28/10/2016
2350

Lòng Thương Xót Chúa đối với tân tòng
Lời Chúa : Lc 11, 24-26.
    “Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó rảo quanh những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi mà tìm không ra, nó mới nói: Ta sẽ về lại nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi. Đến nơi, nó thấy đã quét tước, trang trí hẳn hoi. Bấy giờ nó đi, và đem theo bảy thần khác dữ dằn hơn nó; chúng vào mà lập cư ở đó. Và tình cảnh cuối cùng của người ấy lại tệ hơn trước."[1]

Thánh sử Luca đề tặng trước tác của ông cho một người thế giá, tên là Thêôphilô, một người mới chịu đạo[2], nên thật thích hợp dùng Tin mừng do ngài viết giúp cho người tân tòng hiểu biết, cảm nhận được Lòng Thương Xót của Chúa đối với nhân loại nói chung và cách riêng cho những người chưa biết Chúa và đặc biệt cho bản thân họ. Trong đoạn Tin mừng trên, Chúa Giêsu cảnh báo một tình trạng có thể xảy đến cho mọi người, kể cả người tân tòng. Bí tích Rửa tội đã trục xuất satan ra khỏi tâm hồn người lãnh nhận, đồng thời tái sinh người họ trở thành con Thiên Chúa và được lãnh nhận ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế giống như ngôi nhà được trang trí hẳn hoi. Thế nhưng, người tân tòng sẽ bị tấn công bởi những quỷ dữ hơn trước khi rửa tội. Vì thế Giáo hội mời gọi chúng ta quan tâm chăm sóc đức tin cho người tân tòng.
Phải nhận thấy rằng đa số tân tòng là do kết hôn với người Công giáo. Vì thế việc học Giáo lý dự tòng và Hôn nhân để lãnh các Bí tích như điều kiện để được kết hôn, nên có người nói khôi hài: ‘lạy Chúa Ba ngôi, con lấy được vợ con thôi nhà thờ’. Tuy nhiên, trong nghi thức Khai tâm Kitô giáo, phần đón tiếp người dự tòng cho ta cái nhìn của đức tin: ‘chúng con cảm tạ Chúa đã cho người tôi tớ đây đi tìm kiếm Chúa và được Chúa kêu mời bằng nhiều cách’[3]. Thế nên, cho dù theo Đạo vì kết hôn đi nữa, thì người tân tòng cũng được chính Chúa kêu mời trở nên môn đệ của Chúa qua việc kết hôn với người Công giáo. Do đó, chúng ta phải cùng nhau thực hiện lệnh truyền của Chúa trước khi về trời: ‘Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,19-20). Chúa dặn rõ là sau khi làm Phép Rửa còn phải tiếp tục dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Chúa đã truyền. Nói cách khác, sau khi lãnh Phép Rửa, Hội thánh ủy thác cho chúng ta tiếp tục đồng hành đức tin với người tân tòng. Nếu không, ta sẽ bị nguyền rủa: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi rảo khắp biển khơi và lục địa, để tìm cho được một người tòng giáo, nhưng khi đã cho người đó tòng giáo, các ngươi làm cho nó trở thành con cái hoả ngục gấp hai lần các ngươi. (Mt 23,15).
Đồng hành đức tin với người tân tòng, để giúp họ thêm từng ngày khám phá ra Lòng Thương Xót của Chúa đối với cá nhân, gia đình và nhất là những người ruột thịt của họ chưa được ơn đức tin. ‘Ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta cần những người nam người nữ biết dựa trên kinh nghiệm bản thân trong việc đồng hành với người khác, những người thành thạo trong các tiến trình đòi hỏi sự thận trọng, cảm thông, kiên nhẫn và ngoan ngoãn vâng nghe Chúa Thánh Thần, để họ có thể bảo vệ chiên khỏi sói dữ làm tan tác đàn chiên.’[4]
Đặc biệt đối với người tân tòng vì kết hôn, bắt đầu đời sống chung của đôi vợ chồng với các việc thực hành đức tin có thể chưa là thói quen của họ, thì người phối ngẫu đạo gốc cần kiên nhẫn, để từ tình yêu, mà họ ý thức tự nguyện thực hành bổn phận tín hữu như đã tự nguyện đến với tình yêu: ‘việc đồng hành với các đôi vợ chồng trong những năm đầu tiên của cuộc sống hôn nhân lại càng cần thiết, để làm cho quyết định có ý thức và tự do thuộc về nhau và yêu nhau cho đến cùng được phong phú và sâu sắc hơn’.[5]
       Trong viễn ảnh mục vụ chăm sóc, bày tỏ lòng thương xót của Chúa đối với anh chị em tân tòng, cũng cần lưu ý:
1/ Họ hàng, gia đình người tân tòng không cùng niềm tin, nên tránh tranh luận đúng sai trong đạo này đạo kia dễ gây mâu thuẫn! Cần lắng nghe và khiêm tốn giải thích: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng” (1Pr 3,15-16).
2/ Tuân giữ mười Giới răn Chúa và năm điều răn Hội thánh, thực hành Lời Chúa dạy: “Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để ngay cả khi họ vu khống, coi anh em là người gian ác, họ cũng thấy các việc lành anh em làm mà tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm”(1Pr 2,12). Thánh Phêrô khuyên riêng những người vợ có chồng ngoại đạo: “Chị em là những người vợ, chị em hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở trinh tiết và cung kính của chị em”. (1Pr 3,1-2).
3/ Khi tham dự ma chay cưới hỏi theo tập tục gia tộc, địa phương hay tôn giáo bạn của họ hàng người tân tòng; người phối ngẫu đạo gốc cần chia sẻ đức tin với người tân tòng, để cả hai có thái độ thích hợp vừa thể hiện đức tin Công giáo, vừa tỏ lòng kính trọng niềm tin của người không cùng đức tin với mình.
       Đức tin là một quá trình lớn lên mỗi ngày trong ân sủng của Thiên Chúa: ‘Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên’ (1Cr 3,6). Xin Chúa giúp chúng ta kiên trì chăm sóc, yêu thương và phục vụ mọi người, nhất là anh chị em tân tòng. Chính việc cảm nhận lòng thương xót của Chúa, của cộng đoàn Giáo Hội, đến lượt mình, anh chị em tân tòng sẽ là những chứng nhân cho gia đình, họ hàng mình : “Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con” (Mc 5, 19).
TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM
Nhóm công tác Hỗn hợp Việt Nam-Toà Thánh: kết thúc Cuộc họp vòng VI       
    Cuộc họp vòng VI của Nhóm công tác Hỗn hợp Việt Nam-Toà Thánh đã diễn ra tại thành phố Vatican từ ngày 24-26 /10/ 2016. Hai bên ghi nhận những tiến bộ trong quan hệ Việt Nam – Toà Thánh, gồm những cuộc tiếp xúc và tham vấn thông thường, trao đổi các đoàn đại biểu ở cấp cao và các chuyến viếng thăm mục vụ thường xuyên đến Việt Nam của vị Đại diện Giáo hoàng và Đặc sứ không thường trú, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli.
     Đây là những hoạt động ngoại giao nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa Tòa Thánh Vatican và chính phủ Việt Nam.

TIN GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
Thánh lễ Khánh nhật truyền giáo và nghi thức Gia nhập Kitô giáo
     Ngày Quốc Tế Truyền Giáo tại Giáo phận Xuân Lộc được cử hành đặc biệt tại giáo xứ Hà Nội, với việc họp mặt anh chị em lương dân và cử hành Bí tích Khai tâm cho 712 anh chị em dự tòng. Thánh lễ cũng qui tụ đông đảo anh chị em giáo dân, nhất là những Tác Viên Tin Mừng, những người đang thực hiện công việc truyền giáo của Giáo phận.
    Chúng ta cảm tạ Chúa, chia sẻ niềm vui đón nhận thêm những anh chị em gia nhập vào gia đình Thiên Chúa nơi Giáo phận Xuân Lộc.
Cứu trợ anh chị em bị bão lụt tại Miền Trung.
    Hiệp thông với tâm tình của toàn Giáo Hội Việt Nam qua lời kêu gọi của Đức Cha Chủ tịch HĐGM VN, trong Thư gởi cộng đoàn Dân Chúa Giáo phận Xuân Lộc ngày Quốc Tế Truyền Giáo, Đức Cha Giuse kêu gọi toàn Giáo phận dành ngày 30/10/2016 để lạc quyên giúp cho các anh chị em đang gặp đau khổ này. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, việc này vừa bày tỏ tinh thần tương thân tương trợ “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam, vừa thực hiện Lời Chúa dạy, được thể hiện trong Kinh Thương Người có 14 mối mà Năm Thánh muốn nhắm tới.
 
 

[1] Bản dịch Kinh Thánh của Lm Nguyễn Thế Thuấn.
[2] Lm Nguyễn Thế Thuấn, dẫn nhập Tin mừng theo thánh Luca.
[3] Vinhson Nguyễn Thế Thủ, Cẩm nang các nghi thức Bí tích và Á bí tích, trang 24.
[4] ĐGH Phanxico, Evangelii Gaudium, 171.
[5] ĐGH Phanxico, Amoris Laetitia, 217.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...