24/12/2016
8978
LỜI NGỎ
 
Dựa vào Huấn Quyền của Hội Thánh, Ban Phụng Tự Giáo Phận chúng con biên soạn và kính gửi đến Quý Cha bản “Hướng Dẫn Cử Hành Mùa Giáng Sinh” với ước mong giúp Quý Cha có thêm một ít tài liệu cho việc giảng huấn và cử hành các Nghi thức Phụng Vụ cách đạo đức và hữu hiệu hơn, nhằm giúp cho các tín hữu có thể yêu mến, cử hành và sống Mầu Nhiệm Giáng Sinh trong đời sống.
Bản Hướng Dẫn này gồm 3 phần:
I. Tinh Thần Phụng Vụ của Mùa Giáng Sinh
II. Một vài Truyền Thống Đạo Đức trong Mùa Giáng Sinh
III. Nghi thức Làm Phép Hang Đá
Chúng con mong đón nhận lòng bao dung về những thiếu sót và giới hạn của chúng con.
Ban Phụng Tự Giáo Phận
 
  
HƯỚNG DẪN CỬ HÀNH MÙA GIÁNH SINH
I. TINH THẦN PHỤNG VỤ CỦA MÙA GIÁNG SINH
Cử hành Phụng Vụ Mùa Giáng Sinh không chỉ nhằm tưởng niệm một biến cố đã qua, nhưng thiết yếu là hiện tại hóa Mầu Nhiệm Giáng Sinh trong chính việc cử hành[1], nhằm đưa chúng ta vào cuộc gặp gỡ Hài Nhi Giêsu, để yêu mến, thờ lạy và tiếp rước Người, nhờ đó, cuộc đời chúng ta được đổi mới.
1. Một câu ngạn ngữ Đức nói: “Nếu Chúa Giêsu có giáng sinh hàng ngàn lần tại Belem, mà Ngài không sinh lại trong tâm hồn tôi, thì cũng chẳng có ích gì cho đời sống của tôi”.  
Chúa Giêsu đang đến với chúng ta qua tha nhân và đời sống gia đình, qua cầu nguyện và các biến cố hằng ngày, qua cử hành các Bí tích và đặc biệt nhất, vẫn là qua Mầu nhiệm Thánh Thể. Thánh Thể luôn là cử hành tột đỉnh của đêm Giáng Sinh và trọn Năm Phụng Vụ của Hội Thánh.[2] Ước gì những việc tùy phụ không làm lấn át đi sự thánh thiện của cử hành Thánh Thể, để qua Lời và Bí tích, dân Chúa có thể cảm nếm và đón nhận tình yêu vô biên của mầu nhiệm Giáng Sinh và quảng đại đáp trả tình Chúa bằng cả con người. Họ biết chuẩn bị tâm hồn thành máng cỏ trong sạch để Chúa được sinh ra, nhờ đó, có thể cảm nghiệm được niềm vui sâu xa của lời Chúa hứa:  “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23) và “Kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống” (Ga 6,57).
Ước gì những cử hành Phụng Vụ Mùa Giáng Sinh cách đạo đức sẽ thắp sáng đức tin và lòng mến nơi các tín hữu, giúp họ can đảm tháo cởi tội lỗi, mở rộng cửa lòng đón rước Hài Nhi Giêsu đến và ở lại với họ. Ngài thành sự sống của đời họ.
Đây mới là ý nghĩa cốt lõi của việc cử hành Mầu Nhiệm Giáng Sinh mà sợ rằng, mây mù của xu hướng tục hóa, giải thiêng nhiều ít đang phủ lấp vẻ đẹp thiêng liêng cao cả của nó.
2. Ngoài cử hành Phụng vụ, truyền thống lòng đạo đức bình dân của Mùa Giáng Sinh cũng giúp chúng ta cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta như Huấn quyền dạy:
Thực sự, lòng đạo đức bình dân gợi lại bằng trực giác:
- Giá trị của ‘linh đạo hiến thân’, vốn là đặc biệt của lễ Giáng Sinh: ‘Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một người con đã ban tặng cho chúng ta’ (Is 9,5), một quà tặng thể hiện tình yêu vô biên của Thiên Chúa, Đấng đã ‘yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của mình’ (Ga 3,16).
- Sứ điệp của tình liên đới do biến cố Giáng Sinh mang đến: liên đới với con người tội lỗi, được thể hiện nơi Đức Kitô là Thiên Chúa làm người ‘cho chúng ta và để cứu chuộc chúng ta’[3]; liên đới với những người nghèo khổ, vì Con Thiên Chúa ‘từ chỗ giàu sang đã trở nên nghèo hèn’ để làm cho chúng ta được giàu lên ‘nhờ sự nghèo hèn của Người’ (2Cr 8,9).
- Tính chất thánh thiêng của sự sống và biến cố kỳ diệu được thực hiện mỗi khi một phụ nữ sinh con, bởi vì, do cuộc sinh nở của Trinh nữ Maria, Ngôi Lời của Sự Sống đã đến giữa loài người và để cho mắt chúng ta trông thấy được (x. Ga 1,2);
- Những giá trị về niềm vui và bình an của ơn cứu chuộc mà nhân loại ngày nay đang khát vọng mãnh liệt: các Thiên Thần loan báo cho các mục đồng tin vui Chúa Cứu Thế vừa sinh ra, ‘Vua hòa bình’ (Is 9,5) đã ra đời và cầu chúc ‘bình an dưới thế cho những người được Thiên Chúa yêu thương’ (Lc 2,14)”[4]
Sau cùng, lỏng đạo đức bình dân cho thấy, không thể mừng kính xứng đáng việc ra đời của Đấng “sẽ cứu chuộc dân Người khỏi tội lỗi” (Mt 1,21) nếu không cố từ bỏ tội lỗi, bằng cách tỉnh thức và trông đợi Đấng lại đến trong ngày cuối cùng.”[5]
Chúng ta có thể tóm tắt ý nghĩa thần học Mùa Giáng Sinh như - là khởi đầu của ơn cứu độ chúng ta, - là việc Thiên Chúa tỏ mình, - là hôn lễ của Con Thiên Chúa với nhân loại, - là “sự thần hóa” con người (‘Thiên Chúa làm người, để con người trở nên Thiên Chúa’[6]), và - là “cuộc sáng tạo mới”.[7]
Những gợi ý trên hy vọng sẽ giúp Quý Cha phần nào trong việc hướng dẫn giáo dân khi cử hành Phụng vụ Giáng Sinh và các việc đạo đức bình dân, họ có thể dìm sâu trong tinh thần mầu nhiệm, hầu kín múc sự sống, niềm vui cứu độ cách sung mãn, hầu đổi mới đời sống trong Đức Kitô.
 
II. MỘT VÀI TRUYỀN THỐNG ĐẠO ĐỨC TRONG MÙA GIÁNG SINH
Xin được trình bày về hai truyền thống:
1. Máng Cỏ Giáng Sinh
Ngoài những cách tái hiện lại máng cỏ Belem đã có từ những thế kỷ đầu tiên trong các nhà thờ, còn thêm tập tục phổ biến từ thế kỷ XIII là làm những máng cỏ nhỏ ở các gia đinh, theo kiểu mẫu được thánh Phanxicô Assisi thiết kế năm 1223 ở Greccio. Việc chuẩn bị các máng có này (đặc biệt trẻ em được tham gia) giúp cho mầu nhiệm Giáng Sinh hiện diện giữa các thành viên khác nhau trong gia đình; khuyến khích họ cùng nhau cầu nguyện ít phút hay đọc đoạn Kinh Thánh liên quan đến việc Chúa Giáng Sinh.[8]
Vì vậy, tại Nhà Thờ:
- Nên thiết lập các Máng Cỏ Giáng Sinh thích hợp với việc chiêm ngắm và cầu nguyện, đặc biệt Máng Cỏ trong nhà thờ;
- Nếu được, đặt tượng Chúa Hài Đồng thế nào để cho các tín hữu, nhất là các trẻ em, có thể dễ dàng hôn kính[9];
- Nên khuyến khích các tín hữu đến cầu nguyện trước và sau các thánh lễ. Vì vậy, nên xin họ đừng chụp hình tại máng cỏ trong nhà thờ, nhờ đó, giáo dục ý thức linh thánh và tạo bầu khí cho các tín hữu cầu nguyện trước Máng Cỏ Giáng Sinh.
Tại các Gia Đình:
- Nên thúc đẩy các gia đình biết dành mươi phút suy niệm và cầu nguyện mỗi ngày trước Máng Cỏ trong Mùa Giáng Sinh, để vun đắp đức tin, lòng mến Chúa và tình yêu hiệp nhất nơi gia đình.
- Vào tối 24/12, “Tái hiện các ‘máng cỏ sống động’; khai mạc với máng cỏ tại gia đình bằng cách tập hợp tất cả mọi người trong gia đình cùng cầu nguyện ít phút (đọc Tin Mừng theo thánh Luca về biến cố Giáng Sinh, cầu nguyện tự phát, hát bài Giáng Sinh…). Nên cho trẻ em chủ động trong buổi cầu nguyện đó, vì các em là thành phần tham dự chính của cuộc họp mặt gia đình này[10];
2. Cây Giáng Sinh
Cũng có nhiều nhà thờ hoặc tư gia trồng cây Giáng Sinh.
Cây Giáng Sinh gợi lại hoặc cây sự sống trồng ở giữa vườn Địa Đàng (x. St 2,9) hoặc cây Thánh Giá và theo đó có một ý nghĩa Kitô học: Chúa Kitô, cây sự sống thật, cũng thuộc về dòng dõi của chúng ta. Cây này sinh ra từ Đức Maria, luôn xanh tươi, như được mọc lên từ một mảnh đất trinh nguyên và cho nhiều hoa trái.”[11]
 
 
III. NGHI THỨC LÀM PHÉP HANG ĐÁ
  • Lựa chọn thời gian Làm Phép tùy hoàn cảnh của giáo xứ, như sau lễ chiều, Kinh Chiều ngày 24/12, trước hoặc sau giờ Canh Thức... Điểm cần lưu ý là nên cử hành vào lúc có cộng đoàn, nhằm giúp cho họ ý thức về ý nghĩa của Máng Cỏ Giáng Sinh là nơi để chiêm ngắm và cầu nguyện hơn là chỉ để trang trí, làm đẹp.
1. Làm Phép Ngoài Thánh Lễ
1/ Mở đầu:
LM:    Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
CĐ:      Amen.
LM:    Chúa ở cùng anh chị em.
CĐ:      Và ở cùng Cha.
LM:      Anh (chị) em thân mến,
Chúng ta hãy sốt sắng dâng lời nguyện lên Thiên Chúa Cha, nhờ Đức Giêsu, Ngôi Lời của Ngài đã giáng sinh mà chúng ta được đón nhận hồng ân cứu độ và hướng đến sự sống đời đời. Xin Ngài đoái thương thánh hóa hang đá này, ngõ hầu những ai đến đây chiêm ngắm, thờ lạy nhận ra được sự hiện diện của Đấng Cứu Thế ở giữa chúng ta và để cho Ngài đến và hiện diện trong cuộc đời chúng ta.
2/ Công bố Lời Chúa
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 2,1-7)
Thời ấy, hoàng đế Augusto ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quirinô làm tổng trấn xứ Xyria. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nazareth, miền Galilêa lên thành vua Đavit tức là Bêlem, miền Giuđêa, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavit. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. 
Đó là lời Chúa.
- Linh Mục có thể diễn giảng vắn tắt.
3/ Lời Nguyện Chung
LM: Anh chị em thân mến,
Chúng ta hãy vui mừng cảm tạ Thiên Chúa Cha, là Chúa cả trời đất, đã ban Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô đến làm người để giao hòa Đất Trời. Với tâm tình cảm tạ và thờ lạy, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
  1. Chúa Giêsu đã làm người để dạy con người về Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh/ luôn mở rộng tâm hồn đón rước Ngôi Lời vào trong tâm hồn, để Ngài dạy chúng ta chân lý và tình yêu.
CĐ: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
  1. Chúa Giêsu mang ơn cứu độ đến cho nhân loại. Chúng ta cầu xin Chúa cho những người làm công tác giáo dục đức tin/ luôn biết chuyên chăm sống Lời Chúa và yêu mến Thánh Thể, để lời rao giảng đi đôi với việc họ làm/ ảnh hưởng sâu xa đến người thụ huấn.
  2. Chúa Giêsu đã sinh ra cho chúng ta. Chúng ta cầu xin Chúa cho các cha mẹ Công Giáo luôn yêu mến, đón nhận con cái như hồng ân cao cả Chúa ban/ biết giáo dục chúng cách toàn diện, để chúng trở nên những Kitô hữu đạo đức và những công dân hữu ích cho xã hội.
  3. Mầu nhiệm Giáng Sinh là bình minh của ơn cứu độ. Chúng ta cầu xin cho mọi người trong gia đình giáo xứ chúng ta biết mở lòng đón nhận Chúa Hài Nhi, để được Ngài biến đổi nên những chứng nhân tình yêu và hy vọng của Chúa cho thế giới ngày nay.
LM xướng: Lạy Cha chúng con ở trên trời…
  • Sau Kinh Lạy Cha, Linh Mục đọc lời nguyện:
Lạy Chúa là Cha từ ái, Chúa đã sai Con Chúa là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người để giao hòa con người lại với Thiên Chúa. Xin thương lắng nghe lời các tôi tớ Chúa, là những người đang nài xin Chúa ban phép lành + cho hang đá này, để tất cả những ai đến đây chiêm ngắm và cầu nguyện với Chúa Hài Nhi, được Người soi sáng và trợ giúp, để cuộc đời họ thấm nhuần lòng tin cậy mến, biết nhiệt thành làm chứng cho Tin Mừng bình an của Chúa cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
: Amen
  • Linh mục rảy nước thánh trên mọi người tham dự, hang đá và các mô hình lân cận, trong lúc đó ca đoàn có thể hát một bài thích hợp. Rảy nước thánh xong, Linh mục có thể xông hương Chúa Hài Đồng rồi kết thúc:
4/ Kết thúc:
LM: Chúa ở cùng anh chị em.
CĐ: Và ở cùng cha.
LM: Nguyện xin bình an của Chúa Giêsu Kitô cư ngụ trong lòng anh chị em, và nguyện cho Lời của Người ở lại luôn mãi trong chúng ta, để khi làm mọi việc, chúng ta đều làm cho sáng danh Chúa.
CĐ: Amen.
LM: Và xin Thiên Chúa toàn năng, là Cha và Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.
CĐ: Amen
  • Hát một bài về Giáng sinh.
 
2. Làm Phép trước liền Thánh Lễ Đêm
  • Nếu Làm Phép Máng Cỏ Giáng Sinh trong Nhà Thờ, có thể cử hành liền trước thánh lễ đêm.
  • Đoàn rước tiến tới Bàn Thờ, ca đoàn hát Ca Nhập Lễ.
  • Linh mục chủ sự xông hương Bàn Thờ, làm dấu Thánh Giá, chào chúc cộng đoàn, nói ít lời về ý nghĩa của thánh lễ, rồi hướng ý về Nghi thức Làm Phép hoặc đọc những lời sau đây:
LM: Chúng ta hãy sốt sắng dâng lời nguyện lên Thiên Chúa Cha, nhờ Đức Giêsu, Ngôi Lời của Ngài đã giáng sinh mà chúng ta được đón nhận hồng ân cứu đô và hướng đến sự sống đời đời. Xin Ngài đoái thương thánh hóa hang đá này ngõ hầu những ai đến đây chiêm ngắm, thờ lạy nhận ra được sự hiện diện của Đấng Cứu Thế ở giữa chúng ta và để cho Ngài đến và hiện diện trong cuộc đời chúng ta.
- Thinh lặng giây lát rồi linh mục đọc Lời Nguyện Làm Phép:
Lạy Chúa là Cha từ ái, Chúa đã sai Con Chúa là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người để giao hòa con người lại với Thiên Chúa. Xin thương lắng nghe lời các tôi tớ Chúa, là những người đang nài xin Chúa ban phép lành V cho hang đá này, để tất cả những ai đến đây chiêm ngắm và cầu nguyện với Chúa Hài Nhi, được Người soi sáng và trợ giúp, để cuộc đời họ thấm nhuần lòng tin cậy mến, biết nhiệt thành làm chứng cho Tin Mừng bình an của Chúa cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
CĐ: Amen
  • Linh mục rảy nước thánh trên mọi người tham dự, hang đá rồi xông hương Chúa Hài Đồng trong lúc ca đoàn có thể hát một điệp ca ngắn về Mầu Nhiệm Giáng Sinh (Điệp ca bài Nhập Lễ…)
  • Linh mục trở về bàn thờ và xướng kinh Vinh Danh.

[1]x. Thánh Lêo Cả, Serm. 2,1: BP 31,89: “Chúng ta hãy hoan hỉ trong Chúa và hãy để cho tâm hồn được tràn ngập niềm vui, vì ngày tràn ngập ánh sáng cứu độ mới đã bừng lên, ngày mà người xưa đã chờ đợi, ngày của hạnh phúc muôn đời. Vì qua chu kỳ phụng vụ hằng năm, mầu nhiệm ơn cứu độ của chúng ta đã trở nên hiện thực”; x. ĐGH Piô XII, Thông điệp Mediator Dei: “Năm Phụng Vụ là chính Đức Kitô, hiện diện trong Giáo Hội của Ngài.
[2] Matias Augé, Năm Phụng Vụ: Đức Kitô hiện diện trong Giáo Hội của Ngài, Tập I, NXB Tôn Giáo 2015, tr.  27: “Cử hành Giáng sinh của Chúa Giêsu được quy hướng về đỉnh cao của nó là mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Thánh Thể không chỉ là sự tưởng nhớ về cuộc khổ nạn, nhưng còn là về sự sinh ra, phục sinh, lên trời và sau cùng là việc Ngài trở lại vào ngày sau hết; Thánh Thể không chỉ là sự tưởng nhớ khô khan, nhưng là một sự hiện diện sống động của toàn thể Mầu nhiệm Đức Kitô. Bởi đó, trong tiến trình của Năm Phụng Vụ, khi các mầu nhiệm riêng biệt được tưởng nhớ, Giáo Hội cử hành các mầu nhiệm đó với Thánh Thể.”
 
[3] DS 150, MISSALE ROMANUM, Ordo Symbolum Nicaeno-Constantinopolitanum.
[4] Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng Dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ 2001, (Bản dịch của HĐGMVN), số 109, tr. 131-132.
[5] Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng Dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ 2001, (Bản dịch của HĐGMVN), số 105, tr. 129.
[6] Thánh Augustinô, Diễn từ 13 (Bài đọc II, giờ Kinh Sách ngày 7 tháng 1).
[7] x. Matias Augé, Năm Phụng Vụ: Đức Kitô hiện diện trong Giáo Hội của Ngài, Tập I, NXB Tôn Giáo 2015, tr.  25-39.
[8] Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng Dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ 2001, (Bản dịch của HĐGMVN), số 104, tr. 128-129.
[9] x. Sdd, số 111, tr. 135.
[10] Sdd, số 109, tr. 133.
[11] Sdd, số 109, tr. 133.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...