07/04/2021
1846
Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục sinh
         Lời Chúa: Lc 24,35-48
         35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
         36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : "Bình an cho anh em !" 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói : "Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?" 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : "Ở đây anh em có gì ăn không ?" 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
         44 Rồi Người bảo : "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói : "Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
         Suy niệm:
Cuộc sống luôn có khó khăn, luôn có thử thách nếu chúng ta né tránh có lẽ chúng ta sẽ không thể hoàn thành bất cứ một việc nào trong cuộc đời của mình. Và có lẽ chúng ta cũng không bao giờ có vinh quang của chiến thắng!
Chúa Giê-su trong thân phận con người, Ngài cũng trải qua đau khổ để tiến tới vinh quang. Ngài đã can đảm đi vào cuộc thương khó để đạt được vinh quang Phục Sinh.
Cuộc đời luôn có đau khổ. Cuộc đời luôn có sóng gió nổi trôi. Lời Chúa mời gọi chúng hãy tin vào Chúa phục sinh để vượt qua nỗi sợ hãi để dấn thân cho Tin mừng. Hãy vượt qua những chặng đường chông gai bằng hy sinh, bằng sự can đảm để thắng vượt những yếu đuối bản thân hầu trung thành với Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta thoát khỏi sự sợ hãi, biết can đảm vượt qua mọi thử thách để được lớn lên, trưởng thành trong niềm tin vào Chúa.  
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con thoát khỏi sự sợ hãi, biết can đảm vượt qua mọi thử thách để được lớn lên, trưởng thành trong vòng tay quan phòng của Chúa. Xin tha thứ vì những lần chúng con còn ngại ngùng, sợ hãi không dám dấn thân vào con đường Chúa mời gọi chúng con bước đi. Vì con đường ấy có quá nhiều chông gai, thử thách. Con đường ấy đòi phải hy vinh, phải vác thập giá, phải chịu nhiều thua thiệt, có khi mất cả mạng sống.
Xin cho chúng hiểu rằng, bên trên gai nhọn là đoá hồng rực rỡ. Bên trên những thử thách gian nan là triều thiên chiến thắng vinh quang mà Chúa đã dành sẵn cho những ai trung tín theo Ngài. Amen
         Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Lc 24, 35-48
GẶP GỠ ĐẤNG PHỤC SINH
            Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại qua nhiều giai đoạn trong lịch sử dân Do Thái, nhưng cuối cùng, Thiên Chúa tỏ bày cho nhân loại qua chính Con của Ngài khi sai Chúa Con xuống làm người, như sách Do thái viết: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1, 1-2). 
            Chúa Giêsu là tột đỉnh mặc khải của Thiên Chúa cho con người. Qua Chúa Giêsu, con người biết hơn về Thiên Chúa và cũng biết hơn về chính con người. Các tạo vật đều mặc khải Thiên Chúa ở một mức độ nào đó. Những nhân vật đáng kính trong lịch sử dân tộc Do Thái cũng như trong lịch sử những dân tộc khác, và nhất là trong những tôn giáo khác, cũng là chứng nhân của Thiên Chúa ở một mức độ nào đó, nhưng Chúa Giêsu là một con người đặc biệt, phản ánh Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa một cách tuyệt vời, bởi vì Ngài là chính Lời Thiên Chúa nhập thể, Ngài là Thiên Chúa nhập thể.
            Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, trong lúc rao giảng Nước Trời cũng như sau khi sống lại, Người đã dụng ý chọn gọi một số người nên môn đệ, Tông đồ của Người  để họ trở nên các chứng nhân của Người. Những người này không chỉ là những người đã thấy các biến cố đời sống, mà còn là những người đã hiểu và đã sống ý nghĩa ẩn khuất của các biến cố ấy, họ được mời gọi “là những chứng nhân về điều ấy” (Lc 14, 48).
            Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ là cuộc gặp gỡ trong tình yêu. Tình yêu là tâm điểm của mầu nhiệm Phục sinh mà thánh Phêrô đã lớn tiếng rao giảng ngoài công trường. Ta thấy thánh Gioan tông đồ cũng khuyến mời chúng ta cách thức sống ơn gọi tình yêu. Ngài viết : “Những ai tuân giữ những lời dạy bảo của Chúa Giêsu, nơi người ấy, tình yêu Thiên Chúa đã thực sự trở nên trọn hảo (1 Ga 2, 5). Tình yêu là tên gọi và cũng là thuộc tính của Thiên Chúa, đồng thời tình yêu cũng là thẻ căn cước để chứng minh chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu.
            Trong tình yêu, con người sẽ trở thành bất tử, bởi lẽ tình yêu mạnh hơn sự chết. Trong những tuần lễ sau Phục sinh, Giáo hội mời gọi chúng ta đi sâu hơn vào quỹ đạo tình yêu của Thiên Chúa. Vì thế, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã chọn Chúa Nhật ngay sau lễ Phục sinh để tôn vinh Lòng Thương xót Chúa. Như Ngài đã từng cắt nghiã, lòng thương xót là tên gọi thứ hai của Thiên Chúa, và dưới một khiá cạnh nào đó, lòng thương xót cũng chính là cách thức bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa một cách tròn đầy.
            Từ nay, các ông sẽ là những chứng nhân cho Đấng cùng đồng hành với các ông, chia sẽ vui buồn, dẫn dắt tâm hồn, thắp sáng niềm tin, đốt nóng niềm hăng say cũng như sẽ đồng bàn và trao sự sống mới trong cử chỉ thân quen. 
            Từ nay các ông sẽ là người loan báo Đấng Phục sinh cho anh chị em của mình bằng chứng từ của một đời sống dấn thân phục vụ. Không có rào cản nào chắn được bước chân của các Ngài nữa vì Đấng Phục sinh đang cùng họ đồng hành trên khắp mọi nẻo đường trần thế. 
            Chúa Giêsu đã sai các Tông đồ ra đi làm nhân chứng và truyền rao ơn cứu độ. Các Tông đồ đã xả thân mình vì đức tin. Với một sức mạnh thúc đẩy nội tâm, các ông không còn rụt rè, sợ hãi nhưng kiên vững xác tín rao giảng về cuộc đời của Chúa. Chính Chúa là lẽ sống, là đá tảng và sức mạnh. Tất cả mọi quyền lực thế gian, áp đặt của kẻ thù, bắt bớ, tù tội, gươm giáo và chết chóc không làm lung lạc niềm tin. Các tông đồ vững mạnh tuyên bố rằng: “Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Israel biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị” (Cv 4, 10).
            Nhìn vào cuộc sống của người Kitô hữu, chúng ta phải chân nhận rằng đã có quá nhiều lần chúng ta phân rẽ chi thể mầu nhiệm của Chúa. Chúng ta dựa vào niềm tin để đả phá, ghen ghét và xa tránh nhau. Lời của Thánh Phaolô nhắc nhở: “Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau” (1 Cr 1, 10). Sống tinh thần của Chúa Kitô Phục Sinh là sống tinh thần yêu thương trong an bình. Nhân danh Chúa Kitô, chúng ta là sứ giả của hoà bình, là nhân chứng của tình yêu và là môn đệ của sự khiêm nhường phục vụ
            Mỗi Kitô hữu được sáp nhập vào Giáo Hội nhờ Bí tích Thánh Tẩy, đều được mời gọi làm chứng nhân bằng đời sống chứng tá Tin Mừng giữa đời, làm chứng cho Chúa Kitô bằng đời sống yêu thương, bác ái, công bình, cụ thể trong gia đình, ngoài xã hội. Đón nhận Tin mừng Chúa Phục sinh cũng đồng thời đón nhận sứ vụ rao giảng hoán cải và đón nhận ơn tha thứ cho mọi người. Đó là sự ủy nhiệm rõ ràng của Chúa Kitô.
            Trong hành trình theo Chúa, người tín hữu có lúc phải đối diện với vô vàn khó khăn phức tạp của đời sống muôn mặt. Có những thất bại, có những chống đối làm choáng váng, ngỡ ngàng hoang mang vì Chúa Giêsu như không còn hiện diện và can thiệp. Ngài dường như bỏ mặc cho thế gian hoành hành. 
            Chính trong những lúc thất vọng hay bị bách hại thì Đức Kitô lại tỏ bày dấu chỉ để người tín hữu nhận ra Ngài đang hiện diện, đang đồng hành khơi lên niềm hy vọng tràn đầy. Hãy biết nhận ra Ngài qua các dấu chỉ như hai môn đệ Emmau. Hãy biết nhận ra Ngài qua từng biến cố đau đớn như Phaolô té ngựa trên đường Đamas. 
            Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh xưa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường trở về Emmaus, hiện ra ban bình an cho các Tông đồ, và trao ban sứ vụ chứng nhân của Đấng phục sinh. Xin Người cũng ban ơn bình an và đồng hành với mỗi người chúng ta trên bước hành trình làm chứng tá cho Tin Mừng Chúa đã sống lại. Aleluia!. 
NUÔI DƯỠNG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
            Tin Mừng thuật lại các lần Chúa phục sinh hiện ra với các môn đệ. Đoạn Tin mừng theo thánh Luca mà chúng ta nghe hôm nay là phần tiếp theo câu chuyện xảy ra với hai môn đệ người làng Emmaus.
            Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại. Nếu Chúa Giêsu không sống lại, chúng ta sẽ là những người vô phúc nhất, ngu đần nhất, vì chúng ta đặt tin tưởng vào một chuyện hão huyền, như Thánh Phaolô đã xác tín mạnh mẽ rằng: “Nếu Đức Kitô không phục sinh, thì niềm tin và lời rao giảng của chúng ta là vô ích” (1 Cr 15,14).
            Người Do Thái không chịu tin, đút tiền cho lính canh để lấp liếm. Người Hy Lạp cười khinh bỉ khi nghe Thánh Phêrô nói đến hai tiếng “Phục Sinh.” Nhưng đối với chúng ta thì Chúa Giêsu sống lại đem ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta: Nếu Chúa Kitô không sống lại, chúng ta vẫn còn mang tội lỗi trong mình và không ai giải cứu được chúng ta, không ai đem chúng ta đến gặp Thiên Chúa được.
            Nhờ Phép Rửa, chúng ta đã được tham dự vào sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô, được mang sự sống mới trong mình, sự sống ấy phải lớn lên trong cuộc sống mỗi ngày và sẽ đưa chúng ta vượt qua chính cái chết tự nhiên của con người để vào cuộc sống vinh quang với Chúa Kitô: “Anh em không biết rằng khi chúng ta được dìm mình vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người để như Chúa Kitô đã phục sinh từ những kẻ đã chết chúng ta cũng có thể bước đi trong cuộc sống mới“ (Rm 6,3-4).
            Sau khi gặp Chúa Phục sinh, hai ông trở lại Giêrusalem gặp nhóm 12 và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Chính những người này bảo hai ông: “Thật, Chúa đã sống lại và hiện ra với Simon” (Lc 24, 33-34).
            Chắc chắn các ông còn đang thao thao bàn tán về việc Đức Giêsu, Thầy các ông đã phục sinh, thì Đấng Phục sinh đã hiện ra với mọi người hiện diện ngay trong phòng.        Ấy vậy mà các ông tưởng Ngài là ma!
            Để khẳng định cho các ông biết chính Ngài đã phục sinh [và không phải là ma], Chúa Giêsu đã cho các ông xem những vết thương; thậm chí Ngài còn ngồi ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ.
            Qua đó, ta thấy: niềm tin vào Chúa phục sinh quả là không được chấp nhận một cách dễ dàng ngay từ đầu. Và việc sau đó các Tông đồ tin cho thấy các ông đã được chính Đấng Phúc sinh khuất phục với những lần hiện ra và với những bằng chứng không thể phủ nhận.
            Vâng, được củng cố niềm tin bởi những lần Chúa hiện ra; được sức mạnh Thánh Thần thúc đẩy, các Tông đồ đã mạnh dạn làm chứng cho Chúa. Phêrô và Gioan đã nói với các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ Do thái: “Chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe” (Cv 4, 20). Bài đọc thứ I hôm nay, Phêrô và Gioan nói với dân chúng: “Đấng ban sự sống mà anh em giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng” (Cv  3, 15).
            Là Kitô hữu, chúng ta tin Đức Kitô là Thiên Chúa làm Người, đã chịu chết, sống lại để cứu độ chúng ta.
            Tuy nhiên, niềm tin của chúng ta thường rất non yếu. Rất nhiều lần, ta không cảm nhận sự hiện diện của Chúa Phục sinh ở giữa chúng ta. Biết bao lần chúng ta được chạm đến Chúa, được rước Người vào lòng; vậy mà thử hỏi ta đã ý thức thực sự Chúa phục sinh vẫn đang hiện diện và ở cùng chúng ta không? …
            Vì không ý thức Chúa Phục sinh hiện diện nên khi gặp khó khăn trong cuộc sống và trong sứ vụ, ta dễ chán nản; vì không ý thức Chúa Phục sinh hiện diện, nên ta cũng chẳng mạnh dạn làm chứng về Chúa Phục sinh cho người khác!
            Khi ban bình an cho các môn đệ, Đức Giêsu muốn gạt đi nơi họ lòng sợ hãi và tự ti, sự ngờ vực và thất vọng, khơi lên trong lòng họ niềm tin cũng như sự gắn bó với sứ vụ mà Người sắp trao phó.
            Chính niềm vui và bình an của Chúa Phục Sinh đã làm cho các môn đệ quên hết sợ hãi và lo lắng. Vì thế, các ông đã sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng, bất chấp mọi gươm đao hay phải chịu cảnh đầu rơi máu đổ. Hơn nữa, các ông còn coi những đau khổ đó là phần thưởng Chúa ban. Điều này đã được sách Công vụ Tông đồ ghi lại: “Chúng tôi vui mừng hân hoan vì thấy mình xứng đáng được chịu khổ vì Đức Kitô”. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa và sẵn sàng trở thành chứng nhân của Người khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.
            Ngày nay, mặc dù chúng ta đã tin vào việc Chúa sống lại, nhưng chúng ta vẫn cần phải đào sâu kiến thức và tình yêu vào mầu nhiệm phục sinh. Đây không chỉ là một biến cố đã xảy ra trong quá khứ nhưng còn là ân sủng tiếp diễn tới ngày nay. Cho nên hoa trái từ cuộc phục sinh này có sức thay đổi niềm tin và cuộc sống của những ai tin vào sự sống lại của Đức Kitô. Thánh Phêrô trong bài đọc I nói với dân chúng: “Thiên Chúa đã cho Tôi Trung của Người trỗi dậy để giúp anh em trước tiên, và sai đi chúc phúc cho anh em, bằng cách làm cho mỗi người trong anh em lìa bỏ những tội ác của mình.”
            Ước gì chúng ta cũng biết năng tham dự thánh lễ để lắng nghe Lời Chúa và để được chạm đến ngài qua bí tích Thánh Thể. Có như vậy đức tin của chúng ta mới được soi sáng để nhận ra Chúa trong cuộc sống, để rồi dám can đảm ra đi làm chứng cho sự phục sinh của Đức Kitô
 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...