LỜI CHỦ CHĂN

Tâm tình mục tử tháng 5 năm 2025 : Mùa Chay dạy ta khám phá mầu nhiệm Nhập thể của Con Một Chúa : Linh mục: Hiện Thân Chúa Kitô, ‘in Persona Christi’

May 05 2025
115
Lắng nghe tâm tình mục tử của Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân

Tâm tình mục tử tháng 5 năm 2025

Mùa Chay dạy ta khám phá mầu nhiệm Nhập thể của Con Một Chúa

Linh mục: Hiện Thân Chúa Kitô, ‘in Persona Christi’

 

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,

Xin gởi đến cả nhà những lời chia sẻ ngày thứ Năm Thánh với tình mến thương huynh đệ… Càng tiến gần đại lễ Vượt Qua, Phụng vụ Lời càng làm sáng tỏ lý do Chúa chúng ta bị kết án bất công khổ nhục: Công nghị Do thái không lĩnh hội nổi ‘mầu nhiệm Nhập Thể’ của Chúa Giêsu: Trước một Giêsu, người như mọi người, công nghị không lĩnh hội được một Giêsu, Con Thiên Chúa

Mùa chay có một thời gian, bốn mươi ngày, với rất nhiều ý nghĩa xuyên qua lịch sử cứu độ. Mùa chay đưa vào một không gian, nơi thanh tịnh, môi sinh gặp gỡ của mầu nhiệm siêu việt: ‘Ta sẽ đưa người ta yêu vào nơi thanh tịnh để lòng kể bên lòng ta tâm sự’. Mùa chay dẫn lên đỉnh cao Tuần Thánh, Giáo hội cử hành những mầu nhiệm mà Chúa Kitô hoàn tất vào những ngày cuối cùng Người ở trần gian. Và hôm nay là thứ Năm Thánh…

Theo truyền thống lâu đời, Thánh Lễ ban sáng hôm nay Giáo hội đặc biệt hướng về các linh mục. Sum họp quanh bàn tiệc Thánh Thể, các linh mục sẽ tuyên lại lời thề hứa ngày thụ phong, gắn bó hơn với Chúa Giêsu, theo gương vị thủ lãnh và mục tử Giêsu, chăm chuyên phục vụ Lời và cử hành các Bí tích, vâng phục Thánh ý Chúa qua Giám mục Giáo phận. Phụng vụ hôm nay còn làm nổi bật sự cao quý của Dầu Thánh, và sẽ được trao vào tay các linh mục là chất liệu cử hành các Bí tích cứu chuộc.

Trong ý nghĩa sâu xa của ngày thứ Năm Thánh, mỗi linh mục cần hội nhập niềm xác tín ân huệ mình đã lãnh nhận là được phúc thi hành ân huệ ấy với tư cách, phàm nhân không thể mơ tưởng tới, hiện thân Chúa Kitô, ‘in persona Christi’.

Một

Chúng ta vừa chăm chú lắng nghe Lời, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Thánh sử Luca kể lại uy tín của Chúa Giêsu ngay từ đầu sứ vụ tại Galilê, trong quyền năng của Thần Thần, được mọi người ca tụng. Thánh sử làm nổi bật ‘Giêsu, Lời Tin Mừng’, khi tường thuật ‘Lời’: ‘Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Người đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng ‘Tin Mừng’. Để thấy được tầm vóc sứ điệp, phải đặt chữ ‘Tin Mừng’ về nguyên thủy, Isaia hô lên cho dân, vào thế kỷ thứ sáu, bị lưu đầy tha phương và phải đặt chữ ‘Tin Mừng’ Chúa Giêsu công bố ‘hôm nay ứng nghiệm’, vào nỗi đắng cay tăm tối của toàn nhân loại mọi thời mọi nơi. Liền sau đó, Luca xoay ống kính vào ‘người trong hội đường’, mọi con mắt ‘đều chăm chú nhìn Người’.

Suốt những tháng năm dong duổi khắp ba miền Galilê, Samari, Giuđê của Chúa Giêsu, cứ mỗi lần thành phần nào trong cộng đồng tiếp xúc Chúa Giêsu đều gặp ‘cái thấy được’, đồng thời cũng trực giác ‘cái không thấy được’. Người ta nhận ra một con người thân thiện tỏ tường đây, đồng thời cũng cảm nhận một hiện hữu bên trong rất ‘bao la’. Một trực giác mầu nhiệm nhập thể.

Tại quê hương Nazareth, dân làng nói: ‘Không phải ông ấy là con bác Giuse sao?’, đồng thời ‘thán phục các lời về ân sủng’… Càng tiến đến ‘giờ’ của Chúa, các tình huống sự kiện càng đan xen đa diện đa dạng, càng cho thấy cấu trúc ‘cái thấy được’ song song với ‘cái không thấy được’ của mầu nhiệm nhập thể, tạo nên các nghi vấn càng quyết liệt.

Khi Chúa Giêsu chữa lành người bị quỉ ám, người ta chỉ nghĩ ‘Ông ta nhờ Bêelzebul, tướng quỉ mà trừ quỉ’. Khi Chúa uốn nắn tinh thần vâng giữ ngày hưu lễ và để chứng tỏ quyền năng chữa lành tội lỗi, Chúa truyền cho người bị bất toại và cho người tật nguyền đã nằm chờ ba mươi tám năm: ‘Hãy trỗi dậy, vác lấy mền chõng mà đi’, thì người ‘Do thái’ cố tìm cách giết Ngài.

Thật cảm động, ‘các người thu thuế cùng những kẻ tội lỗi, hết thảy thường lui tới bên Ngài để nghe Ngài, thì Biệt phái lại kêu trách: ‘Ông ấy tiếp đón quân tội lỗi và cùng ăn với chúng’. Người ta không  nghiệm ra sức cuốn hút ấn tượng từ Chúa dành cho Matthêu đến nỗi ông dứng phắt dậy, đổi đời đi theo Ngài. Người ta cũng không nghiệm ra cái ‘hôm nay nhà này được cứu’, Chúa dành cho Giakêu và gia đình ông.

Trong dân văng vẳng lời bình luận: ‘Hẳn thật Ngài là Đấng Tiên Tri… Ngài là Đức Kitô… Không biết khi Đức Kitô đến, Ngài sẽ làm nhiều phép lạ hơn ông này làm không? Thủ hạ của Thượng tế và Biệt phái được sai đi bắt Ngài, lại trở về tay không và nói: ‘Không bao giờ đã có ai nói năng như ông ấy’. Tuy nhiên, lại có dư luận lý luận: ‘Dễ chừng Đức Kitô đến từ Galilê sao? Kinh Thánh lại đã không nói Đức Kitô thuộc dòng giống Đavit và đến từ Bêlem, làng quê Đavit sao?’… Ông này chúng ta biết từ đâu ra, còn Đức Kitô, khi Ngài đến, thì nào ai biết được do lai của Ngài’.

Thực sự ‘nhân loại’ chưa bước vào được ‘mầu nhiệm nhập thể’ của ‘Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng tôi’. Người ta thấy ‘xác phàm’ mà không nhận thức được ‘Lời’, thấy tính tại thế mà không nghiệm được tính Thiên Chúa của Lời. Chúa Giêsu đã mạc khải tính siêu việt, Thiên Chúa, bằng ‘Lời’: ‘Ta không chỉ một mình, nhưng có Ta và Đấng đã sai Ta, Cha, Đấng đã sai Ta… Đấng đã sai Ta là Đấng chân thật, các ngươi lại không biết Người. Còn Ta, Ta biết Người: bởi vì Ta từ Người mà đến, Chính Người đã sai Ta’. Chúa Giêsu còn mạc khải tính siêu việt, Thiên Chúa, bằng ‘chính các việc Ta làm đó chứng thực cho Ta là Cha đã sai Ta’.

Lòng dạ người ‘Do thái’ không vươn lên được vì như Chúa Giêsu nhận xét: ‘Các ngươi không yêu mến Thiên Chúa’. ‘Các ngươi cầu vinh với nhau, còn vinh quang do Thiên Chúa, Đấng độc nhất, các ngươi lại không màng’… ‘Các ngươi thuộc bên dưới… thuộc thế gian này’. Do đó, thời điểm quyết liệt , ‘giờ’ đã đến, khi những người chứng kiến Chúa Giêsu truyền cho ông Lazarô, đã được mai táng bốn ngày sống lại ra khỏi mồ, thì Thượng tế và Biệt phái triệu tập công nghị: ‘Ta phải làm gì? Vì con người ấy làm nhiều sự lạ…’ Vậy từ ngày ấy, họ đã quyết nghị là phải giết Ngài’… Để cuối cùng, đây là lý do Chúa Giêsu bị kết án tử, trước một Giêsu, người như mọi người, công nghị không lĩnh hội được một Giêsu, Con Thiên Chúa Thượng tế hỏi: ‘Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi thỉnh cầu ông nói cho chúng tôi biết: Ông là Đức Kitô Con Thiên Chúa phải không? Đức Giêsu đáp: ‘Ông nói đó. Song tôi, tôi bảo các ông: từ nay các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Quyền năng và đến trên mây trời’. Bấy giờ Thượng tế xé toạc áo mình ra mà rằng: ‘Y đã phạm thượng. Nào ta còn cần gì đến nhân chứng nữa!... Nó can án chết’ (Mt 26:63-66).

Riêng cộng đoàn Tông đồ, Chúa Giêsu ưu ái ban ơn chiêm nghiệm ra mầu nhiệm nhập thể: ‘Ta còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng hiện giờ các con không mang nổi… Khi Đấng Bàu chữa đến, Đấng Ta sẽ gởi đến từ nơi Cha, Thánh Thần sự thật, từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta. Và các con cũng làm chứng, vì từ ban đầu các con hằng ở với Ta’. Đây là gốc niềm xác tín ‘Tông đồ’: ‘Thánh Thần và chúng tôi làm chứng’…

Thánh Thần và chúng tôi làm chứng: ‘Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng tôi, và chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Ngài, vinh quang của Con Một tự nơi Cha, tràn đầy ơn nghĩa và sự thật… Thiên Chúa, không ai đã thấy bao giờ. Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha, chính Ngài đã thông tri’.

Nhóm Mười hai, cộng đoàn Tông đồ và Giáo hội tiên khởi tìm được khuôn mẫu mở ra và đưa vào mầu nhiệm nhập thể kỳ vĩ này qua tâm hồn và cuộc đời của Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse. Thánh Cả từng băn khoăn trước phần ‘mầu nhiệm’ vượt sức hiểu. Mẹ Maria cũng xao xuyến hỏi: ‘Điều ấy sẽ làm sao được? Vì việc phu thê tôi không nghĩ đến’. Tâm hồn Thánh Cả mẫn cảm trước tiếng Chúa và thực hiện ngay, dù giữa ban đêm. Mẹ Maria khiêm nhường đáp Thánh ý Chúa: ‘Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi như lời Ngài’. Mẹ đã đi vào mầu nhiệm nhập thể của ‘Lời đã thành xác phàm’ từ giây phút đầu, đã theo trọn khám phá mầu nhiệm nhập thể đến tận đỉnh Calvê: Con Một tự nơi Cha đã chết trong Nhân tính và cùng các Tông đồ đã ‘rờ đến về Lời sự sống’, Thiên Tính hằng hữu của Chúa Giêsu, đã biểu lộ bằng cuộc phục sinh vinh quang vô tiền khoáng hậu.

Hai

Hôm nay, lễ Truyền Dầu. Dầu Thánh mang ý nghĩa đặc biệt cho từng Kitô hữu, nhất là các linh mục. Mở lại lịch sử cứu độ, ý nghĩa của dầu hết sức phong phú.

Dân xưa đã dùng dầu làm dấu chỉ niềm vui. Sự việc xức dầu diễn tả niềm vui dân Israel trẩy hội về Giêrusalem trong các đại lễ, nhất là nói lên niềm an ủi dành cho dân Sion sầu khổ thời lưu đầy. ‘Dầu hoan lạc’ diễn tả niềm vui bữa tiệc cánh chung: ‘Trên núi này Người sẽ vùi đi khăn liệm phủ khắp muôn dân… Tử thần Người sẽ vùi đi mãi mãi’ (Is 25: 7.8). Chúa Giêsu đã dạy khi giữ chay hãy xức dầu thơm như đang hưởng niềm vui dự tiệc để tránh khoe khoang sự chay tịnh.

Xức dầu cho khách đến nhà chỉ sự trân trọng. Tin Mừng tường thuật một phụ nữ khét tiếng tội lỗi đến nhà ông Simon Biệt phái, khi đó Chúa là khách mời, mà chủ nhà không xức dầu trên đầu Chúa, còn chị ấy đã xức dầu chân Chúa (Lc 7: 38-46). Một phụ nữ thứ hai, Maria, chị của Lazarô, hôm trước khi Chúa vào thành Giêrusalem, đã dùng dầu thơm hảo hạng xức chân Chúa và lấy tóc mình mà lau chân Người, biểu lộ lòng trân trong mến yêu. Giuđa chỉ trích chị phí phạm, nhưng Chúa biện hộ chị rằng chị làm cử chỉ báo trước việc liệm thi thể Chúa sau cái chết thập giá.

Dầu còn được dùng chữa lành như người Samari nhân hậu săn sóc nạn nhận bị cướp bóc giữa đường. Dầu còn được dùng xức những người bệnh phong đã được chữa lành trong nghi lễ thanh tẩy. Các Tông đồ được sai đi loan Tin Mừng, đã xức dầu những người tật nguyền và chữa lành họ. Thư Thánh Giacôbê chỉ thị các tư tế nhân danh Chúa xức dầu bệnh nhân: ‘Lời nguyện cầu của lòng tin sẽ cứu chữa bệnh nhân, Chúa sẽ đỡ nâng người ấy và nếu người ấy phạm tội thì sẽ được thứ tha’. Như vậy, dầu xức ‘nhân danh Chúa’ đưa bệnh nhân tham dự trước vào chiến thắng của Chúa trên tội lỗi và sự chết, đưa vào sự khải hoàn của Nước Chúa.

Dầu mang ý nghĩa đặc trưng dùng trong nghi lễ hiến thánh. Chỉ có những Người của Chúa, Tiên tri hay Tư tế mới có quyền xức dầu. Saolê và Đavit được Tiên tri Samuel xức dầu phong vương. Salômôn được xức dầu trong đền thờ bởi thầy Sadoq. Xức dầu là dấu chỉ bên ngoài biểu thị họ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn làm tôi tớ Đức Chúa và làm khí cụ điều khiển đoàn dân. Họ đón nhận Thần khí Thiên Chúa, như trường hợp vua Đavit: ‘Samuel cầm bình dầu và xức dầu Đavit ở giữa anh em. Thần khí Đức Chúa thấm nhuần Đavit từ ngày ấy’.

Ba

Danh hiệu ‘Kitô’ được dịch nghĩa là ‘Đấng được xức dầu’. Truyền thống Do thái dần dần gọi Vị giải thoát Israel là Vua – Kitô, Vua Israel. Do đó Chúa Giêsu thời dong duổi loan Tin Mừng thận trọng với danh xưng này vì Người thực hiện công trình cứu chuộc bằng khổ hình, sống lại và lên trời. Sau khi sống lại, Chúa minh nhiên dùng danh hiệu này (x. Lc 24: 26) và Giáo hội tiên khởi hân hoan tôn vinh Người là Chúa và Đấng Kitô (Ga 20:31; Tđcv 2:36; Phil 2:11). Truyền thống Giáo hội nhìn nhận, do được xức dầu, Đức Kitô đồng thời là Vua, Tư tế và Tiên tri.

Với Phụng vụ thứ Năm Thánh, sau lời nguyện Thánh hiến, Dầu trở thành hồng ân của Đức Kitô. Nhờ quyền năng của Thánh Thần, Dầu trở nên dấu chỉ hữu hiệu: đang khi thân xác chúng ta được xức dầu hữu hình, thì linh hồn ta được hiến thánh nhờ Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh và là Đấng ban sự sống (x. Kinh sách tuần bát nhật Phục Sinh, Bài giáo huấn cho tân tòng tại Giêrusalem).

Kitô hữu là người được xức dầu, không những đã nhận lãnh bí tích mà còn tham dự dầu xức Tiên tri, Tư tế, Vương giả của Chúa Giêsu trong đức tin. Thánh Gioan gọi lời của Đức Kitô như dầu - xức thấm nhập nội tâm nhờ lòng tin, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Dầu - xức lưu lại nơi chúng ta (1Jn 2:27), giúp cảm nếm sự thật và dạy ta mọi sự. Gioan còn nói Kitô hữu không cần ai dạy: niềm hy vọng của Giao ước mới sẽ hình thành.

 

Anh em Linh mục rất thân mến,

Mọi Thánh lễ nuôi sống toàn thể dân Thánh, nhưng Thánh lễ hôm nay, thứ Năm Thánh mang ý nghĩa đặc biệt cho anh em chúng ta.

Đấng là Thầy và là Chúa của chúng ta, chính Người là Tin Mừng và chính Người công bố Tin Mừng. Người là Lời ban sự sống đời đời, đồng thời là Đấng được Chúa Cha xức dầu, mở về nguồn sống bí tích cho mọi tín hữu. Dân Thánh sống nhờ ‘Lời’ và các ‘Bí tích’.

Đức Thánh Cha Phanxicô dạy: ‘Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Mỗi người chúng ta có thể nói như thế. Đây không phải là một suy đoán, mà là thực tại. Mỗi Kitô hữu, đặc biệt mỗi linh mục có thể nói những lời này: ‘Vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi’ (Is 61:1). Anh em thân mến, không bởi công trạng, nhưng nhờ ân sủng chúng ta đã được xức dầu, làm cho chúng ta trở thành những mục tử của dân Chúa’

Dầu Thánh sẽ được trao vào tay anh em, linh mục của Chúa, làm hành trang ‘hộ vực thân xác và tâm hồn bệnh nhân’, ban ơn khôn ngoan thông hiểu Tin Mừng và sức mạnh quảng đại trước những đau khổ thử thách cho các dự tòng, loại trừ sự hư nát của đời sống cũ để trở nên đền thờ Chúa uy linh và tỏa hương thơm vinh dự Vương giả - Tư tế - Tiên tri cho những người được tái sinh bởi nước và Thánh Thần.

Cha Thánh Gioan Maria Vianney là linh mục rất khiêm nhường, nhưng ý thức sâu đậm về sự cao cả mình trở nên tặng phẩm trào tràn ân huệ cho dân Thánh: ‘Một mục tử tốt lành, một người chăn chiên như lòng Chúa mong ước, là kho tàng lớn nhất mà Chúa nhân lành có thể ban cho một giáo xứ, và là một trong những quà tặng quý báu nhất của lòng Chúa xót thương’. Thánh nhân nói về thánh ân không thể suy dò cho thấu của linh mục, về tầm vóc bao la của quà tặng và về nhiệm vụ Chúa tín nhiệm trao cho’.

‘Ngỏ lời với giáo hữu, Thánh Nhân giải thích tầm quan trọng của các Bí tích: ‘Không có bí tích Truyền chức, chúng ta ‘không có Chúa’. Ai là người đặt Chúa vào nhà tạm? Linh mục. Ai đón nhận linh hồn bạn vào buổi đầu đời bạn? Linh mục. Ai dưỡng nuôi và bổ sức linh hồn suốt hành trình của bạn? Linh mục. Ai chuẩn bị bạn ra trước Thiên Chúa, tắm gội bạn lần cuối trong máu Chúa Giêsu Kitô? Linh mục… Luôn luôn là linh mục. Và giả như linh hồn ấy bị chết do hậu quả của tội lỗi, ai sẽ giúp người ấy trỗi dậy, ai sẽ lập lại an hòa và bình an? Cũng là linh mục’.

 

Gioan Đỗ Văn Ngân

Giám mục hiệp hành cùng anh chị em

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHIA SẺ BÀI VIẾT
TIN LIÊN QUAN

THÔNG BÁO

VĂN KIỆN GIÁO HỘI

LIÊN KẾT NHANH

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Cổng Thông Tin Điện Tử Giáo Phận Xuân Lộc
Thánh Lễ Trực Tuyến
Vatican News
Bài Ca Mới
Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Tin Vui Xuân Lộc
Ban Văn Hoá. Gp Xuân Lộc
Youtube Gp. Xuân Lộc