GIÁO HỘI HOÀN VŨ

TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI QUAY TRỞ LẠI VỚI LỊCH SỬ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC ?

Nov 28 2024
267

Thứ Năm ngày 21 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố «Thư về việc đổi mới nghiên cứu lịch sử Giáo hội », đặc biệt gửi đến các chủng sinh. Nó tiếp nối một tài liệu khác, được giới thiệu vào tháng 8, trong đó Đức Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của văn chương.

Đức Thánh Cha Phanxicô muốn “thúc đẩy các sinh viên thần học trẻ tuổi có được sự nhạy cảm thực sự về lịch sử”. Đây là những gì ngài nói trong lời mở đầu cho lá thư của ngài về việc đổi mới nghiên cứu lịch sử Giáo hội, được công bố vào thứ Năm ngày 21 tháng 11. Ngài nhấn mạnh : “Qua lối diễn đạt này, tôi không chỉ muốn chỉ ra sự hiểu biết sâu xa và chính xác về những thời điểm quan trọng nhất trong hai mươi thế kỷ của Kitô giáo đang ở phía sau chúng ta, mà còn và trên hết là sự xuất hiện của một sự quen thuộc rõ ràng với chiều kích lịch sử đặc thù của con người”.

Đổi mới việc đào tạo linh mục

Trong tài liệu này, Đức Phanxicô mong muốn đưa ra một số hướng dẫn cho việc đào tạo các ứng viên linh mục. Vào tháng 8, ngài đã công bố một lá thư cho họ, và rộng hơn là cho tất cả các Kitô hữu, trong đó ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của văn chương.

Bây giờ, tại sao có sự nhấn mạnh về lịch sử này? Đức Thánh Cha đưa ra một số lý do. Ngài lập luận: “Không ai có thể thực sự biết mình là ai và mình muốn trở thành gì mai ngày nếu không nuôi dưỡng mối liên kết gắn kết họ với các thế hệ đi trước”. Ngài cũng giải thích : “Sự nhạy cảm đúng đắn về lịch sử giúp mỗi chúng ta có được ý thức về phạm vi, ý thức về chừng mực và khả năng hiểu thực tại mà không có những trừu tượng nguy hiểm và phi hiện thực, như thực tại là, chứ không phải như chúng ta tưởng tượng nó hay chúng ta mong muốn nó”.

Trích dẫn một thần học gia lớn người Pháp nhưng không nêu tên, Đức Thánh Cha Phanxicô bảo đảm rằng việc nghiên cứu lịch sử cũng bảo vệ chúng ta “khỏi một quan niệm quá siêu thoát về Giáo hội, một Giáo hội không hiện thực vì không có tì ố hay nếp nhăn.”  Ngài nói tiếp: “Lịch sử Giáo hội giúp chúng ta nhìn vào Giáo hội hiện thực để có thể yêu mến Giáo hội này, vốn thực sự tồn tại và đã học hỏi và đang tiếp tục học hỏi từ những sai lầm và sa ngã của mình”. Đức Thánh Cha coi đó là điều kiện để có thể “hiểu được những vết nhơ và vết thương của thế giới mà Giáo hội đang sống”.

Phục hồi một số chủ đề

Tiếp đến, Đức Thánh Cha mời gọi quay trở lại với những trình thuật lớn trong việc viết lịch sử (điều mà các nhà sử học gọi là thuật biên soạn lịch sử). Ngài lưu ý: “Trong thời đại chúng ta, “ý thức về lịch sử ngày càng mất đi và ngày càng tan rã. Người ta nhận thấy sự thâm nhập về mặt văn hóa của một loại “phá bỏ cấu trúc” (déconstructionnisme), trong đó sự tự do của con người có tham vọng sẽ xây dựng mọi thứ từ số không. Nó chỉ để lại nhu cầu tiêu thụ không giới hạn và làm trầm trọng thêm nhiều hình thức chủ nghĩa cá nhân thiếu đi nội dung.”

Đức Thánh Cha kêu gọi phục hồi các chủ đề, mà theo ngài, thường bị che giấu quá thường xuyên: lịch sử các vị tử đạo, đức tin bình dân và những cuộc đời khiêm tốn, kín đáo. Ngài lấy làm tiếc: “Nhận xét áp chót, mà tôi rất tha thiết, liên quan đến việc xóa bỏ dấu vết của những người không thể được lắng nghe trong nhiều thế kỷ, điều này khiến việc tái xây dựng lịch sử một cách trung thực trở nên khó khăn. Và ở đó, tôi tự hỏi: đó chẳng phải là một lĩnh vực nghiên cứu đặc quyền, đối với sử gia của Giáo hội, khi đưa ra ánh sáng càng nhiều càng tốt bộ mặt bình dân của những người rốt hết, và xây dựng lại lịch sử về những thất bại của họ và áp bức mà họ phải chịu, nhưng cả sự phong phú về mặt nhân bản và tinh thần của họ, cung cấp các công cụ để hiểu các hiện tượng bị gạt ra ngoài lề và bị loại trừ ngày nay?”

Lá thư kết thúc với lời kêu gọi quay trở lại nghiên cứu sâu xa, chống lại “việc ‘sao chép và dán’ trên Internet” và một nền văn hóa nào đó về tính tức thời.

Một lời ca ngợi về môn lịch sử

Việc công bố tài liệu này được đi kèm với một hội nghị do Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, nơi có nhà sử học Andrea Riccardi, ĐHY Lazarus You Heung-sik, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, và Đức cha Andrés Gabriel Ferrada Moreira, thư ký của Bộ.

Trong bài phát biểu của mình, Andrea Riccardi nhấn mạnh rằng “lịch sử Giáo hội không thể được viết nếu không có lịch sử thế giới”. Nhà sử học người Ý nói thêm: “Tôi hy vọng rằng những trang quan trọng này của Đức Thánh Cha sẽ không bị bỏ rơi, nhưng chúng sẽ biểu hiện cho sự khởi đầu về một chủ thuyết lịch sử nhân văn, mở ra cho những giá trị siêu việt.” Martin Dumont, giám đốc Viện Nghiên cứu Tôn giáo tại Đại học Sorbonne-Université, người cũng đào tạo cả các linh mục về lịch sử Giáo hội tại Học viện Công giáo Paris, nhấn mạnh: “Sự thiếu nhạy cảm về lịch sử trong việc đào tạo các linh mục mà Đức Phanxicô chỉ ra là có thật, tôi thấy điều đó trong các khóa học của mình”.  “Tôi có ấn tượng rằng từ nay trở đi tôi có thể dựa vào lời nói của Đức Thánh Cha khi tôi bị chỉ trích vì thiên về cách tiếp cận lịch sử. Lịch sử cần thần học để dễ hiểu, nhưng thần học cũng cần lịch sử nhiều như vậy, nếu không nó sẽ phi hiện thực.”

Tý Linh

CHIA SẺ BÀI VIẾT
TIN LIÊN QUAN

THÔNG BÁO

VĂN KIỆN GIÁO HỘI

LIÊN KẾT NHANH

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Thánh Lễ Trực Tuyến
Vatican News
Bài Ca Mới
Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Tin Vui Xuân Lộc
Ban Văn Hoá. Gp Xuân Lộc
Youtube Gp. Xuân Lộc