05/06/2022
2761
     Bài 1: Lược sử PT TNTT VN và PT TNTT tại Xuân Lộc


     Giới thiệu Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể (PTTNTT) - Một Đoàn thể Công giáo Tiến hành đã và đang góp phần tích cực vào công cuộc Giáo dục Đức tin cho Thiếu Nhi và Giới Trẻ trong Giáo Hội.
I. ĐẠO BINH ĐỨC GIÁO HOÀNG
(Tiền thân của PTTNTT)
Năm 1865 tại Pháp, trước các cuộc nổi loạn chống lại Tòa Thánh của những người thuộc Hội Tam Điểm, Cha Léonard Cross đã quy tụ các em thiếu nhi lập ĐBĐGH lấy tinh thần Đạo Binh Thánh Giá thời trung cổ, nhằm cổ động các em thiếu nhi thay vì dùng vụ khí gươm giáo bảo vệ Đất Thánh, nay dùng cầu nguyện, thinh lặng và hãm mình để bảo vệ Hội Thánh.
Năm 1877, chính phủ Pháp do ảnh hưởng của Hội Tam Điểm đã trủ trương bãi bỏ ảnh hưởng của đạo Công giáo: cấm Linh mục, tu sĩ dạy học, cấm dạy Giáo lý trong nhà trường... Lúc đó, để chống lại ảnh hưởng xấu này, Cha Henri Ramìere, Dòng Tên, đã quy tụ các em thiếu nhi lập ra Mặt trận cầu nguyện để cầu nguyện cho nước Pháp, đồng thời Cha Henri Ramìere đã đổi phong trào ĐBĐGH thành Hội Tông Đồ Cầu Nguyện. Cha cũng là chủ tịch đầu tiên của Hội Tông đồ cầu nguyện.
Ngày 08/08/1910: Đức Giáo hoàng Piô X ban sắc lệnh “Quam Singulari” phát động việc tôn sùng Thánh Thể và cổ võ việc cho Thiếu nhi được rước lễ sớm. Đồng Thời sắc lệnh cũng nhắm vào chủ đích tăng cường ý nghĩa việc tôn sùng Thánh Thể trong Giáo hội. Hưởng ứng sắc lệnh của ĐGH Piô X, ngày 13/11/1915: Tại Toulouse, Pháp, Cha Albert Bessìere và bà Genevìere Bosselli đã thành lập Hội Nghĩa Binh Thánh Thể (Croisade Eucharistique) chi nhánh của Hội Tông đồ cầu nguyện.

II. PHONG TRÀO TNTT TẠI VIỆT NAM
  • Năm 1929: Hai linh mục Dòng Xuân Bích (Saint Sulpice) là Leon Palliard (Cha Lý) và Paul Urureau (Cha Đoán) đã đem Hội Nghĩa Binh Thánh Thể vào Việt Nam, nơi khởi sự tại Chủng viện Saint Sulpice, Liễu Giai – Hà Nội, và thành lập Đoàn đầu tiên tại trường Thầy Dòng “École – Puginier” của các Sư huynh Lasan ở Hà Nội.
  • Năm 1931: thành lập phong trào tại Hà Nội và Huế.
  • Năm 1932: thành lập phong trào tại Phát Diệm và Thanh Hóa.
  • Năm 1934: Công Đồng Đông Dương kêu gọi: “Riêng đối với trẻ con nam nữ, chúng tôi giới thiệu Hội Nghĩa Binh Thánh Thể, vì không có gì có sức hơn để đốt nóng lên trong các tâm hồn thiếu niên tinh thần và lòng mộ mến việc tông đồ.” (khoản 372).
  • Năm 1935: thành lập phong trào tại Vinh, Saigon và Vĩnh Long.
  • Năm 1936: thành lập phong trào tại Qui Nhơn.
  • Năm 1937: thành lập phong trào tại Thái Bình và Bùi Chu.
  • Năm 1951: Cha Fx Nguyễn Hữu Tấn đã mở rộng Hội Nghĩa Binh Thánh Thể (NBTT) ra các Xứ đạo gốc vùng ven Sài Gòn thuộc các giáo phận Mỹ Tho, Xuân Lộc và Phú Cường sau này.
  • Năm 1954: Biến cố di cư đã làm phát triển rộng lớn hơn nữa NBTT ở miền Nam.
  • Năm 1957, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã bổ nhiệm linh mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ làm Tổng Tuyên Úy đầu tiên. Sinh hoạt Nghĩa Binh bắt đầu đòi hỏi đổi mới cho phù hợp với tâm lý giới trẻ. Mười năm sau biến cố 54, linh mục Tổng Tuyên Úy Nguyễn Khắc Ngữ được bổ nhiệm làm Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên.
  • Năm 1964, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã cử linh mục Phaolô Nguyễn Văn Thảnh lên thay thế. Với tâm tư yêu mến giới trẻ sâu xa, vị tân Tổng Tuyên Úy đã tổ chức Đại Hội Tuyên Úy để
  • nghiên cứu và thảo luận vạch hướng đi cho NBTT cùng lúc với tinh thần đổi mới của Công Đồng Vaticanô II. Hội đã thêm vào sinh hoạt cầu nguyện thuần túy của NBTT một đường lối mới: Dùng tuổi trẻ đem Chúa đến cho giới trẻ và dùng phương thức sinh hoạt trẻ vào trong các hoạt động.
  • Năm 1965: Đại hội Tuyên Úy lần thứ hai diễn ra tại Sài Gòn, quyết định ban hành Nội quy thống nhất lần đầu tiên. Theo đó, Hội Nghĩa Binh Thánh Thể được đổi tên thành Phong trào Thiếu Nhi
  • Thánh Thể Việt Nam (PTTNTT/VN).
  • Năm 1966: Vào ngày 24-06, Phong Trào được Bộ Thanh Niên cấp giấy phép số 300/BTN/SHTN/ND để chính thức hoạt động như các đoàn thể thanh niên quốc gia khác (xem điều 1 của bản Nội Quy). Đây cũng là thời điểm diễn ra Đại Hội Huynh Trưởng toàn quốc đầu tiên tại Gx. Thánh Tâm, Saigon, với khoảng 300 Huynh Trưởng (HT).
  • Năm 1967: Tại Đại Hội Huynh Trưởng tổ chức tại Saigon với khoảng 500 HT tham dự, Ban Quản Trị Trung Ương toàn quốc đầu tiên được thành lập.
  • Năm 1971: Hội đồng Giám Mục Việt Nam chấp thuận cho thi hành Nội quy mới thay thế Bản nội quy thống nhất năm 1965.
  • Năm 1972: Đại hội PTTNTT Toàn quốc Về Đất Hứa 1 được tổ chức tại Bình Triệu, quy tụ 2000/3800 (hoặc 4000) Huynh trưởng khắp cả Miền Nam.
  • Năm 1975: Phong trào có khoảng 140000 Đoàn sinh, 3800 Huynh trưởng các cấp hoạt động trên 650 giáo xứ của 13 Giáo phận trên miền Nam. Sau 30/04/1975, PTTNTT/VN tạm ngưng, chuyển qua hình thức lớp Giáo lý.
Đang khi đó, một số anh chị em Huynh trưởng khi định cư ở
nước ngoài đã cùng với các linh mục Việt Nam được sự chấp thuận
của Bản Quyền sở tại, nỗ lực gầy dựng lại PTTNTT và đã gặt hái
thành công lớn ở Hoa Kỳ, Úc, Canada, Pháp và Đức.


III. PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ TẠI XUÂN LỘC
1. Giai đoạn hình thành và phát triển

     Vì “sinh sau đẻ muộn” (1966) nên Xuân Lộc đã kế thừa được những thành quả đáng kể:
Các Hội NBTT do Cha Fx. Nguyễn Hữu Tấn thành lập vào những năm đầu thập niên 50 (thế kỷ 20) đã nói ở trên.
     Trong giai đoạn đầu, các Xứ Đạo di cư giữ lại cả nhân sự lẫn nếp sinh hoạt của các Hội Đoàn Công Giáo trong đó có Hội NBTT ở Giáo Phận Mẹ (Hải Phòng, Bùi Chu, Phát Diệm…) áp dụng vào Giáo Hội địa phương.
     Khi Giáo phận (GP) mới chia tách, bề trên chỉ định Cha Đaminh Đinh Minh Diệm coi sóc TNTT.
Năm 1972, Đức Giám Mục Giuse Lê Văn Ấn chính thức bổ nhiệm Cha Giuse Nguyễn Vinh Thiên làm Tổng Tuyên Úy Liên Đoàn, là một bước ngoặt cho PTTNTT/GP. Vị Tuyên Úy trẻ trung, năng động được sự cộng tác của các linh mục chánh xứ đã đặt nền móng và củng cố cho Phong trào.
     Dịp hè hàng năm các Đại Chủng Sinh mang theo những kiến thức mới mẻ, những cách thức sinh hoạt, truyền đạt Giáo lý theo phương thức mới, sinh động… làm rộn rã bầu khí xứ đạo.
     Những Tông đồ Giáo dân được khuyến khích tham gia tích cực vào công cuộc giáo dục đức tin cho TN trong vai trò huynh trưởng, hộ úy… Nhà riêng Trưởng Nguyễn Thanh Sùng (GX Phúc Lâm) được hào phóng cho mượn làm văn phòng và nơi sinh hoạt của Liên Đoàn. Nhiều đóng góp của các Huynh Trưởng Xuân Lộc được sử dụng rộng rãi, quen thuộc trong sinh hoạt của PT ( bài hát: Nắng chang chang đốt cháy da người…; Chúa ơi! Bóng đêm đã xuống…; Cây măng…/Trưởng Phaolô Nguyễn Thanh Sùng)
     Hầu hết các Xứ Đạo đã hình thành Đoàn TNTT với các sinh hoạt rộn ràng. Các Huynh Trưởng và Hộ Úy được tập trung về đào tạo ở Giáo Hạt, Giáo Phận (Trại Huấn Luyện Nguồn Sống 1; 2 – Hạt Hố Nai; Sa Mạc Huấn Luyện Huynh Trưởng Giáo Phận đầu năm 1974 ở Bảo Thị quy tụ khoảng 300 HT) và gởi đi huấn luyện và dự các Đại Hội Toàn quốc.
     Các đợt Trại giao lưu, họp mặt… ở nhiều cấp độ (Xứ Đoàn; Hiệp Đoàn…; Nghĩa sĩ toàn quốc – GX Thái Bình, Xóm Mới, Gò vấp/ 1973; Trại Họp Bạn Miền Thủ đô – Sài Gòn, Xuân Lộc, Phú Cường/ Lái thiêu 1972.…) được khuyến khích làm cho sinh hoạt của PT ngày càng thêm phấn chấn, sôi nổi…
     Năm 1974, khi cuốn Nghi Thức Tổng Liên Đoàn TNTTVN được phát hành, một Xứ Đoàn của Xuân Lộc được vinh dự chọn làm cờ mẫu cho cả Tổng Liên Đoàn.
     Cao điểm là cuộc “duyệt binh” danh dự ra mắt Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng khi Ngài lên coi sóc giáo phận, hàng ngàn TN của hầu hết các Xứ Đoàn tề tựu về Nhà Thờ Giáo xứ Hà Nội chào đón vị Chủ Chăn mới. Dịp này Xứ Đoàn Đông Hòa đoạt giải nhất. Con số TNTT của Xuân Lộc vào thời điểm đó là 40.000 trên tổng số 140.000 toàn miền Nam.

2. Giai đoạn ẩn mình trong âm thầm chờ đợi:
     Từ 1975 đến hết thập niên 80 là giai đoạn khó khăn chung, mọi sinh hoạt tôn giáo bị gói gọn trong Nhà Thờ. Ý thức rằng dù thuận lợi hay không thuận lợi, Lời Chúa vẫn phải được rao giảng, các vị mục tử cùng với những trợ úy, hộ úy và huynh trưởng nhiệt thành bất chấp những khó khăn, gian khổ… đã vận dụng những phương thức linh hoạt nhất có thể kể cả những nguy hiểm để giáo dục đức tin cho các em thiếu nhi.

3. Giai đoạn phục hồi trở về nguồn:
     Sau những tháng ngày trầm mình, ẩn thân hứng chịu những va đập… rồi cuộc sống cũng dễ thở hơn, đổi mới theo hướng tích cực là xu hướng chung…Cơ hội đến, các vị chủ chăn Giáo Phận đã có những nắm bắt kịp thời.
     Năm 1990, Nhân kỷ niệm Ngân Khánh Giáo Phận, ĐGM Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật giao cho Ban Huấn Giáo giáo phận soạn bộ Giáo Lý Hồng Ân (GLHA), người chịu trách nhiệm chính là Cha Vinhsơn Đặng Văn Tú. Bộ sách giáo lý này nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết phải xây dựng đền thờ tâm hồn của tín hữu bằng một Chương trình Giáo lý bài bản theo sách giáo lý chung của Giáo Hội. Những danh xưng khác nhau như: Huynh Trưởng, Tông đồ, Môn Đệ… từ đây được gọi chung là Giáo Lý Viên (GLV).
     Các hình thức lớp giáo lý được chia thành 3 cấp: Xưng Tội - Thêm Sức - Sống Đạo tương đương với ba ngành trong PTTNTT: Ấu Nhi – Thiếu nhi - Nghĩa sĩ là một sự chuyển đổi đầy linh hoạt và khôn ngoan, trong thời buổi khó khăn mà vẫn giữ được tinh thần và cách tổ chức của TNTT.
     Năm 1995, Khóa Đuốc Hồng đầu tiên mở ra nhằm đào tạo GLV – Nhân sự chính yếu cho chương trình GLHA.
     Nhận thấy những lợi ích to lớn trong việc giáo dục đức tin và nhân cách cho thiếu nhi trong PTTNTT. Sau Đại Hội Dân Chúa toàn quốc năm 2010, GP có mong muốn tái lập PTTNTT tại Xuân Lộc.
     Hiện nay các bước chuẩn bị về tài liệu và nhân sự đang được tích cực thực hiện để có thể tái lập PTTNTT trên mảnh đất Xuân Lộc thân yêu. Việc tái lập này không phải là một đổi thay mà mang ý nghĩa như việc làm mới lại chính mình, là trở về nguồn nhằm trả lại tên (chính danh) cho một Hội đoàn Công giáo Tiến hành mà trong nhiều năm tháng đã phải dấu mình đi để có thể tồn tại.

IV. PHỤ LỤC: NHẬN ĐỊNH VỀ DANH XƯNG PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ
     “Phong trào” là một danh từ Hán - Việt, có nghĩa là “Sóng-gió”.
     Theo nghĩa hẹp - Có ý kiến cho rằng: TNTT là một phong trào nên chỉ mang tính tạm thời, không sâu sắc và thiết thực; vì như sóng gió, thì lúc mạnh lúc yếu, lúc có lúc không.
     Theo nghĩa rộng - Ý kiến khác thì cho rằng: danh từ Phong Trào (Movement) muốn diễn tả sự hoạt động tươi trẻ, phong phú và cả về sự chuyển động của tuổi trẻ.
  • Nhìn vào sự hình thành rất căn bản và chặt chẽ, cũng như mức phát triển mạnh mẽ vững chắc của phong trào TNTT.VN, người ta sẽ thấy ngay ý nghĩa rộng mang tính tích cực cho danh từ phong trào rất phù hợp với sinh hoạt của TNTT tại Việt Nam hôm nay.
  • Thực tế, dù danh xưng là phong - trào (movement) hay hội - đoàn (Society), điều đó không quan trọng bằng việc ý thức và đón nhận giá trị cao quý, cùng tính thời sự của PTTNTT; điều mà trước đây các Đấng Bản Quyền Giáo Hội Việt Nam đã chuẩn nhận và trân trọng giới thiệu cho mọi tín hữu Công Giáo Việt Nam. Và ngày nay, cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại nhiều nước văn minh tân tiến trên thế giới đã và đang duy trì, hoan nghênh tính ưu việt của Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể.
     Đó cũng là điều mà chúng ta cần so sánh và suy xét, trước khi đánh giá, lựa chọn PTTNTT.
Hãy đến mà xem” (Ga 1,46b)

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...