15/04/2022
1050

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Người phải sống lại từ cõi chết”.
–X—
Lạy Đức Kitô, Chúa đã sống lại từ cõi chết. Nhờ cái Chết của Chúa, Chúa đã chiến thắng sự chết. Chúa đã ban sự sống cho những kẻ đã chết. Chúng con chúc tụng và cảm tạ Chúa.
LỜI CHÚA (đứng)                                                        Ga 20,1-9
SỨ ĐIỆP (ngồi)
Đức Kitô đã chết và đã sống lại là một biến cố lịch sử được minh chứng nhưng vẫn là một mầu nhiệm siêu việt vượt trên suy nghĩ và kinh nghiệm giác quan, đòi một đức tin[1]. Đây là trung tâm của đức tin Kitô giáo: Sự Sống đã chiến thắng sự chết[2]. Mầu nhiệm này đưa những kẻ tin Đức Kitô vào cuộc sống mới bất diệtvới phẩm giá là con Thiên Chúa, nó thay đổi cả lịch sử nhân loại[3].
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay chúng con tuyên xưng niềm tin Chúa đã chết và sống lại. Biến cố Chúa phục sinh mang đầy ánh sáng chân lý và quyền năng tình yêu mạnh mẽ đến nỗi khi mầu nhiệm này chạm đến bất kỳ ai, đã có sức biến đổi họ cách sâu thẳm và toàn diện từ bên trong nội tâm, đổ đầytâm hồn họ niềm vui và bình an, đổi mới trọn cuộc sống của họ. Đó là sự thật xảy ra trong suốt dòng lịch sử của Hội Thánh. Mầu nhiệm Chúa sống lại mang đầy ánh sáng chân lý và quyền năng tình yêu mạnh mẽ:
Bởi vì chân lý về thần tính của Chúa được xác nhận bằng sự phục sinh của Chúa: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28). Sự phục sinh của Chúa, Đấng bị đóng đinh, chứng thực rằng Chúa là “Đấng Hằng Hữu”, là Con Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa. Chỉ mình Chúa là Con Chiên gánh tội trần gian. Nếu Chúa đã không đổ máu cứu độ, thì chúng con sẽ chẳng có niềm hy vọng nào, định mệnh toàn thể nhân loại đương nhiên là cái chết, là hư hoại.Cuộc phục sinh của Chúa đã lật ngược tình thế, đã hoàn toàn thay đổi hướng đi của lịch sử, làm nghiêng cán cân về phía điều thiện, sự sống, sự tha thứ. Chúa đã hoàn toàn thay đổi lịch sử nhân loại và cuộc đời mỗi người chúng con. Chúng con được tự do, được cứu thoát, được sống đời đời. Đó là lý do vì sao chúng con hoan hỉ thưa lên: “Chúng ta hãy hát mừng Chúa, vì Người thật cao cả uy hùng…” (x. Xh 15,1-2).[4]
Bởi vì cái chết và sự phục sinh của Chúa là chứng từ chắc chắn và mạnh mẽ về tình yêu Chúa dành cho chúng con: “Chúa yêu con đến chết vì con” (x. Gl 2,20). Có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của một người hiến dâng mạng sống vì người mình yêu? Nhưng đây, một Thiên Chúa hiến dâng mạng sống vì thụ tạo của mình, vì đầy tớ, vì đứa con bất nghĩacủa Mình? Còn tình yêu nào lớn hơn được nữa chăng? Chắc chắn, nếu Chúa hủy diệt toàn bộ nhân loại tội lỗi và tạo dựng một nhân loại mới, thì vạn lần dễ hơn là Chúa hủy mình bước xuống làm người, chấp nhận cái chết tủi nhục trên Thập giá để tha thứ, hòa giải và nâng dậy nhân loại tội lỗi lên với Chúa. Nhưng Chúa đã chấp nhận đau khổ, Chúa chọn cái khó nhọc để bày tỏ tình yêu của Chúa đối với chúng con. Đứng trước tình yêu quá cao vời này, thật khó cho chúng con để tin. Nhưng đó là sự thực! Nếu chúng con được tình yêu này chạm đến, thì lòng có chai đá đến đâu, cũng sẽ vỡ ra với nước mắt ăn năn, với lòng biết ơn và yêu mến đáp trả hết lòng. Không thể khác!
  • Hát: VUI CA PHỤC SINH (Hoài Bắc) (đứng).
Lạy Chúa, cái chết và sự phục sinh của Chúa giải thoát chúng con khỏi tội, hơn nữa, còn mở đường cho chúng con tiến vào cuộc sống mới, phục hồi chúng con trong ân sủng của Thiên Chúa. Đời sống mới hoàn thành ơn được làm nghĩa tử với Chúa Cha, trở thành anh em của Chúa, nhờ được thông dự vào sự sống của Chúa, sự sống đã được mạc khải trọn vẹn trong sự phục sinh của Chúa.
Sự phục sinh của Chúa còn là nguyên lý và nguồn mạch cho chúng con ngày sau được sống lại. Chúa đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai an giấc ngàn thu (x. 1Cr 15,20). Trong khi mong đợi việc hoàn thành này, Chúa luôn sống trong trái tim chúng con. Nơi Chúa, chúng con được nếm trước “những sức mạnh của thế giới tương lai” (Dt 6,5) và đời sống của chúng con được Chúa lôi cuốn vào trong lòng đời sống thần linh(x. Cl 3,1-3), “để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2Cr 5,15)(x. GLHTCG 655).
Ôi lạy Chúa, Chúa yêu chúng con, Chúa yêu cả cuộc sống chúng con dườngbao! Chúa đang ở đây và tình yêu Chúa đang mời gọi chúng con nhìn vào cuộc sống như Chúa nhìn nó. Vì trong mỗi chúng con, Chúa không ngừng nhìn thấy hạt giống của vẻ đẹp không thể bị đè bẹp. Ðứng trước tội lỗi, Chúamuốn con cái Chúa được phục hồi; trước cái chết, Chúa muốn chúng con được tái sinh; trong hoang tàn, Chúa muốn con tim chúng con được hồi sinh. Biến cố phục sinhtỏ rõ Chúa yêu cuộc sống chúng con đến mức nào. Đến mức Chúa đã sống hoàn toàn cuộc sống ấy, trải qua đau khổ, bị bỏ rơi và cả cái chết, để rồi vươn lên khải hoàn hầu cho chúng con biết rằng:chúng con không cô đơn! Trần gian không phải là Nhà của chúng con để chúng con phải lo lắng quá độ vì nó! Chúa muốn chúng con đặt trọn niềm tin nơi Chúa, để được Chúa dẫn về Nhà Vĩnh Cửu, nơi hạnh phúc viên mãn và đời đời. Đó mới là cái giá, là mục đích tối hậu mà cái chết và sự phục sinh của Chúa muốn đem đến cho chúng con. Đó mới là niềm hy vọng đủ lớn để giúp chúng con chịu đựng và phủ lấp tất cả hy sinh, khổ đau của cuộc đời này. Chỉ còn lại một điều, đến lúc nào thì mầu nhiệm phục sinh của Chúa mới chạm đến chúng con?
NHD: Giờ đây, chúng ta thinh lặng giây lát để cầu nguyện riêng.
  • Nếu được, dành từ 2 đến 5 phút thinh lặng. Sau đó mời quỳ, hát và đọc lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng…

[1] x. Ga 20,1-9 (Tin Mừng); GLHTCG 647; 1167-1170; 1243; 1287.
[2] x. Cv 10,34a.37-43 (Bài đọc I); x. GLHTCG 638-653; 989; 1001-1002.
[3] x. Cl 3,1-4 (Bài đọc II); x. GLHTCG 654-655.
[4]x. ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng Lễ Vọng Phục Sinh, 04/3/2010.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...