17/11/2012
2065

 Nhân vật giáo dân là nhân vật chính bởi họ là đối tượng mà Lm Phương Tòan (PT) cúi xuống rửa chân, họ là đòan chiên Lm PT phải dẫn về đồng cỏ xanh và suối ngọt. Họ là Thánh giá Lm PT phải vác khi nhà thờ bị cháy, giáo xứ bị bão Kila tàn phá, con dân bị sốt rét… Họ cũng là mạo gai sỉ nhục Lm PT phải đội, khi vì họ mà Lm PT phải xông pha vào nơi đào vàng. Họ là lưỡi đòng đâm qua tim Lm PT khi ngài phải chịu cực nhục, đau khổ, lo âu ở đồn công an. Và bởi không có họ thì tất cả nỗ lực của Lm PT không thể có kết quả.Thánh Công Đồng Vatiacanô II đã xác định :” người giáo dân sống giữa đời và làm việc đời nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần Kitô giáo, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột”,…” với lòng quảng đại họ sẽ hoàn toàn hiến mình để mở rộng nước Thiên Chúa và đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập và cải tạo lãnh vực thực tại trần thế. “(1)

  2.Nhưng trong hòan cảnh đặc biệt của lịch sử sau 1975, người giáo dân trong Đất Mới còn nhiều hạn chế. Họ lâm vào tình trạng quá nghèo khổ, phải vất vả lam lũ, và cũng vì thế, nhiều người đã sa vào thói hư tật xấu. Chuyện nhiều người dân bỏ đi đào vàng để bị bắt làm nô lệ là một sự thật. Dân đua nhau chặt cây phá rừng làm than, gây ra hậu quả khôn lường cho môi sinh .”Giáo dân thì chạy theo để kiếm sống  quên cả việc đạo đức, lại thêm cảnh giành giật tranh chấp, ghen tương, tố cáo, vu oan cho nhau khiến chính cha PT cũng bị liên lụy”.(tr.62, tập2) Đó là việc Tư Lung cưa cây bị chính quyền mời lên xã năm lần bảy lượt. Cha PT vô cùng đau buồn vì việc phá hại môi sinh lại còn bị tổn thương trầm trọng vì việc làm không đúng của giáo dân.

 Tính cực đoan của Trưởng Tuất là hạn chế có tính thời đại. Nó là trở lực rất lớn cho các họat động của Lm Phương Tòan. Trưởng Tuất có cái nhìn đố kỵ với Minh Nguyệt và nhân viên y tế . Ông cho rằng vì họ mà cha PT phải khổ, rằng họ có ý đồ không tốt. Cũng vì thế, khi Minh Nguyệt đưa kế họach di dời dân đi chỗ khác để tránh cho dân bịnh sốt rét thù Tr.Tuất họp BHG quyết liệt phản đối (tr.126, tập 2). Khi Lm PT trình bày kế họach chia sẻ đất trồng rừng cho di dân, Tr Tuất tiu nghỉu, ông lại phản đối (-chương 7, tập 3). Ông xuống tinh thần “Khó quá…không ổn!...chán ngán quá!...mệt mỏi lắm…” (tr 79, tập 3). Ông còn lấy quần chúng ra ngăn cản cha PT :” Con đã vậy, nhưng con sợ đám dân chúng đang hào hứng về kết quả thu lượm được, chưa hưởng bao nhiêu lại phải chia sẻ, và chắc chắn còn phải thiệt thòi, phiền hà nhiều, sợ họ chán nản rồi đâm ra tiên cực, lợi chả thấy lại thấy hại”(tr 85, tập 3).Trong việc này, “riêng cha con ông Tấn còn đòi làm đơn thưa chính quyền, đòi bỏ xứ ra đi…”(tr 113, tập 3) Theo ông trùm Tín thì chính gia đình ông Tấn còn kéo theo một số gia đình khác phá họai hợp tác xã, gây thành một phe cánh chống đối nữa (tr150.tập 3). Điều này làm cho cha PT lo lắng và dự cảm những điều chẳng lành sẽ xảy ra…

 Đã có lúc ông Trưởng Tuất đuối sức, mất niềm tin. Khi cha PT bị mất tích, nhà thờ bị cháy, mọi điều tiếng đổ trách nhiệm lên ông. Ông đã bỏ bê việc nhà thờ, nội bộ BHG chia rẽ. Sinh họat xứ đạo trở nên nguội lạnh. Những tệ nạn trong thanh niên có nguy cơ tràn lan và nhiều gia đình có ý định bỏ xứ đi nơi khác (Chương 11, tập 1)

 Thế nhưng người giáo dân trong Đất Mới có nhiều phẩm chất tốt mà ngày nay chúng ta có thể học tập được.

 3.Lòng kính yêu cha sở luôn là điểm sáng trong mọi phẩm chất của giáo dân.Trưởng Tuất bỏ công ăn việc làm lặn lội nhiều lần, chịu bao nhiêu cực nhục, để đưa cha PT đến bịnh viện. Ông  dành tòan tâm tòan trí lo cho cha. Bởi vì “ông chưa thấy ai tận tụy hy sinh như cha. Hy sinh, quảng đại, lại rất bình dân, không có gì cao kỳ, ở với ai cũng được” (tr.178, tập 1).Lần thứ hai đưa cha đi bệnh viện ông đã bị tai nạn. Đêm ấy ông sốt mê man”Trong khi mê sảng ông luôn nhắc đến cha. Nhiều lúc ông mê man như người mất trí, ông chảy nước mắt như cha chết thật…”(tr184).

 Khi nghe Trưởng Tuất báo tin bệnh tình cha PT nguy kịch thì cả nhà thờ khóc. “Tiếng sụt sùi bắt đầu nổi lên, lúc đầu còn nhỏ, dần dần lớn hơn, rồi chính Trưởng Tuất cũng nghẹ ngào không nói nổi nữa. Một bầu không khí ảm đạm bao phủ cả nhà thờ…Tình cảm của mọi người đối với cha thật hết sức đậm đà, chỉ vỉ cha thật sự và hòan tòan trở nên nơi nương tựa cho mọi người “(tr.25, tập 1). Xuất phát từ lòng yêu thương ấy, Tư Lung đã vận động bà con gom tiền lo thuốc thang cho cha.Cả nhà Tư Lung bàn bạc tìm cách giúp cha, nhưng ngặt vì nhà nghèo qúa. Sau cùng quyết định đã bán nhẫn cưới của con Liên để cùng góp với mọi người (chương 3, tập 1) 

Tình cảm giáo dân dành cho chủ chiên của mình là một tình cảm thiêng liêng, vượt lên những tình cảm bình thường. Bởi họ nhìn thấy Chúa Giêsu trong hiện thân người Mục Tử, và vì thế họ cùng sống chết với cha sở của mình. Không có tình cảm ấy, cha PT khó có thể xây dựng vùng đất mới Tân Hữu 

4.Người tông đồ nhiệt thành xây dựng nhà Chúa. 

Trong khi cha PT nằm viện, giáo dân vẫn chăm sóc, giữ gìn nhà xứ tươm tất như khi có cha ở nhà. Đây là cảm nghĩ của cha PT khi trở về giáo xứ: “sau hơn một tháng vắng nhà, lần đầu tiên cha được nhìn lại mảnh đất thân yêu đã ghi dấu nhiều kỷ niệm. Thoạt đầu cha tưởng nó sẽ tệ lắm, cỏ rả đã lấp kín cả rồi; thế nhưng, cha đã phải ngạc nhiên khi thấy mảnh vườn của cha phủ một màu xanh mượt. Những hàng bắp thẳng tắp, cây nào cây ấy mập mạp, có cây đã trổ cờ rồi. Giữa hàng bắp là hàng đậu xanh, dầy đặc những bông vàng đầy hứa hẹn. Trước sau nhà xứ cũng được thu dọn rất gọn gàng sạch sẽ, có thể nói còn hơn khi cha ở nhà nữa” (tr.94, tập1). Lần ấy trúng mùa, giáo dân bàn việc tu sửa nhà thờ (tr.107, tập 1)

 Sau  khi nhà thờ bị cháy, giáo dân hết sức lo lắng.  Đức Cha đã đến thăm và giúp đỡ để làm lại nhà thờ. Dưới sự hướng dẫn của cha PT, tất cả mọi người đã làm việc hăng say. Xin cùng sống với giáo dân Tân Hữu trong  không khi phấn khởi ấy : 

” Đã từ nhiều tháng nay, kể từ khi cha Phương Toàn hồi phục trở về, dưới sự hướng dẫn của cha, tất cả mọi người, cả Ban hành giáo và giáo dân trong ấp đều lao vào công việc chẳng kể thời gian. Ai cũng hăng say làm việc, miễn sao cho xong công việc chứ không phải chỉ để cho hết giờ. Xã, ấp đã có những bước chuyển mình thay đổi đáng kể. Những cánh đồng, rẫy xanh mượt; những ngôi nhà đơn sơ được sửa sang gọn gàng, sạch sẽ; những con đường rộng mở hứa hẹn một tương lai với nhiều bước tiến thuận lợi. Đồng thời, đời sống tôn giáo cũng đang khởi sắc. Các giờ kinh lễ, đặc biệt giờ kinh tối gia đình là một lực đẩy diệu kỳ biến đổi cả gia đình. Sau một ngày vất vả, khi đêm về mọi người trong gia đình cùng quây quần trước bàn thờ gia đình, nhờ suy niệm Lời Chúa và được Chúa đánh động, đời sống đức tin được vững mạnh, mọi người thông cảm, nâng đỡ nhau, cùng nhau gánh vác, chia sẻ đời sống xã hội và tâm linh. Cũng từ những nỗ lực xây dựng tâm linh đó, cha Phương Toàn đã quyết định dựng lại ngôi nhà thờ mới. Vì nhà thờ chính là linh hồn, là biểu tượng của tôn giáo, là nhà Chúa ở với dân Người, nên đó là việc đầu tiên cha phải làm và phải làm cho tốt. (tr.12, tập 2). Giáo dân Tân Hữu không chỉ làm nhà thờ một lần, họ còn làm nhà thờ khi đến vùng đất mới .

 Xây dựng nhà Chúa không chỉ là xây dựng cơ sở vật chất nhà thờ, nhà xứ. Được cha PT hướng dẫn, giáo dân Tân Hữu đặc biệt xây dựng đền thờ tâm hồn.”Sinh họat giáo xứ ngày càng đi sâu vào đời sống đức tin” (tr.108, tập 1). Trước khi khởi sự bất cứ công việc gì, cha PT cũng tập trung xây dựng đời sống tinh thần cho giáo dân. Bởi đó là ơn Chúa, là sức mạnh của chúng ta. Xin đọc lại sinh họat giáo xứ trước khi xây nhà thờ:

 “Mà đúng vậy đó, cha rất để ý xây dựng đền thờ các tâm hồn bằng việc khuyến khích các gia đình làm những giờ kinh tối chung trong gia đình. Tối nào cũng như tối nào, ngày thường cũng như lễ nghỉ, cứ mỗi tối cha đi tới bốn gia đình, giúp ông bà cha mẹ con cái cùng cầu nguyện, cùng chia sẻ, trao đổi và đưa ra quyết tâm. Suốt mấy tháng trời, dù nắng hay mưa, cha đều đến chia sẻ với họ những giờ kinh tối, không bỏ sót một gia đình nào.

 Để chuẩn bị cho ngày xuống móng khởi công xây dựng nhà thờ, cha xứ và toàn thể giáo xứ lên chương trình rất chặt chẽ, … từ ban hành giáo, ban điều hành, ban phục vụ tới các giới: bô lão, gia trưởng, hiền mẫu, giới trẻ, thiếu nhi. Họ thay phiên nhau chầu Thánh Thể. Ngoài các đơn vị có trách nhiệm, số người tham dự đã vượt quá khung cảnh nhỏ bé của nhà thờ. Điều đánh động nhất là những bài suy niệm về đề tài đền thờ tâm hồn, rất súc tích, rất cụ thể như xoáy vào lòng người. Lạ thật, từ con người của cha tỏa ra một sức thu hút mà từ già tới trẻ đều bị lôi cuốn vào các hoạt động của người trong một bầu khí phấn khởi,hân hoan.(Tr.16, tập 2)

 Đọc đọan văn trên, ta hiểu ơn Chúa đã đổ xuống cho con cái Người, làm nên Đất Mới kỳ diệu.

 5.Nhiệt thành làm việc bác ái

 Đặc biệt trong việc giúp đỡ di dân. Giáo dân Tân Đức (giờ là Tân Hữu) từ những ngày đầu gian nan vất vả, bao nhiêu công cức mới tạm xây dựng được cuộc sống bình ổn, giờ phải chia sẻ cho những người di dân từ Trung vào. Của đau con xót, ai cũng ngần ngại. Trong cuộc họp bàn việc giúp đỡ di dân, có nhiều ý kiến phản đối. Cha PT phải khai mở cho họ:

 “Sau kinh khai mạc, cha Phương Toàn tóm kết lại những ý cầu nguyện đã được trải dài trong nhiều ngày qua về công cuộc truyền giáo. Truyền giáo là bản chất của người công giáo, không truyền giáo là đánh mất chính mình. Vì vậy, các linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ và giáo dân, già trẻ lớn bé, đều phải làm việc truyền giáo…(107, tập 3)

  Cha Phương Toàn phân tích cho họ hiểu: 

-  Những ý kiến quí ông vừa đưa ra và chắc chắn còn nhiều người muốn nói nữa, tôi rất hiểu và thông cảm với anh chị em, nhất là những vị đã sống từ đầu ở Tân Đức, đã nếm cảnh “nằm gai nếm mật”, đã từng phải đào củ mài củ chuối ăn độn, ăn tạp, phải chống chọi với bệnh tật, nhất là bệnh sốt rét. Chính bản thân tôi cũng mấy lần thoát chết và anh chị em nhớ không, vì thương tôi, anh chị em đã tổ chức quyên góp để giúp tôi, mà chẳng được là bao! Nhưng nhờ ơn Chúa đã cứu tôi.., ơn Chúa cứu sống tôi thật rõ ràng hơn. Còn phía anh chị em, phải khó khăn vất vả biết chừng nào mới được định cư ở đây, và ơn Chúa đã cho anh em được mọi sự thuận lợi để có hôm nay… Tất cả là hồng ân Chúa. Nếu Chúa không thương chúng ta, thì giờ này tôi cũng như anh em chẳng còn nữa… Vậy nếu Chúa thương chúng ta như vậy thì tại sao chúng ta lại không mở lòng ra để hỗ trợ giúp đỡ anh chị em đồng bào của mình, nhất là khi họ mới đến, chân ướt chân ráo, lạ lẫm mọi sự?(tr.110, tập 3)

 Người dân Tân Hữu đã chia 70 ha đất trồng rừng tốt nhất cho Tân Thành (tr118, Tập 3), còn giúp đỡ làm nhà tình nghĩa (tr.129, tập 3), làm giếng, xây dựng trạm xá, nhà trẻ, trường học (tr.132, tập 3). Những công việc bác ái ấy đã đem đến những hiệu quả thật đáng mừng. “Nước bác ái thầm đẫm, nhân dân ấp Tân Thành đã hiểu nhân dân ấp Tân Hữu là ai”(tr.139, tập 3). Nhân dân Tân Hữu đã cùng cới cha sở đem 500 anh em Tân Thành về với Chúa

 6. “Là công dân tốt “ 

Đức Bênêđictô XVI dạy rằng : :“ Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”

 Quả thực, người giáo dân trong Đất Mới đã sống đúng với tinh thần ấy. Người giáo dân trong Đất Mới không chỉ là giáo dân tốt, chăm lo việc tôn giáo, mà còn là những công dân tốt, mà cốt cách của họ làđức Ái Kitô giáo, là sự liêm chính và tích cực tham gia việc công ích

 Giáo dân Tân Đức tham gia trồng 500 ha rừng, vừa để lo kinh tế, vừa hưởng ứng kế họach của nhà Nước bảo vệ môi sinh. Sau đó giáo dân Tân Đức lại đồng thuận kế họach di dân của Nhà Nước đến vùng đất mới Tân Hữu, để tránh cho dân bệnh sốt rét. Đó là một việc vừa có lợi cho dân vừa có ích cho nước.  Sau Tân Hữu lại đồng thuận với Nhà Nườc giúp đỡ di dân miền trung lập ấp Tân Thành, một công việc thật khó khăn mà nhờ đức ái mới có thể làm được. Có thể nói tất cả những công việc ấy là công việc của công dân trong mối quan hệ với Nhà Nước và đồng bào mình.

 Tân Đức trở thành đơn vi đi đầu trong phong trào trồng rừng (tr.75, tập 2) Trưởng Tuất nhận lá cờ đầu trong buổi tuyên dương ở xã. Ấp Tân Hữu được công nhận ấp đời mới. Lễ mừng được tổ chức hòanh tráng (chương 6, tập 3).

 Tất cả những công việc ấy vừa là việc riêng của giáo dân tự lo lấy đời sống, nhưng cũng vừa là “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”. Dân tộc sống thế nào, người Công giáo sống như vậy, chỉ khác rằng, tất cả mọi việc người Công Giáo làm, là làm trên nền tảng đức ái được soi rọi bằng lời Chúa. Và vì thế họ xây dựng được Đất Mới trong tin yêu và hoan hỷ. Những việc ấy làm thay đổi nhận thức của Nhà Nước với người Công Giáo. Giúp Nhà Nước nhân ra giá trị đời sống tôn giáo. 

Trong lễ công nhận ấp đời mới Tân Hữu, ông Phó Huyện Văn xã đã ghi nhận điều này:

 Trong phần phát biểu, ông Phó huyện văn xã tường trình về việc hình thành và phát triển của ấp Tân Hữu, ông nói: 

-  … Tỉnh, đảng bộ, huyện bộ, ủy ban tỉnh, huyện và các ngành đều nhất trí dành danh hiệu ấp đời mới cho ấp Tân Hữu. 

Cả sân vận động vỗ tay. Trưởng Tuất đứng lên, miệng hô, tay nắm giơ cao: 

-  Hoan hô ấp đời mới Tân Hữu!... 

Cả sân vận động đồng loạt giơ tay hô đáp lại. Tiếng hô, tiếng đáp của một quần thể đồng lòng đồng trí tạo thành một sức mạnh hiếm thấy ở đâu có... 

Ông Phó văn xã nói tiếp: 

-  Ấp Tân Hữu có được vinh dự này phải nói đến uy tín của các vị lãnh đạo, đặc biệt của Ngài Linh mục Phương Toàn và quí vị ban hành giáo của giáo xứ Tân Hữu. Thực vậy, trước đây hơn hai năm, vùng đất này là vùng đất cao, khu rừng đã bị khai phá trơ trọi. Dưới sự trợ giúp của chính quyền, qua sự vận động của nhiều cán bộ, nhân dân ở vùng trũng là ổ căn bệnh sốt rét rừng được di dời tới đây. Công đầu đẩy lui được bệnh sốt rét rừng, phải kể đến phòng y tế huyện, cụ thể là đồng chí Bác sĩ tân giám đốc bệnh viện tỉnh và cô Bác sĩ bệnh viện huyện… Diệt trừ được bệnh sốt rét, dời dân lên vùng đất cao nước sạch, dân chúng vẫn tiếp tục và mở rộng nghề trồng rừng theo đúng chủ trương của nhà nước, đồng thời giải quyết được công ăn việc làm, nhất là xóa đói giảm nghèo, tiến tới chỗ làm giàu cho đất nước. Thành công đều mỗi mùa: lúa, bắp, mì, đậu, mè, rồi rau quả, bí đỏ, bí xanh, rau lang, rau cải… các hộ có đầy đủ… Đặc biệt là việc trồng rừng. Tân Hữu đã hưởng ứng chính sách trồng rừng ngay từ đầu, và đã được các cấp lãnh đạo xếp ấp Tân Hữu đứng đầu vùng Đông Nam Bộ, là ấp đạt tiêu chuẩn tốt nhất.”(Chương 6, tập 3) 

          Ở góc độ cá nhân, người giáo dân Công Giáo cũng nhận trách nhiệm công dân của mình trước pháp luật và có ý thức tôn trọng luật pháp. Khi tên Nguyễn Văn X vào nhà thờ ăn trộm tiền ở bàn thờ thánh Martin, cha mẹ hắn đã đến nhận trách nhiệm giáo dục con (tr.164, tập 3). Sau đó Nguyễn Văn X bị ra tòa, cha mẹ hắn cũng nhận trách nhiệm giáo dục con trước tòa (tr.183, tập 3). 

KẾT LUẬN 

Người giáo dân trong Đất Mới, đặc biệt là Ban hành Giáo, đã góp phần cùng với cha sở, Lm Phương Tòan, làm nên một miền Đất Mới. Đó là vùng đất của đồng cỏ xanh và suối ngọt ĐỨC ÁI, vùng đất của Nước Trời ngay tại trần gian khi tất cả cùng hướng về người nghèo khổ, làm hết sức mình để nâng cao đời sống và phẩm giá của họ.

 Được sự chăn dắt của Lm Phương Tòan, họ đã trưởng thành lên và cùng bước đi theo Ngài trong ân sủng của Chúa Kitô, làm nên những điều kỳ diệu. Họ cùng với Ngài sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, biến cải môi trường sống, làm dậy men đức Tin giữa cuộc sống muôn vàn khó khăn. Trên hết, là họ có đức Tin mạnh mẽ, đức Cậy bền đỗ và đức Ái quảng đại. Họ yêu thương và gắn bó với cha Sở, luôn biết lắng nghe và chia sẻ những ý nguyện lành thánh của Ngài. Nhờ đó họ vượt qua được những hạn chế cá nhân, gắn bó với cộng đòan và làm tốt trách nhiệm người giáo dân, trách nhiệm công dân giữa cuộc sống muôn vàn khó khăn. Họ đã thực hiện được sứ mệnh như lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dạy, sứ mệnh chứng nhân :”chứng tỏ rằng người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

 Xin lắng nghe lời kêu gọi của sứ điệp Đại Hội Dân Chúa 2010: 

“Để bày tỏ khuôn mặt Hội Thánh như một gia đình, đại hội kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa hợp tác chặt chẽ với nhau trong tình hiệp nhất yêu thương. Xin anh chị em giáo dân tích cực tham gia vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh bằng những khả năng chuyên môn Chúa ban cho mình. Các gia đình Công giáo được mời gọi giữ vững và củng cố ơn gọi hôn nhân Kitô giáo, xây dựng gia đình như Hội Thánh tại gia, cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương và ngôi trường đầu tiên đào tạo con người toàn diện”(3)


 (1) SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN (APOSTOLICAMACTUOSITATEM)

 (2)  Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói với các Giám Mục Việt Nam trong chuyến hành hương kính viếng Mộ Các  Thánh Tông Đồ hôm 27/6/2009

 (3) Sứ điệp Đại Hội Dân Chúa 2010


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...