23/02/2024
215

CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY_B

Lời Chúa: St 22,1-2.9a.10-13.15-18; Rm 8,31b-34; Mc 9,2-10
----------------------------

Mục lục

1. Cùng Thầy lên núi cao (Lm. Jos DĐH. Gp. Xuân Lộc)

2. Nhờ Covid con người biết trở về  (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

3. Hiền dung  (Lm. Thái Nguyên)

4. Chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi (Jorathe Nắng Tím)

5. Cùng với Chúa Giêsu (Bông Hồng Nhỏ, Học viện MTG.Thủ Đức)

6. Được biến hình  (Thiên San, Tập sinh MTG.Thủ Đức)

7. Con người phải lòng Thiên Chúa  (Lm. Giuse Lê Danh Tường)

8. Hào quang Thiên Chúa (Lm. Vũ Đình Tường)

9. Hãy nghe Lời Người (Lm. Xuân Hy Vọng)

10. Lên núi.  (Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa)

11. Một thoáng Thiên Đàng (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

12. Lâng lâng lạ lùng (Trầm Thiên Thu)



 

CÙNG THẦY LÊN NÚI CAO

Lm. Jos DĐH.

Với đôi mắt tinh tường, người ta biết nhìn nhận sự việc, phân tích được vấn đề đẹp và đúng. Khuynh hướng tự nhiên nơi mỗi người, ai ai cũng hướng về cái đẹp, cái tốt, và ước muốn gia đình, người thân, được bình an hạnh phúc. Sống trong thời đại công nghệ hôm nay, người ta chỉ cần bỏ ra một chút tiền, có thể làm mới, làm đẹp diện mạo, rất đơn giản. Nhờ sự thông thái, người ta có thể quan sát, điều khiển công việc từ xa, có thể tư vấn, chọn lựa, vì thế mà thành quả lao động của họ có thể đạt tới tầm mức cao nhất. Sau một thời gian theo Thầy thọ giáo, những ngư phủ ấy được nghe, được nhìn, được chứng kiến điều hay lẽ phải. Rồi hôm nay, đại diện cho số các học trò, các ông theo Thầy Giêsu lên núi cao, một vinh dự như ở đời vẫn nói vui vui mang nhiều ý nghĩa: đi một ngày đàng, học một sàng khôn.

Bằng cả khối óc và con tim, mắt thể xác và tâm hồn, ba người học trò thỏa thích trước vẻ đẹp trên núi cao, các ông còn được thôi thúc bởi thứ ánh sáng của niềm tin: “áo Thầy Giêsu chói lọi, trắng như tuyết, cùng với sự đàm đạo giữa Thầy và hai chứng nhân cựu ước”. Niềm tin sẽ sáng mãi nơi tình Thầy Giêsu, là tình thông hiệp cầu nguyện, niềm tin sẽ trở nên vĩ đại và kỳ diệu, khi ta nghe, hiểu, rồi một ngày nào sẽ được biến đổi nên trong sáng như Thầy. Kitô giáo không chủ trương theo Chúa Giêsu để hưởng vinh quang phú quý ở đời này. Người môn đệ được diễm phúc theo Thầy lên núi cao, cũng không phải để nhìn để xem Thầy trở nên sáng chói, xinh đẹp cho vui mắt. Theo Thầy lên núi cao cầu nguyện, xác tín hơn vào tình yêu của Chúa Cha, biết nghe và hiểu giáo huấn của “Con Chí Ái”, hầu khao khát được biến hình đổi dạng, trở nên môn đệ thật của Đức Kitô.

Người xưa có câu: cơm cha áo mẹ chữ thầy, gắng công mà học có ngày thành danh. Đúng, tình yêu thương nơi cha mẹ, nơi giáo hội, lúc nào cũng mở ra cho ta một cơ hội, một dịp thuận tiện, nhằm giúp ta gặp Chúa, hiểu và sống thánh ý Chúa cách tốt nhất. Được biết Thầy Giêsu là một ân huệ nhưng không, được mời gọi trở nên môn đệ Đức Kitô chính là một sứ mạng đặc biệt cao cả. Ơn ban tự nhiên nơi mỗi tâm hồn là nhận biết: phẩm giá con người là những viên ngọc quý, viên đá sẽ còn lấp lánh đẹp đẽ hơn, nếu được lồng vào bài học khiêm tốn. Người kitô hữu được mời gọi tin theo Đức Giêsu, đâu phải để nhận ơn ban làm môn đệ Chúa ở đời này, hạnh phúc hơn, là mỗi người được cùng Thầy Giêsu đi trọn vẹn đường thập giá đời mình.

Ngày hôm nay, người tín hữu vẫn cho rằng, được sống ơn gọi làm linh mục tu sĩ là vinh dự nhất, thực ra thì ơn gọi nên thánh, nên giống Đức Kitô, mới là trọng tâm của đời người theo Chúa làm môn đệ. Nếu hiểu cùng Thầy lên núi cao để tận hưởng vinh quang trần thế, theo Thầy Giêsu làm linh mục tu sĩ để được vinh quang ở đời này, hẳn Thầy Giêsu sẽ thất vọng lắm ! Ba môn đệ đại diện cùng Thầy lên núi cao, chắc không phải các ông đi theo Thầy cho vui, nhưng đó là sứ mạng riêng, khi mà các ông đã cùng Thầy hiệp thông cầu nguyện, các ông được nhìn được xem thấy, và nghe rõ ràng lời nhắc nhớ: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.

Cùng Thầy lên núi cao, cùng Thầy đi sâu vào đời sống cầu nguyện, cùng Thầy sống thánh ý Chúa Cha, uống cạn chén đắng cuộc đời, có ai cho là dễ không, nếu thiếu sức mạnh của tình yêu và tác động của ơn Thánh Thần. Cùng Thầy Giêsu đi khắp đó đây để được tung hô, được ghi dấu là con Chúa, là con Hội thánh, đó mới là khởi đầu của việc nhận biết Đức Kitô là Thiên Chúa hằng sống. Hãy vâng nghe lời Người, hãy tin và bày tỏ niềm tin bằng việc làm của tình yêu, hẳn ta sẽ thấy sự biến hình đổi dạng để được nên giống Thầy, là hạnh phúc hơn cả. Cùng Thầy lên núi cao hay cùng Thầy đi suốt cuộc đời, đều là diễm phúc. Có cùng Thầy cầu nguyện, cùng Thầy sống thánh ý Chúa mỗi ngày, mỗi giây phút trong đời, còn gì hạnh phúc hơn ?

Được sức mạnh và tình yêu của Chúa trong các tương quan gia đình, xã hội, hay được Chúa Giêsu trợ giúp, để biết bỏ mình vác thập giá theo Chúa cách trọn vẹn, tự do và cơ hội này người tín hữu nào cũng có. Ở đời có vui có buồn, có đau khổ nước mắt, cũng có hy vọng và bình an niềm vui ở phía trước. Được lên núi cao như ba môn đệ, được mời gọi sống ơn gọi linh mục tu sĩ, hay chỉ là một tín hữu giới hạn về năng lực hiểu biết, tất cả đều là đối tượng lòng Chúa thương xót, mọi người đều được nhắc nhớ để ý thức sống thập giá đời mình. Đức Giêsu là Thiên Chúa cứu độ, là Thầy, là bạn đồng hành, mỗi người đều có cơ hội để sống niềm tin và thao thức có Ngài trong suốt cuộc đời mình. Xin đừng ai vô ơn với bậc làm cha mẹ, đừng ai chỉ sống hình thức với chức danh là môn đệ Đức Kitô, bởi vì chính tình yêu của các Đấng bậc mà ta hiện hữu trên đời, và ta đang là ai trong xã hội này. Amen.

Về mục lục

NHỜ COVID CON NGƯỜI BIẾT TRỞ VỀ

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Đại dịch đã nhắc nhở con người phải sống chậm lại vì sức khỏe và an toàn không chỉ mỗi cho bản thân, gia đình mà còn cho cả cộng đồng. Sống chậm lại là dịp để con người ngừng tham vọng và tranh giành lẫn nhau. Sống chậm lại sẽ mang lại cho con người cuộc sống thanh thản bình yên vì bớt bon chen và đấu đá lẫn nhau. Sống chậm lại sẽ giúp con người trở về với bản tính lương thiện và biết sống đùm bọc nâng đỡ lẫn nhau.

Sống chậm lại để con người ngừng khai thác tài nguyên thiên nhiên nhờ vậy mà thiên nhiên sẽhồi phục, và làm cho bầu khí quyển tốt hơn cho con người. Hướng đến xa hơn là khi thiên nhiên đã tái tạo lại môi trường tốt, tự nó sẽ chữa lành bệnh tật cho con người. Dịch bệnh và thiên tai đến với nhân loại phần lớn là do môi trường bị hủy diệt hoặc đã trở nên quá ô uế, dơ bẩn . . .

Thiên Chúa tạo dựng mọi sự ban đầu đều tốt đẹp, nhưng vì lòng tham của con người qua mọi thời đại đã phá hủy thiên nhiên dẫn đến môi trường không còn đáng sống. Nơi thì bị tàn phá nên dẫn đến thiên tai lũ lụt. Nơi thì ô uế nên dẫn đến dịch bệnh tràn lan.

Ngày nay người ta đang cố gắng tái tạo lại những dòng sông, dòng suối đang bị ô uế bởi nước thải và rác bẩn để mang lại dòng sông xanh và sạch cho sự sống hồi sinh.

Ngày nay người ta cũng đang cố gắng trồng rừng, giữ rừng để lá phổi của trái đất mang lại không khí  mát mẻ trong lành cho người.

Và dường sau bao nhiêu năm thay nhau phá hủy môi trường thiên nhiên của buổi đầu tạo dựng, ngày nay con người mới thấy cần phải kiến tạo thiên nhiên trở về với tình trạng ban đầu thì môi trường thiên nhiên mới  bảo vệ và nuôi dưỡng con người.

Điều quan trọng hơn mà Mùa chay mời gọi con người là hãy trở về với hình ảnh ban đầu của tạo dựng là giống hình ảnh Thiên Chúa. Con người là họa ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng thánh, ngàn lần chí thánh thì con người cũng được tạo dựng với trái tim biết yêu thương, biết sống có ích cho đời, và biết xây dựng cuộc sống cho nhau bình an hạnh phúc.

Chúa Giê-su hôm nay khi hiển thị dung nhan thật của Ngài là Thiên Chúa như muốn nhắc nhở con người cũng hãy gìn giữ vẻ đẹp thần linh thánh thiện trong con người chúng ta. Khi được chiêm ngắm dung nhan của một vì Thiên Chúa ngàn lần chí thánh, Phê-rô đã bộc trực nói lên suy nghĩ của mình rằng: “Ở đây thì tốt quá, xin cho con làm 3 lều, một cho Thầy, một cho Mô-sê và một cho Ê-li-a”. Phúc âm bảo rằng, ông nói nhưng chẳng biết mình nói gì, vì ông quá ngất ngây trước dung nhan thánh thiện của Thầy.

Cuộc sống người ky-tô hữu cũng đẹp biết bao khi chúng ta sống thật với căn tính của mình. Căn tính của người ky-tô hữu là yêu thương. Yêu thương không ngăn cách với mọi hạng người. Yêu thương không xa lánh bất kỳ ai, kể cả kẻ thù. Yêu thương để hòa nhập với mọi khổ đau, bất hạnh của anh em để cảm thông, liên đới và sẻ chia. Đó là cách sống mà Chúa bảo: “Người ta cứ dấu này nhận biết các con là môn đệ Thầy là hãy yêu thương nhau”.

Xin cho chúng ta luôn biết sống chân thật trước mặt Chúa và tha nhân. Sự chân thật giúp chúng ta sống đúng với căn tính của mình. Sự chân thật sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chúng ta. Amen

Về mục lục

HIỂN DUNG

Lm. Thái Nguyên

Suy niệm

Phụng vụ Lời Chúa tuần thứ nhất Mùa Chay dẫn chúng ta vào sa mạc, để chứng kiến Đức Giêsu chịu cám dỗ. Ở đó, ta thấy Chúa thể hiện nhân tính của Ngài: một con người yếu đuối, mỏng giòn, đói khát, chịu cám dỗ. Chúa Nhật tuần hai này, chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng Đức Giêsu hiển dung trên núi cao. Ở đó, ta thấy Chúa thể hiện thiên tính của Ngài: sáng láng, rực rỡ, vinh hiển, thánh thiện. Đức Giêsu vẫn là một, không hề phân chia trong bản tính, và luôn hiệp nhất trong Ngôi vị, Ngài thật sự là Thiên Chúa và cũng thật sự là con người, nên sự hiện diện của Ngài vô cùng sinh động và phong phú cho nhân loại.

Trong cuộc hiển dung này, có ba môn đệ thân tín được Chúa Giêsu đưa lên núi Tabo. Ngài muốn củng cố niềm tin cho họ, trước khi họ chứng kiến Ngài bị giới lãnh đạo tôn giáo khai trừ, bị mọi người ruồng rẫy, và bị Chúa Cha như bỏ rơi trong cuộc khổ hình trên núi Sọ.

Trong khi Chúa Giêsu hiển dung còn có sự xuất hiện của Môsê: người đón nhận lề luật từ Thiên Chúa; và Elia: người đứng hàng đầu trong số các ngôn sứ của Thiên Chúa. Đàm đạo với hai vị này, Chúa Giêsu muốn cho thấy nơi bản thân Ngài đã hoàn tất mọi lời hứa về Đấng Mêsia. Với ý nghĩa đó, Ngài là Môsê mới vừa là Elia mới, mở ra một trang sử mới trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Trước thị kiến đầy kinh ngạc này, Phêrô nói lên cảm xúc đầy hạnh phúc mà ông và các bạn đang tận hưởng, bằng cách xin Thầy cho dựng ba lều để ở lại luôn trên núi. Thực ra, ông không biết mình nói gì, vì các ông kinh hoàng. Tiếp theo là một đám mây bao phủ, nói lên sự xuất hiện của Thiên Chúa với việc trao ban một sứ điệp quan trọng: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Lời này lặp lại lời của biến cố phép rửa của Chúa Giêsu, với một chút thay đổi, nhằm khích lệ các môn đệ hãy đặt trọn vẹn niềm tin vào Thầy mình. Tuy nhiên trọng điểm của trình thuật này xem ra hệ tại nơi các từ ngữ sau: “Hãy vâng nghe Lời Người”. Chắc chắn lời này nhắm tới điều mà Chúa Giêsu mới nói với họ trước đó về sự thương khó và sự phục sinh của Ngài. Chúa Giêsu nhận lãnh vinh quang bên kia cái chết, thì liệu họ có giữ được niềm hy vọng và tiếp tục bước theo thầy mình trên con đường thập giá không?

Cũng như Phêrô, Giacôbê và Gioan, mỗi người chúng ta được Chúa dẫn riêng ra một chỗ để được Ngài biểu lộ chính mình cho ta. Nhưng nhiều khi ta muốn tránh né Chúa, chỉ muốn lao đầu vào công việc để thể hiện chính mình. Nhất là giới trẻ với tính khí sôi động, chỉ muốn chạy theo cuộc sống để tìm lợi lộc, danh giá; tìm đến những thú vui bên ngoài, và không ngần ngại ngồi lê với bạn bè, với ly trà chén rượu suốt đêm thâu, nhưng ngồi lại với Chúa một chút thì đã thấy quá lâu. Quen với lối sống ồn ào và bon chen ở đời, nên ta không còn khả năng để sống cái thinh lặng nội tâm, hầu nhận ra sự hiện diện của Chúa đang chờ đợi mình. Ngài vẫn luôn có điều gì đó sâu xa hơn để trao ban, để củng cố đức tin và gia tăng đức mến. Chỉ khi có giờ cận kề bên Chúa, ta mới vững vàng hơn trước những lôi kéo của thế tục, vững tâm hơn trước những nghi nan, vững lòng hơn trước những đêm tối cuộc đời, vững mạnh hơn trước những đau thương thử thách.

Chúa Giêsu vẫn đưa ta vào từng biến cố quan trọng, nhưng rồi cũng giống như Phêrô, ta chẳng hiểu gì. Tuy nhiên, với tình yêu sâu thẳm, Ngài vẫn tiếp tục khai mở tâm hồn ta. Nếu ta biết “lắng nghe Lời Ngài” từ trong sâu thẳm của tâm hồn mình, biết chấp nhận đi vào con đường hẹp của Ngài, ta sẽ được biến đổi từ “cái tôi bên ngoài” thành “cái tôi sâu thẳm” của mình, là chính mình trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ với sự biến đổi hôm nay trong Chúa, mới hứa hẹn cho ta cuộc biến đổi mai ngày trong vinh quang Nước Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã chuẩn bị cho các tông đồ,
trước biến cố đau thương và tử nạn,
bằng cách hiển dung trong sáng láng.

Con tin rằng trong cuộc sống hôm nay,
trước gian nan và thử thách hằng ngày,
chẳng mấy khi con nhìn ra hay nhận thấy,
Chúa chuẩn bị cho con để vượt qua,
bằng hành động yêu thương đầy mới lạ.

Nhưng đòi con phải can đảm đi ra,
ra khỏi mình, ra khỏi những tiện nghi,
ra khỏi những ù lì và ươn lười thất vọng,
để thấy điều mà Chúa vẫn ước mong,
đem lại cho con niềm vui và sức sống.

Xem ra đời con vẫn còn những tối tăm,
vẫn còn phải lần mò trong rối rắm,
nên không tránh được những sai lầm,
chỉ khi con biết lặng trầm bên Chúa,
biết lắng nghe Lời Chúa tận thâm tâm,
thì cuộc sống con mới âm thầm tỏa sáng.

Chỉ có Chúa mới chiếu sáng đời con,
khi con biết chấp nhận đi vào đường hẹp,
chính là cách sống đẹp ý Chúa Cha,
cũng là con đường mà Chúa đã đi qua,
để con tiếp bước trở thành người môn đệ,
đem lại những ân huệ Chúa cho đời.

Xin Chúa mỗi ngày là điểm hẹn cho con,
để con được gặp gỡ và hớn hở vui mừng,
là chính sức mạnh làm con nên nhân chứng,
loan báo tình thương và ân phúc Tin Mừng,
cho thế giới và lòng người đổi mới,
để Nước Trời lan tỏa khắp mọi nơi. Amen.

Về mục lục

CHỈ CÒN ĐỨC GIÊSU VỚI CÁC ÔNG MÀ THÔI

Jorathe Nắng Tím 

Sáu ngày sau lần thứ nhất loan báo về cuộc thương khó và phục sinh của mình, “Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình… tới một ngọn núi cao. Rồi người biến đổi hình dạng trước mắt các ông” (Mc 9,2). Ba tông đồ này cũng sẽ là ba nhân chứng của giờ phút hãi hùng, kinh khiếp trong vườn Cây Dầu, trước khi bị bắt, ở đó  Đức Giêsu  đã xao xuyến, lo sợ đến nỗi phải thốt lên : “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc 14,33).

Trong cuộc biến hình này, ba tông đồ đã nhận ra vinh quang Thiên Chúa của Thầy mình, và tương quan mật thiết cha – con giữa Thầy và Chúa Cha qua tiếng phán từ trời : “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Cũng lời này đã được Chúa Cha  phán  hôm nào, bên bờ sông Giođan, khi Đức Giêsu đến chịu phép rửa của Gioan (x. Mc 1,11).

Choáng ngợp bởi quang cảnh rực rỡ, hoành tráng khi “thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu” (Mc 9,4), cả ba tông đồ đếu ngất ngây và đồng thanh thưa với Đức Giêsu : “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay!”, và mau mắn đề nghị : “Chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho ông Êlia, một cho ông Môsê” (Mc 9,5.6).

Ở đây sướng quá là phải rồi, vì sẽ không phải nghe những lời chửi rủa, khích bác của đám Biệt Phái, Kinh Sư độc mồm ác miệng ; sẽ không bị những người giữ đạo cực đoan, qúa khích lên án, xua đuổi ; không phải ăn uống thất thường, vất vưởng đó đây, không nhà không cửa, nhất là không phải nghe những lời tiên báo cuộc thương khó sắp tới và Thầy sẽ “bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, giết chết…” (Mc 8,31).

Nhưng ước mơ ở mãi trên núi Biến Hình với Đức Giêsu, ông Êlia và Môsê  của ba ông sẽ không bao giờ được thực hiện, khi “các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi” (Mc 9,8). Và đây chính là chi tiết quan trọng trong trình thuật Biến Hình mà người viết xin được chia sẻ với qúy Bạn :

“Chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi”, như  Đức Giêsu là Cứu Chúa duy nhất của chúng ta, vì Đức Giêsu là Tất Cả, như thánh Phaolô khẳng định, khi Thiên Chúa đã chẳng tha chính Con Một của Ngài, “nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8, 32). Như thế, có Đức Giêsu là có Tất Cả, với Đức Giêsu, chúng ta chẳng còn lo lắng, sợ hãi gì, như lời thánh vịnh : “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi… Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời” (Tv 22,1-3.6).

“Chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi”, như một mình Đức Giêsu  là Tình Yêu thương xót cứu sống mọi người, giống  như Ixaác đã được cứu sống khỏi lưỡi gươm từ tay Ápraham, cha mình, khi sứ thần Chúa kịp thời hiện đến can thiệp : “Ápraham! Ápraham!… Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó!” (St 22,11. 12).

“Chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi”, như chỉ một mình Đức Giêsu là Đấng bảo vệ, che chở chúng ta, và một khi “có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8,31).

“Chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi”, như chỉ một mình Đức Giêsu là Đấng thánh hóa, làm cho chúng ta nên công chính, khi tha tội chết, và cho chúng ta sống lại với Ngài, vì ai sẽ có thể buộc tội, nếu Đức Giêsu không buộc tội nhưng  chuộc tội chúng ta? Ai sẽ kết án, nếu Đức Giêsu không kết án, nhưng trắng án cho chúng ta? Thế lực nào có thể bắt chúng ta phải chết, nếu Đức Giêsu đã chết thay cho chúng ta và đã sống lại ngự bên hữu Chúa Cha để chuyển cầu cho chúng ta? (x. Rm 8,33-35).

Thực vậy, cũng như ba tông đồ sau khi được chứng kiến vinh quang của Đức Giêsu khi Ngài biến hình sáng láng trên núi hôm nào đã cùng Đức Giêsu xuống núi, trở về đời sống thường ngày để tiếp tục đối diện với bao khó khăn, thách đố, nhất là cùng Ngài bước vào đường Thánh Giá đau thương, nhục nhằn, chúng ta cũng được mời gọi đi với Đức Giêsu trên đường đời nhiều chông gai, trắc trở ; được kêu gọi lên thuyền với Đức Giêsu ra khơi nhiều sóng gió nguy hiểm, và  cũng như các tông đồ, “trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,37).

Mùa Chay là thời gian thuận tiện Chúa dùng để biến đổi mỗi người, là cơ hội chúng ta theo Đức Giêsu “đi riêng ra một chỗ” (Mc 9,2), chỉ mình ta với Ngài, để được chiêm ngưỡng tình yêu Chúa Cha dành cho Ngài, cũng là tình yêu Ngài dành cho mỗi người chúng ta, đồng thời để được tình yêu ấy biến đổi, thanh luyện đến độ không một ai, một quyền lực nào có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Giêsu, “cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương qủy lưc, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác” (Rm 8,38-39), bởi hành trình trở về của Mùa Chay là trở về với Đức Giêsu, trở về gặp gỡ Đức Giêsu, trở về sống với Đức Giêsu, trở về kết hiệp nên một với Đức Giêsu, như ba tông đồ sau khi đã thấy mọi vinh quang trên núi, “đã không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi”; như hai môn đệ trên đường Emmau  sầu thảm đã chẳng có ai làm bạn đường, nhưng “chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi” (x. Lc 24,13-35) ; như các môn đệ đóng kín các cửa vì sợ người Do Thái, sau khi Đức Giêsu chết và chôn trong mồ đã “chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi, khi Ngài hiện đến ban cho các ông Bình An phục sinh của Ngài” (x. Ga 20, 19-23).

Như các vị, chúng ta cũng phải cố gắng đạt đến tình trạng “chỉ còn Đức Giêsu với ta mà thôi”, vì trong cuộc đời sẽ có những lúc chúng ta chẳng còn ai, chẳng còn gì, nhưng tất cả đều bỏ ta đi, tất cả đều hững hờ, lãnh đạm, tất cả đều chối từ, xua đuổi, tất cả đều thay mặt đổi lòng, kể cả những người ta dồn hết hy vọng, cho hết tình yêu. Trong những hoàn cảnh bi đát, thê lương ấy, ước gì chúng ta đừng quên “chỉ còn Đức Giêsu với ta mà thôi”, như người tử tội bị đóng đinh bên phải Đức Giêsu ở giây phút cuối cùng của cuộc đời, khi không còn ai đoái hoài , không một ân tình thương cảm, ủi an đã chợt nhớ ra : “ngay bên cạnh mình còn có Đấng Cứu Độ giầu lòng xót thương, giữa cuộc đời cô độc, tội lỗi, bị nguyền rủa, kết án, “còn có Đức Giêsu” ở với và chia sẻ gánh nặng tội lỗi, cũng như thân phận bị lên án, loại trừ của mình .

Ước gì trong Mùa Chay, chúng ta gặp được Đức Giêsu, Đấng không bao giờ xa ta, bỏ ta, cả khi ta không còn ai, và ta bỏ Ngài, nhưng Ngài vẫn yêu ta vô cùng và đến cùng, vì Ngài là Thiên Chúa Cứu Độ rất nhân hậu, bao dung, thương xót.

Về mục lục

CÙNG VỚI CHÚA GIÊSU

Bông hồng nhỏ

Có hai ngọn núi đã ghi dấu ấn rất đặc biệt trong cuộc đời của Thầy Giêsu: núi Tabor và Canvê. Núi Tabor, nơi Thầy Giêsu bày tỏ vinh quang cho ba môn đệ thân tín trong cuộc Biến Hình. Trước khuôn mặt chói người của Thầy trong cuộc Hiển Dung, ba môn đệ sợ hãi kinh hoàng, nhưng lòng chan chứa niềm hạnh phúc. Trên đỉnh Canvê, Thầy Giêsu bày tỏ vinh quang trong khuôn mặt của Người Tôi Trung chịu đang khổ. Trên đỉnh đồi Canvê, ba môn đệ thân tín giờ chỉ còn lại một mình Gioan trung kiên theo Thầy trong suốt cuộc Thương Khó. Phêrô chối Thầy nay đang tìm nơi khóc lóc, Giacôbê cũng sợ hãi mà bỏ chạy ngay trong vườn Cây Dầu. Cuộc đời của ta cũng sẽ là những tháng ngày cùng với Chúa Giêsu bước vào vinh quang trong cuộc Biến Hình và trong cuộc Khổ Nạn của Người.

Trên núi Tabor hôm nay, Thầy Giêsu đã dẫn ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan theo mình. Trước sự chứng kiến của ba môn đệ, Thầy Giêsu bày tỏ vinh quang của Người: “Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu” (Mc 9,3-4). Trong vinh quang chói lòa rực rỡ ấy, cả ba ông đều kinh hoàng. Thầy Giêsu mà các ông vẫn yêu mến quả thực là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Ông Phêrô xin Thầy dựng lều để ở luôn tại đó. Nhưng có một đám mây bao phủ các ông và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (x. Mc 9, 5-7). Một lần nữa, Chúa Cha đã xác thực rằng Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Người. Mỗi ngày, ta cũng được Chúa Giêsu mời gọi hãy cũng Chúa biến hình. Đó là khi ta để Chúa biến đổi trái tim, tâm trí, miệng lưỡi, đôi tai, đôi tay, đôi chân và trọn vẹn con người ta. Để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, ta hãy dành thời gian để ở riêng với Người. Chỉ khi được Chúa dẫn riêng ra một nơi, ta mới được cùng Người sống thân mật. Trong thinh lặng của tâm hồn, ta sẽ lắng nghe được lời mời gọi của Chúa, sẽ chiêm ngắm thật sâu khuôn mặt của Đấng mình yêu mến, nhìn ngắm từng hành động đầy yêu thương của Người. Khi đã được thôi thúc hành động như Chúa mời gọi, ta hãy tiếp tục để Chúa Thánh Thần dẫn dắt, Người sẽ cho ta biết mình phải làm gì. Nếu không đọc và suy gẫm Lời Chúa, làm sao ta nhớ được Lời Người dạy dỗ. Cuộc sống vốn dĩ rất ồn ào và giữa lúc giằng co của những chọn lựa, làm sao ta có thể nghe được sự thúc đẩy của Lời Chúa? Bằng việc đọc và suy gẫm một câu Lời Chúa mỗi ngày, để Lời khắc sâu vào trong tâm khảm của mình, ta sẽ từng bước cảm nhận được sự sống thần linh đang trào lên trong tâm hồn.

 Ánh sáng chói lòa của Chúa Giêsu trên núi Tabor là một sự cuốn hút mãnh liệt và mang lại cho các môn đệ niềm hạnh phúc tuyệt vời. Chiều buồn trên đồi Canvê loang máu lại buồn thê lương. Trước khuôn mặt bầm dập và cả thân hình loang máu của Thầy, người môn đệ chỉ thấy trái tim thắt lại và đau đớn vì bị đâm nát. Các anh em khác đã bỏ trốn vì sợ hãi, hoảng loạn. Còn đâu vinh quang rực rỡ của Thầy! Ở trong nỗi đau tận cùng, ta cũng sẽ thất vọng và đau khổ. Ta có thấy mình đang đứng dưới chân thập giá không? Hãy ngước nhìn lên Đấng bị đâm thâu, Người đang chia sẻ với ta cùng một nỗi đau. Người dạy ta tâm tình của một người con biết phó thác mọi sự cho Thiên Chúa Cha. Người mời gọi ta hãy thông phần đau khổ với Người. Trước khi những đau khổ ấy ập đến với ta, đè nặng lên đôi vai và trái tim ta, nó đã đè nặng lên đôi vai của Người, nó đã đâm nát trái tim Người, đã đâm thủng đôi tay và đôi chân của Người. Những lằn roi đẫm máu đã làm cho Người đớn đau và kiệt sức. Người vẫn đang chịu cùng một nỗi đau với ta và với cả nhân loại này. Người mang lấy nhân loại trong trái tim của Người, Người ở cùng nhân loại mọi ngày cho đến tận thế. Đừng thất vọng, đừng đánh mất niềm hy vọng nhưng hãy đặt hy vọng vào Chúa, Người là sự phục sinh và là sự sống. Người mở ra cho ta một con đường dẫn vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.

Lạy Chúa Giêsu! Cảm tạ Chúa đã cho con cảm nhận niềm hạnh phúc được làm con Chúa. Mỗi ngày, xin Chúa đến với con, cho con được cùng Chúa bước vào cuộc Biến Hình để con cũng can đảm cùng Chúa bước vào cuộc Khổ Nạn. Xin cho con luôn khắc ghi Lời Chúa trong tâm khảm để Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi. Amen.

Về mục lục

ĐƯỢC BIẾN HÌNH

Thiên San

Đức Giêsu dẫn riêng Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người dẫn họ lên một ngọn núi cao. Ở đó, Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Có ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Một đám mây bao phủ các ông, từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9, 7).

Việc Đức Giêsu dẫn riêng ba môn đệ thân tín đi riêng ra một nơi, lên một ngọn núi cao cho ta thấy điều gì? Tại sao Ngài không dẫn cả nhóm Mười hai? Thực ra, Đức Giêsu hoàn toàn tự do trong việc tuyển chọn. Cũng như trong biến cố phục sinh, Ngài đã không hiện ra với tất cả mọi người nhưng chỉ với một số người. Tại biến cố biến hình, Đức Giêsu gọi ba môn đệ đi theo mình để tỏ cho các ông thấy vinh quang, dung nhan biến hình của Ngài. Ngài muốn cho các ông xem thấy vinh quang của mình, đồng thời củng cố đức tin cho các ông, giúp các ông thoát khỏi nguy cơ bối rối trước gương mặt “xấu xí” của Người trên thập giá (x. Tông huấn ĐSTH số 15).

Trước dung nhan biến hình của Thầy Giêsu, các môn đệ hoàn toàn kinh hoàng (Mc 9, 6). Như các môn đệ, chúng ta có sẵn sàng đi theo lời mời gọi của Thầy Giêsu? Lên một “ngọn núi” và ở đó với Thầy để Thầy tỏ mình ra cho ta? Dường như cuộc sống mưu sinh khiến ta sẵn sàng từ chối Chúa và không thể dành thời gian để đến với Ngài, chẳng hạn như không muốn đi lễ, không muốn đọc kinh vì sợ mất giờ. Mùa Chay là cơ hội thuận lợi để ta trở về với Chúa, đến và ở lại cách riêng với Ngài. Ở lại với Ngài là điều rất cần cho ta. Đó cũng là kinh nghiệm của sự tin tưởng để trở về với Thiên Chúa, để có thể thổ lộ con người của ta cách chân thành, cùng nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình. Ta hãy tha thiết xin Chúa Giêsu trong biến cố biến hình giúp ta thực hiện một cuộc hoán cải, một cuộc “biến hình” từ say rượu thành say Chúa, từ gái điếm thành thánh nhân (x. Suy niệm kinh Mân côi thứ bốn Mùa Sáng)…

Cũng trong biến cố này, một mạc khải lớn lao được ban cho nhân loại: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9, 7). Đức Giêsu chính là Con yêu dấu của Chúa Cha. Lời mời gọi từ Thiên Chúa thật cụ thể và rõ ràng. Không gì khác hơn trong sự hoán cải của ta ngoài việc tin yêu Con Một Thiên Chúa, quay trở về với Người. Ý muốn của Chúa Cha chính là chúng ta tin nhận Đức Giêsu Kitô chính là Đấng Chúa Cha sai đến. Tin có nghĩa là sống điều Đức Giêsu mời gọi. Chính trong tương quan cá vị với Ngài, chúng ta sẽ được “biến hình”, được trở nên con cái đích thực của Ngài. Đó cũng là động lực thúc đẩy ta sống cho những đòi hỏi của Chúa, để diễn tả tương quan tình yêu của ta với Ngài, với xác tín ta được Ngài yêu cách rất riêng.

Cuộc sống ồn ào, nhiều cạm bẫy khiến ta không còn là chính mình. Ở lại với Chúa Giêsu giúp ta có được một cuộc “biến hình”, để khi biết sám hối, trở về với Ngài, ta sẽ được mặc lấy con người mới. Con người mới ấy sẵn sàng đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa, sẵn sàng “lên núi cao” và cũng sẵn sàng “xuống núi” với Chúa. Nhờ đó, ta được thông dự cả thập giá cũng như vinh quang cùng với Người.

Về mục lục

CON NGƯỜI PHẢI LÒNG THIÊN CHÚA

Lm. Giuse Lê Danh Tường

Đứng trước Thiên Chúa, con người tự thấy mình hèn kém. Nó sợ hãi khi nghĩ đến sự công thẳng của Thiên Chúa giáng xuống những con người tội lỗi. Nhưng nhìn về tình yêu bao la của Chúa, con người lại e dè, xấu hổ. Nó tự thấy mình bất xứng với tình yêu mà Chúa Cả Trời Đất dành tặng cho nó. Thiên Chúa thì mải mê tìm kiếm và tỏ tình với con người. Rồi cũng đến lúc con người ngã vào lòng Thiên Chúa. Lịch sử cuộc tình ấy tiếp tục được trình bày trong Chúa nhật thứ II này.

Người đầu tiên thuận lòng theo Chúa

Sau khi đơn phương ký kết với ông Noe, Thiên Chúa không ngừng bày tỏ tình thương của Ngài với con người. Nhưng sau biến cố Đại Hồng thủy bi thương, dường như con người chẳng sợ hãi Thiên Chúa; Con người tiếp tục làm ngơ trước tình thương của Ngài. Câu chuyện tháp Bael như lặp lại cái tội kiêu ngạo của con người, tội đòi được bằng Trời. Tuổi thọ của các tổ phụ được mô tả dần dần bị giảm xuống cho thấy hậu quả của tội lỗi con người tiếp tục đè nặng trên đôi vai của nó.

Abraham, một người cụ thể phải lòng Chúa đã đột ngột bước vào lịch sử cuộc tình giữa Trời và người. Một con người chính thức gục ngã trước tình thương của Chúa. Ông đã không thể cưỡng lại được tình cảm yêu mến và sự chăm lo của Chúa dành cho Ông. Abraham đã thất thần phải lòng Thiên Chúa. Ông bước đi theo Ngài bất chấp mọi sự. Ra đi nhưng Ông không biết mình sẽ đi đâu. Chỉ đơn giản là Ông đi theo tiếng gọi của Ngài.

Bài đọc thứ nhất (St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18) trích lại phần cao trào thử thách mà Thiên Chúa dành cho Abraham. Chấp nhận đi theo Chúa rồi, nhưng những gì trải ra trước mắt Ông chỉ toàn là những trái ngang và mù mịt. Lời Chúa hứa ban cho Ông Bà một dòng dõi đông đúc luôn được Chúa nhắc lại. Nhưng điều quan trọng là tuổi Ông Bà đã già mà vẫn chưa có con thì nói gì đến dòng dõi. Thế rồi niềm hy vọng được khơi lên mạnh mẽ khi đứa con trai duy nhất của Ông Bà đến tuổi khôn. Nhưng chính lúc ấy thì Thiên Chúa kêu Ông hãy hiến tế con mình. Trái ngang và mịt mù làm vậy, nhưng Abraham vẫn nhanh nhẹn bước đi và thi hành theo Lời Chúa. Ông đã phải lòng Chúa thật rồi.

Tại sao Chúa lại cứ thử thách con người như thế? Người ta có thể than trách về Ngài cứ như là Chúa chỉ nói lời chứ không thực hiện. Nhưng lịch sử cho thấy Thiên Chúa đã dần thực hiện lời hứa của Ngài với tổ phụ Abraham về một dòng dõi đông đúc, một miền đất phì nhiêu và một lời chúc phúc. Ngược lại, lịch sử của con người lại phơi bày những yếu đuối, đổ vỡ, phản bội và bất trung với Chúa. Những thử thách trong tình yêu nhằm thanh tẩy con người ấy càng làm cho câu chuyện tình của Chúa và con người ngày càng trở nên mãnh liệt và đầy thi vị.

Cảm nếm cảnh xum vầy chan hòa hạnh phúc

Trong bài đọc thứ hai (Rm 8, 31b-34) trích từ thư Thánh Phaolo Tông đồ gửi tín hữu Roma, thánh nhân đã thốt lên: “Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta”. Tình yêu mà Chúa dành cho con người quả thực không có biên giới. Thiên Chúa đã không để cho Tổ phụ Abraham dâng hiến đứa con một của mình cho Ngài. Nhưng đến lượt Ngài, thì Ngài đã trao ban chính Con Một của mình cho con người. Thiên Chúa không bao giờ để cho con người bị tận diệt; và để cứu con người khỏi cảnh hư vong, Thiên Chúa đã trao ban tất cả cho con người.

Nếu có giây phút nào đó khiến con người nghi ngờ tình yêu của Chúa, thì Ngài sẵn sàng cho con người hưởng kiến vinh quang ngày chiến thắng, ngày đoàn tụ trong hân hoan. Khung cảnh thần hiện của Chúa Giêsu trên núi Tabor được thuật lại trong bài Tin mừng Chúa nhật này (Mc 9, 1-9). Chúa Giêsu biến hình trở nên sáng láng cùng sự xuất hiện của Môsê và Êlia. Tất cả làm cho không gian trở nên lạ thường. Các môn đệ chứng kiến cảnh này đã bị choáng ngợp trước vẻ huy hoàng. Phêrô lên tiếng nhưng “Phêrô không rõ mình nói gì”. Các ông như không còn ý thức về thân phận mình nữa mà chỉ còn lại là sự thâm nhập của Chúa vào trong con người các ông.

Phêrô đã thốt lên: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm”. Được cảm nếm giây phút rạng ngời trong Chúa, các ông chẳng còn thiết tha gì ở thế gian này. Ông đã thốt lên một lời trong tâm trạng hoảng sợ. Đứng trước cảnh tượng mà người ta chỉ còn có thể ngây người, há miệng, trố mắt nhìn thì làm sao mà còn nghĩ được gì. Phêrô nói mà còn chẳng biết mình nói gì. Nhưng nó lại cho ta thấy khát vọng sâu xa của con người là được ở lại trong Chúa. Lời thốt lên ấy của Phêrô là tiếng vọng từ tận sâu thẳm của tâm hồn con người. Chứng kiến một tình yêu cao cả đến thế nơi Chúa thì con người cũng dần phải lòng hết thôi.

Ngẫm

Phải lòng Thiên Chúa là hạnh phúc cho con người. Tình yêu Chúa có sức thanh tẩy con người tội lỗi, tái tạo và biến đổi con người đổ vỡ trở nên thánh thiện tinh tuyền. Chỉ một lần bạn được cảm nếm sự dịu ngọt của Chúa, bạn sẽ thấy tâm hồn trở nên tươi mới. Và cũng chỉ một lần bạn được ngã vào vòng tay yêu thương của Chúa sẽ muôn đời bạn không thể quên Ngài. Những ngày tháng, hay chỉ là những phút giây bạn phải lòng Thiên Chúa, bạn bị Chúa chiếm hữu tâm hồn, thì bạn sẽ đủ nghị lực và niềm tin để vượt qua tất cả mọi chông gai thử thách trên đường đời.

Nếu không màng chi đến thời khắc lịch sử, thì Mùa Chay đến rồi lại đi. Chẳng còn gì đọng lại trong tôi, trong bạn. Mùa Chay là cơ hội, là dịp mà con người tự tạo ra cho nhau để mà cùng nhau cảm nếm Tình yêu Chúa. Trong tĩnh lặng hay trong hoảng loạn, trong không gian thiêng thánh hay giữa chốn phồn hoa, lời tỏ tình của Chúa vẫn không ngừng vang lên.

Hãy dừng lại một chút để cảm nếm bạn ạ. Hãy nuốt đi những miếng nhai nhồm nhoàm để hớp lấy giọt sương sa thanh khiết mát rượi; hãy bỏ xuống chiếc kính màu chắn nắng để diện kiến vinh quang rạng ngời của Tạo Hóa; hãy rút cái phone ra khỏi tai để bạn có thể nghe thấy âm thanh thực của cuộc sống, những âm thanh từ trời cao hay tiếng róc rách của con suối dưới chân đồi; hãy mở rộng tâm hồn để được cảm nhận tất cả những cung bậc của tình Trời và người đang rung lên từ những tế bào sống trong ta.

Về mục lục

HÀO QUANG THIÊN CHÚA

Lm Vũđình Tường

Hào Quang Thiên Chúa trên đỉnh núi ngày Chúa Biến Hình vượt khỏi trí tưởng của các tông đồ. Sự hiện diện sáng chói của hai tổ phụ Môisen and Elijah chứng tỏ sau cuộc sống trần gian còn một cuộc sống khác tươi sáng hơn, chói lọi hơn, hào quang hơn. Cuộc sống đó dành riêng cho những kẻ tín trung với Thiên Chúa. Hai tổ phụ là những nhân chứng đức tin, vị trước biểu tượng của lề luật và vị sau đại diện các tiên tri. Cả tổ phụ Môisen lẫn Elijah sống trước các tông đồ ngàn năm và các tông đồ không hề gặp trở ngại trong việc nhận ra các ngài. Nhận ra các tổ phụ ngay tức khắc. Chúng ta vẫn thắc mắc làm sao nhận ra tiền nhân khi chúng ta gặp lại các ngài nơi Thiên Quốc. Tông đồ Đức Kitô có câu trả lời xác đáng, bởi chính các ngài đã có kinh nghiệm đó.

Tựa như mặt trăng nhận ánh sáng từ mặt trời. Chúa tỏ vinh quang Chúa qua các tạo vật Chúa dựng nên. Nhân loại không gặp trở ngại gì trong việc thưởng thức loại vinh quang thứ hai Chúa ban tạo vật. Thực ra, tạo vật được tạo dựng cho nhân loại hưởng dùng. Nhân loại bàng hoàng cảnh rực rỡ ban mai, hừng đông hay chiều tà. Con người ngạc nhiên cảnh hùng vĩ của núi rừng, thả hồn nơi bầu trời xanh mát, hay thất thần ngắm nhìn vực thẳm, kinh ngạc vẻ bao la của đại dương, thất thần nhìn sóng thần cuồn cuộn đổ. Cánh hoa sau nhà, trước ngõ, rực rỡ, sáng nở, tối tàn cũng mang lại nguồn vui, nguồn cảm hứng và là quà tặng cao quí trong hầu hết mọi trường hợp. Còn có loại vinh quang thứ ba do con người tạo nên. Loại vinh quang này khi nó mang tiếng cười cho người này, nó lại làm lệ rơi người khác; người này dư thừa của ăn, thức uống, kẻ khác đói đêm, khát ngày. Vinh quang đó là tiền tài, danh vọng, chức tước, bổng lộc.

Vinh quang Thiên Chúa sáng hơn mặt trời, trong hơn tuyết, không gì có thể làm lu mờ vinh quang Chúa. Vinh quang đó chính là tình yêu Chúa. Tham vọng con người không thể đụng chạm đến. Vinh quang nơi tạo vật, con người có thể dùng quyền lực tranh giành, làm vẩn đục vinh quang nơi tạo vật. Chúa dựng nên cho mọi người dùng chung, nhưng tham vọng khiến con người dùng quyền thế, ngăn người này, cấm người kia, dành riêng cho phe nhóm hưởng dùng. Loại vinh quang thứ ba do con người tạo ra là loại vinh quang tồi tệ nhất. Vinh quang trần thế là đầu mối mọi đau khổ, đầu mối mọi tội phạm, gây nên bởi tính kiêu ngạo và lòng tham con nguời. Vinh quang trần thế bị Satan lợi dụng, chúng là mồi nhử gây thù, tạo hận, nuôi ghen, dưỡng ghét. Satan tự nhận đó là của chúng, do chúng làm chủ. Có lần Satan nói với Đức Kitô, ‘Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa, lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy í’. Lc 4, 6. Lời nói vừa đại nghịch, vừa đại lừa dối. Ai trao cho chúng hay chính chúng phịa ra câu nói tụ phụ kia. Tù nhân nghe kẻ có quyền trong tay tuyên bố, ‘tao để cho mày sống thì mày được sống, tao bắt mày chết thì mày phải chết, tao cho ăn thì được ăn, cho uống thì được uống’. Cách nói lạm quyền, giọng điệu, ngôn ngữ của Satan.

Trên đỉnh núi ánh sáng vinh quang Chúa chói loà khiến các tông đồ không thể nhìn thẳng vào, mà phải cúi gằm mặt xuống đất tránh bị loá mắt. Nhân loại không được tạo dựng để trực tiếp đối diện Thiên Chúa. Môn đệ trung tín Đức Kitô hy vọng trực diện vinh quang Chúa trong lần Đức Kitô quang lâm lần thứ hai. Môn đệ Đức Kitô nghe tiếng Chúa và tiếng các tổ phụ. Phêrô đại diện anh em xin cùng Đức Kitô lập ba lều trên núi thánh. Điều xin, Đức Kitô chưa đáp trả thì có tiếng Chúa Cha phán bảo các ông,
‘Đây là Con Ta hằng yêu mến, các ngươi hãy nghe lời Ngài’. c.8.
Nghe lời Đức Kitô, các ông xuống núi và trên đường đi Ngài dặn thêm,
‘Không được kể lại cho ai những điều tai nghe, mắt thấy cho đến sau khi Con Người từ cõi chết sống lại’. c. 9.

Môn đệ Đức Kitô thích lưu lại trên núi bởi các ông chưa hiểu nhìn thấy vinh quang Chúa có kèm theo sứ vụ. Trường hợp Môisen, sứ vụ của ông là dẫn dân Chúa vào miền Đất Hứa. Sứ vụ Đức Kitô là cứu dân Chúa thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi, ma qủi và dẫn đưa dân Chúa vào cuộc sống trường sinh.

Trong cuộc sống đôi khi chúng ta chọn vinh quang Chúa, khi khác lại lầm lẫn, yếu đuối chọn vinh quang trần thế. Thiên Chúa yêu thương không bỏ mặc con người, dù người đó đang sống trong tình trạng tội lỗi, Thiên Chúa vẫn thương, tha thứ, cứu giúp, kiên nhẫn đợi chờ con người nhận điều sai trái, thống hối, ăn năn, trở về cùng Chúa. Nhìn thấy vinh quang Chúa nhắc nhở chúng ta, Thiên Chúa luôn ở cùng nhân loại. Ngài tiếp tục hướng dẫn, bảo vệ và chia sẻ đau khổ, khó khăn của con người. Bước theo Đức Kitô trong tin yêu, hy vọng. Đức Kitô hứa sai Thánh Thần xuống hướng dẫn, cùng đồng hành với ta trong mọi tình huống của cuộc sống. Điều này lần nữa cho biết nhân loại không bao giờ cô đơn trên đường lữ hành, nhưng luôn có Thánh Thần Chúa cùng đồng hành.

Mùa chay là mùa làm cho vinh quang Chúa sáng toả cho mọi người. Qua ăn chay, hãm mình, cầu nguyện, và việc bác ái, hy vọng vinh quang Chúa sáng toả nơi muôn dân.

Về mục lục

HÃY NGHE LỜI NGƯỜI

                                                                   Lm. Xuân Hy Vọng

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Trong thời khắc dịch bệnh vẫn lan tràn, cướp đi tính mạng nhiều người trên toàn thế giới, Giáo hội vẫn tiếp tục sứ mạng trở nên chứng tá cho lòng nhân từ, xót thương và đầy yêu thương của Chúa qua mỗi ngày, đặc biệt Mẹ Giáo hội cùng với chúng ta nhận bụi tro trên đầu, ý thức thân phận yếu hèn, dễ sa ngã của bản thân. Hơn nữa, chúng ta được mời gọi bước vào thời kỳ ân sủng của Mùa Chay, hướng chúng ta trở về với Chúa, lắng nghe Lời Người và tái khám phá vị Thiên Chúa mà chúng ta hằng tin thờ, tôn kính.

Trước hết, Thiên Chúa – Đấng mãi giữ lời: Ab-ra-ham tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, mặc dù chưa biết đích đến là đâu. Ông vâng nghe và thực hiện ngay những gì Người phán truyền, thậm chí chịu hy sinh sát tế đứa con được ân ban. Nhờ vào niềm tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, mà Ab-ra-ham đã chẳng từ chối điều gì, và ông sẵn sàng làm theo thánh ý Chúa. “Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành của quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta” (St 22, 16-18). Xuyên suốt dòng lịch sử dân tộc Is-ra-el, chúng ta thấy rõ Thiên Chúa đã thực hiện tất cả những gì Người phán hứa. Thiên Chúa hằng trung thành, tín trung, giữ trọn lời của Người, không những dành cho dân Is-ra-el, mà còn trao ban dồi dào cho chúng ta qua Con Một yêu dấu của Người.

Thứ đến, Thiên Chúa – Đấng hằng bên đỡ: Thánh Phao-lô xác tín rằng: “Nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta?…Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, cũng đang biện hộ cho chúng ta” (x. Rm 8, 31. 34). Thiên Chúa không chỉ giữ lời phán hứa, mà còn luôn nâng đỡ, chở che, bảo vệ chúng ta, dẫu ta chẳng xứng đáng với Người. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là: chúng ta cho rằng Thiên Chúa đương nhiên phải chăm nom, coi sóc ta; trong khi đó chúng ta vẫn mãi mê với tư lợi, với dự định cá nhân, mà chẳng đoái hoài đến lời kêu mời, thúc giục của Người mỗi ngày, hầu hân hoan thực thi Lời Người, và sống chính trực, yêu thương, tha thứ như Người giáo huấn chúng ta qua Giáo hội, qua các thừa tác viên có chức Thánh, qua mọi biến cố cuộc đời.

Sau cùng, Thiên Chúa – Đấng luôn hiển dung: Trước khi lên Giê-rê-sa-lem chịu tử nạn, Đức Giê-su đã biến hình, tỏ cho ít nhất ba môn đệ thân tín biết vinh quang của Người. Mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận thấp hèn con người, mà vâng phục thực thi chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha qua cuộc khổ nạn, chịu chết nhục nhã trên Thập giá, nhưng từ cõi chết, Người phục sinh. Mầu nhiệm khổ nạn-chịu chết-phục sinh (thường được gọi là biến cố cuộc đời Đức Ki-tô – Christ-event) được tái diễn hằng ngày trong đời sống đức tin của chúng ta, nhất là: trong Thánh lễ, khi tham dự các Bí tích, khi sống Lời Chúa, khi chúng ta sống bác ái, tha thứ. Nhờ đó, Chúa hiển dung nơi cung lòng chúng ta, trong cộng đoàn, hội nhóm chúng ta, trong gia đình và mọi mối tương quan của chúng ta, giúp chúng ta biến đổi cung cách sống, lối sống, tất cả các phương diện con người chúng ta. Tuy nhiên, để cảm nghiệm trọn vẹn nó, tiên vàn, chúng ta phải ghi nhớ lời của Chúa Cha phán: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người” (x. Mc 9, 7). Chúng ta phải tháp nhập vào Đức Giê-su, phải nương náu, sống với Người, ở lại trong Người, ngõ hầu mọi lời nói, hành vi, tư tưởng,…của Đức Giê-su tỏ lộ rõ rệt nơi chúng ta.

          Lạy Thiên Chúa – Đấng trung tín

          Xin cho con luôn nhủ mình tín trung

          Giữ trọn lời Chúa đến cùng

          Sống trong hoan lạc thuỷ chung tinh tuyền.

          Lạy Thiên Chúa – Đấng mãi liên

          Hằng bên đỡ dù triền miên ngày tháng

          Che chở con, tình chứa chan

          Luôn chính trực, đời bình an thiết tha.

          Lạy Thiên Chúa – Đấng ngợi ca

          Mặc lấy xác phàm, bao la tin yêu

          Chịu khổ hình Thập tự treo

          Phục sinh vinh thắng, sống theo Cha hiền.

          “Đây là Con Ta tinh tuyền,

Vâng nghe Người dạy, hằng luôn thi hành”. Amen!

Về mục lục

LÊN NÚI.

Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa

Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay năm B, Thánh Máccô thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu đưa ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan đi riêng với Người lên ngọn núi Tabor. Đây là ba môn đệ thân tín của Chúa. Người yêu họ cách đặc biệt. Điều đó cho thấy, Chúa Giêsu khi xuống trần gian, Người cũng rất người. Người yêu mọi người nhưng vẫn có những tình cảm đặc biệt cho một số người. Người biến hình trước mặt ba môn đệ. Áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không một thợ giặt trên trần gian nào có thể giặt trắng đến thế. Đó là một khoảnh khắc kỳ diệu trong đời. Ba môn đệ đã ngơ ngẩn, ngẩn ngơ khi chứng kiến khoảng khắc đó. Phêrô đã thốt lên “chúng con ở đây thật là hay”. Ông nói mà không biết mình nói gì vì tất cả các ông đều hoảng sợ. Quả thực, không hay sao được khi được ở bên Chúa, được xem thấy Chúa. Nếu có một điều để ước, tôi cũng ước được ở đó cùng với ba môn đệ để chứng kiến khoảnh khắc Chúa biến hình. Chỉ một lần và chỉ một lần thôi, được thấy Chúa là mãn nguyện lắm rồi.

Nếu như Chúa Nhật I, Chúa mời tôi vào sa mạc, thì Chúa Nhật II hôm nay, Chúa mời tôi lên núi với Người. Sa mạc và núi cao đều là những nơi Chúa hẹn gặp con người. Giữa thiên nhiên tươi đẹp, Chúa ngỏ lời với con người. Để gặp được Chúa, tôi cũng phải ra khỏi bản thân để lên núi với Người.

Có một lần, tôi cùng với một nhóm Linh mục đi lên núi Yên Tử. Đây là ngọn núi cao 1068m so với mực nước biển, có ngôi Chùa Đồng nổi tiếng, nằm ở ranh giới của hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Dù đã có hệ thống cáp treo nhưng du khách vẫn phải tự leo lên một quãng đường khá dài. Trong nhóm của chúng tôi, một số cha lớn tuổi xin đầu hàng ngay từ đầu. Một số khác leo được giữa chừng thì bỏ cuộc vì bụng to quá. Chỉ có một nhóm nhỏ lên được tới đỉnh núi. Người lên đỉnh núi đầu tiên là một vị linh mục nhỏ nhất. Có lẽ ngài chỉ khoảng hơn 40 kg.

Quan sát vị linh mục chinh phục đỉnh núi đầu tiên, tôi rút ra được một bài học cho riêng mình. Để leo lên một ngọn núi cao, tôi cần phải có những hành trang cần thiết.

Thứ nhất đó là một niềm tin kiên vững không bỏ cuộc. Leo núi đòi tôi phải tốn nhiều sức lực. Có những đoạn đường nhiều chông gai không dễ đi. Tôi dễ dàng bỏ giữa chừng. Tôi cũng có thể thấy một cái gì đó trên đường lôi cuốn khiến tôi xao lãng. Tôi cần phải mạo hiểm, phải ra khỏi bản thân để có một cú nhảy của niềm tin, như niềm tin của cụ Abraham trong bài đọc 1 (St 22, 1-18 ). Thiên Chúa đòi Abraham phải hiến tế chính con một yêu dấu của mình là Isaac cho Ngài. Đây là điều vượt quá luân thường đạo lý. Không có một nền luân lý nào cho phép cha giết con. Đó là một tội ác không thể dung thứ. Vì thế mà hành động của Abraham chỉ có thể hiểu được trong viễn cảnh ông tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa. Ông tin Thiên Chúa có thể trả lại sự sống cho Isaac và ông vẫn sẽ là tổ phụ của một dân đông đảo. Trong tác phẩm “Kinh hãi và run sợ” (Crainte et Tremblement), Soren Kierkegaard đã viết những dòng vô cùng tuyệt vời để diễn tả niềm tin của Abraham “Tôi nghiêng mình bảy lần trước quý danh Ngài và tôi nghiêng mình bảy mươi lần trước hành động đó của Ngài”. Abraham đã trở thành cha của những người có niềm tin là thế.

Thứ hai, để lên núi, tôi cần buông bỏ. Tôi cần bỏ lại những hành trang cồng kềnh khiến con người tôi ra nặng nề. Bụng càng to càng khó leo núi. Biết bao thứ trong cuộc đời bủa vây tôi. Tham luyến, sân hận, si mê đó là những thứ như muốn kéo ghì tôi xuống. Tôi cần can đảm chặt đứt những thứ đó để có thể nhẹ nhàng thanh thoát. Càng nhẹ nhàng, tôi càng dễ dàng bay cao. Có những thói quen đã ăn sâu vào con người tôi. Muốn bỏ đi quả là điều không hề dễ dàng.

Lạy Chúa, xin biến đổi con mỗi ngày. Xin cho con một niềm tin kiên vững vào Chúa. Xin cho con biết thành tâm sám hối mỗi ngày để loại bỏ đi những Virus độc hại vẫn thường xâm chiếm linh hồn con. Xin cho con biết chạy đến với Chúa mỗi ngày bởi vì: “Trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề. Ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi” (Tv 16,11).

Về mục lục

MỘT THOÁNG THIÊN ĐÀNG

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Chúa Giêsu đưa ba môn đệ lên núi Tabor. Biến Hình rực rỡ nhằm củng cố tinh thần cho các môn đệ sau khi Chúa loan báo cuộc khổ nạn. Các môn đệ không thể hiểu được hành trình của Đấng Cứu Thế sao lắm gian nan; kẻ theo Ngài làm sao không ngại ngùng sợ hãi cho được! (x. Mt 17,13-14; Mc 8,34; Mt 8,18; Mc 13,9; Lc 9,26). Nếu người ta làm an toàn những viên thuốc đắng bằng vỏ bọc kẹo ngọt; Chúa Giêsu hoá giải tin cuộc khổ nạn bằng cuộc Biến Hình rực rỡ. Bọc kẹo chứ không bọc thuốc ngũ. Hoá giải chứ không gây mê. Chúa cho các môn đệ thấy trước một thoáng Phục Sinh trước Phục Sinh. Chúa cho họ cảm nếm một chút Thiên Đàng trước Thiên Đàng.

[Một thoáng Thiên Đàng đã làm cho ông Phêrô ngây ngất và muốn ở lại đó luôn: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê và một cho ông Êlia”. Ông Môsê đại diện cho luật, ông Êlia đại diện cho các ngôn sứ. Hai ông đến chiêm ngắm dung nhan vinh hiển của Đấng mà hai ông đã loan báo và chờ đợi. Ông Môsê đã xin cho được thấy dung nhan Thiên Chúa mà không được (x.Xh 33,19-22). Ông Êlia là “ông Ba Lửa”, ba lần khiến lửa từ trời xuống, một lần để đốt của lễ trên núi Cat Minh (1V 18, 36-38), hai lần để đốt lính của vua (2V 1,9-12); ông không xin được thấy dung nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa tỏ cho ông thấy Người không ở trong gió bão, không ở trong cơn động đất, không ở trong lửa. “Sau lửa có tiếng gió hiu hiu.Vừa nghe tiếng đó, ông Êlia lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông” (1V 19,11-13). Hôm nay cả hai ông được chiêm ngắm dung nhan vinh hiển của Đức Kitô.

Ông Phêrô ngây ngất không biết phải nói gì, “vì các ông kinh hoàng”. Đây không phải lần đầu các ông kinh hoàng. Nhưng hôm nay nỗi kinh hoàng lên tới cực độ khi đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người”. Đó là câu trả lời cho sự phản kháng của ông Phêrô. Hãy vâng nghe lời Người, kể cả lời về thập giá mà loài người không thể chấp nhận. Chỉ có Con Yêu Dấu của Thiên Chúa mới chấp nhận và cho ta sức mạnh để vác mà đi đàng sau Người, để có thể vào trong vinh quang với Người. Tại sao Thiên Đàng lại ở cuối con đường thập giá? Tại sao lại cần đến Con Yêu Dấu của Thiên Chúa để dẫn ta đi trên con đường ấy mà vào trong vinh quang?

Một thoáng Thiên Đàng trôi qua như gió thoảng, như mây bay: “Các ông chợt nhìn quanh thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi”. Trên đường xuống núi, Đức Giêsu lại truyền cho các ông giữ bí mật: “Người truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại”]. (x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô; Lm Giuse Nguyễn Công Đoan. SJ).

Trên núi cao, Đức Giêsu gặp gỡ thân mật với Chúa Cha. Bỗng chốc Người biến hình. Các môn đệ ngất ngây trong niềm hạnh phúc tuyệt vời. Các ông muốn ở lại trên núi để sống niềm hạnh phúc ngập tràn ấy. Các ông muốn níu kéo khoảnh khắc thần tiên ấy lại nên Phêrô thay mặt anh em thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia”. Các môn đệ muốn đăng ký thường trú trên núi Tabor, muốn đắm mình trong hào quang rực rỡ. Họ bỏ lại dưới chân núi các bạn đồng môn, các cuộc truyền giáo của Thầy. Họ muốn xa rời dân chúng đang khao khát Lời Chúa. Nhưng Đức Giêsu đưa các môn đệ trở xuống. Người chỉ lên đỉnh Tabor trong chốc lát rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá lên núi Golgotha. Xuống núi để chu toàn nhiệm vụ trần gian. Đức Giêsu phải chịu khổ nạn, chịu chết rồi mới Phục Sinh mở lối vào thiên đàng. “Cảm nghiệm sự kiện Hiển Dung đã giúp cho thánh Phêrô nhận thức trong lúc ngất trí, những thực tại được biểu trưng trong các nghi thức của ngày lễ đã được hoàn tất, biến cố Hiển Dung loan báo thời đại Messia đã bắt đầu. Mãi khi xuống núi, thánh Phêrô lại phải học hỏi một lần nữa, thời đại Messia trước tiên là thời đại của thập giá và việc Hiển Dung, Chúa biến dạng thành ánh sáng, sẽ bao trùm chúng ta trong ánh sáng của cuộc khổ nạn.” (x.Đức Giêsu thành Nazareth, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Lm Aug Nguyễn Văn Trinh biên dịch, trang 269).

Ba môn đệ thân tín được Đức Giêsu dẫn lên núi Tabor. Ở đó cả ba nhìn thấy vinh quang của vương quốc Thiên Chúa chói sáng nơi Đức Giêsu. Trên núi, đám mây thánh thiện của Thiên Chúa bao phủ họ. Trên núi, trong cuộc đàm đạo của Đức Giêsu Hiển Dung với Lề luật và Tiên tri, họ hiểu rằng, giờ của ngày Lễ Lều đích thực đã đến. Trên núi, họ cảm nghiệm, Đức Giêsu chính là Tora sống động, là lời trọn vẹn của Thiên Chúa. Trên núi, họ thấy “quyền lực” của vương quốc đang đến trong Đức Kitô. Nhưng chính trong sự gặp gỡ đáng sợ với vinh quang của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, họ phải học biết điều thánh Phaolô nói trong lá thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô với các môn đệ thuộc mọi thời đại: “Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, Người là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cor,23-24). Sức mạnh của vương quốc tương lai xuất hiện nơi Đức Giêsu Hiển Dung, Đấng nói với các chứng nhân Cựu ước về sự cần thiết của cuộc khổ nạn như con đường tiến đến vinh quang (x. Lc 24,26-27). Như thế, họ được tiền dự vào ngày quang lâm; nhờ đó dần dần họ được dẫn vào mầu nhiệm sâu thẳm của Đức Giêsu.(x.sđd, trang 273).

Tin vào Đức Kitô là đi con đường Thập Giá cùng với Người. Muốn ở lại trong vinh quang của Đức Kitô, phải vác thập giá với Người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).Vác thập giá hằng ngày là chấp nhận những khổ đau theo thánh ý Chúa, là đối diện với những thách đố của cuộc đời với lòng thanh thản trong sự phó thác vào tình yêu Thiên Chúa, là biết từ bỏ và chọn lựa những gì cần thiết để nuôi dưỡng niềm tin vào Thiên Chúa. Cuộc lữ hành Đức Tin đầy hiểm nguy sóng gió. Satan “như sư tử gầm thét, ngày đêm rình mò chờ chực cắn xé” (1 Pr 5,8).Satan luôn rình rập chung quanh chúng ta, nó “chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13) thuận tiện và khai thác tất cả mọi thứ trong cuộc sống để làm lung lay niềm tin của chúng ta. Nếu chúng ta“có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này ‘rời khỏi đây, qua bên kia !’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17,20-21). Sức mạnh đức tin thật lớn lao!

Bài đọc 1 kể về đức tin của Abraham. Nhờ “tin Đức Chúa” (St 15, 6), Abraham được “Đức Chúa lập giao ước” (St 15,18). Không những thế, ông còn trở thành tổ phụ của dòng dõi đông như sao trên trời (x. St 15,5). Nhưng trên hết, nhờ lòng tin, ông được “Đức Chúa kể ông là người công chính” (St 15,6). Lòng tin đã thực hiện một cuộc biến hình ngoạn mục trong đời Abraham. Đức tin đã khiến Abraham vượt núi băng rừng đến miền đất hứa. Đất hứa đó, ngày nay không đóng khung trong ranh giới Do thái, vì miêu duệ Abraham là Giáo hội đã trải rộng khắp mặt đất. Mặc dù niềm tin đó đã gặp nhiều thử thách, nhưng Giáo hội vẫn sống mạnh mẽ với niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó, Giáo hội đã biến hình và luôn phản ánh vinh quang Thiên Chúa giữa muôn dân.

Cuộc biến hình hôm nay còn ngoạn mục hơn Abraham nhiều. Chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu sẽ biến Kitô hữu thành người công chính, thành bạn hữu của Người để có thể đi vào cuộc hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa.

Gặp gỡ Đức Kitô và bước theo Đức Kitô là một hành trình đức tin đi đến sự sống mới.Thánh Phaolô đã đi trọn hành trình ấy và ngài đúc kết kinh nghiệm về cuộc sống biến đổi trở nên giống Chúa Kitô. Tư tưởng “trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” (Pl 3,10) bàng bạc trong các bức thư của ngài và đã trở thành nguyên lý căn bản đưa chúng ta đến ơn cứu rỗi. Cuộc biến đổi để trở nên giống Chúa Kitô mỗi ngày một hơn là một tiến trình kéo dài cả đời người. Mỗi ngày một chút, rũ bỏ con người cũ, loại dần lối sống tội lỗi để làm con người mới với lối sống mới theo Thánh Thần, chúng ta sẽ gắn bó và thuộc về Chúa Kitô, và Người sẽ “biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Bài đọc 2).

Thiên Chúa yêu thương con người là một tình yêu không “môn đăng hộ đối”, hoàn toàn do sáng kiến và lòng xót thương của Ngài. Thiên Chúa đã đi bước đầu trong mối tương quan và thiết lập giao ước với Apraham.Thiên Chúa hứa ban cho ông một dòng dõi đông đúc và nguyên vẹn. Thiên Chúa cũng hứa thông qua ông, tất cả các dân tộc trên trái đất sẽ được chúc phúc, bởi vì Đấng Messia sẽ đến từ dòng dõi của ông. Lời hứa ấy đã được nên trọn vẹn nơi Chúa Giêsu. Biến cố biến hình chính là một mạc khải về tình thương lạ lùng đó. Thiên Chúa hiến mình cho con người: Cha hiến ban Con và Con hiến ban chính bản thân mình chịu chết để vào Phục Sinh khai mở con đường dẫn tới sự sống. Tin vào tình thương Thiên Chúa, nên chúng ta học theo lối sống của Chúa Giêsu bằng cách đọc và suy gẫm Tin Mừng, đem Lời Chúa vào cuộc sống, để cho Lời Chúa thay đổi cách suy nghĩ, nói năng và hành động của chúng ta được trở nên giống với cung cách của Chúa Giêsu. Đó là được biến hình trong Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Chúa như Thánh Phaolô đã từng cảm nghiệm: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2,10).

Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở trong người đó…sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mỗi ngày nên giống Chúa trong lời nói việc làm, xin cho đời sống chúng con nên dấu chỉ yêu thương của Chúa giữa cuộc đời hôm nay. Amen.

Về mục lục

LÂNG LÂNG LẠ LÙNG

Trầm Thiên Thu

Một số vị thánh được Thiên Chúa ban đặc ân khác thường mà chúng ta gọi là thần bí – được Thiên Chúa mặc khải những điều bí ẩn. Đời thường cũng có dạng khác lạ, được gọi là xuất thần.

Ở dạng bình thường, hằng ngày chúng ta gặp gỡ và trò chuyện với Thiên Chúa qua Thánh Lễ, Kinh Thánh, cầu nguyện, suy niệm,… Thánh Isaak Syria nói: “Nếu không xa lánh thế gian, chẳng ai có thể gặp được Thiên Chúa. Khi nói xa lánh, tôi không có ý nói về việc thay đổi chỗ ở thể lý, nhưng là xa lánh các sự trần tục. Nhân đức siêu thoát hệ tại ở chỗ không để tâm trí vướng bận về trần thế.”

Tín nhân cần biết sống khoảng sa mạc ngay giữa xã hội ồn ào náo nhiệt của đời thường, không chỉ trong những lúc đặc biệt như tĩnh tâm hoặc tham dự Phụng Vụ, mà có thể “tách” mình ra khỏi mọi thụ tạo bất cứ lúc nào. Đó là cách kết hiệp với Thiên Chúa mọi nơi, mọi lúc: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8:39)

Thuận tiện nhất là Mùa Chay Thánh, mùa “xé lòng” để “tách” khỏi sự xấu xa, cơ hội sửa đổi bằng cách sám hối và đền tội để hoàn thiện, tức là cố gắng nên thánh. Đó là điều rất cần thiết và cấp bách, bởi vì “không thánh thiện thì không được thấy Chúa.” (Dt 12:14) Ngài là Đấng Thánh nên Ngài chỉ trò chuyện với những ai thành tâm cố gắng hoàn thiện.

Nhân vô thập toàn. Ai cũng sai lầm. Ai cũng giả dối. (Rm 3:4) Ai cũng là tội nhân. (Rm 5:12) Ai cũng vốn dĩ xấu xa. (Mt 7:11; Lc 11:13) Đại nhân Khổng Tử phân tích chí lý: “Có sai lầm mà không sửa, đó mới thật là sai lầm.” Sai lầm thì phải chịu sửa, có tội thì phải bị phạt. Đó là điều tất nhiên. Nhưng không sai lầm và vô tội mà vẫn phải chịu đau khổ, thế mới… lạ. Trường hợp điển hình nhất là Thánh Gióp. Ông là người tốt lành, nhân hiền, công chính, nhưng ông đã phải chịu đau khổ tới tột cùng. Thiên Chúa không “chơi ép” ông mà Ngài làm vậy để nêu gương cho chúng ta, muốn chúng ta tôn vinh Ngài cách đặc biệt – theo cách “khác người.” Vả lại, chịu đau khổ là một mối phúc. (Mt 5:11)

Phàm nhân chúng ta không biết hết nên mới thử thách hoặc thử lòng nhau, còn Thiên Chúa thì không, vì Ngài thấu suốt mọi sự. (1 Sb 28:9b; Gđt 8:14; Et 4:17d; Et 5:1a; 2 Mcb 6:30; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 10:12; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 2:10; 1 Cr 12:4-6; 1 Ga 3:20) Dùng từ ngữ thử thách đối với Ngài chỉ là cách nói của loài người mà thôi.

Ngày xưa, sau khi xảy ra nhiều chuyện, Thiên Chúa còn thử lòng ông Abraham. Ngài gọi ông và ông thưa: “Dạ, con đây!” (St 22:1) Ngài bảo ông đem đứa con yêu dấu duy nhất là Ixaác đến xứ Môrigia để dâng làm lễ toàn thiêu ở trên một ngọn núi mà chính Ngài sẽ chỉ cho. Chắc chắn Ngài chẳng thử thách hoặc thử lòng ai, Ngài chỉ muốn chúng ta “lập công” cho chính mình bằng cách chịu đau khổ – tuyệt đối vâng theo Thánh Ý. Thật vậy, Thánh Faustina cho biết: “Đau khổ là đại hồng ân; qua đau khổ, linh hồn trở nên giống Đấng Cứu Độ; trong đau khổ, tình yêu trở nên tinh tuyền; càng chịu đau khổ, tình yêu càng tinh khiết.” (Nhật Ký, số 57)

Sau khi tới nơi đã được chỉ định, ông Abraham dựng bàn thờ, xếp củi, rồi trói con trai Ixaác và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Ông cầm lấy dao để sát tế con mình. Nó là đứa con trai yêu quý nhưng ông vẫn vâng lời Chúa mà sẵn sàng sát tế con, không thắc mắc, không so đo, không chần chừ. Nếu là chúng ta, chắc là chúng ta không dám. Có thể chúng ta sẽ lý luận: Thiên Chúa là Đấng tốt lành mà lại bảo mình làm điều ác. Ngài là Sự Sống (Ga 14:6) mà lại bảo mình giết người? Thế thì Ngài mâu thuẫn, mình không thể làm theo mệnh lệnh này. Thế nhưng ông Abraham vẫn thi hành mệnh lệnh “ngược đời” như vậy. Vô cùng lạ lùng. Tuyệt đối tin tưởng. Đức Tin lớn quá!

Nhưng ngay khi ông sắp hạ sát con mình, sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông và ông thưa ngay: “Dạ, con đây!” (St 22:11) Ngài nói: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!” (St 22:12) Ông Abraham ngước mắt lên nhìn thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây, ông liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình.

Sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông Abraham một lần nữa và trao cho ông lời hứa: “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.” (St 22:16-18) Thiên Chúa coi trọng đức vâng lời hơn của lễ. (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9) Tổ phụ Abraham đã vâng lời vô điều kiện, do đó ông được Thiên Chúa hứa ban những điều tốt lành, được công chính hóa và là cha của các dân tộc.

Đau khổ tạo nên hạnh phúc. Đau khổ và hạnh phúc tỷ lệ thuận với nhau. Đau khổ càng nhiều thì hạnh phúc càng lớn. Thánh Vịnh gia nói: “Tôi đã tin cả khi mình đã nói: ‘Ôi nhục nhã ê chề!’” (Tv 116:10) Cay đắng lắm, thế mà vẫn tin, thật đáng khâm phục! Cái gì cũng có lý do, có cái giá nhất định: “Đối với Chúa thật là đắt giá cái chết của những ai trung hiếu với Người. Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi. Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn, và kêu cầu thánh danh Chúa.” (Tv 116:15-17) Đau khổ và hạnh phúc đều vô giá.

Đức vâng lời và tình yêu thương có hệ lụy với nhau. Vâng lời vì yêu thương, yêu thương thì sẵn sàng vâng lời. Rất lô-gích! Thánh Vịnh gia bộc bạch: “Lời khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn, trước toàn thể dân Người, tại khuôn viên đền Chúa, giữa lòng ngươi, hỡi Giêrusalem! Alleluia.” (Tv 116:18-19) Vâng lời là chấp nhận thực hiện điều gì đó với sự vui vẻ và trong niềm tin tưởng. Nếu không yêu thương thì người ta không muốn vâng lời. Một hệ lụy tất yếu.

Có gì đó mâu thuẫn trong cuộc sống, chúng ta vẫn nghĩ là mình tin Chúa nhưng đôi khi lại ngại vâng lời. Thật vậy, chúng ta chưa dám thi thành theo Ý Chúa, nhất là khi Ý Chúa không thuận với ý mình. Chưa dám thực hiện, đó là chưa thực sự tin tưởng hoặc tín thác. Không hề đơn giản chút nào, thế nên luôn phải nỗ lực.

Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8:31b) Ông lý luận: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?” (Rm 8:32-34) Theo nhân tính, chính Chúa Giêsu cũng cảm thấy cô độc và thốt lên: “Sao Cha nỡ bỏ con?” (Mt 27:45; Mc 15:34; x. Tv 22:2) Thế mà Chúa Cha vẫn lặng im. Ôi, lạy Chúa!

Phàm nhân không thể hiểu hết ý muốn của Thiên Chúa, nhưng Ngài đã xác định rạch ròi: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” (Is 55:8-9) Thật vậy, khi ngăn cản Thầy Giêsu đi chịu chết, đệ tử Phêrô đã bị Thầy mắng nặng lời: “Satan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mc 8:3) Người Việt gọi kiểu khôn đó là “trứng khôn hơn vịt” hoặc “cầm đèn chạy trước ô-tô.” Chúng ta cũng thường mắc “tật” này, không chỉ với tha nhân, mà với cả Chúa. Thật đáng quan ngại!

Sau khi tiên báo lần thứ nhất về cuộc thương khó và phục sinh, (Mt 16:21-23; Mc 8:31-33; Lc 9:22) rồi đưa ra điều kiện làm môn đệ, (Mt 16:24-28; Mc 8:34-38; Lc 9:23-27) Chúa Giêsu nói: “Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực.” (Mc 9:1)

Sáu ngày sau, Ngài đem ba “đệ tử ruột” (Phêrô, Giacôbê và Gioan) đi theo mình, đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao, rồi Ngài biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Ngài trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Họ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Sư Phụ. Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” (Mc 9:5) Hạnh phúc đang dâng trào.

Qua trình thuật Mc 9:2-10, Thánh Máccô cho biết: “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.” Chắc hẳn là kinh hoàng thôi, phần thì chưa thấy bao giờ, phần thì quá kỳ diệu. Lạ thì lạ nhưng sướng cũng sướng. Quá “đã” luôn! Thật vậy, ông Phêrô sướng đến nỗi quên mình và hai anh bạn, chỉ xin làm lều cho Sư Phụ và hai VIP kia mà thôi. Đúng vậy, một khi người ta thực sự thấy “phép lạ” (chính hiệu chứ không là “sự lạ”) thì người ta sẽ quên hết mọi sự và thay đổi cách sống ngay, nhất định không lần lữa.

Trong lúc cả ba đệ tử đang ngon trớn thì bất ngờ có một đám mây bao phủ các ông. Từ đám mây phát ra tiếng nói: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Ôi chao, lại lạ nữa! Các ông chợt nhìn quanh thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi. Tiếc ghê đi! Và rồi khi từ trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.

Được nhiều sẽ bị đòi lại nhiều, được ít thì bị đòi ít. Thiên Chúa chí công. Đừng tưởng được nhiều mà kiêu ngạo, nhưng cũng đừng thấy mình được ít mà buồn hoặc so đo với người được nhiều! Ba môn đệ được “ưu tiên” thấy Chúa Giêsu biến hình vì Ngài muốn củng cố đức tin cho họ, và tất nhiên được ưu tiên thì cũng phải “trả giá” cân xứng thôi. Thánh Gioan Tẩy Giả xác định: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.” (Ga 3:27)

Thiên Chúa đại lượng và nhân từ, dành trọn tình thương cho chúng ta, mặc dù chúng ta chỉ là tội nhân và hoàn toàn bất xứng với Ngài, chúng ta không có quyền đòi hỏi. Thế nhưng Ngài đã bắt Con Yêu Dấu Giêsu chịu đau khổ tới cùng thay cho chúng ta. Vì vâng lời Chúa Cha và vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã “cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình để chúng ta khỏi sờn lòng nản chí” (Dt 12:3) khi phải chịu đau khổ. Chí sĩ ái quốc Phan Bội Châu nói: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai.” Thực sự đau khổ có giá trị lắm, và là cái giá để mua hạnh phúc. Chính đau khổ tạo nên những thiên tài, những kiệt tác thuộc nhiều lĩnh vực.

Chắc chắn cuộc chiến nào cũng cam go, càng cam go hơn khi đó là cuộc chiến tâm linh. Thánh Phaolô so sánh: “Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu.” (Dt 12:3-4) Cuộc đời luôn có sự đấu tranh, và ai cũng phải chiến đấu không ngừng với mọi thứ, nhất là phải chiến đấu với chính mình. Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta và rất yêu thương chúng ta, do đó Ngài cũng muốn chúng ta sống “khác người” bằng cách tất cả phải NHỜ Ngài, VỚI Ngài và TRONG Ngài.

Mỗi khi lãnh nhận Thánh Thể, Kitô hữu được “chạm” vào Chúa Giêsu và được trò chuyện với Ngài. Chúng ta như được lên Tabor với Chúa Giêsu, đó là điều diễm phúc vô cùng đối với tội nhân chúng ta. Các phép lạ Thánh Thể củng cố niềm tin của chúng ta: Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bánh Thánh.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, để tôn vinh Ngài và sinh ích cho chúng con trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trong lúc khó khăn vì dịch bệnh như hiện nay. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Về mục lục


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...