27/05/2023
416
NHƯ NGỌN ĐÈN CHẦU
 
Gần đây, tôi nhận được lời mời viết bài cho quyển Hợp tuyển số 3, với chủ đề “Tham gia đời sống Hội Thánh”. Người mời có một thời gian dài giúp chị em chúng tôi về văn chương tiếng Việt. Tôi chần chừ vì cũng ngại viết lách, nhất là viết cho độc giả bốn phương. Nhưng đây là một cơ hội “hiệp hành”, là dịp “ra mắt” (vì nhiều người còn chưa biết tên dòng chúng tôi và còn nhầm lẫn với dòng Nữ tỳ Chúa Giê-su Linh mục) để giới thiệu về sứ vụ của những Nữ tỳ Thánh Thể trên thế giới và đặc biệt tại Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Tôi chọn chủ đề “Như ngọn đèn chầu” vì đó là sứ vụ nòng cốt của chúng tôi. Sứ vụ này bao trùm trọn đời sống người Nữ tỳ đến nỗi bị hiểu lầm là chúng tôi chỉ có một việc là Chầu Thánh Thể. Thật ra, Hội Thánh trao cho chúng tôi sứ vụ diện kiến Vị Vua cao cả và làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa hiện diện và đồng hành từng ngày với con người trong Thánh Thể. Thánh Eymard – Tổ phụ của chúng tôi – đã gọi các chị em Nữ tỳ Thánh Thể là đội cận vệ, là lính vệ binh, là hàng rào danh dự của Thánh Thể với nhiệm vụ: đền tạ và cầu nguyện trước Thánh Thể đặt trong Mặt Nhật. Vài năm trước đây, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo - trong trách nhiệm Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, khi thăm viếng mục vụ tại giáo xứ Hiền Hòa, nơi chúng tôi có một cộng đoàn nhỏ. Ngài nói với chúng tôi: “Sống giữa vùng có nhiều chùa chiền, các con cứ trung thành với giờ chầu và cầu nguyện trước Thánh ThểNhư thế là chúng con đã làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian này rồi”. Chúng tôi rất vui trước lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa của ngài. Nói thế, bạn đọc có thể cho rằng: vậy các xơ chỉ chầu Thánh Thể thôi sao? Không chỉ thế và còn hơn thế nữa, sau khi kín múc nguồn năng lượng tình yêu nơi Thánh Thể, chúng tôi nhập cuộc vào thế giới theo di chúc thiêng liêng của Thày Chí Thánh “Thày đã đến ném lửa vào mặt đất và Thày ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12, 49). Đây là Lửa Thánh Thể, Lửa Tình Yêu. Và trong Luật dòng chúng tôi đã nói: “Chúng tôi hòa hợp chiêm niệm với tình yêu tông đồ trong một đời sống tôn thờ”. Tình yêu tông đồ ấy không chỉ đọng lại nơi đầu môi chót lưỡi, mà được hiện tại hóa bằng những hành vi cụ thể.
  1. Giúp cho người khác biết yêu mến và tôn thờ Thánh Thể
Luật dòng quy định “Mỗi cộng đoàn chúng tôi là một trung tâm Thánh Thể và mọi người có thể đến kín múc nguồn sự sống là Thánh Thể”. Nghĩa là ở đâu cộng đoàn chúng tôi cắm dùi, thì chúng tôi có bổn phận lôi kéo những người sống xung quanh đến với Thánh Thể. Nhóm người này được gọi là Hiệp hội Thánh Thể. Họ cùng tinh thần và là cánh tay nối dài của chúng tôi trong sứ vụ tông đồ.  Họ chầu Thánh Thể hàng tháng và được khuyến khích viếng Thánh Thể thường xuyên. Nơi giáo xứ, họ tham gia các công việc mục vụ như: phục vụ bàn thánh, chịu trách nhiệm mua bánh lễ, phụ giúp việc trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, quét dọn thánh đường, cắm hoa… Một số giáo xứ có nhà chầu nhỏ, các cha sở mời họ đến viếng Thánh Thể mỗi ngày. Bạn có nghĩ điều này giúp đời sống của giáo xứ thêm phần đạo đức không?
  1. Cộng tác với giáo xứ
“Sống giữa Hội Thánh địa phương, chúng tôi sẽ chú tâm đến nhu cầu của thế giới xung quanh và đáp lại theo khả năng và đặc sủng của chúng tôi” (Luật dòng số 38). Với công việc mục vụ, chúng tôi chọn ưu tiên là phục vụ bàn thánh và dạy giáo lý chuẩn bị Rước lễ lần đầu cho trẻ em và người lớn (Lớp Dự tòng). Vì các Giáo Lý Viên đi học, đi làm xa nhà, nên có những giáo xứ chúng tôi giúp cả Lớp Thêm sức, Lớp Kinh thánh, Lớp Vào đời và lớp định hướng Ơn gọi. Thỉnh thoảng các cha sở cũng nhờ chúng tôi giúp tĩnh tâm cho trẻ em, người lớn, trước các dịp đặc biệt như Xưng tội rước lễ lần đầu, Thêm sức, mừng Bổn mạng… Ngoài ra chị em chúng tôi còn phụ trách ca đoàn, hướng dẫn lễ sinh… Đứng trước “cánh đồng mục vụ” bao la và phức tạp, mà lại thiếu thợ gặt, ít khả năng, chúng tôi lại đưa vào cầu nguyện khi quỳ trước Thánh Thể. Nơi đó, Vị Mục Tử nhân lành sẽ dẫn chúng tôi đến đồng cỏ xanh tươi để nghỉ ngơi bồi dưỡng và rồi lại tiếp tục lên đường.
  1. Giáo dục
Ông cha ta có câu: “ mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” . Tuy chỉ được cộng tác trong nghành giáo dục là chăm sóc và dạy dỗ trẻ em từ 2 đến 5 tuổi, nhưng chúng tôi ý thức đây là giai đoạn khai tâm phát triển mọi mặt của trẻ. Vì biết trẻ sẽ ghi dấu những ấn tượng ban đầu khi đến môi trường xa lạ, nên chúng tôi tập cho chúng từ lời nói, hành vi đơn giản như cảm ơn, xin lỗi; từ lời cầu nguyện chân thành cho những người luôn bên cạnh và yêu thương chúng như ông bà, cha mẹ, thày cô… Ngoài ra còn giúp trẻ biết yêu quý, chăm sóc cây cối và thú vật, mà Tạo hóa đã dựng nên để làm bạn với con người. Vì thế, có nhiều người thích gửi trẻ tại các nhà dòng, không trừ dòng chúng tôi, kể cả những cán bộ cấp cao chính phủ, mặc dầu con cháu họ làm Dấu Thánh Giá, cầu nguyện trước và sau bữa ăn, tham dự thánh lễ khởi đầu và kết thúc năm học. Chúng tôi đem hết nhiệt huyết để truyền đạt và phục vụ các cháu, vì chúng tôi tin rằng: Sau này ra trường đời, nếu trẻ em không gia nhập Hội Thánh, thì ít ra chúng sẽ trở thành người hữu dụng cho xã hội. Đó có phải là cách truyền giáo hữu hiệu góp phần xây dựng trái đất ngày càng tươi đẹp hơn không?
  1. Công tác bác ái xã hội
Cùng chung nhịp đập với con tim của Hội Thánh, những “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô” (HCMV,1), chúng tôi chọn phục vụ trẻ em khiếm khuyết cần được phục hồi chức năng (bị câm điếc, bại liệt, bại não), trẻ chậm phát triển trí tuệ (hội chứng Down). Các em từ nhiều thành phần gia đình khác nhau, không phân biệt giàu nghèo, địa vị, tôn giáo hay sắc tộc. Hiện nay, chúng tôi có 5/13 cộng đoàn phục vụ cho các cháu khuyết tật này. Tuy cuộc đời nhìn các em như là những “mảnh bánh vụn”, nhưng các em đã “vượt lên số phận”, đem khả năng góp phần xây dựng xã hội trong vị trí của công nhân may, sửa và dạy vi tính, làm những nghề thủ công hoặc điều hành một công ty nhỏ dành cho những người khiếm khuyết…Bên cạnh đó, chúng tôi không quên nuôi dưỡng đức tin cho các em. Nhiều em ngỏ ý với cha mẹ xin được gia nhập Hội Thánh và lập gia đình theo nghi lễ công giáo. Tuy thành quả của chúng tôi được nhiều cơ quan Chính phủ trong và ngoài nước công nhận, nhưng chúng tôi vẫn chân nhận rằng: “chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng và chỉ làm những việc bổn phận mà thôi” (Lc 17,10).
Bạn đọc thân mến,
Hội dòng chúng tôi chỉ là con số rất ít ỏi so với bao Hội dòng khác trên thế giới và ngay tại Việt Nam. Nhưng với tình yêu mà chúng tôi dành cho Thiên Chúa và con người qua sứ vụ được trao, hy vọng với ơn Chúa tuôn đổ từng ngày, ánh sáng của ngọn đèn chầu có đôi lần leo lét, đã bao phen chực tắt, nhưng nó vẫn kiên trì làm bổn phận của mình: trở thành ánh sáng chỉ dẫn người khác đến với Thánh Thể - Thiên Chúa yêu thương - luôn hiện diện và đồng hành với con người.
Nt. Agnes Tuyết Hằng, SSS

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...