27/12/2016
3014
  1. Ơn gọi làm người:
Trong những thập niên gần đây, nhiều người xem ra thích mừng sinh nhật hơn mừng lễ bổn mạng. Ngày vui ấy thường đi với quà, tiệc mừng và những lời cầu chúc. Ở Á Đông xưa không có lệ mừng sinh nhật hằng năm, chỉ có lễ mừng thọ hay chúc thọ các vị lão bối. Người Á đông xưa gọi sinh nhật là “mẫu nan nhật” [1]- nghĩa là ngày mẹ phải gánh chịu bao gian nan, vất vả mới sinh ra được con. Vào ngày ấy, thay vì mẹ phải tất bật lo toan sinh nhật cho con như hiện nay, thì người con đến chúc mừng mẹ, cảm ơn mẹ vì nhờ mẹ chịu gian nan vất vả mà con mới có được như ngày nay.
Dù sao, sinh nhật cũng là một ngày đáng nhớ. Với người có niềm tin, mừng sinh nhật có thể là một hành vi mang nhiều tính tôn giáo. Nhớ đến ngày mình được sinh ra, một sinh linh bé nhỏ chào đời, mang hình ảnh của Thiên Chúa
[2], mang khuôn mặt của Đức Giêsu. Ngày ấy quan trọng và đáng nhớ ngay cả đối với chính Thiên Chúa[3]. Dù thế giới hôm nay có hơn 7 tỷ người, thì một hài nhi mới sinh cũng có một chỗ đặc biệt trong trái tim Thiên Chúa. Thiên Chúa có những ước mơ và dự tính riêng về từng con người. Chẳng ai chào đời một cách tình cờ và ngẫu nhiên. Trong ý định của Thiên Chúa, mỗi người đều cần thiết cho kế hoạch lớn của Ngài. Dù ở thời đại nào, thuộc màu da nào,… mỗi người đều có một vị trí, một vai trò thật độc đáo trong chương trình của Thiên Chúa, mà không ai có thể thay thế được. Đó là cảm nghiệm của tiên tri Isaia: “Người là đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, để tôi trở thành người Tôi Trung đem nhà Giacóp về cho Người”[4]. Mừng sinh nhật một cách nghiêm túc, vì thế, lại trở thành một lễ tạ ơn. Tạ ơn Chúa đã cho tôi được làm người ở đời.
Thật vậy, là tinh hoa, chóp đỉnh của vũ trụ
[5], con người được ủy thác thay Đấng Tạo Hóa làm chủ thế giới này. [6] Như những “đồng sáng tạo” của Thiên Chúa, con người được Ngài phú bẩm cho những hạt mầm vô giá: linh hồn, trí tuệ, và những khả năng tuyệt vời mà các loài khác không có được, đặc biệt là khả năng yêu thương. Những ân phúc đó, không là một thứ huân chương hay danh hiệu để phô trương tự đắc, nhưng là những hạt mầm được Thiên Chúa ân cần gửi gắm, kỳ vọng; những hạt mầm cần được gìn giữ cẩn thận, cần được ươm gieo và chăm tưới, như một mời gọi con người vươn mình lớn lên cho tới tầm vóc của Thiên Chúa.
  1. Ơn gọi nên thánh:
Sinh nhật là ngày quan trọng và đáng nhớ với mọi người, ngay cả đối với chính Thiên Chúa. Người Kitô hữu có một ngày khác còn quan trọng và đáng ghi nhớ hơn : ngày lãnh nhận bí tích Thánh tẩy – cánh cổng dẫn vào đời sống thiêng liêng[7]. Ngày họ được ghi tên trên trời, được sinh ra trong đại gia đình Giáo Hội, được “thông phần” bản tính của Thiên Chúa[8] và gia nhập vào hàng ngũ những người gọi Thiên Chúa là Abba – Cha ơi![9] Được xức dầu để trở thành “am segula”[10] của Thiên Chúa, họ lãnh nhận những sứ mạng của Chúa Kitô, tiếp nối công việc của Đấng cứu thế, để nên muối cho đời, nên men cho cuộc sống, nên ánh sáng cho trần gian[11], và làm lan tỏa ánh sáng của niềm vui Tin mừng cho đến mút cùng cõi đất[12].
Là hình ảnh của Thiên Chúa, trong mọi cảnh huống cuộc sống, ở mọi thời đại, tùy theo khả năng, nén bạc Chúa trao, người tín hữu Kitô “đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người”.
[13] Nên thánh là ơn gọi chung và cao cả nhất của con người, cao cả hơn bất kỳ một ơn gọi cá biệt nào, và là lời kêu mời của Thiên Chúa cho tất cả mọi người, không trừ một ai. Vì thế, điều cốt yếu duy nhất cần làm trong cuộc đời chính là nên thánh. Tất cả những phần việc khác, đều là phương tiện để thực hiện lý tưởng này. Lý tưởng nên thánh đáng cho ta dành tất cả nỗ lực và trọn cả cuộc đời để thực hiện. Cha của học thuyết Tương đối - Albert Einstein - đã đề nghị: “Đừng phấn đấu để thành công, mà hãy phấn đấu để thành nhân”. Bởi “điều quan trọng không phải là ta đã học, đã làm được gì, cho bằng ta trở nên như thế nào sau những việc đó?”[14] Kitô hữu được mời gọi làm cho dung mạo của Cha trên trời ngày càng rõ nét hơn trong chính cung cách sống của mình, để nên hoàn thiện như Cha trên trời[15]. Đó cũng là một trong những cách làm chứng cho Tình thương Thiên Chúa, đặc biệt - trong thời đại ngày nay[16].
  1. Ơn gọi tình yêu hôn nhân
Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, “giống như họa ảnh của Ngài”. Khi vì yêu thương mà kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Ngài cũng đồng thời mời gọi họ sống cho tình yêu triển nở và phong nhiêu của Đấng là nguồn cội sự sống.[17] Mà tình yêu sinh hoa trái luôn là một biểu tượng của sự sống nội thẳm nơi Thiên Chúa [18]. Mối liên hệ sinh hoa trái của cặp vợ chồng trở nên một hình ảnh để hiểu và mô tả mầu nhiệm của chính Thiên Chúa, vì trong viễn kiến Kitô Giáo về Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa được chiêm ngưỡng như Cha, Con và Thần Khí yêu thương. Thiên Chúa Ba Ngôi là một hiệp thông của tình yêu, và gia đình là sự phản ảnh sống động của tình yêu này. Thánh Gioan Phaolô II soi sáng điều ấy : “Thiên Chúa chúng ta, trong mầu nhiệm sâu xa nhất của Người, không cô đơn mà là một gia đình, vì tự trong Người, Người có tư cách cha, tư cách con và yếu tính gia đình, tức tình yêu. Trong gia đình Thiên Chúa, tình yêu này chính là Chúa Thánh Thần” [19]
“Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người sẽ là kẻ không thể hiểu được đối với chính bản thân mình, cuộc sống con người mất ý nghĩa nếu không nhận lấy mặc khải về tình yêu, nếu không có kinh nghiệm về tình yêu và nếu không nhận lấy kinh nghiệm ấy làm của mình và hăng say dự phần vào đó”.[20]
 4. Bí tích Rửa tội, cửa ngỏ đi vào lòng xót thương Chúa
Khám phá ơn gọi làm người, trở nên thánh thiện và đi vào tình yêu cũng chính là lời mời gọi mỗi người sống trọn vẹn ơn sủng của Bí tích Rửa tội, cửa ngỏ dẫn vào lòng xót thương của Chúa. Nói cách khác, chỉ qua lăng kính của phép Thánh Tẩy, mỗi người tìm ra lời đáp trả ơn gọi của mình trong ánh sáng tình yêu Thiên Chúa.
Quả vậy, do Phép Rửa, người nam và người nữ mãi mãi được gia nhập vào giao ước mới và vĩnh cửu, giao ước hôn nhân của Đức Kitô với Hội Thánh. Chính vì sự gia nhập bất khả thu hồi ấy mà cộng đoàn thân mật của sự sống và tình yêu vợ chồng do Tạo Hóa lập nên,
[21] đã được nâng cao và đem vào trong tình bác ái hôn ước của Đức Kitô, được sức mạnh cứu rỗi của Ngài nâng đỡ và làm cho phong phú.[22]
Trong một trang sách rất nổi tiếng, Tertulianô đã diễn tả tuyệt vời nét cao cả và vẻ đẹp của đời sống vợ chồng trong Đức Kitô: “Tôi sẽ múc đâu ra sức mạnh để nói cho thỏa về niềm hạnh phúc của cuộc hôn nhân được Hội Thánh nối kết, được Thánh lễ thừa nhận, được lời chúc lành niêm ấn; được các Thiên thần công bố và được Cha trên trời chuẩn y...? Có đôi bạn nào đẹp bằng đôi bạn Kitô hữu, được kết hợp do cùng một niềm hy vọng, cùng một ước nguyện, cùng một nề nếp, cùng một công việc phục vụ? Cả hai cùng là con một Cha, cùng phục vụ một Chúa; không gì phân rẽ họ nổi, trong tinh thần cũng như trong xác thịt; ngược lại, họ là hai trong cùng một thể xác. Ở đâu có cùng một thể xác, ở đó cũng có cùng một tinh thần”.
[23] Gia đình là hiện thân của kế hoạch ban sơ của Thiên Chúa, một kế hoạch được chính Chúa Kitô nói tới một cách rõ ràng: “Há các ông không đọc thấy rằng Đấng dựng nên họ ngay từ đầu đã dựng nên họ có nam có nữ đó sao?” (Mt 19,4). [24]
Chúng ta vừa bước vào ngưỡng cửa của năm Phụng vụ mới, âm vang lời kêu gọi hướng về đời sống gia đình của các vị Mục tử Việt Nam: “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào hôn nhân” với niềm phấn khởi hân hoan. Đó cũng là tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô trong lời mở đầu thông điệp Amoris Laetitia: “Công bố của Kitô Giáo về gia đình quả là một tin vui”[25]. Ước mong hành trình của năm Phụng vụ mới giúp gia đình Kitô giáo và những ai dấn thân vào việc tông đồ gia đình cảm nhận được “lời mời gọi quí yêu và trân quí cuộc sống gia đình, vì “các gia đình không phải là vấn đề; trước nhất và trên hết, họ là cơ may” [26].
 
[1] 母難日Ngày khó khăn cực nhọc của mẹ, chỉ ngày mẹ sinh ra mình. Sinh nhật của mình. (cf. Nguyễn Quốc Hùng, Hán Việt Tân Từ điển, Khai Trí, 1975)
[2] St 1,26-27
[3] Giob 3,4; Is 46,3.49,1; Ed 16,4
[4] Is 49,5
[5] St 2, 7a
[6] ibid. 1,28b
[7] GLHTCG. 1213
[8] 2Pr 1,4
[9] Rm 8,15
[10] Xh 19,5; Đnl 7,6
[11] Mt 5,13-14
[12] Mc 16,15-18
[13] CĐ. Vat. II, GH 11,3
[14] La Bruyère, nhà văn và đạo đức học Pháp (1645–1696)
[15] Mt 5,45
[16] Ibid. 5,16
[17] ĐTC Gioan Phaolo II, Familiaris Consortio, số 11.
[18] cf. St 1,28; 9,7; 17,2 -5.16; 28,3; 35,11; 48,3-4
[19] ĐTC Phanxicô, Amoris Laetitia, số 11; ĐTC Gioan Phaolô II, Bài Giảng Cử Hành Thánh Thể ở Puebla de los Ángeles (28 Tháng Giêng 1979), 2: AAS 71 (1979), 184.
[20] ĐTC Gioan Phaolô II, Thông điệp Đấng Cứu Chuộc Con Người (Redemtor Hominis), số 10.
[21] Gaudium et Spes. 48
[22] ĐTC Gioan Phaolo II, Familiaris Consortio,  số 13
[23] Tertulien, Ad uxerem II, VIII, 6-7 : CCL I, 393; SC 273, p. 49.
[24] ĐTC Phanxicô, Amoris Laetitia, số 9
[25] ĐTC Phanxicô, Phiên Họp Thường Lệ Lần Thứ Mười Bốn Thượng Hội Đồng Giám Mục, Relatio Finalis (24 Tháng Mười 2015), 3.
[26] ĐTC Phanxicô, Diễn Văn tại Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình tại Santiago de Cuba (22.9. 2015): L’Osservatore Romano, 24 .9. 2015, tr. 7.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...