15/11/2012
1893

 Trong tập truyện ngắn Mẹ Yêu Của Con, Song Nguyễn có 14 câu chuyện về mẹ. Có người mẹ thương gia, người mẹ bại liệt, người mẹ mù lòa. Có người mẹ bán xôi, bán bún, bán vé số, người mẹ lao công. Có người mẹ nông dân, người mẹ công nhân, người mẹ giáo viên. Tất cả, dù hoàn cảnh sống khác nhau, số phận mỗi người khác nhau, nhưng cùng chung một phẩm chất làm mẹ, người mẹ Việt Nam và người mẹ Công Giáo.

Để được làm mẹ, người phụ nữ phải nhận lấy  hàng trăm, ngàn nỗi thống khổ, có khi phải chịu đau thương, nhục nhã đến cùng cực. Cô giáo Đỗ Ái Duyên (Người Mẹ Lao Công ) và chị Tư Sự (Người Mẹ Bán Vé Số) bị ép vào những nghịch cảnh không nói thành lời, chịu hoang thai, phải bỏ xứ mà đi. Làm thế nào để giữ được đứa con. May có trung tâm cơ nhỡ của các nữ tu cưu mang. Dù vậy, họ đã phải sống kiếp người không chốn nương thân.Và để nuôi con, người mẹ nào cũng vất vả làm việc quên ngày quên tháng, quên cả thân mình. Chị Trần Thị Gái (Người Mẹ Công Nhân) là công nhân cạo mủ cao su ba đời khó nghèo. Người mẹ nông dân suốt đời lặn lội với ruộng nước. Năm hai vụ, mẹ tát nước, be bờ, nhổ mạ, cấy lúa, bắt ốc, mò cua, vớt tôm, bắt cá, nấu cám heo, vớt bèo…tảo tần nuôi con. Người mẹ bại liệt hàng ngày  phải lết đi xin cơm cho con ăn học. Cũng có người mẹ nhờ biết xoay sở tính toán, nhờ đó có cuộc sống vật chất khấm khá, nhưng họ lại lâm vào những bi kịch gia đình. Chị Thanh Nhàn là một phụ nữ như thế. Giàu có, thành đạt, nhưng chính sự giàu có ấy  gây ra  những lục đục giữa chị và gia đình chồng và kết quả là  sự đổ vỡ hạnh phúc, vợ chồng chia lìa, con cái mất đi tổ ấm thiêng liêng

 Văn chương Việt Nam đã viết nhiều về nỗi thống khổ của người phụ nữ. Tiếng kêu thương của Nguyễn Du trong Truyện Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) vẫn còn đó :”Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Nguyễn Du lý giải cái khổ của Kiều đã có từ tiền kiếp, được ghi trong sổ đoạn trường, “muôn sự tại trời”(mệnh trời). Văn chương Hiện Thực lý giải cái khổ của người phụ nữ là do thực dân phong kiến, do hoàn cảnh gây ra (thí dụ, nhân vật Chị Dậu trong Tắt Đèn, người Chị Tư Hậu trong Một Truyện Chép Ở Bệnh Viện, người đàn bà chài trong Chiếc Thuyền Ngoài Xa,và gần đây, các nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận…), vì thế, để người phụ nữ hết khổ, các tác giả hướng người đọc đến giải pháp đấu tranh Cách mạng. Song Nguyễn lý giải vấn đề này thế nào?

 Trước hết, Song Nguyễn có cài nhìn sâu rộng vào hiện thực Việt Nam. Tập truyện kể về số phận những người mẹ từ những năm trước 1945 (Người Mẹ Công Nhân, Người Mẹ Nông Dân ) đến những năm xã hội chuyển sang nền kinh tế thị trường hiện nay (Người Mẹ Thương Gia).Có người mẹ trong Nam, có người mẹ ngoài Bắc, có người ở Pháp, ở Mỹ, ở Úc. Tác giả cũng nói đến nỗi thống khổ của người phụ nữ trong ách thống trị thực dân ở hình ảnh người mẹ công nhân ba đời cạo mủ cao su cho đồn điền Tây. Song Nguyễn cũng đã có những trang viết  đẫm máu và nước mắt miêu tả  chân thực nỗi thống khổ của người phụ nữ trong chiến tranh, bom đạn đau thương, tang tóc, nát tan. Đó là nhân vật người chị của Trần Vũ (truyện dàiĐịnh Hướng) đã sinh con trong rừng, dưới mưa bom bão đạn và lạc mất gia đình. Hoặc hình ảnh dì Agnès Nguyễn Phương Tâm và dì Năm (truyện dài Đồng Hành) ở vùng sâu Đồng Tháp Mười trong cơn lốc chiến tranh những năm 1960, một thân một mình, cùng với các cháu nhỏ, cận kề cái chết. Dì năm đã chết rất thảm bên bờ ruộng.

 Riêng trong tập Mẹ Yêu Của Con, Song Nguyễn tập chú vào nỗi thống khổ của người phụ nữ trong đời thường với những nỗi bất hạnh riêng, nhưng mang ý nghĩa triết lý chung. Đó là nỗi khổ nhục vì bị xâm hại tiết hạnh (Người Mẹ Lao Công ), nỗi thống khổ vì tai nạn mù mắt do một kíp nổ lẫn trong rơm (chị Khánh), nỗi cơ cực không sao kể xiết của người mẹ bỗng dưng cả nhà bị bệnh bại liệt, rồi chồng bỏ đi, 4 con chết, thân mình bại liệt, làm sao sống đây? Tâm Đan gửi mình vào nhà Chúa, chị tưởng là được sống bình an, vậy mà bệnh tật nhiều lần làm Tâm Đan phải về tu tại gia (Người Mẹ Tinh Thần). Người phụ nữ thương gia, giỏi giang, giàu có, vậy mà phải chịu đựng bao nhiêu đau khổ. Tiền bạc không mua được hạnh phúc. Trong những số phận ấy, cũng người đạt đến trình độ văn hóa nhất định. Cô giáo Đỗ Ái Duyên tốt nghiệp CĐSP, ra trường về dạy. Cô xinh đẹp, dạy giỏi, tích cực hoạt động cho trường, vậy mà chỉ vì sự đồi bại của ông chú Hiệu Trưởng, Ái Duyên phải bỏ xứ đi, sau cùng trở thành người mẹ lao công cho trung tâm cơ nhỡ. Giáo sư Tâm Lý Thái Thu Hằng có chồng là bác sĩ, tưởng họ sẽ rất hạnh phúc và đầy tương lai, vậy mà chỉ một tai nạn xe trên đường, người chồng bị thương dẫn đến khả năng không thể có con, hạnh phúc và tương lai gia đình trở nên mù mịt…

 Những nỗi bất hạnh như thế chắc chắn có nguyên nhân xã hội, chẳng hạn đó là sự suy đồi về đạo đức (ông chú Hiệu trưởng đã loạn luân với cháu là Đỗ Ái Duyên), sự tha hóa lương tâm trước đồng tiền (gia đình chồng của Thanh Nhàn, người mẹ thương gia), tình trạng giao thông quá tải ở Việt Nam gây bao tai nạn (Người Mẹ Nuôi),hậu quả chiến tranh bom đạn còn rơi vãi (Người Mẹ Mù), tình trạng y tế, môi trường và sức khỏe của người dân chưa được quan tâm (bệnh bại liệt)…Ngòi bút Song Nguyễn không quy những tai nạn bất hạnh ấy về những nguyên nhân xã hội, cũng không nhìn theo thuyết nhân quả để tìm những nguyên nhân ở tiền kiếp, cũng không dùng những lý thuyết chính trị xã hội để tìm giải pháp. Dưới nhãn quan nhân văn Công Giáo, Song Nguyễn đã miêu tả các nhân vật người mẹ Công Giáo  nhìn những bất hạnh của mình là những thử thách Chúa trao. Với người Công Giáo, cái khổ không là căn gốc của đời người (đời là bể khổ). Trái lại, cái khổ là con đường Thánh Giá, con đường theo Chúa để Phục Sinh, vì thế các nhân vật đều nhận lấy cái khổ như là nhận lấy thánh ý Chúa và vâng theo Ngài cùng với Ngài vượt qua đau thương, với một niềm tin bền vững Chúa sẽ không bỏ lòng cậy trông của mình.

 Những người mẹ bất hạnh đều được ơn Chúa, đều vượt qua những nỗi khổ nhục với tâm hồn bao dung và sau cùng, bằng con mắt đức tin, họ đã tìm thấy hạnh phúc Chúa ban. Người mẹ lao công (Đỗ Ái Duyên) đã nuôi con thành tài. Con chị giờ là GS Hán Nôm của trường ĐH KHXHNV. Chị đã dẫn con về thăm lại gia đình. Người mẹ ba đời làm công nhân cạo mủ đã có hai con đậu Tú Tài Pháp, sau đó gia đình được bảo lãnh đi Pháp.Người mẹ bại liệt có con đi tu rồi đi học Sư Phạm, sau đó ra truờng đi dạy và gặp gỡ một thanh niên Mỹ. Anh ta cầu hôn và hứa giúp cô mở trường mẫu giáo. Cô đã dẫn anh ta trở lại dòng tu để tạ ơn Chúa và cám ơn các Dì đã cưu mang. Người mẹ bán bún lương thiện có 4 con du học Mỹ. Người mẹ bán vé số, sau cùng tìm lại được người đàn ông Tây, người đã để lại đứa con cho mình, ông ta tìm đến và bảo lãnh mẹ con chị.

 Trong tập Mẹ Yêu Của Con, Song Nguyễn còn có những truyện thể hiện tư tưởng nhân văn Công Giáo thật đặc sắc. Tư tưởng ấy là như thế này, người Công Giáo không chỉ nhận lấy cái khổ của mình như nhận lấy Thập Giá, mà còn tự nhận lấy cái khổ của tha nhân làm Thánh Giá của mình, để nỗi thống khổ của tha nhân được vơi đi phần nào. Và làm như thế cũng chính là làm cho Chúa (Mt 25.31-40). Điều này thật không thể hiểu nổi đối với người đời. Người mẹ bán xôi là một người như vậy. Chị Đào Thanh Nhẫn nguyên là một nữ tu, trong những lần thăm viếng, giúp đỡ gia đình khó khăn, chị gặp mẹ con anh thương binh Nguyễn Văn Ban. Mẹ anh đã già, lầm lũi bán xôi nuôi con. Nguyễn Văn Ban là lính đặc công tại chiến trường Cambuchia.Trong một lần cứu dân,  anh bị mù hai mắt và cụt hai chân vì mìn của Kh’mer Đỏ. Trở về đời thường là người tàn phế tăm tối, anh phụ mẹ bán xôi. Cảm kích trước hoàn cảnh mẹ già và tình trạng vô vọng  của anh, nữ tu Nhẫn đã xin trở về trần gian, tự nguyện lấy anh Ban, tiếp tục bán xôi chăm sóc anh Ban và người mẹ già. Chúa đã cho chị hai người con ngoan đang học đại học. Đó cũng là cuộc đời của Dì  Phạm Thị Ngọc Loan. Dì đã đem mạng sống mình để phục vụ bệnh nhân phong cùi … để nâng đỡ và an ủi hình ảnh của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn mà tiên tri Isaia đã nói”(Người Mẹ Làng Cùi)

 Tất nhiên những “may Mắn” ơn Chúa ban cho những người mẹ bất hạnh ấy không phải là những “phép lạ” bỗng dưng có thể có được, mà xuất phát  từ cội gốc rất sâu sa của những nhân đức, của cuộc sống đạo hạnh của người mẹ. Song Nguyễn đã nhắc nhở những người mẹ Công Giáo về truyền thống đạo đức sâu xa này. Một người con thuật lại rằng :”Từ khi chúng cháu còn ngồi trên gối, mẹ cháu đã dạy chúng cháu làm dấu Thánh Giá, cúi đầu lạy Chúa, lạy Đức Mẹ. Cho đến khi lớn hơn một chút, mẹ cháu dạy chúng cháu đọc kinh. Từ lúc chúng cháu  mới ba bốn tuổi, mẹ cháu đã dạy chúng cháu đọc kinh và mỗi khi đến nhà thờ hoặc giờ kinh tối gia đình, con cái đều quỳ trước mặt Đức Mẹ…Khi chúng cháu đến tuổi đi học, mẹ cháu gửi chúng cháu nội trú trong các Dì..Những ngày nghỉ chúng cháu được đón về nhà,.. đi thăm ông bà.. thăm cô nhi viện..viện dưỡng lão, nhà khuyết tật, trại phong…Ngoài việc chia sẻ với các cô nhi viện, viện dưỡng lão, mẹ cháu còn quảng đại đóng góp xây dựng nhà thờ, nhà dòng và các công trình chung của giáo phận… hàng ngày mẹ cháu thường chăm sóc và làm vệ sinh sạch sẽ khu Đất Thánh, vì nhà cháu rất gần Đất Thánh.. cháu thiết nghĩ gia đình cháu được như hôm nay cũng là nhờ các linh hồn cầu bầu cho gia đình cháu được bình an…” (Người Mẹ Bán Bún )

 Cũng cần nhận rõ điều này, Chúa không dùng cây đũa thần để gõ một cái là có hồng ân cho ta. Nếu bạn đọc truyện rồi tìm kiếm những “phép lạ” như vậy, thì chỉ thất vọng. Hãy vác lấy Thập Giá mà đi theo Chúa, rồi Chúa sẽ đỡ nâng cho. Khi Đỗ Ái Duyên bỏ nhà ra đi, “Chị cầu nguyện rất nhiều, nhất là lần chuỗi Mân Côi, nhờ cỗ tràng hạt cha sở tặng chị. Chị tin Chúa sẽ không bỏ rơi chị và Đức Mẹ sẽ nâng đỡ ủi an chị…”Quả vậy, ơn Chúa đã đến với chị qua tay cha sở và các Dì ở trung tâm cơ nhỡ. Chị đã được các Dì tiếp nhận. Ở đây, chị cũng nâng đỡ tinh thần các chị em cơ nhỡ khác (Người Mẹ Lao Công).Chị Tư Sự, người mẹ bán vé số cũng trường hợp tương tự như Đỗ Ái Duyên. Chị Tư Sự hoang thai, bỏ nhà đi, không nơi nương tựa. Chị đã tìm đến nhà thờ HN để cầu nguyện. Chúa đã nhận lời chị. Sau khi cầu nguyện xong, chị ra hành lang nhà thờ ngồi với vẻ mặt ủ rũ, thất vọng. Một Dì dòng Đaminh đã nhìn thấy, đến hỏi thăm và được biết hoàn cảnh đáng thương của chị, Dì đã đưa chị về trung tâm cơ nhỡ của các Dì…Chị tạ ơn Chúa và quyết tâm nuôi dạy con nên người. Sau đó cha sở và giáo xứ đã cho chị ở nhờ trong căn nhà tình nghĩa của giáo xứ, và giúp vốn cho chị bán vé số…

 Nhiều truyện  kết thúc “có hậu”, các nhân vật đạt được hạnh phúc bất ngờ  như “phép lạ”. Như kiểu kết thúc đầy lạc quan của truyện dân gian. Người ở hiền thì gặp lành. Trời bù cho họ những lúc họ đã phải gian truân. Dân gian Việt Nam tin như thế và sống với triết lý ấy. Văn chương Việt Nam cũng có cấu trúc nghệ thuật như vậy. Các nhân vật trải qua những trầm luân trong nhiều hoàn cảnh, sau cùng về tới bến bờ hạnh phúc (Truyện Kiều, Lục Vân Tiên…). Điều đáng ngạc nhiên là tư tưởng nhân văn Công Giáo cũng một niềm tin như vậy. Lời thánh vịnh :”Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vui sướng. Ai gieo trong nước mắt, sẽ về giữa tiếng cười”.Sự khác biệt là ở chỗ người Công Giáo sống phó thác cho sự quan phòng của Chúa, và các nhân vật người phụ nữ của Song Nguyễn đều thể hiện vẻ đẹp nhân văn trong niềm tin này. Ngay khi được ơn Chúa, Phượng (Người Mẹ Bại Liệt) đã dẫn người bạn trai đến thăm dòng tu để tạ ơn Chúa.Song Nguyễn đã kết luận về hạnh phúc của người mẹ công nhân thế này :” Nhờ người mẹ công nhân đạo đức và hết lòng phục vụ Chúa và xã hội nên Chúa gửi cái may đến”.

 Ở tập truyện này, về mặt nghệ thuật, bạn đọc có thể tìm thấy những yếu tố mới của ngòi bút Song Nguyễn bên cạnh văn phong giản dị và nhân hậu quen thuộc như cách kể  chuyện dân gian. Người mẹ nông dân được viết như kiểu bút ký trữ tình, mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin sống động về sinh hoạt của gia đình nông dân Công Giáo ngày xưa, từ nếp sống của nhà đạo, đến công việc đồng áng, vụ chiêm, vụ mùa, trục lúa… làm hiện lên hình ảnh những người mẹ đảm đang giàu đức hy sinh. Bạn đọc hôm nay sẽ nhận ra vẻ đẹp đời sống văn hóa ở những vùng có giáo dân là một vẻ đẹp đầy giá trị nhân văn. Ở những nơi ấy, dù nghèo khổ, giáo dân luôn nỗ lực làm  cho cuộc sống tốt hơn, làm  cho tình thần vui tươi và trong sáng hơn, làm sao để tình thân ái giữa người với người ngày càng thắm thiết hơn. Mọi người sẵn lòng mở rộng vòng tay cho công việc chung, và quảng đại nhận lấy những người gặp hoạn nạn.

 Trong tập truyện này, bạn đọc sẽ ngạc nhiên về cách đặt tên truyện.Người mẹ thương gia, Người mẹ bại liệt, Người mẹ mù lòa, Người mẹ bán xôi, bán bún, bán vé số, người mẹ lao công, người mẹ nông dân, người mẹ công nhân, người mẹ giáo viên. Bạn hãy đọc những tên truyện này lên, và  tự hỏi xem mình cảm nhận điều gì về cách đặt tên như vậy? Tên truyện không có bất cứ một từ hoa mỹ nào đi kèm, đó là cách đặt tên mộc, giúp người đọc định vị ngay về nhân vật. Với những nhân vật như thế, hiện thực như ùa vây lấy ta. Đối tượng thẩm mỹ của ngòi bút Song Nguyễn là những con người, những số phận mà hàng ngày ta gặp, nhưng đã chắc gì ta biết về họ, cảm thông với họ, và tìm thấy thông điệp từ họ.Những tưởng họ chẳng có gì cho ta tìm hiểu, như những lần ta ngó lơ người bán vé số, ta hất hủi người xin ăn, hay ta tìm cách tránh người lao công đang làm công việc dọn dẹp vệ sinh, và số phận người mù sẽ tăm tối hơn khi mọi người dường như lãng quên họ. Song Nguyễn đã tìm thấy những thông điệp thật quý báu từ họ và gửi đến cho chúng ta.

 Không phải bằng những lời tụng ca mà bằng tấm lòng trân trọng và nhân hậu, Song Nguyễn đã khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người mẹ Việt Nam, người mẹ Công Giáo. Họ là căn gốc của xã hội, họ làm nên những giá trị cao đẹp, phi thường, dù trong những hoàn cảnh bi đát. Những câu chuyện trong tập Mẹ yêu Của Con chắc chắn sẽ nhắc nhở ta về long kính yêu đối với mẹ. Song Nguyễn đã nói thay chúng ta tâm tình này. “lạy Chúa! Trong ngày Mother ‘s Day, con xin dâng lên Chúa người mẹ của con và tất cả những người mẹ trên thế giới, xin Chúa chúc lành và ban cho các ngài sức khỏe, bình an và niềm vui bên đàn con cháu “(Viết về mẹ…Điều con muốn nói)  .

 Tháng 2.2012


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...