NHỊP SỐNG GIÁO PHẬN

Đức Ông Vinhsơn Tổng Đại Diện Trình Bày Đôi Nét Về Giáo Phận Xuân Lộc Trong Ngày Đón Tiếp Đức Hồng Y Fernando Filoni

Mar 10 2015
2680
Đức Ông Vinhsơn Tổng Đại Diện Trình Bày Đôi Nét Về Giáo Phận Xuân Lộc Trong Ngày Đón Tiếp Đức Hồng Y Fernando Filoni:
Đức Ông Vinhsơn Tổng Đại Diện Trình Bày Đôi Nét Về Giáo Phận Xuân Lộc Trong Ngày Đón Tiếp Đức Hồng Y Fernando Filoni

Trọng kính Đức Hồng Y(ĐHY) Tổng Trưởng Bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các dân tộc

Trọng kính Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam

Trọng kính Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo,

Kính thưa Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương,
Giáo phận chúng con hân hoan kính chào ĐHY, Quý Đức Tổng, Quý Đức Cha, Quý Đức Ông đến thăm Giáo Phận Xuân Lộc. Cuộc viếng thăm quý báu này vừa biểu lộ lòng nhân ái đặc biệt của Tòa Thánh, của cá nhân ĐHY, dành cho Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt cho giáo dân Việt Nam mà Giáo phận Xuân Lộc chúng con được diễm phúc đại diện, vừa đem lại cho chúng con niềm phấn khởi xây dựng Giáo Phận ngày một thăng tiến, nhất là ĐHY đến với chúng con vào những ngày khởi đầu của Năm Thánh Kim Khánh Giáo Phận. Nhân dịp quý báu này, xin cho phép con được giới thiệu đôi nét về Giáo Phận, đặc biệt về người giáo dân:

I. TÌNH HÌNH GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
     Giáo phận Xuân Lộc được thành lập ngày 14.10.1965, tách từ Giáo Phận Sàigòn, với 164.144 giáo dân trong số 521.595 dân cư thuộc các tỉnh Long Khánh, Biên Hòa, Phước Tuy và thị xã Vũng Tàu.
      Tỉ lệ Công giáo 31,46%. Qua những biến cố thời cuộc, nhất là từ sau năm 1975, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu đã tiếp đón đồng bào cả nước đến lập nghiệp, đưa dân số lên tới 3.304.920 người vào năm 2005, trong đó có 975.033 giáo dân Công Giáo.
     Ngày 22.11.2005 Giáo Phận Xuân Lộc được Tòa Thánh tách một phần để lập nên Giáo Phận mới Bà Rịa với 224.758 giáo dân. Giáo Phận Xuân Lộc còn 758.275 giáo dân định cư trong địa bàn tỉnh Đồng Nai và huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương. Dân số Đồng Nai vẫn tăng và sinh hoạt xã hội cũng như Tôn giáo vẫn tiếp tục phát triển. Hiện nay có thể nhận thấy đôi nét đặc trưng về Giáo Phận Xuân Lộc như sau:
1. Số tín hữu: Theo thống kê tính đến ngày 30.09.2014, Giáo Phận Xuân Lộc có: 940.080 giáo dân sống trong 228.965 gia đình tại 248 giáo xứ và 29 cơ sở chờ lên giáo xư, với sự tham gia của 14.136 quý chức Ban Hành Giáo, 9.665 GLV do 02 Đức Giám Mục và 559 linh mục Triều - Dòng chăm sóc mục vụ, cùng với sự phục vụ của 2.113 tu sĩ nam nữ.
2. Sinh hoạt tôn giáo: Giáo Phận Xuân Lộc là một trong 26 giáo phận Công giáo tại Việt Nam. Hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ, Giáo Hội Việt Nam, trong đó có Giáo Phận Xuân Lộc, luôn nỗ lực sống Phúc âm trong hoàn cảnh thực tế: “Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống, một lỗi diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc; tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc” (thư chung HĐGMVN năm 1980).
- Từ năm 1965, Đức cố Giám mục tiên khởi Giuse Lê Văn Ấn đã tổ chức Ban Hành Giáo, kiện toàn hàng ngũ tông đồ giáo dân, thành lập các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành.
- Từ năm 1975, các hội đoàn công giáo tiến hành không có điều kiện sinh hoạt. Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng và các ĐGM kế nhiệm đã vận dụng Giới tính và ơn gọi đời sống hôn nhân  gia đình để liên kết, nâng đỡ nhau trong cuộc sống tôn giáo và xã hội. Đến nay các giới Cao Niên, Gia Trưởng, Hiến Mẫu, Giới trẻ và giới Thiếu nhi vẫn là hình thức sinh hoạt tập thể chính yếu. Ít năm gần đây một số đoàn thề Công giáo tiến hành đã được phép hoạt động trở lại như : Huynh đoàn giáo dân Đaminh, Legio Mariae, Khôi Bình, Cursilo, Tác viên Tin Mừng, … góp phần sinh động, hiệu quả cho sinh hoạt mục vụ và truyền giáo.
- Từ năm 1990, nhân dịp Ngân khánh thành lập Giáo phận, Đức cố GM Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật đã phổ biến chương trình Giáo lý chung cho toàn Giáo phận nhằm đào tạo toàn diện cho người tín hữu. 
- Sau Đại Hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh đã đẩy mạnh nổ lực đào tạo người giáo dân với kế hoạch Ngũ Niên (2011-2015) chuẩn bị mừng Kim khánh thành lập Giáo phận vào năm 2015 với chủ đề : “Canh tân đời sống đức tin để gia đình và giáo xứ thành gia đình của Thiên Chúa”
- Ngày 31.03.2014, Chính quyền tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho Giáo phận thành lập TRUNG TÂM ĐỨC MẸ NÚI CÚI tại xã Gia Tân I, huyện Thống Nhất, Đồng Nai: Đây là tin vui ĐGM thông báo và mời gọi mọi tín hữu trong ngoài Giáo phận tham gia xây dựng để cảm tạ Thiên Chúa, tôn vinh Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và để góp phần tái khám phá phẩm giá cao quý của con người, là “hình ảnh” (x. St 1,27) và là con Thiên Chúa (x. Ga 1,20).

II. THAM GIA SINH HOẠT GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO VÀ BÁC ÁI XÃ HỘI
A. Sinh hoạt giáo dục đào tạo:
1. Năm 2005, Giáo phận được phép mở Đại Chủng Viện để đào tạo các ứng viên linh mục cho các Giáo phận Bà Rịa, Đàlạt, Phan Thiết, Xuân Lộc và sau đó còn nhận thêm một số ứng sinh từ một số Giáo phận Miền Bắc. Năm học 2014-2015 này, ĐCV có 379 chủng sinh theo học, đến từ 10 Giáo phận. Trong tương lai có thể lên tới trên 500 ứng viên. Hằng năm Giáo phận có tổ chức thi tuyển ơn gọi từ lớp 10. Hiện nay, Giáo phận có 229 chủng sinh, 604 dự tu thuộc cấp III Trung học và 4 năm Đại học:
2. Dựa vào chính sách Xã hội hóa giáo dục của Nhà Nước:
a. Giáo phận đã mở trưởng nghề Trung cấp Hòa Bình. Trường đã đi vào hoạt động năm học 2012-2013. Tháng 10.2014 đã có 120 học viên tốt nghiệp. Năm học 2014-2015 chiêu sinh 790 học viên. Hiện nay trường có 1.180 học viên theo học 8 khoa với 18 ngành nghề khác nhau.
b. Các Dòng Tu đã mở các trường Mẫu giáo dân lập hiện có 25 trường của các dòng tu trên 272 trường trong tỉnh Đồng Nai và các “Nhóm Trẻ” phục vụ hàng chục ngàn cháu trong độ tuổi từ 3-5. Ước mong trong tương lai, Giáo phận và các Dòng Tu được tham gia công tác giáo dục đào tạo Văn hóa ở các cấp cao hơn vốn là mối quan tâm hàng đầu và sở trưởng của Giáo Hội Công giáo.
B. Sinh hoạt bác ái – xã hội: Bác ái là bản chất của người Công giáo nên Giáo phận luôn mời gọi và thúc đẩy các tín hữu sống yêu thương, nhất là đối với những người nghèo khó, khổ đau… Trong những năm vừa qua, Caritas Giáo phận đã tổng kết, ghi nhận một số sinh hoạt BAXH tại các Giáo xứ, Dòng tu và Giáo phận về các mặt: Khuyến học đào tạo – Chăm sóc bệnh nhân – Phòng chóng ma túy, giúp đỡ những em bị bệnh xã hội, chăm sóc bệnh nhân - bảo vệ sự sống – Xã hội hóa Giao thông – Bác ái từ thiện – Xóa đói giảm nghèo- phát triển Công tác bác ái xã hội khác.

III. CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO :
A. Những nỗ lực truyền giáo: vì xác tín Truyền giáo là sứ mệnh căn bản của Giáo Hội lữ hành (x. SL Truyền giáo, 2), nên Giáo phận luôn cố gắng hướng dẫn các sinh hoạt nhắm tới việc truyền giáo thông qua sự hiện diện của các linh mục, tu sĩ nơi các vùng truyền giáo, đào tạo người tín hữu thành những “nhà truyền giáo” tại chỗ và tích cực tham gia công cuộc truyền giáo:
1. Người giáo dân tại các giáo xứ, mặc dầu cuộc sống còn nhiều khó khăn, vẫn tích cực hỗ trợ công cuộc truyền giáo: cầu nguyện, thăm viếng, hỗ trợ tài chánh cho các giáo xứ nghèo, các điểm truyền giáo
2. Nét đặc biệt của các giáo xứ vùng kinh tế mới sau 1975 là : Những giáo dân đã tự quy tụ hình thành cộng đoàn tín hữu (lý do: theo chính sách Kinh tế mới, Linh mục và Tu sĩ không đi theo dân). Nhiều giáo dân đã tự dâng hiến nhà, đất cho cộng đoàn làm nơi thờ tự. Các Linh mục đã có nhiều sáng kiến đồng hành với những cộng đoàn tự phát này. Khi được nhà nước chấp thuận, Tòa Giám Mục mới có thể bổ nhiệm Linh mục đến ở với dân. Từ năm 2005 đến nay (2015), đã có 55 trong số 76 giáo xứ được thành lập xuất phát từ hình thức này. Riêng tại 29 địa điểm chưa được Nhà nước chấp thuận và các địa điểm tương lai còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn trong hình thành và sinh hoạt tôn giáo.
3. Các Linh mục, dưới sự điều động của các Đức Giám mục hăng say dấn thân vào công cuộc mục vụ và truyền giáo: Nhất trí cao với đường hướng mục vụ của Giáo phận, chấp nhận gian khổ của cuộc sống thực tế nhất là tại 97 giáo xứ được thành lập từ 1975, đồng hành với giáo dân, từng bước xây dựng tôn giáo đồng nhất trong toàn Giáo phận, tự bơi chải để xây dựng cơ sở giáo xứ. Đến nay, chừng 80% trong số 248 giáo xứ đã có nhà thờ, nhà xứ, nhà mục vụ tương đối ổn định.
4. Giáo phận có 171 tu sĩ nam và 1.938 tu sĩ nữ thuộc 74 Hội Dòng, Tu Hội Đời và Tu đoàn Tông Đồ đang làm việc trong Giáo Phận. Các tu sĩ này đã cộng tác với Giáo phận, góp phần đắc lực vào công cuộc mục vụ và truyền giáo, đặc biệt dưới hình thức mẫu giáo, nhóm trẻ và các việc bác ái từ thiện.
5. Từ năm 2013, Giáo phận đã chia sẻ công cuộc truyền giáo với các nơi qua nỗ lực ươm trồng ơn gọi truyền giáo, sai 05 Linh mục tham gia mục vụ truyền giáo ở ngoài Giáo phận. Các Dòng Nữ thuộc quyền Giáo phận và các Tỉnh Dòng tại Xuân Lộc đã sai 635 nữ tu làm việc ở ngoài Đồng Nai.
B. Thành quả Truyền Giáo :
Xét theo con số, còn hạn chế, nhưng xét theo ảnh hưởng trên môi trường xã hội chúng ta có thể ghi nhận : các giáo dân trong Giáo phận bằng cuộc sống gia đình, nghề nghiệp, xã hội, đã góp phần chuyển biến nhận thức và cải thiện mối quan hệ xã hội:
- Từ quan điểm tôn giáo là mê tín, dị đoan… đến nhìn nhận Tôn giáo là sinh hoạt của một bộ phận quần chúng nhân dân và còn tồn tại. Những thành quả kinh tế, xã hội hằng năm vẫn được nhìn nhận “có sự đóng góp tích cực của các chức sắc và bà con Công giáo”
- Từ ngộ nhận đạo Công giáo bỏ Ong Bà, Tổ tiên đi đến nghi kỵ, xa cách, nay đã gần thấy giá trị tích cực của lòng hiếu thảo Kitô giáo. Từ đó, anh em lương dân có thiện cảm, hợp tác, kính nể… “Tình làng – nghĩa xóm” ngày càng sâu đậm, thân thiện.
- Các địa bàn đông dân công giáo được nhìn nhận là ổn định, ít tệ nạn xã hội.
Niềm thao thức đi ra đem Tin Mừng cho dân tộc VN, cho những lương dân sống bên cạnh và những vùng xa đang là thao thức của Hai Đức Giám mục, của Linh mục đoàn và của mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận, nhất là trong tinh thần của Năm Thánh Kim Khánh Giáo phận và hậu kim khánh sau năm 2015 này.
Trọng kính ĐHY, kính thưa Quý Đức Cha, Quý Đức ông,
Bên cạnh một vài nét đẹp trong lịch sử hình thành và phát triển của Giáo phận Xuân Lộc trên đây, chúng con vẫn cảm thấy Xuân Lộc đang đứng trước những thách đố mới: xu hướng tục hóa, tiện nghi, hưởng thụ, ly hôn, nạo phá thai… đang tạo nên một nguy cơ đức tin và thách đố cho công cuộc truyền giáo.

Kính xin Đức Hồng Y, Quý Đức Tổng Giám mục, Quý Đức Cha và quí vị cầu nguyện, chúc lành và chỉ dạy cho chúng con.
Trân trọng kính chào Đức Hồng Y, Đức Tổng Giám mục và Quý vị

Linh mục Vinhsơn Đặng Văn Tú
Tổng Đại diện Giáo phận Xuân Lộc

CHIA SẺ BÀI VIẾT
TIN LIÊN QUAN

THÔNG BÁO

VĂN KIỆN GIÁO HỘI

LIÊN KẾT NHANH

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Cổng Thông Tin Điện Tử Giáo Phận Xuân Lộc
Thánh Lễ Trực Tuyến
Vatican News
Bài Ca Mới
Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Tin Vui Xuân Lộc
Ban Văn Hoá. Gp Xuân Lộc
Youtube Gp. Xuân Lộc