15/05/2021
1687
CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN
Mệnh lệnh loan báo Tin mừng
Mc 16,15-20
Lm. Giuse Phạm Hoàng Vương
Muốn đến một nơi nào mà chúng ta không biết cần phải có người chỉ đường hay dẫn đường. Nhiệm vụ của người dẫn đường là dẫn chúng ta đến nơi cần đến, xong nhiệm vụ họ sẽ giã từ chúng ta.
Chúa Giêsu là người dẫn đường, dẫn chúng ta về Trời. Kể từ khi tổ tông loài người phạm tội, con người đã phá đổ con đường từ đất về trời, không biết đường trở về Trời, về với Thiên Chúa của mình. Chỉ có Chúa Giêsu từ Chúa Cha đến trần gian mới biết con đường ấy và dẫn chúng ta về Nước Trời.
Chúa Giêsu không chỉ là người dẫn đường mà Ngài còn là con đường dẫn về chúng ta về Nước trời. Thật vậy, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài là Chúa Giêsu Kitô xuống thế nhập thể làm người, để làm lại con đường từ đất về trời. Ngài đã chịu chết và sống lại để thiết lập con đường ấy, Ngài trở thành con đường dẫn đưa chúng ta về Nước Trời : Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Thế nên những ai sống theo giáo huấn của Ngài và lời dạy của Giáo hội thì người ấy đang cùng với Ngài đi trên con đường về Nước trời.
Sau khi hoàn tất nhiệm vụ Chúa Cha trao phó là thiết lập con đường về trời và chỉ cho con người con đường ấy, Chúa Giêsu đã trao lại nhiệm vụ này cho Giáo hội, để Giáo hội tiếp nối sứ vụ của Chúa, chỉ cho con người biết con đường về trời : Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cứu độ cho mọi loại thụ tạo. Như thế, Tin mừng cứu độ là chính Chúa Giêsu Kitô, Ngài là con đường dẫn chúng ta về Trời.
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể thực hiện sứ mệnh ấy ? Đấng đáng kính hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận kể : Một hôm cán bộ quản tù hỏi hỏi ngài : Chúng tôi bắt ông, giam ông, làm điều không hay cho ông tại sao ông vẫn vui vẻ đối xử tốt với chúng tôi, không oán hận chúng tôi ? Đức hồng y trả lời : tại vì tôi yêu thương anh, vì anh cũng là người Việt Nam như tôi, hơn nữa vì tôi yêu Đức Kitô. Chính đời sống yêu thương của Đức Hồng Y mà viên cai tù nhận ra ngài đang đi theo con đường của Chúa Giêsu, để ông ta cũng tin và đi theo Ngài.
Như vậy, thực hiện sứ mệnh chỉ cho người khác biết con đường về trời là sống yêu thương theo mẫu gương của Chúa Giêsu, Đấng đã hiến thân đền tội cho chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi tội lội và sự chết đời đời. Nếu mỗi người chúng ta biết sống yêu thương tha thứ, biết quan tâm giúp đỡ nhau, không phân biệt lương giáo, những người chưa biết Chúa sẽ nhận ra tình yêu của Chúa Giêsu phục sinh qua đời sống yêu thương của chúng ta, để rồi họ sẽ tin và đi theo Ngài và được Ngài dẫn về Trời.
Tuy nhiên, sống yêu thương không phải là dễ bởi ai cũng nhận ra sự ích kỷ nơi mình lớn như thế nào. Nhưng chúng ta tin rằng Chúa Giêsu phục sinh luôn ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, để giúp chúng ta sống yêu thương như Chúa. Ngài về trời, không còn với chúng ta bằng xương bằng thịt, nhưng vẫn hiện diện với chúng ta bằng Thánh Thần của Ngài.
Như xưa, nhờ Thánh Thần, các tông đồ trừ được quỷ, tức là thắng được thế lực ác thần ; nói được tiếng lạ, tức là có khả năng diễn đạt đức tin bằng nhiều phương thức khác nhau sao cho phù hợp với thời đại ; cầm được rắn mà không bị hại, tức là có khả năng diễn đạt tình yêu của Chúa cho mọi người tốt cũng như kẻ xấu mà vẫn không bị hại ; dù uống phải chất độc cũng chẳng sao, tức là luôn cảm thấy tâm hồn bình an thực sự trước mọi nghịch cảnh hay đau khổ ; đặt tay trên những người bệnh họ sẽ được mạnh khoẻ, tức là nhờ đức tin mạnh mẽ các ông có khả năng nỡ đỡ đức tin của những người yếu kém.
Cũng vậy, nhờ Thánh Thần, trái tim chúng ta sẽ được biến đổi từ trai đá thành trái tim yêu thương, từ ích kỷ thành quảng đại để chúng ta có thể thực hiện được sứ mệnh loan báo Tin mừng mà Chúa Giêsu phục sinh đã trao phó cho chúng ta.

Trung Ngãi, ngày 12/05/2021
Lm. Giuse Phạm Hoàng Vương

-----

Lm. Tôma A. Trần Bá Huy

Kính thưa qobace, kể từ thời Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, thì ngày lễ Chúa Giê-su Lên Trời được chọn là ngày Quốc tế về Truyền thông xã hội. Như vậy chúng ta đi tìm lại mối liên hệ: tại sao Chúa Giêsu lên trời lại liên quan với việc truyền thông?

Chúng ta nhớ lại ngay từ những trang đầu của Kinh Thánh kể lại câu chuyện sa ngã của Ađam, Eva. Sau khi ông bà sa ngã, Kinh Thánh kể rằng cửa Thiên Đàng khép lại, có Thiên Thần cầm gươm lửa canh giữ không cho ông bà quay trở lại vườn Eđen. Nguyên tổ loài người đã đánh mất Thiên Đàng. Thế nhưng Thiên Chúa vẫn tiếp tục, vẫn kiên trì để đưa con người trở lại với hạnh phúc mà họ đã đánh mất. Và chính Chúa Giêsu, Ngài từ trời đến, bằng tất cả cuộc sống, cái chết và sự phục sinh, Ngôi Hai Thiên Chúa đã tạo ra một con đường từ cuộc sống trần thế này đến cuộc sống vĩnh cửu. Ngài tạo con đường đó không phải cho Ngài mà cho chính chúng ta, cho tất cả mọi người. Chính vì vậy mà con đường đó cần phải được loan báo, cần phải được giới thiệu cho tất cả mọi người. Ngày Chúa Giêsu về trời cùng là ngày Chúa trao phó cho Giáo Hội, cũng là cho mỗi người chúng ta một mệnh lệnh,: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.

Thưa qobace, khi khoa học kỹ thuật còn ở thủa sơ khai, người ta thông tin cho nhau bằng chim bồ câu đưa thư, tiến xa hơn là điện tín, điện thoại; đến hôm nay người ta có thể nghe tiếng nhau và nhìn thấy nhau cho dẫu xa nhau nửa vòng trái đất. Hoặc khi người này muốn gặp người này người kia thì phải đi bộ; đi đến một Châu lục khác thì đi tầu hỏa, tàu thủy. Lúc đấy các tông đồ đã bôn ba khắp nơi; các sứ giả, các vị thừa sai đã vượt biển đến với Việt Nam chúng ta. Và trong đà tiến triển của khoa học kỹ thuật thì Hội Thánh cũng vận dụng những phương tiện truyền thông ấy để giới thiệu Lời Chúa cho con người. Cho nên lễ Chúa Giêsu về trời được chọn là ngày Quốc tế về truyền thông xã hội.

Kính thưa qobace, chúng ta biết Lời của Chúa là Lời Chí Thánh, nhưng bằng tiếng nói của con người, bởi Thiên Chúa nói bằng lời của con người cho con người hiểu. Hơn nữa, Thiên Chúa còn nói qua những con người cụ thể, cho nên Lời Chúa cũng là tiếng nói con người. Vì vậy khi ta truyền thông Lời Chúa thì ta cũng phải vận dụng những phương tiện, những đặc tính trong việc truyền thông lời con người. Từ đó chúng ta khám phá ra những đặc tính về ngành truyền thông để ta áp dụng vào việc truyền thông Lời Chúa. Chúng ta biết ngày hôm nay truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Cho nên khi nói đến truyền thông phải hội đủ ba yếu tố.

Thứ I: truyền thông luôn luôn là một tiến trình hai chiều: người nói và người nghe. Người thông tin thì phải có người đón nhận. Trong việc truyền thông Lời Chúa cũng vậy, luôn luôn có hai chiều; và tất cả chúng ta đều đứng ở hai tư thế, tức là mình vừa đứng ở tư thế rao truyền, tư thế nghe và đón nhận. Khi nói phải biết mình nói với ai. Từ đó chúng ta tin rằng Chúa không chỉ nói với chúng ta trong Kinh Thánh mà Chúa còn nói với chúng ta qua những biến cố của cuộc sống, qua những thông tin của đời thường. Nhưng điều quan trong là chúng ta phải biết chắt lọc thông tin. Bởi chúng ta thấy thông tin ngày nay tốt xấu, vàng thau lẫn lộn, nên việc đón nhận thông tin cũng khác nhau, nó lệ thuộc vào khả năng, tâm trạng của mỗi người. Còn nếu đứng từ góc độ của niềm tin chúng ta có thể đặt câu hỏi: liệu chúng ta có một nhân sinh quan Kitô giáo vững vàng hay không để nhận định, suy nghĩ, phán đoán xem thông tin này đúng hay sai, tốt hay xấu, lợi hay hại. Cho nên không chỉ là tư thế trao ban mà còn có tư thế đón nhận.

Thứ II: Bao giờ truyền thông cũng nhắm đến mục đích, nên người ta vận dụng mọi khả năng để đạt được mục đích. Nhưng mục đích nó không chỉ ở trong trí tuệ mà mục đích ấy khiến người ta phải tha thiết, phải gắn bó; người ta càng tha thiết gắn bó bao nhiêu thì mục đích nó càng thúc đẩy để sáng tạo cho đạt được kết quả bấy nhiêu. Đối với việc truyền thông Lời Chúa cũng vậy, chúng ta phải có một mục đích rõ ràng. Cho nên Đức Hồng Y Newman nói một câu rất hay thế này: “Con tim nói với con tim”. Hay thỉnh thoảng chúng ta xem tivi có những chương trình “Từ trái tim đến trái tim”. Họ chia sẻ cho nhau cái cảm xúc yêu thương. Bởi nếu trái tim của mình không rung động thì lời chia sẻ làm sao có thể đụng chạm được trái tim của người nghe. Cho nên muốn truyền thông Lời Chúa, chúng ta phải có mục đích rõ ràng và phải tha thiết, phải gắn bó. Nếu mình không tha thiết, không gắn bó thì làm sao truyền thông cho người khác được.

Thứ III: truyền thông còn là một tiến trình mang tính hình tượng. Khi làm công tác truyền thông, người ta muốn chuyển tư tưởng, tâm tư, tình cảm của mình đến với người nghe và mong nơi người nghe đáp lại tâm tư, tình cảm của mình. Thế nhưng tâm tư, tình cảm tự vốn là vô hình, vì thế khi ta muốn truyền thông nó đến cho người khác, ta phải sử dụng một hệ thống dấu chỉ và biểu tượng. Cái hệ thống dấu chỉ và biểu tượng đó trước hết là ngôn ngữ bằng lời. Mình càng sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ bằng lời bao nhiêu thì mình càng có khả năng diễn đạt tư tưởng nó khúc chiết, tình cảm và thuyết phục bấy nhiêu. Nhưng ngôn ngữ không chỉ bằng lời, mà còn bằng ngôn ngữ hình thể, bằng ký hiệu...Tương tự như vậy, nếu chúng ta muốn truyền thông Lời Chúa, mình cũng phải sử dụng ngôn ngữ: ngôn ngữ đây chính là Lời của Thiên Chúa. Hãy để cho ngôn ngữ của Thiên Chúa thấm vào cuộc đời chúng ta và trở thành một ngôn ngữ không lời được diễn tả qua cử chỉ, qua hành động, qua cách sống của mình. Lúc đấy chúng ta mới có khả năng truyền thông Lời Chúa cho người khác một cách thuyết phục.

Kính thưa qobace, mỗi một người chúng ta đóng một vai trò rất quan trọng, dù trong tư thế trao ban hay đón nhận. Ngày hôm nay Chúa Giêsu vẫn đang nói với mỗi chúng ta: Anh em hãy đi loan báo Tin mừng cho muôn dân. Vây mỗi người chúng ta phải tự tra vấn lương tâm mình rằng: Tôi có Lời Chúa trong trái tim tôi không? Tôi có Tin Mừng Chúa ở trong cuộc đời tôi không? Bởi nếu không có thì lấy gì để loan báo, lấy gì để rao giảng, lấy gì để trao ban. Thế nên ngay từ lúc này, mỗi người hãy cố gắng vun đắp ngôn ngữ của Chúa trong cuộc sống của chúng ta, đó chính là ngôn ngữ Yêu Thương. Nhờ đó, chúng ta có thể góp phần để truyền thông lời Chúa qua những cử chỉ, những lời nói đậm tình yêu thương dành cho nhau.

Chúa Giêsu đã yêu trái đất này và Ngài đã sống trọn phận người như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi. Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc, sự bi đát và cao cả của phận người. Xin Chúa chỉ dạy và nhắc nhở chúng ta biết đường lên trời nhờ biết sống yêu thương và biết đón nhận nhau.

----

ĐỨC GIÊ-SU VỀ CÙNG CHA

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông

Cv 1,1-11 Chúa lên trời

Tv 47,2 Thiên Chúa ngự lên trong trong tiếng reo mừng.

Ep 1,17-23 hoặc  4,1-7.11-13 Một niềm hi vọng duy nhất.

Mc 16,15-20 Đức Giê-su truyền những lệnh cuối cùng cho các Tông đồ. 

 

1. HỎI: Các bài đọc liên kết với nhau như thế nào?

THƯA: ĐỨC GIÊ-SU VỀ CÙNG CHA. Đức Giê-su đã ban những lệnh truyền cuối cùng cho các môn đệ trước khi rời xa các ông (BTM) về trời sau 40 ngày hiện ra và dạy dỗ họ (BĐ1). Ngài lên trời là để tuôn đổ muôn ơn huệ xuống cho loài người giúp xây dựng Hội Thánh (BĐ2).

2. HỎI: Sách Công vụ Tông Đồ là sách gì?

THƯA: Sách Công vụ Tông Đồ là tác phẩm thứ hai của Thánh Lu-ca, tiếp nối sách Tin mừng thứ nhất kết thúc với biến cố Đức Giê-su lên trời. Sách Công vụ cho thấy sự bành trướng mau lẹ của Hội thánh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần theo lệnh truyền của Đức Giê-su trước khi về trời: “Anh em sẽ nhận lấy Chúa Thánh Thần ngự xuống trên anh em, anh em sẽ là chứng nhân cho Thầy ở Giê-ru-sa-lem và trên toàn cõi Giu-đê và Sa-ma-ri a và cho đến tận cùng trái đất”. (Cv 1,8).

3. HỎI: Bài đọc một (Cv 11,1-11) nói về điều gì?

THƯA: Bài đọc một kể lại biến cố Đức Giê-su rời bỏ trần gian để trở về với Thiên Chúa Cha sau khi ban những lời cuối cùng cho các môn đệ.

4. HỎI: Con số 40 (Cv 1, 3) có ý nghĩa như thế nào?

THƯA: Trong truyền thống Kinh Thánh con số 40 không có ý nghĩa thời gian, mà chỉ có ý nghĩa biểu tượng, vừa chỉ thời gian thử thách vừa chỉ thời gian trưởng thành. Đó là thời gian chờ đợi cho một khai sinh mới. Như Đại lụt diễn ra trong 40 ngày và 40 đêm; như Mô-sê ở trên núi 40 ngày; như người Do thái lang thang trong sa mạc 40 năm. Bốn mươi ngày Đức Giê-su trong hoang địa chuẩn bị cho sứ mệnh của Đấng Cứu Thế. Bốn mươi ngày sau khi Đức Giê-su sống lại, các tông đồ được chuẩn bị để lãnh nhận Chúa Thánh Thần để thực hiện sứ mệnh làm chứng cho Đức Ki-tô phục sinh.

5. HỎI: Tại sao sách Công vụ (bài đọc 1, của Lu-ca) cho biết khoảng 40 ngày sau khi sống lại Đức Giê-su đã lên trời trước mắt các Tông đồ. Nhưng trong tin mừng thứ ba (cũng của Lu-ca) thì lại kể việc Chúa lên trời xảy ra sau khi Chúa sống lại.

THƯA: Đó là hai cách nói về một mầu nhiệm duy nhất.Câu truyện được kể trong sách Công vụ là việc Đức Giê-su phục sinh hiện ra lần cuối cùng cho các môn đệ trước khi không còn xuất hiện công khai trên thế gian nầy nữa cho đến khi Ngài trở lại. Còn việc Đức Giê-su lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa thuộc mầu nhiệm Phục sinh. Đức Giê-su khi sống lại đã ở ngay trong vinh quang Thiên Chúa Cha, nói theo ngôn ngữ Kinh Thánh: “đã ngự bên hữu Thiên Chúa”. Thỉnh thoảng Ngài hiện ra với các môn đệ để củng cố Đức tin của họ.

6. HỎI: Mầu nhiệm lên trời có nghĩa gì?

THƯA: Việc Đức Giê-su lên trời và và việc Chúa Thánh Thần Hiện Xuống không thể tách rời khỏi mầu nhiệm Phục sinh, vì cả ba đều nhằm khai triển mầu nhiệm Phục sinh của Đức Ki-tô. Lên trời có nghĩa là kết thúc các lần hiện ra của Đức Giê-su Phục sinh với các Tông đồ, kết thúc sự hiện diện của Đấng Phục sinh dưới hình thức thấy được, sờ được, nhưng không có nghĩa là Ngài vắng mặt.  Trái lại, mầu nhiệm lên trời mở ra sự hiện diện mới của Đức Ki-tô ngang qua hoạt động Chúa Thánh Thần. Từ nay, Đức Giê-su hiện diện trong Giáo Hội cùng với sứ mạng loan báo tin mừng.

7. HỎI: “Ngự bên hữu Thiên Chúa” có nghĩa gì?

THƯA: Đó là cách nói Kinh Thánh có nghĩa là “ngang hàng với Thiên Chúa”, chỉ mình Đức Giê-su đã được trao quyền bá chủ trên trời dưới đất, dẫn dắt toàn thể tạo vất đến chốn vinh quang, và đồng thời trở thành Đấng cầu bầu cho loài người.

8. HỎI: Tại sao Đức Giê-su truyền cho các môn đệ không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem (Cv 1,4) trong khi các bản văn Tin Mừng khác lại kể các lần hiện ra của Đức Giê-su phục sinh ở những nơi khác?

THƯA: Các bản văn Tin Mừng khác cho chúng ta biết rằng Đấng Phục Sinh hiện ra ở Ga-li-lê, nhưng ghi nhận của Thánh Lu-ca không đi ngược với những gì được nói đến ở các đoạn khác trong Tân Ước. Lí do là vì tác giả không quan tâm theo thứ tự chính xác về thời gian và địa lý các sự kiện liên quan đến sự sống lại của Đức Giê-su, nhưng chủ ý trình bày sứ điệp nền tảng của toàn bộ Tin mừng của ngài. Đó là: Giê-ru-sa-lem là trung tâm tôn giáo của Do Thái giáo. Đức Giê-su hướng đến Thành Thánh này từ đầu cho đến khi kết thúc sứ mệnh của mình. Kế đến, chính từ thành Giê-ru-sa-lem mà sứ mạng phải được tiếp tục qua các tông đồ.

9. HỎI: Tại sao phải bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem?

THƯA: Bởi vì theo thánh Luca, Giê-ru-sa-lem là trung tâm mà từ đó tỏa ra sứ điệp mới về ơn cứu độ do các tông đồ rao giảng, như đã được báo trước bởi các lời tiên tri xưa (Is 60,3.6; 66,1-3).

10. HỎI: Hai nhân vật mặc áo trắng có ý nghĩa gì?

THƯA: Thánh Lu-ca thích số hai. Như trong trình thuật ngôi mộ trống, ông mô tả hai người mặc áo trắng trong ngôi mộ (Lc 24,4), trong biến cố biến hình có hai ông Mô-sê và Ê li a từ trời xuống (Lc 9,30). Áo trắng là biểu tượng cho thiên giới siêu phàm. Hai nhân vật mặc áo trắng chuyển tải sứ điệp quan trọng từ Thiên Chúa đến cho các môn đệ.

11. HỎI: Sứ điệp của các thiên sứ gửi cho các môn đệ có nội dung như thế nào?

THƯA: Các thiên sứ bảo các môn đệ đừng cứ đứng nhìn trời, nơi Đức Giê-su đã lìa xa các ông (Cv 1, 11). Để ở lại trong tình yêu của Ngài thì hãy thi hành lệnh truyền Ngài để lại, là làm chứng nhân cho Ngài trên khắp cùng trái đất cho đến khi Ngài trở lại.

12. HỎI: Sứ vụ ấy có quan trọng không?

THƯA: Các sách tin mừng đều kết thúc với một sứ mệnh giao phó cho các môn đệ. Tương tự như vậy, từ những trang đầu tiên sách Công vụ, Đức Giê-su nhắc nhở Giáo Hội những đòi hỏi chính yếu: khi Giáo Hội, hay cộng đoàn Giáo Hội không còn là một cộng đoàn truyền giáo, thì nó không còn là Giáo Hội của Đức Ki-tô nữa.

13. HỎI: Thánh Lu-ca muốn trình bày cho chúng ta điều gì khi nói rằng “Người được cất lên ngay trước mắt các ông” (Cv 1, 9)?

THƯA: Sau khi cho những người được gọi để làm chứng nhân (1,3) thấy nhiều ‘bằng chứng’ về sự phục sinh của mình, giờ đây Đức Giê-su tỏ cho các môn đệ biết mục tiêu cuối cùng của sự sống lại. Trước khi lên trời, trong lần xuất hiện cuối cùng này, Đức Giê-su mạc khải cho họ ý nghĩa cuộc đời của Ngài: xuất phát từ Chúa Cha, giờ đây Ngài trở về với Chúa Cha, nhưng Ngài không trở về đó một mình, mà còn mang theo với Ngài ‘một đoàn dân tù tội’ (Ep 4,8) mà Ngài đã kéo ra khỏi quyền lực của bóng tối để đưa vào vương quốc ánh sáng (Cl 1,13), Ngài ra đi dọn chỗ cho chúng ta để Ngài ở đâu, chúng ta cũng ở đó (Ga 14,2-3).

14. HỎI: Lời của hai thiên sứ “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời?” (Cv 1, 11) có ý nghĩa gì?

THƯA: Hiện giờ, các môn đệ vẫn còn trên thế gian giữa những người mà họ phải làm chứng cho thực tế mới của Vương quốc Thiên Chúa được Đức Giê-su khai mạc: một vương quốc không như những vương quốc trần gian, được thành lập trên quyền lực và tiền bạc (Lc 22, 25-26), nhưng một Vương quốc của tình yêu, công lý và hòa bình. Vương quốc này không thể được tìm thấy trong các đám mây, nhưng đã ở giữa chúng ta (Lc 17,20-21) và lớn lên mỗi lần chúng ta để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

15. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Mc16,15-20) như thế nào?

THƯA: Đoạn tin mừng nầy là phần cuối cùng của Tin mừng Mác-cô, thường được gọi là đoạn kết chính lục, để phân biệt với câu kết văn chương ở 16, 8. Đoạn kết nầy dường như tóm lược các lần hiện ra của Đức Giê-su phục sinh với các môn đệ của Ngài đã được kể lại trong các sách tin mừng khác để thúc giục họ lên đường đi rao giảng tin mừng khắp nơi (c.15). Họ được báo trước về thái độ đáp trả: hoặc bằng đức tin kèm theo việc chịu phép rửa, hoặc bằng sự cứng lòng tin (16-18). Kết thúc, Đức Giê-su được cất nhắc về trời, và nhóm Mười Một ra đi rao giảng như lệnh truyền đã nhận (19-20).

16. HỎI: Lệnh truyền cuối cùng của Đức Giê-su có nghĩa gì?

THƯA: Lệnh truyền cuối cùng quan trọng của Đức Giê-su nói đến sứ mạng phổ quát: “Hãy đi khắp muôn dân, rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo”. Đức Giê-su muốn các môn đồ tiếp tục sứ mạng của Ngài là mang tin mừng cứu độ đến cho mọi người.

17. HỎI: “Hãy đi” có nghĩa gì?

THƯA: Lệnh truyền “hãy đi” đòi các môn đồ phải rời Giê-ru-sa-lem để đi đến với mọi người “khắp muôn dân”. Sứ mạng đòi phải khởi hành, rời bỏ nơi ở, khỏi môi trường xã hội, khỏi thế giới tinh thần của mình. Đối với các môn đệ, là phải đi ra khỏi môi trường Do thái để đến với lương dân, dù họ ở gần hay xa trên phương diện địa lí.

18. HỎI: “Rao giảng tin mừng”: tin mừng nào?

THƯA: Tin mừng mà các môn đồ phải rao giảng cho mọi người chính là công cuộc cứu độ trần gian do Thiên Chúa thực hiện qua cuộc tử nạn và tôn vinh của Đức Giê-su.

19. HỎI: Cho ai?

THƯA: Cho mọi loài thụ tạo”. Chỉ có con người mới có thể nghe lời rao giảng và đáp lại bằng đức tin. Nhưng chắc hẳn Mác-cô cũng nhắm đến ảnh hưởng của mầu nhiệm cứu độ trên toàn thể tạo thành trong vũ trụ, như thánh Phao-lô đã khẳng định: “Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Ngài. Quả thế muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy, tuy nhiên vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không lệ thuộc vào cảnh hư nát mà được cùng con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8, 19-22; Cl 1, 1-23).

20. HỎI: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông”(20) có nghĩa gì?

THƯA: Không có sự tách biệt giữa Chúa được tôn vinh và các tông đồ công bố Tin mừng: chính Đức Ki-tô hoạt động và làm cho Lời được hiệu nghiệm. Ngang qua vai trò thiết yếu của các tông đồ, Đức Ki-tô là đấng trung gian duy nhất của ơn cứu độ. Như trong CƯ, Thiên Chúa củng cố lòng tin của những ai cộng tác vào trong công trình của Người bằng chính sự hiện diện của Người (Stk 28, 15; Xh 3, 12; Tl 6,12-13; Gr 1,8.19; 15,20), thì cũng thế, Đức Giê-su củng cố những người Ngài sai đi bằng chính sự hiện diện đầy quyền năng của Ngài (Mt 28,20).

21. HỎI: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin”, dấu lạ là gì?

THƯA: Dấu lạ mà Đức Giê-su nói tới là những đặc sủng Ngài sẽ ban tràn đầy cho Giáo Hội. Nguyên ngữ dấu lạ có nghĩa là “quà tặng, ơn ban” (1Cr 12, 27-31); tương đương với “ân sủng” (Rm 1, 5), “ơn” (Ep 4, 7.11), hay “ơn gọi” (Rm 1, 1). Do đó, dấu lạ là những kết quả mà Thánh Thần mang lại cho người tín hữu, chứ không do công lao của họ. Dấu lạ có thể được coi như ơn gọi xây dựng cộng đoàn và phục vụ tha nhân trong tình yêu mến.

22. HỎI: Nội dung bài đọc hai (Ep 4,1-13) như thế nào?

THƯA: Thánh Phao-lô trích dẫn Tv 68,19 để nói về ý nghĩa việc lên trời của Đức Giê-su: Ngài lên cao là để tuôn đổ muôn ơn huệ xuống cho loài người. Các ơn huệ nầy là để xây dựng Hội Thánh và để giúp cho các tín hữu chu toàn sứ mạng tông đồ của mình.

23. HỎI: Sống Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Đức Giê-su thăng thiên làm phát sinh niềm hi vọng lớn lao trong tâm hồn. Không những một ngày nào đó, chúng ta sẽ gặp lại Ngài trên vinh quang thiên quốc, mà ngay khi còn ở dưới thế nầy, chúng ta còn được nhận lãnh những ơn ban cần thiết để cuộc sống chúng ta được tốt đẹp, xứng đáng với tình yêu Thiên Chúa và ơn gọi mà Ngài đã giao phó cho chúng ta. 2. Thi hành sứ mạng rao giảng về Chúa Giê-su Ki-tô bằng lời nói, việc làm, cách sống của chúng ta và bằng các phương tiệntốt nhất mà chúng ta có.

GLCG 660. Vinh quang còn che giấu của Đấng Phục Sinh trong thời gian này được giải thích qua lời Người nói với bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na: "Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em" (Ga 20,17). Điều này cho thấy sự khác biệt trong cách thể hiện, giữa vinh quang của Đức Ki-tô Phục Sinh và vinh quang của Đức Ki-tô được tôn vinh bên hữu Chúa Cha. Biến cố Thăng Thiên, vừa lịch sử vừa siêu việt, đánh dấu sự chuyển tiếp từ vinh quang này đến vinh quang kia.

662 1545 1137.           "Phần tôi, một khi được đưa lên khỏi đất, tôi sẽ kéo mọi người đến với tôi" (Ga 12,32). Việc đưa lên thập giá mang ý nghĩa biểu hiện và báo trước việc "đưa lên" trong mầu nhiệm Thăng Thiên. Thập Giá là bước đầu của Thăng Thiên. Đức Giê-su Ki-tô, vị Thượng Tế duy nhất của Giao Ước mới và vĩnh cửu, đã chẳng "vào một cung thánh do tay người phàm làm ra,... nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa, mà chuyển cầu cho chúng ta" (Dt 9, 24). Trên trời, Đức Ki-tô liên tục thực thi chức tư tế của Người, "Người hằng sống để chuyển cầu cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa" (Dt 7, 25). Với tư cách "Thượng Tế đem lại phúc lộc của thế giới tương lai" (Dt 9,11), Người là trung tâm và là chủ tế của Phụng Vụ tôn vinh Chúa Cha trên trời (x. Kh 4,6-11).


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...