14/12/2016
906
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 1, 18-24).
     Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.
     Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse, con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội".
     Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".
     Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.
Đó là lời Chúa.
Điều kiện để đón tiếp Chúa
Ngày 17 tháng 12 vừa qua, ta đã đọc bài Phúc Âm nói về gia phả Đức Giêsu, trong đó Chúa Giêsu sinh bởi dòng dõi vua Đavít. Hôm nay, Phúc Âm lại trình bày cho ta một gốc tích khác của Người: Chúa Giêsu sinh ra bởi Đức Maria do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Phải chăng thánh sử Matthêu mâu thuẫn khi đưa ra hai gốc tích khác nhau như thế?
Thánh sử Matthêu không mâu thuẫn, nhưng khi trình bày cho ta hai gốc tích khác nhau của Chúa Giêsu, thánh sử có một dụng ý thần học. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nên việc thụ thai phải do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Nhưng Chúa Giêsu cũng là người nên phải sinh ra bởi một con người. Thiên Chúa ban Con Một cho loài người. Đức Maria đã đại diện loài người lãnh nhận. Nhưng quyền năng Chúa Thánh Thần tác động trên Đức Maria chỉ diễn ra trong riêng tư, âm thầm. Chính thánh Giuse đưa Chúa Giêsu ra công khai khi nhận Ngài vào dòng tộc Đavít. Qua trung gian của thánh Giuse, Chúa Giêsu đã chính thức gia nhập gia đình nhân loại, trong một đất nước, trong một dân tộc, trong một dòng họ. Tên tuổi của Người được ghi trong lịch sử của dân tộc, của dòng họ, của gia đình. Vận mệnh của Người gắn chặt với dân tộc, dòng họ, gia đình ấy. Người thực là Emmanuel, là “Thiên Chúa ở với chúng ta”.
Nhờ đâu mà thánh Giuse và Đức Maria được diễm phúc là những người đầu tiên, đại diện nhân loại tiếp đón Đấng Cứu Thế. Qua bài Phúc Âm Truyền Tin và bài Phúc Âm hôm nay, ta thấy thánh Giuse và Đức Maria có những đặc điểm sau đây.
1) Các Ngài có tâm hồn khiêm nhường sâu xa.
Đức Maria là một thiếu nữ có tâm hồn khiêm nhường. Từ nhiều thế kỷ qua, lời sấm về Đấng Cứu Thế vẫn được truyền tụng trong dân Do Thái. Thiếu nữ nào cũng mong được làm mẹ Đấng Cứu Thế. Đó là một hạnh phúc, một vinh dự không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả gia đình, cho dòng họ, cho đất nước. Vậy mà khi nghe thiên thần loan báo tin làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria chỉ khiêm tốn thưa: “Này là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”. Khi bà Êlisabeth ca tụng Ngài, Đức Maria đã đáp lại: “Vì Chúa đã đoái thương phận tôi tớ thấp hèn. Người nâng cao những người bé nhỏ”. Đức Maria nhận ra sự thật là: Nếu Ngài được ơn Chúa ban thì không phải vì công trạng của mình, nhưng do lòng từ bi thương xót của Chúa. Vì khiêm tốn, nên Đức Maria âm thầm ghi nhớ tất cả mọi việc Chúa làm, mọi lời Chúa phán. Ghi nhớ để suy gẫm trong lòng. Càng suy gẫm lại càng thêm khiêm nhường. Càng khiêm nhường lại càng kín đáo.
Thánh Giuse cũng có tâm hồn khiêm nhường không kém. Đọc Phúc Âm, ta có cảm tưởng là thánh Giuse luôn tự rút lui vào trong bóng tối. Ngài luôn sống âm thầm khiêm tốn trong công việc tầm thường của thợ thuyền. Sự khiêm tốn ấy đặc biệt thể hiện trong bài Phúc Âm hôm nay. Khi biết tin Đức Mẹ đang mang thai Đấng Cứu Thế, thánh Giuse đã âm thầm bỏ đi. Ngài không dám tự cho mình cái vinh dự được làm cha Đấng Cứu Thế. Ngài không dám chiếm hữu quyền làm cha của Thiên Chúa. Ngài không dám mạo nhận công việc của Chúa Thánh Linh. Ngài là người công chính vì khiêm tốn sống đúng thân phận của mình. Ngài là người công chính vì trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.
2) Các Ngài mau mắn vâng lời Thiên Chúa.
Các Ngài có chương trình cho đời sống. Chương trình ấy được suy nghĩ kỹ lưỡng vì được thực hành nghiêm chỉnh. Đức Maria khấn giữ mình đồng trinh. Thánh Giuse muốn sống âm thầm trong bóng tối. Nhưng khi nghe biết thánh ý Thiên Chúa các Ngài đã mau mắn xin vâng, bỏ dở chương trình riêng tư, chuyển hướng cuộc đời để thi hành thánh ý Thiên Chúa. Đức Maria đã thưa “xin vâng” bất chấp những đau khổ, khó khăn đang chờ đón. Thánh Giuse đã mau mắn vâng lời dù thánh ý Thiên Chúa chỉ mơ hồ giữa bóng đêm dày đặc, trong một giấc mộng lãng đãng mơ hồ.
Vì Chúa, các Ngài đã từ bỏ ý riêng mình. Vì Chúa, các Ngài đã thay đổi toàn bộ đời sống. Thay đổi quyết liệt. Từ bỏ dứt khoát. Vâng lời mau mắn.
Thái độ của các Ngài rất gần với thái độ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu xuống trần trong một thái độ tự hạ mình thẳm sâu. Dù là Thiên Chúa, Người đã không đòi cho mình quyền được ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã tự hạ làm một người bé nhỏ nghèo hèn. Người luôn vâng lời Đức Chúa Cha, vâng lời cho đến chết trên thập giá.
Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Giống nhau thì tìm đến nhau. Chúa Giêsu xuống trần trong một thái độ khiêm hạ và vâng phục thánh ý Chúa Cha đã tìm được nơi cư trú tâm đắc nơi Đức Maria và thánh Giuse, hai tâm hồn khiêm nhường và tuyệt đối vâng lời.
Lạy Chúa Giêsu bé nhỏ, bây giờ thì con đã hiểu biết phải dọn một máng cỏ như thế nào cho Chúa. Chúa muốn con khoét một hang sâu khiêm nhường trong lòng con, trải trên đó những sợi cỏ vâng lời mau mắn. Như thế con sẽ được hạnh phúc đón tiếp Chúa, Đấng rất khiêm nhường và rất vâng lời. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Ngày càng có nhiều người mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Nhưng Lễ Giáng Sinh đã bị thương mại hóa. Bạn sẽ chuẩn bị Lễ Giáng Sinh thế nào cho phù hợp với tinh thần của Chúa?
2) Sống khiêm nhường và vâng lời trong xã hội hôm nay có dễ không?
3) Bạn nghĩ gì về việc Chúa Giêsu tự nguyện xuống thế, làm một người, làm con trong một gia đình?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Mùa Vọng: Mùa trong veo
Trên chuyến xe xuôi miền lục tỉnh, người ta chuyển đến tôi một cuốn truyện cũ đã mất bìa để đọc cho quên đường dài. Truyện kể lại mối tình giữa một chàng trai là con sĩ quan học tập và một cô gái là con cán bộ chức quyền. Họ thương nhau và muốn kết hôn với nhau, nhưng khi công khai ý định ấy, họ đã gặp phải những lực cản từ hai phía gia đình. Đã có nhiều nghi ngờ từ phía cha chàng trai và cũng có lắm nghi ngại từ phía cha cô gái. Giải pháp phải chọn là chia xa đôi lứa.
Đành lòng làm thế, nhưng họ vẫn âm thầm chờ đợi nhau, cho đến khi cha chàng trai mãn hạn học tập về nhà và cha cô gái đã đến tuổi về hưu. Hai người cha có dịp gần gũi cảm thông làm chất keo thân ái cho tình yêu đôi trẻ có điều kiện gắn hàn. Kết truyện là đám cưới.
Truyện có hậu và có nét hấp dẫn riêng của thể loại, nhưng điều hấp dẫn hơn hết đối với tôi không phải là cốt truyện cho bằng chính tựa đề “Tình yêu trong veo”: trong veo giữa hai người cha biết xoá tan ngờ vực để thêm gần gũi; trong veo giữa hai bạn trẻ biết vượt qua thử thách để giữ vững tình yêu. Xin mượn tựa đề “Tình yêu trong veo” ấy để gọi tên Mùa Vọng là mùa trong veo một tình yêu.
1) Bằng tình yêu trong veo, Thiên Chúa trao thân cho con người.
Trong khi người Do Thái còn đang mải miết với một vị Chúa ở trên cao và dường như say sưa về một Đấng ở xa con người, đến nỗi trong quan hệ nguyện cầu, thay vì xin những biểu tỏ gần gũi để dễ dàng nắm bắt, họ lại chỉ dám xin một dấu lạ điềm thiêng mãi tận trời cao vượt quá tầm nhìn; và trong niềm mong chờ Đấng Cứu Thế, vốn là mạch sống hy vọng cho cả dân tộc, họ những tưởng nghĩ rằng Người sẽ đến, nhưng là đến trong cung cách của một vị Chúa oai phong lẫm liệt, cho muôn dân nếu không phải cúi đầu sợ hãi thì cũng phải bái phục tôn thờ. Có ngờ đâu, khi Chúa đến, Người lại chọn cho mình một cách đến rất khác lạ.
Người đến thật gần: trong thân phận của một con người để làm người giữa muôn người trần thế. Người đến thật thấp: thấp đến nỗi chọn cho mình cách sống của một người cùng khổ dưới đáy xã hội. Người yêu thương con người để sẵn sàng trao thân cho họ, chấp nhận phải điều đình, chấp nhận được cưu mang, chấp nhận được sinh hạ, chấp nhận được làm người: “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14)
Phải chăng khi trao thân cho con người như thế, Thiên Chúa sẽ được thêm vinh quang? Phải chăng nếu không trao thân cho nhân loại, Thiên Chúa vẫn là Chúa, nhưng là một vị Chúa không được ai biết đến hay là một vị Chúa bị kết án phải cô đơn? Thưa không phải thế. Chính khi trao thân cho con người trong mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa không còn úp mở như trong thời Cựu Ước nữa, Người đã dứt khoát cho thấy mình là Đấng giải cứu con người và sẵn sàng làm hết cách để thực hiện bằng được chương trình của Người mà không đợi chờ mảy may vinh quang nào ngoài lợi ích cứu độ cho người trần gian. Để độ thế, Thiên Chúa đã nhập thể; để cứu người, Thiên Chúa đã làm người.
Chính hai Danh xưng được nêu lên trong phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay đã nói lên tất cả. Danh xưng Emmanuel khẳng định “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, Danh xưng Giêsu bộc lộ “Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ” (Mt 1,23-25). Nối kết hai Danh xưng ấy nơi Đấng Cứu Thế, ta sẽ thấy một tình yêu trong veo Thiên Chúa dành cho con người: Người là Thiên Chúa ở cùng ta để cho ta ơn cứu rỗi, và Người là Thiên Chúa cứu độ ta bằng cách ở cùng ta.
2) Bằng tình yêu trong veo, con người gửi phận cho Thiên Chúa.
Nếu bằng tình yêu trong veo cứu độ, Thiên Chúa trao thân cho con người, thì Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng cho thấy những nhân vật gần gũi với mầu nhiệm Giáng Sinh nhất là Đức Maria và thánh Giuse đã bằng tình yêu trong veo tự nhiên gửi phận mình cho Thiên Chúa.
Đối với Đức Maria, tình yêu trong veo đã rõ qua tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, mà Phụng Vụ hữu ý mừng kính ở đầu Mùa Vọng. Tình yêu ấy đã rõ trong việc Mẹ dâng mình vào Đền Thánh, nhưng tình yêu ấy còn rõ ràng hơn khi tiếp cận với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Ngày Truyền Tin, mới gặp sứ thần, Đức Maria đã bối rối, thứ bối rối của một tình yêu trong sạch buổi đầu gặp gỡ. Rồi, lúc được đề xuất làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã băn khoăn, thứ băn khoăn của một tình yêu trong sáng muốn được giải thích đôi câu. Và chính lúc thưa “Xin vâng” (Lc 1,38) là cả một tình yêu trong veo như chưa bao giờ trong đến thế, Đức Maria đã gửi trọn phận mình vào tay Thiên Chúa, bất chấp đó là một mạo hiểm chết người: trinh nữ mà lại mang thai, phải ăn nói ra sao với thánh Giuse? Mới đính hôn thôi mà sắp thành mẹ, phải dàn xếp thế nào cho hợp luật pháp?
Còn thánh Giuse, con người lặng thầm nhất của Mùa Vọng, đã được đặt vào một tình huống khó xử đến độ ray rứt, nhất là trong những ngày trước lúc Đấng Cứu Thế giáng sinh như Phúc Âm hôm nay mô tả. Nhưng chính ở đây ông đã chứng minh bằng những nét đẹp kín đáo hào hùng về một tình yêu trong veo từ lâu đã dệt nên đời sống qua những lựa chọn xé lòng. Là người công chính, dù ghi nhận ít nhiều dấu hiệu chuyển biến nơi Đức Maria, ông cũng chẳng dám nghi ngờ mà chỉ một thoáng băn khoăn, để rồi định chọn cho mình giải pháp âm thầm rút lui. “Đào vi thượng sách” là giải pháp an toàn nhất. Nhưng chính lúc ấy, được tỏ nguồn cơn, ông đã tiếp nhận ý Chúa và tiếp đón Đức Maria về nhà mình bằng một tình yêu trong veo, mà người trần mắt thịt dẫu có bản lĩnh cách mấy cũng khó mà dám xâm mình mạo hiểm (Mt 1,24).
Nhìn như thế, tình yêu trong veo đã liên kết Đức Maria và thánh Giuse, để mái nhà chung sống không chỉ là nơi che nắng trú mưa cho qua ngày đoạn tháng, mà đã trở thành một mái ấm của những tấm lòng biết mở ra cưu mang Con Thiên Chúa và sẵn sàng để sinh Người ra cho dương thế, cho dẫu tình yêu trong veo ấy trên đường cứu độ như một bản trường ca sẽ không thiếu những quãng nghịch, mà việc khó xử hôm nay trong Phúc Âm mới chỉ là những nốt nhạc mở đầu.
3) Cũng bằng tình yêu trong veo, ta đón mừng lễ Giáng Sinh.
Hiểu như trên, Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng rõ ràng là một tình yêu hai chiều trao gửi: Thiên Chúa trao thân cho con người để con người biết gửi phận mình cho Thiên Chúa. Đồng thời cũng là Chúa Nhật trong veo của những tấm lòng biết gửi trao tấm lòng trong ơn cứu độ.
Trên nền tảng ấy, tình yêu trong veo đã trở nên tinh thần phải có để đón Chúa Giáng Sinh. Trong những ngày này, đi ra phố xá, đã nghe vang lên những bài ca Giáng Sinh quen thuộc; ngang qua nhà thờ, đã thấy trưng bày những bộ Noel với hang đá, cây thông, đèn sao đẹp mắt; và đi tới chỗ nào cũng thấy thấp thoáng Giáng Sinh với muôn màu lấp lánh. Nhưng có một màu được xem là không thể quên hay không bao giờ quên đối với mọi tín hữu mừng lễ Giáng Sinh, màu đó không ở trên áo quần giầy dép, môi mép tóc tai, hoa cài áo khoác, mà là ở trong tấm lòng kìa! Đó là màu trong veo của những tâm hồn trinh trong biết cưu mang ý Chúa và biết sinh hoa kết trái trong cuộc sống công minh chính trực của mình.
 
Nếu ngày xưa trong khúc hát quan họ Sion, câu xướng “Ai được lên Núi Chúa?” đã nhận được lời đáp “Chỉ những người thật thà ngay chính tay sạch lòng thanh mới được bước tới Thánh Cung” (Tv 23,3-4), thì hôm nay cũng thế, trong bài ca cuộc sống ai cũng nôn nao xôn xao ồn ào huyên náo tiếp cận lễ Giáng Sinh cả, kẻ tiếp thị, người tiếp tân; nhưng chỉ có những tấm lòng trinh trong mới xứng đáng trở nên Hang đá tiếp đón Chúa sinh vào. Chúa chỉ một lần đến sinh ra trên trần thế là đủ để cứu chuộc muôn người, nhưng giả như Người có đến sinh ra nhiều lần hơn nữa cũng vẫn thiếu, nếu lòng người chưa sẵn sàng một tình yêu trong veo mở ra đón nhận. Liệu ta hôm nay đã sẵn có một tâm hồn như thế trước lễ Giáng Sinh?
Hơn nữa, tình yêu trong veo cũng là tiếng nói cuối cùng của Mùa Vọng thúc đẩy ta đến với những người xung quanh. Không thể có Mùa Vọng đầy đủ nếu bỏ quên chiều kích tha nhân trong tình yêu của mình, và cũng chẳng tiếp đón Chúa cho đủ nếu từ chối tiếp nhận anh chị em gần gũi với mình trong những sinh hoạt hằng ngày.
Trong Phúc Âm, Giuse biết tiếp nhận ý Chúa “qua giấc mơ”, để rồi sau đó “tỉnh dậy” ông mau mắn đón Đức Maria nên bạn đường bạn đời của mình, cho dẫu hậu thế có kẻ điều ong tiếng ve xem ông như kẻ “vô tư”. Nhưng đó lại là bước đột phá của một tình yêu trong veo biết nhận ra rằng: Thiên Chúa đã ân cần trao thân cho mình qua mầu nhiệm Nhập Thể, thì mình cũng tín thác gửi phận mình trong mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa. Đó là hai chiều gặp gỡ của tình yêu Giáng Sinh.
Tóm lại, tình yêu trong veo là động lực khiến Chúa đến với con người và là nguồn lực thúc đẩy con người tiếp đón Chúa, để trong cuộc sống cụ thể trở thành nỗ lực của mọi tín hữu đón lễ Giáng Sinh. Trong khi còn chuẩn bị và chưa thực sự được tiếp đón Chúa, hãy bắt đầu bằng cách thực tập tiếp đón những hình ảnh sống động của Chúa là những người ta gặp hoặc những người gặp ta bằng một tình yêu trong veo luôn thăng tiến. “Nếu không gặp Ngài trong nghèo khổ, sẽ chẳng gặp Ngài giữa cao sang. Nếu không gặp Ngài ở dưới đất, sẽ chẳng gặp Ngài chốn Thiên Đàng” (thơ Xuân Ly Băng).
Đến đây, xin được khép lại những chia sẻ Mùa Vọng năm nay. Xin cám ơn Mùa Vọng đã đem đến những ý nghĩ đẹp màu. Xin cám ơn cộng đoàn đã vui lòng lắng nghe. Hy vọng những tâm tình chia sẻ cũng cung cấp chút ý tưởng giúp mỗi người hình thành được Máng Cỏ tâm hồn. Và cám ơn đứa cháu nhỏ đã tình cờ viết lộn chữ Mùa Vọng thành chữ “Màu Vọng” để có được bốn sắc màu chia sẻ nơi đây. Qua xanh đến tím gặp hồng, dìu ta đón Chúa với lòng trong veo.
ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống
Tin Mừng vượt trội hơn cả công chính
Giáng Sinh đã gần kề; và đương nhiên Lời Chúa muốn tường thuật cho chúng ta về các sự kiện, nhân vật có liên quan trực tiếp tới biến cố trọng đại của lịch sử cứu độ. Giu-se và Ma-ri-a là những nhân vật rất đáng cho chúng ta chiêm ngưỡng và học hỏi, chính vì các cuộc chiến đấu nội tâm mà các ngài đã từng phải giáp mặt trước các đòi hỏi của Tin Mừng.
Trường hợp Ma-ri-a được tường thuật cách chi tiết trong biến cố truyền tin đã được Phúc Âm Lu-ca ghi lại (Lc 1,26-38). Tác giả Mát-thêu vắn tắt hơn: cô Ma-ri-a lúc còn là trinh nữ chưa về chung sống với chồng là Giu-se, đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Đoạn sách tiên tri I-sai-a được trích dẫn chỉ muốn xác định việc con trẻ sẽ hạ sinh là ‘Em-ma-nu-en – Thiên Chúa ở cùng chúng ta’ có nghĩa là thật sự Ngài có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Ngay cả đoạn gia phả cũng hầu như có chủ đích cho thấy đấng Ki-tô không phải là con thật của Giu-se, cho dầu nằm trong giòng tộc nhà Đa-vít: “…Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của Ma-ri-a, bà là mẹ đức Giê-su cũng gọi là đấng Ki-tô” (Mt 1,16). Cuộc chiến đấu nội tâm của Ma-ri-a trước việc chưa chung sống với chồng mà đã có con thật khốc liệt. Hôm nay đoạn Tin Mừng Mát-thêu mời chúng ta tập trung suy nghĩ về trường hợp Giu-se, nhân vật nam chủ chốt theo truyền thống Do Thái, phản ứng ra sao trong biến cố kỳ dị này.
Giu-se, trong cách suy nghĩ thông thường của một người đàn ông Do Thái thời đó, dễ dàng chấp nhận việc có con cái nối giòng, theo thói tục được mọi người thời bấy giờ nhìn nhận. Ông được gán cho hạn từ ‘người công chính’ chỉ vì luôn hành sử theo đúng luật pháp Mô-sê cách đường đường chính chính. Ông không muốn và cũng không thể chấp nhận bất kỳ lối sống nào không công minh chính đại. Dầu có kính nể Ma-ri-a tới mấy, việc vợ ông đã thành hôn nhưng chưa về nhà chồng chung sống lại mang thai là không thể chấp nhận được… Luật pháp đã tiên liệu cho các ông chồng rơi vào hoàn cảnh này, hoặc tố giác hoặc đơn giản bỏ phế cuộc hôn nhân… và để cho xã hội hành xử theo đúng qui định đối với trường hợp ngoại tình. Lời sứ thần Chúa đòi ông phải hành xử như một người cha thực thụ: “đón Ma-ri-a vợ ông về nhà.., ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su”, tức là đòi ông không còn ‘công chính’ theo đòi hỏi của luật pháp nữa. Quả là một đòi hỏi quá lớn đối với một người ‘công chính’ như ông. Giu-se phải quyết định: giữa một bên là chương trình cứu độ của Thiên Chúa đang được khai mở ‘vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ’ và bên kia là sự công chính theo luật pháp của bản thân ông. Và Giu-se ‘khi tỉnh giấc, đã làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà’, tức là ông đã chấp nhận cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa, hơn là theo đuổi sự công chính của riêng mình. Trường hợp Ma-ri-a cũng tương tự như thế: “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Đối với cả hai: Tin Mừng cứu độ hẳn phải trổi vượt xa  sự công chính của luật pháp.
Đúng thế! Thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và biểu lộ được lòng thương xót từ nhân của Ngài là nhiệm vụ hàng đầu và nội dung lớn nhất của Tin Mừng. Sống công chính luật pháp, một nền luân lý xã hội chuyển dịch theo thời gian, nơi chốn, văn hóa và truyền thống, tuy có giá trị thật đấy, nhưng đứng trước Tin Mừng cứu độ, nó không còn giữ địa vị độc tôn, mục tiêu tối thượng được nữa. Thật vậy, công chính đã có từ thời Cựu Ước, đã tồn tại, dưới dạng này hay dạng khác trong tất cả các xã hội và tôn giáo loài người. Tin Mừng Hài Nhi Giê-su đem đến trần gian không phải là một thứ công chính luân lý cao đẹp, hoàn hảo hơn các nền công chính khác. Căn cứ vào thái độ Đức Giê-su cư xử: đối với người nữ Sa-ma-ri chung chạ tới sáu đời chồng, với Gia-kêu cầm đầu nhóm thu thuế bất chính, với Mác-đa-la người phụ nữ đàng điếm khét tiếng trong thành, với tên gian phi tử tội cùng bị đóng đinh… thì Tin Mừng cứu độ được loan báo không hề bị ràng buộc bởi các điều kiện luân lý hay công chính theo luật pháp.
Đúng là Mùa Vọng kêu mời tôi sám hối, nhưng không phải là thứ sám hối nhằm vun đắp cho tôi một cuộc sống luân lý cao đẹp, lành mạnh hơn… nhưng trước hết là để tôi đón nhận Tin Mừng cứu độ. Tôi lắng nghe và đón nhận thầy Giê-su, không phải vì học thuyết luân lý tuyệt hảo của Người, nhưng vì Người là hiện thân của một Thiên Chúa từ nhân. Kỷ nguyên mà Người khai mở không nhất thiết phải là kỷ nguyên của một xã hội hoàn hảo, trong đó mọi người đều phải trở nên đạo đức thánh thiện; mà tiên quyết phải là kỷ nguyên của lòng thương xót thứ tha, trong đó tội lỗi tuy vẫn tồn tại, nhưng tội nhân thống hối cảm thấy mình được hoàn toàn chấp nhận và yêu thương vô điều kiện.
Là một linh mục, tôi càng phải xác tín điều này hơn nữa để việc mục vụ và loan báo Tin Mừng của tôi có được chiều kích mới.
        Lạy thánh Giu-se đấng công chính, xin hãy dạy con đón hài nhi Giê-su cách xứng đáng. Xin cho con thấu hiểu rằng, khi sinh ra Hài Nhi này đã không cần tới giầu sang trần thế cũng như danh giá xã hội; điều duy nhất Người mong đợi là thực hiện cho bằng được chương trình cứu độ từ nhân của Chúa Cha. Xin Thánh Cả dạy cho con biết, xưa chính ngài cũng đã từng phải hy sinh danh thơm tiếng tốt của mình như thế nào để có thể cộng tác vào kế hoạch cứu độ, thì nay cũng như ngài, trong đời sống và công việc mục vụ của mình, con cũng phải  thực hiện cho bằng được cùng một ưu tiên cao đẹp đó. A-men
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Hãy làm sáng Danh Chúa
Có một em bé về kể với mẹ: Mẹ ơi, hôm nay khi một chiếc xe chở bia bị lật, con thấy nhiều người ra hôi bia về uống.
Mẹ nói: Vì họ là người tham lam. Họ phạm tội ăn cắp một cách công khai đáng bị lên án.
Đứa bé: Nhưng con thấy có cả chú tư, cô ba gần nhà mình cũng vui vẻ bưng một thùng bia về nhà.
Mẹ: Vì chú tư, cô bà đã bán sĩ diện mình bằng vài lon bia.
Đứa bé: Con thấy không một ai nhặt giúp bia cho người bị nạn mà ai cũng tranh thủ chộp một vài lon hay vài thùng rồi lên xe chạy hết.
Mẹ: Vì họ sống theo bản năng đói thì ăn, khát thì uống mà không còn xét về luân lý được ăn hay không?
Đứa bé: Vậy nếu xã hội mà con người chỉ biết sống theo bản năng thì xã hội sẽ ra sao?
Mẹ: Thì xã hội sẽ chẳng còn luật lệ, người ta sẽ mạnh ai người ấy sống, hay “cá lớn nuốt cá bé”. Xã hội sẽ loạn lạc, chẳng còn ai tin vào ai.
Đứa bé: Vậy sống trong một xã hội mà con người không còn thân thiện, giúp đỡ nhau thì mình phải làm sao?
Mẹ: Mình phải là một ánh sáng cho thế gian bớt u tối bằng việc làm tốt, không hùa theo đám đông làm chuyện xấu. Dù chỉ là ánh sáng lẻ loi nhưng vẫn phá tan những đêm tối của lòng người. Nhất là mình là người Công giáo phải sống chứng nhân cho Chúa qua dấu chỉ yêu thương để người ta nhận biết chúng ta là môn đệ của Chúa, và đừng bao giờ vì một vài lon bia mà làm ô danh đạo thánh của chúng ta.
Cách đây hơn hai ngàn năm giữa một khung trời đầy những bóng tối của tội lỗi, của sự ích kỷ lòng người Ngôi Hai Thiên Chúa đã ngự xuống trần gian. Ngài là Emanuel ở cùng chúng ta. Ngài đến để thắp sáng trên trần gian ánh sáng của tình bác ái, của sự hiệp thông. Ngài là ánh sáng cho trần gian. Ngài soi chiếu ánh sáng chân lý để đầy lùi bóng tối gian tà. Ngài thắp sáng ánh sáng tình yêu để xua tan bóng đêm của ích kỷ, lạnh lùng. Ngài đi vào trần đời để ném ngọn lửa yêu thương, lửa bác ái, lửa tin yêu cho trần gian.
Thế nhưng, vẫn có những con người khước từ ánh sáng. Họ thích sống trong tăm tối. Họ thích sống theo bản năng, nuông chiều tính xác thịt. Họ ngồi trong u tối nhưng không muốn ra ánh sáng. Vì theo ánh sáng phải bỏ bóng tối. Bóng tối của ích kỷ, của dửng dưng, của gian tà. Nhưng tiếc thay, con người lại thích sống theo bản năng nên họ khước từ ánh sáng.
Ngày nay cũng có nhiều người không muốn theo một đạo nào. Không phải là họ không tin mà điều quan yếu là họ sợ phải sống đạo, phải giữ đạo. Họ thà không theo đạo để sống theo bản năng của mình. Thế nhưng, bản năng thường ích kỷ, thường lầm lỗi và hẹp hòi nên vẫn còn đó những việc làm thiếu tình liên đới, hiệp thông yêu thương trong tình người.
Ngày nay Thiên Chúa vẫn đang cần chúng ta hãy trở thành ánh sáng cho trần gian. Hãy chiếu sáng cho thế gian ánh sáng của yêu thương, của tình liên đới và hiệp thông. Hãy dẫn dắt con người đến cùng ánh sáng đích thực là chính Chúa Giê-su là nguồn mạch ánh sáng.
Thánh Giu-su và Đức Maria năm xưa đã cộng tác với Chúa để mang ánh sáng vào trần gian. Mẹ đã cộng tác bằng hai tiếng xin vâng để đón nhận hài nhi ngự trong cung lòng Mẹ. Thánh Giuse đã cộng tác bằng hai tiếng xin vâng để trở thành cha nuôi của Chúa Giê-su. Cả hai cùng thưa xin vâng như lời dâng hiến cuộc đời để trở thành khí cụ của Chúa mang ánh sáng vào trần gian. Ngôi Hai Thiên Chúa đã có thể cư ngụ giữa chúng ta là nhờ tấm lòng hy sinh của hai thánh nhân. Chính các ngài đã từ bỏ ý riêng, từ bỏ nếp sống của mình để hành xử theo ý Thiên Chúa.
Nếu cuộc đời mà ai cũng biết từ bỏ ý riêng của mình để làm theo ý Chúa thì cuộc đời tốt đẹp biết bao. Nếu dòng đời ai cũng biết chế ngự bản thân để sống cho tha nhân thì dòng đời sẽ không còn vẫn đục bởi hôi của, bởi dưng dưng trước khốn khó của đồng loại mà ai cũng sẵn sàng giúp đỡ nhau.
Mùa Noel nữa lại đến như mời gọi chúng ta hãy là ánh sáng cho trần gian. Xin đừng vì những quyến luyến trần tục, những tham lam bất chính mà bản rẻ lương tâm, nhân phẩm của mình. Nhưng mỗi người hãy là những vì sao sáng trên bầu trời loan báo tin vui Chúa giáng sinh cho nhân trần. Xin Đấng Emaul mãi ở lại trong tâm hồn chúng ta ban niềm vui và hạnh phúc để chúng ta cũng ra đi xây dựng tình yêu và hạnh phúc cho nhân trần. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Emmanuel - Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta
                Việc đặt tên cho đứa con là việc quan trọng đối với các đôi vợ chồng. Khi có con sắp chào đời, hai vợ chồng bàn bạc với nhau để chọn cho con mình một cái tên thật ý nghĩa, thật đẹp, thật hay.
Qua việc đặt tên, cha mẹ gửi gắm ước vọng của mình vào đó. Tỷ như khi đặt tên cho con là Phúc, Đức, Tài, Lộc… cha mẹ cầu mong cho con mình sau nầy đạt được những điều tốt đẹp y như tên gọi của các em.
Trích đoạn Tin Mừng trong Chúa Nhật thứ tư mùa Vọng nầy đề cập đến tên gọi mà Thiên Chúa Cha đã chọn cho Ngôi Lời nhập thể trước khi Ngài đầu thai trong lòng Mẹ Maria. Tên gọi nầy đã được ngôn sứ I-sai-a tiên báo từ hơn bảy trăm năm trước: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."  (Mt 18,23)
Đây là một tên gọi thật ý nghĩa; tên gọi nầy nói lên ước vọng của Thiên Chúa là muốn ở mãi với loài người khắp mọi nơi, suốt mọi thời cho đến tận cùng thời gian.
        Liên quan đến ý tưởng nầy, Đức cha Gaillot có nhận định rất chí lý. Ngài viết:
“Sống rộng lượng là tốt, nhưng sống-với thì tốt hơn; công việc từ thiện là cần thiết, nhưng hiện-diện-bên-cạnh thì cần thiết hơn.”
Đúng thế, dù chúng ta có rộng lượng với người nghèo khổ bao nhiêu cũng không bằng đến sống-với họ, chia sẻ buồn vui cay đắng với họ. Dù chúng ta có làm bao nhiêu việc từ thiện để giúp cho người đau khổ cũng không bằng đến hiện-diện-bên-cạnh họ trong những lúc đau thương.
Vì yêu thương loài người quá đỗi nên Thiên Chúa muốn sống-với con người, muốn hiện-diện-bên-cạnh con người mọi lúc mọi nơi. Danh hiệu Emmanuel gói trọn ước vọng của Thiên Chúa muốn ở mãi với loài người.
Ước vọng nầy cũng được Chúa Giê-su khẳng định lại khi Ngài sắp từ giã các môn đệ: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 20)
- Để thực hiện ước muốn ở với loài người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã vượt qua khoảng cách gần như vô tận giữa trời và đất để ở cùng chúng ta, mang thiên tính cao cả của Thiên Chúa hòa chung với nhân tính hèn yếu của con người, để chia sẻ thân phận đau thương của kiếp người.
- Ngay cả khi Chúa Giê-su được Chúa Cha vinh thăng trên các tầng trời, chấm dứt sự hiện diện hữu hình bị giới hạn bởi không gian và thời gian ở trên mặt đất, thì Ngài vẫn tiếp tục hiện diện cách thiêng liêng trong tâm hồn của các tín hữu và trong Hội Thánh.
- Chúa Giê-su tiếp tục ở với chúng ta qua Lời của Ngài: chính Thiên Chúa ngỏ lời với ta khi Giáo Hội công bố Lời Chúa.
- Chúa Giê-su tiếp tục ở với chúng ta khi chúng ta họp nhau nhân danh Người: “Khi có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, Thầy sẽ ở giữa những người đó.” (Mt 18,20)
- Chúa Giê-su cùng với Chúa Cha và Thánh Thần thường xuyên cư ngụ trong lòng những kẻ yêu mến và tuân giữ Lời Ngài: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Gioan 14, 23)
 
Thế nhưng bấy nhiêu cũng chưa thoả lòng yêu thương nên Chúa Giê-su còn lập nên bí tích Thánh Thể, hiện diện thực sự dưới hình bánh rượu để cho chúng ta được rước Chúa vào lòng, để chúng ta được trở nên đồng huyết nhục với Chúa, được sống trong Chúa và Chúa sống trong chúng ta.
 
Nguyện vọng tha thiết nhất của Thiên Chúa là ở với loài người mọi ngày cho đến tận thế. Và điều đau lòng nhất của Thiên Chúa là bị nhân loại từ khước như thánh Gioan nhận định trong Tin Mừng thứ tư: “Ngài ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài. Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Gioan 1, 10-11)
 
Lạy Chúa Giê-su,
Để thể hiện ước vọng muốn sống với chúng con, hiện diện bên cạnh chúng con, mỗi ngày Chúa đều đến với chúng con qua nhiều hạng người mà chúng con gặp mặt.
Tiếc thay, chúng con thường lãng quên họ là hiện thân của Chúa nên đã có thái độ lạnh lùng, xa cách. Xin cho chúng con biết mở rộng trái tim để đón tiếp mọi người và dành cho họ một chỗ đứng quan trọng trong lòng chúng con, vì khi tiếp đón họ là chúng con đang tiếp rước Chúa.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
 
Thiên Chúa ở cùng chúng ta
EMMANUEL: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thiên Chúa ở cùng chúng ta: Ước muốn ấy đã có tự thuở Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và con người. Ước muốn tốt lành, thánh thiện. Ước muốn vui sống bình an với loài thụ tạo. Ước muốn ấy mang vẻ toàn bích của quyền năng Thiên Chúa, mang nét độc đáo thánh thiện của lòng Thiên Chúa yêu thương vô biên. Ước muốn ấy đã thành hiện thực ngay trong ngày Thiên Chúa sáng tạo: Đấng Tạo Hóa đùa vui với loài thụ tạo vì loài thụ tạo nào cũng mang căn tính tốt lành của Thiên Chúa.
Đến nay, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” là một nền hòa bình chí thánh mà chúng ta không thể hình dung theo trí tưởng tượng của con người nhưng phải cảm nếm được bằng đức tin soi dẫn dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Bởi lẽ, lòng con người đã trở nên mê muội từ khi con người quay lưng lại với Thiên Chúa, không chấp nhận ở cùng Thiên Chúa nữa. Toàn cảnh Hòa Bình đã sụp đổ. Thiên Chúa ở cùng chúng ta mà chúng ta không chấp nhận ở cùng Thiên Chúa.
 
“Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14).
Tiên tri Isaia đã loan báo về việc một Đấng Emmanuel mặc lấy xác phàm, được sinh ra bởi một nữ trinh nữ trong số những nữ lưu trần thế. Đấng Emmanuel thực hiện ước muốn của Thiên Chúa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thánh Phaolô gọi Đấng Emmanuel là “Tin Mừng, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. (Rm 1, 3).
 
Một bước xuống thật dài, thật xa từ trời xuống đất, để đất trời không còn cách xa, một bên Trời là niềm thương, một bên Đất là nỗi mong đợi. Đấng Emmanuel đã đến. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thực hiện việc tốt lành ấy, còn con người thì bó tay, vì đang sống trong tình trạng tội lỗi vô phương cứu chữa. Nhưng để được thực hiện, Thiên Chúa muốn con người cộng tác vào chương trình của Người để chứng tỏ cho con người biết rằng, Người luôn tôn trọng quyền tự do của con người, và để con người dùng tự do ấy mà định liệu cho ơn cứu rỗi của mình: chấp nhận cho “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” để “Chúng ta được ở cùng Thiên Chúa”.
 
Thiên Chúa đã hỏi ý kiến Mẹ Maria về việc này. Mẹ đã xin vâng và xin hãy thành sự trong Mẹ những điều Người ước muốn. Thiên Chúa cũng bàn bạc với Giuse về việc có chấp nhận chung sống với Mẹ Maria, đồng nghĩa với việc phải chấp nhận cả thai nhi trong lòng Mẹ. "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” ( Mt 18,20-21). Giuse đã hiểu được ý muốn của Thiên Chúa và cũng đã chấp nhận để Thiên Chúa ở cùng và ở cùng Thiên Chúa. “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”. (Mt 18,24-25).
 
Lời Chúa hôm nay cũng đang hỏi ý kiến mỗi chúng ta có chấp nhận cho “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” không?
 
Chấp nhận Thiên Chúa ở cùng chúng ta
  • là chấp nhận để Thiên Chúa Giáng Sinh trong lòng mình, ở cùng cuộc đời mình.
  • là chấp nhận cho Thiên Chúa làm mới lại trong chúng ta những gì đã tang thương đổ nát do tội nguyên tổ, do tội lỗi chúng ta
  • là chấp nhận để Thiên Chúa tác động trong hành trình cuộc đời của mình, hành trình tiến về Địa Đàng Mới là cuộc chung sống hòa bình viên mãn trong Nước của Thiên Chúa.
  • là chấp nhận một cuộc sống mới: sống theo tinh thần của Chúa Giêsu Kitô, sống chung và sẻ chia với người nghèo khổ, không tẩy chay người tội lỗi nhưng mời gọi họ trở về, can đảm làm chứng cho sự thật, cho công lý…..
  • là chấp nhận để Thiên Chúa ban hồng ân cao trọng: Hồng Ân Cứu Rỗi.
  • là vui mừng vì ơn cao trọng “Chúng ta ở cùng Thiên Chúa”
 
Nếu ngày ấy Thiên Chúa hỏi ý kiến Mẹ Maria qua các sứ thần, bàn bạc với Giuse trong giấc mộng, thì ngày hôm nay, Thiên Chúa lại hỏi ý kiến và bàn bạc với mỗi chúng ta qua chính Tin Mừng của Chúa Giêsu. Hơn hai ngàn năm rồi, Lời Chúa vẫn mời gọi chúng ta “ở cùng Thiên Chúa”, để được cứu rỗi, vẫn mời gọi chúng ta sống theo tinh thần của Tin Mừng để được ở cùng Thiên Chúa.
Là những tín hữu công giáo của Thiên Chúa, chúng ta không thể sống như những người “không chấp nhận Thiên Chúa ở cùng”. Họ không chấp nhận để Thiên Chúa tác động trong lịch sử đời mình, và chính vì vậy họ cũng không muốn để Thiên Chúa tác động trong lịch sử đời ai, trong lịch sử đất nước nào.
 
Ngược lại, mỗi tín hữu phải là một nhân chứng anh dũng cho Tin Mừng Giáng Sinh, Tin Mừng Cứu Rỗi. Vậy trước tiên tín hữu phải là một nơi xứng đáng để Thiên Chúa Giáng Sinh, để Thiên Chúa Ngự Trị- mỗi tín hữu phải “Ở Cùng Thiên Chúa” một cách sinh động nhất, cụ thể nhất là “Sống Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô”.
 
Thiết tưởng, “Sống Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô” không còn là một lý thuyết suông của những tín hữu trong một xã hội vô thần, thực dụng, duy vật đầy thách đố này, nhưng phải là kim chỉ nam cho mọi thành phần dân Chúa để có một Giáo hội sống động qua chứng tá vui mừng, hy vọng, tràn đầy sức sống, không khiếp sợ nhưng anh dũng vì “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”“Chúng ta ở cùng Thiên Chúa”.
 
Lạy Chúa Giêsu Giáng Sinh, xin hãy giáng sinh trong lòng con, trong nhà con, trong giáo xứ, giáo phận con, trong đất nước con, để tất cả chúng con được ở cùng Thiên Chúa. Amen.
 
PM. Cao Huy Hoàng
 
Tiếng gọi Tình Yêu
Câu chuyện kỳ lạ của sĩ quan Onoda tại các rừng rậm Philippines bắt đầu ngày 17.12.1944, khi mà chỉ huy của anh ta là thiếu tá Taniguchi, hạ lệnh cho người thuộc cấp 22 tuổi Onoda, cùng một số chiến binh khác, tiến hành chiến tranh du kích chống lại quân Mỹ tại Lubang. Taniguchi nói: “Chúng ta chỉ tạm thời rút lui. Các anh hãy vào rừng, làm lều, chuẩn bị kho vũ khí… Tôi cấm các anh tự tử hoặc đầu hàng. Có thể phải ẩn náu 3 năm, 4 năm hay 5 năm, nhưng tôi sẽ quay lại với các anh. Lệnh này chỉ có tôi mới được quyền thay đổi”.
 
Năm này nối tiếp năm khác. Onoda chiến đấu trong rừng rậm. Onoda ngẫm nghĩ: “Thiếu tá Taniguchi chưa thay đổi mệnh lệnh thì tôi vẫn tiếp tục chiến đấu”.
 
Tương tự như chuyện Onanda, Samurai cuối cùng, trung kiên, một lòng một dạ, chấp hành duy nhất mệnh lệnh của thiếu tá Taniguchi mà thôi, trích thuật Tin Mừng hôm nay giới thiệu Thánh Giuse, vị cha nuôi đáng kính của Đức Giêsu. Ngài đã toàn tâm vâng phục Thánh Ý Chúa chấp nhận vai trò nghĩa phụ của Chúa Cứu Thế, vâng theo Tiếng Gọi Tình Yêu.
 
Tiếng gọi
Thánh Giuse thật thầm lặng trong Tin Mừng, cũng như sống trong đời thực. Ngài thật hào hiệp, khoan dung quảng đại, và vô cùng khiêm nhường. Hơn nữa, Thánh sử Mat thêu còn vinh danh ngài “là người công chính.” Ngài đã thực sự tỏ ra bối rối trước việc Đức Mẹ thụ thai. Nhưng vì chân thật tin yêu Mẹ Maria, rất đoan trang và đạo hạnh, ngài không mảy may nghi ngờ, chẳng phản ứng bộp chộp, nông cạn, cũng không một lời than thở, trách móc. Ngài chọn phương án thầm kín bỏ đi, để êm thắm cho cả hai.
 
Nhưng sứ thần Thiên Chúa đã đến báo cho ngài trong giấc ngủ: “Này ông Giuse, con cháu Đa vít, đừng ngại đón bà Maria, vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”(Mt 1, 20-21)
 
Thánh nhân dạt dào lòng tin, cậy, mến, đã nhận được Thánh Ý Chúa tỏ tường, chính xác, minh bạch. Bây giờ, tôi cũng mong được sứ thần trực tiếp loan báo sứ vụ, nhưng tôi lại chểnh mảng, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và tha nhân, lại kiêu căng, tự cao tự đại, nhất là non kém, thờ ơ, thiếu sót các nhân đức. Thì làm sao tôi lắng nghe được tiếng Chúa, hiểu được Thánh ý Chúa? May mắn thay, ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận đã khẳng định:“Bổn phận là ý Chúa trong giây phút hiện tại.” (Đường Hy Vọng, số 17)
 
Xin Vâng
“Khi tỉnh giấc, ông Giuse đã làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà.” (Mt 1, 24) Lắng nghe được Lời Chúa phán bảo, Thánh Giuse liền vui vẻ “Xin Vâng”, quyết tâm thực hành Thánh Ý, tương tự như Mẹ Maria, ngay sau khi được sứ thần truyền tin. Không chần chừ, chậm trễ, suy tính, cân nhắc hơn thiệt, ngài dấn thân ngay vào sứ vụ nghĩa phụ của Đấng Cứu Thế.
 
Chẳng ngần ngại vất vả, gian khó, ngài hồi hương cùng Mẹ Maria từ Nazaret về Bêlem, sinh hạ Hài Nhi Giêsu trong cảnh bần cùng. Cấp tốc đem Hài Nhi và Mẹ Maria chạy trốn, lánh nạn sang Ai Cập, khỏi bàn tay khát máu của Hêrôđê. Rồi lại khăn gói quả mướp tái định cư về Nazaret, khi nhà vua đã băng hà. Ngài luôn lắng nghe và vâng theo hướng dẫn của sứ thần đường đi nẻo bước, để tận tụy, nâng niu chăm sóc và bảo vệ Thánh Gia.
 
Ngoài bổn phận hằng ngày, tôi còn nhận được bao dấu chỉ Thánh Ý Chúa qua sự kiện, tin tức, xã hội, nhất là qua Lời Chúa. Nhưng tôi lại hay bịt tai, nhắm mắt, đóng kín cả tâm hồn, hoặc u mê, mải miết bươn chải mưu sinh, hay hưởng lạc bê tha, làm sao tôi nghe thấy, nhìn thấy, tìm và hiểu được Thánh Ý Chúa trong cuộc sống?
Hơn nữa, tôi có can đảm “Xin Vâng,“ hay lặng lẽ, âm thầm từ chối sứ vụ khó khăn, vất vả, cay cực, đau khổ như Thánh Gia đã trung kiên đón nhận. 
 
“Vâng lời trọng hơn của lễ,” vì của lễ là hoa quả, hương trầm, súc vật, tiền bạc,…Khi vâng lời, con lấy chính mình con làm của lễ, giết chết ý riêng con, tự ái của con làm của lễ toàn thiêu. (Đường Hy Vọng, số 406)
 
Lạy Chúa, xin Chúa ban cho chúng con Niềm Tin vững vàng, dạy chúng con cầu nguyện sốt sắng, luôn sống mật thiết với Chúa, để có thể lắng nghe tiếng gọi tình yêu của Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin luôn giúp đỡ, nhắc nhủ, khuyến khích chúng con thưa lời “Xin Vâng” trước tất cả biến cố Chúa gửi đến trong đời, để lãnh nhận hồng phước ngay đời này lẫn đời sau. Amen.
 
AM Trần Bình An 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...