Tin mừng: Ga 19,31-37
31 Bởi lẽ là Ngày Chuẩn Bị, và để tránh cho các tử thi không còn treo trên thập giá trong ngày Sabbat, vì ngày sabbat là một ngày trọng đại, những người Do Thái xin Philatô cho hạ các tử thi xuống, sau khi đánh giập ống chân.
32 Bấy giờ những người lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu.
33 Khi đến gần Chúa Giêsu, chúng thấy Người đã chết, nên không đánh giập ống chân Người; 34 nhưng một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra.
35 Và kẻ đã xem thấy, thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cả chư vị cũng tin.
36 Những điều đó đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: “Không một cái xương nào của Người bị đánh giập”.
37 Và lại có lời Kinh Thánh khác rằng: “Chúng sẽ nhìn vào Đấng chúng đã đâm thâu qua”.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu đã yêu thương nhân loại cho đến chết. Trái tim Chúa đã mở ra, những giọt nước và máu cuối cùng đã được ban cho nhân loại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con rất xúc động khi nhìn thấy trái tim Chúa đã bị lưỡi đòng đâm thâu. Chúa đã không tiếc gì với con. Cả đến những giọt nước và giọt máu cuối cùng trong trái tim Chúa, Chúa cũng dốc cạn cho con. Tình yêu của Chúa thật cao cả và trọn vẹn.
Lạy Chúa Giêsu, dịp lễ Thánh Tâm Chúa là cơ hội để con chiêm ngưỡng và nhận biết tình yêu Chúa đã dành cho con, và nhất là để con biết đáp lại tình yêu Chúa bằng một tấm lòng chân thành với tình mến sâu xa. Thật vậy, trái tim của con đang cần thanh luyện để biết yêu thương quảng đại hơn, biết mở rộng cõi lòng như một món quà trao tặng người khác. Nếu Chúa đã yêu thương con cách trọn vẹn, kể cả những giọt máu cuối cùng trong trái tim, thì con cũng cần biểu lộ một tình yêu biết dốc cạn cho người khác. Tình yêu được dốc cạn khi con sẵn sàng tự nguyện đi bước trước, đến bắt tay kẻ con đang giận hờn. Tình yêu được dốc cạn khi con quảng đại giúp người túng thiếu, không một chút luyến tiếc hoặc tính toán hơn thiệt. Và tình yêu được dốc cạn khi con dám can đảm chấp nhận phần thiệt thòi cho mình, để người khác được lợi ích hơn.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin Chúa thanh luyện trái tim con và giúp con thực hiện điều đó. Amen.
Ghi nhớ: “Tên lính đâm thủng cạnh sườn Người, và máu cùng nước chảy ra”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. “Chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa và đã tin vào tình yêu đó”.
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là dịp Giáo Hội nhắc cho chúng ta nhớ đến tình yêu vô biên của Chúa và cố gắng đáp trả. Thiên Chúa là Tình Yêu và Ngài đã dùng mọi phương thế để chúng ta thấy được, cảm nhận được tình yêu của Ngài. Thiên Chúa đã yêu thương trần gian đến nỗi ban Con Một cho trần gian. Chúa đã thương chúng ta đến mức độ như thế, chúng ta có cảm thấy hạnh phúc không? Nhiều người trong chúng ta không cảm thấy gì cả. Đứa con yêu quí nhất, “đẹp lòng Ta mọi đàng”, Chúa đã ban trọn vẹn cho chúng ta. Nhưng không mấy người nghĩ đến hay nhìn thấy tình thương của Ngài.
Một chàng thanh niên, ngày cưới, sau khi khách đã về, đã dẫn vợ mình đến trước mặt cha mẹ vợ, quì gối xuống và nói: “Suốt đời con tạ ơn cha mẹ đã cho con đứa con yêu quí của cha mẹ. Con nguyện suốt đời sẽ yêu thương và săn sóc vợ con hết tình và không bao giờ quên ơn cha mẹ”. Và đúng thế, anh đã giữ lời.
Chúng ta lãnh nhận món quà quí giá nhất của Chúa Cha và chúng ta đã treo đứa con yêu đó lên thập giá, lấy đòng đâm thấu tim Ngài. Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samaria: “Nếu chị biết được hồng ân của Thiên Chúa”.
Chúng ta chưa biết những gì Chúa ban cho chúng ta khi ban cho chúng ta người Con Một của Ngài.
Chúa Con đã yêu thương chúng ta “đến tận cùng”, khi vâng lời Chúa Cha, đã nhập thể làm thân con người sống cho chúng ta và đã cứu vớt chúng ta bằng cách hiến thân chịu chết cho chúng ta. Nhìn Chúa Giêsu, chúng ta có thấy Ngài thương chúng ta không? Ngài đã dùng mọi cách để cho chúng ta thấy được tình yêu của Ngài… Chúng ta có thấy được không?
Giáo Hội cũng tìm mọi cách để thúc đẩy chúng ta đền đáp tình yêu vô biên của Chúa. Lễ Thánh Tâm không phải do Giáo Hội thiết lập mà chính do ý muốn rõ rệt của Chúa Giêsu, nhưng Giáo Hội đã vâng theo, đã làm hết cách để cổ võ lòng sùng kính Thánh Tâm như Chúa muốn.
Lễ Thánh Tâm bắt nguồn từ những lần Chúa hiện ra với thánh nữ Magarita-Maria Alacoque, là một nữ tu dòng Thăm Viếng từ năm 1673 ở Pháp.
Thánh nữ đã yêu mến nồng nàn Chúa Giêsu Thánh Thể, và trong một lần chị đang chầu Thánh thể, Chúa Giêsu đã hiện ra và cho chị biết những kho tàng ơn thánh và những ước muốn của Thánh Tâm Ngài. Ngài than phiền về sự vô ân của loài người đối với tình yêu vô biên của Ngài. Ngài cũng bảo chị phải làm hết cách để Giáo Hội chấp nhận thiết lập một thánh lễ riêng biệt vào ngày thứ Sáu sau lễ Mình Máu Chúa.
Vâng lời Chúa, chị đã tỏ ra cho cha linh hướng biết ý định của Chúa. Ngài ủng hộ hết mình khi biết rằng chính Chúa Giêsu đã muốn như thế.
Chị đã gặp không biết bao nhiêu khó khăn cản trở trong việc loan truyền lòng sùng kính Thánh Tâm nầy, nhưng chị không bao giờ nản chí. Một số các giám mục linh mục thời bấy giờ ủng hộ, nhưng cũng có một số phản đối gay gắt, cho rằng tôn sùng Thánh Tâm có tính cách tình cảm và xác thịt. Vào thời bấy giờ ảnh hưởng của chủ thuyết Giăngxênius xem Thiên Chúa như một vị Thiên Chúa nghiêm khắc, công thẳng, đe phạt mọi lầm lỗi của con người, xem xác thịt là nguồn gốc mọi tội lỗi. Vì thế, tôn sùng Thánh Tâm và tình yêu của Thiên Chúa là không thích hợp.
Mãi đến năm 1765, hơn một trăm năm sau, Đức Giáo Hoàng Clêmentê XIII mới chấp nhận lập lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đức Giáo Hoàng Piô IX mới chấp nhận cho toàn thể Giáo Hội mừng lễ Thánh Tâm.
Giáo Hội không gấp rút chấp nhận những mạc khải tư và luôn cẩn thận xem xét và khi nhận thấy rằng những mạc khải tư nào hợp với đức tin và ích lợi cho các linh hồn mới chấp nhận.
Tại sao Chúa Giêsu muốn chúng ta tôn sùng Thánh Tâm Ngài và tại sao lại là trái tim?
Chúng ta có thể thấy rõ ước muốn của Chúa khi đọc các sách Tin Mừng. Trong đó chúng ta có thể thấy tình yêu của Chúa đối với chúng ta như thế nào, không cần một cái gì khác. Nhưng con người chúng ta hướng về vật chất và chú trọng đến vật chất, vì thế Chúa muốn dùng những gì có thể gây sự chú ý cho chúng ta để giúp chúng ta hiểu rõ hơn.
Tại sao lại dùng hình ảnh trái tim? Thông thường, trái tim là biểu tượng của tình yêu. Tôn sùng Thánh Tâm, chúng ta không chỉ tôn sùng trái tim bằng thịt máu Chúa mà thôi mà cả tình yêu vô biên của Ngài. Tình yêu đã đưa Ngài đến việc chấp nhận mọi đau khổ, và chết cho chúng ta, và nhất là đã ban cho chúng ta Mình và Máu Ngài làm của ăn cho chúng ta.
Thánh Tâm và Thánh Thể liên hệ mật thiết với nhau. Hai khía cạnh của một tình yêu, hai cách Chúa dùng để diễn tả tình yêu của Ngài. Yêu mến Thánh Tâm cũng là yêu mến Thánh Thể. Thánh Thể chính là tuyệt tác và là dấu lạ của tình yêu Chúa, là cách biểu lộ rõ nét và sung mãn nhất của tình yêu Chúa. Ngài đã đưa tình yêu của Ngài đến tột đỉnh đến nỗi ở lại với chúng ta và trong chúng ta cho đến tận thế. Thánh Thể chính là dấu hiệu của tình yêu chứa đựng trong Trái Tim của Chúa Giêsu.
Trong việc tôn sùng Thánh Tâm, nét được chú ý nhất đó là tình yêu của Chúa bị lãng quên, bị khinh miệt, bị chà đạp bằng nhiều cách. Con người đã vô ơn bội nghĩa với Đấng đã yêu thương họ đến nỗi không tiếc gì với họ.
Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến Trái Tim bị đâm thâu của Chúa. Và từ Trái tim rộng mở đó tuôn trào cho chúng ta nguồn suối ơn lành không thể nói được. Tôn sùng Thánh Tâm là nhớ đến trái tim Chúa bị đâm thâu, nhưng cũng nhớ đến tất cả những đau khổ Chúa đã chịu vì tội lỗi chúng ta. Thánh Tâm tức là trung tâm của mọi đau khổ Chúa Giêsu phải chịu vì loài người. Thánh Tâm chính là tất cả cuộc sống của Chúa Giêsu, những tâm tình buồn vui, đau khổ của Ngài.
Nhớ đến những đau khổ của Chúa Giêsu, chúng ta có nhớ rằng chính chúng ta cũng là nguồn gốc của những đau khổ của Ngài không? Tại sao chúng ta sợ mất lòng người khác mà chúng ta lại không sợ làm cho Chúa chúng ta đau khổ? Vì thế, chúng ta hãy nhìn nhận tất cả những gì chúng ta đã làm cho Ngài để yêu mến Ngài thực tình hơn, can đảm hơn. Chúng ta hãy hết mình vâng theo ý Ngài để đền lại những sự yếu đuối của chúng ta và của những anh em chúng ta. Ngài muốn chúng ta yêu mến Ngài vì Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc với Ngài. Ngài đau khổ vì thấy quá nhiều người hư mất. Chúng ta hãy tiếp tay với Ngài cứu vớt anh em chúng ta và cả chúng ta bằng cố gắng hy sinh, bằng sự trung thành. Chúng ta đang sống trong một thế giới hỗn loạn, dã man. Con người không còn biết yêu thương nhau là gì. Đó là nguồn cội của mọi đau khổ của Chúa. Dù chúng ta nhỏ bé, chúng ta không thể làm gì, nhưng chúng ta có một khí giới hữu hiệu để cứu vớt anh em chúng ta là cầu nguyện. Hãy cầu nguyện nhiều, cầu nguyện bằng mọi cách, cầu nguyện luôn. Chính Chúa sẽ cứu các linh hồn chứ không phải chúng ta.
Hôm nay, khi đến ăn lấy Chúa, chúng ta hãy ăn lấy Ngài với tất cả thiện chí và niềm tin, với tất cả tình yêu của con tim nhỏ bé của chúng ta. Chúa đang khao khát, một cơn khát không nguôi. Chúa đang khao khát tình yêu của chúng ta. Hãy làm dịu bớt cơn khát của Ngài bằng tất cả khả năng của chúng ta. Hãy mang lại cho Chúa niềm vui vì có người chia sớt cơn khát triền miên của Ngài.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
- Trong Tin mừng chỉ có vài câu có liên hệ gián tiếp đến Trái tim của Chúa Giêsu, như trong Mátthêu 11,29: “…Vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Latinh là “quia mitis sum et humilis corde”) hoặc trong Gioan 20,27: “…Hãy đặt vào cạnh sườn Ta” (“Mitte in latus meum”) trong đó hai từ corde và latus đều ám chỉ trái tim của Chúa Giêsu. Ngoài ra Chúa Giêsu không đả động gì đến trái tim Ngài. Không bao giờ Ngài bảo phải yêu mến và tôn sùng trái tim Ngài.
Cha William G. Most, chuyên gia thần học, giảng giải: Tôn sùng Thánh Tâm là một phần của nền tảng đức tin căn cứ vào lòng Chúa yêu thương, được biểu hiện nơi Trái Tim Chúa Giêsu, nhờ đó chúng ta mới hiện hữu và được cứu rỗi.
- Có lẽ việc tôn sùng Thánh tâm Chúa Giêsu phát xuất từ đoạn Tin mừng theo thánh Gioan 19,31-37 kể lại rằng: sau khi Chúa Giêsu tắt thở trên thập giá, thì một người lính lấy ngọn giáo đâm vào cạnh sườn Ngài, tức thì máu cùng nước chảy ra. Chính Chúa Giêsu lúc còn sống, Ngài phán: “Hết thảy những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các người. Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,25-30).
Chiêm ngắm cạnh sườn bị đâm thâu của Đấng Cứu Thế, chúng ta sẽ hiểu biết Ngài cách sâu rộng hơn, kinh nghiệm về tình yêu của Ngài cách đầy đủ hơn, khiến chúng ta có thể sống chan hoà với tình yêu của Ngài và sẵn sàng làm chứng về tình yêu ấy cho những người khác.
- Trái tim thường được coi là “trụ sở của Tình yêu”. Chúng ta tôn thờ Thánh Tâm Chúa, để nhớ đến tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại, đối với mọi người chúng ta. Giáo hội thiết lập lễ Thánh Tâm là để đề cao lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại nơi Ngôi Hai Thiên Chúa làm người là Đức Giêsu Kitô.
Suy ngắm về tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại, chúng ta mới hiểu được định nghĩa của thánh Gioan: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). Tình yêu còn đặc biệt được biểu lộ qua việc Ngài thương xót những kẻ tội lỗi: “Ta đến không phải để tìm người công chính, nhưng để tìm người tội lỗi biết ăn năn hối cải” (Lc 5,32).
- Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu không phải là bằng những tình cảm ướt át, uỷ mị, những lời kinh đền tạ tha thiết, những câu hát than van rên rỉ… nhưng là đi vào tâm tình của Ngài, hoà vào mạch sống yêu thương của Ngài, là chấp nhận sự hy sinh, sự mất mát, sự chết cho anh em đồng loại được sống, được hạnh phúc.
Suy ngắm tình Chúa yêu, chẳng những giúp chúng ta thêm lòng yêu mến Chúa, mà còn giúp chúng ta thêm lòng yêu thương tha thứ cho nhau. Thánh Gioan viết: “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương nhau… Như Chúa đã tha thứ cho chúng ta, chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau và giúp đỡ lẫn nhau…” (1Ga 11-21).
Con người có hai nhu cầu cần được thoả mãn đó là muốn yêu và được yêu. Là người, ai cũng muốn yêu: cha mẹ thương con cái, con cái yêu mến cha mẹ; vợ chồng yêu nhau, bạn bè thương mến nhau. Ai không còn khả năng để yêu người khác, thì tuy đang sống nhưng cũng kể như đã chết. Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người, Ngài yêu thương mọi người và Ngài cũng muốn được con người đáp lại tình yêu của Ngài. Chúng ta hãy xin Chúa cho mỗi người chúng ta cảm nghiệm được tình yêu Chúa thương mình và cố gắng đáp trả phần nào tình yêu của Chúa.
- Qua lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta hãy thêm lòng tôn sùng yêu mến Thánh Tâm Chúa. Một cách cụ thể, tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là cố gắng đổi mới chính con tim của chúng ta, sao cho nó hiền hậu khiêm nhường như Trái Tim Chúa Giêsu theo lời Ngài phán: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Ga 20,27). Chúng ta phải làm sao cho con tim chúng ta biết yêu thương loài người, nhất là yêu thương những người nghèo khổ, bị bỏ rơi và yêu thương như trái tim yêu thương rộng mở của Chúa Giêsu vẫn luôn luôn yêu thương.
- Đồng thời, hôm nay cũng là ngày thánh hoá các linh mục của Chúa. Đức Thánh Cha kêu gọi cộng đồng dân Chúa hãy nâng đỡ các linh mục trong ơn gọi nên thánh của các ngài, bằng lời cầu nguyện và những việc hy sinh, cộng tác với các ngài trong việc mục vụ tông đồ và truyền giáo. Xin cho các linh mục mỗi ngày sống thánh thiện để trở thành những mục tử theo gương Chúa Kitô.
Chúng ta hãy hợp lời cầu nguyện cho các ngài như các ngài vẫn cầu nguyện cho mình hằng ngày: “O bone Jesu, fac ut sim sacerdos secundum cor tuum”: Lạy Chúa Giêsu nhân lành, xin cho con trở thành linh mục như lòng Chúa mong muốn.
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK)
Hãy yêu thương nhau
Lời mở
Sau Chúa Nhật mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Giáo Hội mừng lễ Thánh Tâm để mời gọi ta học lại bài học yêu thương từ trái tim bị đâm thủng của Người trên thập giá (x. Ga 19, 31-37). Hôm nay cũng là Ngày Thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục, chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục có trái tim yêu thương của Chúa Giêsu.
1. Tình yêu trong đời sống tự nhiên của con người
Trái tim đỏ thắm là biểu tượng của tình yêu chan chứa, nhưng thực tế của đời sống đang là một thảm trạng về tình yêu. Chỉ tính riêng ở Việt Nam đã có hàng triệu cuộc tình tan vỡ và hàng triệu bào thai bị phá bỏ mỗi năm, chưa kể hàng ngàn người bị phản bội, bị giết hại, tự tử và hàng chục triệu bệnh nhân tâm thần, chỉ vì con người không giải nghĩa được tình yêu và không biết yêu thương nhau.
Đối với nhiều người, tim là biểu tượng của tình yêu bởi vì tim là bộ phận quan trọng trong hệ tuần hoàn. Tim bơm máu đi khắp cơ thể để nuôi sống toàn thân con người. Tình yêu cũng được coi là động lực quan trọng nhất đem lại sức sống và niềm vui.
Đối với các tôn giáo, nhất là Công giáo, “Trái tim” [1] là thuật ngữ chỉ toàn thể nội tâm con người: vừa là trung tâm của cảm xúc [2], vừa là nơi phát sinh tư tưởng [3], diễn tả ý muốn, hành động [4] và cũng là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa [5]. Vì thế, người Công giáo tôn thờ “Thánh Tâm Chúa Giêsu” hay tôn kính “Trái tim Vẹn sạch Đức Mẹ Maria” có nghĩa là tôn thờ Chúa Giêsu hay tôn kính Mẹ Maria với tình yêu vô bờ của hai Đấng dành cho con người.
2. Giải nghĩa tình yêu theo sinh lý học
Để giải nghĩa tình yêu trong con người có thể xác và tinh thần, chúng ta phải nói đến những cảm giác, cảm xúc, cảm tình khi họ yêu nhau. Tuy nhiên, nếu muốn hiểu được các mức độ tình yêu, ta phải phân tích hoạt động của bộ não và hệ thần kinh của con người, thay vì nghiên cứu hoạt động của trái tim. Lý do là vì khi ta biết rõ được cảm giác, cảm xúc và suy tư, ta sẽ hiểu tại sao con người lại lầm tưởng tình yêu là cảm xúc, là tình cảm, là tình dục và mới hiểu tình yêu bắt nguồn từ đâu.
Yêu theo cảm giác
Cảm giác là hình thức thấp nhất của nhận thức. Đó là những cảm nhận nhất thời, không được chủ thể yêu ý thức một cách rõ ràng. Cảm giác là quá trình tâm lý cho ta biết những thuộc tính riêng lẻ của sự vật đang tác động vào các giác quan của ta. Ngoài 5 giác quan chính như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, ta còn có cảm giác thăng bằng, đau đớn [6]. Ví dụ: Ta cảm nhận được thân hình người mình yêu xinh đẹp, khuôn mặt thanh tú, mùi hương thơm ngát, giọng nói êm ái, làn da mát mẻ, đôi môi ngọt ngào... Các thụ thể cảm giác phát đi các tín hiệu thần kinh từ mắt, tai, lưỡi, mũi, da qua tuỷ sống, đến phần cao nhất của não là vỏ não, để từ đó ta có những cảm nhận về người mình yêu. Rất nhiều người đang yêu ở mức độ cảm giác này như đứa bé yêu mẹ vì được mẹ cho bú mớm, chăm sóc, ẵm bồng mà không ý thức về người mẹ của mình. Họ chỉ yêu cách thụ động để thu nhận cho mình theo những cảm giác của cơ thể.
Yêu theo cảm xúc
Nhiều người yêu ở mức độ cảm xúc. Cảm xúc là những trạng thái rung cảm của con người trước những sự vật hay hiện tượng có liên quan đến việc thoả mãn hay không thoả mãn những nhu cầu cá nhân. Cảm xúc thể hiện qua cử chỉ, hành vi, điệu bộ và những phản ứng về mặt sinh lý. Thí dụ: ăn, uống, ngủ, nghỉ, làm việc, ân ái… là những nhu cầu cá nhân. Khi được thỏa mãn hay không được thoả mãn sẽ tạo ra các cảm xúc như vui, buồn, sợ hãi, giận dữ, ngạc nhiên, ghê tởm, khinh bỉ [7].
Người yêu theo cảm xúc có thái độ chủ động để định hướng và thích nghi các hoạt động của mình. Tuy nhiên, các cảm xúc đều mang tính chủ quan, nhất thời. Đối với một số người có chỉ số xúc cảm thấp (emotional quotient), họ thường không quan tâm bảo vệ “tình yêu” của mình và dễ dàng đánh mất khi có cảm xúc mạnh với người khác, vật khác. Điều này ta gặp thấy nơi người chồng bỏ bê vợ mình khi quan hệ với những cô gái mãi dâm biết tạo cảm giác mới lạ cho họ.
Trong lĩnh vực tôn giáo người ta thường có những cảm xúc mạnh qua những buổi cầu nguyện đông người, những bài thánh ca hay, những cuộc hành hương đông đảo…. Tuy nhiên, những cảm xúc đó cần phải được nâng lên mức độ nhận thức thì mới phát triển được tình yêu chân thực và lòng đạo đức lâu dài.
Yêu theo tình cảm
Mức độ cao hơn cả là yêu theo tình cảm. Tình cảm được hình thành trên cơ sở những cảm xúc của con người đối với đối tượng mình yêu, nhưng chủ thể nhận thức được nguyên nhân tạo nên những tình cảm đó. Thí dụ: hai vợ chồng yêu nhau vì luôn ý thức cả hai đã gắn bó với nhau, có trách nhiệm với con cái, với gia tộc và được nối kết bởi nghi lễ hôn nhân tôn giáo, nên dù bây giờ đã già nua, không còn cảm giác hay cảm xúc với những cử chỉ âu yếm nhưng cả hai vẫn yêu thương, chăm sóc lo lắng cho nhau.
Căn cứ vào đối tượng, người ta phân loại tình cảm: tình yêu đôi lứa, tình cha mẹ, tình vợ chồng, tình anh em, tình bạn bè, tình quê hương, tình dân tộc, tình yêu nghề nghiệp, tình yêu thiên nhiên, tình yêu thần linh. Các tình cảm này đều bắt nguồn từ một tình yêu duy nhất của con người. Vì thế, trong cuốn Từ điển Tiếng Việt, ta tìm được câu định nghĩa sau đây: "Tình yêu là tình cảm yêu mến, làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật", nghĩa thứ hai mới là "Tình cảm yêu đương giữa nam và nữ" [8].
Theo nghĩa thứ nhất, chúng ta thấy tình yêu của con người là một tổng thể phức tạp, vừa là một tình cảm làm cho người ta gắn bó mật thiết, nhưng đồng thời lại ý thức về trách nhiệm phải có đối với nhau. Thiếu phần ý thức này, tình yêu chỉ còn là những cảm giác hay cảm xúc nhất thời, làm cho con người bị lệ thuộc vào vật chất, không gian và thời gian. Chỉ khi nhận thức được nguyên nhân tạo nên tình cảm yêu mến, con người mới có tình yêu vượt lên trên mọi giới hạn vì con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, được chia sẻ bản tính thần linh siêu việt của Ngài. Như thế là con người nối kết được với cội nguồn của tình yêu.
3. Tìm về cội nguồn tình yêu
Điều khiến chúng ta kinh ngạc về bộ não của con người và đặt câu hỏi: những nhận thức khác nhau về mối quan hệ với đối tượng mình yêu, về hoàn cảnh, trách nhiệm và những phân biệt giữa các tình cảm đủ loại bắt nguồn từ đâu? Bởi vì nếu ta phân tích việc truyền tín hiệu thần kinh trong các neuron, ta sẽ chỉ thấy đó là dạng các xung động điện rất nhỏ, tác động vào các túi chứa các chất dẫn truyền thần kinh ở dạng hoá học, để truyền tín hiệu sang neuron tiếp nhận [9]. Những xung động điện và các chất dẫn truyền có thể nói là đều giống nhau, nhưng mức độ nhận thức về tình cảm, tình yêu nơi mỗi người lại rất khác nhau.
Có người yêu cha mẹ vì hiểu được rằng cha mẹ sinh thành, dưỡng dục mình chứ không phải chỉ cho ăn (ở mức độ cảm giác), hay chiều chuộng theo ý thích của mình (ở mức độ cảm xúc). Nếu đi xa hơn về nhận thức, người đó yêu vì cha mẹ là hình ảnh của Thiên Chúa, vì vâng theo điều răn của Thiên Chúa "Hãy thảo kính cha mẹ", dù cha mẹ họ già yếu, bệnh tật, khó tính, bất công với họ (ở mức độ tình cảm). Tất cả những nhận thức đó đều cần thiết để giúp cho con người nâng cao giá trị tình yêu. Tình yêu của họ không còn bị lệ thuộc vào vật chất, không gian và thời gian để bước vào lĩnh vực tinh thần, mang tính vĩnh hằng và bất diệt!
Điều ghi nhận là trong bộ não con người, ta không thấy có chỗ nào chứa đựng nhận thức về trách nhiệm, tự do, hạnh phúc, tình yêu… Vậy chúng bắt nguồn từ đâu? Câu trả lời không thể tìm thấy nơi con người và khoa học hiện đại, nhưng phải tìm về nguồn của mọi hiện hữu là Thiên Chúa. Chỉ Đấng đó mới giải nghĩa được tình yêu nơi con người và vạn vật trong vũ trụ.
4. Tình yêu trong đời sống người tín hữu Công giáo
Khi hiểu được như thế, ta mới thấy mình cần phải tin tưởng và gắn bó với Thiên Chúa để tình yêu của chúng ta được chân thực, trong sáng và vững bền: “Chúng ta hãy yêu thương nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” [10].
Chúa Giêsu còn gợi ý cho ta nâng tình yêu lên bậc cao hơn. Nếu ta muốn sống đời đời, muốn chia sẻ sự sống kỳ diệu, vĩnh hằng của Thiên Chúa, ta hãy yêu như Người vì Người là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa [11]. Thiên Chúa là tinh thần, nên chúng ta không biết được tình yêu của Ngài cao cả, vô biên như thế nào. Nhưng khi Thiên Chúa cho Con của Ngài trở thành người, là Đức Giêsu Kitô, Ngài dạy cho chúng ta bài học tình yêu rất cụ thể. “Đây là Con ta yêu dấu, hãy vâng nghe Lời Người” [12]. Đức Giêsu dạy ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” [13].
Đức Giêsu yêu cho đến nỗi chết trên thập giá, đổ máu đào cho mọi loài thụ tạo để hoà giải chúng với Chúa Cha. Nhờ sự hoà giải của Người, mọi người mọi vật đều là anh chị em của nhau, thành chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người [14]. Vì thế, khi chúng ta yêu thương nhau một cách trọn vẹn như Người, ta sẽ cảm nghiệm được sự sống diệu kỳ, sung mãn của Thiên Chúa [15].
Như thế, những vấn nạn về tình yêu đã được giải đáp, bởi vì tình yêu là bản tính của Thiên Chúa được ban cho con người chứ không phải là những nhịp đập tự nhiên của trái tim con người. “Chúa Cha đã đổ tình yêu vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần Ngài ban cho chúng ta” [16]. Thánh Thần Tình Yêu nối kết Ngôi Cha, Ngôi Con lại với nhau thì cũng nối kết chúng ta lại với Thiên Chúa. Nhờ đó, ta mới có thể yêu một cách trong sáng và quảng đại như Chúa Giêsu.
Lời kết
Hôm nay, khi chiêm ngưỡng Thánh Tâm bị đâm thâu của Chúa Giêsu chảy ra máu và nước như suối nguồn tình yêu cho con người, chúng ta hãy cầu xin Người uốn lòng của chúng ta nên giống trái tim Chúa. Amen.
Nguồn: tgpsaigon.net