15/03/2024
258

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY_B

Lời Chúa: Gr 31,31-34;  Dt 5,7-9;  Ga 12,20-33
--------------------------

Mục lục

  1. Đức Giêsu Chịu Khổ Hình Vì Yêu Nhân Loại( Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)
  2. Hạt lúa vùi chôn  (Lm. Thái Nguyên)
  3. Hạt lúa “Thiên Chúa làm Người”  (Jorathe Nắng Tím)
  4. Chết để sống  (Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa)
  5. Giao ước tình thương (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
  6. Khao khát gặp Chúa (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
  7. Hạt giống có mục nát đi mới trổ sinh bông trái (Lm. Trần Bình Trọng)
  8. Chuẩn bị chết  (Trầm Thiên Thu)

ĐỨC GIÊSU CHỊU KHỔ HÌNH VÌ YÊU NHÂN LOẠI

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 5 Mùa Chay, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu đã hiến thân chịu khổ hình, xin Chúa ban ơn trợ giúp, để chúng ta biết noi gương Người, mà tận tình yêu thương nhau.

Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư Hípri cho thấy: Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Đức Giêsu Kitô là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Người khai mở lòng tin của chúng ta, Người khước từ niềm vui dành cho mình mà cam chịu khổ hình thập giá. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời.

Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình, để trở thành Lễ Vượt Qua cho chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Athanaxiô đã nói: Đức Giêsu là mục tử, là thượng tế, là đường, là cửa, và Người đã trở thành tất cả cho chúng ta thế nào, thì Người đã xuất hiện như một cuộc lễ, một đại lễ như vậy. Đức Kitô chịu hiến tế chính là Lễ Vượt Qua của chúng ta. Người tiền phong mở đường cho chúng ta đã đi vào thánh điện, đó là Con Chiên vô tỳ tích. Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Người đã trở nên Vị Thượng Tế đời đời theo phẩm trật Menkixêđê, Người tồn tại đến muôn đời muôn thuở.

Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình, để thiết lập Giao Ước Mới, được ký kết bằng chính Máu của Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Giêrêmia đã tiên báo về một Giao Ước Mới, mà Thiên Chúa sẽ thiết lập: Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.

Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình, để xóa bỏ tội lỗi nhân loại, vì thế, trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 50, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thư gửi tín hữu Hípri cũng đã cho thấy: Đức Kitô đã học biết thế nào là vâng phục, để trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho cho tất cả những ai tùng phục Người. Phục tùng Chúa, chính là phục vụ Người, vì thế, câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói rằng: Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã nói: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Đó chính là quy luật tiêu hao của tình yêu. Do đó, vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã phải hiến thân chịu khổ hình: đã chấp nhận bị khạc nhổ, để trả lại cho nhân loại sinh khí, trước kia, họ đã lãnh nhận trong vườn địa đàng; đã chấp nhận bị vả trên má, để phục hồi gương mặt hư hỏng của họ cho giống với hình ảnh của Thiên Chúa; đã chấp nhận những đòn vọt trên lưng, để cất đi gánh tội, đè nặng trên vai họ; đã chấp nhận bị đóng đinh vào cây thập giá, vì họ đã từng đưa tay hướng về cây trái cấm mà phạm tội. Ước gì ta cảm nghiệm được tình yêu thương, mà Chúa dành cho ta, để ta cũng biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu ta. Ước gì được như thế!

Về mục lục

HẠT LÚA VÙI CHÔN

Lm. Thái Nguyên

Suy niệm

Sống và chết là qui luật tự nhiên của muôn loài muôn vật. Chết là một cách để phát sinh sự sống mới, như Chúa Giêsu đã nói:“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Như vậy, chết là một sự thay đổi cách thái hiện hữu ở một mức độ phong phú hơn nhiều. Đức Giêsu gọi giờ chết trên thập giá của Ngài là “giờ Con Người được tôn vinh”. Cũng từ đó, Ngài đưa ra một nguyên tắc sống:“Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.

Ai mà chẳng yêu quí mạng sống mình; chẳng ai muốn đau thương hay chết chóc. Nhưng sống mà chỉ lo chiếm hữu và hưởng thụ, ta sẽ trở nên trơ trọi như hạt lúa giống không chịu vùi chôn. Cũng vậy, chẳng ai lại coi thường mạng sống mình, nhưng nếu coi trọng nó đến nỗi thành nô lệ cho chính mình, thì khác nào ta nuôi dưỡng một cái xác không hồn. Người ta nghĩ có được danh lợi quyền hành là vẻ vang, nhưng Đức Giêsu coi thập giá là vinh quang. Ngài dạy chúng ta, từ sự chết mới có sự sống, chỉ bằng cách hy sinh mạng sống, chúng ta mới giữ được sự sống; chỉ nhờ phục vụ, chúng ta mới trở nên cao cả. Qua những kinh nghiệm đau thương và buông bỏ, ta mới thấy mình được khi chấp nhận mất, thấy mình nhận lãnh khi chấp nhận cho đi. Như con ốc sên chỉ bò được khi chui ra khỏi vỏ, ta chỉ sống dồi dào khi ra khỏi những bận tâm và so đo tính toán cho mình để sống tình yêu.

Lời kinh Hòa Bình mà ta vẫn hát phải trở thành nguyên lý sống cho cuộc đời ta: “chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Từ đó ta mới hiểu rằng, sống và chết là hai hành vi trao đổi cho nhau trong từng giây phút và từng biến cố của đời mình. Sống là chấp nhận chết đi để triển nở: mỗi một hành vi khiêm tốn là chết đi một phần tính kiêu ngạo; mỗi một hành vi can đảm là chết đi một phần tính hèn nhát; mỗi một hành vi dịu dàng là chết đi một phần tính hung bạo; mỗi một hành vi yêu thương là chết đi một phần tính ích kỷ. Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa mới hình thành.

Tuy nhiên, quên mình, hiến thân, đón nhận cái chết như hạt lúa mục nát, dù trong tinh thần hay thân xác cũng đều là hành vi của đau thương, tổn hại, mất mát, không dễ dàng chấp nhận, dù biết rằng đó là một cách tiếp nhận sự sống mới. Chính Chúa Giêsu cũng phải nao núng và dao động trước cái chết: “Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến và biết nói gì?”. Chúa Giêsu không ngần ngại thố lộ với chúng ta nỗi xao xuyến và sợ hãi của Ngài. Ngài không làm ra vẻ anh hùng trước một sự hy sinh cao cả, nhưng Ngài đã bám níu vào Cha: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này… Nhưng chính giờ này mà con đã đến”.

Như Chúa Giêsu, nếu ta biết tỉnh thức và cầu nguyện, ta sẽ thắng được nỗi sợ bị thua thiệt, mất mát. Cầu nguyện không phải là liều thuốc giảm đau, không hẳn ngăn chặn được nao núng sợ hãi, cũng không mong Chúa đổi ý để cứu ta khỏi đau khổ hay sự chết, nhưng cầu nguyện là sự tin yêu và phó thác trước nỗi xao xuyến và giằng co của phận người. Nhờ vậy mà ta thanh thản trong sự hiến dâng trọn vẹn, để đi vào sự phục sinh vinh hiển với Chúa Giêsu, như Lời Ngài đã hứa:“Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Với niềm hy vọng lớn lao này, chúng ta hân hoan đón nhận cái chết như vị ân nhân đưa ta vào ngưỡng cửa vĩnh hằng. Phải chăng trong tâm tình đó mà R. Tagore đã dâng lời nguyện: “Ôi! Thần chết, ngươi làm cuộc đời tràn đầy lần cuối … Những gì ta là, những gì ta có, những gì ta hoài mong, những gì ta yêu thương, tất cả vẫn sâu xa bí mật trôi chảy về ngươi…Ôi Thượng Đế, kính lạy Người lần cuối. Như đàn hạc hoài hương, ngày đêm hối hả bay về tổ ấm trên núi cao, xin cho đời tôi phiêu du tới quê hương vĩnh cửu ngàn thu”.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Khi nhìn đồng lúa mênh mông bát ngát,
từng cây lúa nặng trĩu những bông hạt,
nhưng ai nghĩ đã qua nhiều ngày tháng,
hạt giống chôn vùi chịu mục nát rã tan.

Cũng thế, bao người sống âm thầm lặng lẽ,
sẵn sàng cho đi và chia sẻ cuộc đời mình,
vẫn tận tình trong lao nhọc hy sinh,
cho gia đình và xã hội được an bình.

Nhìn vào cuộc sống con mới hiểu,
nét đẹp đời người đâu phải là tuổi trẻ,
nhưng thực chất là tuổi của kẻ biết cho đi,
tuổi biết quên mình và sống vì người khác.

Từ ý nghĩa đó con mới thấy,
nét suy tư của những nếp nhăn trên trán,
nét đảm đang của những tấm lưng còng,
nét thong dong của những làn tóc bạc,
là những nét đẹp từng trải qua năm tháng,
của một cuộc đời đã gieo hạt nẩy mầm.

Đó là những hạt lúa đã gieo vào lòng đất,
chấp nhận chết đi để đem lại sự sống mới,
cũng chính là để xây dựng Nước Trời,
sống thực tâm theo lời mời của Chúa,
biến yêu thương thành hoa trái tuyệt vời,
để ban tặng cho đời và thế giới hôm nay.

Xin cho con tiến bước trong từng ngày,
trong âm thầm lặng lẽ và chia sẻ hiến trao,
thao thức góp phần cho cuộc sống dồi dào,
chỉ mong sao mọi sự được đẹp như ý Chúa,
để con hân hoan chờ đón một ngày Mùa,
Mùa vinh phúc, Mùa hồng ân cứu độ. Amen.

Về mục lục

HẠT LÚA “THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI”

Jorathe Nắng Tím

Trong Tin Mừng nhất lãm, Đức Giêsu đã công khai nói với các môn đệ ít là ba lần về cuộc tử nạn và phục sinh sắp tới của Ngài : “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá, và ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 20,18-19). Nói điều này, Đức Giêsu đã làm sợ hãi và nản lòng các môn đệ, vì không ai đi theo Ngài đã nghĩ đến thảm cảnh Thầy mình sẽ bị kết án tử và đóng đinh là hình phạt nặng nề nhất chỉ dành cho tội phạm nguy hiểm. Chính vì thế Phêrô, tông đồ trưởng, tuy ở gần và yêu mến Thầy hơn các anh em khác cũng không đủ bình tĩnh cầm lòng, nhưng đã bức xúc lên tiếng can ngăn : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”, và ông đã bị Đức Giêsu quở trách : “Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,22-23).

Hôm nay Tin Mừng Gioan kể lại câu chuyện giữa Đức Giêsu và hai ông Philipphê, Anrê cùng những người  Hy Lạp được hai ông dẫn đến. Trong dịp này, Đức Giêsu cũng đề cập đến việc Ngài sẽ phải chết trong tay những kẻ chống đối, quyết tâm tiêu dệt Ngài, nhưng khác những lần loan báo trước, lần này, Ngài dùng hình ảnh hạt lúa : “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu qúy mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,24-25).

Hình ảnh hạt lúa thật gần gũi với mọi người, và là hình ảnh gây nhiều ấn tượng, bởi ai cũng biết hat lúa phải được chôn vùi trong đất mới nẩy mầm, sau khi thối rữa. Nhưng chính từ tình trạng thối rữa của hạt lúa mà “sự sống mới” được trổ sinh, và đem lại nhiều bông hạt. Khi dùng hình ảnh hạt lúa, Đức Giêsu không chỉ loan báo việc Ngài sẽ phải chết và sống lại mà thôi, mà còn cho các môn đệ thấy “Con Người Thiên Chúa” của Ngài, mầu nhiệm nhập thể làm người của Ngài. Nói cách khác, Ngài mạc khải cho chúng ta : Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa là con người, với hai bản tính Thiên Chúa và con người :

  1. Như hạt lúa sẽ bị thối rữa đi, Đức Giêsu mang lấy số phận phải chết của con người :

Phận người đáng thương nhất là “biết mình phải chết”. Mọi loài thụ tạo đều phải chết, trừ các thiên thần là thụ tạo thiêng liêng, nhưng con người đáng thương hơn tất cả, vì biết mình sẽ chết, biết thân xác tươi tốt, vạm vỡ, xinh đẹp của mình sẽ thối rữa, tiêu tan một ngày, trong khi con vật tuy cũng chết nhưng không biết mình phải chết. Chính vì “biết” mà phận người đắng đót, đau thương!

Đức Giêsu mang lấy phận người, khi xuống thế làm người. Như mọi người, Ngài lệ thuộc những điều kiện, và giới hạn của kiếp người, và chết là sự thật khủng kiếp đáng kinh sợ nhất, như chính Ngài đã xao xuyến, bồi hồi, hoảng hốt trước giờ lên đường đi chịu chết (x. Ga 2,27).

Nhưng số phận phải chết ở con người không đơn thuần tự động như cỗ máy đến thời hạn phải ngưng, vì con người có quyền và bổn phận trên cái chết của mình, khi cho nó một hướng đi, một đích tới, một giá trị, một ý nghiã mà ngoài bản thân mình, không ai có thể thay thế đảm trách quyền lợi và nghiã vụ tuyệt đối riêng tư này. Chính Đức Giêsu đã khẳng định : “Ai yêu qúy mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). Như thế, bản thân mỗi người có quyền yêu hoặc không yêu mạng sống ; có quyền chọn cho mạng sống mình một tuyến đường, một đích điểm ; có quyền định đoạt tương lai đời đời cho mạng sống, bởi nếu sự chết toàn quyền định đọat mạng sống như toàn quyền trên thân xác, thì Đức Giêsu đã không nói với chúng ta về những khả thể yêu – ghét, mất – còn, tạm bợ – đời đời của mạng sống.

  1. Như “hạt lúa vâng phục” chấp nhận bị chôn vùi, thối rữa, Đức Giêsu mang tất cả sức mạnh toàn năng và sự sống viên mãn của Thiên Chúa :

Hạt lúa thối rữa, nhưng không tiêu tan “vô tích sự”. Trái lại, nó thối rữa để nẩy mầm, đội đất mọc lên thành cây lúa, trổ sinh những bông hạt. Tiếng nói từ trời của Chúa Cha : “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!”, khi Đức Giêsu ngước mắt cầu nguyện : “Lậy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đến. Lậy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (Ga 12,27-28) đã làm chứng thiên tính của Đức Giêsu, chứng thực Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu nhân loại trước nhiều người, nên cũng từ Ngài, từ bản tính Thiên Chúa của Ngài, sự sống trỗi dậy từ cõi chết, sức sống bùng phát từ “thối rữa” của hạt lúa bị chôn vùi, bởi ở nơi Ngài luôn hiện diện Ba Ngôi Thiên Chúa, trong Ngài luôn đầy tràn sức mạnh và sự sống viên mãn, đời đời của Đấng Toàn Năng.

Thánh Phaolô đã qủang diễn “hạt lúa vâng phục” là Đức Giêsu trong thư gửi cộng đoàn Do Thái : “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ; và khi chính bản thân đã đến mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,7-9).

Qủa thực, chính trong Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, chúng ta được chết với Thiên Chúa, vì Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã chết với chúng ta ; chính cùng với Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, chúng ta cho cái chết của mình  những giá trị và ý nghiã đời đời, khi được cùng với Thiên Chúa tiến về vương quốc vĩnh cửu của Ngài, vì Con Một Thiên Chúa đã  đích thân dắt chúng ta đi với Ngài đến tận mộ phần tăm tối của sự chết ; chính nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, chúng ta được sống lại và hưởng vinh quang phục sinh với Ngài, vì “nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người” (2 Tm 2,11) .

Vâng, Đức Giêsu là Hạt Lúa của Thiên Chúa nuôi sống nhân loại, Hạt Lúa tuyệt đối vâng phục thánh ý Chúa Cha xuống thế làm người để chịu chôn vùi, thối rữa với con người phải chết, Hạt Lúa Thiên Chúa là “sự sống lại và sự sống” (Ga 11,25) cho con người đáng phải chết được sống lại và sống đời đời.

Về mục lục

CHẾT ĐỂ SỐNG

Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa

Chúa Nhật V Mùa chay năm B, chúng ta được nghe một trong những tuyên bố mạnh mẽ nhất của Thầy Chí Thánh Giê-su: “Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất mà không thối đi thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi thì sẽ sinh nhiều bông hạt. Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này thì sẽ giữ được nó cho cuộc sống đời đời”. (Ga 12, 24-25).

Đọc những lời lẽ này của Chúa, tôi cảm thấy dường như Ngài đang muốn thức tỉnh nhân loại. Nhân loại chúng ta đang ngủ mê trong một cuộc sống hời hợt bên ngoài. Chúng ta tưởng mình sống mà thực ra không phải. Chúa muốn giúp ta nhận ra đâu là cuộc sống đích thực, đâu là cuộc sống giả tạo. Hạt lúa mì được gieo vào lòng đất. Sau một thời gian, nó mục nát đi rồi nảy mầm thành một cây lúa trổ sinh nhiều bông hạt. Nếu nó không mục nát đi thì nó chỉ trơ trọi và rồi cũng tan biến đi. Đó là quy luật tất yếu của tự nhiên. Còn con người chúng ta thì sao?

Đôi khi tôi băn khoăn và tự hỏi: Tôi đang sống hay tôi đang chết? Chúa bảo tôi phải chết đi thì mới có cuộc sống đích thực. Vậy đâu là những gì tôi phải chết? Và đây là một vài điều.

Trước hết, tôi phải chết đi cho con người nhỏ nhen ích kỷ. Là con người, tôi thường có tâm lý cạnh tranh hơn thua. Thấy người khác hơn mình một chút, nhiều khi tôi không chịu đựng được. Tôi muốn được giàu có, được tài giỏi, được nhiều người biết đến và nhìn mình bằng một ánh mắt nể trọng. Tôi muốn và luôn luôn muốn một cái gì đó. Đôi khi những điều tôi muốn chỉ nhằm thỏa mãn cái tôi huênh hoang và hống hách của bản thân mình. Tôi muốn triệt hạ đối thủ để được nổi lên. Và Chúa bảo tôi phải giết chết đi con người đó nếu tôi muốn sống thật.

Thứ đến, tôi phải chết đi cho những suy nghĩ của mình. Con người tôi lúc nào cũng suy nghĩ miên man. Suy nghĩ giống như con ngựa bất kham luôn làm tôi căng thẳng. Tôi không sao ngưng dứt được dòng suy nghĩ của mình. Suy nghĩ về bản thân, về người khác, về quá khứ, về tương lai, về cơm áo gạo tiền, về gia đình, quê hương, dân tộc, thế giới…. thôi thì đủ loại. Ôi suy nghĩ và suy nghĩ! Dường như con người luôn ở trong dòng suy nghĩ miên man vô tận. Chúa bảo tôi phải ngưng dứt được cái dòng suy nghĩ miên man vô tận đó thì mới có thể tiến vào miền thinh lặng vĩnh cửu. Chỉ khi tôi ngưng dứt được dòng suy nghĩ của mình, tôi mới thực sự kết nối được với nguồn sống đích thực đang tràn trào trong tôi. Chỉ khi dòng suy nghĩ miên man dừng lại, tôi mới có cuộc sống đích thực.

Sau cùng, tôi phải chết đi cho những khái niệm ảo tưởng về thời gian. Thời gian chỉ như một tấm biển chỉ đường. Nó không có quyền gì chi phối tôi cả. Thế nhưng, nhiều lúc tôi bị vướng vào cái vòng luẩn quẩn của thời gian. Nhiều người bị ám ảnh về quá khứ. Quá khứ như một bóng ma lúc nào cũng đè nặng trên cuộc đời của nhiều người. Có những người triền miên đau khổ về quá khứ của mình. Không bao giờ họ tìm được cho mình một giây phút bình yên. Tôi tha thiết cầu xin những người nào đang ôm ấp và ngụp lặn trong đau khổ của quá khứ, hãy buông bỏ và tha thứ cho bản thân mình đi. Còn tương lai thì sao? Bao người ngày hôm nay quá ưu tư về tương lai. Tôi sẽ làm gì sau khi ra trường? Làm thế nào để kiếm tiền nhanh nhất? Tôi sẽ sống ra sao nếu…? Tất cả những điều đó không phải là điều chính yếu của cuộc sống. Hãy chặt đứt tất cả những ảo tưởng phù phiếm của thời gian đó đi. Hãy tiến vào và sống giây phút hiện tại này. Hãy luôn sống trong trạng thái ý thức của hiện tại. Cuộc sống bao la vô tận sẽ mở ra trước mắt chúng ta. Hiện tại và chỉ có hiện tại thôi mới là vĩnh cửu.

Lạy Chúa, Chúa dạy con phải chết đi thì mới có cuộc sống đích thực. Xin cho con biết chết đi cho tất cả những ảo tưởng mà con hay quơ góp. Và chính khi con chết đi là khi con được vui sống muôn đời. Amen.

Về mục lục

GIAO ƯỚC TÌNH THƯƠNG

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Lời Chúa trong bài đọc I hôm nay đề cập đến giao ước. Vậy, giao ước là gì? Giao ước là do sự thỏa thuận của hai bên về một số những điều phải giữ, chẳng hạn như: giao ước hôn nhân, khấn dòng. Nếu một bên vi phạm, giao ước sẽ không còn hiệu lực nữa.

Phản bội giao ước

Nếu xưa trên núi Sinai, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với dân Israel, theo đó Thiên Chúa hứa Ngài là Thiên Chúa của họ và sẽ bảo vệ họ, phần họ thì phải phụng sự Ngài như là Chúa tể duy nhất. Các điều khoản của giao ước ấy được khắc lên hai bia đá. Nhưng dân Israel đã thường xuyên vi phạm giao ước ấy, quay lưng lại với Thiên Chúa, thờ bò vàng (x. Xh 32), dẫn đến hậu quả là nước mất, nhà tan, dân chúng lâm cảnh lưu đày.

Thiên Chúa không đành rút lại lời hứa, tội thì Chúa phạt, hoán cải thì Chúa cứu là lý do Chúa lại trao ban cho dân một giao ước mới, giao ước của tình thương. Giêrêmia là người duy nhất nói về “giao ước mới”, ông tuyên sấm: “Chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng”. Họ đã bất trung, lỗi lời giao ước, chạy theo các thần ngoại mà thờ, không tuân giữ các điều Chúa truyền dạy, sống bất công và vô luân. Chúa là Thiên Chúa tình thương, vấn vương khi tạo dựng, lòng thành tín của Chúa trải muôn ngàn đời, không hề lỗi lời giao ước. Thay vì chia tay để con người chết trong tội, Thiên Chúa chọn để thiết lập một giao ước mới khi tuyên sấm: “Này sẽ đến những ngày Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập”.

Giao ước tình thương

Nội dung của giao ước mới là: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: “Hãy học cho biết Đức Chúa,” vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. Israel sẽ tồn tại mãi” (Gr 31,31-34).

Nếu Luật của Thiên Chúa trước kia được khắc vào đá và Môisen phải đọc và truyền cho dân, dân đã lỗi phạm do vô tình hay hữu ý, khiến Chúa nổi giận. Nay Chúa trao ban Luật cho dân với một cách thức và công thức mới là ghi tạc vào lòng con cái Israel (x. Gr 31, 33). Mỗi người sẽ nhận được trực tiếp và cá nhân với Chúa (x. Gr 31, 34) không qua trung gian: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em ” (Gr 31, 34). Theo nghĩa Kinh Thánh là hiệp thông với Chúa cách sâu xa nhất. Công thức của hai bên: “Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31, 34), đây là nét đặc trưng của giao ước kể từ khi Xuất hành (x. Xh 6, 7) sẽ được áp dụng cho từng người trong dân. Một giao ước “khiến mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Chúa, vì Chúa sẽ tha thứ tội lỗi cho dân” (Gr 31, 34). Giao ước mới này sẽ được Đức Kitô thực hiện và hoàn tất trong “giai đoạn” vượt qua.

Đức Kitô kiện toàn giao ước

Đêm Vọng Phục Sinh, có nghi thức làm phép nước rảy trên dân chúng, nếu có dự tòng thì sẽ rửa tội họ bằng nước phép này. Phép Rửa tội, bí tích khai tâm, cửa ngõ đức tin và là dấu chỉ giao ước giữa Thiên Chúa với con người. Nước dùng để rửa tội là nước lã như mọi thứ nước, nhưng được làm phép để rửa tội nên nước ấy mang một ý nghĩa đặc biệt vì trong đó có giao ước giữa con người với Thiên Chúa.

Nếu trong Cựu Ước, phép cắt được coi là “dấu chỉ giữa Thiên Chúa và người dân của Ngài” (St 17,10-14). Thì đến thời Tân Ước, Đức Giêsu đã đến và ban dấu chỉ cứu rỗi (x. Cl 2,11); (1Pr 3,11).

Ðể chứng minh giao ước này là giao ước đời đời không hề thay đổi, Đức Giêsu đã trao ban bánh và rượu trong Lễ Vượt Qua, tượng trưng cho thịt và máu của Người, làm dấu chỉ giao ước hữu hình ở lại luôn mãi với loài người chúng ta (x. Ga 6,53-56, Mt 26,17-28). Như vậy, bằng lời hứa bất biến Thiên Chúa đã liên kết với chúng ta, nên Kinh Thánh gọi chúng ta là con của lời hứa: “Hỡi anh em, như Isaac, anh em là con cái của lời hứa” (Gal 4,28).

​Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta nhận lời hứa và phúc lành đặc biệt của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu chúng ta giữ lời giao ước với Thiên Chúa và không vâng phục lời Chúa, chúng ta sẽ đánh mất phúc lành ấy.

Giao ước Thiên Chúa đã ký kết dân Israel qua trung gian Môise, cứu họ khỏi ách nô lệ Ai-cập, đưa vào đất Canaan, là xứ của lời hứa. Lúc ấy, Thiên Chúa không đưa họ tiến thẳng vào xứ Canaan ngay lập tức mà lại dẫn họ 40 năm trường trong sa mạc, ban cho họ các giới răn xem họ có vâng phục không (x. Đnl 8,2-16). Tuy nhiên, họ đã không tuân giữ, phần lớn trong số họ phải chết (x. Ed 20,10-13). Chỉ có hai người là Calép và Giôsuê vâng lời Thiên Chúa, và những người sinh ra trong sa mạc mới được đi vào xứ của lời hứa (x. Ds 14,6-38).

Hành trình vào Đất Hứa của dân Israel báo trước hành trình của người kitô hữu chúng ta về Nước Trời. Thật là bài học quí giá. Chúng ta cũng sẽ không thể vào được nếu chúng ta bất tín (x. Dt 3,18-19, 1Cr 10,1-11). Chúng ta hãy cỗ gắng tuân giữ luật Chúa và vâng theo lời Chúa để được vào Thiên Đàng. Amen.

Về mục lục

KHAO KHÁT GẶP CHÚA

     Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Trong ba câu đầu của Phúc Âm Chúa nhật hôm nay (Ga 12,20-22), Thánh Gioan đã kể lại lời giới thiệu về Chúa Giêsu. Khi Người long trọng tiến vào Giêrusalem để mừng Lễ Vượt Qua lần cuối cùng và cũng là chuyến từ giã thế gian để về cùng Cha, có những người Hylạp khi được nghe giới thiệu, họ đã muốn tìm gặp Người. Họ là dân ngoại có cảm tình với Do thái giáo “Họ lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa dịp Lễ Vượt Qua“. Những người dân ngoại này tìm gặp Chúa Giêsu không chỉ để trông thấy mà thôi, mà còn muốn gặp để chuyện trò đàm đạo với Người. Họ đang bước tới trên con đường đức tin.

Họ đến gần Philipphê và xin ông giới thiệu để gặp Chúa Giêsu. Philipphê đi nói với Anrê. Cả hai ông đến thưa với Chúa. Ở đây ta thấy tầm quan trọng của vai trò trung gian, của người giới thiệu, đến với Chúa cần có người giới thiệu, người dẫn đường.

Những người Hy lạp năn nỉ Tông đồ Philípphê: Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp Thầy Giêsu. Người Hy lạp ái mộ “muốn gặp Đức Giêsu”(Ga 12,21). Như thế họ đã có lòng khâm phục và muốn tin tưởng vào Chúa. “Trong Tin Mừng Gioan, gặp có nghĩa là tin. Đức Giêsu cho biết họ sẽ gặp Người nếu họ tin vào Người ngang qua cái chết” (Disciples in Mission 1999:22). Nghĩa là họ sẽ gặp Người trong vinh quang trên khổ giá. Bởi vậy thay vì trả lời trực tiếp, Đức Giêsu đã nói lên một sự thật. Giờ gặp Người là lúc Người bước vào vinh quang: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23). Nhưng vinh quang đó phải ngang qua khổ giá. Đúng hơn, chính trên khổ giá, chính lúc chương trình cứu độ được thực hiện, vinh quang Thiên Chúa tỏa sáng. Niềm tin của những người Hy lạp phải ngang qua thập giá mới đạt được. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu nói với các môn đệ về sự thật trên bước đường theo Người. (Lm. Giuse Đỗ Vân Lực).

Chúng ta có ao ước gặp Chúa Giêsu không?

Để trả lời, trước hết nên tự hỏi lòng mình: tôi có yêu mến Chúa Giêsu không? Nếu thực sự tôi yêu mến Chúa, tôi rất ước muốn, khao khát gặp gỡ Người, và tôi sẽ tìm mọi cách để gặp Người cho bằng được. Dĩ nhiên, tôi cũng biết rằng, không giống như khi Chúa Giêsu còn tại thế, lúc mà những ai ao ước trông thấy Người, có thể thấy bằng mắt phàm; còn bây giờ tôi chỉ có thể thấy Chúa bằng con mắt đức tin, gặp Chúa bằng đức tin. Và nếu tôi ao ước thấy Chúa, gặp gỡ Chúa bằng đức tin, thì tôi sẽ toại nguyện, vì Chúa đã dạy rõ ràng : ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.

Thứ đến, Chúa luôn hiện diện cho chúng ta gặp Người, đặc biệt là trong Thánh lễ. Gặp gỡ Chúa khi dâng lễ mới là quan trọng. Chính vì thế mà khi Anrê và Philípphê đến thưa với Chúa Giêsu ước nguyện của mấy người Hy lạp, thì Chúa lại hướng các môn đệ đến Giờ Tử Nạn Phục Sinh của Người. Chúa bảo, đã đến giờ Con Người được Tôn vinh, rồi Người lại nói đến hạt lúa mì gieo xuống đất phải chết đi mới sinh nhiều hạt khác. Và bấy giờ Người mới mời gọi ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó!. Như vậy là Ý của Chúa Giêsu đã rõ. Người hướng tất cả những ai muốn gặp Người, trong số đó có chúng ta, đến Giờ Tử Nạn Phục Sinh. Nơi đó, lúc đó chúng ta sẽ gặp được Chúa. Điều đó không có nghĩa là phải đợi đến ngày lễ Phục Sinh, chúng ta mới gặp được Chúa. Chúng ta cùng nhau gặp Chúa ngay bây giờ khi cùng nhau cử hành Thánh lễ, và đón Chúa đến với chúng ta trong lòng Giáo Hội. Với đức tin, chúng ta gặp được Chúa trong mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh.

Chúa Giêsu đến trong Thánh lễ là Đấng đã chịu đóng đinh và chịu chết vì chúng ta, đã mặc lấy thân phận loài người như chúng ta, đã trải qua nhiều đau khổ, đã xin Thiên Chúa Cha cứu mình khỏi chết như lời thư gởi tín hữu Do Thái. Nhưng cuối cùng Người đã vâng phục Chúa Cha, sẵn sàng chịu chết. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã tôn vinh Người, cho Người sống lại từ cõi chết.Đó là mầu nhiệm Giáo Hội tuyên xưng và cử hành trong mỗi thánh lễ, là bí tích Giao ước mới và vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với nhân loại nhờ Máu của Chúa Giêsu đổ ra trên thập giá, làm cho chúng ta thành Dân riêng của Thiên Chúa. Thánh lễ là bí tích của sự gặp gỡ, là bí tích của tình bằng hữu giữa Thiên Chúa và chúng ta nhờ Chúa Giêsu. Mỗi lần đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, hãy nhớ câu nói của mấy người Hylạp: Chúng tôi muốn được gặp Thầy Giêsu. (ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc).

Philípphê và Anrê là những người đầu tiên chia sẻ kinh nghiệm và đưa những người khác đến với Chúa (1,35-46). Bổn phận người môn đệ phải chu toàn trong đời sống là làm trung gian để cho nhân loại có thể gặp gỡ Chúa Giêsu.Thế giới ngoại giáo chưa hề biết trực tiếp Chúa Giêsu, mà chỉ nhờ lời rao giảng của các tông đồ: người ngoại đã “thấy” Chúa Giêsu nhờ Tin Mừng được rao giảng cho họ. Nhưng giữa ước muốn được “thấy” Chúa Giêsu và việc “gặp” Người còn có cuộc Thương Khó-Chết-Phục Sinh của Chúa nữa. Chỉ khi đó họ mới bắt đầu những kinh nghiệm đầu tiên về niềm tin chân chính vào Đức Kitô hằng sống, là những kinh nghiệm không thể có được trước Phục Sinh.

Hôm nay, Giáo xứ chúng ta có nghi thức tiếp nhận các anh chị em Dự Tòng gia nhập vào Giáo hội. Đây là những lương dân thiện chí muốn trở nên Kitô hữu.Họ khao khát chân lý. Họ mong muốn tìm gặp Chúa Kitô và đón nhận tình yêu của Người. Sau những ngày tháng học hỏi về giáo lý, họ được tiếp nhận vào cộng đoàn và chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội trong Đêm Vọng Phục Sinh để trở thành con cái Chúa.

Kính thưa anh chị em Dự Tòng.

Trở thành Kitô hữu không chỉ là gia nhập vào cộng đoàn giáo xứ,chấp nhận giáo lý của Chúa Giêsu và Giáo hội mà còn quan trọng hơn là gặp gỡ Thiên Chúa và khám phá ra tình yêu vô bờ bến của Ngài trong chính cuộc đời mỗi người.

Thật ra, mỗi Dự Tòng đã được Thiên Chúa yêu thương. Ngài hiện diện trong cuộc đời mỗi người từ lầu rồi, mặc dù anh chị em chưa bao giờ nghĩ tới để nhận ra Ngài. Anh chị em tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng thực sự Thiên Chúa tìm kiếm anh chị em trước. Nhờ Ngài mà cuộc tìm kiếm của anh chị em thành tựu và hôm nay chúng ta đang gặp gỡ Ngài.

Một cuộc gặp gỡ,một tình yêu có thể làm đảo lộn cả một cuộc đời. Khám phá ra tình yêu Thiên Chúa trong đời mình quả là một biến cố vô cùng quan trọng.Trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa, kể từ nay cuộc đời anh chị em sẽ thay đổi dần.Thiên Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời anh chị em. Hãy đón nhận Ngài với lòng tri ân cảm tạ. Cùng với Ngài anh chị em hãy bắt đầu một cuộc sống mới. Đó là cách tốt nhất để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho anh chị em.

Kính thưa cộng đoàn.

Hôm nay giáo xứ chúng ta tiếp nhận các anh chị em Dự Tòng. Hạt giống đức tin đã ươm mầm và mọc lên. Biết bao công sức, bao nỗ lực của các hội đoàn, bao người đã dày công chăm sóc cho những hạt giống đức tin ấy để hôm nay Thiên Chúa cho mọc lên.

Những Dự Tòng đây đến với Chúa, tin và gặp gỡ Ngài là nhờ lời giới thiệu và gương sống chứng tá của tất cả chúng ta.

Có biết bao người trở lại vì trước đây đã có những kỷ niệm đẹp về Đạo của Chúa. Có những người theo Đạo vì trước kia đã học trường Đạo. Có người khác theo Đạo vì đã có một ân nhân là người Công giáo. Cũng có những người cảm phục một tấm gương chứng tá của Phúc Âm. Có người lại nhận thấy đời sống người Kitô hữu trong gia đình, làng xóm tràn đầy tình bác ái.

Hôm nay giáo xứ chúng ta hân hoan thu hoạch một mùa lúa do công lao của biết bao người. Tạ ơn Chúa và tri ân những người truyền giáo âm thầm cho Giáo hội. Bổn phận giới thiệu Chúa cho người khác là một ân sủng Chúa ban.Khi giới thiệu Chúa cũng chính là lúc chúng ta thánh hoá bản thân mình.

Thiên Chúa là tình yêu.Vậy lời giới thiệu trung thực nhất phải là lời ca ngợi về một Thiên Chúa tình thương. Để nói về tình thương, chúng ta phải có kinh nghiệm về tình thương, ao ước và gặp gỡ Thiên Chúa tình thương. Cách chuyển thông chính xác nhất tình thương của Thiên Chúa là bản thân mỗi người yêu tha nhân với tấm lòng chân thành của mình.

Lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả về Chúa Kitô rất ngắn ” Đây là Chiên Thiên Chúa.Đây Đấng xoá tội trần gian“. (Ga 1,29). Điều đó nhắn nhủ rằng: Để giới thiệu về Chúa chưa chắc đã cần nói nhiều.Vì nói nhiều chưa chắc đã là nói hay.Nói hay mà không đúng thì chỉ làm người nghe lạc lối. Để giới thiệu về Chúa cần nói đúng và sống điều mình rao giảng. Khuôn mặt đúng nhất của Chúa là tình yêu thương: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16) và tình yêu thương ấy là “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Chúng ta hãy là hạt lúa,đến mảnh đất nào thì gieo mầm xanh tình thương để mảnh đất ấy bừng lên sự sống xanh tươi, hứa hẹn một mùa gặt tốt đẹp.

Về mục lục

HẠT GIỐNG CÓ MỤC NÁT ĐI MỚI TRỔ SINH BÔNG TRÁI

Lm Trần Bình Trọng

Danh tiếng Ðức Giêsu lúc này đã phải vang dội như sóng bạc đầu, nhất là việc Người vừa làm cho ông Ladarô đã chết bốn ngày sống lại ở Bêtania, cách Giêrusalem có hai dậm.

Vì thế một số người hành huơng Hy lạp xin ông Phi-líp-phê, có tên Hy-lạp, cho được yết kiến Ðức Giêsu, có lẽ với hi vọng được sự thông cảm của người cũng có tên Hy lạp chăng? Ông Phi-líp-phê lại hỏi ý kiến ông An-rê cũng mang tên Hy-lạp. Nhóm người Hy lạp đây không phải là người Do thái nói tiếng Hy lạp, nhưng là người Hy lạp sống ở Do thái, đã phải nghe đồn thổi về việc Ladarô được Ðức Giêsu cho sống lại (Ga 12:17). Trước khi đế quốc La mã thống trị Do thái, thì đế quốc Hy lạp đã đặt chân ở đây. Người Hy lạp được tiếng là ưa chuộng triết học, kiến trúc và nghệ thuật. Có lẽ vì những lí do đó mà họ đến viếng thăm Ðền thờ Giêrusalem với kiến trúc đồ sộ nguy nga và xin được gặp Ðức Giêsu.

Sau vụ Ladarô, các thượng tế và nhóm người Pharisêu đang tìm cách hạ sát Ðức Giêsu vì họ sợ ảnh hưởng của Người. Phúc âm ghi lại, họ sợ thiên hạ theo ông ấy hết (Ga 12:19). Còn Ðức Giêsu thì gián tiếp trả lời nhóm người Hy lạp khi bảo các môn đệ rằng: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác (Ga 12:24). Thoạt nghe, người ta cho rằng đó là lời phát biểu có tính cách tầm thường, vì ai quan sát cũng đều thấy và biết như vậy. Tuy nhiên Ðức Giêsu không chỉ nói đến tiến trình biến đổi của thực vật, như cỏ cây hoa lá mà thôi. Luật đó còn được áp dụng cho cả loài người về đời sống thể lý, tinh thần và thiêng liêng nữa.

 Phúc âm còn ghi lại, Ðức Giêsu cầu nguyện với tâm hồn xao xuyến: Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha (Ga 12:27-28). Khi Giuđa phản đối việc bà Maria xức dầu thơm cam tùng hảo hạng lên chân Ðức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau (Ga 12:3), Người cũng đã ám chỉ về cái chết của Người khi bảo người ta cứ để bà yên, hầu giữ lại dầu thơm cho ngày mai táng Người 1 (c. 7). Ðức Giêsu còn ám chỉ Người sẽ phải chết cách bị treo lên khỏi mặt đất (c. 32), nghĩa là trên thập giá.

Qua miệng ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã hứa với dân Người một giao ước mới và vĩnh cửu, để thay thế giao ước cũ trên núi Sinai, giao ước mà dân Chúa đã không tuân giữ. Giao ước mới này không được viết trên bia đá và không phải bằng máu chiên cừu, mà Môsê đã dùng để phê chuẩn giao ước cũ, nhưng được phê chuẩn bằng máu con Thiên Chúa. Ðó là ý nghĩa của lời truyền phép mà linh mục chủ tế tuyên đọc trong thánh lễ: Ðây là máu tân ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội. Theo thư gửi tín hữu Do thái, thì vâng lời và chấp nhận khổ giá là một phần của giao ước mới (Dt 5:8-9).

Sứ điệp mà Ðức Giêsu đến để công bố trong giao ước mới đưa tới sự chết. Và vì vâng lời, nên Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết. Xét theo bản thể Thiên Chúa, Ðức Giêsu không thể chịu đau khổ và chịu chết. Người chỉ chịu đau khổ và chịu chết trong thân xác loài người của Người mà thôi. Vì thế khi sống lại, Ðức Giêsu cũng sống lại trong thân xác loài người của Ngưòi. Còn xét về bản thể Thiên Chúa, thì trước sau, Ngôi Hai Thiên Chúa vẫn là một, không hơn không kém, không thêm, không bớt, không thể chết đi, cũng không thể sống lại.

Theo định luật đào thải của bộ máy tiêu hoá, thì cái gì vào, nó phải ra. Nếu không sẽ bị ứ đọng. Còn theo định luật cung cầu của kinh tế, thì có nhập cảng, phải có xuất cảng. Nếu không, quốc gia sẽ không có ngoại tệ. Về đời sống tâm lý và đời sống thiêng liêng cũng có định luật. Khi người ta chỉ sống cho mình, không cho đi, thì mối liên hệ với người khác sẽ bị cằn cỗi, và đời sống liêng liêng sẽ không phát triển được. Tất cả những định luật đó như công thức toán học, phương trình hoá học, định luật vật lí, định luật tâm lí, định luật kinh tế, nguyên tắc làm giàu cho đới sống tinh thần và đời sống thiêng liêng đã được Thiên Chúa đặt để trong vũ trụ và trong tâm khảm loài người.

Ðể chia sẻ sự sống mới với Ðức Kitô, người ta phải đi theo tiến trình của kiếp sống con người: sinh lão bệnh tử. Trường hợp các vị tử đạo đã làm, là chấp nhận cái chết vì đức tin vào Chúa để được hưởng sự sống mới. Tuy nhiên rất ít người được phúc tử đạo. Ða số loài người trải qua cái chết tự nhiên. Người ta cũng có thể hiểu cái chết ở đây theo nghĩa bóng. Có những văn sĩ cũng đã dùng quan niệm chết đi theo nghĩa bóng như: chia ly là chết cho mình một nửa, để nói lên sự mất mát về tình cảm và tinh thần.

Như vậy theo nghĩa bóng của cái chết thì người tín hữu phải sẵn sàng chết đi cho tội lỗi, chết đi cho tính mê nết xấu, chết đi cho tính tham lam ích kỷ, chết đi cho tính thù hằn giận ghét, chết đi cho tính kiêu căng tự phụ, chết đi cho thái độ sống chết mặc bay để có thể được tham dự vào đời sống trong ơn nghĩa với Ðức Kitô. Sẵn sàng chịu chê cười nhạo báng và chịu bách hại vì tin yêu Chúa là chết đi cho mình một phần. Sẵn sàng trả giá trong cách sống, cách nói năng và hành động để làm môn đệ Chúa, cũng là chết đi cho mình một phần. Sẵn sàng chịu mất mát: mất bạn bè, mất việc làm, mất địa vị xã hội, nếu những nết xấu kể ra trên đây làm cản trở cho bước đường làm môn đệ Ðức Kitô, hay làm sứt mẻ mối liên hệ với Thiên Chúa, cũng là chết đi cho mình một phần. Nói tóm lại chỉ khi nào người ta tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa, ta mới có thể chia sẻ cuộc phục sinh vinh hiển với Người (2 Tim 2:11).

Lời cầu nguyện xin cho được chết đi cho tội lỗi:

Lậy Chúa Giêsu! Chúng con xin cảm tạ Chúa

đã đến thế gian, chấp nhận hi sinh thập giá,

để cứu chuộc tội lỗi loài người, gồm tội riêng con.

Xin cho con được sẵn sàng chết đi cho tội lỗi

và các thứ tính mê nết xấu,

để con được sống lại trong ơn nghĩa với Chúa. Amen

____________________________

  1. Theo linh mục Trần Văn Kiệm, các tiên tri Do thái có thói hay làm kịch mà báo tương lai. Ở đây bà Maria Bêtania cũng xoã tóc, xức dầu thơm cho Chúa, tức là làm y như nhà hiếu, khóc người thân thương khi tẩm liệm. Chính Đức Giêsu giải thích là cứ để bà Maria tẩm liệm Chúa cho ngày mai táng (Ga 12:7).

Về mục lục

CHUẨN BỊ CHẾT

Trầm Thiên Thu

Đồi Sọ lặng Lẽ Cây Thánh Giá

Thế Trần Gieo Neo Nỗi Gian Truân

Thánh Ambrôsiô Optina nhắn nhủ: “Đừng lo sầu về quá nhiều điều, nhưng phải để tâm lo cho một điều chính: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT CỦA MÌNH.” Bất cứ việc gì, dù to hay nhỏ, đều phải chuẩn bị: Phải im lặng trước khi có thể lắng nghe, phải lắng nghe trước khi học hỏi, phải học hỏi trước khi hành động, phải hành động trước khi phụng sự, phải phụng sự trước khi hướng dẫn,… Chết là sự kiện quan trọng nhất đời người, vì một đi không trở lại, càng phải chuẩn bị đặc biệt. Vả lại, cái chết đến bất ngờ, không thể biết trước.

Thiết tưởng đây là cách chuẩn bị tốt cho cái chết mà Thánh Barsanuphius đã áp dụng: “Đừng tìm cách để nổi trội. Trong bất cứ việc gì, đừng sánh mình với người khác. Hãy mặc kệ thế gian, hãy vác lấy thập giá, hãy vứt bỏ tất cả những gì phàm tục, hãy giũ sạch bụi trần khỏi bàn chân.” Đó là cách buông bỏ. Muốn bỏ thì phải buông, có buông ra thì mới nhẹ mình.

Điều đó có vẻ đơn giản nhưng lại không dễ dàng, bởi vì tính xác thịt của con người nặng nề lắm. Chân phước Claude de la Colombière tâm sự: “Chúa đã dang tay để kéo con ra khỏi vũng bùn nhơ mà tình cảm của con đã đẩy con vào và bản tính quá buông thả của con đã nhận chìm con trong đó.” Chắc chắn rằng nếu không có ơn Chúa, chúng ta không thể làm được gì. (Ga 15:5) Tuy nhiên, Thánh Thomas Aquino cho biết: “Chúng ta không có quyền đòi hỏi, nhưng phải nài xin Thiên Chúa ban cho ơn bền đỗ. Nhận ra những ai là người mà chúng ta phải tránh, đó là phương thế quan trọng để cứu lấy linh hồn mình.”

Từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã tuyên phán: “Này sẽ đến những ngày Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.” (Gr 31:31-33) Bất kỳ Thiên Chúa hứa điều gì, dù to hay nhỏ, thì chắc chắn ứng nghiệm, không sai bao giờ.

Tất cả phàm nhân đều là tội nhân, chẳng đáng gì để được Ngài hứa, nhưng vì lòng thương xót mà Ngài dành cho chúng ta những giao ước kỳ diệu và vô giá: “Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: ‘Hãy học cho biết Đức Chúa,’ vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.” (Gr 31:34) Quả thật, Thánh Vịnh gia không thể nín lặng nên đã thốt lên: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130:3)

Chúng ta cảm thấy khó thực hiện nhưng không phải do Thiên Chúa đòi hỏi hoặc bắt buộc nhiều, thực sự Ngài chỉ cần chúng ta thành tâm sám hối. Thế thôi, mọi thứ sẽ ổn, vì chính Chúa Giêsu đã “bù lỗ” cho chúng ta bằng giá máu. Nhưng là phàm nhân, chúng ta không chỉ có máu Pharisêu mà còn có máu Cuội – xạo ke. Thật là quá quắt lắm, vừa giả hình vừa hứa lèo. Mỗi Mùa Chay là cơ hội thuận tiện để chúng ta nghiêm túc xét lại chính mình, soi kiểu 3D – từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, từ bên này sang bên kia, rồi sám hối thật lòng: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.” (Tv 51:3-4)

Một chút tro rắc trên đầu (hoặc vẽ trên trán) cũng chỉ vô ích nếu chúng ta không “xức tro” linh hồn và “xé rách” lòng mình vì tự cảm thấy bất xứng với Thiên Chúa là Đấng chí thánh. Chắc chắn Ngài xót thương ngay, và sẵn sàng bỏ qua hết nếu chúng ta không vỗ ngực, nhưng chân thành đấm ngực mình, đấm vào chỗ sâu thẳm nhất của con tim, chứ không đấm ngực người khác. Không chỉ vậy, chúng ta còn phải cầu xin Thiên Chúa biến đổi chúng ta bằng cách “đại tu” linh hồn: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con; đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.” (Tv 51:12-15) Lời nguyện chân thành đó là lời cầu nguyện có màu tím nhưng lại có sắc hồng lung linh. Tuyệt vời lắm!

Cuộc sống vô thường. Cái khổ nhiều hơn cái sướng, cái buồn nhiều hơn cái vui, nước mắt nhiều hơn nụ cười. Đáng quan ngại là “sinh hữu hạn, tử bất kỳ.” Đời phàm nhân là thế. Khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu cũng phải trải qua trăm cay ngàn đắng. Cay xé lòng, đắng cứng miệng. Chẳng có con đường nào đau khổ và tang thương hơn Đường Thập Giá. Nhưng đó là con đường không thể tránh né, ai cũng phải đi qua.

Vừa giải thích vừa động viên, Thánh Phaolô cho biết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.” (Dt 5:7-9) Vâng lời rất cần thiết, cần thiết hơn cả hy lễ, (Hs 6:6; 1 Sm 15:22; x. Tv 50:8-9) thế nhưng đó lại là bài học khó thuộc và khó thực hiện.

Có mấy người Hy Lạp trong số những người lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa. Họ đến gặp ông Philípphê, người Bếtxaiđa, miền Galilê, và xin được gặp Chúa Giêsu. Ông Philípphê đi nói với ông Anrê, rồi hai ông Anrê và Philípphê đến thưa với Đức Giêsu. Ngài không trả lời thẳng vấn đề mà Ngài nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.” (Ga 12:23-26) Phải chết để có thể sinh ích lợi và tái sinh. Một loại triết lý sống vô cùng kỳ diệu.

Nếu thế này thì sẽ thế kia, nếu thế kia thì sẽ thế nọ. Rất bình thường mà cũng rất khác lạ. Chắc hẳn đã trải nghiệm nhiều nên Thánh Phanxicô Assisi có triết lý này: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.” (Kinh Hòa Bình) Quả thật, kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Ai cũng phải tìm hiểu thấu đáo, rồi phải can đảm sống, như vậy mới có kinh nghiệm, có kinh nghiệm rồi thì mới khả dĩ cảm nghiệm dạng triết lý độc đáo như thế.

Mọi điều phải được ứng nghiệm, lời hứa phải được thực hiện, Ý Cha phải được thể hiện. Nhưng với nhân tính, Chúa Giêsu cũng cảm thấy lo sợ nên Ngài đã tâm sự với các môn đệ: “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây?” (Ga 12:27a) Rồi Ngài thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.” (Ga 12:27b-28) Mặc dù rất sợ nhưng Ngài vẫn mong cho ý Cha nên trọn. Ngay lúc đó có tiếng xác nhận từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” (Ga 12:29) Mọi người có mặt ở đó nghe “tiếng động” như vậy, có người bảo đó là tiếng sấm, có người lại cho đó là tiếng của một thiên thần. Phàm nhân không thể hiểu được. Chúa Giêsu nói: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!” (Ga 12:30-31) Giờ G sắp sửa điểm!

Điều gì đến sẽ đến. Sự giằng co rất gay go. Thời đại chúng ta đang sống cũng là thời điểm “tranh tối, tranh sáng.” Đã có lần Thánh Phaolô phải thốt lên: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành.” (2 Tx 2:7) Dù thế nào thì Chúa Giêsu vẫn muốn thực hiện trọn đức tuân phục, và dù đau khổ tột cùng thì Ngài vẫn hứa chắc: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12:32) Ngài nói thế để ám chỉ Ngài sẽ phải chết cách nào: Chết treo trên Thập Giá. Mọi điều ứng nghiệm từ A tới Z.

Chỉ là phàm nhân, là tội nhân, nhưng chúng ta vẫn được Thiên Chúa yêu thương và ban giao ước, do đó chúng ta cũng phải thề hứa với Ngài và tha nhân, hứa gì thì phải cố gắng thực hiện cho đúng. Bằng cách nào? Đó là đồng lao cộng khổ với Chúa Giêsu qua những điều trái ý mình hằng ngày.

Mùa Chay là Mùa Thương Khó, chúng ta hãy noi gương Thánh nữ Faustina cầu nguyện, đặc biệt biết tạ ơn về những gì mình không muốn: “Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Ngài về những đau khổ nội tâm, về sự khô khan, về sự sợ hãi, về nước mắt, về sự lưỡng lự, về sự tăm tối nội tâm, về sự cám dỗ, về sự thử thách, về sự giày vò mà con không thể diễn tả, nhất là về những điều mà không ai hiểu, về giờ chết với sự chiến đấu dữ dội và cay đắng. Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Ngài về những thập giá nho nhỏ hằng ngày, về sự đối nghịch với các nỗ lực của con, về sự gian khó của đời sống cộng đoàn, về sự hiểu lầm, về sự bẽ mặt vì người khác, về sự khó chịu mà người ta đối xử với con, về sự nghi oan, về sức khỏe yếu kém của con, về sự hy sinh, về sự chết cho chính con, về sự kém hiểu biết, về các kế hoạch thất bại của con.” (Nhật Ký, số 343)

Ôi, lời cầu nguyện vô cùng cao cả và tốt lành, hoàn toàn muốn tuân phục Ý Chúa, chắc chắn Ngài rất vui lòng. Tuy nhiên, muốn thực hiện thì chúng ta phải cố gắng lắm mới có thể hoàn tất lời ước nguyện đó. Thật là khó, nhưng với ơn Chúa thì người yếu đuối nhất cũng khả dĩ hoàn tất.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại, Ngài đã chịu chết để con được sống dồi dào và viên mãn, xin tăng lực can đảm và giúp con vững bước trên đường thập giá. Xin dạy cho con biết: đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi. (Tv 39:5) Con chân thành trở về, cố gắng canh tân cho hợp Thánh Ý Chúa, xin thương xót, tha thứ, cứu độ con và các tín nhân. Ngài Đấng hằng sinh và hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Về mục lục


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...