NĂM THÁNH 2025 : SUY TƯ VỀ BÍ TÍCH HÒA GIẢI NHƯ BẢO CHỨNG NIỀM HY VỌNG
Ngày 9 tháng 5 năm 2024, trong giờ kinh Chiều II lễ Thăng Thiên, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã công bố sắc chỉ mở Năm Thánh 20251. Sắc chỉ khởi đầu bằng cụm từ “Niềm Hy vọng không làm thất vọng.” ĐTC chọn chủ đề “Niềm hy vọng” như là nội dung chính yếu và xuyên suốt Năm Thánh 2025. Theo đó, Năm Thánh khơi dậy niềm hy vọng trong một thế giới bị xâu xé bởi chia rẽ, chiến tranh, bất bao dung, xung đột, xáo trộn và khủng hoảng, nhất là trong đời sống gia đình.
Việc đọc lại giáo huấn của Giáo hội về Bí tích Hòa giải (BTHG) khi bước vào Năm Thánh, và trong bối cảnh xã hội đầy bất ổn ngày nay, dẫn đến niềm xác tín rằng: BTHG là một trong những nơi quan trọng mà Kitô hữu có thể cảm nhận và lãnh nhận niềm hy vọng một cách rõ ràng và chân thực nhất; vì chưng nơi BTHG lòng thương xót của Thiên Chúa làm nảy sinh niềm vui, làm cho tâm hồn chúng ta được mở ra để đón nhận niềm hy vọng về một cuộc sống mới trong Thiên Chúa.
Từ sau Công đồng Vatican II, Giáo hội đã liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của BTHG qua các văn kiện huấn quyền khác nhau, đóng vai trò hướng dẫn cho cả tín hữu và các thừa tác viên hòa giải của Giáo hội. Bài viết này là một cố gắng gợi lên dấu chỉ hy vọng của BTHG qua những giáo huấn gần đây của Giáo hội. Cùng với Spes Non Confundit (SNC), chúng ta đọc lại Misericordiae Vultus2 (Tông sắc Dung nhan lòng thương xót) của ĐTC Phanxicô, Reconciliatio et Paenitentia3 (Tông huấn Sám hối và Hòa giải)của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và Sacramentum Paenitentiae (Chỉ dẫn Bí tích Hòa giải)4 của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (1972). Qua các tài liệu này, chúng ta sẽ xem xét những chủ điểm sau: (1) BTHG đóng vai trò là cánh cửa hy vọng dẫn đến lòng thương xót Thiên Chúa; (2) Thừa tác viên của BTHG trở thành nhân chứng cho lòng thương xót; (3) Hối nhân được biến đổi nhờ quyền năng của sự giao hòa; (4) BTHG dẫn vào sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa – được nghe Lời Chúa và hiệp thông Thánh Thể trong lòng Giáo hội.
Giáo hội luôn xác tín rằng: BTHG đóng một vai trò then chốt trong đời sống đức tin người Công giáo, là một cuộc gặp gỡ sâu sắc giữa hối nhân và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Do đó, bí tích này không chỉ đơn thuần là một thực hành có tính cách lễ nghi phụng vụ mà còn là một phương tiện quan trọng để tín hữu khôi phục mối tương quan thân tình với Thiên Chúa, tìm thấy sự tha thứ cho tội lỗi, được chữa lành linh hồn, và mở ra tương lai hiệp thông với Thiên Chúa trong lòng Giáo hội.
1. BTHG như cánh cửa của lòng thương xót
Trong những giáo huấn gần đây của Giáo hội, BTHG thường được ví như “cánh cửa của lòng thương xót,” một cánh cửa thông qua đó tín hữu bước vào ân sủng và sự tha thứ của Thiên Chúa, một nơi mà qua đó chúng ta có thể kinh nghiệm như Dân Thánh rằng “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 106). Hình ảnh phong phú này được minh họa mạnh mẽ trong các văn kiện đang đề cập.
Trong Misericordiae Vultus, ĐTC Phanxicô ngụ ý “cửa hy vọng” như chính BTHG. Trước hết, vì bí tích chữa lành này biểu hiện hữu hình lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn sàng “chờ đón” để tha thứ cho mọi tội của từng người trong mọi thời đại. Điều đó chỉ có thể được giải thích rằng vì lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ luôn lớn hơn bất kỳ tội lỗi nào, và bất kỳ một sự yếu đuối nào – tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi (s. 3). Thứ đến, BTHG là cuộc gặp gỡ sâu sắc giữa tội nhân với tình yêu chữa lành của Thiên Chúa. Qua đó, hối nhân thực sự được chữa lành các thương tích gây ra bởi tội lỗi. Trong ý hướng đó, ĐTC mô tả Giáo hội khi thi hành sứ vụ hòa giải như một “bệnh viện dã chiến”, nơi những y tá, bác sĩ thần linh băng bó, chữa lành các vết thương bởi tội lỗi của hối nhân (s. 17). Như vậy, trước hết, Năm Thánh mời gọi mọi người tái khám phá BTHG như một cửa của lòng thương xót, nơi mà con người cảm nhận mãi mãi được Thiên Chúa yêu thương.
Tương tự, lấy ánh sáng từ dụ ngôn Người Cha nhân hậu trong Tin Mừng Luca, trong Reconciliatio et Paenitentia, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nêu bật vai trò của BTHG như là nơi mà Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, luôn kiên nhẫn chờ đợi, sẵn sàng tha thứ, nơi mà dù con người sống trong tăm tối của bất toàn và yếu đuối đến mấy cũng được mời gọi bước qua để vào miền ánh sáng ân sủng thần thiêng của Cha trên Trời (s. 5). Ngài giải thích thêm rằng cuộc gặp gỡ ân sủng này là một hành trình bắt đầu bằng việc Thiên Chúa tìm kiếm hối nhân và kết thúc bằng sự đáp lại của hối nhân qua việc sám hối, xưng tội và đền tội. Tuy nhiên, BTHG như một “kho tàng” ân sủng mà Chúa Kitô dùng qua trung gian Giáo hội, như Chân phúc Isaac Stella diễn tả rằng “Giáo hội không thể tha tội gì mà không có Chúa Kitô, và Chúa Kitô không muốn tha thứ mà không có Giáo hội. Giáo hội chỉ có thể tha thứ cho một hối nhân, nghĩa là một người đã được Đức Kitô gọi đến bằng ân sủng của Người” (s. 29).
Sacramentum Paenitentiae cũng giải thích thêm về vai trò của BTHG như một cánh cửa dẫn vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Văn kiện này nêu rõ rằng qua việc xưng tội cá nhân với một linh mục, tín hữu nhận được từ lòng thương xót của Thiên Chúa sự tha thứ cho tội lỗi của họ (s. 1). Do đó, lòng thống hối chân thành và vai trò của linh mục trong việc chuyển tải sự tha thứ của Thiên Chúa là những yếu tố không thể thiếu. Tuy nhiên, BTHG được trình bày không chỉ như là phương tiện tha thứ cho các tội lỗi đã phạm mà còn là nguồn sức mạnh để chống lại những cám dỗ, yếu đuối của phận người, nâng đỡ hành trình đức tin trong tương lai, giúp tín hữu từng bước tiến đến sự hoàn thiện.
Như vậy, lời của ĐTC Phanxicô trong Sắc lệnh công bố Năm thánh 2025 lại vang lên như một điệp khúc trong bài ca truyền thống lâu đời của Giáo hội rằng: BTHG phải không ngừng được rao giảng và mở ra như là cánh cửa cần thiết dẫn vào ân sủng, sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta có thể canh tân đời sống đức tin và thỏa cơn khát nơi nguồn hy vọng cứu rỗi (s. 5).
2. Thừa tác viên của BTHG như nhân chứng của lòng thương xót
Như là thừa tác viên của BTHG, vai trò của giám mục và linh mục rất quan trọng trong việc cử hành dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa. Thừa tác viên BTHG được gọi là chứng nhân của lòng thương xót: hiện thân cho sự gần gũi, lòng từ bi và thương xót của Thiên Chúa (x. Huấn dụ trong buổi hội kiến các cha giải tội của Đền thờ Thánh Phêrô ngày 24/10/12024). Theo giáo huấn của Giáo hội, thừa tác viên BTHG như chứng nhân lòng thương xót được thể hiện qua hai chiều kích:
· Là dấu chỉ hữu hình của Thiên Chúa, Đấng thôi thúc trong lòng hối nhân, Đấng kiên nhẫn chờ đợi và nhân hậu, quảng đại tha thứ cho hối nhân đến bất tận.
· Kinh nghiệm nơi bản thân mình về việc được đụng chạm, biến đổi bởi lòng thương xót của Thiên Chúa.
Ý nghĩa thứ nhất của vai trò thừa tác viên hòa giải như chứng nhân của lòng thương xót được Misericordiae Vultus trình bày như là “dấu hiệu sống động của sự sẵn lòng” của Thiên Chúa, người Cha nhân hậu, để đón nhận những ai tìm kiếm sự tha thứ của Người (s. 17). Do đó, một đàng ĐTC Phanxicô khuyến khích các linh mục tiếp cận bí tích với sự khiêm nhường và thấu hiểu, nhận ra tầm quan trọng trong vai trò của mình như là “công cụ của lòng thương xót Chúa.” Điều đó nghĩa là “chứng nhân lòng thương xót” được mời gọi kiên nhẫn và nhân từ, sẵn sàng lắng nghe và tỏ lòng cảm thông sâu sắc đối với những ai tìm kiếm sự hòa giải. Đàng khác, để có thể đạt được những đòi hỏi như thế cho sứ vụ chứng nhân hòa giải, thừa tác viên BTHG cần tiếp nhận việc đào tạo đúng đắn cho sứ vụ cao trọng này, đảm bảo rằng họ có thể truyền đạt hiệu quả lòng thương xót của Chúa và cung cấp hướng dẫn tâm linh cho hối nhân. Do đó, lặp lại giáo huấn tông truyền, ĐTC khuyến nghị rằng: “Tại các Giáo hội địa phương, cần phải đặc biệt chú ý đến việc chuẩn bị cử hành bí tích Hoà giải của các linh mục” (SNC, s. 5).
Trong dòng tư tưởng đó, chúng ta gặp được nơi Reconciliatio et Paenitentia cách giải thích về vai trò của linh mục như là chứng nhân hòa giải. Nghĩa là, thừa tác viên BTHG hiện diện trong tư cách Chúa Kitô khi cử hành mầu nhiệm thương xót của Thiên Chúa; như Chúa Giêsu, ngài ở đó không những để tha tội mà còn đồng hành với hối nhân tiến bước trên con đường thăng tiến tinh thần và cuộc sống. Tuy nhiên, cả thừa tác viên và hối nhân đừng quên rằng chính Đức Kitô là Đấng tha thứ, Đấng trao quyền tha thứ cho Giáo hội, thế nên quyền này phải được đón nhận với sự cẩn trọng và tôn kính lớn lao. Thêm vào đó, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho rằng các linh mục trở thành những chứng nhân của lòng thương xót khi thi hành sứ vụ hướng dẫn tâm linh, dẫn dắt tín hữu đến sự hiểu biết sâu sắc hơn và sống bí tích của lòng thương xót này. Như vậy, một đòi hỏi quan trọng không thể thiếu cho vai trò chứng nhân lòng thương xót đó là một tình thần trung thành và cần mẫn (s. 29).
Ý nghĩa thứ hai của thừa tác viên hòa giải như chứng nhân lòng thương xót của Thiên Chúa đó là linh mục làm chứng bằng chính kinh nghiệm được thương xót, một cách cụ thể qua đời sống tham dự BTHG của mình, đây chính là cao điểm của lòng khiêm hạ sám hối. Sự khiêm hạ sám hối là một trong ba đặc tính quan trọng và cần thiết của thừa tác viên BTHG (khiêm hạ, lắng nghe, xót thương), như ĐTC Phanxicô phát biểu trước 60 cha giải tội của Đền thờ Thánh Phêrô ngày 24/10/2024 rằng: thừa tác viên BTHG hãy lấy gương mẫu từ Thánh tông đồ Phêrô, người đã học được đức khiêm hạ sám hối qua việc tìm kiếm sự tha thứ sau những lỗi lầm cá nhân; nghĩa là, trước hết biết nhìn nhận mình cũng là những người ăn năn sám hối, luôn tìm kiếm lòng thương xót của Chúa. Đó là điều Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II diễn tả như sự áp dụng kinh nghiệm cá nhân trong cử hành bí tích của lòng thương xót khi ngài nói rằng các linh mục giải tội phải “khởi đi từ kinh nghiệm cá nhân của mình;” ĐTC xác tín thêm rằng “càng đến với BTHG thường xuyên với sự chuẩn bị kỹ lưỡng chúng ta càng đảm nhiệm tốt hơn tác vụ giải tội và đảm bảo rằng, các hối nhân sẽ hưởng được ân phúc nhiều hơn.” Một cách cụ thể, bí tích này mời gọi tất cả các thừa tác viên lưu tâm đến việc xưng tội của mình; và rồi để cho kinh nghiệm bản thân này trở thành và phải trở thành cho ngày hôm nay một yếu tố kích thích việc thực hành cẩn thận, đều đặn, kiên nhẫn và nhiệt tình trong tác vụ giải tội (s. 31).
Trong Sacramentum Paenitentiae, vai trò chứng nhân của thừa tác viên hòa giải được khắc họa rộng hơn trong viễn quan mục vụ của linh mục, đó là khả năng đồng hành với hối nhân, nhất là trong những hoàn cảnh đặc biệt. Nghĩa là, ngoài việc cử hành BTHG, linh mục được mời gọi quan tâm đến việc chăm sóc mục vụ; đàng khác, cần sự hy sinh thời gian và kiến tạo nơi chốn thuận lợi cho việc xưng tội của hối nhân, cũng như quan tâm huấn luyện chính mình về tình cảm, cảm xúc và thái độ để đảm bảo rằng hối nhân gặp được một Thiên Chúa thương xót luôn rộng lượng, chờ đợi, cảm thông và sẵn sàng tha thứ (s. 12). Khi linh mục trung thành trong vai trò chứng nhân lòng thương xót Chúa Kitô thì ngài cũng đóng góp vào sự tăng trưởng tâm linh của tín hữu hướng đến lời mời gọi nên trọn lành (s. 9).
Như vậy, theo ĐTC Phanxicô, chứng nhân lòng thương xót đích thực là những người ban phát lòng thương xót của Chúa, do đó “điều quan trọng là thừa tác viên BTHG phải ‘có lòng thương xót,’ rạng rỡ, rộng lượng, sẵn sàng hiểu biết, cảm thông và an ủi, bằng lời nói và thái độ. (Huấn dụ trong buổi hội kiến các cha giải tội của Đền thờ Thánh Phêrô ngày 24/10/12024).
3. Quyền năng của sự hòa giải
Quyền năng biến đổi của BTHG đối với hối nhân là một chủ đề trung tâm trong những giáo huấn liên quan mà chúng ta đang tìm hiểu. Qua bí chữa lành này, hối nhân không những được tha thứ mà còn được ban sức mạnh để vượt qua những yếu đuối cá nhân, tiến bước trong ân sủng và bình an của Thiên Chúa. Dù còn nhiều khó khăn và cần nhiều cố gắng, nhưng giữa các giới hạn lớn lao của con người, một bước tiến nhỏ cũng có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn (AL, s. 305).
Chúng ta dễ dàng gặp được ý tưởng đó trong Misericordiae Vultus. ĐTC Phanxicô nhìn nhận rằng BTHG không chỉ nhắm đến sự tha thứ tội lỗi như mục đích cuối cùng, nhưng biết rằng lòng thương xót của Thiên Chúa tiếp tục tuôn tràn và dẫn đến sự hoán cải trong tương lai. Theo đó, bí tích cao quí này còn được hiểu như một khoảnh khắc gặp gỡ của ân sủng, nơi hối nhân trải nghiệm “sự âu yếm của vòng tay Chúa”, và được ân sủng dẫn đến sự đổi mới tinh thần và cam kết trong hành trình trên con đường mới (s. 17). Do đó ĐTC khích lệ rằng đừng thất vọng hay ngại ngùng đến với Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trong việc tha thứ cho chúng ta; [chính] chúng ta là những người mệt mỏi khi tìm kiếm lòng thương xót của Người” (s. 19).
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì đề cao sức mạnh biến đổi hối nhân sau khi được giao hòa, dẫn về sự hiệp thông với Thiên Chúa và với Giáo hội. Theo viễn quan đó, vị Thánh vĩ đại của đầu thiên niên kỷ thứ ba nhấn mạnh rằng hòa giải như một quá trình bao gồm cả sự sám hối, tha thứ, chữa lành, và giúp hối nhân trở về với ân sủng của Thiên Chúa bằng một trạng thái sức khỏe tâm linh mới. Theo đó, BTHG không chỉ đơn thuần là một nghi lễ mà là một trải nghiệm sâu sắc về tình yêu của Thiên Chúa, một khởi đầu mới để Thiên Chúa dẫn đến sự thay đổi tâm hồn và biến đổi cuộc sống (Reconciliatio et Paenitentia, s. 31; 33).
Cũng thế, Sacramentum Paenitentiae khẳng định sức mạnh biến đổi của BTHG như là “một phương thuốc thần linh để chữa lành linh hồn” (s. 1). Điều đó nghĩa là qua việc hòa giải, hối nhân được dẫn vào một dược trình điều trị hầu đạt được tình trạng “sức khỏe” tâm linh mới, và để có thể vươn tới cuộc sống mới nhờ sức mạnh của ân sủng. Do đó, để BTHG thực sự mang lại kết quả trong cuộc sống, hối nhân cần lưu ý tầm quan trọng của sự thống hối chân thành và ý định sửa đổi đời sống. Tuy nhiên, việc hối nhân được giao hòa và bước vào hành trình tâm linh mới không có nghĩa là họ “bị” bỏ mặc cho ân sủng, nhưng điều đó gợi đến vai trò quan trọng của linh mục trong việc đồng hành, hướng dẫn hối nhân tiến tới sự tăng trưởng tâm linh, đảm bảo rằng BTHG là một khoảnh khắc ân sủng dẫn đến sự hoán cải bền vững.
4. BTHG hướng đến sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa
Ngoài việc được xá giải những lầm lỗi cá nhân và tái lập tương quan với Thiên Chúa và anh chị em trong cộng đồng nhân loại, điều chính yếu được coi như mục đích cao quí của BTHG đó là giúp hối nhân được trở lại hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và Giáo hội. Việc tái tạo sự hiệp thông có thể được diễn giải theo hai khía cạnh: Trước hết, tác động của ân sủng làm cho hối nhân được hòa giải với Thiên Chúa và anh chị em, mối dây liên kết mà tội lỗi đã làm gián đoạn; thứ đến, hối nhân còn được tái hội nhập vào sự hiệp thông “trọn vẹn” với Thiên Chúa qua việc tham gia trong đời sống đức tin của Giáo hội.
BTHG bắt nguồn sâu xa từ lòng thương xót và tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Qua mầu nhiệm nhập thể, cái chết và sự phục sinh của Người, Đức Kitô mang đến cho nhân loại món quà của sự tha thứ và hòa giải nhân loại với Thiên Chúa Cha. Do đó, trong Sắc lệnh khai mở Năm Thánh 2025, ĐTC Phanxicô lặp lại xác tín của Giáo hội rằng “Chúa Giêsu Kitô là dung mạo của lòng thương xót Chúa Cha” (s. 6). Điều đó ngụ ý rằng BTHG đích thực là phương tiện ưu việt để người tội lỗi cảm nhận được tình yêu đầy tràn thương xót của Thiên Chúa, trong niềm xác tín rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trong việc dang tay chờ đón, lắng nghe và tha thứ (Misericordiae Vultus, s. 19).
Đặc biệt, Công đồng Vatican II trình bày BTHG như là nền tảng để khôi phục lại sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và Giáo hội. Qua dấu chỉ bí tích, con người tội lỗi sẽ nhận được sự tha thứ từ lòng thương xót của Thiên Chúa cho những lỗi lầm đã phạm, đồng thời được hòa giải với Giáo hội mà họ đã gây tổn thương bởi tội lỗi của mình (Lumen Gentium, s. 11). Điều này ngụ ý rằng dù tội lỗi làm tổn hại đến mối hiệp thông cá nhân với Thiên Chúa và đến toàn bộ cộng đoàn Giáo hội, thì qua BTHG, hối nhân không chỉ được tha thứ lầm lỗi, thanh tẩy tội lỗi, mà còn được tái hòa nhập vào đời sống ân sủng của Thiên Chúa qua Giáo hội, nghĩa là cho họ có thể tham dự đầy đủ và phong phú vào đời sống cộng đoàn của những người tuyên xưng cùng một đức tin, một phép rửa, được nghe Lời, cùng bẻ một tấm bánh và dự phần vào Máu Đức Giêsu Kitô, nguồn mạch và đỉnh cao hiệp thông của đời sống Kitô hữu.
Được lắng nghe và nuôi dưỡng bởi Lời
Một trong những hậu quả trầm trọng của tội là làm gián đoạn mối hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, làm cho người tội lỗi bị hạn chế trong việc nghe và hiểu rõ Lời yêu thương của Thiên Chúa ngỏ với chính mình. Vì chưng, “tội lỗi là sự từ chối tình yêu,” và do đó, nó làm cho người ta không thể hiệp thông với tình yêu Thiên Chúa, và điều ắt phải xảy ra là người ta cũng muốn chạy trốn Lời Yêu thương (Reconciliatio et Paenitentia, s. 31). Như vậy, tội lỗi làm tổn thương mối hiệp thông với Thiên Chúa cũng mang ý nghĩa là làm giảm khả năng của người tội lỗi trong việc lắng nghe và đáp lại Lời yêu thương của Người. Tội lỗi đích thực là một rào cản cho con người trong việc hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.
Trong viễn quan đó, BTHG hoạt động như một phương pháp chữa lành giác quan tâm linh, loại bỏ những rào cản mà tội lỗi đã đặt ra giữa tội nhân và Thiên Chúa. Khi được ân sủng tác động đến với BTHG, hối nhân được mời gọi mở lòng trước Lời Chúa, để cho Lời chất vấn lương tâm, hầu thôi thúc một tiến trình hoán cải bắt đầu bằng việc sám hối, xưng thú tội lỗi, bày tỏ lòng thống hối và quyết tâm dấn thân đáp trả Lời mời gọi Yêu thương. Như vậy, có thể nói rằng ân sủng của BTHG soi sáng và thanh tẩy linh hồn, khôi phục khả năng của hối nhân để nghe rõ ràng Lời của Thiên Chúa như đang lớn tiếng kêu gọi và đâm thủng những đôi tai giả điếc làm ngơ (T. Augustinô). Đó là lý do ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng, qua BTHG, “Lời của Thiên Chúa sẽ vang vọng mạnh mẽ trong lòng chúng ta, nhắc nhở rằng chúng ta được yêu thương và có thể trở về với Người” (SNC, s. 47).
Sự chữa lành giác quan tâm linh này đặc biệt quan trọng giúp hối nhân có thể tham gia trọn vẹn vào đời sống phụng vụ của Giáo hội, đặc biệt là mỗi khi Lời Chúa được vang lên trong các cử hành phụng vụ, một trong những nguồn năng lượng tâm linh quan trọng nhất của đời sống Kitô hữu. Đó là lý do tại sao các nghị phụ của Công đồng Vatican II lại so sánh “thẩm quyền” của Lời Chúa và Thánh Thể khi nói rằng “Giáo hội luôn kính trọng Kinh Thánh như kính trọng Thánh Thể” (Sacrosanctum Concilium, s. 6). Một khi được hòa giải với Thiên Chúa, trái tim của hối nhân mở ra để lắng nghe Lời Chúa với sự thấu hiểu và quyết tâm đón nhận mới, cho phép Lời thấm sâu vào linh hồn và trở nên lương thực nuôi sống, hướng dẫn đời sống tâm linh của họ.
Được hiệp thông trong Thánh Thể
Đỉnh cao hiệp thông của đời sống Giáo hội là Bí tích Thánh Thể, nơi Đức Kitô hiện diện thực sự trọn nhân tính và thiên tính. Do đó, tham dự Thánh Thể là hành động hiệp thông cao cả nhất với Thiên Chúa. Tuy nhiên, để có thể lãnh nhận mầu nhiệm hiệp thông cao quí một cách xứng đáng, người tín hữu phải ở trong “tình trạng ân sủng.” Tội lỗi trầm trọng của mỗi người phá vỡ tình trạng ân sủng này – hủy hoại mối liên kết giữa con người với Thiên Chúa và với nhau – do đó họ không thể hiệp thông trọn vẹn trong Mình và Máu Người. BTHG là phương thế hữu hiệu để tái lập trình trạng ân sủng (Lumen Gentium, s. 11). Trong viễn quan thần học đó, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng “việc lãnh nhận Thánh Thể liên kết chặt chẽ với trạng thái ân sủng của người tín hữu” (Reconciliatio et Paenitentia, s. 30). Điều đó có thể được diễn giải rằng tội trọng phá vỡ trạng thái ân sủng, khiến người tín hữu không thể lãnh nhận Thánh Thể cho đến khi được “trở về” với Thiên Chúa qua BTHG. Điều này cho thấy rằng Thánh Thể là dấu chỉ của sự hiệp thông trong Đức Kitô và Giáo hội, và việc lãnh nhận Thánh Thể trong tình trạng “bất xứng” tự nó là một hành động trái ngược với mầu nhiệm của sự hiệp thông.
Cũng thấm nhuần truyền thống đó, ĐTC Phanxicô nhắc lại rằng BTHG là cách để người tín hữu được tái lập trạng thái ân sủng, giúp họ xứng đáng lãnh nhận Thánh Thể và tham gia trọn vẹn vào đời sống Giáo hội; tuy nhiên, ngài cũng lưu ý rằng: Thánh Thể không là phần thưởng chỉ dành cho những người hoàn hảo mà là thuốc linh thiêng và dưỡng chất cho cả người mạnh khỏe (Buổi đọc kinh Truyền tin 06/6/2021). Dù chúng ta là ai thì thái độ và điều kiện quan trọng cần thiết cho việc hiệp thông Thánh Thể chính là tái lập tình trạng ân sủng bằng một tâm hồn sám hối, khiêm cung.
Tóm lại, BTHG không chỉ khôi phục sự tương quan của người tín hữu với Thiên Chúa và Giáo hội, mà còn giúp họ sẵn sàng tiếp nhận Lời Chúa và Thánh Thể với trọn vẹn ý nghĩa của sự hiệp thông. Bí tích này đích thực là cánh cửa mở vào điểm đến ân sủng, nơi con người được hòa giải và lãnh nhận Đức Kitô cách trọn vẹn nhất. Trong ý nghĩa đó, Giáo hội nhận ra và xác tín rằng BTHG là dấu chỉ sâu sắc nhất về lòng thương xót của Thiên Chúa, là bảo chứng niềm hy vọng cho con người, là cánh cửa luôn luôn rộng mở đón chờ người tội lỗi trở về với ân sủng hòa giải và thương xót. Vì sứ điệp đầu tiên và trọng tâm của Chúa Giêsu là “sám hối và tin vào Tin Mừng,” do đó Giáo hội, như một thể nhân được trao sứ vụ hòa giải, không có lý do gì để từ chối những người tìm đến BTHG với lòng sám hối và muốn được nghe Lời.
Việc tìm hiểu, sống và cử hành BTHG như bảo chứng của Hy vọng trước tiên là trách nhiệm của chúng ta, các linh mục. Vì chưng, BTHG giữ một vị trí trung tâm trong đời sống Giáo hội, trong sứ vụ thánh hóa và chữa lành, rao giảng Lời và cử hành Thánh Thể. Bí tích chữa lành này là phương tiện hiệu lực giúp tín hữu gặp gỡ lòng thương xót, sự tha thứ của Thiên Chúa, mở ra đời sống mới. Do đó BTHG được coi như bảo chứng hy vọng cho Kitô hữu trên hành trình dương thế đầy yếu đuối, khó khăn, biến động, chia rẽ và xáo trộn. Đặc biệt, qua những giáo huấn tông truyền, Giáo hội đề cao vai trò của bí tích này như là cánh cửa của lòng thương xót, một bảo chứng lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa, và một nguồn hy vọng bất tận – con người mãi mãi được Thiên Chúa yêu thương. BTHG đích thực là một cuộc gặp gỡ sâu sắc giữa con người bất toàn với tình yêu của Thiên Chúa, dẫn đến sự đổi mới tinh thần và cam kết sâu sắc hơn trong đời sống Kitô hữu. Trong khi Giáo hội tiếp tục duy trì giáo huấn về tầm quan trọng của BTHG, Giáo hội cũng kêu gọi cả tín hữu và các thừa tác viên của bí tích này hãy đón nhận ân sủng của lòng thương xót với sự khiêm nhường, chân thành, trong niềm vui và sự trọng kính.
Một tâm tình được mở ra thay cho lời kết: Trước thềm Năm Thánh, chúng ta nghe và suy gẫm lại một trong những lời tuyên hứa khi lãnh nhận chức Linh mục: “Các con có muốn cử hành một cách đạo đức và trung tín các mầu nhiệm của Đức Kitô, để ngợi khen Thiên Chúa và thánh hóa dân Kitô hữu theo truyền thống của Giáo hội, nhất là trong Hy tế Tạ ơn, và BTHG không?”