30/08/2021
1264


1. “Mùa Xuân đã về trên cây lá, còn Mùa Xuân Tuổi Trẻ của “đóa hồng thứ 40” sẽ đi về đâu, tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa”.(tr. 208)

Đó là câu văn kết thúc tác phẩm. Đóa hồng thứ 40 có dáng dấp một truyện ký, ghi chép lại khá chân thực ba mùa xuân Thanh Hiền sống và làm việc trên đất Nhật. Thanh Hiền 25 tuổi, là Sinh viên trường Đại học sư phạm nghệ thuật Trung ương, chuyên ngành âm nhạc và dương cầm. Thanh Hiền đẹp, cô cao tới 1,7m. Khuôn mặt ưa nhìn và làn da trắng muốt. Cô xuất khẩu lao động sang Nhật, làm việc trong công ty đóng hộp cơm. 5 chương đầu kể chuyện chỗ ở, việc thực tập và làm việc hết sức vất vả. Ở công ty, Hiền bị Thu Cúc dụ dỗ đóng phim vợ chồng (phim JAV), nhưng cô tránh được. Những chương sau là hồi tưởng của Hiền về mối tình đầu với Chiến Thắng, cuộc tình thứ 2 với Apolong, cuộc tình thứ ba với Đình Trọng. Cả ba người đều bỏ cô để theo Chúa sống đời dâng hiến. Hiền cũng hồi tưởng chuyện tình của bố mẹ (Bà Hà-ông Minh), chuyện tình của người chị là Hoài Hương và việc Hương đi xuất khẩu lao động ở Angola, về thảm cảnh nợ nần, tai họa liên tiếp của gia đình. Để kiếm thêm tiền gửi về nhà trả nợ vay nóng,  Hiền đã nhận đàn cho ca đoàn ở nhà thờ Tin Lành, dạy nhạc cho học sinh lớp ba ở trường Tiểu học trong vùng với mức lương gấp đôi làm ở công ty cơm hộp. Cô có ước mơ sang Anh để kiếm nhiều tiền hơn. Hiền được Huy môi giới sang Anh “trồng cỏ”. Do bận công việc, Hiền phải lùi thời gian đi chuyến sau. May cho cô không đi chuyến ấy. Huyền My, một người bạn của Hiền đã trở thành nạn nhân của chiếc xe container chở 39 xác chết khi vào nước Anh. Người bạn ấy là đóa hồng thứ 39, và Hiền là đóa hồng thứ 40.

            Sau cùng, gia đình Hiền được đền bù tiền đất do quy hoạch, Hoài Hương đã trả được nợ và mở thêm một tiệm bán và sửa chữa ngư cụ cho bố (ông Minh). Hương được chị Mai là một đồng nghiệp giúp cho đi dạy lại. Thằng Cò (con của Hương) được đi học. Cuộc đời của cả gia đình Thanh Hiền như đã sang trang (tr.20). Hiền suy gẫm: “Chẳng phải Chúa đã cho cô một cơ hội được sống sót, đóa hồng thứ 40 này phải sống sao cho xứng đáng, sống sao cho có ích, sống cho cả 39 đóa hồng kia, đặc biệt là cho đóa Huyền My” (tr.187)

2. Truyện tập trung miêu tả tình cảnh của người xuất khẩu lao động và thái độ sống đức tin của người trẻ xa quê trong một môi trường văn hoá xã hội có nhiều khác biệt Kitô giáo. Chẳng hạn, Hiền trọ ở nhà ông Tokieda người Tin Lành với kỷ luật nghiêm nhặt, cô phải ứng xử thế nào để không xảy ra mâu thuẫn tôn giáo với ông bà; hoặc để có thêm tiền cô đã nhận chơi đàn cho ca đoàn nhà thờ Tin Lành, tập hát thánh ca Tin Lành, nghe Mục sư Tin Lành giảng mà không phai nhạt hoặc “rối đạo” so với tín lý Công giáo; hoặc chịu sự khinh miệt của bà Fuji. Hiền cảm thấy xấu hổ khi thấy có một em bé Nhật làm dấu khi ăn cơm trong khi lâu rồi cô đã không làm dấu trước mặt thiên hạ…

Nhưng chủ đề bao trùm là những ảo tưởng về kiếm tiền của người lao động xuất khẩu (hai chị em Hoài Hương và Thanh Hiền). Họ bị nợ chồng chất, nhất là khoản tiền vay nóng 250 triệu để được đi lao động. Ở Nhật, Thanh Hiền làm việc hết sức vất vả, và nếu không “làm thêm” thì chỉ đủ sống và dư chút đỉnh. Mơ ước trả nợ và đổi đời vẫn mù mịt.“Hiền băn khoăn tự hỏi, mình tới đây để làm gì? Đã gần hai năm trôi qua vẫn chưa trả hết số tiền đã nợ để đến được xứ sở này. Đâu là Thiên Đường, đâu là Địa Ngục? (tr.189).

        Truyện dài Đóa hồng thứ 40 còn đặt ra nhiều vấn đề “nóng” của xã hội Việt Nam đương đại. Đó là tuổi trẻ sống ảo, yêu ảo; vấn đề Formosa; việc xuất khẩu lao động chất chứa nhiều điều phạm pháp và hiểm nguy như vay nóng, bị dụ dỗ làm việc phạm pháp (như đóng phim JAV, trồng cần sa…); Vấn đề “đại kết” Công giáo và Tin Lành khi Hiền trọ nhà ông Tokieda người Tin Lành, và việc Hiền đàn cho ca đoàn nhà thờ Tin Lành, hát thánh ca Tin Lành (tr.23&tr.150). Ở Việt Nam sinh viên học xong ra trường, muốn xin được việc thì phải “chạy” tiền, hoặc phải bán thân cho giám đốc (chuyện của Huyền My, tr.140); Việt Nam đã không trọng dụng tài năng (tr.154), hoặc xu thế làm mẹ đơn thân không bị kỳ thị như hồi xưa (tr.201)… Vì tác phẩm thuộc dạng truyện ký nên những ghi chép về một số mặt đời sống và con người ở Nhật khá chi tiết và sống động. Nhân vật ông chủ nhà trọ Tokieda gây được ấn tượng về một người có lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ người lao động Việt Nam, nhưng ông yêu cầu người trọ phải giữ những nguyên tắc thờ phượng của đạo Tin Lành (chẳng hạn nếu người trọ là Công giáo thì chỉ được đặt cây thánh giá không có tượng Chúa). Tác giả ghi nhận rất chi tiết sự vất vả khi lao động ở Nhật (chương 4: Ngày công đầu tiên), miêu tả sinh động hình ảnh trẻ em Nhật ở trường tiểu học (Chương 15: Trường học); miêu tả nhiều trải nghiệm của người trẻ trong đời sống hiện đại (sống ảo, yêu ảo, chạy việc, giao lưu quốc tế…)

Trong khi thuật lại những sinh hoạt đời sống ở Nhật, tác giả không che giấu sự khâm phục và thái độ ca ngợi văn hóa, con người “xứ mặt trời mọc”:

“Nếu so sánh độ sạch của cơm hộp Việt với cơm hộp Nhật thì quả là “một trời một vực”. Hai chữ “cơm hộp” ở Việt Nam gắn liền với chữ “bẩn”, đặc biệt là hộp xốp đựng cơm còn có chứa chất độc hại cho hệ tiêu hóa, thậm chí chứa cả chất gây ung thư. Còn cơm hộp của Nhật Bản phải nói là còn sạch hơn cả cơm nhà”(tr.39). “Buổi chiều, sau ăn trưa và giờ chơi tự do là thời gian bọn trẻ tự dọn dẹp trường học, chúng thực hiện một cách nghiêm túc, chuẩn mực và thành thục cứ như dọn nhà mình vậy khiến Thanh Hiền rất vui thích và ngưỡng mộ, cô không hình dung nổi mấy chục hay mấy trăm năm nữa ý thức của học sinh tiểu học của Việt Nam mới theo kịp, và cả cơ sở vật chất trường học cũng thế”(tr. 164).

3.  Tác giả có cách viết trẻ trung, sinh động và hiện đại. Truyện được thuật với tốc độ nhanh. Văn trong sáng và gọn (ít chữ thừa). Tác giả không kể truyện theo tuyến thời gian mà mỗi chương chọn kể những một sự việc đặc biệt, hoặc một biến cố xảy ra cho nhân vật. Thí dụ: Chương 2, ông chủ nhà trọ. Chương 3: Cạm bẫy. Chương 4: Ngày công đầu tiên. Chương 5: Cuộc tình đầu. Chương 6: Cuộc tình thứ hai. Chương 7: Cuộc tình thứ ba…Vì thế người đọc dễ theo dõi, ngòi bút tác giả không bị trói trong tuyến tính thời gian.

Thực ra đây là cách viết ký sự, phóng sự. Tác giả không dựng cảnh như tiểu thuyết mà chỉ “thuật” như tường thuật báo chí, kết hợp với suy nghĩ của nhân vật và những đoạn bình luận ngoại đề của tác giả. Đây là một đoạn bình luận ngoại đề: “Cái chết đau thương của bạn ấy và 38 người là bài học cảnh tỉnh cho biết bao người đang ôm ấp mộng tưởng tới Anh để làm giàu dù biết là nhập cư bất hợp pháp, làm giảm bớt nạn buôn người và có thể là cả sản lượng cần sa tại Anh nữa. Những cái chết thật đớn đau nhưng không vô ích…” (tr.185). Truyện thú vị là nhờ tác giả đem vào trang văn nhiều trải nghiệm, vốn sống giàu có và một vốn văn hóa có bề rộng và cả bề sâu. Những chương kể chuyện tình của người trẻ, hoặc Hiền kể lại truyện hài để trả lời câu hỏi Chúa ở đâu là những trang văn rất trẻ, văn chương của ngày hôm nay. Xin đọc đoạn tác giả bình luận về thánh ca Tin Lành: “Tiếp cận với ca đoàn Tin lành, Thanh Hiền cảm nhận thấy nhiều điều mới lạ, thú vị, ấy là việc thờ phượng thì người Công giáo chuộng tập thể (đọc nhiều kinh hạt, coi kinh lễ nhà thờ, kinh lễ gia đình là phút giây quan trọng mỗi ngày, nhưng nhiều lúc lại ê a thuộc lòng, dễ rơi vào hình thức trống rỗng), còn người Tin lành chú trọng thể hiện cá nhân (những lời cầu nguyện nhiệt tâm, tha thiết nhưng tự phát, dễ rơi vào chủ quan phiến diện). Dẫu vậy trong Thánh ca thì dường như hơi ngược lại: người Tin lành thích thể hiện bằng hợp xướng, người Công giáo thường chỉ hát những bài đồng ca có bè đồng giọng, nhiều nơi còn lạm dụng đơn ca, dễ rơi vào chỗ phô diễn tài năng hơn là thờ phượng Chúa. Thanh Hiền chợt nhớ hình ảnh mà nữ chân phước Elisabeth Chúa Ba Ngôi đã dùng để suy niệm về mầu nhiệm Ba Ngôi một Chúa, rằng âm nhạc trong Kitô giáo tuy đi theo nhiều hướng sư phạm khác nhau, nhưng mỗi bên có cái hay riêng, đồng thời cũng có cái giới hạn riêng, tạo nên những mẫu người tín hữu khác nhau. Nếu biết đón nhận nhau, hai nền Thánh nhạc sẽ tạo thành một bản hòa âm, một sự hòa điệu sâu xa, một chân trời hiệp nhất cho các hệ phái Kitô giáo – một bản hợp xướng nhiều bè nhưng rất hòa hợp chứ không hề bị chênh phô”. (tr.112).

Tất nhiên, những ý kiến như thế còn có chỗ phải nghiên cứu sâu xa hơn, song tác giả tỏ ra mạnh dạn đề xuất một góc nhìn riêng của người trẻ. Đó là một cách nhập cuộc tích cực của văn chương.

Nếu có điều gì cần chia sẻ với tác giả thì đó là sự tô đậm “họa vô đơn chí” của gia đình Hiền, để có lúc cô đã nản lòng: “cô than trách Chúa, lúc con tàu của bố bị đắm thì Chúa đang ở đâu, đã bao lần Người nhắm mắt làm ngơ trước nỗi đau của gia đình cô như vậy? Người đã lấy đi em gái cô, đã lấy hết niềm vui của mẹ, biến mẹ thành một cỗ máy chỉ biết cày cuốc kiếm ăn để quên đi những nỗi đau, ấy vậy mà Người còn kéo mẹ đi sớm. Người đã để mặc cho chị gái của cô thân bại danh liệt, thằng Cò mất cha. Người thậm chí đã lấy đi cả ba chàng trai mà cô hết lòng yêu thương. Và giờ đây Người đã không cho bố cô và con cháu một cơ hội nào để được sống, thậm chí là để tồn tại như một con người có tự do và mưu cầu hạnh phúc…” (tr.123)Tình cảnh cùng cực của gia đình Thanh Hiền đã không được giải quyết bằng “sự quan phòng của Chúa”, hay bằng nỗ lực làm việc kiếm tiền của Thanh Hiền. Cô đã làm việc hết sức song nợ vẫn còn nợ. Vậy mà bỗng dưng, chị Mai, một đồng nghiệp của chị Hoài Hương, chỉ vẽ đường đi nước bước và cho Hương mượn tiền để đòi lại sổ đỏ ngân hàng, sau đó Hương được đền bù gần một tỷ, do đất quy hoạch. Hương đủ tiền trả nợ và mở tiệm cho bố (chương 20). Đó là cách lý giải tự nhiên chủ nghĩa.

Một phương diện khác, người đọc dễ nhận ra phẩm chất xã hội của truyện phong phú hơn đức tin tôn giáo, dù rằng sau cái chết của Huyền My, bông hồng thứ 39, thì Thanh Hiền có nhận ra sự quan phòng của Chúa: “Mùa Xuân Tuổi Trẻ của “đóa hồng thứ 40” sẽ đi về đâu, tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa”.(tr. 208)

{C}{C}{C}

 


 (TRÍCH)

Chương 6

MỐI TÌNH ẢO

Hà Nội, năm 2012…

 

      Thanh Hiền tham gia diễn đàn “Tâm tình Thanh niên Công giáo” (Thanh niên Công Giáo Confessions) như một cách giải tỏa stress. Đây là nơi các thành viên thổ lộ những tâm tình sâu kín mà không cần phải lộ danh tính của mình và được các thành viên khác động viên, giúp đỡ về mặt tinh thần. Diễn đàn này cũng có nhiều thành viên lớn tuổi, những người đầy kinh nghiệm, từng trải sẽ khuyên bảo cũng như chỉ dẫn cho các thành viên trẻ cách vượt qua những khó khăn, thất vọng trong cuộc sống chứ không chỉ là những băn khoăn thắc mắc về Tín lý hay Luân lý mà thôi. Thanh Hiền bất ngờ được một Admin của Diễn đàn tên là “Apolong” liên hệ riêng bằng đường chat. Admin này thường trò chuyện riêng với cô về những rắc rối trong cuộc sống thay vì trả lời bằng cách bình luận trên diễn đàn.

Apolong quả là một người uyên bác và đầy kinh nghiệm. Mỗi lần chat với nhau, Thanh Hiền đều cảm thấy cuộc sống dễ chịu hẳn. Không chỉ những câu chuyện nghiêm túc mà cả những chuyện phiếm, Apolong đều có cách chat rất “chất”. Không quá nghiêm trang nhưng cũng không quá hời hợt với những vướng mắc mà Thanh Hiền thổ lộ trên Diễn đàn, Apolong giúp cô từng bước tháo gỡ khó khăn mà không có chút kiêu ngạo, dạy đời, anh không quá hài hước mà cũng không quá suồng sã với những câu chuyện phiếm, nhờ anh mà Thanh Hiền đã vượt qua được những áp lực của cuộc sống, giúp cô thắng được stress.

Apolong cũng hay thơ, hay văn lắm và tếu táo nữa. Một buổi sáng, anh chat với Thanh Hiền “những lời có cánh”, làm cô hết sức bối rối:

“Dậy đi em, bạn tình của anh,

người đẹp của anh, hãy ra đây nào !

 Tiết đông giá lạnh đã qua,

mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi.

 Sơn hà nở rộ hoa tươi

và mùa ca hát vang trời về đây.

Tiếng chim gáy văng vẳng trên khắp đồng quê ta.

 Vả kia đã kết trái non,

Vườn nho hoa nở hương thơm ngạt ngào.

Dậy đi em, bạn tình của anh,

Người đẹp của anh, hãy ra đây nào!”

Nhưng sau đó anh chàng thả cô rớt cái độp lúc đang ở lưng chừng mây khi tiết lộ, đó là những câu trong khúc hát thứ hai của “Diễm ca” làm Thanh Hiền chết điếng, vừa xấu hổ vì bị lừa một vố đau, vừa ngại ngùng vì bản thân lười đọc Kinh Thánh. Cô cảm thấy anh chàng này rất thú vị, chẳng hiểu những lời kia lợi dụng Thánh Kinh để tán tỉnh cô, để thử thách cô hay đơn thuần chỉ là… truyền giáo. Vì thế, Thanh Hiền cảnh giác hơn và sự đề phòng ấy không thừa khi ít lâu sau chàng ta lại “thả thính”:

“Ôi! ai có thể chữa lành em!

Thôi, xin hãy ban cho em chính Người,

Thôi, hôm nay hãy bỏ đi, đừng gửi nữa

Đừng gửi thêm những sứ giả đến với em

Vì họ đâu nói được cho em những điều em tha thiết!

Và bao nhiêu kẻ đi qua

Kể cho em về Người hàng ngàn diễm lệ

Tất cả chỉ càng khiến em bị thương…”

Thanh Hiền ngay lập tức giở lại “Diễm ca” dù cô nhớ láng máng là không có trong đó. Và đúng là không có thật, nhưng để chắc ăn, cô lên mạng tra Google. Đây rồi, hóa ra là những vần thơ của thánh Gioan Thánh giá: “Những ca khúc giữa linh hồn và Người Yêu Dấu”, được linh mục Trăng Thập Tự chuyển sang thơ Việt. Thanh Hiền hỉ hả đáp lại: “Anh định đi dòng Cát-minh hay sao?” làm Apolong có lẽ đã bị “đứng hình”, hồi lâu mới nhắn trở lại, nửa muốn hối lỗi, nửa muốn phân bua. Và thế là, như một phép lạ, bao người từ thế giới thực đắm chìm vào thế giới ảo không thoát ra được thì Thanh Hiền ngược lại – đi từ thế giới ảo trở lại với thế giới thực. Cô đã trở về với cuộc sống thường nhật, biết giữ gìn sức khỏe hơn, ăn uống điều độ và tập trung học hành cũng như dạy thêm hiệu quả hơn, cô cũng trở lại sinh hoạt với cộng đoàn sinh viên xa quê. Cuộc sống của Thanh Hiền trở nên sống động, vui tươi hơn cả thời sinh viên năm Nhất, không còn chút dấu vết của căn bệnh stress nữa, và đó cũng là lý do mà sau hơn một năm “chát chít”, cô đã úp mở đồng ý lời tỏ tình của Apolong, cả hai hẹn hò một ngày sẽ gặp mặt “offline”. Nhưng cái ngày “offline” ấy không như Thanh Hiền mộng tưởng. Đó là dịp 20/11, khi Thanh Hiền tham gia bán hoa chào mừng Hiến chương Nhà giáo để gây quỹ hoạt động với các bạn trong nhóm Sinh viên Thanh Xuân trước cổng trường Đại học Kiến Trúc. Apolong giả vờ đến mua hoa và chuyện trò cùng nhóm Sinh viên, nhưng quá dễ nhận ra anh chàng chẳng tập trung tí nào, mắt cứ liếc nhìn Thanh Hiền.

Sau vài câu bông đùa, Thanh Hiền đã đoán ra được vị khách hàng này không phải ai khác mà chính là Apolong và cô bị sốc. Anh chàng không như những gì cô tưởng tượng, người gầy gò và râu ria lởm chởm, đôi mắt thâm quầng như người nghiện, hẳn là những hình ảnh trên trang cá nhân của anh ta đã photoshop rất nhiều, đã thế còn ăn mặc khá dị với chiếc quần bò sờn cũ te tua và một chiếc áo sơ mi rộng thùng thình chẳng thèm “đóng thùng”, đầu đội một chiếc mũ lác thủng lỗ chỗ như nghệ sĩ nửa mùa, chẳng khác nào “đệ tử Cái Bang”. Có phải chăng vì thế anh ta đã đến đây gặp cô mà trong bụng thừa tự tin là cô sẽ không thể nhận ra? “Thần tượng” của Thanh Hiền sụp đổ trong nháy mắt. Cô nghiệm thấy: Hóa ra “người tình online” nó là như vậy, chuyện yêu đương trên mạng quả là ảo, thế giới thực phũ phàng lắm thay! Trong lòng Thanh Hiền khóc không thành tiếng mà cười cũng chẳng ra hơi. Cô tự nhạo mình đã quá ngây thơ, ngốc nghếch, cũng may chưa nói toẹt ra lời yêu anh ta qua mạng, bằng không giờ này chẳng kiếm được cái lỗ nào mà chui xuống trốn.

Dường như Apolong không hề nhận ra những cảm xúc đầy thất vọng của Thanh Hiền, anh vẫn vui vẻ chuyện trò, bông đùa với mọi người, hồi lâu sau chọn một bó hoa thật đẹp, bảo là để tặng cho thầy giáo hướng dẫn của mình. Bất chợt, anh chàng rút bông hồng đẹp nhất từ quầy hoa, miệng bảo “khuyến mãi cho anh nhé”, rồi quay qua đưa cho Thanh Hiền, mỉm cười:

– Anh tặng em, được không?

Mọi người cười ồ lên làm Thanh Hiền hết sức bối rối, nhưng cô không muốn nhận nên buông lời:

– Lý do ạ!?

– Bông hoa đẹp nhất tặng cho người đẹp nhất!

– Xí xạo. Bông khuyến mãi mà bảo đẹp nhất? Không nhận!

Mọi người lại cười ầm lên. Anh chàng Apolong gãi đầu gãi tai:

– À ừ… thôi, còn có lý do khác…

– Dạ, là lý do nào nữa ạ?

– Vì em… em… cũng là Sinh viên Sư phạm mà!

– Ố la la, sao anh biết – Cả nhóm ồ lên – Nhận đi, nhận đi nào.

Apolong dúi bông hồng vào tay Thanh Hiền rồi ù té chạy như ma đuổi, không để ý thấy Thanh Hiền đang quặn thắt lòng: “Vậy đúng là hắn chứ không phải ai khác, sao thê thảm vậy trời”.

Apolong đi rồi, Thanh Hiền thả bông hoa vào chậu khiến lũ bạn tròn mặt ngạc nhiên, có đứa hỏi:

– Sao phũ thế mày?

Thanh Hiền vội đánh sang hướng khác:

– Mày nhìn bản mặt cô nương thế này mà nhận một bông hoa khuyến mãi sao?

       Kể từ ngày đó, Thanh Hiền thôi không lên diễn đàn nữa, cô cảm thấy cái mớ lý thuyết trên ấy quả thực là trống rỗng, ảo ảnh và vô vị, cuộc đời thực nó mới nghiệt ngã làm sao! Apolong vẫn nhắn tin riêng cho Thanh Hiền nhiều lần, thắc mắc vì sao lâu không thấy Thanh Hiền đăng nhập diễn đàn nhưng chỉ nhận lại những lời lạnh nhạt và thưa thớt, anh lại thử hẹn hò “offline” với cô một lần nữa nhưng bị thẳng thừng từ chối. Apolong thừa thông minh để đoán biết Thanh Hiền đã nhận ra anh trong lần gặp mặt vừa rồi và “không duyệt” nên anh nhẹ nhàng rút lui. Thanh Hiền không buồn cũng chẳng nuối tiếc, cô tự vấn sẽ thực tế hơn với các mối quan hệ trong tương lai…

Nhưng đó là sai lầm vô cùng nghiêm trọng của Thanh Hiền!!!

Hơn nửa năm sau, khi lời từ chối gặp gỡ trực tiếp bên ngoài với Apolong còn chưa ráo bờ môi thì anh ta xuất hiện ở tiệc tri ân sinh viên năm cuối của Cộng đoàn Sinh viên xa quê trong bộ vest, sơ mi trắng, cà vạt đen lịch lãm của khách mời. Apolong trở nên “đẹp lung linh” như những bức hình trên Trang cá nhân của anh – khiến cho Thanh Hiền ngỡ ngàng.

Sau màn giới thiệu, Thanh Hiền mới hay, Apolong người Nam Định, giáo phận Bùi Chu, thuộc Cộng đoàn Sinh viên Công giáo Miền Bắc nhưng cũng là “thành viên không thường trực” của Nhóm sinh viên Cầu Giấy và ngày xuống thăm viếng Nhóm sinh viên Thanh Xuân đang bán hoa gây quỹ là lúc anh đang ngập lụt trong Đồ án tốt nghiệp nên râu ria xồm xoàm, người ngợm ốm nhách không ai nhận ra. Thanh Hiền cũng xét lại, dường như Apolong cố tình thử cô, bằng cách ăn mặc bôi nhếch và cố tình còng lưng. Cô lấy tay vỗ vỗ lên trán cho tỉnh táo, đứng dậy tính bước ra ngoài cho bớt ngột ngạt thì thấy Apolong lên phát biểu nên nán lại xem anh ta nói gì.

Thanh Hiền quá sốc khi Apolong tâm sự rằng sau khi tốt nghiệp, anh gia nhập Dòng Phanxicô, ngay lúc ấy bên dưới có tiếng xầm xì: “Nghe nói anh ấy thất tình nên quyết định đi tu” làm Thanh Hiền không thở nổi, vùng chạy ra ngoài. Trên sân khấu, Apolong cũng đánh rơi micro khi nhìn thấy Thanh Hiền…

Mọi thứ đã quá muộn! Ảo không thể là thật, thật chẳng thể là ảo…

Nhiều ngày sau đó, Thanh Hiền không đủ can đảm để tới Nguyện đường Giê-ra-đô nữa, cô muốn tìm một cái lỗ thật to để chui xuống. Cô đã để lỡ một người đàn ông tuyệt vời, chỉ vì cái tật ham sắc, mà tệ hơn thế, còn không nhận ra được nét đẹp ẩn giấu của anh. Nhưng cô cũng rất giận Apolong, ai đời lại đến gặp “người tình trên mạng” trong một bộ dạng thê thảm đến thế, hay thậm chí còn cố làm xấu mình để thử thách tình cảm của người ta.
 

***


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...