GIỚI THIỆU SÁCH

Hồi ký Đồ Gốm - Chương 7 : ĐẠI CHỦNG VIỆN – “MỐI TÌNH ĐẦU”

Gm. Giuse Đinh Đức Đạo
Oct 06 2024
655

Chương VII

ĐẠI CHỦNG VIỆN – “MỐI TÌNH ĐẦU”

 

 

Đại Chủng viện là “mối tình đầu” trong “khối tình Xuân Lộc” của tôi, vì tôi đã được Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh mời về giáo phận Xuân Lộc để đảm nhận trách vụ Giám đốc Đại Chủng viện. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu, tôi dành trọn tất cả thời gian, sức lực và tâm trí cho Đại Chủng viện với ước mơ huấn luyện được một số thế hệ linh mục “Hạnh phúc trong ơn gọi và hăng say, nhiệt thành trong sứ vụ”.

 

1.   Huấn luyện[1] chiều sâu

Yếu tố đầu tiên lôi cuốn sự chú ý của tôi trong việc huấn luyện và đào tạo các chủng sinh tại Đại Chủng viện Xuân Lộc phát xuất từ một nhận xét: các linh mục là những người đã được học hỏi rất nhiều về Triết học, Thần học, Thánh kinh, Tu đức, Nhân bản…, đã được lắng nghe biết bao bài giảng, bài suy niệm, đã tham dự bao nhiêu buổi tĩnh tâm, v.v. trong hành trình 8 năm tu luyện tại Đại Chủng viện, đó là chưa nói đến 3 hay 4 năm Dự tu và ít là 1 năm sau khi tốt nghiệp Đại Chủng viện.

Như thế, trước khi chịu chức Linh mục, một ứng sinh đã được nghe và học biết bao điều tốt lành, nhưng tại sao khi trở thành linh mục, có những người không là mẫu gương cho cộng đoàn của mình, nơi này chỗ kia vẫn còn những linh mục có thái độ và nếp sống thế tục? Ngoài ra, trong những năm gần đây, còn rộ lên hiện tượng một số linh mục có nếp sống trái ngược với ơn gọi, gây gương xấu cho giáo dân và làm cho Giáo hội điêu đứng.

Câu trả lời cho vấn nạn quan trọng và phức tạp này không hề đơn giản, nhưng nói chung, xem ra vấn đề chính yếu là ý hướng đời dâng hiến và hành trình tu luyện của các ứng sinh linh mục, chưa đi vào chiều sâu của con người mà ngày nay kiến thức của các ngành khoa học nhân văn giải thích khá rõ ràng.

Công việc tu luyện nhằm biến đổi một con người, nên cần phải hướng tới sự toàn diện và đi vào chiều sâu của tâm hồn. Vì vậy, ngoài chương trình Thần học và Tu đức luôn được coi trọng, tôi còn quan tâm đặc biệt một số yếu tố chiều sâu sau đây:

a)      Thâm hiểu ý nghĩa cũng như những đòi hỏi của đời sống ơn gọi để chấp nhận với tất cả ý thức;

b)     Tăng cường nội lực: Cầu nguyện để kết hiệp với Chúa và lãnh nhận sức mạnh của Chúa là lý do và suối nguồn của cuộc đời và ơn gọi; Thinh lặng để tích lũy sức mạnh; Suy gẫm Lời Chúa để được chiếu soi cụ thể vào tư tưởng, tình cảm và ý chí;

c)      Nhận diện và sửa đổi các khuynh hướng tiềm ẩn trong tâm hồn;

d)     Ý tưởng: kiểm soát và biến đổi ý tưởng để quy hướng các ý tưởng về một mối;

e)      Tình cảm: luyện tập để thanh luyện và thay đổi tình cảm. Dùng ý chí để điều khiển tình cảm và dùng ý tưởng để thay đổi tình cảm;

f)      Ý chí: tăng cường sức mạnh của ý chí;

g)     Chữa lành vết thương nội tâm để cho tâm hồn được thanh thoát và tự do.

 

2.   Thủ bản hướng dẫn việc tu luyện

Ngay từ những ngày đầu trong nhiệm vụ, tôi luôn nhấn mạnh đến trách nhiệm của các chủng sinh phải tích cực trong hành trình biến đổi con người của mình. Cho dù có thầy dạy tài năng và thánh thiện, nếu một chủng sinh không thật tình đón nhận hướng dẫn của thầy và tự rèn luyện mình, chủng sinh đó cũng sẽ chỉ học được một số ý tưởng và tập được một vài thói quen mới, chứ con người không thực sự được biến đổi. Người thầy có thể có nhiều đệ tử, nhưng các đệ tử, khi mãn trường, có thể rất khác nhau. Điều này tùy thuộc phần lớn mỗi đệ tử. Do đó, việc huấn luyện và đào tạo phải đi liền với việc tự huấn luyện và tự đào tạo của mỗi chủng sinh.

Để hỗ trợ các cha giáo phụ trách việc huấn luyện và các chủng sinh trong việc tự huấn luyện chính mình, tôi thấy cần phải có một Thủ bản. Thủ bản này được đặt tên là “Đường hướng Huấn luyện Chủng sinh” và đáp ứng ba nhu cầu sau đây:

a)     Phản ánh trung thực giáo huấn của Giáo hội Hoàn vũ và những Chỉ dẫn của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về việc huấn luyện chủng sinh;

b)     Tính cách toàn diện và cụ thể, nghĩa là Thủ bản vừa phải gồm tóm tất cả các yếu tố nền tảng trong giáo huấn của Giáo hội về việc huấn luyện chủng sinh, vừa phải thích ứng với hoàn cảnh và nhu cầu riêng của Chủng viện cũng như của Giáo phận. Do đó, chương trình huấn luyện chủng sinh tại Đại Chủng viện Xuân Lộc không là bản sao của bất cứ chủng viện nào. Tôi thường chia sẻ là quý cha trong Ban Huấn luyện, có người du học Pháp, Rôma, Phi Luật Tân hay không du học nước nào. Mỗi nơi có những điều hay, nhưng cũng có điều không đáng bắt chước nên mỗi cha cần học “cái khôn” của nơi mình thụ huấn và góp tất cả lại làm thành “cái khôn” của mình.

c)     Là kết quả sự góp ý của Ban Huấn luyện. Để cho việc huấn luyện các chủng sinh đem lại kết quả, các cha trong Ban Huấn luyện không những cần là những vị thánh thiện, mà còn phải thống nhất trong đường hướng và phương thức huấn luyện.

Việc soạn thảo cuốn “Đường hướng Huấn luyện Chủng Sinh” đã đạt được ba yếu tố nói trên và được sắp xếp theo các đề mục sau đây:

-         Hành trình huấn luyện

-         Mục đích, tinh thần và chương trình huấn luyện

-         Chương trình huấn đức

-         Các đề tài huấn đức

-         Chương trình đào tạo trí thức

-         Chương trình năm thử

-         Chương trình năm mục vụ

-         Một số quy định

-         Hướng dẫn sinh hoạt đạo đức 

 

3.   Xây thêm cơ sở cho Đại Chủng viện

Đại Chủng viện Xuân Lộc là một Đại Chủng viện lớn, với số chủng sinh rất đông. Tôi vui mừng cảm nhận bầu khí Chủng viện an bình, đạo đức và các chủng sinh học hành và tu luyện theo chương trình đào tạo cách nghiêm túc.

Tôi đặc biệt chú ý đến số lượng rất đông các em có ý hướng theo đuổi ơn gọi linh mục và muốn gia nhập Đại Chủng viện. Tuy nhiên, hướng đến tương lai, có hai hiện tượng xã hội làm cho số lượng các em ao ước vào Đại Chủng viện có thể sẽ giảm sút.

Hiện tượng thứ nhất là luồng gió thế tục hóa của xã hội tân tiến. Những biểu hiện thế tục hóa tôi đã từng thấy ở các nước Âu Mỹ và tại một số nước châu Á, đặc biệt Nhật Bản và Thái Lan, tôi cũng thấy đang nhen nhúm tại Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Vì hiện tượng đông đảo các bạn trẻ ở thôn quê về thành phố do nhu cầu học tập hay công việc làm ăn và vì các phương tiện truyền thông đang phát triển nhanh chóng, luồng gió thế tục hóa sẽ sớm lan ra khắp nơi, kể cả các vùng thôn quê.

Hiện tượng thứ hai là não trạng gia đình 2 con. Những câu chúc như “Con đàn cháu đống”, “Đầu năm con trai, cuối năm con gái” đã biến mất từ lâu. Vào năm 1994, khi tôi về thăm Việt Nam, tôi thấy nhiều tấm bảng quảng cáo có hàng chữ “Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”. Bây giờ những áp phích quảng cáo đó xem ra dư thừa và lạc lõng, vì chẳng cần ai nói, hầu hết các đôi vợ chồng trẻ đều muốn gia đình chỉ có hai con. Đây thực sự là não trạng của thời đại.

Với hai hiện tượng xã hội trên, trong tương lai số lượng ứng sinh linh mục triều và dòng tu sẽ không thể dồi dào như hiện nay (năm 2010) và tình trạng hiện thời tôi suy đoán sẽ có thể kéo dài chừng 15 năm. Do đó, cần phải tìm cách để đón nhận các ứng sinh nhiều bao nhiêu có thể, đồng thời, cũng phải tìm phương thức đào tạo thích hợp nếu Đại Chủng viện tiếp nhận số lượng chủng sinh nhiều hơn.

Tôi suy nghĩ và muốn tìm cách giải quyết. Câu trả lời, đối với tôi, là phải xây thêm ngay cơ sở cho Đại Chủng viện để nhận thêm ứng sinh mỗi năm. Số ứng sinh được nhận vào Đại Chủng viện khi đó là 50 chủng sinh sẽ tăng lên thành 75 chủng sinh cho mỗi năm.

Với con số 75 chủng sinh dự trù cho mỗi năm, tổng số chủng sinh của Đại Chủng viện có thể lên tới hơn 500. Với số lượng đông đảo chủng sinh như thế, để việc đào tạo tại Đại Chủng viện đạt về “chất”, cơ cấu đào tạo cũng cần được thay đổi. Các sinh hoạt của Đại Chủng viện, thay vì dựa theo một chương trình chung cho toàn thể Đại Chủng viện như hiện nay, cần phải được tổ chức lại: một phần là sinh hoạt chung của Đại Chủng viện, một số sinh hoạt được tổ chức theo Ban (Ban Thần và Ban Triết), nhiều sinh hoạt khác được tổ chức dựa theo Lớp. Do đó, mỗi Lớp cần có nhà nguyện và nơi sinh hoạt riêng. Ngoài ra, mỗi Lớp có 3 cha đồng hành để có thể gần gũi với từng chủng sinh. Như vậy, số chủng sinh tuy đông, nhưng việc đào tạo vẫn giữ được tính cách cá vị là đặc tính của việc đào tạo hiện nay.

Vẫn còn một vấn đề hóc búa cần được giải đáp thỏa đáng: xây thêm cơ sở, tốn bao nhiêu tiền bạc, nhưng sau này khi đức tin của giáo dân sa sút, số ơn gọi sẽ giảm thiểu như tại các nước Âu Mỹ hiện nay, thì những cơ sở xây thêm sẽ được sử dụng vào việc gì? Tôi suy nghĩ và thấy có hai lý do hậu thuẫn cho việc xây thêm cơ sở.

Lý do thứ nhất là nhờ có thêm cơ sở, Đại Chủng viện sẽ đào tạo thêm được gần 400 linh mục trong 15 năm và số linh mục đó sẽ giúp cho giáo dân gìn giữ đức tin vững mạnh hơn để chống trả lại cơn “sóng thần” thế tục hóa.

Lý do thứ hai, khi còn ít ơn gọi linh mục, Giáo phận sẽ sử dụng cơ cở đó cho việc đào tạo các tông đồ giáo dân. Như vậy, tuy có tốn tiền, nhưng Giáo phận sẽ nhận được rất nhiều ơn ích thiêng liêng và tông đồ.

Tôi trình bày dự án với tất cả những nhận xét và suy nghĩ trên cho Đức cha Chánh Đaminh Nguyễn Chu Trinh và Đức ông Tổng Đại diện VinhSơn Đặng Văn Tú. Các ngài đồng tình và chấp thuận dự án. Tôi cũng trình bày dự án này với các cha trong Ban Huấn luyện của Đại Chủng viện, tất cả Ban Huấn luyện đều đồng tâm nhất trí.

Được sự đồng tình và nhất trí của mọi người liên hệ, tôi trở về Rôma để tìm nguồn kinh phí cho dự án. Nhờ đã có những mối liên hệ quen biết trước đó, chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã tìm đủ kinh phí để Đức cha Đaminh và Đức ông VinhSơn có thể bắt đầu xây dựng công trình. Thế là ngôi nhà mới được hình thành và được dành cho Ban Triết, còn ngôi nhà cũ được dành cho Ban Thần và các sinh hoạt chung của Đại Chủng viện.

 

4.   Những dấu nhấn trong chương trình huấn luyện

Chương trình huấn luyện của Đại Chủng viện Xuân Lộc nhắm hướng dẫn, trợ lực các chủng sinh tu luyện để trở thành những Linh mục Hạnh phúc trong Ơn gọi và Hăng say, Nhiệt thành trong Sứvụ[2].

Trong chương trình đào tạo, mọi yếu tố phải được coi trọng vì tất cả được đan dệt hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, chương trình nào cũng cần phải có những dấu nhấn là trọng tâm, là điểm quy chiếu cũng như sức mạnh nối kết các yếu tố khác để làm cho tất cả trở thành một “tòa nhà” vững chắc. Dưới đây là một số dấu nhấn của chương trình đào tạo trong Đại Chủng viện Xuân Lộc:

a)   Say mến và nối nguồn Giêsu

Say mến và nối nguồn Giêsu, Đấng đã được Chúa Cha sai xuống thế gian để cứu chuộc nhân loại trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần là yếu tố nền tảng, là sức mạnh, là trung tâm điểm của tất cả nhịp sống đời chủng sinh hôm nay và linh mục mai sau.

Sau Tông huấn “Pastores Dabo Vobis” (Ta sẽ cho các ngươi những mục tử) của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nơi nơi đều nói đến việc huấn luyện toàn diện, bao gồm bốn chiều kích: Nhân bản, Thiêng liêng, Tri thức và Mục vụ. Tuy nhiên, nếu không có sức mạnh thống nhất và khả năng nối kết những chiều kích trên thành một thực tại hài hòa, mỗi chiều kích ấy sẽ kéo đi một hướng tùy theo sự quan tâm và nhạy cảm riêng của mỗi người. Khi đó, hành trình huấn luyện sẽ phiến diện, không quân bình, dễ biến chất, vì hành trình ấy mới chỉ mặc được “cái áo” tư tế mà chưa tạo được “cái lòng” mục tử.

Yếu tố có sức nối kết và quy tụ tất cả các chiều kích của hành trình huấn luyện thành một thực tại hài hòa là lòng say mến Chúa Giêsu. Đây là thứ tình yêu và niềm tin, nhờ mối tương quan cá vị với Chúa, dần trở thành nguồn ánh sáng dẫn dắt và nguồn sức sống nuôi dưỡng trọn cuộc đời chủng sinh hôm nay và linh mục mai sau. Nhờ đó, chủng sinh sẽ thoát ra khỏi những tính toán, so đo, những thú vui, dục vọng và đam mê vật chất, những tư lợi ích kỷ và những danh vọng hão huyền để nhìn cuộc đời cách quân bình và quy tụ mọi lực đẩy thành một thực tại hài hòa.

Nếu không luyện tập để con tim được hoàn toàn dành cho Chúa Giêsu, các ước mơ cao thượng của đời chủng sinh hiện tại và đời linh mục tương lai sẽ sụp đổ; những bận tâm về mình, về thú vui, lợi lộc trần gian và danh vọng hão huyền sẽ làm tiêu hao nhiệt huyết. Không quan tâm để trở nên một chủng sinh thuộc trọn về Chúa là một hiểm họa không tên, gây nên biết bao nguy hại cho Giáo hội, cho đoàn dân Chúa và cho chính bản thân mình. Tình trạng này lại càng nguy hại hơn trong hoàn cảnh ngày nay khi chủng sinh đang phải đối diện với sức mạnh lôi cuốn lớn lao của thế giới duy vật và dung tục cũng như với nhiều luồng tư tưởng đang gây phân hóa các tầng lớp xã hội và chính tâm hồn từng người.

Vì vậy, lòng say mến Chúa Giêsu phải là yếu tố nền tảng trong chương trình huấn luyện, cũng như trong suốt hành trình tu luyện của mỗi chủng sinh. Chính nhờ lòng say mến Chúa Giêsu mà mỗi chủng sinh sẽ hăm hở “nối nguồn Giêsu” và sẵn sàng hy sinh tất cả, miễn là được thuộc trọn về Chúa, sống với Ngài và sống cho Ngài đến độ có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).

Cũng chính nhờ lòng say mến Chúa Giêsu mà trong công việc tông đồ, Chúa Giêsu sẽ là món quà đầu tiên và quý giá nhất mà chủng sinh, linh mục muốn và vui mừng dâng tặng cho tha nhân (x. Lc 2,10-11; Cv 3,6). Tất cả các điều tốt lành khác đều là hoa trái của Quà Tặng tuyệt hảo này và không gì có thể so sánh hay thay thế được, đúng như lời thánh Phaolô nói trong thư gửi giáo đoàn Philipphê: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,7-9).

Để cảm nghiệm được niềm vui vì có Chúa Giêsu và ao ước trao tặng niềm vui này cho tha nhân, các chủng sinh được mời luyện tập nuôi dưỡng trong lòng sự hiện diện của Chúa Giêsu và sống thân tình với Người. Yếu tố tâm linh này được diễn tả bằng cụm từ “Nối nguồn Giêsu” và cụ thể hóa bằng chỉ dẫn tu luyện như sau: “Mỗi chủng sinh được khích lệ tìm giờ viếng Chúa Giêsu Thánh Thể và cầu nguyện riêng để có một nếp sống thân thiết với Chúa Giêsu, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần nhằm tiến đến cùng Chúa Cha, vì không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Con Một của Ngài (x. Ga 14,6-7)”. Nhà nguyện riêng của mỗi lớp tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc “Nối nguồn Giêsu”.

Chính vì lòng say mến Chúa Giêsu là yếu tố nền tảng trong chương trình huấn luyện, cũng như trong suốt hành trình tu luyện của mỗi chủng sinh, sứ vụ đầu tiên của quý cha giáo Đồng hành, nhất là quý cha Linh hướng, là làm cho lòng yêu mến Chúa Giêsu bừng cháy lên trong lòng mỗi chủng sinh để từ từ lan tỏa ra tất cả cuộc sống. Quý cha giáo Đồng hành sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong sứ vụ này, nếu quý cha biết hòa nhịp với lòng khát khao của Chúa Giêsu khi Ngài nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49). Tình yêu Chúa Giêsu giống như cục than hồng đang âm ỉ trong lòng các chủng sinh, cần được giữ gìn và làm cho bốc cháy lên thành ngọn lửa, chiếu sáng và sưởi ấm lòng mỗi chủng sinh.

b)      Thanh thoát trong việc sử dụng các phương tiện tân tiến

Để cảm nghiệm được niềm vui có Chúa và lòng khát khao dâng tặng Chúa cho tha nhân, cũng như sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Chúa muốn, sử dụng tất cả những gì mình có nhằm phục vụ Chúa và lo cho đoàn Dân Thánh Chúa, chủng sinh cần luyện tập được lòng thanh thoát với những thực tại trần gian, sẵn sàng từ bỏ tất cả vì Chúa, vì Nước Trời.

Trong mọi thời đại, việc luyện tập thanh thoát để có được sự tự do nội tâm, luôn lấy ba Lời khuyên Phúc âm (Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục) là điểm quy chiếu. Trong bối cảnh ngày nay, việc luyện tập cho lòng trí được thanh thoát, cần phải được áp dụng cách đặc biệt đến việc sử dụng các phương tiện di chuyển và truyền thông: xe máy, điện thoại di động, máy vi tính, tivi và các thiết bị có thể truy cập mạng.

Các phương tiện di chuyển và truyền thông có thể làm cho cuộc sống thêm phong phú và giúp ích rất nhiều cho việc tông đồ. Tuy nhiên, các phương tiện tân tiến đó có một sức mạnh thôi miên, dễ dẫn đến đam mê, làm bại hoại tâm hồn. Thay vì sử dụng chúng như phương tiện để hỗ trợ cuộc sống và loan báo Tin Mừng, nhiều người đã trở thành nô lệ cho chúng, khiến cuộc sống trở nên mệt mỏi và trống rỗng, ngăn cách họ trong các tương quan với tha nhân. Do đó, cần phải luyện tập cho lòng được thanh thoát và tự do, nhờ đó có thể sử dụng chúng một cách tích cực, như những phương tiện hỗ trợ việc loan báo Tin Mừng, mưu cầu ích lợi cho tha nhân và chính mình.

c)   Tình yêu mục tử và tinh thần truyền giáo

Khi về giáo phận Xuân Lộc và đảm trách nhiệm vụ Giám đốc Đại Chủng viện, tôi mang trong mình niềm vui được cùng quý cha Đồng hành trong Đại Chủng viện đào tạo những thế hệ linh mục “Hạnh phúc trong ơn gọi – Hăng say, nhiệt thành trong sứ vụ” nhờ có lòng say mến Chúa Giêsu đến độ dám “sống chết” cho Ngài và toàn tâm toàn ý cho công việc Ngài trao. Cũng chính nhờ lòng say mến Chúa Giêsu, các chủng sinh phải luyện tập để biết thương yêu đoàn Dân Chúa với tinh thần “mang vào mình mùi của chiên” (ĐGH. Phanxicô) và thao thức lo lắng để anh chị em lương dân được biết Chúa vì cảm thông được nỗi lòng của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành khi Ngài nói: Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” (Ga 10,16).

Cùng với tâm tình mục tử “mang vào mình mùi của chiên”, tôi còn luôn được thôi thúc bởi viễn tượng của một thế giới vẫn còn quá xa lạ với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của nhân loại. Ngay tại Việt Nam, sau gần 500 năm loan báo Tin Mừng, số người chưa nhận biết Chúa, vẫn còn hơn 90% dân số. Vì vậy, tôi quan tâm huấn luyện các chủng sinh trong Đại Chủng viện trở thành những linh mục có tinh thần truyền giáo, mang trong mình lòng khao khát đem Chúa Giêsu đến mọi anh chị em chưa biết Chúa và cụ thể sẽ có những chủng sinh tình nguyện đi truyền giáo các nơi trong nước và cả nước ngoài.

Trong tinh thần đó, tôi đã làm ngay những việc sau đây:

-         Tặng tất cả chủng sinh trong Đại Chủng viện, mỗi người một cuốn sách “Dân Làng Hồ”. Đây là cuốn Hồi ký truyền giáo kể lại lịch sử việc truyền giáo, nhất là tinh thần truyền giáo của các vị thừa sai đi thám hiểm và gieo hạt giống Tin Mừng ở các vùng đất xa xôi, hẻo lánh “rừng thiêng nước độc”mà ngày nay là vùng đất giáo phận Kontum.

-         Mời gọi các chủng sinh tình nguyện đi trải nghiệm tại vùng truyền giáo trong mùa hè. Cụ thể ngay trong mùa hè 2010, có 8 chủng sinh đã tình nguyện đi cộng tác trong việc truyền giáo tại giáo xứ Cái Rắn thuộc giáo phận Cần Thơ.

-         Xếp chương trình “Chúa Nhật Mục vụ”, để các chủng sinh đi tiếp cận mục vụ, trong đó có nhu cầu mục vụ truyền giáo.

-         Vì chưa thể đào tạo các chủng sinh đi truyền giáo, tôi đã xin phép Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo phận cho phép nhận vào Đại Chủng viện Xuân Lộc các chủng sinh của những giáo phận còn ít linh mục, giúp những giáo phận đó sớm có thêm linh mục cho cánh đồng truyền giáo của mình. Với tinh thần cộng tác truyền giáo đó, hiện nay tại Đại Chủng viện Xuân Lộc, có chủng sinh của 10 Giáo phận khác, ngoài giáo phận Xuân Lộc.

Việc tu luyện tựa như hành trình leo núi. Nếu người leo núi không cố gắng liên lỉ để trèo lên thì sẽ không thể đứng yên tại chỗ, nhưng sẽ bị tụt xuống. Vì vậy, để thực hiện lý tưởng đã đặt ra, toàn thể Đại Chủng viện, bao gồm quý cha trong Ban Huấn luyện cũng như các chủng sinh phải thường xuyên “nối nguồn Giêsu” để được tăng cường nội lực, giữ vững sự quyết tâm và lòng hăng say tiến bước.

Trong hành trình leo núi, còn cần đối chiếu hành trình đang tiến bước với những chỉ dẫn cụ thể trong cuốn “Đường hướng huấn luyện chủng sinh”, đã được soạn thảo cẩn thận, rút tỉa những phần tinh anh trong giáo huấn của Giáo hội hoàn vũ, cũng như những chỉ dẫn của Hội Đồng Giám mục Việt Nam. Thêm vào đó, cuốn “Đường hướng huấn luyện chủng sinh” còn được chiếu soi bởi kinh nghiệm quý báu của các thế hệ đã đi trước. Với những nguồn trợ lực trên, hành trình huấn luyện của Đại Chủng viện sẽ luôn được vững vàng, hầu cống hiến cho các Giáo phận liên hệ những thế hệ linh mục “Hạnh phúc trong Ơn gọi và Hăng say, Nhiệt thành trong Sứ vụ”.



[1] Việc chuẩn bị các ứng viên lên chức Linh mục và Đời Thánh hiến, các ngôn ngữ gốc Latinh dùng từ Formatio (Formation, Formazione); tiếng Việt dùng hai thuật ngữ: Huấn luyệnĐào tạo. Trong Doanh Nghiệp (x. Institute of Coaching McLean) hai thuật ngữ này (Huấn luyện = Coaching Đào tạo = Training) được sử dụng để chỉ hai động tác đối với hai loại đối tượng khác nhau. Huấn luyện (Coaching) nhắm đến nhóm người lãnh đạo, giúp họ hiểu biết sâu sa hơn về chính mình và xây dựng kế hoạch hành động để có khả năng vượt qua các giới hạn và đạt được mục tiêu đề ra. Huấn luyện viên tìm cách truyền cảm hứng, kích thích tư duy và sáng tạo mong cho người thụ huấn tựphát huy tối đa tiềm năng riêng của mình để có khả năng đáp ứng các hoàn cảnh khác nhau. Đào tạo (Training) nhắm truyền đạt cách có hệ thống các kiến thức và kỹ năng thực hành liên quan đến một nghề nghiệp cụ thể và giúp học viên có thái độ và hành vi thích hợp với công việc đảm nhận. Theo những ý niệm này, ta cần dùng cả hai thuật ngữ Huấn luyệnĐào tạo mới diễn tả đủ công việc làm trong Chủng viện. Tuy nhiên, thuật ngữ Huấn luyện diễn tả được nhiều hơn việc biến đổi con người trong hành trình tu luyện của chủng sinh.

[2] - Hạnh phúc: Hạnh phúc không phải là thú vui hay thoả mãn xúc cảm, nhưng là tình trạng nội tâm của một linh mục mà lòng được đầy tràn hạnh phúc vì có Chúa và vì được là linh mục của Chúa, chứ không phải vì thành công, chức quyền, danh vọng hay vì tiền bạc, của cải.

- Hăng say, nhiệt thành trong sứ vụ: toàn tâm, toàn trí, toàn sức cho sứ mệnh được trao phó, cho dù không thích. Có những người hăng say và nhiệt thành thực hiện những điều mình ưa thích, nhưng trong chính sứ vụ được trao phó lại có thái độ lơ là, làm cho qua hoặc lòng trí ở nơi khác.

 

CHIA SẺ BÀI VIẾT
TIN LIÊN QUAN

THÔNG BÁO

VĂN KIỆN GIÁO HỘI

LIÊN KẾT NHANH

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Cổng Thông Tin Điện Tử Giáo Phận Xuân Lộc
Thánh Lễ Trực Tuyến
Vatican News
Bài Ca Mới
Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Tin Vui Xuân Lộc
Ban Văn Hoá. Gp Xuân Lộc
Youtube Gp. Xuân Lộc