Hồi ký Đồ Gốm - Chương 10 : GIÁO PHẬN – THÁNH ĐỊA LÒNG THƯƠNG XÓT
Chương X
GIÁO PHẬN – THÁNH ĐỊA LÒNG THƯƠNG XÓT
Các chương trình mục vụ, nếu muốn đạt hiệu quả, trước tiên phải khơi nguồn những yếu tố thiêng liêng là sức mạnh nuôi dưỡng và là động lực thúc đẩy, nâng đỡ các hoạt động, nhằm hướng tới mục đích. Sau những yếu tố thiêng liêng là các điều thực hành, được sắp xếp cách hợp lý để hỗ trợ và bổ túc cho nhau. Sau cùng, cần có tác động để quy tụ sức lực, gây hứng khởi và thúc đẩy mọi thành phần trong Giáo phận cùng chung tay thực hiện.
Những điều nói trên được trình bày qua ba đề tài sau đây:
- Giáo phận với chất Lòng Thương Xót
- Những sinh hoạt mục vụ của Lòng Thương Xót
- Ngày Giáo phận
1. Giáo phận với chất Lòng Thương Xót
a) Lòng Thương Xót: Sức mạnh quy tụ và kết nối
Trong sứ vụ là Giám mục Giáo phận, tôi ý thức phải hướng dẫn Giáo phận trở thành Cộng đoàn: Thánh thiện, Hiệp nhất, Bác ái và Truyền giáo. Câu hỏi được đặt ra cho tôi là lấy yếu tố nào làm sức mạnh nối kết bốn chiều kích trên về cùng một mối, để chúng hiện hữu như bốn khía cạnh của một thực tại chứ không phải bốn thực tại ghép lại gần nhau, bên cạnh nhau.
Câu trả lời tôi suy gẫm và nuôi dưỡng trong lòng và đã diễn tả trong Lời Chủ Chăn tháng 02 năm 2021 như sau: “Được ơn Chúa Thánh Thần soi sáng và thúc đẩy, tôi chọn linh đạo Lòng Thương Xót làm định hướng và linh hồn cho mọi chương trình mục vụ Giáo phận. Đây không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên, nhưng là một xác tín đã được thành hình qua những năm tháng ở Rôma, được chiêm ngắm và cảm nghiệm, từ một cự ly rất gần, những bước chân mục tử của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.”
b) Sứ điệp và Thư chung
Viễn tượng về giáo phận Xuân Lộc như một Giáo phận thấm nhuần chất Lòng Thương Xót đã được tôi bày tỏ nhiều lần qua những Sứ điệp, Thư chung cũng như những lần thăm viếng mục vụ tại các giáo xứ và các cộng đoàn Dòng tu. Dưới đây, tôi chỉ ghi lại những điều đã được chia sẻ trong ba dịp đặc biệt.
i. Sứ điệp trong Thánh Lễ cầu nguyện cho sứ vụ Mục tử
Viễn tượng của Giáo phận thấm nhuần chất Lòng Thương Xót là sứ điệp đầu tiên tôi đã bày tỏ vào cuối Thánh Lễ cầu nguyện cho sứ vụ Mục tử ngày 31/05/2016: “Giáo phận Xuân Lộc chúng ta sẽ là nơi mọi người, kể cả anh chị em lương dân và di dân, đều cảm nghiệm được sự ngọt ngào của lòng thương xót và không ai không là chứng nhân của lòng Chúa thương xót. Nhờ đó, người nghèo, người đau khổ, bệnh tật, các cụ già neo đơn, các gia đình gặp khó khăn, những cha mẹ khổ đau vì con cái, sẽ tìm được sự cảm thông và an ủi, những người lỡ lầm vẫn được đón nhận và khích lệ để hối cải và biến đổi.”
Tiếp theo đó, tôi mời gọi: “Con cái Xuân Lộc, chúng ta hãy cùng nhau hăm hở cộng tác để biến các gia đình, các giáo xứ của chúng ta thành những cộng đoàn có chất lòng thương xót. Lời mời gọi này tôi xin đặc biệt gửi đến quý cha là những người anh em cùng chia sẻ sứ vụ Mục tử với tôi.” Sau đó, tôi xin mọi người, nhất là quý cụ cao niên và các anh chị em đau yếu bệnh tật, dâng những đau khổ đang gánh chịu, cùng với kinh nguyện, xin Đức Mẹ và Thánh Giuse, Quan thầy của Giáo phận, hướng dẫn và trợ lực mọi thành phần của Giáo phận trong hành trình sống và làm chứng cho lòng Chúa thương xót đối với mọi người.
ii. Thư chung Tuần Đại Phúc Lòng Thương Xót
Ngày 22 tháng 07 năm 2016, hai tháng sau Thánh Lễ cầu nguyện cho sứ vụ Mục tử, tôi đã gửi Thư chung tha thiết kêu mời toàn thể Giáo phận dấn thân sống Năm Thánh Lòng Thương Xót. Dưới đây là một phần nội dung Thư chung:
“Tôi muốn mời gọi toàn thể Giáo phận sống thời gian còn lại của Năm Thánh cách tích cực hơn nữa để các gia đình và toàn thể Giáo phận trở thành “một cộng đoàn hạnh phúc vì có Chúa Giêsu, và vì Chúa Giêsu, mở lòng mình đón nhận nhau và đón nhận mọi người, không phân biệt lương giáo, giàu nghèo..., (và để) mọi người, kể cả anh chị em lương dân và di dân, đều cảm nghiệm được sự ngọt ngào của lòng thương xót và không ai không là chứng nhân của lòng Chúa thương xót.”[1].
®1 Những khuôn mặt khổ đau và tội lỗi
Một điều làm tôi lo lắng và trăn trở là trong xã hội hôm nay, có quá nhiều người đau khổ và nhiều người gây ra tệ nạn. Họ thuộc mọi thành phần, mọi tầng lớp trong xã hội.
Có lần tôi đi viếng Đức Mẹ Lộ Đức, khi đang quỳ, nhắm mắt cầu nguyện trước hang đá nơi Đức Mẹ đã hiện ra, bỗng tôi nghe thấy những tiếng la hét đau đớn làm quặn lòng. Đó là tiếng la hét của các bệnh nhân được gia đình đưa đến viếng Đức Mẹ để xin ơn an ủi và ơn chữa lành. Trong giây lát, hình ảnh của thế giới đau khổ và tội lỗi, với đủ loại những khuôn mặt, hiện lên trong đầu óc tôi. Đó là những em bé mất cha, thiếu mẹ hay tệ hơn nữa, các em bị hất hủi, bỏ rơi; những thanh niên thiếu nữ sống lây lất, vô định hướng hoặc chạy theo những đam mê, tật xấu; những đôi vợ chồng với con tim nát tan, vì tình yêu tan vỡ; những gia đình ăn bữa trưa, lo bữa tối; những người cha người mẹ có con hư thân, lêu lổng, nghiện ngập; các cụ già sống trong cô đơn, tủi nhục, phận đời hẩm hiu, tuyệt vọng, không nơi nương tựa, không ai an ủi; những người đau yếu bị những chứng bệnh nan y vô phương chữa trị, hoặc gia đình nghèo, không có tiền chạy thầy chạy thuốc; những nạn nhân của bất công, áp bức, chiến tranh; những người bị giam cầm trong tù ngục trên khắp thế giới; những người bị xỉ nhục, bị khinh bỉ; những người già trẻ, lớn bé, nô lệ cho tiền bạc, quyền lực và dục vọng; những người đã gây ra các tội ác và đang bị lương tâm cắn rứt...
Đau khổ và tệ nạn là dấu hiệu và hậu quả của sự dữ đang lan tràn khắp nơi trên thế giới. Con người không những đau khổ, mà còn cảm thấy bất lực trước nỗi khổ đau của chính mình và người xung quanh. Có những người làm điều dữ, nguy hại cho tha nhân, với đầy tính toán, có khi còn thấy vui thú trong sự ác. Tuy nhiên, dù yếu đuối và dễ nghiêng chiều về sự dữ, lòng con người luôn khắc khoải hướng đến sự thiện và tìm nguồn trợ lực. Đây là tình trạng đã được thánh Phaolô nói tới trong thư gửi tín hữu Rôma: “Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm... khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay... Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Rm 7,18-25).
Câu hỏi và câu trả lời cuối cùng của đoạn trích dẫn là cánh cửa hé mở dẫn đưa con người vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
®2. Chúa Giêsu chạnh lòng thương (x. Mt 9,35) và công bố Năm Hồng Ân (x. Is 61,2)
Nếu chỉ nói đến những người đau khổ và sức mạnh của sự dữ thì có gì đặc biệt? Sứ điệp độc đáo và tuyệt vời mà Giáo hội được ủy thác để làm vang dội trên khắp mặt đất là Thiên Chúa yêu thương nhân loại tội lỗi và Ngài đã chiến thắng sức mạnh sự dữ. Ngài xót thương và tìm mọi cách để cứu chuộc nhân loại. Lịch sử ơn cứu độ đã bắt đầu từ Thiên Chúa. Ngay cả trước khi loài người ngẩng đầu kêu van cầu cứu, Thiên Chúa đã quyết định cứu rỗi nhân loại. Khi loài người phản nghịch chống đối Thiên Chúa và lầm lũi bước đi trong sự dữ, chính Thiên Chúa đã hứa ban ơn cứu độ (x. St 3,15). Thiên Chúa “yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Người Con Một đó là Chúa Giêsu Kitô, Đấng được sai đến để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa...; yên ủi mọi kẻ khóc than, tặng cho những kẻ khóc than ở Sion tấm khăn đại lễ thay tro bụi, dầu thơm hoan lạc thay tang chế, áo ngày hội thay tâm thần sầu não” (Is 61,1-3; x. Lc 4,16-22).
Loài người tự mình không có khả năng chống lại sự dữ, và nếu không có Chúa, thì tuy sống cũng như đã chết. Đây chính là lý do của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Tôi muốn ghi lại nơi đây đôi điều tôi đã chia sẻ trong bài giảng Lễ Khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Nhà thờ Chánh Tòa, ngày 12/12/2015:
“Biểu tượng Năm Thánh Lòng Thương xót vẽ hình Chúa Giêsu đang vác trên vai một người chân tay và tất cả thân hình mềm nhũn, như thể không có xương, không còn sức sống, nhưng quấn mình vào Chúa Giêsu. Trong khi đó, Chúa Giêsu dùng hai cánh tay của Người để giữ và dùng sức mạnh của hai cánh tay để ghì chặt người đó vào mình, như thể Chúa Giêsu đang truyền sức sống của Chúa sang người đó, để người đó được sống. Hình ảnh này gợi lại trong tâm trí chúng ta lời mời gọi rất quen thuộc của Chúa Giêsu: “Hỡi tất cả những ai đang mệt mỏi và vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Đó là lời mời gọi hãy ngụp lặn trong tình xót thương, tha thứ của Chúa để được sống và sống sung mãn (x. Ga 10,10).
Tuy nhiên, thảm trạng của thời đại chúng ta là nhiều người không nhận ra mình chẳng còn sức sống và đã mất bộ xương chống đỡ thân mình. Nhiều người đang sống, nhưng thực ra đã chết. Nhiều người khác biết mình kiệt sức, nhưng lại chẳng muốn đến với Chúa và lắm khi còn chạy trốn Chúa vì sợ Ngài. Câu chuyện tổ tiên loài người trong vườn địa đàng vẫn còn tiếp tục tái diễn. Sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, Thiên Chúa đến tìm và hỏi vì sao lẩn trốn, ông Ađam đã trả lời: ‘Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn’ (St 3,8-10).
Vì xa cách Chúa, lòng người ra chai đá; vì xa cách Chúa, cuộc đời ra thê lương, cằn cỗi; vì xa cách Chúa, các tương quan mất đi chất người; vì xa cách Chúa, người ta không còn nhìn người khác như anh chị em, nhưng chỉ như nguồn lợi, như người xa lạ hay như kẻ thù nghịch; vì xa cách Chúa, người ta không còn cảm thông được với nhau, nhiều khi ngay cả giữa những người thân thiết, ruột thịt.
Lòng thương xót trời bể của Chúa sẽ mở lòng, mở trí, giúp chúng ta không sợ nhìn sự thật lòng mình và còn tin tưởng vươn lên. Không có lỗi lầm nào có thể lớn hơn, mạnh hơn lòng thương xót, nhân từ của Chúa. Qua nhiều nẻo đường và nhiều cách thức, Chúa thiết tha mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài, hãy để cho lòng thương xót của Ngài rỉ rả rót vào tâm hồn và tưới mát con tim thì cuộc sống sẽ sung mãn và hạnh phúc hơn. Không có tình trạng lầm than nào mà lòng nhân từ của Chúa lại không có khả năng làm cho nên mới mẻ và tươi sáng; không có tâm hồn nào khô cằn đến độ lòng nhân từ xót thương của Chúa không thể làm cho trở nên mầu mỡ. Chỉ cần tin tưởng vào tình thương yêu, vào lòng thương xót của Ngài và chạy đến với Ngài thì sẽ được sống.”
®3. Giáo phận Xuân Lộc đón nhận và thông truyền Lòng Thương Xót của Thiên Chúa
Tin Mừng thánh Matthêu ghi lại: “Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt và Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về" (Mt 9,36-38).
Hôm nay Chúa cần một đoàn ngũ đông đảo các môn đệ đi đến khắp nơi, gieo rắc lòng thương xót của Ngài vào tận các hang cùng ngõ hẻm, đem niềm vui đến cho những người sầu muộn, băng bó vết thương cho những tấm lòng tan nát, trao tặng những kẻ khóc than tấm khăn đại lễ, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa cho những con người lỡ lầm, đang quằn quại trong vũng lầy của tội lỗi (x. Is 61,1-3a). Đây là những môn đệ loan báo sứ điệp “Lòng Chúa Xót Thương” mà chính họ đã cảm nhận. Lời nói của người môn đệ phải phát xuất từ một kinh nghiệm đức tin đã trải nghiệm và luôn gắn liền với cuộc sống của họ.
Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được con cái giáo phận Xuân Lộc hân hoan đón nhận, vừa như ân huệ, vừa như sứ mệnh. Nhờ đó, nơi Giáo phận “mọi người, kể cả anh chị em lương dân và di dân, đều cảm nghiệm được sự ngọt ngào của lòng thương xót và không ai không là chứng nhân của lòng Chúa thương xót.”
Trong khi chúng ta tận dụng mọi cơ hội để cảm nghiệm được khuôn mặt nhân ái của Chúa Giêsu, Đấng chạnh lòng thương khi thấy dân chúng vất vưởng, lầm than không người chăn dắt (x. Mt 9,34-35), chúng ta hãy trở thành hiện thân của lòng thương xót để qua chúng ta, Chúa có thể bày tỏ tấm lòng nhân từ, thương xót đối với mọi người.
Sứ mệnh là chứng nhân, là hiện thân của lòng thương xót của Chúa đòi chúng ta phải biết “chạnh lòng thương” như Chúa, và phải biết chấp nhận những đau khổ do sứ mệnh này gây ra cho mình. Sứ mệnh này đòi phải trả bằng một giá rất đắt. Sách Tin Mừng thánh Marcô kể lại dụ ngôn những người làm vườn nho sát nhân để nói lên sức mạnh lòng thương xót của Thiên Chúa đối với loài người tội lỗi (x. Mc 12,1-12): Ông chủ cho một nhóm người thuê vườn nho của ông. Đến mùa thu hoạch, ông sai đầy tớ đến nhận phần hoa lợi, nhưng những người làm thuê chửi mắng, làm nhục và đuổi người đầy tớ về. Ông chủ lại sai đầy tớ khác, nhưng những người làm thuê cũng đối xử như thế. Ông chủ không nản chí, cứ tiếp tục gửi thêm các đầy tớ khác, nhưng người thì họ hành hạ, người thì họ giết. Cuối cùng, ông chủ gửi chính cậu con một của ông. Nhưng họ cũng không kiêng nể, mà giết ngay cả cậu con một của ông chủ.
Dụ ngôn trên đây cho thấy cuộc đọ sức giữa tình yêu tha thứ, xót thương của Thiên Chúa và sự độc ác, bất công của lòng dạ loài người được diễn tả qua những người làm thuê. Cuối cùng thì lòng thương xót của Thiên Chúa chiến thắng. Nhưng để đạt được cuộc chiến thắng đó, các chứng nhân lòng thương xót phải chấp nhận để cho Thiên Chúa sử dụng mà thi thố lòng thương xót của Ngài.
iii. Thư chung lễ Giáng Sinh 2016
Lòng mong ước thấy Giáo phận thấm nhuần chất Lòng Thương Xót được tôi nhắc lại trong Thư chung dịp lễ Giáng Sinh năm 2016, qua đó tôi cũng mời gọi mọi người cộng tác thực hiện:
“Mới đây, tôi đi tham dự Đại hội Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) được tổ chức tại Negombo, thuộc Tổng Giáo phận Colombo, Sri Lanka… Một điều làm tôi đặc biệt chú ý là lời phát biểu của Đức Hồng y Malcolm Ranjith, Tổng Giám mục Colombo về thành phố Negombo. Ngài nói: ‘Tại Negombo dân chúng đa số là Công giáo (70%), còn lại là tín đồ Phật giáo, Hồi giáo và một vài Tôn giáo khác. Trong suốt 30 năm nội chiến, Negombo không hề có một thiệt hại về nhân mạng, nhà cửa và vật chất. Negombo được coi là một thánh địa. Bất cứ ai đến Negombo đều được an toàn’.
Lời
phát biểu trên đây đã làm tôi nghĩ ngay về giáo phận Xuân Lộc và nhớ đến ước mơ
mà tôi đã thổ lộ cuối Thánh Lễ cầu nguyện cho sứ vụ Mục tử của tôi. Tôi mơ ước
‘Giáo phận Xuân Lộc chúng ta sẽ là nơi mọi
người, kể cả anh chị em lương dân và di dân, đều cảm nghiệm được sự ngọt ngào của
lòng thương xót và không ai không là chứng nhân của lòng Chúa thương xót. Nhờ
đó, người nghèo, người đau khổ, bệnh tật…, sẽ tìm được sự cảm thông và an ủi;
những người lỡ lầm vẫn được đón nhận và khích lệ để hối cải và biến đổi.’
Hôm nay tôi muốn nhắc lại ước mơ ấy và mong cho Lòng Thương Xót thấm đượm vào tim óc mọi người để ước mơ này trở thành ước mơ chung của cả Giáo phận; hãy cộng tác với tôi và hãy hành động với tôi, để biến ước mơ chung ấy trở thành hiện thực: làm cho Giáo phận chúng ta thành “Thánh địa Lòng Thương xót”. Xin anh chị em mở lòng đón nhận Hài Nhi Giêsu là quà tặng tình yêu của Thiên Chúa, để trở nên sứ giả Lòng Thương Xót cho mọi người mà trước tiên là chính gia đình mình. Cuộc sống vốn nhiều lo toan vất vả, mỗi người trong gia đình hãy tôn trọng, cảm thông với nhau, nói với nhau lời ‘cám ơn’, ‘xin lỗi’; dành cho nhau sự ân cần phục vụ và trao cho nhau những ánh mắt dịu dàng, những nụ cười tươi vui. Những hành vi, cử chỉ yêu thương đó dù nhỏ bé vẫn tạo nên sự ấm áp và gia tăng nghị lực cho nhau. Khi biết cư xử yêu thương trong gia đình, chúng ta sẽ biết sống yêu thương, nhân hậu với tất cả mọi người.
Nếu mỗi người cùng thắp lên một tia sáng của lòng nhân ái, của lòng thương xót, thì trên mảnh đất của Giáo phận chúng ta sẽ bùng lên một ngọn lửa sáng ngời của Tình Yêu, có sức lan tỏa vào tận hang cùng ngõ hẻm, chiếu soi những nơi tăm tối.
Ước chi trên mảnh đất giáo phận Xuân Lộc, mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận cũng như mọi người thuộc các Tôn giáo bạn hay không thuộc tôn giáo nào, mọi tầng lớp xã hội, tất cả đều ‘có lòng’ với nhau; mỗi người sẽ tùy khả năng và chức vụ của mình mà thi thố lòng thương xót, xây đắp hạnh phúc cho tha nhân để biến mảnh đất giáo phận Xuân Lộc thành một ‘thánh địa’ của lòng thương xót”.
2. Những sinh hoạt mục vụ của Lòng Thương Xót
a) Những chủ đề mục vụ
Những ý tưởng hay và có ý nghĩa nếu không được áp dụng thành những hành động cụ thể, sẽ mãi chỉ là những ý tưởng. Do đó, bên cạnh nền tảng thiêng liêng trên đây, tôi cũng mời quý cha trong Ban Tư vấn và quý cha Quản hạt cùng suy nghĩ để đề nghị một chương trình sinh hoạt Mục vụ cho Giáo phận.
Các sinh hoạt Mục vụ được đề nghị một đàng nhằm thực hiện linh đạo Lòng Thương Xót là sắc thái riêng của giáo phận Xuân Lộc, đàng khác, cũng diễn tả tinh thần hiệp thông với Giáo hội Việt Nam, hướng tới hai đối tượng mục vụ đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam quan tâm là Gia đình và Giới trẻ.
Mỗi năm đều có một chủ đề và những hướng dẫn mục vụ riêng hướng đến viễn tượng một Giáo phận có chất Lòng Thương Xót đến độ có thể được định nghĩa là “Thánh địa Lòng Thương Xót”. Dưới đây tôi ghi lại chủ đề của các Năm Mục vụ, nhưng về các sinh hoạt mục vụ, tôi chỉ ghi lại những hướng dẫn mục vụ cho Năm Thánh Lòng Thương Xót và năm 2020 – 2021 là năm bắt đầu và năm kết thúc sứ vụ Giám mục Chính tòa của tôi v.v. Sau đây là các chủ đề Mục vụ:
- Năm Thánh Lòng Thương Xót: “Thương Xót như Chúa Cha”.
- Năm 2016 – 2017: “Gia đình hãy là dấu chỉ Lòng Thương Xót của Chúa – Chuẩn bị người trẻ bước vào hôn nhân”.
- Năm 2017 – 2018: “Gia đình hãy là dấu chỉ Lòng Thương Xót của Chúa – Đồng hành với gia đình trẻ”.
- Năm 2018 – 2019:“Gia đình hãy là dấu chỉ Lòng Thương Xót của Chúa – Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”.
- Năm 2019 – 2020:“Gia đình và Giới Trẻ hãy là chứng nhân của Lòng Chúa Thương Xót – Người trẻ tiến tới sự trưởng thành toàn diện”.
- Năm 2020 – 2021:“Gia đình hãy trở nên mái ấm của Lòng Chúa Thương Xót – Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình”.
b) Những hướng dẫn mục vụ tiêu biểu
Năm Thánh Lòng Thương Xót
i. Những gợi ý trong cử hành phụng vụ và các việc đạo đức
- Trong các Thánh Lễ Chúa Nhật, phần Lời Nguyện Chung, thêm ý cầu nguyện cho anh chị em đau khổ phần hồn phần xác và cho người có tội được ơn ăn năn trở lại. Cần ý thức hơn khi đọc Kinh “Thương người có mười bốn mối”.
- Trong Tuần Đại Phúc, các cha giải tội được ủy quyền tha vạ những người tham dự hoặc tổ chức đám cưới không có phép của Giáo hội.
- Xin các cha xứ đón nhận các tín hữu đang sống trong hoàn cảnh hôn nhân-gia đình trục trặc, nhiệt thành giúp họ giải quyết các vướng mắc hôn nhân dưới ánh sáng Luật Chúa và Luật Giáo hội. Trường hợp nào vượt quá thẩm quyền của mình, xin cha xứ giới thiệu lên Tòa Giám mục.
- Tại các gia đình (giờ cầu nguyện gia đình), tại Giáo xứ (giảng lễ, giờ giáo lý, buổi hội họp của các giới, các đoàn thể…), và tại các cộng đoàn Dòng Tu: đọc và suy niệm Lời Chúa, đặc biệt các dụ ngôn và giáo huấn về lòng thương xót để tiếp nhận ánh sáng chiếu soi cuộc sống hằng ngày. Ban Nghiên Huấn của Giáo phận sẽ trợ giúp tài liệu.
- Lãnh ơn Toàn xá bằng việc viếng Nhà thờ đã được chỉ định là nơi hành hương và bằng cách làm “Việc Thương Người” (có thể theo những gợi ý dưới đây). Trong cả hai trường hợp, cần xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh cha.
ii. Gợi ý một số “Việc Thương Người” (thực hiện theo cá nhân, gia đình, hội đoàn, giáo xứ)
- Các cụ cao niên và bệnh nhân: dâng các hy sinh trong hoàn cảnh của mình cầu nguyện cho những người gặp khó khăn hay còn sống xa Chúa.
- Toàn thể cộng đoàn khích lệ, trợ lực việc hòa giải giữa các cá nhân, gia đình và tập thể.
- Viếng thăm và giúp đỡ những người nghèo, neo đơn, già yếu và bệnh nhân.
- Lưu tâm đến anh chị em di dân, tạo công ăn việc làm cho những người thất nghiệp.
- Áp dụng “Mười Bốn Mối Thương Người” vào thực tế, mỗi người trong Giáo phận sống tốt hơn nữa trong 4 loại môi trường, liên quan đến sự sống thể xác và tâm linh: môi trường tự nhiên, môi trường luân lý, môi trường giao thông và môi trường lao động.
§ Môi trường tự nhiên
Chúng ta lưu ý đến nước, đất, không khí, âm thanh và rừng.
- Nước: tiết kiệm nước; không làm ô nhiễm nguồn nước, không xả ra sông, suối những chất thải chưa xử lý; cẩn thận và có trách nhiệm đối với nguồn nước khi sử dụng phân bón sản xuất nông nghiệp.
- Đất: giữ gìn vệ sinh chung; không xả rác bừa bãi, không lạm dụng trời mưa đổ rác ra đường cho trôi sang hàng xóm hay gây nguy cơ nghẹt cống; không tùy tiện san lấp sông, suối, kênh, rạch để xây dựng nhà cửa; không đổ chất độc hại xuống đất, ngoài nơi quy định (nhớt đã sử dụng, nước axít…).
- Không khí: không xả khí độc, bụi khói…
- Âm thanh: mở âm thanh vừa đủ nghe để không làm phiền hàng xóm, không tùy tiện nhấn còi xe, rú ga inh ỏi.
- Rừng: bảo vệ rừng và động vật hoang dã.
§ Môi trường lao động
Chúng ta lưu ý đến trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh, buôn bán.
- Trồng trọt: sản xuất rau, củ, quả... đúng cách để góp phần bảo vệ an toàn thực phẩm cho mọi người. Do đó, không tạo ra “sản phẩm bẩn”; nếu phải dùng thuốc và hóa chất cho cây ăn trái, rau trồng thì dùng đúng loại, đúng lượng, đúng thời hạn để không gây nhiễm độc thực phẩm.
- Chăn nuôi: không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi.
- Kinh hoanh, buôn bán: luôn chân thật, ngay thẳng, không sản xuất, chế biến, buôn bán hàng giả, hàng bẩn, hàng độc hại.
§ Môi trường giao thông
Tôn trọng sinh mạng của mình cũng như của người khác khi tham gia giao thông; tôn trọng tín hiệu giao thông (đèn xanh, đèn đỏ…); sẵn sàng giúp đỡ người bị tai nạn giao thông; công bằng trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, và nhất là không vì va chạm giao thông mà gây ra hiềm khích, ẩu đả.
§ Môi trường luân lý
Mỗi người nỗ lực sống trung thực, coi trọng lương tâm; cộng tác tạo môi trường sống lành mạnh với làng xóm; thông tin với tinh thần trách nhiệm, tạo bầu khí yêu thương, xây dựng, tránh gây thù hận, chia rẽ; hướng dẫn con em mình trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông; không vô cảm nhẫn tâm trước nỗi đau khổ của người bên cạnh.
Mỗi giáo dân trong Giáo phận khuyến khích nhau và mời gọi cả anh chị em không chung niềm tin cùng thực hiện những “Việc Thương Người” cao quý này để miền đất giáo phận Xuân Lộc là nơi mọi người sống trong an bình hạnh phúc.
Năm Mục Vụ 2020-2021
Chương trình mục vụ năm nay như một dòng chảy tiếp nối hành trình sống đức tin và nhiệt thành làm chứng cho lòng Chúa thương xót, đã bắt đầu từ những năm qua, để Lòng Thương Xót của Chúa tiếp tục là ánh sáng chiếu soi và thấm nhuần vào tâm trí mọi người, làm cho các tương quan ứng xử đượm thắm tình yêu với nhau trong gia đình và nơi giáo xứ. Một khi đã được thấm nhuần lòng Chúa thương xót, chúng ta sẽ được thúc đẩy cùng nhau đem lòng thương xót của Chúa đến cho mọi người, nhất là những người nghèo, những người bệnh tật, những người đau khổ, cô đơn, các anh chị em di dân và lương dân, biến Giáo phận chúng ta thành thánh địa của lòng Chúa thương xót.
Chương trình mục vụ năm nay có ba yếu tố chính yếu: 1) Lòng Chúa Thương Xót. 2) Gia đình. 3) Người trẻ trong đời sống gia đình
Gia đình và người trẻ trong đời sống gia đình là đối tượng của chương trình và các hoạt động mục vụ; Lòng Chúa Thương Xót là linh hồn, là sức sống nuôi dưỡng đời sống đức tin của gia đình và người trẻ, đồng thời cũng là sức mạnh làm cho chương trình và các hoạt động mục vụ của Giáo phận được sinh động.
i. Khám phá Lòng Chúa thương xót
Tất cả mọi người được mời gọi không ngừng khám phá sự ngọt ngào và hương thơm ngào ngạt của lòng Chúa thương xót. Điều này bắt đầu bằng sự nhận ra mình là kẻ tội lỗi và yếu đuối, đồng thời cũng cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa vẫn tiếp tục bao bọc và che chở mình chính trong thân phận tội lỗi và yếu hèn của bản thân. Thánh Phaolô đã chẳng nói là “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa xót thương chúng ta” (Rm 5,8) đó sao? Từ kinh nghiệm về tình trạng tội lỗi và yếu đuối của mình, cùng với kinh nghiệm được Thiên Chúa xót thương, cứu chuộc và nâng dậy chính trong thân phận tội lỗi và yếu đuối đó, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh để hân hoan hoán cải và canh tân cuộc sống, đồng thời chúng ta cũng trở nên khiêm nhường, bao dung và kiên nhẫn hơn đối với tha nhân trước tình trạng bất toàn của họ.
Trong tinh thần này, xin các cha Chánh xứ, Quản nhiệm và Phó xứ đặc trách các giáo họ quan tâm tổ chức đón rước Linh ảnh Lòng Chúa Thương Xót sao cho sốt sắng và khơi lên nơi toàn thể Giáo xứ niềm hân hoan và vui mừng vì được Chúa thương xót, ngõ hầu tất cả sẽ tập sống thương xót lẫn nhau.
ii. Gia Đình và người trẻ trong gia đình là đối tượng trọng tâm của chương trình mục vụ
§ Gia đình
Gia đình là mục tiêu đầu tiên chúng ta nhắm đến trong năm mục vụ 2020-2021 với chủ đề: “Gia đình hãy trở nên mái ấm của Lòng Chúa Thương Xót”. Để thực hiện mục tiêu này, xin các gia đình nỗ lực thực hiện đặc biệt ba hành động thiêng liêng đạo đức sau đây:
- Bữa cơm gia đình trong lòng tri ân đối với Thiên Chúa và niềm vui thân ái đối với nhau. Mọi người trong gia đình hãy cố gắng dùng cơm chung và hãy bắt đầu bữa ăn bằng dấu Thánh Giá và lời kinh cảm tạ; xin tắt Tivi, tạm xa những thiết bị truyền thông (Iphone, Ipad…) để có thời giờ trò chuyện, chia sẻ với nhau những vui buồn trong ngày sống và để cảm thông với nhau.
- Sốt sắng tham dự Giờ kinh gia đình (Liên gia hay Tổ sống đạo) trong bầu khí lắng nghe và suy niệm Lời Chúa. Hằng tuần, Tòa Giám Mục sẽ phổ biến các trích đoạn Lời Chúa với những suy tư cô đọng làm chất liệu cho các giờ kinh gia đình hay giờ kinh liên gia, Tổ sống đạo, hoặc các nhóm nhỏ họp nhau cầu nguyện, để cùng nhau suy niệm mong được thấm nhuần lòng Chúa Thương Xót cho mình và gia đình.
- Thực hiện mỗi ngày những hành động của Lòng Thương Xót đối với nhau: quan tâm, chia sẻ, thông cảm, tha thứ, nói lời cám ơn, lời xin lỗi, v.v. Nhờ đó, các gia đình sẽ trở thành “Mái ấm của Lòng Chúa Thương Xót”, làm lan tỏa bầu khí yêu thương, vui tươi trong chính gia đình mình và toàn Giáo phận, nhất là cho người nghèo, người đau khổ, cô đơn, anh chị em di dân và lương dân.
§ Người trẻ
Người trẻ là hy vọng, là tương lai của gia đình, giáo hội và xã hội, nhưng cũng là đối tượng rất khó đối với việc chăm lo mục vụ. Xã hội hôm nay với biết bao tệ nạn, thú vui quyến rũ hoặc cũng vì công việc làm ăn hay học hành, các bạn trẻ đang bị lôi kéo xa lìa môi trường gia đình và giáo xứ. Trong khi chương trình mục vụ mời gọi các gia đình và các giáo xứ tìm phương thức thích hợp để quy tụ người trẻ, trong bầu khí hân hoan và đạo đức của Ngày Giáo Phận, tôi đã có lời riêng cho người trẻ của Giáo phận như sau:
“Những người trẻ yêu quý của giáo phận, hôm nay cha muốn nói với chúng con: Chính chúng con hãy giữ gìn mối tương quan mật thiết với gia đình và giáo xứ của chúng con. Cha mong ước chúng con sẽ là niềm hãnh diện cho giáo phận, giáo xứ và gia đình của chúng con. Chính chúng con phải là sứ giả đem niềm vui và lòng thương xót của Chúa đến cho ông bà, cha mẹ và anh chị em trong gia đình, cho các bạn trẻ của chúng con và cho mọi người trong xã hội. Các con hãy lãnh nhận sứ mệnh này với tất cả sự hãnh diện để trở nên tông đồ và đem lòng Chúa thương xót đến cho mọi người chúng con gặp gỡ và cùng sinh hoạt”
iii.Hòa giải các mối bất hòa
Những tiêu cực từ nếp sống của xã hội tân tiến đang ảnh hưởng nhiều đến gia đình, giáo xứ và xã hội, làm cho tương quan gia đình ra lạnh nhạt và thiếu tình nghĩa, thậm chí xung khắc và bất hòa.Với tinh thần lòng thương xót, cần khích lệ việc hòa giải giữa các cá nhân bất hòa trong gia đình, trong các nhóm hay trong Giáo xứ.
Tuần đón rước Linh ảnh Lòng Chúa Thương Xót có thể là cơ hội quý báu để thúc đẩy và giúp cho việc hòa giải trong các gia đình và nơi Giáo xứ.
Sau cùng, tôi xin ký thác việc thực hiện chương trình Mục vụ vào lời cầu nguyện và hy sinh của quý cha, quý thầy, quý nữ tu trong các đan viện, của anh chị em đang gánh chịu những thử thách phần hồn, phần xác và của quý cụ cao niên.
Còn đối với tất cả con cái của Giáo phận, xin luôn nhớ là: Chúa Giêsu xuống thế gian này, Ngài đã đem lửa tình yêu và lòng thương xót ném vào thế giới và Ngài khắc khoải biết bao cho ngọn lửa này được bùng cháy lên trong lòng mọi người (x. Lc 12,49-50). Con cái giáo phận Xuân Lộc, tất cả chúng ta hãy đón nhận lòng ao ước và khắc khoải của Chúa như là lòng khát khao và khắc khoải của chính chúng ta và chúng ta hãy nỗ lực cộng tác cùng với ơn Chúa để khơi lên ngọn lửa yêu thương và lòng thương xót mà Chúa đã đem xuống thế gian này.
Có nhiều trường hợp, ngọn lửa Lòng Chúa thương xót đang leo lét trong tâm hồn. Chúng ta cần hết sức tế nhị trong lời nói và hành động để ngọn lửa ấy không bị dập tắt và chúng ta hãy cố gắng cùng nhau khơi ngọn lửa ấy bùng cháy lên. Tất cả con cái Giáo phận, xin hãy nói cho nhau lòng khao khát khắc khoải của Chúa, làm sao cho ngọn lửa Ngài đã đem xuống thế gian này được bùng cháy lên trong gia đình, giáo xứ, môi trường sinh sống và hoạt động của chúng ta.
3. Ngày Giáo phận
Để thực hiện chương trình chung cho Giáo phận, ngoài việc đề nghị những hành động cụ thể và rõ ràng, còn cần phải có tác động thúc đẩy và huy động mọi thành phần Dân Chúa cùng bắt tay thực hiện. Điều này càng quan trọng hơn, khi ở bất cứ tổ chức nào, luôn có những người ngại bắt tay vào việc hoặc vì cảm thấy đã quá bận bịu với công việc vẫn đang làm, hoặc vì ngại những điều mới mẻ.
Để mừng Năm Thánh 2000, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã ấn định chương trình ba năm chuẩn bị với ba thông điệp về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, với các Thượng Hội Đồng Giám Mục cho các Châu lục và một Tông thư về Năm Thánh. Ấy thế mà vẫn có những Giáo phận bên Âu Mỹ không có chương trình cho Giáo phận cử hành Năm Thánh như thể không hay biết gì. Con tim của những Giáo phận đó như thể không hòa chung nhịp đập với Giáo hội hoàn vũ để cử hành Năm Thánh theo sự hướng dẫn của Tòa Thánh!
Chương trình Mục vụ hàng năm của Giáo phận đã được soạn thảo với sự góp ý của nhiều thành phần: quý cha trong Ban Tư Vấn, quý cha Quản Hạt và sau cùng của tất cả quý cha trong một buổi Thường Huấn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm trên đây, nếu chỉ soạn thảo chi tiết và rõ ràng chương trình mục vụ rồi công bố, thì không đủ mà còn cần một tác động quy tụ đông đảo mọi thành phần Dân Chúa của Giáo phận để khơi lên niềm hân hoan, hứng khởi, có sức thúc đẩy mọi người, có mặt cũng như vắng mặt, cùng nhau thực hiện. Đây chính là lý do của chương trình Ngày Giáo Phận.
Tôi rất vui mừng thấy chương trình này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của quý cha trong Ban Tư Vấn, quý cha Quản Hạt và sau đó, của tất cả quý cha để truyền đạt cho quý Tu sĩ và quý Chức cũng như mọi thành phần Dân Chúa. Nhờ đó, việc cử hành Ngày Giáo Phận mỗi năm đều quy tụ đông đảo mọi thành phần của gia đình Giáo phận, với sự tham dự của 70 – 80 ngàn người tề tựu về bên Mẹ Núi Cúi để khai mạc Năm Mục vụ, khởi đầu việc thực hiện chương trình Mục vụ đã được chuẩn bị.
Việc quy tụ đông đảo mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận đã khơi lên trong lòng mọi người, kể cả những người không tham dự trực tiếp, niềm hân hoan, phấn khởi trong đức tin, tình hiệp nhất và lòng nhiệt thành tông đồ, để dưới sự che chở của Đức Mẹ Núi Cúi, hăng say trao ban Lòng Thương Xót của Chúa cho nhau và cho mọi người, đặc biệt những người đau khổ, các anh chị em di dân và lương dân. Nhờ vậy, linh đạo Lòng Thương Xót đã thấm nhuần vào tâm tình và não trạng của đông đảo con cái Giáo phận và giáo phận Xuân Lộc có thể được biết đến là Thánh Địa Lòng Thương Xót.