28/04/2016
1319
THÁNH NỮ CATHERINE SIENA
Catherine Benincasa chào đời tại thành Siena vào năm 1347, và gia nhập dòng Ba Đaminh khi còn rất trẻ. Ngài nổi bật về tinh thần cầu nguyện và sám hối. Được thúc đẩy vì tình yêu nồng nàn đối với Thiên Chúa, Giáo Hội, và Giáo Hoàng Roma, thánh nữ đã hoạt động không mỏi mệt cho sự nghiệp bình an và hợp nhất của Giáo Hội, trong những năm tháng gian truân của thời kỳ di tản Avignon. Thánh nữ đã dành rất nhiều thời gian hoạt động tại phủ Giáo Hoàng để thuyết phục Đức Gregory XI trở về giáo đô Roma, vì đó mới chính là nơi Đấng Đại Diện Chúa Kitô điều hành toàn thể Giáo Hội. Chỉ vài hôm trước khi qua đời, ngày 29 tháng 4 năm 1380, thánh nữ đã tâm sự rằng, ‘Nếu tôi qua đời, hãy cho người ta biết rằng tôi chết vì nhiệt tâm với Giáo Hội.’
Thánh nữ đã viết rất nhiều thư từ, hiện còn giữ được chừng 400 bức, một số kinh nguyện, ‘những lời than thở,’ và duy nhất một quyển sách là cuốn ‘Đối Thoại.’ Trong quyển sách này, thánh nữ đã ghi lại những cuộc tâm tình thân mật với Chúa. Người nữ tu dòng Ba Catherine được Đức Pius II tôn phong hiển thánh, và lòng sùng kính ngài mau chóng lan rộng khắp Âu Châu. Thánh nữ Têrêxa Avila nói rằng, sau Thiên Chúa, người mà ngài mang ơn nhất về sự tiến bộ trên đường thiêng liêng là thánh nữ Catherine Siena. Đức chân phúc giáo hoàng Pius IX đã tôn nhận thánh nữ Catherine làm quan thầy nhì cho nước Ý (cùng với thánh Phanxicô Nghèo). Đến năm 1970, Đức Phaolô VI đã tôn phong thánh nữ Catherine Siena danh hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh.
32.1 Lòng yêu mến Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng, ‘Chúa Kitô dịu hiền trên trần gian.’
Mặc dù không được học hành đến nơi đến chốn (chỉ đủ biết đọc biết viết), và qua đời khi mới 33 tuổi, nhưng thánh nữ Catherine Siena đã có một cuộc đời phi thường với nhiều thành tích, như thể thánh nữ đã rảo bước đến cung thánh muôn đời của Thiên Chúa Ba Ngôi.1 Thánh nữ là tấm gương tuyệt vời về lòng yêu mến Giáo Hội và Giáo Hoàng Roma, đấng được thánh nữ xưng tụng là Chúa Kitô dịu hiền trên trần gian,2 và về lòng chính trực và can đảm, khiến nhiều người đương thời phải lắng nghe thánh nữ.
Vào thời kỳ ấy, một trong những thời kỳ rối ren nhất của lịch sử Giáo Hội, các Đức Giáo Hoàng đến ngụ tại thành Avignon ở miền Nam nước Pháp. Còn Roma, trung tâm Kitô Giáo, lại bị để hoang tàn. Chúa tỏ cho Catherine biết các Đức Giáo Hoàng cần phải trở về Roma để khởi sự công cuộc chấn hưng rất khẩn thiết và được mong đợi từ lâu cho đời sống Giáo Hội. Vì mục đích ấy, thánh nữ đã không mỏi mệt cầu nguyện, thực hành khổ chế, và viết rất nhiều thư từ cho Đức Giáo Hoàng, các hồng y, và các vị chức sắc trong Giáo Hội.
Thánh nữ Catherine luôn vâng phục và yêu mến Đức Giáo Hoàng Roma. Chị thánh viết: Hễ ai không tùng phục Chúa Kitô trên trần gian, đại diện Chúa Kitô trên trời, thì không được dự phần vào hiệu quả Máu thánh Con Thiên Chúa.3
Thánh nữ không ngừng hối thúc các hồng y, giám mục và linh mục trong công cuộc chấn hưng Giáo Hội và đời sống các tín hữu, thánh nữ không ngần ngại kêu gọi các ngài hãy nghiêm chỉnh trở về với nhiệm vụ. Thánh nữ lúc nào cũng khiêm tốn và tỏ lòng tôn kính chức phẩm của các giáo sĩ, bởi vì các ngài là những thừa tác viên Máu thánh Chúa Kitô.4 Thánh nữ chủ yếu viết thư cho các mục tử trong Giáo Hội, vì biết tinh thần đạo đức của đoàn chiên tùy thuộc rất nhiều vào sự sám hối và nếp sống gương mẫu của những vị này.
Hôm nay, chúng ta hãy xin thánh nữ Catherine ban cho chúng ta biết chia sẻ những niềm vui và những nỗi khổ của Mẹ Giáo Hội. Mỗi ngày, chúng ta hãy tự hỏi đã cầu nguyện cho các mục tử, đã quảng đại thực hành khổ chế, đã làm việc và chịu gian truân trong cuộc sống như thế nào để hy sinh trợ giúp Đức Giáo Hoàng trong trách nhiệm nặng nề Thiên Chúa đã trao phó cho ngài. Chúng ta hãy cầu xin thánh nữ cầu bầu, để ‘Chúa Kitô dịu hiền trên trần gian’ không bao giờ thiếu những người trợ tá đáng tin cậy.
Tôi nghĩ rằng lời bàn về sự trung thành bạn đã viết cho tôi rất phù hợp cho mọi giờ phút trong lịch sử. Tôi mang trong mình mọi ngày trong trái tim tôi, trong tâm trí tôi, trên môi miệng tôi, một khát vọng: Roma!5 Chỉ một tiếng Roma cũng đủ gợi lên sự hiện diện của Thiên Chúa, như biểu hiện về sự hợp nhất và lời cầu nguyện của chúng ta dành cho Đức Giáo Hoàng, và có lẽ còn giúp gia tăng lòng yêu mến của chúng ta đối với Giáo Hội.
32.2 Thánh nữ Catherine hiến dâng đời mình cho Giáo Hội.
Thánh nữ Catherine có một nữ tính rất rõ nét,6 nhưng đồng thời cũng biểu lộ một khát vọng và một năng lực phi thường, đặc trưng của những người nữ bản lãnh, đảm đương những công việc hy sinh lớn lao và kiên trì dưới chân thập giá Chúa Kitô. Thánh nữ không khoan nhượng trước bất cứ sự nhát đảm nào trong việc phụng sự Chúa Kitô. Ngài tin rằng đang khi phần rỗi các linh hồn bị lâm nguy thì không thể khoan nhượng một cách vô lý. Thái độ khoan nhượng cho sự lạnh nhạt như thế là hoàn toàn không thể chấp nhận, bởi vì thực sự đó là nhượng bộ thói ươn lười hoặc nhát đảm.
Thánh nữ luôn lạc quan, không bao giờ ngã lòng, mặc dù sau khi đã tận lực, sự việc hóa ra không được như ngài đã hy vọng. Suốt đời, thánh nữ lúc nào cũng giữ thái độ đoan trang và hiền dịu. Các môn đệ luôn nhớ về tư thái rạng rỡ và ánh nhìn khoáng đạt, thái độ tề chỉnh và lịch thiệp nơi con người của thánh nữ. Ngài rất yêu hoa và thường hát khi đi lại. Theo lời yêu cầu của người bạn, một nhân vật quan trọng kia đến phỏng vấn thánh nữ, ông tưởng sẽ gặp một phụ nữ khắc khổ, mắt nhìn xuống với thái độ khác đời, nhưng ông rất ngạc nhiên khi thấy trước mặt mình một thiếu nữ niềm nở với một nụ cười vui tươi, như thể chào đón một người anh trở về từ phương xa.
Một năm sau sau khi trở về Roma vào năm 1377, Đức Thánh Cha đã từ trần. Cuộc bầu Giáo Hoàng kế vị đánh dấu một thời kỳ rối ren trong lịch sử Giáo Hội, đó là cuộc đại ly giáo Tây Phương, một cơn khủng hoảng gây chia rẽ và đau đớn cho Giáo Hội. Thánh nữ Catherine đã tiếp xúc và viết thư cho các hồng y, giám mục và vương công, nhưng đều vô ích. Hoàn toàn kiệt sức và đau đớn, cuối cùng thánh nữ đã hiến dâng mạng sống lên Thiên Chúa như một của lễ để cầu nguyện cho Giáo Hội. Vào một ngày tháng Giêng năm 1380, khi đang cầu nguyện trước mộ thánh Phêrô, thánh nữ cảm thấy trên vai gánh nặng kinh khủng của Giáo Hội. Cơn hấp hối của thánh nữ kéo dài vài tháng. Vào ngày 29 tháng Tư năm ấy, lúc giữa trưa, Thiên Chúa đã gọi Catherine về hưởng vinh quang. Trên giường hấp hối, thánh nữ đã dâng lên lời nguyện cảm động: Ôi Thiên Chúa hằng hữu, xin đón nhận hiến lễ cuộc sống của con vì Nhiệm Thể Hội Thánh. Con không có gì để dâng lên, ngoài những gì Chúa đã ban cho con.7 Vài ngày trước đó, thánh nữ đã thưa với cha giải tội: Con bảo đảm với cha, nếu con chết, nguyên nhân duy nhất cái chết của con là nhiệt tâm và lòng yêu mến Giáo Hội đã thiêu đốt và làm con tiêu tan. Chúng ta hãy cầu xin thánh nữ ban cho chúng ta một lòng mến bừng cháy đối với Mẹ Giáo Hội, đó là điều không thể tách rời lòng mến yêu Chúa Kitô.
Thời buổi hôm nay của chúng ta cũng đầy thử thách và u buồn đối với Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúng ta hãy không ngừng nài nỉ kêu van (cf Is 58:1), xin Chúa rút ngắn những ngày này và thương đến Giáo Hội, một lần nữa hãy ban ánh sáng siêu nhiên cho linh hồn các chủ chăn và tất cả các tín hữu. Chúng ta hãy dâng lên nhiều hành vi nhỏ bé hằng ngày vì lợi ích cho Nhiệm Thể Chúa Kitô. Thiên Chúa chắc chắn sẽ chúc lành cho chúng ta về điều ấy, và Đức Mẹ, Mẹ Giáo Hội - Mater Ecclesiae - sẽ trào đổ những ân sủng trên chúng ta.
32.3 Chiếu giãi ánh sáng chân lý.
Tấm gương thánh nữ Catherine dạy chúng ta hãy thẳng thắn và can đảm lên tiếng mỗi khi vấn đề ảnh hưởng đến Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng, và lợi ích các linh hồn đang lâm nguy. Chúng ta có trách vụ phải bảo vệ chân lý. Ở điểm này, chúng ta có thể học được rất nhiều từ thánh nữ Catherine: ngài không bao giờ nhượng bộ trong những điều căn bản, bởi vì ngài đặt trót niềm tin nơi Chúa.
Trong bài đọc Một hôm nay, thánh Gioan Tông Đồ đã nói: Đây là sứ điệp chúng tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa và loan báo với anh em, rằng Thiên Chúa là ánh sáng, và nơi Người không có sự tối tăm.9 Nguồn mạch, nơi các tín hữu tiên khởi, các thánh nhân mọi thời đại đã tìm được sức mạnh đó là: điều các ngài loan báo không phải là học thuyết do nhân loại tạo ra, nhưng chính là sứ điệp của Chúa Kitô, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sức mạnh của chân lý vượt trên những thay đổi chóng qua của lịch sử nhân loại. Chúng ta phải học cho biết trình bày những điều thuộc về Thiên Chúa mỗi ngày một tự nhiên và mạnh mẽ hơn, nhưng đồng thời phải có niềm xác tín trong tâm hồn. Các Đức Giáo Hoàng đã tố cáo mưu đồ dùng các phương tiện truyền thông để giải thích sai lạc về chân lý, phớt lờ những đau khổ vì đức tin hoặc những công việc tốt lành của các tín hữu Công Giáo. Trước tình huống này, mỗi người - trong địa vị xã hội của mình - hãy hành động như một chiếc loa truyền rao chân lý. Các Đức Giáo Hoàng đã mô tả việc coi thường sự cống hiến của các tín hữu Công Giáo trong các lãnh vực văn chương, khoa học, đời sống tôn giáo và xã hội tại các quốc gia như một âm mưu đen tối.10 Thông thường, một điều tốt có liên hệ đến Công Giáo là đủ để nó không được các phương tiện truyền thông đề cập đến.
Tất cả chúng ta đều có vai trò quan trọng trong công cuộc tông đồ. Nhiều khi phạm vi ảnh hưởng của chúng ta chỉ là những người láng giềng hoặc những bạn hữu. Chúng ta đến thăm viếng họ hoặc họ đến viếng thăm chúng ta. Chúng ta có thể viết thư, trình bày một vấn đề giáo lý cho tổng biên tập một tờ báo, hoặc điện thoại cho một chương trình phát sóng để nói lên phản ứng của chúng ta đối với đề tài gây tranh luận của họ. Chúng ta cũng có cơ hội để trả lời một cách xây dựng cho những câu hỏi trong cuộc thăm dò, hoặc giới thiệu một quyển sách tốt cho một ai đó. Chúng ta phải vượt qua cám dỗ chỉ muốn buông xuôi, vì nghĩ rằng chúng ta chẳng làm được gì. Như lượng nước trong một dòng sông là do các phụ lưu, những dòng suối nhỏ, những giọt nước góp nên, chúng ta đừng bao giờ bỏ phí cơ hội để đóng góp cho dòng sông chân lý. Đó là cách thế các tín hữu tiên khởi đã rao truyền sứ điệp Phúc Âm.
Chúng ta hãy nài xin thánh nữ Catherine cho chúng ta được chia sẻ phần nào lòng yêu mến của ngài đối với Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng Roma, và cả ước vọng nóng bỏng muốn truyền bá giáo lý của Chúa Giêsu khắp nơi, đồng thời, luôn cố gắng nhìn ra khía cạnh tích cực của mọi vấn đề, không bỏ phí một cơ hội nào. Chúng ta hãy nài xin Đức Mẹ bằng những lời của chính thánh nữ Catherine: Ôi Maria, con đến van nài, xin Mẹ dâng lời khẩn nài của con cho Hiền Thê dịu hiền của Chúa Kitô và cho vị Đại Diện trên trần gian của Người. Ước chi ngài luôn luôn được ánh sáng để cai trị Giáo Hội một cách khôn ngoan sáng suốt.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...