07/10/2016
3044

Thể hiện lòng thương xót đối với các thế hệ trong gia đình và môi trường sống
Lời Chúa: Mt 7, 15 - 20
Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.


            Qua những phương tiện truyền thông, cùng những điều tai nghe mắt thấy trong cuộc sống mỗi ngày, chúng ta phải chua chát nhận thấy một thực tế đau lòng : đó là các mối quan hệ trong rất nhiều gia đình đang trở nên lỏng lẻo, mong manh; không thiếu trong đời những cảnh xào xáo, xung đột nơi gia đình giữa các thế hệ, giữa anh chị em với nhau. Sự khủng hoảng và rạn nứt của cấu trúc vốn tự bản chất phải chứa đầy tình yêu thương này mỗi ngày một gia tăng, xem ra chưa đến điểm dừng, và luôn luôn là mối bận tâm mục vụ của Giáo Hội. Điều này thúc đẩy chúng ta lần nữa khám phá ý định của Thiên Chúa về gia đình qua cuộc sống và giáo huấn của Chúa Giêsu. Từ đó biết thể hiện lòng thương xót giữa các thế hệ trong gia đình, và xa hơn, như thể men trong bột, gia đình Kitô giáo làm dậy lên lòng thương xót cho cả môi trường sống.

            Khi đến trần gian, Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên nơi một gia đình trong ân nghĩa của Thiên Chúa và trước mặt người đời[1]. Ngài thánh hóa tình yêu vợ chồng[2]; Ngài củng cố và thánh hóa mối tương quan giữa cha mẹ với con cái, các anh chị em với nhau và ông bà với cháu chắt[3]. Chính từ trong nền giáo dục đầy yêu thương của mái ấm gia đình Nazareth, Ngài đã học cách sống yêu thương và vâng phục thánh ý của Thiên Chúa. Ngài xác tín về tầm quan trọng của bầu khí yêu thương và giáo dục của gia đình : “Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt”[4]. Đi xa hơn, Ngài qui tụ mọi người vào trong gia đình của Thiên Chúa, gia đình của “những ai nghe và thi hành thánh ý của Thiên Chúa[5].

            Trung thành với Giáo huấn của Chúa Giêsu, Hội Thánh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các gia đình, vốn là “Hội Thánh tại gia[6], với niềm xác tín “tương lai của nhân loại sẽ đến qua gia đình[7]. Xuất phát từ tâm tình trên, một mặt, Giáo hội cổ võ việc phát huy tình yêu thương giữa các thành phần “hạt nhân” trong gia đình: “Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, các gia đình công giáo phải loại bỏ mọi thứ bạo hành, “hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cl  3,12-13)[8]. Đi xa hơn, Giáo hội đề cao việc khắng khít và tăng tiến sự hiệp thông giữa các mối tương quan và các thế hệ trong gia đình, gia tộc : “Gia đình hạt nhân cần tương tác với gia đình rộng lớn hơn được hình thành bởi cha mẹ, cậu mợ, chú bác, cô dì, họ hàng thân quyến và hàng xóm láng giềng. Đại gia đình này có thể có những thành viên cần phải giúp đỡ hay ít ra cần sự đồng hành và tình cảm, hay an ủi khi đau khổ.”[9]

            Đàng khác, Hội thánh tha thiết mời gọi các gia đình can đảm chống lại những xu hướng thế tục muốn giảm thiểu, hay loại trừ những thành phần yếu đuối, vốn rất dễ trở thành nạn nhân của sự thờ ơ, thiếu tôn trọng hay bỏ rơi trong gia đình, như người cao niên, hay trẻ em và thai nhi : “Hội Thánh không thể và không muốn đi theo một tâm thức vô cảm, hay dửng dưng với và khinh miệt, đối với tuổi già. Chúng ta phải đánh động cảm thức tập thể về lòng biết ơn, quý trọng, hiếu khách, làm cho những người cao niên cảm thấy mình là một thành phần sống động trong cộng đoàn... Người cao niên là những người cha và mẹ, đã từng đi trước chúng ta trên cùng một con đường, sống trong cùng một ngôi nhà của chúng ta, chiến đấu trong cùng một cuộc chiến hàng ngày của chúng ta hầu mưu tìm một cuộc sống xứng đáng”[10]. Hội Thánh thách thức nền văn hóa đào thải bởi một niềm vui tràn trề qua vòng tay mới mẻ ôm chặt giữa người trẻ và người già[11].
            Ca dao Việt Nam có câu :
Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hòa thuận , hai thân vui vầy

            Như thế, đạo lý về tình hiếu thuận, tình gia tộc, sự khắng khít giữa các thế hệ trong gia đình của dân tộc Việt Nam, là chính mảnh đất đã được cày bẫm để đón nhận hạt giống và làm nảy sinh hoa trái yêu thương của Tin Mừng. Xin cho các gia đình, qua việc sống lòng thương xót, bao dung, tha thứ đối với nhau, sẽ trở nên một bằng chứng đầy thuyết phục về tình yêu, lòng xót thương của Thiên Chúa giữa cuộc đời hôm nay.



TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ
'Đừng sợ, vì Ta ở với con'
'Đừng sợ, vì Ta ở với con (Is 43,5) - Thông truyền niềm hy vọng và tin tưởng trong thời đại chúng ta', là chủ đề cho ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần thứ 51 (năm 2016) đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn.
Theo thông cáo của Quốc vụ viện Truyền thông, chủ đề này “là một lời mời gọi kể lại lịch sử thế giới và lịch sử của con người - nam cũng như nữ- theo logic của “tin vui”, nhắc nhở rằng Thiên Chúa không bao giờ từ chối làm một Người Cha, trong mọi hoàn cảnh của con người và với từng con người”.
Theo truyền thống, Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Truyền thông Thế giới được công bố vào ngày 24 tháng Giêng, lễ kính Thánh Phanxicô Salêsiô, bổn mạng các nhà văn và các nhà báo.

Đại hội toàn thể Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (fabc) lần thứ XI
Đại hội toàn thể lần thứ XI của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), sẽ diễn ra tại Colombo, Sri Lanka từ ngày 28/11 đến 04/12/2016.
Ngày 24-9-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức hồng y Telesphore Placidus Toppo, Tổng giám mục Ranchi, Ấn Độ, làm đặc sứ của ngài tham dự Đại Hội này.
Chủ đề của Đại hội là “Niềm vui của Tin Mừng và Gia đình tại châu Á trong Ánh sáng của Thượng Hội đồng Giám mục”.
Đại hội toàn thể lần thứ X đã được tổ chức tại Việt Nam vào tháng Mười Hai 2012 với chủ đề “40 năm FABC : Đáp ứng những thách đố tại châu Á”.

TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM
Hội nghị thường niên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lần XIII đã diễn ra từ ngày 03-07/10/2016 tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn. Tham dự Đại hội lần này có sự hiện diện đầy đủ của các Giám Mục 26 giáo phận. Cũng trong dịp Đại Hội này, các Giám mục đã bầu chọn nhân sự cho nhiệm kỳ 2016-2019. Theo đó, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục GP Thanh Hóa đã được bầu làm Chủ tịch HĐGM VN.

 
TIN GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
Để việc sống Năm Thánh Lòng Thương xót đem lại nhiều ích lợi cho cộng đoàn, Giáo phận sẽ cử hành tuần đại phúc tại các nhà thờ hành hương và kết thúc bằng lễ Đại trào vào ngày hôm sau. Cụ thể, Nhà thờ Chính tòa (03-08/10); Nhà thờ Bắc Hải (10-15/10); Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi (24-29/10); Nhà thờ Thái Lạc (31/10-05/11); Nhà thờ Phú Lâm (07-12/11).
 
[1] X. Lc 2, 39
[2] x. ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn về Gia đình, Familiaris Consortio, 22.11.1981, số 3.
[3] Ibid. số 15.
[4] Mt 7, 16
[5] Mt 12, 50
[6] Công đồng Vatican II, Hiến Chế Tín lý về Giáo Hội, số 11.
[7] ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn về Gia đình, Familiaris Consortio, 22.11.1981, số 86.
[8] Hội Đồng GM Việt Nam, Thư chung, ngày 10/10/2013, số 6.
[9] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu, Amoris Laetitia, 187.
[10] ĐTC Phanxicô, Huấn dụ ngày 4.3.2015, L’Osseervatore Romano, 5.3.2015, tr 8.
[11] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu, Amoris Laetitia, 191.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...