Hồi ký Đồ Gốm - LỜI KẾT
LỜI KẾT
Qua 10 chương sách, tôi đã có dịp chia sẻ những chặng đường quan trọng của cuộc đời, bắt đầu từ câu chuyện ơn gọi, với những khó khăn, những khủng hoảng và ơn Chúa giải thoát. Tiếp theo là cuộc đời linh mục, trải qua những cảm nghiệm đầu đời linh mục và nhất là trong thời gian phục vụ tại trung tâm CIAM, với những kinh nghiệm qua việc gặp gỡ các linh mục, tu sĩ thừa sai và qua những cuộc viếng thăm truyền giáo tại châu Á, châu Mỹ La Tinh và châu Phi. Những chia sẻ tiếp tục với những trải nghiệm mục vụ khi tôi về phục vụ tại Đại Chủng viện Xuân Lộc và nhất là những chương trình và hoạt động mục vụ trong sứ vụ Giám mục Phụ tá và Giám mục Chính tòa giáo phận Xuân Lộc.
Trải qua những sự kiện của cuộc đời, tôi nhận ra rất rõ ràng dung mạo của Chúa Giêsu, hình ảnh của Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót. Chúa Giêsu hiện diện trong đời tôi với những dấu ấn sâu đậm không thể phai mờ. Ngài có mặt trong những sự kiện và hoàn cảnh của cuộc đời, Ngài ở bên cạnh, ở ngay trong lòng, khi âm thầm thủ thỉ, khi thách đố mời gọi, cũng có lúc phiền trách, nhưng đa phần, nâng đỡ, giải thoát,… tất cả nhằm kéo tôi về với Ngài. Tôi nghe văng vẳng bên tai lời Ngài nói với chàng thanh niên giàu có năm xưa: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc 10,21).
Cùng với sự hiện diện của Chúa Giêsu, tôi cảm nghiệm thật thân thiết và sâu đậm sự hiện diện của Đức Mẹ trong đời tôi cũng như trong lòng Giáo hội. Tôi đã chia sẻ: “Lòng yêu mến Đức Mẹ lúc đó không dựa nhiều vào những suy luận lý trí, nhưng dựa nhiều hơn vào những tâm tình đạo đức, được nuôi dưỡng bởi bầu khí kính mến Đức Mẹ trong gia đình, giáo xứ và chủng viện. Tôi hiểu và sống trong tương quan với Đức Mẹ dựa trên kinh nghiệm về tình yêu của tôi đối với mẹ tôi. Đó là thứ tình cảm linh thiêng rất tự nhiên, được nuôi dưỡng bởi những cử chỉ nho nhỏ hằng ngày giữa hai mẹ con, mà không cần phải suy tư tìm kiếm lý lẽ, cũng chẳng cần ai cắt nghĩa”. Hiện tại, tôi phải nói thêm: Tôi hiểu và sống tương quan yêu mến với Đức Mẹ qua những kinh nghiệm sống của cuộc đời đã được Đức Mẹ đụng chạm và đỡ nâng. Tâm tình yêu mến Đức Mẹ được hòa trộn với tâm tình cậy trông, phó thác và cảm tạ tri ân.
Trong suốt hành trình cuộc đời, tôi đã được diễm phúc gặp những con người thánh thiện mà qua họ, tôi đã gặp được Chúa và cảm nghiệm được sự gần gũi của Đức Mẹ. Tôi không ngại nói các ngài là những vị thánh, vì cuộc đời của các ngài làm tỏa sáng sự thánh thiện của Thiên Chúa đang bao phủ các ngài và giúp tôi nhận ra những cách thức cụ thể để sống thánh giữa đời.
Mặc dù tôi đã chia sẻ nhiều về cuộc đời để qua đó, cao rao lòng nhân hậu của Chúa là Cha giàu lòng thương xót, vẫn còn ba trách vụ lớn trong cuộc đời, tôi cần ghi lại để gẫm suy. Đó là Giám đốc Văn phòng Phối Kết, Giáo sư tại Đại học Urbaniana và Viện Trưởng Học viện Công Giáo Việt Nam. Văn phòng Phối Kết ít người ở Việt Nam được nghe biết. Đây là cơ quan do Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc thành lập và trao cho trách nhiệm phối kết công việc mục vụ cho người Công giáo Việt Nam ở ngoài nước Việt Nam. Tôi được Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc bổ nhiệm làm Giám đốc từ năm 1999 đến năm 2007, kế nhiệm Đức ông Philipphê Trần Văn Hoài.
Trách nhiệm ở ba cơ cấu trên đây đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc, đã làm chảy nhiều “mồ hôi nước mắt”, nhưng cũng không ít niềm vui và hy vọng. Ngoài ra, trong tôi còn những băn khoăn, trăn trở và hy vọng, những ước mong và khát khao liên quan đến các hoàn cảnh và vấn đề ngày nay của Giáo hội trên thế giới và tại Việt Nam. Để diễn tả hết những gì tôi đã cảm nghiệm và suy tư về những điều trên đây đòi hỏi nhiều thời gian nên tôi sẽ dành cho một dịp khác.
Để kết thúc những trang Hồi ký Suy tư này, tôi muốn chia sẻ với những người thân yêu, những người đã cộng tác với tôi trong cánh đồng của Chúa và với bất cứ ai có dịp lướt qua những trang sách này vài điều tâm huyết tôi trân quý để suy gẫm trong lòng.
Sau những kinh nghiệm của 75 năm tuổi đời và 50 năm linh mục, tôi thấy tất cả là phù vân nếu không được thai nghén và phát xuất từ con tim và trí óc đã được đụng chạm bởi lòng Chúa xót thương.
“Vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu” (Tv 144,4). Vui buồn -sướng khổ, lời khen – tiếng chê, thành công – thất bại, chức quyền cao thấp, danh vọng nhiều ít, được mất, thắng bại, được quý mến hay bị ghét bỏ, được tôn trọng hay bị coi thường, được biết ơn hay bị bạc đãi, được thông cảm hay bị hiểu lầm… tất cả là phù vân, qua đi như áng mây trên bầu trời cứ lững lờ trôi và biến mất ở cuối chân trời. Đúng như sách Giảng Viên nói: “Sau khi nhìn thấy mọi công việc thực hiện dưới ánh mặt trời, tôi nhận ra: tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát.” (Gv 1,14; x. Gv 2,1.11).
Cuối cùng, chỉ có Chúa thấy vẫn còn bên cạnh! Ngài ở đó để đỡ nâng, chở che, ủi an, cứu giúp và thủ thỉ vào hồn: “Đừng sợ, vì Cha đã chuộc con về, đã gọi con bằng chính tên của con: con là của riêng Cha!” (Is 43,1). Nhờ đó, những gì là bèo bọt, là phù vân lại trở thành những nốt nhạc diệu huyền ca tụng vinh quang Thiên Chúa và an ủi, vỗ về lòng người, nhất là những người đau khổ và bị lãng quên.
“Có Chúa là có tất cả và là hạnh phúc thực! (Thánh Têrêsa Avila). Khi lòng chỉ cần có Chúa và thanh thoát khỏi tất cả thì tất cả sẽ trở lại trong lòng với giá trị trung thực của chúng và mọi sự sẽ không còn là mối bận tâm. Tôi thường hay nhắc lại cho lòng mình lời thánh Phaolô: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,7-9).
Tôi cũng hay nhớ đến Chân phước Thầy giảng Anrê Phú Yên. Thầy là một thanh niên, được chịu bí tích Rửa Tội lúc 16 tuổi; khi được 19 tuổi, Thầy bị bắt và bị kết án tử hình vì là kitô hữu và là thầy giảng. Khi Thầy bị tù, chờ ngày chịu hành quyết, các tín hữu đến thăm Thầy và khóc lóc thương Thầy. Thấy vậy, Thầy nói với các tín hữu: “Xin quý cụ và quý ông bà đừng khóc lóc thương cháu, nhưng xin hãy cầu nguyện để cháu giữ nghĩa cùng Chúa cho đến trọn đời”. Thầy không xin can thiệp cho khỏi bị tù hoặc khỏi bị xử tử, nhưng xin ơn được “giữ nghĩa cùng Chúa cho đến trọn đời”: Thầy giảng Anrê Phú Yên đã chẳng cần gì ngoài tình nghĩa của Chúa.
Từ những cảm nghiệm và xác tín trên, tôi luôn hạnh phúc khi có dịp giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người vì Ngài là Chúa của tôi và của mọi người, là nguồn hạnh phúc của cả nhân loại (x. Lc 2,10-11). Làm việc gì tôi cũng nhắm đến mục đích để Chúa Giêsu được mọi người nhận biết, yêu mến và dõi theo (x. Ga 1,31).
Tôi cảm nhận như đã thấy từ xa xa, ở cuối đường hầm, có ánh sáng nhiệm mầu của Trời Mới, Đất Mới (x. Kh 21,1), nhưng con tàu cuộc đời tôi vẫn đang đi trong tăm tối của đường hầm; đây đó vẫn còn những ánh sáng mờ ảo lôi cuốn làm lạc hướng; vẫn còn những khúc quanh nguy hiểm làm cho con tàu có thể đâm vào vách núi hay rơi xuống vực thẳm. Nhưng tôi lại cảm thấy mình được an ủi vì trên đầu, tôi vẫn thấy “Ngôi Sao Sáng” đang chiếu soi dẫn lối cho con tàu khỏi lạc hướng mà ra khỏi đường hầm tăm tối để hưởng niềm vui bất tận của Trời Mới, Đất Mới.
Tôi như đang nghe thấy văng vẳng tiếng ca du dương thánh thót, dường như từ cửa Thiên Đàng, nhưng bên tai lại thấy vang lên những tiếng hát ca, khi vang dội ù tai, nhức óc, khi hút hồn quyến rũ. Làm sao để rẽ lối tiến lên dần tới nơi đang phát ra tiếng ca du dương Thiên Đàng?
Tôi băn khoăn tự hỏi: Làm sao để cho mọi người được lôi cuốn bởi ánh sáng nhiệm mầu của Trời Mới, Đất Mới? Làm sao để ai ai cũng nếm được sự ngọt ngào của tiếng hát du dương Thiên Đàng? Làm sao để mọi người được thấm nhuần lòng thương xót của Chúa và lấy lòng thương xót đó mà đối xử với nhau? Làm sao để lắp lại con tim cho ác quỷ Te Ka để nó trở lại được nguyên trạng nữ thần Te Fiti? Làm sao cho mọi người nhận ra được “bay hoàn hảo không chỉ là bay nhanh hơn như đang bay hiện nay, nhưng là vượt lên cách bay hiện thời”, tức là không chỉ sống lương thiện mà còn sống theo Chúa Thánh Thần, sống bằng sức sống thần linh của Thiên Chúa? (x. Ga 1,12; Gl 4,6; Gl 5,16-25)
Câu trả lời cho tất cả các vấn nạn đó là: Đem Chúa Kitô đến cho họ để Ngài chinh phục họ! “Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ Đức Kitô chân thành mình gặp mình. Gặp gỡ Đức Kitô nảy sinh tình đệ huynh.”[1]. Đúng vậy, ai gặp được Đức Kitô cuộc đời sẽ được biến đổi, tương quan với chính mình và với tha nhân sẽ được canh tân; ai gặp được Đức Kitô, sẽ được tái sinh.
Tái sinh ở đây không có nghĩa đơn thuần là tìm lại đời sống trước đây đã mất, nhưng là nhận được đời sống mới, đời sống thần linh của Thiên Chúa (x. Ga 1,12), được lắp đôi mắt mới, được thay con tim mới. Đó là đôi mắt và con tim của Thiên Chúa. “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành.” (Ed 36,26-27).
Tôi tin đây là sứ mệnh của Giáo hội, đây là mục đích tối hậu của các chương trình và sinh hoạt mục vụ: không chỉ nhằm giúp cho người tín hữu sống tốt lành và lương thiện hơn, mà còn nhằm giúp cho người tín hữu vươn lên sống đời sống của Thiên Chúa. Khác chi con hải âu Jonathan cứ miệt mài luyện tập để bay nhanh hơn, cho đến ngày được dạy cho biết bay hoàn hảo không phải là cứ tập để bay nhanh hơn như đang bay, nhưng là vượt lên cách bay hiện thời, để bay bằng ý tưởng.
Người tông đồ của Trời Mới, Đất Mới phải biết phủi bụi cuộc đời để lần theo tiếng đàn ca của cõi linh thiêng, bước vào ngưỡng cửa của cuộc thăng hóa đức tin: từ đức tin dựa vào cảm nhận và bằng chứng chuyển sang đức tin dựa vào đức tin, dựa vào lời Người đã nói với môn đệ Tôma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29). Đúng vậy, đức tin không cần bằng chứng hữu hình, chỉ cần có Lời Chúa là đủ. Đây là đức tin của môn đệ Simon Phêrô khi thưa cùng Chúa: “Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, con thả lưới.” (Lc 5,5).
Đây chính là đời sống trong Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu ao ước ban cho các môn đệ của Ngài (x. Ga 15,26). Nhờ Thánh Thần “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta” (Rm 5,5) và mở mắt tâm hồn để chúng ta nhận ra được những nẻo đường và chính mầu nhiệm của Thiên Chúa (x. Ga 16,13). Lúc đó, người môn đệ như mang trong lòng cục than hồng luôn thiêu đốt để biến đổi tâm hồn và cuộc sống (x. Gl 5,22-23), đồng thời thúc đẩy người môn đệ làm điều và đến nơi Chúa muốn, có thể là những điều và những nơi người môn đệ không ưa thích (x. Ga 21,18-19; Cv 20,22-24).
Đây chính là cuộc khám phá của con hải âu Jonathan! Đường đời còn dài và lắm chông gai, nhưng được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, có khác chi được cõng trên cánh chim đại bàng (x. Dnl 32,11) để đi vào cõi linh thiêng của Thiên Chúa và nghe được tiếng hát ngọt ngào du dương của Thiên Đàng.