20/07/2020
2232
Thứ Ba Tuần 16 TN
         Lời Chúa: Mt 12,46-50
         46 Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47 Có kẻ thưa Người rằng : "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy." 48 Người bảo kẻ ấy rằng : "Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?" 49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói : "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."
         Suy niệm:
 Mẹ Maria được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, trước tiên Mẹ là người biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Thánh kinh ghi lại: trong khung cảnh cầu nguyện, Mẹ đã lắng nghe tiếng nói của sứ thần. Mẹ đã lắng nghe trong sự đối thoại chân thành. Mẹ tìm hiểu thiên ý Thiên Chúa. Một khi đã khám phá ra ý Chúa, Mẹ đã xin vâng theo lời sứ thần loan báo.
Vì thế, Mẹ Maria đã trở thành Mẹ của Thiên Chúa trước tiên là Mẹ đã thi hành ý Chúa. Đây cũng là lý do Chúa Giê-su luôn đề cao gia đình mới của Ngài bao gồm những con người biết lắng nghe và thực thi lời Chúa. 
Xin cho các thành viên trong các gia đình chúng ta luôn biết sống theo ý Chúa để xứng đáng là gia đình của Chúa. Một gia đình hạnh phúc không chỉ là trong tình ruột thịt mà trong sự hiệp thông với Cha trên trời.
Ước gì chúng ta biết phó dâng cuộc sống nơi Mẹ Maria là Mẹ của chúng ta, để Mẹ dẫn dắt chúng ta đi trong lời Chúa. Và xin cho chúng ta cũng biết yêu mến tha nhân là anh em con một Cha Trên Trời. 
Lạy Chúa Giê-su,

Chúa đã liên kết chúng con nên một trong gia đình của Chúa. Chúa muốn chúng con sống hiệp nhất với nhau qua việc luôn để cho ý Chúa được thực hiện trong cuộc sống. Xin giúp chúng con luôn sống xứng đáng là thành viên của Chúa khi biết tôn thờ Chúa trên hết mọi sự và yêu mến anh em như chính mình. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
NGHE VÀ THỰC HÀNH
Trong Tin Mừng Luca, ta thấy thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình ruột thịt của Ngài được ghi lại như một kết luận của toàn bộ những lời giảng dạy của Ngài về Nước Chúa, cũng như những điều kiện để thuộc về Nước Chúa. Như vậy, đối với Luca, chỉ có việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa mới thực sự làm cho con người được đi vào quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu.
Chúa Giê-su vì sứ mạng loan báo Tin Mừng, đã buộc mình phải rời xa tương quan ruột thịt tự nhiên và hạn hẹp, để gắn bó thiết thân hơn với sứ vụ, và gắn chặt mối tương quan nhân loại bao quát hơn.
 Có lẽ trong nhận thức của không ít người, khi dấn thân phục vụ cho đồng loại, dường như họ nghĩ là sẽ bị mất mác thua thiệt điều gì đó, nhưng Chúa Giê-su muốn cho mọi người, và nhất là những người môn đệ của Người thấy rằng: họ không mất mà được gấp trăm là “mẹ là anh em” của Chúa. Cũng như kinh nghiệm của Bật Thứ Thiên trong câu chuyện trên, khi tận tình cho công việc chung của triều đình, tương quan của Ông rộng và sâu hơn.
Khi Mẹ Maria liều lĩnh chấp nhận vâng nghe Lời Sứ Thần truyền, và chấp nhận gắn bó với Chúa Giê-su, Mẹ đã từng bước nhận ra Mẹ không chỉ là Mẹ duy nhất của Chúa Giê-su theo huyết nhục, mà Mẹ còn có mối tương quan thân thiết gắn bó đặc biệt với nhóm 12, mà còn quan trọng hơn với gia đình nhân loại. 
Trang Tin Mừng hôm nay là phần kết luận của trình thuật về cuộc chiến đấu giữa thần khí Chúa và thần khí ma quỉ. Ma quỉ vốn làm cho con người ra câm điếc đối với Lời Chúa; do đó, như người câm được Chúa Giêsu chữa lành, con người cũng cần phải được tháo cởi khỏi xiềng xích của ma quỉ mới có thể lắng nghe được Lời Chúa và thần khí của Ngài. Ðức Maria chính là mẫu mực của con người không hề bị giam hãm trong xiềng xích của ma quỉ. Mẹ luôn luôn lắng nghe và đáp trả Lời Chúa. Chính vì lắng nghe Lời Chúa mà Mẹ đã cưu mang Con Chúa; nơi Mẹ, quan hệ máu mủ ruột thịt với Chúa Giêsu được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe Lời Chúa; Mẹ chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, bởi vị Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa.
Khi biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, mỗi người chắc chắn sẽ tăng thêm nhận thức về bản thân là những phần tử trong mối dây liên kết và tương quan trong đức tin, đức cậy và đức mến đối với đồng loại và đối với Thiên Chúa. Không ai trong thế giới này từ cổ chí kim có liên hệ huyết nhục nhân loại với Đức Giêsu; nhưng đã có rất nhiều người và chắc chắn sẽ còn có nhiều người sẽ gắn bó còn hơn ruột thịt và dám sống chết với Người, vì họ biết lắng nghe và thi hành ý muốn của Cha trên trời (Mt 12,50).
“Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, Người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” ( c.50). Thế đã rõ câu trả lời của Chúa Giêsu khi xác nhận ai là họ hàng với Ngài : đó là những người thi hành ý Chúa Cha, là những người nghe Lời Chúa và đem ra thực hiện.
 Chắc hẳn lúc đó Mẹ Maria vui lắm, vì Mẹ biết không những Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu trong máu huyết nhưng còn được Chúa ưu ái đón nhận là Mẹ của Ngài, khi Mẹ “ ghi nhớ lời Chúa và suy niệm trong lòng” ( Lc 2,19). Khi Mẹ ghi nhớ và suy niệm thì chắc hẳn Mẹ đã sống tận căn Lời Chúa, đến nỗi Mẹ đã đứng hiên ngang dưới cây thập giá, đồng công cứu chuộc với con của Mẹ.
Chúa Giêsu đã đề cao thái độ của Mẹ Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật Do Thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo Hội, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính niềm tin.
Dĩ nhiên, gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và nuôi dưỡng đời sống đức tin; gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình. Cộng đoàn xã hội, nhất là xã hội gia đình là môi trường cần thiết giúp con người đón nhận và phát huy đức tin.
Khi đề cao thái độ lắng nghe và thực thi Lời Chúa của Ðức Maria, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa, đó là cuộc gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống Lời Chúa, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau là thế đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh em của mình, trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể không làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...