30/12/2020
1200

Cánh Cò Trong Câu Hát Mẹ Ru

Tôi rất thích bài Lòng Mẹ củ Y Vân. Ngay câu đầu bài hát đã cho tôi một cảm giác thật nồng nàn củ tình mẹ. "Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào". Giai điệu mượt mà làm cho tâm hồn chúng ta càng thấm thía hơn về tình cảm sâu nặng mà mẹ dành cho con, thật bao la, vĩ đại! Mẹ chưa từng giữ lại gì cho mình, cả đời mẹ hi sinh cho con, mẹ cho con cả tuổi xuân, sắc đẹp, và quan trọng nhất đó là tình yêu thương vô bờ bến. 
Tình mẹ đơn thuần thanh khiết ấy được thơ ca Việt Nam diễn tả qua hình ảnh Con Cò khẳng khiu, dầm mưa dãi nắng để kiếm miếng ăn cho đàn con.
Cánh cò trong lời ru của mẹ khi ta còn trên nôi là ẩn dụ cho tấm lòng của người mẹ thương con, mẹ theo sát cuộc đời con tựa những cánh cò trắng tự do, cánh cò đó chở theo tấm lòng của mẹ đến bên con.
Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lờ mẹ ru
Có cánh cò đang bay
Con cò bay la 
Con cò bay lả
Con cò cổng phủ
Con cò đồng đăng
Tình thương của mẹ qua hình ảnh con cò đơn thân lặn lội ăn đêm, dẫu vấp phải những cạm bẫy của dòng đời, thì cò mẹ vẫn cam lòng chịu thiệt miễn sao cò con được bình an hạnh phúc.
Cò một mình, có phải kiếm lấy ăn
Con cò mẹ, con chơi rồi lại ngủ
Con cò xa tổ
Cò gặp cành mềm
Cò sợ xáo măng
Ngủ đi con cò ơi, chớ sợ
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng
Con chưa biết con cò, con vạc
Con chưa biết cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân.
 rồi dần theo năm tháng,  con khôn lớn, cò con nuôi mộng phiêu bạt khắp chân trời, con rời xa khỏi vòng tay mẹ.
"Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con"
Dẫu biết cho đến ngày con đi khắp phương trời, lên rừng xuống bể còn rất xa, thế nhưng người mẹ vẫn âu yếm dặn với con rằng dù đi đến bất kể đâu, mẹ vẫn một lòng sánh bước che chở cho con như thuở còn thơ bé bởi: "Con dù lớn vẫn là con của mẹĐi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con".
Thế nhưng, cuộc đời luôn hợp rồi tan. Kiếp người luôn đong đầy nước mắt của chia ly. Cho dù mẹ có yêu ta đi mấy chăng nữa, cũng sẽ có ngày mẹ bỏ lại chúng ta để đi tìm một cõi riêng. Sẽ có ngày chúng ta sẽ không còn vui sướng khi gọi hai tiếng mẹ ơi, mà là tiếng nấc nghẹn từng lời hai tiếng mẹ ơi. 
Chúng ta ngậm ngùi tiễn đưa các mẹ về trời:
'Gió đưa cây cải về trời ...'
Rau răm theo bước con thời một thân! 
Ngày đầu năm mới, Giáo hội tôn vinh một người Mẹ. Một người Mẹ đã cho Con Thiên Chúa tắm gội trong biển bao la tình mẹ. Một người Mẹ đã đi hết cuộc đời dương gian với biết bao nỗi đau của cuộc đời bể dâu đầy đắng cay thị phi. Mẹ đã chịu biết bao khổ đau khi phải sinh con trong cảnh cơ hàn. Mẹ đã phải bồng ẵm con rời bỏ quê hương chạy trốn sự truy sát của bạo chúa Hê-rô-đê. Mẹ đã dốc hết tình mẹ để che chở, bảo vệ Con Thiên Chúa làm người. Mẹ còn được vinh dự hiệp thông với con yêu quý của Mẹ cứu độ trần gian trong hiến tế đồi Calve.
Chính trong hiến tế đồi Calve, Mẹ Maria đã sinh ra nhân loại chúng ta. Hay đúng hơn Mẹ Maria đã đón nhận sự ủy thác của Chúa Giê-su để trờ thành Mẹ nhân loại, khi Chúa trao gởi Gioan cho Mẹ: “Thưa bà, đây là con bà”. Gioan đã đại diện cho cả nhân loại đón Mẹ về nhà mình. Từ nay từng mái nhà đều có Mẹ Maria hiện diện, đều có Mẹ Maria đồng hành nâng đỡ, ch che. Từ nay Mẹ Maria mãi mãi là mẹ của chúng sinh để tiếp tục thi thố tình thương của một người mẹ cho nhân loại chúng ta.
Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa nên Mẹ đã được đưa cả hồn và xác lên trời lên Mẹ không đi qua cái chết như bao bà mẹ trần thết. Mẹ vẫn hằng hiện diện giữa thế gian. Mẹ vẫn bao bọc chở che con cái Mẹ. Và Mẹ còn là Sao Mai dẫn lối nhân loại tiến về trời cao.
Đó là lý do mà trong suốt dọc dài lịch sử nhân loại luôn có bàn tay của Mẹ xoa dịu nỗi đau cho nhân loại, hay có khi cứu vớt nhân loại khỏi lầm than. Mẹ đã hiện ra ở nơi này nơi kia như nói lên tình Mẹ vẫn đong đầy với nhân loại chúng ta. Mẹ không thể ở xa khi thấy con Mẹ đang quẳn quại trong nỗi đau. Mẹ sẽ chẳng làm ngơ khi con cái Mẹ chìm đắm trong bể khổ trần gian. Mẹ sẽ làm điều gì đó để thể hiện tình từ mẫu mà Mẹ mãi mãi dành cho nhân loại chúng ta.
Với niềm vui mừng trong ngày đầu năm mới, chúng ta hãy dành cho Mẹ lời cám ơn chân thành vì biết bao ơn lành mà Mẹ đã chuyển cầu cho chúng ta. Cám ơn Mẹ đã nhận chúng ta làm con của Mẹ. Cám ơn Mẹ đã lấy tình mẫu tử để che chở, gìn gìữ cuộc đời chúng ta. Chúng ta cũng dâng lên Mẹ một năm mới với bao ước nguyện chân thành. Mong ước cho được bình an. Mong cho dịch bệnh Covid sớm kết thúc. Mong ước cho công việc được thuận buồm xuôi gió, cho gia đạo trên dước thuận hòa. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa chúc lành cho những ước nguyện đầu năm của chúng ta.Amen
LM.Jos Tạ Duy Tuyền
LẮNG NGHE VÀ THỰC THI LỜI CHÚA NHƯ MẸ
          Chúa có một người Mẹ thật tuyệt vời. Một người Mẹ cho Chúa dòng sữa, cho Chúa tình thương. Một người Mẹ đã nói lời xin vâng bằng cả cuộc đời dấn thân cho chương trình Thiên Chúa Cha được nên trọn. Một người Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa Cha và được mọi ân huệ lớn lao đến nỗi là người có phúc hơn mọi người nữ.
          Người Mẹ đó Chúa đã tặng ban cho nhân loại chúng con. Qua Môn đệ Gioan, Mẹ Maria đã nhận chúng con là con cái của mẹ. Mẹ đã đi vào trong từng cuộc đời chúng con. Mẹ vẫn đang đồng hành để chia sẻ buồn vui trong kiếp người chúng con. Chúng con xin cám ơn Chúa đã ban Mẹ Maria cho chúng con. Xin cho chúng con luôn chạy đến cùng Mẹ, luôn nương nhờ ơn phước của Mẹ, để nhờ Mẹ chúng con được đón nhận ơn lành của Chúa.
          Sau khi được sứ Thần Thiên Chúa loan báo về thân thế của Hài Nhi Giêsu và dấu chỉ cho biết người là Đấng Cứu Thế đã sinh ra trong thành vua Đavít, các mục đồng hối hả chạy đến hang đá và họ đã chính mắt thấy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, y như lời Thiên Thần đã báo trước. Điều nầy cho thấy, Đức Giêsu đã được sinh ra từ lòng mẹ là Đức Maria như mọi bà mẹ khác và Đức Maria chính là Mẹ Thiên Chúa, vì Hài Nhi Giêsu là Thiên Chúa (2, 11).
          Khi tuyên xưng Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta khẳng định niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta, Ngài thật sự là Con Thiên Chúa nhưng cũng thật sự là Con của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a trong biến cố Nhập Thể. Lễ kính trọng thể “Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa” có gốc tích rất lâu đời và được phổ biến trên khắp thế giới.
          Trong lịch canh tân Phụng Vụ, lễ kính trọng thể Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa này được cử hành vào ngày mồng 1 tháng giêng, trùng với ngày bát nhật Giáng Sinh, ngày kính nhớ việc cắt bì và đặt tên cho Chúa Giê-su, nhưng cũng trùng với ngày Tân Niên, ngày đầu năm mới cầu cho hòa bình thế giới. Đức Phao-lô VI viết: “Ngày lễ trọng ấy này được đặt vào mồng một tháng giêng theo như tập tục xa xưa của Phụng Vụ Rô-ma. Lễ này được dành riêng ca tụng việc Đức Ma-ri-a góp phần vào mầu nhiệm cứu độ và tán dương tước vị cao quý đặc biệt do phần đóng góp ấy đem lại cho Người Mẹ rất thánh, Đấng có công giúp chúng ta đón tiếp Tác Giả của sự sống”
          Cùng với Giáo Hội, hôm nay chúng ta mừng kính đặc ân cao trọng nhất trong 4 đặc ân Đức Mẹ đã lãnh nhận : Mẹ Thiên Chúa. Những tưởng rằng trong ngày đại lễ này Giáo Hội sẽ cho chúng ta nghe những bài Tin Mừng nói về vai trò quan trọng của Đức Mẹ trong cuộc đời Chúa Giêsu, nhất là những khi Ngài làm phép lạ với đầy uy quyền (hóa bánh ra nhiều, chữa lành mọi thứ bệnh tật, tại tiệc cưới Cana …)hoặc khi Chúa phục sinh vinh quang …vv…vì Con đầy quyền năng thì Mẹ cũng được vinh dự. Thế nhưng Giáo Hội lại cho chúng ta chiêm ngắm Mẹ nơi hang đá máng cỏ, một nơi chẳng có gì là hoành tráng và danh dự, một nơi có vẻ như không xứng hợp với tước vị Mẹ Thiên Chúa của Ngài?! Rồi trong chính trình thuật này, Thánh Luca cũng không cho thấy Mẹ nói một lời nào, chỉ nhìn, lắng nghe và suy niệm trong lòng……
          Với lời xin vâng, ta thấy Mẹ tin tưởng vào Thiên Chúa: Việc này Mẹ đã làm ngay từ khi thụ thai Con Thiên Chúa, chính Bà Isave đã khen ngợi Mẹ về điều đó “ Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em” (Lc 1,45). Đường lối và cách hành động Của Thiên Chúa thật khó hiểu không phài vì phi lý hoặc vô lý, nhưng vì đường lối và cách thức hành động ấy không nằm trong khung suy tư của con người. Thiên Chúa có lý của Ngài. Con người chỉ có thể nhận ra cái lý của Thiên Chúa với lòng tin, với đức mến và sự cậy trông.
          Trong khiêm nhường thẳm sâu, Mẹ đã hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Mẹ cũng khám phá ra rằng : Khi Thiên Chúa muốn thì không gì có thể cưỡng lại được, Ngài sẽ thực hiện mọi sự theo ý muốn của Ngài.
          Mẹ vâng phục thánh ý Thiên Chúa: Mẹ không chỉ vâng phục thánh ý Thiên Chúa trên bình diện lý trí bằng sự tin tưởng và phó thác, mà trên bình diện thực tiễn, Mẹ đã tuân theo và thực hiện thánh ý đó trong cuộc sống, Mẹ chấp nhận những gian nan thử thách Chúa đang gửi đến trong âm thầm nhẫn chịu. Sự vâng phục đó không chỉ nhất thời, bây giờ và lúc này, nhưng trải dài trong suốt cuộc đời của Mẹ, khi bôn ba đây đó trong công cuộc truyền giáo, khi chia sẻ thân phận “không chỗ gối đầu” với người Con thân yêu của mình.
          Và cao điểm nhất, khi Mẹ đứng dưới chân thập giá, khi phải tận mắt chứng kiến cái chết đau thương và hy sinh chính mạng sống của Con mình, chúng ta mới thấy được tuyệt đỉnh của sự vâng phục: Mẹ đã kết hợp sự vâng phục của Mẹ với sự vâng phục của Con. Có thể nói : nếu chúng ta dùng hình ảnh toán học để so sánh thì trong gia đình Thánh Gia, mẫu số chung của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse là sự vâng phục Thiên Ý, còn tử số là sự vâng phục theo cách riêng của mỗi người: Chúa Giêsu thực hiện bằng cái chết, Mẹ Maria thực hiện trong âm thầm chấp nhận còn Thánh Giuse thực hiện bằng thi hành ngay khi thánh ý ban ra.
          Đức Maria là người đã lắng nghe và thực hiện Lời Chúa.
          Hẳn ta còn nhớ, một hôm, trước những lời giáo huấn sâu sắc, mới mẻ, đầy tình yêu thương, thông cảm, tha thứ của Chúa Giêsu, một người phụ nữ đã lớn tiếng ca tụng Người Mẹ đã cưu mang và đã cho ngài bú. Nghe những lời đó, Chúa Giêsu mời người phụ nữ và những người chung quanh đi xa hơn nữa trong cái nhận định tốt đẹp đó. Đối với Chúa Giêsu, điều đáng trân trọng và quý giá, chính là niềm tin, lòng yêu mến và phó thác được thể hiện qua việc lắng nghe và thực hiện Lời Chúa.
          Một lần khác, khi Chúa Giêsu đang giảng dạy, rất đông dân chúng bu quanh, thì có người báo cho biết là, có Mẹ và anh em ngài muốn gặp ngài. Nhân dịp này, Chúa Giêsu cũng khẳng định : những ai lắng nghe và thực hiện thánh ý Thiên Chúa là Mẹ và là anh em của ngài.
          Lắng nghe Lời Chúa và thực thi thánh ý Chúa. Đó chính là cái cốt lõi cuộc sống, ơn gọi và hạnh phúc của con người. Đức Maria là người đầu tiên đã sống như thế. Và, Đức Maria xứng đáng được xưng tụng là Mẹ Thiên Chúa.
          Nếu chúng ta noi gương Mẹ, nếu chúng ta gìn giữ và suy đi nghĩ lại trong lòng mình điều gì mà Chúa Giêsu nói với chúng ta và điều gì Ngài làm trong chúng ta, chúng ta thật sự bước trên đường thánh thiện Kitô giáo và chúng ta sẽ không bao giờ thiếu đạo lý của Ngài và ân sủng của Ngài. Cũng vậy, bằng việc chiêm niệm theo cách thức này giáo huấn Chúa Giêsu đã cho chúng ta, chúng ta sẽ đạt được một sự hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm của Ngài. Có như vậy, ta sẽ thực sự trở thành con của Mẹ cách trọn hảo hơn.

 
https://www.youtube.com/watch?v=O6IxTsrGfYM
 
 

 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...