23/06/2024
670

Tin mừng: Lc 1, 57-66.80

57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em.

60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan.” 61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.”

62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gioan.” Ai nấy đều bỡ ngỡ.

64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê.

66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? “ Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

80 Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ítraen.

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thánh Gioan được sinh ra trong ơn thánh với sứ mạng loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa. Mỗi Kitô hữu cũng được sinh ra trong ơn thánh để trở nên dấu chỉ của tình yêu Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hôm nay, cả Giáo Hội mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, con cũng nghĩ đến sứ mạng con đã lãnh nhận từ ngày con được rửa tội, được trở nên một người con trong Giáo Hội, được vinh dự thông phần vào sứ mạng của Giáo Hội. Con chính là dấu chỉ của tình yêu Chúa.

Thánh Gioan đã thực hiện sứ mạng tiền hồ với những sự kiện phi thường khiến mọi người xung quanh kinh ngạc, thán phục, khiến dư luận xôn xao lan rộng. Đời con chẳng có những sự kiện phi thường. Cứ xét bề ngoài thì con cũng giống như những anh em không công giáo, chẳng có gì trổi vượt. Nhưng chính Chúa đã xếp đặt điều đó. Con vẫn là dấu chỉ của tình yêu Chúa giữa mọi người. Tình yêu Chúa luôn hiện diện khắp nơi và đang hiện diện trong chính thân phận nhỏ bé của con.

Đôi khi con lãng quên vai trò chứng nhân của mình, và khi ấy con chỉ là một dấu chỉ lu mờ của tình Chúa. Mọi người không nhận ra dấu ấn của Chúa trong cách sống của con. Khi thiếu lòng nhân ái, là lúc dấu chỉ tình yêu bị xóa nhòa. Khi con sa ngã trong tội, là lúc dấu chỉ tình yêu tắt ngấm. Bản thân con vốn yếu đuối, con để mất liên lạc với Chúa nên không thể là dấu chỉ về Chúa.

Xin Chúa giúp con luôn ý thức vai trò chứng nhân của mình. Con đã được sinh ra trong ơn thánh, được mang tên thánh, ước gì tên thánh con nhận chính là tên gọi cho cả cuộc sống của con. Amen.

Ghi nhớ: “Vợ ngươi sẽ sinh hạ cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên con trẻ là Gioan”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Suy niệm:

Khi cho một người sinh ra, Thiên Chúa đã có sẵn một sứ mạng dành cho người đó. Sứ mạng của Gioan là làm tiền hô cho Đấng Cứu Thế. Và Gioan đã làm tròn sứ mạng đó, cho nên dù chết sớm, Gioan cũng hoàn thành tốt đẹp ý nghĩa và sứ mạng của đời mình.

Còn tôi, sứ mạng của tôi là gì ? Sống bao nhiêu năm nay, tôi có nghĩ đến đều đó không ? Có quan tâm thi hành sứ mạng ấy không ? Nhà thơ Nguyễn công Trứ viết : “Đã mang tiếng sống trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. Tôi không màng đến danh, chỉ muốn chu toàn sứ mạng Chúa trao cho.

Chúng ta không tin vào quan niệm đầu thai để đi vào một định mệnh nghiệt ngã, nhưng chúng ta tin vào một sứ mệnh riêng, có tính cách mời gọi và thôi thúc mà Chúa gửi gắm cho mỗi người chúng ta.

Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì cho cậu: cắt bì là dấu chỉ từ nay đứa trẻ thuộc về Chúa và dân của Chúa. Hồi còn bé, mỗi người chúng ta cũng được lãnh nhận Phép Rửa và được dâng hiến cho Chúa, được thuộc về Giáo hội. Hôm nay suy gẫm về phép cắt bì của Thánh Gioan, chúng ta hãy nhớ lại ngày mình được dâng hiến cho Chúa và Giáo hội. Ngày ấy cha mẹ dâng hiến ta, hôm nay chúng ta hãy tự dâng hiến mình một cách ý thức và đầy lòng yêu mến.

Phải đặt tên cháu là Gioan: khi đặt tên cho con mình, bà Êlisabét và ông Dacaria đều muốn đặt tên con là Gioan. Cả hai đã chọn cho con một cái tên thật lạ trong họ hàng. Việc này cho thấy có sự can thiệp của Thiên Chúa. Gia đình Dacaria đã đón nhận sự can thiệp này trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa.

Chúa cũng can thiệp vào đời sống của tôi. Nhưng tôi đã không nhận ra ý Ngài ; hoặc tôi đã gạt Chúa ra khỏi đời mình chỉ vì ý Ngài ngược lại ý của tôi và đảo lộn cả cuộc sống của tôi.

“Ngay lúc ấy, miệng ông mở ra, ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa”: Ông Dacaria đã bị phạt câm hơn 9 tháng. Hôm nay ông mở miệng, và lời đầu tiên của ông là chúc tụng Thiên Chúa. Ông chúc tụng vì ông hết câm, vì ông được có con, nhưng cũng còn vì Chúa đã sửa dạy ông, nhờ đó hôm nay ông không còn hồ nghi Chúa nữa nhưng vững tin hơn vào quyền năng Thiên Chúa.

Noi gương ông Dacaria, con cũng dâng lời chúc tụng Chúa vì những sự việc và biến cố Chúa dùng để sửa dạy con.

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả (Lc 1, 57-66.80)

  1. Trong năm phụng vụ chỉ có ba lễ mừng Sinh nhật. Đó là giáng sinh của Đức Giêsu (25/12), sinh nhật của Đức Maria (8/9) và sinh nhật của Gioan Tẩy giả.

Như vậy, ngoại trừ Đức Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria, chỉ có thánh Gioan Tẩy giả là vị thánh được mừng vào ngày sinh nhật của mình, ngày sinh ra trong trần thế: các đấng khác đều mừng vào ngày sinh nhật trên trời, tức là ngày chết. Lễ này đã có từ thế kỷ thứ V và đặt vào ngày 24/6, có nghĩa là 6 tháng trước ngày sinh nhật của Chúa Cứu Thế. Ngoài ra ngài còn được mừng một ngày nữa vào ngày 29/8 tức là ngày ngài bị chém đầu.

  1. Nhân ngày sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả, chúng ta cùng kiểm điểm lại xem chúng ta đã làm chứng cho Chúa như thế nào.

Có người Kitô hữu nào lại không được mời gọi làm chứng cho Chúa Kitô? Và làm sao có thể làm chứng nhân cho Chúa Kitô, nếu không kiên trì sống chết cho Đấng mình rao giảng. Nếu Gioan Tẩy giả cũng như các tiên tri đã nhận một ơn gọi rõ rệt và trực tiếp của Thiên Chúa, thì mỗi người chúng ta sinh vào đời và được tái sinh làm con Thiên Chúa qua bí tích Thánh tẩy, đều có chung một ơn gọi, một sứ mạng như các ngài, là loan báo Chúa Kitô cho mọi người và dọn đường chuẩn bị cho mọi người đến với Chúa Kitô bằng một đời sống âm thầm cầu nguyện, khiêm tốn phục vụ và nhiệt thành trong hoạt động tông đồ. Chúng ta cũng cần nhớ rằng: sứ mạng tiên tri thời nào cũng thế. Đức Giêsu, vị tiên tri làm chứng cho sự thật cũng bị bắt bớ, bị hành hạ và bị đóng đanh vào thập giá. Các thánh Tử đạo cũng làm chứng cho sự thật, tiếp nối con đường Thầy mình đi, cũng gánh lấy tù tội và cái chết. Thánh Gioan Tẩy giả được sinh ra và lớn lên trong bàn tay của Thiên Chúa đã sống đúng vai trò tiên tri dọn đường cho Chúa Cứu Thế và đã chết vì chân lý.

  1. Trong vai trò làm chứng nhân cho Chúa, chúng ta phải biết quên mình để chỉ tìm vinh quang Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho anh chị em đồng loại, làm cho Chúa lớn lên trong mọi người. Tất cả mọi hoạt động của chúng ta đều phải nhằm mục đích làm chứng cho tình thương của Thiên Chúa, cho sự giải phóng của con người. Điều này có nghĩa là phải làm sao cho mỗi hành động của chúng ta làm nổi bật lên khuôn mặt của Chúa Kitô, chứ không phải tư lợi, hư danh hay uy tín của bản thân.
  2. Thi sĩ Nguyễn Công Trứ là một người có chí khí hào hùng, thúc giục thanh niên phải phấn đấu không ngừng trong cuộc sống, phải lấy cái danh làm đích để ngắm, phải tạo lấy cái danh để lại cho hậu thế, đừng để uổng phí cuộc đời mình. Chính thi sĩ đã phải vật lộn với cuộc đời mình, từ ông quan đã phải xuống làm lính, rồi phấn đấu lại trở thành ông quan, mở mang ruộng đất giúp cho dân chúng miền Kim Sơn, Tiền Hải có một đời sống ấm no. Ông đã thành công. Danh của ông đã được vinh hiển và còn lưu lại mãi nơi người dân. Ông đã khẳng định:

Đã mang tiếng sống trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông (Nguyễn Công Trứ)

Trong việc phụng sự Chúa, chúng ta không cần làm vinh danh mình mà chỉ cần làm vinh danh Chúa. Thánh Inhaxiô Loyola, ông tổ của dòng Tên, đã nêu lên một khẩu hiệu rất ý nghĩa cho các tu sĩ của Dòng mình bằng mấy chữ viết tắt: AMDG (Ad Majorem Dei Gloriam): làm cho Chúa được vinh hiển hơn.

  1. Trong khi rao giảng Chúa cho người khác, chúng ta phải giới thiệu chính Chúa cho anh chị em, chứ không phải để phô trương bản thân mình. Để được như vậy, đòi hỏi nơi chúng ta nhiều can đảm, kiên trì và hy sinh. Phải sẵn sàng sống chết cho sứ mạng đã lãnh nhận. Gioan Tẩy giả chính là gương mẫu của người làm chứng và người dọn đường cho Chúa Kitô, gương mẫu của mỗi người Kitô hữu, của toàn thể Giáo hội trong vai trò làm chứng và rao giảng Đức Kitô của mình.


Nguồn: tgpsaigon.net


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...