26/12/2020
1863
LỄ THÁNH GIA 2020: GIA ĐÌNH LÀ MÁI ẤM YÊU THƯƠNG
Đời sống kinh tế của các gia đình một khi khá lên, người ta thường nghĩ ngay đến việc xây nhà. Việc xây nhà đối với người Việt Nam là hết sức quan trọng, nó được xếp vào vị trí thứ hai sau việc lập gia đình. Ngày xưa, khi mới ra ở riêng, các cặp vợ chồng chỉ ước mơ một căn nhà nho nhỏ, ấm cúng, làm không gian riêng cho hai vợ chồng là đủ. Nhưng khi làm ăn khấm khá, thì căn nhà thường tỉ lệ thuận với mức độ thu nhập hoặc là tỉ lệ với mối quan hệ của gia đình. Tuy nhiên trong thực tế, có nhiều căn nhà to, đẹp nhưng lại thiếu niềm vui, tiếng cười trong gia đình. Căn nhà to, nhưng mỗi người lại cảm thấy thật trống vắng, lạnh lẽo, cô đơn trong căn phòng riêng của mình. Nhiều người nay chỉ lo xây nhà mà không quan tâm đến việc vun đắp cho gia đình. Họ lẫn lộn giữa căn nhà và gia đình (house-home). Vì thế, nhiều người đã chỉ chú tâm vào căn nhà mà bỏ rơi gia đình.
Căn nhà chỉ là nơi che nắng che mưa. Còn gia đình là nơi mà mỗi thành viên không chỉ có liên hệ huyết thống với nhau, mà mỗi người còn cảm nhận được tình yêu thương, sự tha thứ, cảm thông và đón nhận từ nơi các thành viên khác; có một sợi dây vô hình thiêng liêng nối kết cha mẹ và con cái với nhau.
Hôm nay, ngày lễ Thánh Gia của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm đời sống của gia đình thánh này để mỗi người cũng biết học hỏi và xây dựng gia đình mình theo mẫu gương gia đình Nazareth này.
Gia đình của Giuse và Maria là một gia đình giống như tất cả các gia đình khác. Hai ông bà không xây nhà, nhưng họ đã xây dựng được một mái ấm gia đình thực sự và đã làm cho gia đình mình trở nên gia đình thánh. Đôi vợ chồng trẻ này ngày từ những ngày đầu sau khi đính hôn đã gặp thử thách, đó là việc Maria có thai mà Giuse không phải là tác giả. Điều này không dễ dàng để một người chồng chấp nhận. Tuy nhiên, trong trường hợp của Giuse, anh đã có cách cư xử hoàn toàn khác. Giuse đã không nóng vội khi biết sự việc, không gây áp lực, cũng không làm toáng lên để làm nhục người bạn mình. Giuse đã hết mực tôn trọng và yêu thương Maria. Vì thế, chàng đã tìm cách rút lui âm thầm thay vì tố cáo. Toan tính rút lui của Giuse không phải là sự trốn tránh cho bằng Giuse tôn trọng và hoàn toàn tin tưởng vào sự nết na đạo hạnh của Maria và để cho Chúa định liệu. Thiên Chúa đã muốn Giuse vượt qua cảm xúc và cách ứng xử tự nhiên để thuận theo chương trình của Chúa. Trong một giấc chiêm bao, Giuse đã nhận ra ý Chúa và ngay lập tức ông đã tuân theo và đón nhận Maria về nhà mình. Để có thể nhận ra được ý Chúa qua giấc mộng như vậy, chắc chắn Giuse đã phải là một một người đạo đức có tâm hồn nhạy bén trước những dấu chỉ của Chúa.
Cái nghèo và cái eo luôn đeo bám gia đình của Giuse và Maria. Tin Mừng cho thấy, cuộc sống gia đình của họ tuy nghèo nhưng thật ấm cúng. Giuse chăm chỉ với công việc và tay nghề của mình, Maria lo việc nội trợ trong gia đình. Lệnh điều tra dân số quả là một thử thách cho đôi vộ chồng mới cưới này. Một hành trình dài từ bắc xuống nam không chỉ vất vả cho người người phụ nữ bụng mang dạ chửa, những chi phí dọc đường, nơi ăn chốn ở trong suốt hành trình quả là thử thách. Tuy nhiên, hai vợ chồng Giuse và Maria vẫn luôn bên nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn. Họ không một lời than thân trách phận hoặc oán trách Thiên Chúa, nhưng đón nhận tất cả với niềm tin tương và phó thác cho Chúa. Về đến quê hương Belem không nhà cửa, hai vợ chồng phải tá túc trong một hang súc vật và Maria đã sinh con trong cảnh khó nghèo ấy. Hai vợ chồng trẻ vẫn bên nhau, sưởi ấm cho nhau bằng niềm tin vào Thiên Chúa và bằng tình yêu thương họ dành cho nhau.
Mặc dù nghèo khó, thiếu thốn nhà cửa, tiền bạc vật chất, nhưng Giuse và Maria không để cho cái nghèo làm cho mình lười biếng và không để cho những khó khăn làm mình xa Chúa. Gia đình của đôi vợ chồng Giuse lúc này có có lẽ chưa có được một căn nhà của riêng mình, nhưng gia đình họ lại đầy ắp niềm vui, tiếng cười, hạnh phúc và nhất là gia đình các ngài đầy ắp lòng đạo đức vì có sự hiện diện của Chúa. Mặc dù Giuse biết rất rõ Hài Nhi mới sinh không phải là con mình, nhưng Giuse đã đón nhận Hài Nhi trong đức tin và với tình phụ tử thiêng liêng, để hết mình yêu thương, chăm sóc cho Hài Nhi Giêsu như chăm lo cho con ruột mình. Ông đón nhận Hài Nhi như chính Thiên Chúa của mình.
Sau bốn mươi ngày sinh nở, Giuse và Maria đã đem Hài Nhi lên đền thờ để hiến dâng con của mình cho Thiên Chúa và thực hành việc dâng của lễ thanh tẩy cho Maria theo như luật định. Việc làm này một lần nữa cho thấy, cho dù hoàn cảnh của hai vợ chồng vẫn còn rất nhiều khó khăn: không nhà, không tiền, không người thân, nhưng hai ông bà vẫn đặt lề luật của Thiên Chúa làm ưu tiên và cố gắng để chu toàn lệnh Chúa truyền. Thay vì dâng cho Chúa những của lễ như chiên bò, gia đình Giuse Maria chỉ đủ tiền để dâng một của lễ tượng trưng đó là một cặp bồ câu non. Qua việc làm này cho thấy Chúa không cần của lễ, nhưng Chúa cần tấm lòng của chúng ta dành cho Chúa.
Tin Mừng còn cho thấy, mặc dù gia đình Giuse Maria không phải là gia đình khá giả, hai ông bà cũng phải chật vật với cuộc sống. Tuy nhiên, Giuse và Maria vẫn dành ưu tiên cho việc thờ phượng Chúa, tập cho trẻ Giêsu có thói quen đến hội đường hàng tuần và lên đền thờ hành hương hằng năm theo quy định. Chính đời sống đạo đức, siêng năng này đã tạo nên niềm vui và hạnh phúc cho gia đình Thánh Gia và tạo nên nếp sống đạo cho trẻ Giêsu ngay từ thuở thơ ấu. Tin Mừng thánh Matthew đã thuật lại việc gia đình lên Giêsrusalem và còn nhấn mạnh “hàng năm cha mẹ Đức Giêsu có thói quen trẩy hội lên đền thờ” như thế. Còn thánh Luca khi thuật lại việc Đức Giêsu vào giảng dạy trong các hội đường đã nhấn mạnh: Ngài vào hội đường như thói quen thường làm. Điều đó cho thấy thói quen đạo đức là thói quen phải được thực hành thường xuyên và cha mẹ là những người tạo nên thói quen đạo đức đó.
Thưa các bạn, một gia đình trở nên một mái ấm yêu thương, không có nghĩa là gia đình đó phải giàu có, cũng không có nghĩa là gia đình đó không gặp khó khăn thử thách, nhưng là gia đình dù nghèo khó những vẫn ngập tràn niềm vui, tình yêu thương và nhất là luôn có Chúa hiện diện. Gia đình là một mái ấm, cho dù khó khăn thử thách vẫn yêu thương nhau, cho dù thất bại cũng không thất vọng nhưng luôn tin tưởng vào Chúa và không xao nhãng bổn phận đối với Chúa.
Như đã gợi ý ở trên, ngày nay nhiều người trong chúng ta nhầm lẫn việc xây nhà với việc xây dựng gia đình. Việc xây nhà, mua sắm, làm ăn, là để phục vụ cho các thành viên trong gia đình có một cuộc sống thoải mái hơn là điều tốt. Tuy nhiên, nhiều người đã đi trật đường, họ tìm kiếm của cải, lao vào công việc chỉ để cho có thật nhiều tiền, nhiều tài sản mà quên sự hiện diện của vợ chồng, con cái trong gia đình. Nhiều gia đình có ngôi nhà đẹp, có nhiều của cải, sang trọng, nhưng lạnh lẽo, trống vắng vì thiếu hơi ấm tình yêu, thiếu tiếng cười hạnh phúc. Nhiều người khác bị say mê cuốn hút vào công việc và các quan hệ làm ăn, sáng đi tối về, đến độ bỏ quên người thân trong gia đình, thì cho dù có sống trong ngôi nhà sang trọng, cũng không khác gì là phòng trọ mà thôi.
Giáo Hội đang mời gọi chúng ta xây dựng và biến gia đình mình trở thành mái ấm của lòng thương xót. Muốn được như thế, chúng ta nhìn vào tấm gương gia đình của thánh Giuse và Mẹ Maria, dù lúc vui lúc buồn, dù những lúc khó khăn thư thách xảy đến, luôn để Chúa hiện diện trong gia đình. Những người chồng noi gương thánh Giuse khi gặp thử thách, trước tiên tìm đến Chúa qua lời cầu nguyện, tin tưởng và tôn trọng nhau, cùng nhau lắng nghe và nhận ra ý Chúa qua các biến cố xảy ra và sẵn sàng làm theo sự soi sáng của Chúa. Các bà mẹ noi gương Đức Maria, thay cho những kêu than, oán trách bằng việc đón nhận tất cả những sự việc xảy ra và suy gẫm trong lòng, để nhận ra sự hướng dẫn của Chúa. Các người con được mời gọi noi gương trẻ Giêsu, sống yêu mến vâng lời và thảo hiếu với cha mẹ, mỗi ngày thêm tuổi thêm khôn ngoan và đạo đức.
Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng thanh bình, yên hàn, nhưng sẽ có nhiều lúc sóng gió khó khăn xảy đến. Càng những lúc như thế, chúng ta lấy tình yêu thương của Chúa để cư xử với nhau; dùng tình yêu thương, lòng nhân từ, sự quảng đại để cảm thông; thay vì lớn tiếng, vung tay nóng giận, thì hãy cùng cầm lấy tay nhau để dìu nhau vượt qua sóng gió và nói với nhau những lời tích cực, động viên nhau.
Xin Chúa thương gìn giữ các gia đình và giúp các gia đình trở nên những tổ ấm yêu thương và ngập tràn lòng xót thương của Chúa. Amen.
Lm.GIuse Đỗ Dức Trí

Lễ Thánh Gia Thất Năm B
 
Suy Niệm   GƯƠNG THÁNH GIA THẤT
MẪU GƯƠNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC
Lm. Gioakim Phan Công Chính
Kính thưa cộng đoàn,
Hôm nay, mừng lễ Thánh Gia thất là dịp mà chúng ta hướng về gia đình, nơi đó chính là tổ ấm tràn đầy yêu thương của mỗi chúng ta, từ đó chúng ta được sinh ra, lớn khôn và trưởng thành… chúng ta hằng mong muốn cho gia đình được luôn an vui đầm ấm để dù có lớn khôn, có đi khắp bốn phương trời, chúng ta vẫn hướng về gia đình như tổ ấm yêu thương. Nhưng thật đáng tiếc, không phải gia đình nào cũng hạnh phúc, không phải gia đình mình lúc nào cũng hạnh phúc như mong muốn.
Giờ đây, nhìn lên gia đình Thánh, mẫu gương của mọi gia đình hạnh phúc, chúng ta cùng nhau dừng lại để tìm hiểu để noi gương bắt chước và rút ra bài học cho gia đình chúng ta.
Nhìn vào từng mẫu gương của gia đình Thánh, chúng ta thấy gì?
Trước hết là Chúa Giêsu- người con luôn thực hiện ý Chúa Cha
Mẫu gương của người con ngoan hiền: luôn vâng lời và thực hành ý muốn của Cha, luôn hiếu thảo và vâng phục cha mẹ trần gian của mình
Từ thuở thơ ấu, ngay cả khi chưa nói được, Chúa Giêsu đã hoàn tất các lời Thánh Kinh. Hôm nay Ngài thực hiện lời hứa đã được ban cho Đaniel, Malaki và nhiều tiên tri khác. Hôm nay trong con người hài nhi Giêsu, chính Thiên Chúa trở lại cung thánh đã bị bỏ phế của Ngài. Dù tội của Israel có thế nào chăng nữa, Thiên Chúa vẫn trung thành với lời mình đã hứa. Sự bất trung của Israel chỉ làm trì hoãn việc thực hiện các lời hứa ấy chứ không thể huỷ bỏ chúng được.
Trong cuộc đời chúng ta cũng thế. Ngày chúng ta được rửa tội, Thiên Chúa đã nhận chúng ta làm nghĩa tử. Mặc dù chúng ta có lắm bất trung, Ngài vẫn không khi nào ruồng rẫy. Mặc dù chúng ta có xua đuổi Ngài ra khỏi cung lòng chúng ta, Ngài vẫn tìm mọi cách giúp đỡ chúng ta ăn năn sám hối. Hôm nay, chúng ta hãy mở rộng cung thánh tâm hồn chúng ta cho Ngài, hãy mời Ngài đến ở mãi trong cuộc đời chúng ta, để rồi chúng ta sẽ trở nên ánh sáng chiếu soi cho những người chúng ta gặp gỡ trên vạn nẻo đường đời.
Tiếp đến là Maria và Giuse- Đón nhận và thi hành lề luật Chúa
Các Ngài đã chu toàn mọi lề luật. Các Ngài vâng phục : thi hành thói quen đạo đức là trình dâng con trai đầu lòng tại đền thánh. Các Ngài đã tuân phục với tình yêu chứ không vì sợ hãi. Riêng Mẹ Maria là thụ tạo tinh tuyền nhất của nhân loại, đã khiêm tốn chấp hành nghi thức thanh tẩy. Phần chúng ta là những kẻ bị tội lỗi làm cho trở nên xấu xa, chúng ta hãy khiêm tốn lãnh nhận bí tích Cáo giải để tâm hồn được thanh tẩy.
Sau khi nghe ông già Simêon nói về hài nhi Giêsu, hai ông bà đã ngạc nhiên. Sở dĩ như vậy vì các ngài chưa hoàn toàn thấu triệt mầu nhiệm sâu xa che phủ trên Con mình. Dù được sống thân mật với Chúa Giêsu, các ngài vẫn phải tiến tới trong đức tin. Nhưng đức tin các ngài luôn được đào sâu, vì các ngài suy gẫm trong lòng. Đối với chúng ta, cũng chẳng có gì lạ, nếu chúng ta không hiểu hết được những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Dù qua hai mươi thế kỷ, Giáo Hội vẫn luôn tiếp tục đào sâu mầu nhiệm Đức Kitô. Nơi Đức Kitô, đức tin của chúng ta cũng phải triển nở và lớn lên trong sức mạnh và ơn sủng. Đức tin của chúng ta chính là sự tăng trưởng liên tục của Đức Kitô trong tâm hồn chúng ta.
Sau hết là ông Simêon và bà Anna luôn sống theo ơn Thánh Thần
Chúa Thánh Thần đã ở trên ông Simêon, mạc khải cho ông biết được thấy Đấng Messia trước khi qua đời, thúc đẩy ông vào đền thờ chờ đón Hài Nhi Giêsu đến. Đối với chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể sống dưới sự hoạt động của Chúa Thánh Thần cách thường xuyên, nếu chúng ta ở trong ơn nghĩa và biết chăm chỉ tuân theo những thúc đẩy bên trong của Ngài. Chúa Thánh Thần cũng có thể trở nên trong chúng ta một nguồn ánh sáng giúp chúng ta hiểu rõ hơn đức tin và bổn phận của chúng ta. Ngài đem đến một nguồn sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta can đảm sống đời sống chứng nhân cho Thiên Chúa.
Simêon và Anna đã suốt đời chờ mong Đức Kitô. Với chúng ta họ là những tấm gương hy vọng và trung tín. Lòng trung tín của họ đã được ân thưởng. Họ đã được niềm vui bồng ẵm trên tay ánh sáng dân ngoại, vinh quang Israel, là chính Chúa Giêsu. Trong mùa Giáng sinh này, chúng ta cũng hãy chuẩn bị và đón nhận hồng ân Thiên Chúa trong sự trung tín đợi chờ và đón nhận nó với tất cả tâm tình biết ơn ơn Simêon và Anna ngày xưa.

LỄ THÁNH GIA

GIA ĐÌNH THÁNH

 

Lm. Gioan B. Nguyễn Trường Sơn

 

1/ Gia đình chu toàn luật Chúa

   Tin mừng kể: “ Khi đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài  theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa”. Gia đình thánh gia không chỉ một lần chu toàn lề luật, nhưng là hằng ngày và hăng năm. Một gia đình biết đặt lề luật của Chúa làm kim chỉ nam cho hướng dẫn gia đình, thì gia đình đó trở nên gia đình thánh.

     Đầu năm 1905, Luigi ngã bệnh nặng. Nặng đến độ các bác sĩ bó tay. Mạng sống chàng treo lơ lửng trên sợi tóc. Tin không lành đến tại gia đình Corsini, đặc biệt đến với Corsini. Cô hiểu rõ tình trạng trầm trọng đến sinh mạng. Chính lúc này Corsini biểu lộ Đức Tin vững mạnh. Cô khẩn nài THIÊN CHÚA, qua lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ MARIA, cứu sống Luigi. Rồi nàng gởi cho chàng bức ảnh Đức Mẹ Pompei, đàng sau có ghi mấy hàng chữ:

- Đây là bức ảnh mà trước bức ảnh này, em khẩn thiết kêu cầu cho sức khoẻ của Anh. Xin Anh hôn bức ảnh vào mỗi tối và mỗi sáng và luôn giữ bức ảnh bên mình. Nguyện xin THIÊN CHÚA và Đức Mẹ MARIA chúc lành cho Anh.

   Lời khẩn nguyện của họ được chấp nhận. Đầu tháng 3 năm 1905, Luigi khỏi bệnh. Đôi bạn trẻ gặp gỡ, tìm hiểu thêm và ngày 31 tháng 3 cả hai chính thức đính hôn. Cuối năm ấy, cả hai thề hứa trọn đời yêu nhau và lãnh bí tích Hôn Phối tại đền thờ Đức Bà Cả ở thủ đô Roma. Khi nâng Đôi Bạn lên hàng chân phước, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II quyết định chọn ngày 25-11, là ngày thành hôn của hai ngài trở thành hàng năm là ngày kính Vợ Chồng Chân Phước Luigi. Hai vị nên thánh vì chu toàn lề luật tới mức độ anh hùng cuộc sống hôn nhân thường nhật. Ba trong số bốn người con của Ông Bà là linh mục và nữ tu.

  Trái lại một gia đình không có luật Chúa, cuối năm 2017 những tin động trời: Vợ chặt đầu chồng tại Bình Dương. Chồng giết vợ tại Thanh Hóa, Cha giết con tại Cà Mau . . .

2/ Gia đình giữ giao ước với nhau

   Giao ước giữa cha mẹ và con cái dựa trên chữ hiếu làm đầu. Bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca khuyên con cái phải săn sóc và báo hiếu cha mẹ, dẫu các ngài đã lú lẫn và không tự săn sóc mình được nữa.

   Bá Du người đời Hán có tiếng là chí hiếu. Mỗi khi có lỗi bị mẹ đánh. Bá  Du vẫn tươi cười nhận lỗi. Một ngày nọ sau khi mẹ đánh đòn, Bá Du liền òa lên khóc. Bà mẹ ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao mẹ đã nhiều lần đánh con để răn dạy mà con không khóc, thế tại sao nay con lại khóc?

- Thưa mẹ, những lần trước mẹ đánh con đau lắm, nhưng con không khóc vì biết sức mẹ còn mạnh. Lần này mẹ đánh con, tuy không đau nhưng con khóc vì biết đó là dấu hiệu sức mẹ đã già yếu rồi. Con khóc là vì thương mẹ chớ không có ý oán hờn.

   Giao ước các thành viên trong gia đình dựa trên lòng Chúa thương xót làm đầu. Thánh Phaolô nói: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại”.

3/ Gia đình thánh biết tha thứ

     Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. 14 Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.

Gia đình Thánh Gia gồm ba đấng, Hài Nhi Giêsu, Đức Maria và Thánh Cả Giuse. Tông huấn Niềm Hoan Lạc của TY số 66: “Giao ước yêu thương và trung thành từng được Thánh Gia Nadarét sống đã soi sáng nguyên tắc vốn lên khuôn cho mọi gia đình và giúp gia đình đương đầu tốt hơn với các thăng trầm cuả cuộc đời và lịch sử. Trên căn bản này, mọi gia đình, bất kể các yếu đuối của họ, có thể trở thành ánh sáng trong đêm tối thế giới. ‘Nadarét dạy ta ý nghĩa cuộc sống gia đình, sự hiệp thông đầy yêu thương của nó, vẻ đẹp đơn giản và chân phương của nó, đặc tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của nó. Ước chi nó dạy ta việc huấn luyện của nó êm dịu và bất khả thay thế biết bao, vai trò của nó trong trật tự xã hội nên tảng và khôn sánh đến chừng nào”.

   Nguyện xin chúc lành cho các gia đình trở thành gia đình thánh, gia đình chu toàn lề luật, gia đình giữ giáo ước và gia đình biết tha thứ.
 

CON CÁI LÀ HỒNG ÂN THIÊN CHÚA

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông

 

Stk 15,1-6.21,1-3 Áp-ra-ham đã tin và được nên công chính

Tv 128,1 Phúc thay những bạn nào tôn sợ Chúa

Hr 11,8.11-12.17-19  Đức tin hướng dẫn đường đi của các tổ phụ

Lc 2,22-40 Gia dình thánh

 

1. HỎI: Các bài đọc liên kết với nhau như thế nào?

THƯA: CON CÁI LÀ HỒNG ÂN THIÊN CHÚA.Thánh gia được ông Si-mê-ông chúc lành (BTM) nhắc lại lời chúc lành của Thiên Chúa cho ông Abrahm, Sa-ra và I-sa-ac (BĐ1) là những gương sáng sống đức tin cho con cháu (BĐ2).

2. HỎI: Ngữ cảnh bài đọc một như thế nào?

THƯA: Bài đọc một trích từ sách Sáng thế kí, gồm hai phần rút từ hai chương khác nhau: phần thứ nhất chương 15, 1 – 6; và phần thứ hai chương 21, 1 – 3. Chương 12, Thiên Chúa lần đầu tiên gọi ông A-bra-ham ra đi đến miền đất mới.

3. HỎI: Ông A-bra-ham là ai?

THƯA: Vào lúc Thiên Chúa gọi, Áp-r(a-h)am là người ngoại giáo du mục I-rắc, sống khoảng 1850 trước CN.

4. HỎI: Cuộc phiêu lưu của ông A-bra-ham bắt đầu từ đâu?

THƯA: Cuộc phiêu lưu của ông Abram bắt đầu từ lời kêu gọi của Thiên Chúa: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12, 1-2). Lời kêu gọi đầu tiên kèm theo những lời hứa (một xứ sở, một dòng dõi) và ông đã cất bước lên đường vào một cuộc phiêu lưu đầy thử thách: “Ông Áp-ram ra đi, như ĐỨC CHÚA đã phán với ông” (12,4).

5. HỎI: Áp-ra-ham đã sống lời hứa như thế nào?

THƯA: Áp-ra-ham nhiều lúc nhắc nhở Thiên Chúa vì đã lâu không thấy lời hứa được thực hiện: “Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, Chúa sẽ ban cho con cái gì?” (Stk 15,2). Tuy thế, khi được Thiên Chúa bảo đảm: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không”, và: "Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!" ông lại tiến bước với niềm tín thác vào Người: “Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính” (15,6).

6. HỎI: Từ lời hứa đến sự thực đã xảy ra những biến cố nào?

THƯA: Giữa lời hứa ấy và khi I-sa-ác ra đời, đã có nhiều biến cố lớn đã xảy ra: cử hành giao ước giữa Thiên Chúa và Áp-ra-ham (ch. 15), Ít-ma-ên sinh ra (ch.16), Áp-bram đổi tên thành Áp-ra-ham (ch.17), Thiên Chúa hiện ra ở Mam-rê (ch.18). Mãi lâu sau đó đứa con lời hứa mới được sinh ra (ch. 21).

7. HỎI: Thế thì vì ý nào mà Phụng vụ lại đem câu chuyện cổ xưa nầy vào Thánh lễ Gia thất hôm nay?       

THƯA: Vì với đức tin Áp-ra-ham nhân loại đã làm một bước nhảy vọt lên phía trước đến với Thiên Chúa. Và các gia đình chúng ta được mời gọi đi trên con đường như ông.

8. HỎI: Vậy trong cuộc lữ hành, Áp-ra-ham đã khám phá ra điều gì?

THƯA: Ông Áp-ra-ham đã khám phá ra ba điều quan trọng: một là Đức tin, hai là Giao Ước và ba là sự Công chính.

9. HỎI: Áp-ra-ham khám phá điều gì về đức tin?

THƯA: Kinh thánh nói về đức tin của ông bằng câu ngắn gọn: “Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính” (St 15,6). Câu ấy dạy chúng ta rằng đức tin trước hết là một tương quan. Khi nói tin, người ta không nói tin một cách mơ hồ, nhưng “tin vào Đấng nào”. Đức tin của Áp-ra-ham là một lịch sử hướng tới tương lai. Thiên Chúa ban cho ông những lời hứa, và ông tin rằng Người sẽ thực hiện. Dù có nhiều lí do để nghi ngờ, nhưng mạnh mẽ tin vào Thiên Chúa Áp-ra-ham đã không để những lí do đó lay chuyển lòng tin của mình.

10. HỎI: Với đức tin, ông đã khám phá ra điều gì về Giao Ước?

THƯA: Trong khi những người khác đi tìm Thiên Chúa, thì Áp-ra-ham đã khám phá ra rằng chính Thiên Chúa đã đi tìm con người và đề nghị kí Giao Ước với họ. Từ xưa tới giờ con người hứa với thần linh để được ban ơn, còn đối với Áp-ra-ham thì chính Thiên Chúa đi bước trước: “Hỡi Áp-ram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn” (15,1).

11. HỎI: Ông còn khám phá ra điều gì nữa?

THƯA: Khám phá thứ ba là sự Công chính: “ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính” (15,6). “Sự công chính” trongThánh Kinh có nghĩa là “sự đúng đắn, sự ăn khớp”, như tính cách của một dụng cụ đúng như nó phải là thế. Áp-ra-ham đơn thuần hành động “ăn khớp” với chương trình của Thiên Chúa về ông. Người công chính là người đáp lại: “Nầy con đây” trước lời mời gọi của Thiên Chúa mà không đặt trước điều kiện gì.

12. HỎI: Như thế, Thiên Chúa cần đến con người?

THƯA: Đúng vậy. Như người thổi sáo, ống sáo là cần thiết nhưng chính người nghệ sĩ mới làm cho nó trở nên “điệu nghệ = đúng đắn”. Cũng như người thổi sáo cần ống sáo thì Thiên Chúa cần đến con người. Những con người để mình hòa hợp (= công chính) theo âm nhạc muôn đời của tình yêu Thiên Chúa.

13. HỎI: Khi đổi tên Áp-bram thành Áp-ra-ham Thiên Chúa muốn ngụ ý gì?

THƯA: Khi đặt cho ông tên mới là Áp-ra-ham (Ap = Cha; rab= lớn; hamôn= số đông), Thiên Chúa muốn khẳng định với ông là “Ta sẽ làm cho ngươi thực sự trở thành Cha của một đám đông lớn”. Từ nay, bất cứ ai dù thuộc nòi giống nào, ở phương trời nào đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa cũng sẽ được gọi là con cháu Áp-ra-ham.

14. HỎI: Bối cảnh lịch sử của bài Tin mừng như thế nào?

THƯA: Sự chờ đợi Đấng Mê-si-a rất sinh động trong dân Do thái thời Đức Giê-su giáng sinh. Dù không nói như nhau nhưng tất cả mọi người đều chia sẻ một sự háo hức chờ đợi. Có người nói về đấng “giải thoát Giê-ru-sa-lem”, như bà tiên tri An-na. Có người chờ đợi một vị Vua xuất thân từ dòng dõi Đa-vít, đứng lên đánh đuổi quân La mã ra khỏi bờ cõi. Một số khác nữa lại chờ đợi đấng Mê-si-a khác hẵn mà tiên tri I-sai-a đã mô tả rất kỹ và gọi là “Người Tôi tớ Thiên Chúa”.

15. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin Mừng (Lc 2,22-40) như thế nào?

THƯA: Trình thuật Đức Giê-su được dâng trong Đền Thờ là đỉnh điểm các câu chuyện được kể lại trong hai chương 1-2 tin mừng Lu-ca nhằm làm nỗi bật ý tưởng “sự hoàn tất lời Thiên Chúa hứa ban Đấng Mê-si-a”. Trong biến cố nầy, tác giả đã nhìn thấy Đức Giê-su tỏ mình công khai. Các bản văn thiên sai mà Lu-ca qui chiếu (Đn 9-10; Ml 3) cho thấy thời thiên sai đã đến. Bố cục của đoạn nầy như sau: 1. Thanh tẩy Đức Maria và Đức Giê-su (22-24); 2. Tỏ mình cho ông Si-mê-ông (25-35); 3. Tỏ mình cho Bà An-na (36-38); 4. Kết thúc (39-40).

16. HỎI: Luật Mô-sê dạy thế nào về thanh tẩy?

THƯA: Luật thanh tẩy chỉ buộc người mẹ phải thanh tẩy vì đã bị ô uế khi sinh con. Nghi lễ sẽ cử hành vào ngày thứ 40 nếu đứa con đầu lòng là trẻ trai. Nghi lễ qui định dâng một hi tế trong đền thờ gồm một con chiên và hai con chim (chim gáy hay bồ câu non). Nhà nghèo có thể chỉ dâng hai con chim là đủ (Lv 12,1-8). Ở đây bản văn chỉ nói đến hai con chim bởi lí do gia đình Đức Giê-su thuộc diện khó khăn. Bản văn lại nói đến Lễ thanh tẩy của các ngài”:“các ngài” đây chỉ ai? Theo bản văn, thì đó là Đức Maria và Thánh Giu-se.

17. HỎI: Tại sao Lu-ca nhắc đến ba lần “Luật Mô-sê”?

THƯA: Lu-ca muốn nhấn mạnh đến lòng tuân phục Lề luật của gia đình thánh. Đức Giê-su không được miễn chuẩn một điều nào trong Lề luật, rồi cả cha mẹ Ngài cũng đã nghiêm chỉnh tuân hành mọi giới răn. Như thế cuộc đời Đức Giê-su ngay từ đầu đã diễn tiến “trong sự phù hợp với Lề Luật”.

18. HỎI: Tục lệ “dâng con” có ý nghĩa gì?

THƯA: Lề luật qui định con đực đầu lòng và con trai cả thuộc về Thiên Chúa, là sở hữu của Người, nên để cha mẹ có thể nuôi dưỡng thì phải chuộc lại. Qui định ấy nhằm nhắc lại cuộc giải phóng khỏi Ai cập, khi Thiên Chúa đã đánh chết các con trai đầu lòng người Ai cập và chừa lại con trai đầu lòng người Híp-pri. Khi chuộc lại đứa con của mình, người cha nói với con: “Cha chuộc lại con bởi vì chính cha cũng đã được Thiên Chúa chuộc lại (Xh 13,2.11-16). Nghi thức không buộc phải có mặt đứa con. Tuy nhiên trong trường hợp nầy, Đức Giê-su đã được cha mẹ đem lên đền thờ. Ngài giờ đây trở thành trung tâm của cả bài trình thuật. 

19. HỎI: Trong trường hợp của Đức Giê-su thì sao?

THƯA: Dâng của lễ”: ở đây không thấy nói đến hy vật cho lễ thanh tẩy người mẹ cũng như của dâng để chuộc lại con đầu lòng. Tại sao bản văn im lặng như thế? Có lẽ muốn cho độc giả hiểu rằng Đức Giê-su không cần phải được chuộc lại. Đàng khác, bà An-na sẽ giới thiệu cho những ai đang mong đợi được chuộc lại (hay ơn cứu chuộc) ở Giê-ru-sa-lem (2,38). Như thế, Đức Giê-su không cần chuộc lại, vì chính Ngài là chính đấng cứu chuộc dân Ngài.

20. HỎI: Ông Si-mê-ôn là ai?

THƯA: Ở đây, lẽ ra xuất hiện một vị tư tế đền thờ. Nhưng bản văn lại không thấy nói đến vị nào cả, ngoại trừ một nhân vật mới, được đưa vào trình thuật để đóng vai trò của vị tư tế-tiên tri. Vị nầy như ông Gia-ca-ri-a (1,6) là một người “công chính”: có đức tin và niềm hy vọng trong lòng; và dưới sự tác động của Thánh Thần.

21. HỎI: Thánh Thần hoạt động trong ông để làm gì?

THƯA: Thánh Thần được nhắc đến ba lần trong bản văn nầy như đã nói đến Lề luật. Đức Maria và ông Giuse được lề luật hướng dẫn, còn ông Si-mê-ôn thì được Thánh Thần thúc đẩy. Thánh Thần hoạt động trong ông bằng tất cả mọi phương tiện giúp ông khám phá đứa trẻ. Cuộc gặp gỡ giữa nhân vật nầy và ba người hành hương là hoàn toàn bất ngờ, nhưng lại do Thánh Thần mong muốn và được Thiên Chúa hướng dẫn, như xảy ra nhiều lần trong Thánh Kinh (Stk 29; Tb 7; Cv 10).

22. HỎI:Đấng Ki-tô của Chúa” có nghĩa gì?

THƯA: Đó là tước hiệu cổ xưa chỉ nhà vua (2Sm 1,14.16), nhưng không phong phú ý nghĩa bằng những tước hiệu mà sứ thần đã gán cho Đức Giê-su (2,11).

23. HỎI: Hành vi Ẵm lấycó nghĩa gì?

THƯA: Ông Si-mê-ông không hề biết trẻ Giê-su, nên sở dĩ ông “ẵm lấy” Ngài là nhờ Thánh Thần gợi hứng cho ông. Ông ẵm lấy đứa trẻ từ tay cha mẹ như muốn tách rời khỏi họ, vì đứa bé không chỉ thuộc về cha mẹ (2,49), mà còn là của tất cả nhân loại. Sau Đức Maria và ông Giuse, ông Si-mê-ôn là người đầu tiên tin vào Đức Giê-su. Khi kể lại câu chuyện nầy, có lẽ Lu-ca nghĩ đến thế giới Híp-pri đã già cỗi, nhưng được mời gọi tìm lại tuổi trẻ mới nơi Đức Giê-su. “Ông già ẵm đứa bé, nhưng chính đứa bé lại là người dẫn ông già đi” (Thánh Augustinô). Cha mẹ tiến dâng con mình cho Thiên Chúa, như người thánh và được hiến thánh (1,35). Còn ông Si- mê-ôn sẽ giới thiệu cho dân Ngài như là Đấng Cứu độ.

24. HỎI: Bài Thánh ca có điểm gì đặc biệt?

THƯA: Bài thánh ca nầy ngắn hơn, có cá tính hơn, lặp lại các từ đi trước: tạ ơn Thiên Chúa, lời đầy hi vọng vì Chúa đã hoàn tất những lời Người đã hứa cho dân Ít-ra-ên và cho tất cả các dân khác. Điểm mới mẻ trong thánh ca nầy chính là sự kiện chính mắt ông Si-mê-ông đã nhìn thấy đấng Mê-si-a.

25. HỎI: Giờ đây” hàm ý gì?

THƯA: Chúng ta vượt qua ngưỡng cửa để bước vào thời đại mới. Giờ thì Chúa có thể để cho tôi tớ Ngài “ra đi”. Lời bình an đã được thực hiện cho ông Si-mê-ông, và cũng sẽ thực hiện cho tất cả những ai sẽ tin vào Đức Giê-su (10,5; 24,36).

26. HỎI:Tại sao lại “Cho muôn dân?

THƯA: Đấng Cứu độ từ dân Ít-ra-ên được ban cho tất cả mọi người. Ít-ra-ên có ưu tiên, nhưng với sứ mạng phải chia sẻ cho mọi người. “Này tôi trung của Ta, Ta đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước” (Is 42,6).

27. HỎI:Ánh sáng.. vinh quang” cặp từ nầy nhắc đến điều gì?

THƯA: Cặp từ nầy thường được nối kết trong Thánh Kinh, nhất là trong I-sai-a và các Thánh Vịnh, đề cập đến hai thực tại thuộc về Thiên Chúa giờ đây hiện diện trên trái đất. Cả hai mở ra cho tất cả mọi người vì tự bản chất chúng không thể đóng kín nơi chính mình.

28. HỎI:Ngạc nhiên?

THƯA: Lời Chúa gây ngạc nhiên và đặt câu hỏi (x. 2, 18). Ở Bết-lê-hem các nghi vấn thì xoay quanh căn tính của đứa bé. Còn ở đây về số phận: làm sao có thể quan niệm một sứ mạng phổ quát cúa đứa trẻ Híp-pri bé bỏng nầy?

29. HỎI: Dấu hiệu bị người đời chống báng” có nghĩa gì?

THƯA: Sau khía cạnh bừng sáng: bình an - cứu độ - ánh sáng - vinh quang thuộc về Đức Ki-tô phục sinh, thì Lu-ca đề cập đến khía cạnh bi thương. Dấu chỉ Bết-lê-hem – một trẻ thơ nằm trong máng cỏ – đã bao hàm một khía cạnh mâu thuẫn rồi. Điều mâu thuẫn ở đây là Chúa Giê su, vị sứ giả bình an, sẽ mang đến sự chia rẽ (12,51-53); là đấng ban ơn cứu độ, Ngài sẽ gây ra đổ vỡ cho nhiều người (7,23); là đấng giải sáng niềm vui, Ngài sẽ bị nhục mạ (9,22; 24,26; Gl 6,14); là ánh sáng, Ngài sẽ tỏ lộ bóng tối trong tâm hồn con người (11,35).

Tất cả những điều ấy sẽ được thực hiện như thế nào? Lời của Thiên Chúa được Đức Giê-su rao truyền sẽ bắt buộc người nghe tỏ ra tuân phục hay chống đối. Phần lớn người Do thái sẽ không theo Ngài, trong khi đó các dân ngoại sẽ tin vào Ngài. Bi kịch Đức Giê-su là ở đây: Ngài tỏ mình ra cách kín đáo trong tất cả các trang sách Tin mừng và Công vụ. Đức Giê-su sẽ là dấu chỉ của mâu thuẫn cho đến khi bị treo trên thập giá.

30. HỎI:Một lưỡi gươm” có nghĩa gì?

THƯA: Cụm từ “một lưỡi gươm”có lẽ phát xuất từ câu Ed 14,17 chỉ hình phạt của Thiên Chúa thực hiện trên khắp mặt đất. Lời Thiên Chúa được so sánh với một lưỡi gươm tinh luyện sắt bén và phân xử tư tưởng tâm hồn con người (Dt 4,12). Ở đây, lưỡi gươm là biểu tượng của thử thách mà Đức Maria phải chịu đựng trước sự việc người ta khước từ Đức Giê-su và đưa Ngài đến thập giá. Đức Maria sẽ chịu đựng cuộc tử đạo trong tâm hồn khi thấy con mình bị phản bội (Dcr 12,10), là hình ảnh của Giáo Hội liên kết với cuộc khổ nạn của Đấng Cứu Thế. Dưới khía cạnh đó thì lời sấm của ông Si mê ông là một lời tiên tri về mầu nhiệm Vượt qua.

31. HỎI: Cứu chuộc” có nghĩa gì?

THƯA:Cứu chuộcdịch sát là “chuộc lại”, từ khóa của hoạt cảnh nầy. Đứa bé nầy không cần phải được chuộc lại, vì thật ra Ngài chính là đấng chuộc các kẻ khác. Giờ đây ơn cứu độ được ban cho Giê-ru-sa-lem (Is 54 và 60), nói tức là thông truyền cho người khác được rõ.

32. HỎI:Đầy khôn ngoan” có nghĩa gì?

THƯA: Thánh Lu-ca không nói như thế cho trường hợp ông Gio-an (1,80), nhưng chỉ dành cho Đức Giê-su. Chi tiết nầy chuẩn bị cho hoạt cảnh tiếp sau, trong đó Đức Giê-su chứng tỏ mình có sự khôn ngoan sung mãn trước các nhà khôn ngoan Ít-ra-ên.

33. HÒI: “Được ân nghĩa” có nghĩa gì?

THƯA: Về Gio-an Tẩy giả thì tác giả nói: “Bàn tay Thiên Chúa ở với nó” (1,66). Ơn sủng chính là lòng từ ái của Thiên Chúa, tình yêu của đấng mà Đức Giê-su sẽ gọi là Cha Ngài. Chính Đức Maria đã được đầy ơn sủng (1,28). Sau nhiều câu gợi lại Lề luật, ân sủng được tác giả nêu lên như cố ý đối lại.

34. HỎI: Nội dung bài đọc hai (Hr 11) như thế nào?

THƯA: Áp-ra-ham sẵn sàng hiến tế con mình cho Thiên Chúa vì tin rằng mọi con cái đều thuộc về Thiên Chúa.

35. HỎI: Sống Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Hôm nay, trong bản thân Đức Giê-su bé thơ, chính Thiên Chúa trở lại cung thánh bị bỏ hoang phế của Người. Vì dù tội Ít-ra-ên thế nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn luôn trung thành với lời mình đã hứa. Sự bất trung Ít-ra-ên chỉ làm trì hoãn việc thực hiện vác lời hứa này, chứ không thể huỷ bỏ chúng được. Cuộc đời chúng ta cũng thế. Dù chúng ta bất trung, Thiên Chúa vẫn tha thứ và giúp chúng ta làm lại cuộc đời, trở nên “ánh sáng” cho mọi người. 2. Thánh Thần hiện diện và hoạt động khắp nơi. Người hoạt động trong ông Si-mê-ông (25), giúp ông nhận ra và đón tiếp đấng Cứu Thế. Người cũng hiện diện trong cuộc đời chúng ta như vậy, nếu chúng ta luôn sống trong ân sủng của Người. 3. Đức Maria và Thánh Giu-se đã qui phục Lề luật một cách trọn hảo, ngay cả khi lề luật không đòi buộc. Các Ngài đã vâng phục thánh ý Chúa bằng tình yêu chứ không vì bó buộc. Các Ngài đã trở thành tấm gương cho tất cả chúng ta.

GLCG 529 583 439 614. Việc dâng Đức Giê-su vào đền thờ (x.Lc 2,22-39) cho thấy Người là con đầu lòng thuộc về Thiên Chúa (x.Xh 13,12-13). Cùng với Xi-mê-on và An-na là cho toàn thể Ít-ra-en đang mong đợi, đến gặp Đấng Cứu Độ của mình. Đức Giê-su được nhận biết là Đấng Mê-si-a hằng mong đợi, là "ánh sáng muôn dân", là "vinh quang của Ít-ra-en", nhưng cũng là "dấu hiệu bị người đời chống báng". Lưỡi gươm mà Xi-mê-on tiên báo sẽ đâm thâu lòng Đức Ma-ri-a, loan báo hiến lễ hoàn hảo và duy nhất trên Thánh Giá, hiến lễ sẽ mang lại ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã "chuẩn bị trước mắt cho muôn dân".
 

LỄ THÁNH GIA THẤT B

(Lc 2, 22-44)

Tôma A. Trần Bá Huy

 

Kính thưa qobac, Tuần Bát nhật Giáng sinh có nhiều lễ trọng và lễ kính được xếp theo ngày tháng. Lễ Thánh Gia Thất được Giáo Hội kính vào Chúa nhật ngay sau lễ Giáng sinh 25/12; hoặc vào thứ Bẩy nếu Chúa nhật sau Giáng sinh là Lễ Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa. Vì sao thế? Chắc chắn rằng Hội Thánh muốn đề cao vai trò gia đình Công giáo, đồng thời nêu cao mẫu gương sống thánh của gia đình Thánh ngày xưa.

Mỗi người Ki-tô hữu chúng ta đều biết rằng, Con Thiên Chúa Nhập thể làm người cũng được sinh ra, lớn lên và trưởng thành một gia đình; điều đó cho thấy vai trò của gia đình quan trọng như thế nào. Người ta thường ví con trẻ mới sinh ra như một tờ giấy trắng. Thời gian qua, sự giáo dục và nếp sống nhân bản của gia đình chính là những nét vẽ để hoàn thành bức tranh nhân cách của em bé đó khi trưởng thành. Quả đúng như vậy. Gia đình Thánh của Đức Mẹ và Thánh Giuse là một chiếc nôi tình yêu để Thiên Chúa gửi gắm Con của Ngài.

Thiên Chúa làm người, thì đồng thời con người Giêsu đó có cơ hội tập làm Thiên Chúa cho chúng ta tập làm con Thiên Chúa. Nếu chúng ta tin vào Mầu Nhiệm Nhập Thể thì phải nói mạnh mẽ như vậy đó. Quá trình tập làm con cái Thiên Chúa cũng được thực hiện chủ yếu trong đời sống gia đình. Chính vì vậy mà lễ Thánh Gia Thất được cử hành ngay sau lễ Giáng Sinh, điều đó nhắc nhở chúng ta ý thức hơn tầm quan trọng của đời sống gia đình.

Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến câu chuyện Mẹ Maria và Thánh Giuse đem Chúa Giêsu lên Đền thánh Giêrusalem. Sự kiện này là sự kiện bình thường của mọi gia đình Do Thái; cũng giống như gia đình Công giáo sinh con rồi đem đến nhà thờ lãnh bí tích Rửa tội. Nhưng qua trình thuật đó bao hàm hai ý nghĩa:

Ý nghĩa thứ nhất là để thanh tẩy người mẹ. Bởi trong quan niệm Do Thái giáo, sự phân biệt sạch, dơ rất quan trọng . Chúa là Đấng thanh sạch, cho nên tất cả những gì thanh sạch thuộc về Thiên Chúa; ngược lại tất cả những gì nhơ uế sẽ không thuộc về Chúa. Vì vậy mà lề luật của Do Thái ấn định rất tỉ mỉ: cái gì là thanh sạch, cái gì là nhơ uế. Trong những quy định ấy thì có một chương nói về nhơ uế thể lý. Người đàn bà khi mang thai, sinh con bị coi là nhơ uế. Cho nên bị cấm không được vào Đền thờ. Chính vì thế người phụ nữ sau khi sinh con 40 ngày phải lên Đền thờ để được thầy Tư tế thanh tẩy, xác nhận hết thời gian nhơ uế, nghĩa là đã được thanh sạch. Đấy là ý nghĩa thứ I.

Ý nghĩa thứ II là để dâng đứa con của mình cho Chúa, đặc biệt là con trai đầu lòng. Chúng ta nhớ lại trong sách Xuất hành, chính Chúa đã giải thoát Israel ra khỏi đất Ai Cập. Trước khi dân Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, Thiên Chúa đã đánh phạt người Ai Cập bằng việc giết đứa con đầu lòng và các thú vật của người Ai Cập, còn những gia đình Do Thái nhờ bôi máu chiên lên cửa mà thiên thần đã đi qua và những đứa con đầu lòng Do Thái được cứu thoát. Cho nên kể từ ngày đó, người Do Thái có một lề luật: con đầu lòng phải dâng cho Chúa và chuộc về bằng một cặp bồ câu non. Hai ý nghĩa của việc lên đền thánh là như vậy.

Nhưng 2 việc làm theo ý nghĩa đó không cần thiết với Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Chắc chắn Đức Mẹ không ô uế về mặt thể lý, vì  Đức Mẹ thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Về phần Chúa Giêsu không cần phải dâng cho Chúa Cha, vì Ngài là con Thiên Chúa từ thủa đời đời. Vì vậy không bắt buộc nhưng Mẹ Maria và Chúa Giêsu vẫn thi hành và việc lên Đền thờ mang nhiều ý nghĩa.

Thứ nhất, lời nhắn gởi đến các gia đình Công giáo là họ phải được quy hướng về Thiên Chúa. Có một câu nói nổi tiếng thế này: Yêu nhau không phải là để nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng (Saint Exupéry). Cái hướng đi đó có thể là hạnh phúc chung của gia đình, có thể là sự nghiệp chung của vợ chồng, có thể là hạnh phúc của đứa con. Nhưng trên bình diện đức tin, Mẹ Maria và Thánh Giuse nói với mỗi chúng ta rằng: hướng đi ấy là chương trình của Thiên Chúa. Nhiều người nghĩ rằng gia đình Nagiaret được Chúa chọn từ thủa đời đời nên sẽ không có đau khổ. Nhưng lần giở những trang Tin Mừng chúng ta sẽ thấy Thánh Gia Thất cũng “ba chìm bẩy nổi chín cái lênh đênh” như thế gian thường hay ví von. Thánh Luca diễn tả về sự nghi ngờ của thánh Giuse khi Mẹ Maria mang thai. Giuse định tâm lìa bỏ cách kín đáo; đúng là đứng trước sự đổ vỡ của gia đình. Hay khi cụ già Simêon tiên báo về Mẹ Maria: Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà. Lúc chúng ta đem con đến nhà thờ, có linh mục nào dám nói một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn chị? Câu nói đó đủ diễn tả cuộc sống của Đức Mẹ gian truân lắm, nhiêu khê lắm thưa quý obace. Cuộc sống của đôi bạn Thánh ấy trải qua chắc cũng không ít những thử thách và khổ đau. Thế nhưng họ đứng vững được trước những thử thách và khổ đau ấy để tiếp tục xây dựng một gia đình thánh thiện vì họ quy hướng về cùng một mục đích đó là chương trình của Thiên Chúa. Thánh là như vậy đó. Đây cũng chính là lời nhắn gởi cho các gia đình Công giáo chúng ta.

Sự thánh thiện trong Kinh Thánh không chỉ theo nghĩa luân lý đạo đức, bởi nếu quan niệm như vậy thì Vua Đa-vít vì mê đắm sắc đẹp mà phạm nhiều sai lầm, thế thì thánh làm sao được. Nhưng đối với Kinh Thánh: thánh thiện có nghĩa là cắt đứt ra, có nghĩa là tách biệt ra, nghĩa là dành riêng ra cho Chúa. Vậy nên gia đình thánh có nghĩa là gia đình chấp nhận để cho Thiên Chúa hiện diện. Khi sự hiện diện của Thiên Chúa chi phối đời sống gia đình, ắt hẳn mọi lựa chọn trong lối sống sẽ quy hướng về Thiên Chúa; và như thế là gia đình đã cảm nếm đời sống Thiên đàng ngay ở trần gian này rồi.

Và lời nhắn gởi thứ hai đó là định hướng trong việc giáo dục con cái. Ngày hôm nay người ta đặt vấn đề về sự vô cảm, dửng dưng trước nỗi đau đồng loại của nhiều người trẻ. Trong số này có những em thiếu sự quan tâm yêu thương của cha mẹ, nhưng cũng có cả những em có đầy đủ điều kiện tinh thần lẫn vật chất, nhưng cha mẹ quên đi việc dạy các em biết yêu thương và chia sẻ.

Do đó, việc giáo dục con cái cần có một định hướng rõ rệt và đưa đến những giá trị tinh thần. Với người Công giáo thì Thiên Chúa chính là cội nguồn và là cùng đích của tất cả những giá trị tinh thần ấy. Thế nên mọi đứa con được sinh ra trong gia đình Công giáo đều được dâng cho Chúa. Từ nền tảng đó, có thể diễn tả sự dâng mình bằng cuộc sống tu trì hay cuộc sống hôn nhân đó là cách thể hiện, còn nền tảng thì đã dâng mình cho Chúa rồi. Định hướng giáo dục của người Công giáo là như vậy.

Ước gì Thánh Gia Thất luôn luôn là ánh sáng soi chiếu cho gia đình Công giáo chúng ta. Để qua ánh sáng đó, gia đình chúng ta hướng về Thiên Chúa và trở thành một lời chứng yêu thương, và mỗi gia đình trở nên Thánh hơn trong thế giới ngày nay. Amen


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...