04/10/2015
1401
Thứ Hai
Lời Chúa: Lc 10,25-37
25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?" 26 Người đáp : "Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?" 27 Ông ấy thưa : "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." 28 Đức Giê-su bảo ông ta : "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."
29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : "Nhưng ai là người thân cận của tôi ?" 30 Đức Giê-su đáp : "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?" 37 Người thông luật trả lời : "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta : "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."
Suy niệm:
Đây là một câu chuyện về một anh chiến binh, người vừa trở về từ chiến trường Việt Nam . Từ San Francisco, anh điện thoại về cho cha mẹ anh và báo tin rằng:
"Con đã về rồi, con xin có một thỉnh cầu.  Con muốn dắt theo một người bạn đồng hành cùng về nhà mình".
"Dĩ nhiên là được"!
Ba má anh đáp,
"Ba má rất vui mừng được gặp bạn con". 
Người con lại tiếp tục
"Nhưng có một việc con cần phải thưa trước cho ba má rõ, bạn con đã bị thương từ chiến trường Việt Nam, bị mất đi một cánh tay và một cái chân, hiện tại bạn con chẳng có nơi để nương tựa, con muốn đem bạn về cùng sinh hoạt chung với gia đình mình".  "Con ơi, thật là điều đáng tiếc, có thể chúng ta giúp tìm một nơi cho nó được an thân sinh sống". 
Cha anh lại nói tiếp
"Con ạ, chắc con chẳng biết là con đang nói gì phải không? Như bạn của con là một người tàn phế, hẳn là chúng ta phải mang một gánh nặng trách nhiệm lớn đó con.  Chúng ta lại phải đối diện với những khó khăn trong cuộc sống của chính mình trong tương lai, không thể vì nó mà làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của gia đình mình.  Ba đề nghị với con là hãy về nhà trước và hãy quên người bạn đó đi, tự nó nhứt định cũng sẽ tìm được một nơi dung thân mà con". 
Nói xong ông liền cúp điện thoại, từ đó hai ông bà không nhận được tin tức gì từ người con nữa.  Vài ngày sau, hai ông bà nhận được điện thoại của cảnh sát San Francisco báo cho hay là con trai ông đã té lầu chêt rồi.  Cảnh sát tin rằng đây chỉ là chuyện đơn thuần tự sát mà thôi. Thế là hai ông bà gấp rút bay qua San Francisco, nhờ cảnh sát đưa đi nhận diện di thể của con mình.  Đúng rồi, chính là con mình đây, không sai, điều hết sức ngạc nhiên ở đây là con trai của mình, tại sao lại chỉ có một cánh tay, và cũng chỉ có một cái chân mà thôi. 
Khi nói về yêu thương chúng ta nói rất dễ, đôi khi rất hay. Tuy nhiên khi phải hành động yêu thương chúng ta thường phân loại để yêu thương. Người cha mẹ kia chỉ đón nhận vào nhà mình những người lành mạnh, những người không gây phiền toái cho họ. Nhưng họ lại từ chối thẳng thừng người bạn tàn phế gây phiền toái cho họ. Xem ra tình yêu thường có một chút vị lợi. Tình yêu thường tính toán. Tình yêu thường ích kỷ, vì bản thân mình nhiều hơn là vì tha nhân.
Lời Chúa hôm nay chúng ta thấy người anh em cuả chúng ta không nhất thiết là bà con ruột thịt. Họ không nhất thiết là người có cùng tôn giáo, cùng màu da, sắc tộc. Họ càng không nhất thiết là những người vị vọng trong xã hội. Đơn thuần họ là những người thấy nạn thì cứu. Thấy khổ thì giúp. Họ không phân biệt sang hèn. Họ luôn sẵn lòng cúi xuống phục vụ chúng ta mà không toan tính. Họ dám quên đi bản thân, dám gác bỏ công việc để phục vụ những kẻ cơ nhỡ, hoạn nạn. Họ trở nên anh em của chúng ta trong hoạn nạn có nhau, trong đau khổ nâng đỡ và ủi an nhau.
Chúa Giê-su Ngài đã sống điều đó. Ngài sống vì tha nhân. Ngài luôn yêu thương phục vụ mọi người. Ngài luôn sẵn lòng nâng đỡ những phận người bé mọn, cơ nhỡ, già yếu và bị bỏ rơi. Ngài còn yêu họ cho đến cùng bắng cái chết vì người mình yêu.
Ước gì cuộc đời chúng ta luôn biết sống cho tha nhân, luôn trở nên anh em với nhau trong tình nghĩa anh em một nhà, “chị ngã em nâng” và trong tình người “tối lửa tắt đèn có nhau”,  hay như ca dao đã nói: “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Người đời thường ích kỷ, vụ lợi. Tình người còn mang nhiều toan tính hẹp hòi. Có mấy ai cho đi mà không mong đền đáp? Có mấy ai yêu thương đến quên cả chính mình? Xin tha thứ cho tình người còn khiếm khuyết nơi chúng con. Xin Chúa kiện toàn đức ái nơi chúng con. Một đức ái vô vị lợi, luôn hướng đến tha nhân trong tinh thần xả kỷ hy sinh. Một đức ái chân thành để chúng con quên mình mà phục vụ lẫn nhau. Xin giúp chúng con biết vượt ra khỏi những toan tính tầm thường, để chúng con sống quảng đại với nhau trong tình nghĩa anh em một nhà.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con mang lấy tâm tình từ bi nhân hậu của Chúa, để chúng con biết chạnh lòng thương xót trước những đau khổ của tha nhân, và sẵn lòng chia sẻ với họ bằng một tình mến yêu chân thành. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...