06/01/2024
1277
Gx. Kẻ Sặt: Khai Mạc Năm Thánh Mừng 70 năm Thành Lập Giáo xứ và 50 năm khánh thành Nhà thờ


Thứ Hai ngày 01.01.2024, Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Giáo xứ Kẻ Sặt thuộc Giáo hạt Hố Nai hân hoan chào đón Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân - Giám mục Giáo phận Xuân Lộc về dâng Thánh lễ khai mạc Năm Thánh mừng 70 năm thành lập Giáo xứ & 50 năm khánh thành Nhà thờ.


Cùng đồng tế với Đức Cha Gioan có Cha Quản hạt Hố Nai, Quý Cha nguyên Chánh xứ Giáo xứ Kẻ Sặt, quý Cha gốc Giáo xứ cùng quý Cha trong và ngoài Giáo hạt. Bên cạnh đó, có sự tham dự đông đảo của quý Tu sĩ nam nữ, quý Thầy Chủng sinh và bà con giáo dân trong Giáo xứ.
Trong phần chia sẻ Tin mừng, Đức Cha Gioan đã chia sẻ về ý nghĩa tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria cũng như về mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa.



Cuối Thánh lễ, vị đại diện BHG đã thay mặt cộng đoàn cám ơn Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và Chủng sinh, quý ân nhân, cùng tất cả mọi người đã cùng cộng tác xây dựng và chung lời cầu nguyện cho Giáo xứ.
Đức Cha cũng có đôi lời huấn dụ gửi đến quý Cha và cộng đoàn, cách riêng là anh chị em Giáo xứ Kẻ Sặt.


Thánh lễ kết thúc với phép lành trọng thể, và niềm vui của Giáo xứ được nối tiếp với bữa tiệc liên hoan thân mật.


Thánh đường Giáo xứ Kẻ Sặt tại Hố Nai – Một kỳ quan tôn giáo ở Việt Nam
Du khách trên đường đi Đà Lạt và miền Đông Nam Bộ, đa phần đều dừng lại chiêm ngưỡng một tân kiến trúc tôn giáo mỹ lệ Đông Phương ở khu vực cuối xa lộ Biên Hoà: Thánh đường Giáo xứ Kẻ Sặt.
Đây thật là một ngôi thánh đường với lối kiến trúc tân kỳ theo mỹ thuật Đông Phương với hình Tháp Tam Quan, tượng trưng cho mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, hoặc ba nhân đức cả: Tin, Cậy, Mến.
Đây là một thành công rực rỡ của sự hợp ý cộng tác giữa Cha xứ Giuse Nguyễn Thanh Minh và giáo dân trong việc kiến tạo Nhà Chúa, để tạo nên một trang lịch sử tôn giáo và Thánh đường giữa lòng đất nước Tiên Rồng này.
Từ ngày khởi công xây cất, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức (11/02/1973), Đức cố Giám mục Lê Văn Ấn đích thân chủ tọa Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên trước hàng ngàn quan khách đạo đời, các Linh mục, Tu sĩ cũng như giáo dân địa phương.
Mọi người đều quan sát đồ án kiến trúc Tân Thánh đường Kẻ Sặt, do một nhóm kiến trúc sư thực hiện: các ông Nguyễn Huy, Trần Phong Lưu, Đinh Xuân Bình, Nguyễn Trọng Tuấn. Họ khen ngợi Thánh đường như một sáng kiến tân kỹ trong việc tạo lập kiến trúc Đông Tây hòa hợp.
Thánh đường Kẻ Sặt nguy nga như một trung tâm cầu nguyện của toàn dân Chúa, một kỳ quan tráng lệ ghi mãi trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và dân tộc như một biểu chứng của đức tin và quốc hồn.
Thánh đường gồm 11 gian, kể cả Cung Thánh dài 70 thước, rộng 22 thước, không có 2 hàng cột giữa, cao 18 thước tới nóc, 40 thước tới đỉnh Tháp Tam Quan, mỗi gian đều có cửa sổ thật lớn, nửa trên bằng kính màu như đèn lồng thông hơi khiến cho lòng Nhà thờ bao giờ cũng mát dịu ngay cả khi có hàng ngàn người quy tụ cầu nguyện.
Hai bên Thánh đường mỗi bên có 3 cửa ra vào bằng gỗ màu gu rộng lớn để giúp cho giáo dân ra vào dễ dàng và nhanh chóng.
Trên Cung Thánh rộng thênh thang, có một bàn thờ lớn bằng đá cẩm thạch rất tráng lệ với một tượng Chúa Chịu Nạn rất lớn dựng liền vào tường chính cao chót vót, cách bức tường chính 1 thước là một bức tường xây lửng cao chừng 3 thước, dài 12 thước, phân cách Cung Thánh và lối ra vào phòng áo, trên lưng chừng bức tường đặt Nhà Tạm bằng cẩm thạch kiểu tân kỳ.
Xung quanh tường phía trong có 14 chặng đàng Thánh Giá rất lớn với kích thước: ngang 1m7 dài 3m6, được minh họa mỹ thuật với màu sắc lộng lẫy.
Ngày 19/12/1974, giữa dòng Năm Thánh, là ngày đáng ghi nhớ khi hàng ngàn quan khách, đạo đời từ bốn phương về đây mừng lễ Khánh thành Nhà thờ. Tất cả đều khâm phục tinh thần cao cả và hòa hợp của Linh mục và giáo dân Kẻ Sặt, xưa nay vốn có truyền thống của một Xứ đạo lớn vào hạng bậc nhất Bắc Việt, một Xứ đạo cựu trào trên 300 năm với nhiều Anh hùng Tử Đạo, và trên 50 Linh mục đã xuất thân từ Xứ đạo này.
Trước đây Kẻ Sặt có Đại Chủng Viện, có Trường Thầy Giảng, có Tu viện dòng nữ Đaminh và Mến Thánh Giá - những nơi đào tạo linh mục, tu sĩ và giáo dân lo việc mục vụ và truyền giáo cho các địa phận miền Đông Bắc Việt. Hơn nữa, đây còn là nơi hội họp Công Đồng miền đầu tiên ở Việt Nam - Công đồng Kẻ Sặt. Với tinh thần truyền thống đạo đức lâu đời, giáo dân hôm nay đã biến Giáo xứ Kẻ Sặt thành một cơ nghiệp Kitô giáo thật đặc sắc như trăm hoa đua nở ở miền Nam Việt Nam này vậy.
 
 Tin: BTT Giáo Phận
Ảnh : MVTT Gx. Kẻ Sặt

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...