10/03/2015
20400

HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN ĐA MINH
 
Danh xưng: Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh (Trước 1969, gọi là Dòng Ba Đa Minh)

1. Nguồn gốc:
      Dòng Ba Đa Minh bắt nguồn từ phong trào hối nhân, và sau đó được sáp nhập vào Dòng Đa Minh.
Ordo Paenitentiae (hay Ordo de Paenitentia) nguyên là đòan thể các hối nhân đã hiện hữu từ thế kỷ XII. Họ là những giáo dân nam nữ muốn trở nên trọn lành tuy vẫn sống ở giữa đời. Có người khấn giữ độc thân, mặc tu phục. Họ ở dưới quyền của giám mục. Họ đã có một bản luật ít là từ những năm 1221 và 1228 (Memoriale propositi Fratrum et Sororum). Các nhóm này nhờ các cha Dòng Phan Sinh hoặc Đa Minh giúp đỡ về tinh thần. Những ai sống gần tu viện Dòng nào thì nhờ Dòng đó giúp đỡ. Những giáo dân được các cha Dòng nào hướng dẫn thì bị ảnh hưởng tinh thần của Dòng đó. Vì thế, các nhóm hối nhân đã bị phân thành hai khối, dựa theo màu áo chòang: hối nhân xám (Phan Sinh) và hối nhân đen (Đa Minh).


      Những năm 1284-1285 đánh dấu một khúc ngoặt trong lịch sử các nhóm hối nhân. Năm 1284, cha Caro OFM, bề trên Firenze, duyệt lại bản luật của các hối nhân. Năm 1285. Cha Munio Zamora, tổng quyền Dòng Giảng thuyết (1285-1291), cũng thực hiện công tác tương tự đối với những nhóm được giao cho Dòng Đa Minh coi sóc. Khác một điều là Đức Giáo hoàng Nicôla IV lập tức châu phê bản luật của cha Caro; còn bản luật của cha Munio thì mãi đến năm 1405 mới được Đức Innocentê VII phê chuẩn. Nói khác đi, từ 1285 đến 1405, bản luật chỉ có giá trị “lưu hành nội bộ”.

2. Mục đích:

      Người giáo dân Đa Minh sống ơn gọi Kitô hữu của mình theo đoàn sủng dòng Giảng Thuyết, nhờ việc tuân giữ Luật sống Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh.

3. Pháp chế:

a) Quy luật (Luật chung):

      Bản luật chính thức tiên khởi của các giáo dân Ða Minh là Regula Fratrum et Sororum Ordinis de Penitentia Beati Dominici, Fundatoris et Patris Fratrum Ordinis Predicatorum (Quy Luật Của Anh Chị Em Hãm Mình Thánh Đa Minh, Là  Đấng Sáng Lập Dòng Giảng Thuyết), do cha Munio de Zamora ban hành năm 1285.

      Đến năm 1923, nhằm thích ứng với những quy định của bộ giáo luật 1917, cha Louis Theissling  ban hành bản Quy luật có tựa đề là: Regula Tertii Ordinis saecularis Sancti Dominici vel Ordinis Paenitentiae Sancti Dominici, vel Militiae Jesu Christi  (Quy Luật Của Anh Chị Em Dòng Ba Phần Đời Thánh Đa Minh hay là Dòng Hãm Mình Thánh Đa Minh hoặc Binh Lính Chúa Kitô).

      Nhằm thích ứng với thần học về giáo dân do công đồng Vaticanô II mang lại, với sự thúc đẩy của tổng hội River Forest (1968), một bản Quy luật mới mang tựa đề là Regula Fraternitatum laicorum Sancti Dominici (Quy luật Huynh đoàn Giáo dân Thánh Đa Minh) được Thánh Bộ Tu sĩ và Tu Hội Đời phê chuẩn thử nghiệm năm 1972.

      Và đến năm 1985, nhân kỷ niệm 700 năm bản luật của cha Munio, một Hội nghị Quốc tế Giáo dân Ða Minh được tổ chức tại Montréal (Canada) từ ngày 24 đến 29 tháng 6, để thảo luận về sứ mạng của người giáo dân Ða Minh. Nhân dịp này bản luật 1972 được đem ra thảo luận và hoàn chỉnh (cho hợp với bộ Giáo luật 1983). Bản văn được đệ trình Tòa thánh và được Thánh Bộ Tu sĩ và Tu Hội Đời châu phê ngày 15/01/1987.

b) Quy chế (Luật riêng):
- Năm 1969, Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam soạn thảo “Thủ Bản Dòng Ba Đa Minh”. Thủ bản này được Bề trên Tổng quyền  Aniceto Fernandez phê chuẩn ngày 26/06/1971 để áp dụng theo tinh thần thử nghiệm.

- Để thích ứng với bản Quy luật năm 1987, Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam đã soạn ra Quy chế hay còn gọi là Luật Riêng Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Việt Nam và được cha Giuse Đoàn Thiệu, nguyên Bề trên Giám tỉnh, đại diện Bề trên Tổng quyền phê chuẩn ngày 09/03/1990.

- Công vụ Tỉnh hội năm 1994 chỉ thị tu chính và Tỉnh hội năm 1999 nhắc lại, Luật Riêng Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Việt Nam được tu chính và Bề trên Giám tỉnh Giuse Nguyễn Cao Luật phê chuẩn ngày 19/03/2002.

- Bản Quy chế hiện hành có tên Luật Sống Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Việt Nam được Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Giáo phận Sàigòn, Imprimatur ngày 20/11/2010. Ngày 15/08/2010, cha Bề trên Giám tỉnh Giuse Ngô Sĩ Đình đã công bố và bản Quy chế này có hiệu lực từ ngày 25/03/2011.

4. Thành lập:
1. Phải có ít là 15 người có ước muốn thành lập Huynh đoàn. Những người này được gọi là thỉnh nguyện viên. Những thỉnh nguyện viên này phải hội đủ các điều kiện sau:

      a) Người Công Giáo đã lãnh Bí tích Thêm Sức.
      b) Không bị ngăn trở theo Giáo luật và nhiệt thành sống đạo.
      c) Không phải là thành viên của Dòng Ba khác.
      d) Không phải là thành viên bị khai trừ, hay tự ý rời bỏ một cách bất hợp pháp khỏi các hiệp hội được Hội Thánh công nhận.
      e) Tuổi từ 17 đến 60.
Nếu ngăn trở khoản d và e thì phải có sự miễn chuẩn của Bề trên Giám tỉnh.

2. Người đại diện làm đơn “Thỉnh nguyện chấp thuận thành lập Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh” gửi Đức Giám mục Giáo phận với sự giới thiệu của Linh mục Chánh xứ.

3. Người đại diện làm đơn “Xin thành lập Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh” gửi Bề trên Giám tỉnh.

4. Bề trên Giám tỉnh có văn thư thành lập Huynh đoàn.

5. Nghi thức “Công bố văn thư thành lập” được Linh mục Chính xứ hoặc vị khác do Linh mục Chính xứ chỉ định chủ sự.

5. Cơ cấu tổ chức-điều hành:
a) Huynh đoàn:


      Huynh đoàn trong mỗi giáo xứ (giáo họ) là đơn vị căn bản. Mỗi người giáo dân Đa Minh phải thuộc về một Huynh đoàn nhất định. Bề trên Giám tỉnh thành lập Huynh đoàn với sự chấp thuận của Đức Giám mục Giáo phận. Ngoài ra, còn có những Huynh đoàn đối nhân trực thuộc Bề trên Giám tỉnh.

      Ban Phục vụ Huynh đoàn do các cử tri trong Huynh đoàn bầu ra. Các thành viên trong Ban Phục vụ Huynh đoàn bầu Đoàn trưởng.
Dưới sự hướng dẫn về đạo lý của vị Linh hướng, Đoàn trưởng cùng với Ban Phục vụ điều hành Huynh đoàn.
b) Liên huynh:


      Với nhiều Huynh đoàn, có thể xin thành lập Liên huynh giống như cách thức thành lập Huynh đoàn. Thông thường, trong mỗi Giáo hạt có một Liên huynh (Giáo hạt Biên Hoà có hai Liên huynh: Biên Hoà và Bến Gỗ; giáo hạt Gia Kiệm có hai Liên huynh: Gia Kiệm và Dốc Mơ).
Ban Phục vụ Liên huynh do cử tri là thành viên trong các ban Phục vụ Huynh đoàn thuộc Liên huynh bầu ra. Các thành viên trong Ban Phục vụ Liên huynh bầu Trưởng ban.


      Dưới sự hướng dẫn về đạo lý của vị Linh hướng, Trưởng ban cùng với Ban Phục vụ điều hành Liên huynh.

c) Ban Phục vụ huynh đoàn cấp giáo phận:
Để điều phối sinh hoạt của các Huynh đoàn, Liên huynh trong Giáo phận, cử tri là thành viên trong các Ban Phục vụ Liên huynh bầu ra Ban Phục vụ huynh đoàn cấp giáo phận. Các thành viên trong Ban Phục vụ huynh đoàn cấp giáo phận bầu Trưởng ban.
Dưới sự lãnh đạo của vị Đặc trách huynh đoàn cấp giáo phận, Trưởng ban cùng với Ban Phục vụ điều phối các sinh hoạt của huynh đoàn trong giáo phận.
d) Ban Phục vụ huynh đoàn cấp Tỉnh dòng:

      Để điều phối sinh hoạt của huynh đoàn các cấp trong Tỉnh dòng, cử tri là thành viên trong các Ban Phục vụ huynh đoàn cấp giáo phận bầu ra Ban Phục vụ huynh đoàn cấp Tỉnh dòng. Các thành viên trong Ban Phục vụ huynh đoàn cấp Tỉnh dòng bầu Trưởng ban.
Dưới sự lãnh đạo của vị Đặc trách huynh đoàn cấp Tỉnh dòng, Trưởng ban cùng với Ban Phục vụ điều phối các sinh hoạt của huynh đoàn trong Tỉnh dòng.

6. Thành viên:
a) Thỉnh sinh:

      Những người được “công bố thời kỳ tìm hiểu” có thời gian tối thiểu 6 tháng và tối đa 2 năm để học hỏi, tìm hiểu trước khi gia nhập Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh.

b) Tuyển sinh:
Với nghi thức “Thâu nhận”, thỉnh sinh được nhận vào thời kỳ dự tuyển. Tuyển sinh có thể sống trong thời kỳ dự tuyển tối thiểu 1 năm và tối đa 5 năm.
Sau khi được thâu nhận vào Huynh đoàn, đương sự được hưởng mọi ơn ích thiêng liêng của toàn Dòng.

c) Tuyên hứa:

      Sau thời gian tối thiểu 1 năm trong thời kỳ dự tuyển, tuyển sinh có thể xin tuyên hứa tạm lần đầu 3 năm.
Hết hạn 3 năm, hứa sinh có thể xin tuyên hứa vĩnh viễn. Nếu không tuyên hứa vĩnh viễn, hứa sinh phải tuyên hứa lại 1 năm. Việc tuyên hứa lại từng năm sẽ không quá 6 lần.


      Sau khi tuyên hứa tạm lần đầu, đương sự được gọi là Đoàn viên với đầy đủ quyền và nghĩa vụ pháp lý. Chỉ khi nào hết hạn hoặc được Bề trên Giám tỉnh tháo cởi lời, thì hiệu lực của lời tuyên hứa mới chấm dứt.

7. Vị trí của Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh:

      Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh (Dòng Ba Đa Minh) là một hiệp hội các tín hữu và là một hiệp hội công được minh định trong Giáo luật số 303.

Trong Giáo hội địa phương, Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh là một hội đoàn Công Giáo tiến hành.
Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh là một thành phần trong Dòng Anh Em Giảng Thuyết (OP: Ordo Prӕdicatorum), gồm có:
Dòng Anh Em Giảng Thuyết gồm các thành phần :
- Các linh mục, tu sĩ (Trước đây gọi thành phần này là Dòng Nhất)
- Nữ đan sĩ: Chị em nữ tu kín (Trước đây gọi thành phần này là Dòng Nhì).
- Chị em sống nội vi (Hiện nay, Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam chưa có thành phần này); các Huynh đoàn: Huynh đoàn giáo sĩ, Huynh đoàn giáo dân (Trước đây gọi các thành phần này là Dòng Ba).
+ Huynh đoàn Giáo dân có các Huynh đoàn đối địa và cũng có các Huynh đoàn đối nhân.
Tất cả các cộng đoàn sống theo linh đạo của Thánh Đa Minh được gọi chung là Gia Đình Đa Minh.
 


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...