18/03/2024
161

CHÚA NHẬT THƯƠNG KHÓ

Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người
–X—
Lạy Chúa Giêsu, xin dìm chúng con trong chân lý tình yêu của mầu nhiệm Vượt Qua, để chân lý Chúadẫn dắt cuộc đời và tình yêu cứu độ Chúa thành sự sống nuôi dưỡng đời sống chúng con.
Lời Chúa:  Pl 2,6-11(mời đứng – đọc xong – mời ngồi)
Biến cố Chúa tiến vào Giêrusalem tiên báo Nước Thiên Chúa đang được Vua Mêsia hoàn thành bằng cuộc Vượt Qua của Người. Qua khổ đau và cái chết, Đức Kitô được tôn vinh và nhân loại được cứu độ. Đức Kitô hoàn tất lời Isaia đãloan báo về Người Tôi Trung của Thiên Chúa, Đấng gánh lấy sỉ nhục của nhân loại.[1]
Phụng vụ Tuần Thánh dẫn chúng ta đi vào thinh lặng để chiêm ngắm tình yêu không bến không bờ của Chúa. Tình yêu của một Thiên Chúa thánh thiện và vô tội, đã cúi xuống mang lấy tất cả tội lỗi của nhân loại và thiêu hủy nó trong tình yêu của Người. Trong những ngày này, chúng ta được dìm vào biển tình yêu Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng mà theo thánh ý của Chúa Cha, đã đến làm người, đã hiến mình đến chết vì chúng ta, đã mang tội lỗi chúng ta vào thân để đưa lên Thập giá (x. 1Pr 2,23). Chúa chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân. Đó là bằng chứng lớn lao của tình Chúa thương chúng ta (x. Rm 5,8).
  • Thinh lặng giây lát (tùy khả năng) rồi đọc lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa, chúng con thường chỉ nghĩ đến đau khổ nơi thân xác, mà ít khi nghĩ đến gánh nặng của tâm hồn mà Chúa phải đón nhận. Những âu lo, buồn phiền của cả nhân loại cộng lại, đã và sẽ không bao giờ bằng cuộc khổ nạn trong linh hồn của Chúa. Linh hồn của Chúa chứa đựng tất cả những đau khổ trong tâm hồn của mọi người chúng con.Chúa là Con Người và là Thiên Chúa, nên Chúa cảm thấy mãnh liệt hơn nỗi kinh hoàng khi phải đối diện với vực thẳm tội lỗi của con người và của những gì dơ bẩn trong nhân loại,mà Chúa phải mang lấy nơi bản thân và biến đổi nó trong tình yêu của Chúa.[2]
Xin Chúa cho chúng con cảm biết được những khổ đau nơi thân xác và trong tâm hồn mà Chúa phải đón nhận vì chúng con. Xin cho chúng con nhận biết tội lỗi chúng con, để khi ngước nhìn Thập giá, chúng con gặp được cái nhìn yêu thương của Chúa chạm đến con tim chúng con, khiến nó có thể bật lên tiếng khóc ân hận như Phêrô ngày nào gặp được cái nhìn của Chúa trong cuộc thương khó.
Khihôn kính Thánh giá là chúng con chạm đến bằng chứng tình yêu trọn vẹn mà Chúa dành cho chúng con. Từ Thập giá, Chúa nói với chúng con rằng: Chúa yêu chúng con biết bao và mỗi người chúng con có “giá” với Chúa biết chừng nào, đến nỗi Chúa đã sẵn sàng hy sinh cả mạng sống vì chúng con. Chúa yêu mến và cứu chuộc từng người chúng con bằng một tình yêu trọn vẹn và cá vị. Chúa chăm sóc và dẫnchúng con bước trên đường tình yêu tự hiến của Chúa để đạt tới niềm vui tại thế và hạnh phúc đời đời.
Khi hôn kính Thánh giá là chúng con chạm đến những lề luật, những chuẩn mực cơ bản tạo nên cuộc sống chúng con[3]. Toàn bộ chương trình sống của cuộc đời Kitô hữu chúng con là rập theo khuôn mẫu của tình yêu Thánh giá Chúa. Nhờ hai tiếng “xin vâng” với Thánh giá, nhờ hành trình tiến bước trong sự hiệp thông với Chúa, mà cuộc đời chúng con tiến tới sự sống đích thực. Không có Thánh giá, cuộc đời chúng con đi trong vô định, tội lỗi dẫn đến cái chết và án phạt muôn đời.
Xin cho chúng con khiêm hạ từ bỏ mình để tin vào tình yêu Chúa,chấp nhận để Chúa kéo lên Thập giá và biến đổi chúng con thành của lễ thánh thiện, sống động, đẹp lòng Thiên Chúa và thành món quà tình yêu trao tặng tha nhân.

[1] x. Is 50,4-7 (BĐ I); Pl 2,6-11 (BĐ II); x. Mc 14,1–15,47 (BTK).x. GLHTCG 560.
 
[2] x. Cantalamessa, Đời sống mới trong Chúa Kitô, NXB Tôn Giáo, 2012, tr. 57.
[3] x. ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá, 05/4/2009.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...