1. Con cái không muốn cha mẹ cãi nhau trước mặt chúng.
Xã hội ngày càng phát triển, nhận thức của con cái cũng tiến bộ hơn trước nhiều, chúng có thể nhận thức được những chuyện hỉ, nộ, ái, ố trong gia đình và những hệ quả của nó. Hãy giảm thiểu tối đa những xung đột, không to tiếng trước mặt trẻ. Nên nhớ rằng cách bạn giải quyết những mâu thuẫn, xung đột gia đình sẽ tác động đến tâm lý và hành vi cư xử của trẻ. Do đó phải kiềm chế và xử lý bất đồng trong ôn hòa, nhã nhặn. Trẻ em luôn ước muốn một gia đình hạnh phúc.
2. Muốn được cha mẹ đối xử công bằng với mọi thành viên khác.
Trong gia đình, không phải đứa con nào cũng có cá tính giống nhau do đó dễ đưa đến tình trạng con yêu, con ghét. Để tránh thiên vị, bạn nên tôn trọng những cá tính, đặc điểm riêng của từng đứa và yêu thương chúng thật lòng. Đối xử công bằng với chúng là điều tối cần nhưng công bằng không có nghĩa là cào bằng mọi thứ. Mỗi đứa con là một cá thể độc lập nhưng tất cả đều cần tình yêu thương và sự cảm thông như nhau.
3. Cha mẹ là những người lương thiện, thành thật.
Tính lương thiện, thành thật là một trong những đức tính nhân bản hàng đầu mà bạn phải nêu gương sáng cho con. Chuyện kể rằng: Vợ Thầy Tăng Tử một hôm đi chợ. Con khóc đòi đi theo. Bà dỗ dành: “Ở nhà, mẹ về, mẹ làm thịt lợn cho mà ăn”. Lúc bà về, Thầy Tăng Tử bắt lợn làm thịt. Thấy vậy bà can: “Tôi nói đùa con đấy mà!” Thầy Tăng Tử nghiêm nghị trả lời: “Đùa thế nào được. Đừng khinh trẻ thơ không biết gì. Nay mình nói dối nó, tức là đã dạy nó nói dối, vì bản tính của trẻ là thích mô phỏng lại việc làm của người lớn”. Nói rồi Thầy làm thịt lợn cho con ăn thật. Quả là một bài học đáng giá.
4. Cha mẹ là những người bao dung, rộng lượng.
Cha mẹ phải là tấm gương mẫu mực để con cái noi theo. Ngay cả khi con cái đã trưởng thành, đường đi nước bước, suy nghĩ, lý tưởng của con vẫn phải được hun đúc từ cha mẹ. Thái độ bao dung, độ lượng của cha mẹ trước những lỗi phạm của con chắc chắn sẽ có sức thuyết phục mạnh mẽ và để lại trong lòng chúng những dấu ấn khó phai như lời truyền tụng của dân gian:
Bề trên rộng lượng khoan dung
Để cho bề dưới đem lòng kính yêu.
Để cho bề dưới đem lòng kính yêu.
5. Niềm nở gần gũi, gắn kết với con và các bạn của con.
Bạn cố gắng dùng những khoảng thời gian rảnh rỗi có được để cùng rủ rỉ rù rì những cảm xúc cá nhân của bạn với con. Điều này giúp con bạn nhận thức được rằng dù bạn là cha mẹ của chúng nhưng cũng chỉ là con người bình thường, với mọi cảm xúc vui buồn. Chính việc làm này sẽ tạo được cảm giác gần gũi giữa hai thế hệ. Hơn thế, con bạn sẽ dễ dàng chia sẻ cùng bạn những cảm xúc tương tự khi phát sinh, hơn là âm thầm tự mình giải quyết và rồi không đi đúng hướng. Bạn có thể “gắn kết” với con qua những công việc như: đọc sách cho con, chơi bóng với con, đưa con đi mua sắm, sẵn lòng để con giúp những việc nhỏ trong gia đình như rửa chén, phụ bếp, dạy con cách dùng một dụng cụ, nói chuyện cho con về cuộc sống, giúp con làm bài tập, đưa con đi dạo phố… Nói tắt là dành thời gian cho con cái.
Bên cạnh đó, việc con cái đưa bạn bè về nhà chơi sẽ tạo cơ hội cho bạn nhận biết con mình kết thân với những ai và qua đó dễ dàng giúp con định hướng tình bạn cách tốt nhất. Hãy mở rộng cánh cửa đón chào bạn của các con.
6. Cha mẹ là người biết lắng nghe và giải đáp thắc mắc của con.
Chia sẻ với những thắc mắc của con là cách thức hữu hiệu để đồng hành với con, giúp con trưởng thành, mau hoàn thiện nhân cách hầu sớm vượt qua tuổi thơ và trở thành người lớn.
Có bao giờ bạn cảm thấy có lỗi khi bảo “bây giờ cha mẹ bận lắm. Chúng ta hãy nói về việc này sau nhé” không? Và vấn đề ấy bị lãng quên, không được đề cập đến dù thời gian “sau này” đã qua không biết bao nhiêu lần. Hãy dành thời gian để giải đáp những thắc mắc của con cái. Nếu bạn không có câu trả lời thì nên ghi nhận lại và giúp con tìm lời giải đáp sau.
7. Cha mẹ nên nhất quán và kiên định.
Giáo dục con theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” xưa nay khá phổ biến. Với cách thức nuôi dạy này chẳng mang lại kết quả giáo dục, thậm chí còn có tác dụng ngược. Bởi vì khi con cái mắc lỗi, nếu người cha nghiêm khắc sửa dạy mà người mẹ lại biện minh che chở cho con, như vậy không khác gì người mẹ đang khống chế các hành vi sửa phạt con cái của người cha. Từ đó, đôi khi con cái hiểu lầm nó vô tội. Cũng vậy, khi người mẹ sửa phạt con cái mà người cha lại lấy uy quyền của chồng đứng ra che chắn cho con thì điều đó cũng có nghĩa là người chồng đang phủ nhận giá trị giáo dục của người vợ và làm cho con khinh lờn mẹ mình. Tuy nhiên, đôi khi bạn cũng cần linh động và mềm dẻo vì lắm lúc sự linh động và mềm dẻo của bạn không hề làm hỏng trẻ, trái lại sẽ làm cho chúng “tâm phục, khẩu phục” hơn. Dẫu vậy, bạn vẫn luôn phải làm cho con cái hiểu tình yêu mà bạn dành cho chúng là không thay đổi và những nguyên tắc, những giới hạn bạn đặt ra cho trẻ là nhất quán.
8. Cha mẹ có thể phạt trẻ khi cần nhưng tránh kỷ luật con trước mặt người ngoài.
Bất luận là ai, già trẻ lớn bé, mỗi người đều có nhân phẩm riêng của mình. Tôn trọng nhân phẩm mỗi người là điều hết sức cần thiết. Khi con có lỗi, nếu cần, bạn có thể sửa phạt. Tuy nhiên, bạn nên tránh sửa phạt con trước mặt người khác, đặc biệt là bạn bè chúng vì như thế chúng sẽ bị mặc cảm và khó đón nhận điều cần phải sửa.
9. Tôn trọng nhưng không bỏ mặc hoặc áp đặt.
Con cái không muốn cha mẹ áp đặt chúng điều gì! Cha mẹ muốn định hướng tương lai cho con phải khéo léo chuẩn bị từ xa. Theo chị Lâm Thúy, Trung Tâm Tham Vấn Gia Đình nói: “Việc định hướng nghề nghiệp cho con không phải là những quyết định đột ngột khi các em đã vào ngưỡng cửa đại học. Việc này phải là một quá trình giáo dục lâu dài. Ngay từ nhỏ, khi các em bước vào lớp 1, bố mẹ đã phải để ý xem con mình có những khả năng, có những đam mê gì? Khi đã hiểu và nhìn nhận đúng năng lực của con, bố mẹ là người “gieo” ước mơ, hoài bão cho con về nghề nghiệp, công việc sau này. Một công việc đúng sở trường, năng lực, sở thích không những mang lại niềm vui, sự hứng khởi mà còn giúp phát huy tối đa năng lực của con. Chọn được ngành học phù hợp sẽ quyết định đến tương lai sau này.”
10. Cha mẹ đạo đức.
Thi hào La Martine viết: “Phúc cho ai được Chúa ban cho một bà mẹ thánh thiện”. Quả thật, có được cha mẹ thánh thiện là hồng ân vô cùng quý giá của con cái. “Cây tốt sinh trái tốt” là lẽ tự nhiên. Chuyện kể: Bà Blanca thường nói với con: “Mẹ thà thấy con chết trước mặt mẹ còn hơn là thấy con phạm một tội trọng làm mất lòng Chúa”. Chính lời dạy dỗ nhắc nhở này từ một bà mẹ đạo đức đã làm cho con bà trở thành một vị đại thánh. Đó là vua Thánh Louis. Đúng là:
Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Kính thưa quý vị gia trưởng,
Để kết thúc, xin trích lời Soeur Ngọc Tâm Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ: “Muốn gia đình trở thành tổ ấm, cha mẹ cần phải lắng nghe tiếng lòng của con cái để hiểu và đáp ứng được những nhu cầu, những mong chờ sâu xa và chính đáng của chúng. Một trong những điều đó là: được sống trong bầu khí gia đình hòa thuận, yêu thương, tìm thấy nơi cha mẹ một đời sống gương mẫu, biết cư xử hợp tâm lý, biết dạy dỗ, chỉ bảo bằng những lời nói dịu dàng thắm đượm tình thương vô điều kiện và vô vị lợi.”
BAN ĐẶC TRÁCH GIỚI GIA TRƯỞNG
GIÁO PHẬN XUÂN LỘC