11/06/2016
3203
MỤC TỬ, HÌNH ẢNH CỦA LÒNG THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG
 
Kính thưa quý Cha rất thân mến,
Tháng Thánh Tâm và Năm Thánh ngoại thường năm nay đều hướng lòng chúng ta đến đề tài “Lòng thương xót”. Ngoài ra, vào đầu tháng 6, chúng ta có tuần Tĩnh tâm của Linh mục Giáo phận. Vì vậy, tôi xin chia sẻ với quý Cha hai điều vắn gọn : Linh mục, hiện thân của lòng Thiên Chúa xót thương và nhu cầu thinh lặng trong tuần Tĩnh tâm.

1. Linh mục, hiện thân của lòng Thiên Chúa thương xót
Trong tâm thức của người tín hữu, linh mục luôn gắn liền với hình ảnh người chăn chiên bỏ 99 con chiên trong ràn để đi tìm cho bằng được con chiên bị thất lạc (x. Lc 15,4-7). Hình ảnh của người chăn chiên nhân lành được thể hiện cụ thể qua tư cách và những thái độ nhân từ, tình thương yêu kiên nhẫn, lòng tha thứ và độ lượng. Những tâm tình và thái độ đó phản chiếu tấm lòng của Thiên Chúa là Đấng “nhân hậu và từ bi, chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín ; Ngài giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, tha thứ lỗi lầm, sai trái và tội lỗi, cho dù không bỏ qua điều gì mà không trừng phạt." (Xh 34,6-7).

Trong những ngày tháng vừa qua, chúng ta đã có nhiều dịp lắng nghe các suy tư về đề tài “Lòng thương xót”. Ở đây tôi muốn ghi lại lời gửi gắm của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông năm nay :

“Tôi muốn mời gọi mọi người thiện chí khám phá lại sức mạnh của lòng thương xót có sức chữa lành các mối tương quan đã đổ vỡ và khôi phục hoà bình và hoà hợp giữa các gia đình và các cộng đồng. Mọi người chúng ta đều biết rằng có biết bao cách để các vết thương xưa cũ và những mối bất hoà dai dẳng có thể gài bẫy các cá nhân, không cho họ truyền thông và hoà giải với nhau... Trong mọi trường hợp, lòng thương xót có thể tạo ra một phương cách nói chuyện và đối thoại mới, như Shakespeare đã diễn tả rất tài tình : “Lòng thương xót như hơi mát của mưa rơi xuống mặt đất. Lòng thương xót là một phúc lành kép: nó chúc lành cho cả người ban lẫn người nhận” (Người lái buôn thành Venise, Hồi IV, Cảnh I).

Tôi mong muốn biết bao rằng cung cách truyền thông của chúng ta, cũng như công việc phục vụ của các mục tử trong Giáo Hội, không bao giờ tỏ ra tự cao tự đại, đắc thắng trước đối phương, hoặc khinh rẻ những người bị thế giới coi như vất đi và dễ dàng bị loại bỏ ! Lòng thương xót có thể giúp giảm bớt đi những nghịch cảnh của cuộc sống và đem lại ấm áp cho những ai chỉ còn biết sự lạnh lùng của bản án.”

Chúng ta cũng có dịp chia sẻ kinh nghiệm chung quanh đề tài “Lòng thương xót”. Có những chứng từ bao dung và xót thương làm chúng ta vui mừng và hãnh diện, nhưng cũng có những thái độ ứng sử thiếu lòng nhân từ làm chúng ta xấu hổ và gây ấn tượng sâu sa vào tâm khảm của chính chúng ta và của những đối tượng liên hệ. Với tinh thần lắng nghe nội tâm và lòng khiêm nhượng nhìn nhận lỗi lầm, những kinh nghiệm tiêu cực này có thể trở thành bài học quý báu giúp chúng ta nhận ra điều cần phải thay đổi và thúc đẩy chúng ta thay đổi được điều tiêu cực chúng ta đã nhận ra. Trong tinh thần đó, tôi xin ghi lại đây kinh nghiệm của cha Piô Ngô Phúc Hậu đã được kể lại trong cuốn “Nhật ký truyền giáo” của ngài :

“Hôm nay là ngày Chúa nhật : cha phó làm lễ sáng. Mình đi roõng xung quanh nhà thờ, để tạo bầu khí trang nghiêm cho giờ lễ. Nhà thờ chưa đầy người, thế mà có một chú bé đứng chầu rìa ở bên cửa hông. Mình vỗ vai em : ‘Con vô đi, trong kia còn chỗ’. Em quay ngoắt một cái, chạy vọt xuống cửa phía dưới. Lại đứng chầu rìa. Lòng tự ái lãnh đạo bốc lên tới lỗ mũi. Mình dằn cơn nóng xuống, thủng thỉnh đi theo hắn. Mình lại vỗ vai hắn : ‘Trong kia còn nhiều chỗ lắm’. Hắn chuồn. Mình nắm tay hắn kéo vô. Hắn dạng chân chống chỏi. Nhân đức hiền lành xì ra ngoài hết. Mình nghiến răng lại, hai bàn tay sắt xiết hai vai hắn : ‘Vô không ?’. Hắn tỉnh queo, nhỏng mỏ : ‘Con đi lễ chứ có làm gì đâu mà cha làm hung làm dữ’. Mình thả lỏng hai bàn tay. Hắn dõng dạc bước ra cổng, rồi biến mất trong dòng người.

Có lẽ hắn sẽ không bao giờ trở lại nữa. Mình nhìn lên bàn thờ, nhìn lên nhà tạm, rồi nhìn lên cây thánh giá. Ánh mắt của mình không dừng lại được ở bất cứ nơi nào. Nó đành nhắm lại, vì xấu hổ.


Thằng cu tí đã cho mình một bài học xứng đáng. Nó là thầy của mình. Thầy ơi, vì con mà thầy đã từ giã thánh đường ; vì con mà có lẽ thầy sẽ bỏ đạo. Xin thầy hãy trở lại, để lương tâm của con tìm được sự bình an.” (Ngô phúc Hậu, Nhật ký Truyền giáo, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2010, trg 140).

Có những giáo hữu ngoan đạo đã trở thành kẻ thù của Giáo Hội chỉ vì bị coi thường, bị xúc phạm, bị xỉ nhục, nhất là khi bị xỉ nhục trước công chúng. Có thể có những vị linh mục, vì đã trở thành thói quen, không nghĩ những cách thức đáng trách đó là vấn đề. Năm thánh “Lòng Thương Xót” mời gọi chúng ta rà xét lại tâm hồn để nếu có những tâm tình, thái độ và hành vi phản lại lòng nhân từ, thương xót, thì thay đổi. Dù chúng ta có hay không có những hành vi thiếu lòng thương xót, tất cả cần nỗ lực thấm nhuần tâm tình xót thương của Chúa để đem an vui đến cho chính lòng mình và cho đoàn Dân Chúa mà chúng ta phục vụ :

“Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này : 'Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần của lễ’. “Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." (Mt 9,12-13 ; x. Tv 40,7-9).
“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7).
“Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng : ‘Nếu Thầy muốn, Thầy có thể làm cho con được sạch.’ Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : ‘Ta muốn, anh hãy được sạch !’ Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.” (Mc 1,40-42).

2. Nhu cầu thinh lặng trong tuần Tĩnh tâm
Thinh lặng là một nhu cầu thiết yếu để biết lòng mình và để thâm hiểu và thấm nhuần tâm tư của Chúa. Truyện các Thánh tu rừng vào giữa thế kỷ IV có kể giai thoại : Một ngày kia, có chàng thanh niên đi vào sa mạc. Chàng gặp một thầy tu đang đứng cạnh một giếng nước. Chàng thanh niên hỏi thầy tu :
- Thưa Thầy, Thầy ở trong sa mạc này để làm gì vậy ? Cả ngày chẳng thấy Thầy làm gì cả ?
Thầy tu, lúc đó đang múc nước, mời chàng thanh niên :
- Anh nhìn xuống đáy giếng coi xem có thấy gì không ?
Chàng thanh niên nhìn xuống đáy giếng rồi trả lời:
- Con thấy hình như có khuôn mặt của con, nhưng không rõ vì nước ở đáy giếng dao động quá.
Thầy tu và chàng thanh niên nói chuyện một chập. Sau đó, biết là nước dưới đáy giếng đã lặng, thầy tu mời chàng thanh niên :
- Bây giờ anh nhìn xuống đáy giếng xem có thấy gì không ?
Chàng thanh niên nhìn xuống và trả lời :
- Con thấy hình mặt con rõ hơn vì nước hết dao động rồi.
Thầy tu nói :

- Đấy là việc tôi làm ở trong sa mạc này : làm cho các tình cảm, thú vui, tự ái, tư lợi, dục vọng, đam mê... lắng đọng xuống để nhìn ra sự thật của lòng mình thì mới nhận ra được khuôn mặt của Chúa là Đấng Cứu Độ.

Thinh lặng cần thiết thế, nhưng lại rất khó thực hiện, nhất là trong xã hội ngày nay, khi khuynh hướng chung là thích ồn ào, lãng phí thời giờ trong những câu truyện vô bổ hoặc nói chuyện không hay về người vắng mặt. Điều này đem đến hậu quả tai hại là nhiều người lạm dụng lời nói và chữ viết để phê bình, chỉ trích, bêu xấu và có khi còn vu vạ cáo gian làm mất danh dự của người khác, hoặc xuyên tạc sự thật gây hiểu lầm, chia rẽ, nghi kỵ, hiềm khích và thù nghịch. Chính vì vậy, các truyền thống tu đức đều đề nghị một sinh hoạt thiêng liêng được gọi là “Tĩnh tâm” để trợ lực và hướng dẫn các tín hữu, nhất là giới linh mục, tu sĩ, sống trung thực ơn gọi và sứ vụ của mình.

Thực ra sinh hoạt thiêng liêng “Tĩnh tâm” còn được gọi với hai cụm từ khác là “Cấm phòng” và “Linh thao”. Mỗi cụm từ nói lên một khía cạnh cần thiết của sinh họat đạo đức này.

Cấm phòng : nói lên nhu cầu cần phải đi vào nơi thanh vắng, tách mình ra khỏi mọi liên hệ với thế giới bên ngoài để ở với Chúa, lắng nghe tiếng Chúa.

Tĩnh tâm : làm cho tâm hồn lắng đọng và an bình để nghe tiếng Chúa. Một người có thể đi vào sa mạc, nhưng lòng không an bình thì cũng chẳng nghe được tiếng Chúa.

Linh thao : “linh” là thiêng liêng, “thao” là luyện tập. Nếu chỉ tránh xa thế gian, quên mọi sự để khỏi bận tâm lo lắng thì có thể mới chỉ là giải trí. Cần phải phấn đấu để nghe tiếng Chúa, nhìn ra con người thực của mình, nhất là nhận ra ý Chúa để theo đó mà sống.

Như vậy, việc làm trong những ngày Tĩnh tâm gồm công việc được diễn tả qua cả ba cụm từ nói trên vì không có cụm từ nào tự nó có thể diễn ta hết những điều cần phải làm trong tuần “Tĩnh tâm”.

Ngoài ra, cũng cần nói thêm là trong đời sống linh mục có ba sinh hoạt thiêng liêng. Ba sinh hoạt này, tuy liên hệ mật thiết với nhau, chúng là ba sinh hoạt khác nhau, với những đặc tính và mục đích riêng của mỗi sinh hoạt.

- Khoá học hỏi thần học, tu đức, mục vụ : nhắm cập nhật các tư tưởng thần học, tu đức, mục vụ, nhất là trong bối cảnh của xã hội và những con người nơi các linh mục phục vụ.

- Chia sẻ mục vụ : nhắm trao đổi các kinh nghiệm mục vụ để nhờ đó, mỗi người có thể rút ra những bài học hữu ích áp dụng cho công việc mục vụ của mình, mong đem lại kết quả tốt đẹp hơn.

- Tĩnh tâm : nhắm giúp mỗi linh mục đi vào chiều sâu của lòng mình để lắng nghe Lời Chúa, để múc nguồn sức sống từ Chúa và để thanh luyện, biến đổi đời sống của mình trong ơn gọi và trong sứ vụ linh mục.

Trong khi đối tượng của Khoá học hỏi thần học, tu đức và Buổi chia sẻ mục vụ là công việc làm và những người hưởng nhờ công việc làm của linh mục, đối tượng của Tĩnh tâm là chính con người linh mục, tận trong tâm não của ngài.

Đây là điểm khó khăn của Tĩnh tâm vì tự nhiên người ta rất ngại trở về lòng mình để nhận diện con người thực của mình và để thay đổi. Điều này lại càng là một cám dỗ cho linh mục vì linh mục thường đứng vào vị thế của người giảng dạy, hướng dẫn người khác, hoặc là người điều hành, chỉ đạo thực hiện các chương trình lớn nhỏ. Do đó, ở nhiều nơi, người ta đã biến khoá Tĩnh Tâm thành khoá học hỏi thần học, tu đức và mục vụ hoặc buổi chia sẻ mục vụ vì chỉ tìm kiếm những ý tưởng mới hoặc những nhận xét về việc làm hay vấn đề và hoàn cảnh của người khác chứ không phải là những vấn đề của lòng mình. Nếu chúng ta muốn cho đời sống linh mục của mình thật sự hạnh phúc và đem kết quả thiêng liêng cho đoàn Dân Chúa, chúng ta cần phải có can đảm đi vào lòng mình như thầy tu nói trên.

Xin Đức Mẹ được xưng tụng như người Mẹ của Lòng Thương Xót, Mẹ của các linh mục và là người có phúc vì biết lắng nghe Lời Chúa (x. Lc 11,28) hướng dẫn anh em linh mục chúng ta đi vào thinh lặng của lòng mình, nhất là trong những ngày tĩnh tâm của Linh mục đoàn Giáo phận. Trong thinh lặng nội tâm Chúa sẽ nói vào lòng chúng ta và đổ tràn tình thương yêu nhân từ vào lòng chúng ta và qua đó, chảy tràn lan xuống đoàn Dân Chúa trong mảnh đất Xuân Lộc thân yêu này.
Với lòng quý mến và tin tưởng, xin chào quí Cha.

+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...