VÀI NGUYÊN TẮC CƠ BẢN TRONG TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO
Dẫn nhập
Chiều tối ngày 08 tháng 5 năm 2025, cả thế giới biết đến Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV. Hai hôm sau, Đức Lêô XIV gặp gỡ các Hồng y tại Phòng họp Thượng Hội đồng. Trong bài diễn văn có đoạn ngài nói: “Tôi đã chọn tước hiệu là Lêô XIV. Có nhiều lý do khác nhau cho lựa chọn này, nhưng chủ yếu là vì Đức Giáo hoàng Lêô XIII, trong Thông điệp lịch sử Rerum Novarum...”[1]. Với Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự-1891), Giáo hội đề cập đến công nghệ như là yếu tố ảnh hưởng đến các cơ cấu của xã hội, của các tầng lớp lao động. Chính ảnh hưởng này có thể phá vỡ những quy tắc của công bằng và hòa bình, bởi ai nắm được công nghệ, người ấy có thể chi phối, điều khiển nhiều người. Trong tình trạng này, Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã kêu gọi các quốc gia cần soạn thảo những điều luật và thúc đẩy một hệ thống lao động công bằng.
Với thông tin thời sự trên đây, tôi viết bài này cho chính mình và những ai đang hoặc sẽ làm truyền thông. Là người yêu thích truyền thông, tôi thường xuyên để tâm đến những hướng dẫn của Giáo hội Công giáo. Điều này giúp tôi đi đúng hướng hơn. Bài viết dưới đây có thể hơi dài nhưng giúp ích cho tôi và hy vọng giúp cho bạn nữa.
Truyền thông đang bùng nổ với mạng xã hội, công nghệ số và mới đây là trí tuệ nhân tạo (AI). Truyền thông đang tác động sâu sắc đến xã hội và giáo hội. “Giáo hội có nên tham gia làm truyền thông không?” Câu trả lời được tìm thấy trong văn kiện năm 2023 của Bộ Truyền thông: “Hướng tới sự hiện diện tròn đầy” (Suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội)[2]; trong đó tài liệu nhấn mạnh suy tư dựa trên Dụ ngôn Người Samari Nhân Lành (Lc 10,25-37) trên “không gian mạng”. Có người còn ví von rằng trên mạng xã hội có các công dân toàn cầu. Giáo hội cần hiện diện và quan tâm đến nhau trên “những xa lộ kỹ thuật số”[3]. Động thái đó đòi hỏi người làm truyền thông Công giáo lên đường loan báo Tin mừng; mời gọi người làm truyền thông sống đức tin một cách kiên định, đồng thời luôn phân định trước những luồng thông tin khác nhau.
Giữa “những cơn sóng” thông tin này, chúng ta cần tìm ra bước đi đúng đắn để loan báo Tin mừng, thông ban yêu thương và xây dựng hiệp thông. Bối cảnh mới đòi hỏi khả năng suy nghĩ chín chắn, phân định và tinh thần phản biện. Những điều này được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến nhiều lần dành cho những người làm truyền thông. Một trong những lý do ngài đưa ra trong ngày cử hành Năm thánh của giới báo chí và truyền thông ngày 25/01/2025: “Thế giới sống động – thế giới của truyền thông!”[4]
1. Nhãn quan mục vụ và thần học mới về truyền thông của Giáo hội
Giáo hội Công giáo từ lâu đã ý thức truyền thông là một phần của sứ vụ loan báo Tin mừng. Từ Vatican II (1962–65) với các văn kiện Inter Mirifica, sau đó là Huấn thị mục vụ Communio et Progressio của Bộ Truyền thông, đến các giáo huấn và sứ điệp của Giáo hoàng đều khẳng định truyền thông là “môi trường sống” của người Kitô hữu đương đại. Các sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông Xã hội gần đây tiếp tục khắc họa tầm nhìn đó. Chẳng hạn sứ điệp năm 2021 với chủ đề “Hãy đến và xem” (Ga 1,46) – “ Truyền thông bằng cách gặp gỡ những con người ở chính nơi họ đang sống và như chính họ là”, nhấn mạnh phương pháp: ra khỏi mình, đi gặp gỡ, lắng nghe thực tế và kể lại chân thực[5]. Năm 2022, chủ đề “Lắng nghe bằng trái tim” cũng đặt trọng tâm vào lắng nghe kiên nhẫn và thấu cảm như nền tảng mọi đối thoại.[6] Năm 2023, chủ đề “Nói bằng trái tim (Ep 4,15)[7] thôi thúc chúng ta truyền thông “Sự thật trong tình yêu”. Với vài chủ đề truyền thông trên này, để dễ nhớ, chúng ta có thể gọi đó là: “ngữ pháp truyền thông mới của Giáo hội”.
Các văn kiện cấp Vatican khác cũng góp phần vào nhãn quan trên. Tông huấn Fratelli tutti (của Đức Phanxicô, 2020) cảnh giác chúng ta có thể lạc lối khi: “Lòng tôn trọng tha nhân bị nghiền nát, và thậm chí chúng ta còn gạt bỏ, phớt lờ hoặc giữ khoảng cách với người khác, chúng ta chẳng thấy nhục nhã chút nào khi soi mói từng chi tiết của cuộc đời họ”.[8] Ngài kêu gọi chúng ta rèn luyện khả năng “lắng nghe”, đối thoại thực sự và kiên nhẫn như Thánh Phanxicô Assisi từng làm, để xây dựng bác ái xã hội và sự hiệp nhất.[9] Dưới nhãn quan Giáo hội, truyền thông Kitô giáo cần phản ánh “phong cách của Thiên Chúa”: truyền thông với tâm hồn và thể xác, với tâm trí, trái tim, đôi tay, với tất cả mọi thứ,[10] nhằm loan báo sự hiện diện của Thiên Chúa với thế giới.
Có thể rút ra vài góc nhìn mục vụ từ văn kiện Hướng tới sự hiện diện tròn đầy:
- Tham gia tích cực, kiên nhẫn và tôn trọng con người: Truyền thông không chỉ đơn thuần là công cụ lan tỏa tin tức, mà là diễn tả một lối sống: “Trung thành với truyền thống Kitô giáo. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. (…) Các Kitô hữu chúng ta nên thể hiện sự sẵn sàng lắng nghe và phân định trước khi hành động, đối xử với mọi người trong lòng tôn trọng, trả lời bằng một câu hỏi hơn là phán xét, giữ im lặng hơn là chọc khuấy tranh cãi, và mau nghe, chậm nói, chậm giận”[11].
- Chân thành và hoán cải: Người làm truyền thông được mời gọi thể hiện sự thật không chỉ bằng lời nói mà bằng toàn bộ đời sống. Đức Phanxicô chia sẻ trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng với người giảng thuyết, (có lẽ cũng phù hợp với người làm truyền thông): “Người giảng thuyết “trước hết phải phát triển một sự thân mật sâu xa với Lời Chúa. Hiểu biết các khía cạnh ngôn ngữ hay chú giải chắc chắn là cần nhưng không đủ. Họ cần đến với Lời Chúa bằng một con tim ngoan ngoãn và cầu nguyện, để Lời thấm sâu vào các tư tưởng và tình cảm của họ và tạo một cái nhìn mới nơi họ”.[12]
- Phong cách Tin mừng trong truyền thông: Phải lan tỏa tình yêu thương, công bằng và liên đới. Tư tưởng “nói sự thật trong yêu thương” và Fratelli tutti nhấn mạnh rằng thông điệp chúng ta chỉ có thể truyền thông tốt nếu chúng ta “thực sự yêu thương”[13].
- Kiến tạo hiệp thông: Các văn kiện cổ vũ làm việc chung như “đan kết sự hiệp thông”. Ví dụ, văn kiện Hướng tới sự hiện diện tròn đầy viết: “Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi “từng hai người một” (x. Mc 6,7), để bằng cách bước đi với nhau, chúng ta có thể cho thấy khuôn mặt hiệp hành của Giáo hội cả trên phương tiện truyền thông xã hội.”[14] Tôi thích điều này vì truyền thông là cách cộng tác, không chạy theo thành tích cá nhân.
2. Cơ hội và nguy cơ trong môi trường truyền thông hiện đại
Truyền thông không phải là con dao hai lưỡi. Tôi thích kiểu nói: đây là hai mặt của bức tranh có ánh sáng và bóng tối. Tùy tôi chọn mặt sáng để làm truyền thông hay ngược lại. Mặt sáng là cơ hội, mặt tối là những thách đố hay nguy cơ. Tôi xin đưa ra bảng tương ứng sau:
a) Cơ hội
- Kết nối toàn cầu: Mạng xã hội, Internet… phá bỏ biên giới địa lý, giúp Tin mừng đến với nhiều người và cộng đồng xa lạ dễ dàng hơn. Sứ điệp Công giáo có thể được chia sẻ khắp nơi, và ngược lại Giáo hội được nghe tiếng của mọi tín hữu. Văn kiện Hướng tới sự hiện diện tròn đầy nhắc rằng nhiều người trẻ “đòi gặp gỡ” trên mạng xã hội vì không gian số đã trở thành một phần quan trọng của bản sắc họ.
- Diễn đàn phong phú: Sự đa dạng của phương tiện (báo chí, truyền hình, điện ảnh, podcast, trò chơi, mạng xã hội) cho phép người truyền thông chọn ngôn ngữ và hình thức phù hợp để chuyển tải Tin Mừng. Giáo dân, giáo sư, linh mục và tu sĩ, bất kỳ ai cũng có thể tạo ra nội dung sáng tạo (video, bài viết, mạng xã hội, bài giảng trực tuyến, nhóm trò chuyện) để “kể những câu chuyện Tin mừng” .
- Tương tác và chứng nhân: Nhiều người dám công khai chia sẻ đức tin cá nhân trên mạng, từ linh mục livestream Thánh lễ đến giáo dân làm vlog chứng tá đức tin. Có lẽ chứng nhân là “người có ảnh hưởng nhất của Kitô giáo” bởi chính sự hy sinh và chứng tá của họ cho thấy tình yêu Thiên Chúa. Cũng trong môi trường số (lời nói và hành động), đều phải mang dấu ấn của chứng nhân[15].
- Tạo cộng đoàn yêu thương: Qua các nền tảng giao lưu, tin cậy, Hội Thánh có thể xây dựng mạng lưới liên đới. Ví dụ, các phong trào Công giáo hay nhóm từ thiện dùng kêu gọi quyên góp cho người nghèo, các dự án giáo dục tin học cho vùng sâu, đều là chia sẻ đức tin bằng hành động cụ thể. Văn kiện Hướng tới sự hiện diện tròn đầy kêu gọi trở thành “những người đan kết sự hiệp thông”, chia sẻ khả năng và kiến thức để tạo ước mơ chung.
b) Nguy cơ
- Thông tin giả mạo và định kiến: “Fake news” (tin giả), dư luận xấu, thông điệp thù hận phát tán nhanh chóng trên mạng xã hội. Thông điệp Fratelli tutti mô tả các “ảo tưởng truyền thông” trong mạng xã hội dễ lan truyền tin sai, kích động ác cảm và thù ghét. Cụ thể: “Truyền thông kỹ thuật số cũng có thể đẩy người dân vào nguy cơ nghiện ngập, cô lập và mất dần kết nối với thực tại cụ thể, ngăn trở sự thăng tiến của các mối tương quan chân chính giữa con người với nhau”[16]. Nếu thể, đây là một thất bại lớn đối với nhiệm vụ hiệp nhất của truyền thông.
- Cá nhân hóa quá mức: Truyền thông số cho phép “nuôi dưỡng cái tôi” bằng cách chúng ta có thể “xóa” hay tắt những nội dung trái ý, chỉ theo dõi kênh mà mình thích. Chúng ta có xu hướng loại bỏ tất cả những gì chúng ta không quen hoặc không muốn nghe. Quá trình này tạo ra “bong bóng thuật toán” (filter bubble): Môi trường mỗi người nhìn thấy rất khác nhau, làm mất khả năng hiểu nhau. Theo đó, tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy cũng nhắc tới việc “các thuật toán đằng sau các nền tảng trực tuyến và các công cụ tìm kiếm có xu hướng tập hợp những người “giống nhau” lại với nhau, kết nhóm họ lại và thu hút sự chú ý của họ để giữ chân họ. Do đó, các nền tảng mạng xã hội có nguy cơ làm cho người dùng không thực sự gặp được những người ‘khác’ với mình”[17].
- Sự tách rời và cô lập: Nhiều nghiên cứu cho thấy lạm dụng mạng xã hội có thể gây nghiện, làm suy giảm khả năng giao tiếp trực tiếp. Nhóm bạn trẻ có thể dễ dàng nhắn tin qua mạng, nhưng khi ngồi lại rất khó chuyện trò! Chúng ta cần “nền văn hóa gặp gỡ”! Thông điệp Fratelli tutti nhấn mạnh: “Cô lập và thu mình vào tư lợi sẽ chẳng bao giờ là cách thức để khôi phục lại niềm hy vọng, cũng như dẫn đưa tới sự canh tân đâu. Đúng hơn, đó là sự gần gũi; văn hoá của gặp gỡ. Hãy nói ‘không’ với thái độ cô lập, thưa ‘vâng’ với sự gần gũi. Nói ‘không’ với xung đột văn hoá; nhưng thưa ‘vâng’ với văn hoá gặp gỡ”[18].
- Bội thực thông tin: Với cú click, ta có thể có hàng triệu kết quả. Thực tế là sự dồi dào này không tỷ lệ thuận với sự hiểu biết. Thông điệp Fratelli tutti gọi đó là: “Thông tin thiếu khôn ngoan cảnh tỉnh”. Tài liệu cảnh giác: “Khi thinh lặng và thận trọng lắng nghe khuất dạng, thay thế bằng sự mê mẩn nhắn tin, thì cấu trúc căn bản này của truyền thông nhân bản khôn ngoan gặp rủi ro”[19]. Con người dễ trở nên lơ là, thiếu kiên nhẫn suy tư, đánh mất chiều sâu thiêng liêng và sự thật nội tâm. Điều này đáng báo động, đặc biệt nơi người trẻ!
c) Cơ hội hay nguy cơ?
Tôi xin đưa phần trí tuệ nhân tạo (AI) nằm ở giữa cơ hội và thách thức, vì tôi chưa biết nhiều về AI. Thực tế mấy năm nay cho thấy AI đang trao cho con người cơ hội vàng, hoặc có khi lại là thảm họa khủng khiếp? Thông điệp Ngày Truyền thông 2024 cảnh báo nguy cơ “xa cách con người” của công nghệ, nhắc nhở ta phải khởi đầu bằng “lòng người”.[20] Tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy cũng ghi nhận: “Trong khi truyền thông ngày càng bị ảnh hưởng bởi trí tuệ nhân tạo, thì chính ở đó nảy sinh nhu cầu khám phá lại sự gặp gỡ giữa người với người tại cốt lõi của nó.”[21] Nếu không biết phân định, người làm truyền thông đức tin có thể trở thành vô cảm, đánh mất dấu ấn nhân bản thánh thiêng.
Tóm lại, vì có nhiều cơ hội nên người làm truyền thông can đảm dấn thân trong sứ mạng truyền thông; vì lợi ích các linh hồn, chúng ta cần luôn tỉnh táo trước các nguy cơ sai lầm. Dẫu sao đây là điều cần thiết: kết nối, lan tỏa và chia sẻ kinh nghiệm đức tin, sắc bén trong phân định, để không bị ngộ nhận hay lầm lạc.
3. Trách nhiệm truyền thông
Sự thật, yêu thương và hiệp thông luôn là những nguyên tắc cốt lõi của truyền thông Kitô giáo. Người kể chuyện Tin mừng không chỉ đưa tin mà còn phải loan báo Tin mừng bằng tình yêu. Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông 2023 ghi rõ: “Nói theo chân lý trong yêu thương”[22]. Lời Chúa dạy chúng ta: “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình.” (Lc 6,45). Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh: “Chúa Kitô mời gọi chúng ta không sợ rao giảng chân lý, nhưng hãy làm điều đó trong tình yêu thương”[23]. Những điều này nghĩa là gì?
- Phát ngôn yêu thương: Cách nói, giọng điệu, thái độ trong truyền thông rất quan trọng. Giao tiếp chân tình phải diễn ra trong “cách cư xử nhân hậu và tôn trọng tự do người nghe”.[24] Mọi thông điệp, dù đó là sự thật nghiêm khắc, cũng cần được trình bày bằng giọng điệu dịu dàng, bao dung, khuyến khích chứ không hạ nhục hay trấn áp. Tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy nhắc lại lời thánh Phanxicô Salêsiô: “Để nói hay, chỉ cần yêu thương là đủ”[25].
- Thông tin chân thật: Sự thật phải đặt lên hàng đầu, nhưng sự thật ấy luôn phải phục vụ con người. Đức Phanxicô luôn nhắc người làm truyền thông: “Tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành nhân chứng của sự thật: đi, xem và chia sẻ.”[26] Người làm truyền thông phải tự hỏi bản thân: Thông điệp mình truyền có đúng sự thật không, có giúp người khác gần Chúa hơn không? Và ngay cả đời sống cá nhân của mình cũng phải minh bạch, phản chiếu sự thật ấy. Đây là thách đố không nhỏ đối với những ai tham gia truyền thông.
- Hiệp thông cộng đồng: Truyền thông Kitô giáo không phân tán mà phải gắn kết cộng đoàn. Như tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy chỉ ra, Chúa Giêsu sai môn đệ đi từng cặp (Mc 6,7) để thể hiện “bộ mặt hiệp hành” của Giáo hội, ngay cả trên mạng.[27] Trong hành động cũng như ngôn từ, người Công giáo cần khuyến khích tinh thần hiệp thông toàn cầu: chia sẻ công việc, chia sẻ thành quả để “dệt nên” sự hiệp nhất.
- Tôn trọng phẩm giá con người: Trong mọi nền tảng, người thông tin cần nhớ lời Chúa Giêsu: mỗi người đều là con cái Thiên Chúa và được yêu thương. Chính vì vậy, phương pháp “tiến và gặp gỡ người ta như họ là”[28] đòi hỏi tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta phải bảo vệ danh dự và tự do người khác, không bôi xấu hay lợi dụng họ để thu hút khán giả. Thay vào đó, nâng đỡ người yếu, cho tiếng nói của người nghèo được lên tiếng.[29] Đây là nét rất đẹp của truyền thông Công giáo!
Tóm lại, trang bị kỹ năng công nghệ chỉ là điều kiện cần; còn điều kiện đủ là một trái tim Kitô hữu: sẵn sàng phục vụ, hy sinh và thánh thiện. Chỉ có gắn bó với Chúa, sống đời cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và tâm thế sống tinh thần Tin mừng thì lời truyền thông mới mang sức sống thiêng liêng.
4. Vài cách để hoàn thành trách nhiệm
Xin người làm truyền thông Công giáo đừng nhụt chí với những trách nhiệm trên đây. Truyền thông không chỉ là một nghề mà là sứ vụ thừa sai. Họ được kêu gọi vừa là chuyên gia kỹ thuật (cứng hoặc mềm) vừa là chứng nhân Tin mừng.
Thứ nhất, về đời sống thiêng liêng. Phải là người cầu nguyện kiên trì, như thư của thánh Giacôbê dạy: “Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói và khoan giận” (Gc 1,19). Việc giao tiếp cần khởi đi từ cầu nguyện và thinh lặng. Tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy khuyên rằng mọi quyết định chia sẻ trên mạng xã hội phải được “xem xét trong lời cầu nguyện”, thậm chí xét đến câu hỏi: “Ai là người lân cận của tôi”; để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong từng đối tượng tiếp xúc.[30] Người làm truyền thông cần thường xuyên tự vấn lương tâm: Liệu công việc và đời sống của mình có nhất quán với Tin mừng không? (Cũng đừng quá cầu toàn, đến nỗi chẳng dám làm gì!).
Thứ hai, yêu tha nhân với lòng quảng đại. Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyến khích các nhà báo, truyền thông Công giáo trở thành “những người truyền thông của hy vọng” (communicator of hope)[31]. Điều này có nghĩa là mang đến thông điệp khích lệ, đầy lòng tin vào Thiên Chúa, lan toả thiện chí và lòng tốt. Trong từng bài viết, từng lời nói, cần thể hiện ba thái độ căn bản mà Đức Giáo hoàng chỉ ra: “Sự gần gũi, lòng thương xót và sự hiền hậu” của Thiên Chúa.[32]
Thứ ba, can đảm và trung thực. Là môn đệ Chúa Giêsu, người làm truyền thông phải dám nói và sống thật. Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng khi lên án bất công, đừng chỉ nói thật mà còn phải làm thật. Họ phải sẵn lòng lên tiếng chống lại cái ác, dù chịu gièm pha nhưng vẫn phải giữ giọng điệu tích cực và tôn trọng. Như ngài nói, “chịu thua thiệt” trong giao tiếp miễn là lan tỏa được Tin mừng bằng sự khiêm nhường và hy sinh (hy sinh “tự bản thân mình” làm nhà tử đạo trong cánh đồng truyền giáo)[33].
Thứ tư, cởi mở học hỏi và phân định. Truyền thông thường thay đổi “theo ngày”! Người làm truyền thông phải liên tục học hỏi, cập nhật, nhưng cũng phải khôn ngoan phân định. Tài liệu Hướng tới sự hiện diện tròn đầy ví việc giao tiếp tốt như một “tập luyện thận trọng, kèm theo cầu nguyện”[34]. Người truyền thông cần tìm khoảng lặng trong môi trường xô bồ, biết “cái gì nên nói và nên làm khi nào” qua ánh sáng Tin Mừng. Như tài liệu khuyên: trước khi đăng tải, hãy dừng lại một chút, “chậm giọng, lắng nghe, kiên nhẫn” để mọi lời nói mang dấu tích hiệp thông.
Sau cùng, tinh thần hiệp hành: Xin đừng trở thành “người ảnh hưởng - influencer” đơn lẻ. Chúng ta là những môn đệ của Chúa, là một thành phần của cộng đoàn Giáo hội. Do đó, các nhà truyền thông Công giáo cần liên kết với nhau, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, đồng thời kết nối với mục tử và giáo dân trong giáo phận. Mỗi bản tin, bài viết, hay chương trình truyền thông cần được kiểm chứng và cân nhắc trong môi trường huynh đệ, không đơn độc quyết định.
Các đặc điểm trên bắt nguồn từ tinh thần“môn đệ thừa sai” mà Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi. Như ngài đã nói trong Năm thánh 2025: “Chúng ta không có mặt trên mạng xã hội để “bán sản phẩm”. Chúng ta không quảng cáo, nhưng chuyển thông sự sống, là sự sống đã được ban cho chúng ta trong Chúa Kitô. Vì vậy, mọi Kitô hữu phải cẩn thận để không chiêu dụ, nhưng là làm chứng.”[35]
Kết luận
Có lẽ tôi đã viết quá dài. Để vắn tắt, người làm truyền thông Công giáo (như tôi) cần trang bị cho mình cả hai kỹ năng: khéo léo nắm bắt phương tiện và công nghệ, đồng thời giữ vững đời sống đức tin. Nhiệm vụ của họ là kể lại các câu chuyện Tin mừng, “câu chuyện xây dựng, chứ không phá hoại”[36], bằng tấm lòng đầy yêu thương và chân lý. Ước gì mọi hành vi truyền thông của chúng ta đều xuất phát từ con tim, trí óc khôn ngoan và đều phải mang dấu ấn của chứng nhân Kitô giáo.
Sau cùng, tuy phương tiện truyền thông có thay đổi, thông điệp yêu thương và sự thật của Tin mừng luôn bất biến. Trách nhiệm của người truyền thông Công giáo là làm cho thông điệp đó lan toả, giúp cho con người hôm nay thực sự trở nên con cái Chúa hơn, nhờ ơn thánh Chúa, để mọi người được đón nhận ân phúc với niềm tin và sự hiệp thông trong cùng một đức tin vào Chúa Phục Sinh.
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
-------
[1] Đức Lêô XIV, Diễn văn cho Hồng y đoàn, ngày 10/5/2025, https://www.vatican.va/content/leo-xiv/en/speeches/2025/may/documents/20250510-collegio-cardinalizio.html
[2] Bộ Truyền thông, Hướng tới sự hiện diện tròn đầy - Suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội. Bản Tiếng Việt: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-truyen-thong-tai-lieu-suy-tu-muc-vu-ve-viec-tham-gia-mang-xa-hoi-51105
[3] Như trên
[4] Đức Phanxicô, Diễn văn trong ngày cử hành Năm thánh của giới báo chí và truyền thông, ngày 25/01/2025, To Journalists and Communicators participating in the Jubilee of Communication (25 January 2025) | Francis.
[5] Đức Phanxicô, Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 55 năm 2021 – Hãy đến và xem, Phần đầu, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-cho-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-nam-2021-41392
[6] Đức Phanxicô, Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 56 năm 2022 – Lắng nghe bằng trái tim, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-cho-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-nam-2022-44522
[7] Đức Phanxicô, Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57 năm 2023 – Nói bằng trái tim, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-giao-hoang-phanxico-nhan-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-57-50274
[8] Đức Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti, số 42, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-fratelli-tutti-ve-tinh-huynh-de-va-tinh-bang-huu-xa-hoi-41849
[9] Như trên, số 47
[10] Bộ Truyền thông, Hướng tới sự hiện diện tròn đầy - Suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội, số 64, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-truyen-thong-tai-lieu-suy-tu-muc-vu-ve-viec-tham-gia-mang-xa-hoi-51105.
[11] Như trên, số 42.
[12] Đức Phanxicô, Diễn văn trong ngày cử hành Năm thánh của giới báo chí và truyền thông, ngày 25/01/2025, To Journalists and Communicators participating in the Jubilee of Communication (25 January 2025) | Francis
[13] Bộ Truyền thông, Hướng tới sự hiện diện tròn đầy - Suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội, số 65, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-truyen-thong-tai-lieu-suy-tu-muc-vu-ve-viec-tham-gia-mang-xa-hoi-51105
[14] Như trên, số 76.
[15] Bộ Truyền thông, Hướng tới sự hiện diện tròn đầy - Suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội, số 77-78, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-truyen-thong-tai-lieu-suy-tu-muc-vu-ve-viec-tham-gia-mang-xa-hoi-51105
[16] Thông điệp Fratelli tutti số 42-43, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-fratelli-tutti-ve-tinh-huynh-de-va-tinh-bang-huu-xa-hoi-41849
[17] Bộ Truyền thông, Hướng tới sự hiện diện tròn đầy - Suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội, số 15, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-truyen-thong-tai-lieu-suy-tu-muc-vu-ve-viec-tham-gia-mang-xa-hoi-51105
[18] Đức Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti số 30, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-fratelli-tutti-ve-tinh-huynh-de-va-tinh-bang-huu-xa-hoi-41849
[19] Như trên, số 49
[20] Đức Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 58 năm 2024 - Trí tuệ nhân tạo và sự khôn ngoan của con tim, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-58-nam-2024-tri-tue-nhan-tao-va-su-khon-ngoan-cua-con-tim-54360
[21] Bộ Truyền thông, Hướng tới sự hiện diện tròn đầy - Suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội, số 1, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-truyen-thong-tai-lieu-suy-tu-muc-vu-ve-viec-tham-gia-mang-xa-hoi-51105
[22] Đức Phanxicô, Sứ điệp ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 56 – Lắng nghe bằng trái tim, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-cho-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-nam-2022-44522
[23] Sứ điệp ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 56 – Lắng nghe bằng trái tim, đoạn đầu, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-cho-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-nam-2022-44522
[24] Như trên
[25] Bộ Truyền thông, Hướng tới sự hiện diện tròn đầy - Suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội, số 65, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-truyen-thong-tai-lieu-suy-tu-muc-vu-ve-viec-tham-gia-mang-xa-hoi-51105.
[26] X. Đức Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 55 năm 2021 - Hãy đến mà xem, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-cho-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-nam-2021-41392
[27] Bộ Truyền thông, Hướng tới sự hiện diện tròn đầy - Suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội, số 76, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-truyen-thong-tai-lieu-suy-tu-muc-vu-ve-viec-tham-gia-mang-xa-hoi-51105
[28] Đức Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 55 năm 2021 - Hãy đến mà xem, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-cho-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-nam-2021-41392, (đoạn đầu tiên)
[29] Bộ Truyền thông, Hướng tới sự hiện diện tròn đầy - Suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội, số 2, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-truyen-thong-tai-lieu-suy-tu-muc-vu-ve-viec-tham-gia-mang-xa-hoi-51105
[30] Như trên, số 41.
[31] Caroline Kurt, What Francis’s Address to Journalists Offers the Laity, https://www.wordonfire.org/articles/what-franciss-address-to-journalists-offers-the-laity/
[32] Bộ Truyền thông, Hướng tới sự hiện diện tròn đầy - Suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội, số 65, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bo-truyen-thong-tai-lieu-suy-tu-muc-vu-ve-viec-tham-gia-mang-xa-hoi-51105
[33] Như trên, số 78
[34] Như trên, số 41
[35] Như trên, số 77.
[36] Đức Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 54 năm 2020 - Cuộc sống trở thành câu chuyện, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/toan-van-su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-2020-39068 (phần mở đầu)