11/10/2024
192
MƯỜI BÀI HỌC TỪ FATIMA TRONG THÁNG MÂN CÔI
 
Bước vào tháng Mười, tháng Mân Côi , chúng ta có thể gợi nhớ đến lời Đức Maria nói về Kinh Mân Côi qua một vài lần hiện ra của Mẹ.
Lễ Đức Mẹ Mân Côi trước đây vẫn còn hay gọi là Lễ Đức Bà chiến thắng kỉ niệm ngày thắng trận của Liên Minh Thần Thánh chống lại hạm đội của Đế chế Ottoman năm 1571 tại Vịnh Lêpanto. Tuy nhiên, Giáo hội mừng lễ Mẹ Mân Côi vào tháng Mười không đơn thuần dừng lại ở việc nhắc lại sự kiện ấy.
Năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra với các trẻ chăn cừu là Lucia, Phanxicô và Giaxinta tại Cova da Iria thuộc làng Fatima, nước Bồ Đào Nha. Ba trẻ đã đã đi vào lịch sử của việc sùng kính Đức Trinh Nữ bởi sứ điệp mà họ chuyển trao cho thế giới nhờ đặc ân được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm.
Dưới đây xin được trình bày 10 điều bài học nơi Mẹ Fatima nhờ việc lần chuỗi Mân Côi.
1. Cầu nguyện với trót cả tâm tình
Ba trẻ tại Fatima hẳn đã cảm nhận sức mạnh của lời cầu nguyện khi Đức Maria viếng thăm. Ngay khi biết đến những lần hiện ra của Mẹ với ba trẻ chăn cừu, những người chung quanh đã mang đến cho ba trẻ chăn cừu những ý cầu nguyện mà họ muốn chúng cầu nguyện với Đức Mẹ, Đấng mà hàng tháng vẫn hiện ra tại Cova da Iria. Những người nam người nữ ấy đang bị đè nặng bởi những rối ren của thế gian này luôn mang nơi mình những thiện ý trong lời cầu nguyện. Ba trẻ chăn cừu đã trở thành những chiến binh cầu nguyện thực sự, họ hi sinh thân mình để cầu nguyện cho nhu cầu của những người chung quanh cũng như của thế giới. Họ cầu nguyện đặc biệt cho Đức Thánh Cha, cho sự cứu rỗi các linh hồn và cho chiến tranh sớm chấm dứt.
2. Kinh Mân Côi là một cách thế tuyệt vời để suy gẫm những mầu nhiệm về cuộc đời của Đức Kitô.
Người Kitô hữu có thể lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày. Khi ấy, họ có thể suy gẫm về một vài biến cố trong cuộc đời của Chúa Kitô. Những lời trong Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và lời nguyện Fatima tựa nền tảng suy tư về các mầu nhiệm nơi cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Cứ đầu mỗi chục kinh, một mầu nhiệm Chúa Kitô được xướng lên mỗi người dành một khoảng để suy niệm về những lời vừa đọc. Thời gian ấy được dành để suy gẫm cuộc đời của Chúa Kitô, nhờ thế mà người cầu nguyện được biết đầy đủ hơn về mầu nhiệm của Ngài.
3. Thông thường, thật hữu ích biết bao khi lần hạt năm chục.
Đức Maria mời gọi ba trẻ chăn chiên cầu nguyện terço, thuật ngữ tiếng Bồ Đào Nha dùng cho chuỗi năm chục kinh Mân Côi. Từ này có nghĩa là một phần ba và đề cập đến việc cầu nguyện năm trong số mười lăm mầu nhiệm truyền thống của Kinh Mân Côi . Nhờ Thánh Gioan Phaolô II, giờ đây chúng ta đã có thêm Năm Sự Sáng[1] được Chân phước Bartolo Longo phổ biến để thành 20 mầu nhiệm của Kinh Mân Côi. Hẳn là những đứa trẻ có lẽ sẽ không đủ kiên nhẫn đọc hết mười lăm hay thậm chí là hai mươi mầu nhiệm, nhưng năm chục kinh tương ứng với năm mầu nhiệm dường như dễ phổ biến hơn với hầu hết mọi người.
4. Kinh Mân Côi là một lời cầu nguyện tuyệt vời giúp ngăn chặn chiến tranh.
Các trẻ em đã được Mẹ Maria viếng thăm trong những khoảng thời gian đau thương cuối cùng của Đệ nhất thế chiến. Mặc dù Lucia, Phanxicô và Giaxinta không bị ảnh hưởng nhiều bởi chiến tranh nhưng họ được mời gọi để cầu nguyện cho cuộc chiến sớm khép lại. Ba trẻ tại Fatima đã nhận một loại vũ khí khác để chiến đấu cho việc chấm dứt chiến tranh đó là Kinh Mân Côi.
5. Kinh Mân Côi là một lời cầu nguyện tuyệt vời cho hòa bình
Ngoài việc việc trở nên khí cụ chấm dứt chiến tranh, Kinh Mân Côi còn nên như một phương thể để mang lại bình an tâm hồn. Lucia, Phanxicô và Giaxinta đã trở thành những tông đồ cầu nguyện thực sự và nhờ đó mà đạt được sự bình an nội tâm, mặc dù họ phải chịu nhiều đau khổ bởi dư luận, thậm chí cả phản ứng của bạn bè và gia đình.
 
6. Kinh Mân Côi là một lời cầu nguyện tuyệt hảo để cứu các linh hồn khỏi Luyện ngục
Lời cầu nguyện Fatima, được thêm vào sau kinh Sáng danh của mỗi chục kinh, là một lời cầu nguyện tuyệt vời để cầu xin sự cứu rỗi các linh hồn. Nhờ ghi vào trong tâm trí lời này qua việc đọc Kinh Mân Côi thường xuyên, ta trở nên quen thuộc với ý hướng căn cốt của việc cầu nguyện đó là cứu rỗi các linh hồn.
7. Kinh Mân Côi là một lời cầu nguyện tuyệt vời giúp hoán cải con người.
Việc lần hạt Mân Côi đã tác động sâu sắc đến những trẻ chăn cừu. Họ đã nhận được ân sủng tràn đầy khi diện kiến Đức Trinh Nữ, nhưng ba trẻ cũng được cho biết về một đời sống cầu nguyện đích thực sẽ giúp họ bước đi trên con đường hoán cải cá nhân. Việc cầu nguyện liên lỉ đã làm cho Lucia, Phanxicô và Giaxinta thay đổi tâm tháinhững trông mong nơi cuộc sống này.
8. Kinh Mân Côi là một phương thế tuyệt vời để học cầu nguyện
Kinh Mân Côi khá ngắn và phổ thông. Đó là một cách tuyệt vời để học cầu nguyện. Kinh Mân Côi là một sự tổng hợp của khẩu nguyện và tâm nguyện. Sự lặp lại của các ngôn từ cho thấy chiều kích khẩu nguyện, một trong những cách cầu nguyện dễ dàng nhất, kết hợp với suy niệm về các mầu nhiệm cho thấy chiều kích tâm nguyện. Do đó, người đọc Kinh Mân Côi khởi đầu việc cầu nguyện bằng những điều quen thuộc và dần dà chuyển qua những điều khó hơn.
 
9. Kinh Mân Côi là một cách  thế tuyệt vời để duy trì thói quen cầu nguyện thường xuyên.
Kinh Mân Côi có thể trở thành một phần của thói quen hàng ngày, giúp  người Kitô hữu đáp lại lời khuyên của Thánh Phaolô là hãy cầu nguyện không ngừng. (1Tx 5,17). Lucia, Phanxicô và Giaxinta được Mẹ nhắc nhớ không chỉ lần hạt Mân Côi hàng ngày, nhưng hãy làm điều đó luôn luôn bằng chính tiéng mẹ đẻ của mình, tiếng Bồ Đào Nha.
 
10. Sự lặp lại trong Kinh Mân Côi là một hồng ân.
Một số người ngạc nhiên bởi sự lặp đi lặp lại các lời trong Kinh Mân Côi. Tuy nhiên, sự lặp lại này giúp người cầu nguyện suy gẫm ý nghĩa của lời họ đọc và có thời gian để cầu nguyện. Trong một thế giới mà ngay cả những khoảng không gian nội tâm cũng đang bị bào mòn, việc lặp đi lặp lại Kinh Mân Côi giúp xây dựng một lá chắn để bảo vệ đời sống nội tâm của chúng ta.
Có lẽ ngoài tất cả những lời nhắn nhủ của Mẹ được trao gửi qua những lần hiện ra ở Fatima, điều quan trọng nhất khi cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi đó là hãy mặc lấy tâm tình con thảo với Đức Maria như người Mẹ của chúng ta.
Lạy Mẹ Fatima, xin cầu cho chúng con.
 
Đức Hữu chuyển ngữ từ https://catholicexchange.com/ten-lessons-from-fatima-for-october-month-of-the-holy-rosary/
 
[1] Chú thích thêm của người dịch: Mở đầu những năm đầu thiên niên kỷ XXI, khoảnh khắc hồng ân mang tính lịch sử. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 29/9/2002 Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II giải thích lý do ngài thêm 5 mầu nhiệm sự Sáng vào bộ 15 mầu nhiệm Mân Côi như sau: “Để bản tổng hợp Phúc Âm này được trọn vẹn, cũng như để thêm khởi sắc, trong Tông thư kinh Mân Côi của Đức Trinh nữ Maria, tôi đề ra năm mầu nhiệm khác nữa, thêm vào những mầu nhiệm vốn được suy niệm trong kinh Mân Côi, và tôi gọi 5 mầu nhiệm mới này là‘các mầu nhiệm ánh sáng’. Các mầu nhiệm ánh sáng bao gồm đời sống công khai của Đấng Cứu Thế, từ biến cố phép rửa ở sông Giođan cho đến khi bắt đầu Cuộc Khổ Nạn…”
Vào tháng Mân Côi, ngày 16/10/2002, Thánh Gioan Phaolô II đã long trọng công bố văn kiện quan trọng: “Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria, Rosarium Virginis Mariae” chính thức đưa 5 mầu nhiệm Sự Sáng vào suy gẫm dưới đây:
1. Thứ nhất: “Khi Đức Giêsu chịu phép Rửa xong, có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3, 16-17).
SUY GẪM: Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giodan.
– Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.
2. Thứ hai: “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự” (Ga 2, 1-2).
SUY GẪM: Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana.
- Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.
3. Thứ ba: “Đức Giêsu nói: ‘Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’.” (Mc 1, 15)
SUY GẪM: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối.
- Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận Tin Mừng.
 4. Thứ bốn: “Từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”. (Lc 9, 35).
SUY GẪM: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi.
- Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
 5. Thứ năm: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13, 1).
SUY GẪM: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể.
 – Ta hãy xin cho được năng kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.
 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...