiện các việc đạo đức. Giây phút dừng lại thực sự đó đã mở cho tôi một cơ hội nối kết tương quan nội tại với Chúa cách sâu đậm của trí óc, ý chí và con tim. Đặc biệt, khi dừng lại trong sự làm rỗng tâm hồn, tôi đào sâu cảm thức đức tin qua lời truyền phép mà chính tôi đã đọc khi cử hành Thánh Thể, “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ…” Chúa Giêsu đã bẻ cuộc đời của Ngài để trao ban. Giây phút này, tôi học được ước mơ của Chúa chính là…

Cùng ra đi trao ban đời sống Thánh Thể

Đón nhận Thánh Thể là nguồn sống và sự sống mới. Đó cũng là nguồn sức mạnh ân sủng để đổi mới chúng ta thực sự. Tôi tin rằng ai đón nhận Thánh Thể với đức tin và lòng mến đích thực, Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ làm mới tâm hồn, con tim và cách sống của họ. Đồng thời, sức mạnh nội tại của Thánh Thần trở thành nguồn lực đẩy người đó ra khỏi mình và đi đến với anh chị em để hiểu nhu cầu, cảm nhận cuộc sống thực của họ và học cách mở tâm hồn để trao ban. Sống như thế, người Kitô hữu từng ngày sống tư cách cá nhân trong lẽ của đời sống Thánh Thể. Đôi tay phục vụ lúc đó sẽ diễn tả sự hiện diện sống động của Chúa với dân của Ngài: bất kỳ những gì ngươi làm cho một trong anh chị em bé mọn nhất là đang làm cho chính Ta (x.Mt 25, 40). Một sự đồng hóa xem ra thật giản đơn nhưng lại đồng phận quá đỗi lớn lao; một ước muốn đồng hóa giản dị nhưng lại lãnh nhận hiệu quả đồng phận tận trong cung lòng Thiên Chúa. Khi sống đời Kitô hữu trong tư cách của “đời sống Thánh Thể,” chúng ta lại được thêm cơ hội…

Bày tỏ sự khiêm nhường như Đức Kitô

Khi bày tỏ ước muốn “tất cả các con…” cùng nhau đến và đón nhận Thánh Thể-thân mình hiến tế của Chúa, Chúa Giêsu cũng mong ước mọi thành phần dân của Chúa sống “yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12). Giá trị yêu thương đích thực diễn tả nét đẹp của người tôi tớ, “đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến trao mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45). Càng phục vụ với cách thế khiêm nhường, chúng ta càng thấm sâu ước nguyện của Chúa Giêsu là “rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14). Thánh Phaolô, vị tông đồ đổi phận sau biến cố gặp Chúa Giêsu Phục sinh đã sống và chia sẻ lẽ đổi phận của ngài là “trở nên mọi sự cho mọi người” (1 Cr 9, 22);  bởi lẽ, thánh nhân thấu cảm rằng “tôi sống nhưng không phải tôi sống mà chính là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 19-20).

Thánh thể-Đường hiệp hành khiêm nhường mở ra cho chúng ta chân trời của tình thương, trao ban với lòng mến, lắng nghe với con tim rung nhịp cảm thông, và phục vụ với đôi tay mềm. Ước mong những thao thức và trăn trở của Chúa Giêsu sẽ được mỗi Kitô hữu thực hiện để giá trị Tin Mừng được hiện thực trong thế giới hôm nay.


[1] Sách lễ Rôma


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...