26/02/2017
8456
TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỨC TIN
 
Để có thể thành công và hạnh phúc trong ơn gọi hôn nhân gia đình, các bạn trẻ không chỉ dừng lại ở việc đào luyện bản thân để đạt đến sự trưởng thành trên bình diện nhân bản, nhân văn mà cần xác định căn tính Kitô hữu của mình. Chính qua đời sống trưởng thành trong đức tin mà người tín hữu tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa và sống hạnh phúc trọn vẹn trong ơn gọi gia đình Kitô giáo, nhờ đó, đạt đến sự thánh thiện.
Đức tin không chỉ là kết quả của sự khát khao tìm kiếm chân lý nơi con người, mà tiên vàn, là hồng ân Chúa ban. Thế nên, để có thể trưởng thành trong đức tin, giả thiết người tín hữu cần có ơn Chúa và cần cộng tác với ơn thánh của Ngài.
1. Vai trò của Ơn Chúa
Tin là nhân đức đối thần, nhờ đó con người tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã nói và mạc khải cho chúng ta, cũng như những gì Hội Thánh dạy chúng ta tin, bởi vì Thiên Chúa chính là Chân lý
[1].
Người trẻ vốn có thế mạnh về sức khỏe, sự nhanh nhẹn và tài năng nên sẽ rất thuận lợi để đóng góp cho sự phát triển cộng đồng xã hội. Thế nhưng, trong thời buổi khoa học thực dụng hiện nay, con người dễ rơi vào khuynh hướng chỉ chọn lựa những gì tai nghe mắt thấy, và xem nhẹ các giá trị thiêng liêng. Đó là nguyên nhân khiến không ít người trẻ xa dần các thực hành đức tin và thậm chí chối bỏ niềm tin mình đã lãnh nhận khi chịu phép Thánh Tẩy.
Do đó, người tín hữu rất cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa, nhất là khi đối diện với những thách đố trong cuộc sống, cũng như những chọn lựa căn bản của người môn đệ Chúa Kitô. Câu nói của Chúa Giêsu vẫn luôn đúng qua mọi thời đại:
“Không có Thầy, anh em không làm gì được”[2].
Phương thế giúp người tín hữu có thể nuôi dưỡng và thăng tiến hạt giống đức tin chính là đời sống cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, nhất là thánh lễ, cũng như thực hành các công việc bác ái... Mặt khác, đức tin cũng được nâng đỡ bởi những nhân chứng và gương mẫu trong đời sống Giáo hội.
 
2. Các nhân chứng đức tin, gương mẫu sống niềm tin
Đức tin là nhân đức đối thần biểu lộ qua các nhân chứng đức tin là những con người thật cụ thể. Thiên Chúa vẫn ban cho nhân loại các chứng nhân của Ngài để nêu gương và nâng đỡ đức tin cho các tín hữu. Các chứng nhân đức tin chính là những tín hữu khắp năm châu, trong mọi hoàn cảnh và qua mọi thế hệ, đã dùng đời sống của mình làm chứng cho Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài nơi những người mà họ gặp gỡ.
Theo gương Chúa Kitô, những gian khổ của cuộc sống cũng như những đọa đày nơi ngục thất đã không biến các ngài thành những kẻ oán thù, tuyệt vọng nhưng tựa như ngọc càng mài càng sáng, các nhân chứng đức tin đã tỏa chiếu sự yêu thương, tha thứ cho mọi người, kể cả những ai gây khổ cho các ngài
[3].
Thánh nữ Maria Goretti (1890-1902), tuy là một thiếu nữ thôn quê mười hai tuổi nhưng đã thật can đảm khi sẵn sàng chọn lấy cái chết để bảo toàn đức khiết tịnh, nhất là để lại một tấm gương yêu thương, tha thứ cho người làm hại mình.
Thánh Tôma Trần Văn Thiện (1820-1838) người làng Trung Quán, tỉnh Quảng Bình, khi nhận được giấy gọi vào chủng viện, đã hăng hái rời xa gia đình. Trong cơn bách hại, thánh nhân đã khẳng khái làm chứng cho Thiên Chúa, chấp nhận làm
hạt lúa mì chịu mục nát[4] trong niềm hy vọng ngày mùa trổ bông.
Thánh Phaolô Trần Văn Hạnh (1827-1859), người con của đất Tân Triều, bổn mạng giới Trẻ giáo phận xuân Lộc, tuy là một thanh niên lao động bình dị nhưng đã thể hiện đức ái Kitô giáo bằng việc công khai bênh vực một thiếu phụ nghèo bị chèn ép. Cũng như bao chứng nhân khác, thánh nhân đã can đảm dùng cái chết của mình để tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, khi ở tuổi ba mươi hai.
Trên đây là một vài tấm gương tiêu biểu được sử sách ghi lại nơi cuộc đời các thánh tử đạo đã được Giáo hội tuyên phong. Thế nhưng, con số chứng nhân của đức tin hẳn nhiên sẽ không bao giờ có thể thống kê tất cả được. Mỗi tín hữu khắp năm châu, với bao hoàn cảnh, tuổi tác, địa vị, hoàn cảnh sống khác nhau đều thể hiện niềm tin kiên vững của mình nơi Thiên Chúa bằng đời sống ‘lội ngược dòng’ hầu nên “muối, men, ánh sáng” cho trần gian...
Chiêm ngắm gương anh dũng của các nhân chứng đức tin, các tín hữu, cách riêng những người trẻ, sẽ được thêm sức mạnh thiêng liêng để can đảm làm chứng cho Thiên Chúa trong hoàn cảnh sống của mình, để không chọn lựa cho bản thân lối sống giả dối và ích kỷ nhưng biết chú tâm chọn lựa những giá trị thiêng liêng và bền vững, bằng đời sống yêu thương, phục vụ và tha thứ...
3. Phương thế giúp trưởng thành đức tin: trung thành với Lời Chúa và các giáo huấn của Giáo Hội
Thiên Chúa luôn yêu thương con người và chọn lựa điều tốt nhất cho họ. Thế nhưng dù sao con người vẫn chỉ là loài thụ tạo, tựa như “thân tầm gửi”, phải hoàn toàn bám vào Ngài. Thiên Chúa đã ban cho nhân loại Lời hằng sống và lề luật của Chúa để giúp họ có được sự khôn ngoan và phần nào ‘thu hẹp khoảng cách’ giữa loài thụ tạo với Đấng Sáng Tạo. Thế nên, ai chối bỏ thánh ý và lề luật của Thiên Chúa thì đồng nghĩa với việc tự chọn cho mình con đường của sai lầm và thất vọng.
Lề luật của Chúa được quảng diễn qua các giáo huấn chính thống của Giáo Hội, Dân Thánh của Thiên Chúa. Là môn đệ của Chúa Kitô, các tín hữu được mời gọi trở nên nhân chứng của Thiên Chúa bằng đời sống thấm đượm tinh thần Phúc Âm, nhất là trong thời đại con người có xu hướng đề cao cách thái quá giá trị của bản thân cũng như các chân lý chủ quan để rồi xem thường lề luật của Thiên Chúa và các giáo huấn của Giáo Hội.
Các bạn trẻ, vì có cơ hội tiếp xúc với nhiều trào lưu tư tưởng và cách sống khác nhau nên dễ rơi vào thái độ tương đối hóa mọi nền tảng giá trị đạo đức từ đó dẫn đến thái độ xem thường, chối bỏ những giá trị chân thực, mà theo tính tự nhiên, bản thân không ưa thích. Các bạn cần xác tín vào chân lý nơi các giáo huấn của Chúa, qua Giáo Hội, cách riêng trong lãnh vực luân lý về: hôn nhân gia đình, bảo vệ sự sống...
Vì vậy, người trẻ Công giáo cần không ngừng trau dồi các kiến thức về: giáo lý, Thánh Kinh, phụng vụ, tín trung trong luân lý Chúa và Giáo hội truyền dạy cũng như chuyên chăm cầu nguyện và thực hành các công việc bái ái... Có như thế, hạt giống đức tin sẽ không bị mai một nhưng có cơ hội ngày một triển nở.
4. Chuẩn bị hôn nhân gia đình: ý thức truyền giáo, phục vụ cộng đoàn
Đức Bênêđictô đã xác tín: “Đức tin tăng trưởng khi biết sống đức tin với cảm nghiệm tình yêu đã lãnh nhận, và biết thông truyền đức tin với cảm nghiệm ân sủng và niềm vui”
[5].
Qua bí tích Hôn phối, người tín hữu được ơn Chúa trợ giúp để có thể sống chung thủy trong đời hôn nhân. Đồng thời, họ cũng nhận lãnh sứ mạng loan báo Lời Chúa cho tha nhân bằng đời sống yêu thương, phục vụ lẫn nhau cũng như tôn trọng sự sống và giúp nhau thăng tiến đời sống đức tin nơi môi trường đang sinh sống
[6].
Các bạn trẻ, khi hướng về đời sống hôn nhân gia đình, cần không ngừng ý thức mình thuộc về Giáo hội, đoàn chiên của Chúa Kitô để mang lấy sứ mạng truyền giáo. Và để có thể trở thành chứng nhân chứ không chỉ là
thầy dạy[7], các bạn được mời gọi dùng đời sống ngay chính, mến Chúa yêu người của mình để giới thiệu về Thiên Chúa cho người khác, cho dẫu có phải thua thiệt, mất mát trong cuộc sống.
Mỗi tuần, ít là một lần vào ngày Chúa nhật, người tín hữu sẽ tuyên xưng đức tin qua tín biểu Tin Kính thế nhưng mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi hơi thở, họ đều được mời gọi nên chứng nhân của Thiên Chúa bằng đời sống của hạt lúa mì chịu mục nát, một đời sống biết “lội ngược dòng” trong yêu thương, phục vụ và tha thứ...
 
[1] x. Giáo lý HTCG, số 1814.
[2] Ga 15,5
[3] x. Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, Bài đọc kinh Sách ngày 24.11
[4] x. Ga 12, 24b
[5] ĐGH Bênêđictô XVI, Porta Fidei, số 7.
[6] x. Familiaris Consorsio, số 51-52; Amoris Laetitia, số 287-290.
[7] x. ĐGH Phaolo VI, Evangelii Nuntiandi 41.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...