12/04/2021
1658
Thứ Ba Tuần 2 Phục sinh
         Lời Chúa: Ga 3,7b-15
         7  Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy."
         9 Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người : "Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được ?" 10 Đức Giê-su đáp : "Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy ! 11 Thật, tôi bảo thật ông : chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. 12 Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được ?" 13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
         Suy niệm:
Thiên Chúa luôn yêu con người. Thiên Chúa luôn làm mọi sự tốt đẹp cho con người. Ngài đã cho con người mọi tạo vật Ngài tạo dựng nên. Ngài còn trở nên đồng hình đồng dạng với con người. Và điều quan yếu là Ngài đã chết để đền tội thay cho con người.
Chúa Giê-su Ngài đã thể hiện tình yêu tột cùng qua cái chết tử nạn trên thập giá. Đây là cái chết vì yêu. Đây là cái chết mang lại sự sống sung mãn cho con người. Đây là cái chết qua đau khổ để tiến tới vinh quang. Một cái chết anh dũng để cứu nhân loại khỏi trầm luân đời đời.
Ước gì vợ chồng cũng biết chết cho người mình yêu. Sống với nhau cần chết đi cái tôi của mình để sống hoà hợp với nhau. Sống với nhau cần chết đi tính ích kỷ của mình để sống quantâm tới nhau. Sống với nhau cần chết đi những thú vui tầm thường, những thói hư tật xấu để mang lại hạnh phúc cho nhau. 
Xin Chúa giúp chúng ta có một tấm lòng như Chúa để có thể yêu và yêu cho đến cùng. Xin đừng vì những đam mê tội lỗi, những thói ích kỷ hưởng thụ mà sống thiếu tình yêu với gia đình và anh em. Amen
Cầu nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã chết và sống lại, để từ đây khai mở mùa xuân thiên đàng cho nhân loại chúng con. Chúa đã chịu dương cao trên thập giá để từ đây chúng con không còn thất vọng trước những khó khăn và thử thách trong cuộc đời. Cái chết và sự phục sinh của Chúa đã thay đổi lối sống cho nhiều người và qua nhiều thế hệ. Cái chết của Chúa giúp chúng con biết chết đi cho tội lỗi, đam mê lầm lạc và sống lại trong con người mới là con cái Thiên Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết thay đổi đời sống của mình cho phù hợp với phẩm giá làm người của mình và xứng đáng là con cái của Chúa.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin giúp chúng con luôn biết hướng lòng về trời cao để can đảm từ khước những đam mê thấp hèn. Xin giúp chúng con biết chọn Chúa là lẽ sống, là gia nghiệp ngàn đời của chúng con.  Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
  
GP G ĐỨC KITÔ ĐÓN NHƠN TÁI SINH
          Ta thấy Thánh Kinh không bao giờ nói rằng Adam và Eva đã cắn một miếng táo để rồi bị Chúa phạt. Chúa nào vớ vẩn khi phạt chuyện con người lỡ ăn miếng táo. Nếu nhìn như vậy thì con người tầm thường hóa lòng thương xót của Chúa và "đề cao" sự ích kỷ của Thiên Chúa.
          Trái cây mà họ đã ăn từ cây biết điều thiện và điều ác không bao giờ được xác định trong Kinh Thánh. Qua nhiều thế kỷ, các họa sĩ đã đơn thuần dùng trái táo do thói quen và truyền thống. Trái cấm mà ông bà nguyên tổ đã ăn không liên quan gì đến loại trái cây nào. Vấn đề ở đây là Ađam và Eve đã không vâng lời Thiên Chúa.
          Tội nguyên tổ là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả tội đầu tiên của cha mẹ đầu tiên của chúng ta. Là những con người đầu tiên của nhân loại, tội của họ gây ra không chỉ cho họ, nhưng còn cho con cháu họ. Nó được gọi là “nguyên tổ” bởi nó là tội đầu tiên mà con người phạm phải. Đó là tội bởi là một hành động cố tình và và tự do chống lại ý định của Thiên Chúa.
          Hậu quả của tội nguyên tổ rất nghiêm trọng. Trong lãnh vực thiêng liêng, tội của họ cũng được truyền đến đời con cháu để rồi ta phải nhận lấy tội của họ như chúng ta phải nhận hệ gen của chúng ta.
          Với chúng ta, tội nguyên tổ không phải là việc chúng ta phạm tội trong khi chúng ta ở trong dạ mẹ của chúng ta. Đúng hơn, nói điều đó có nghĩa là chúng ta phải nhận một khuynh hướng nghiêng chiều về tội. Khi bạn được sinh ra, bạn không có những bệnh sơ sinh như bệnh sởi hay bệnh thủy đậu, nhưng chúng ta được sinh ra với tình trạng dễ bị tổn thương và nhạy cảm với những bệnh hiểm nghèo. Khi cha mẹ của bạn đưa chúng ta đến bác sĩ nhi khoa, bác sĩ đã tiêm vắc-xin cho bạn, những thứ vắcxin ấy giúp cơ thể bạn chống lại những bệnh đó mỗi khi bạn bị chúng đó tấn công.
          Tội nguyên tổ giống như người được sinh ra mà không có khả năng chống cự cám dỗ. Khi Chúa tạo dựng người nam và người nữ đầu tiên, Ngài đã phú cho họ ơn thánh hóa, vốn giúp con người nên thánh thiện. Dẫu rằng ơn thánh hóa không làm cho bạn sạch tội, nhưng ơn thánh hóa giúp bạn mạnh mẽ trong tâm hồn để có thể chiến đấu các cám dỗ phạm tội và điều xấu.
          Để trở thành người con trong một gia đình, chúng ta phải sinh ra. Cũng vậy, để trở thành thành viên trong gia đình mới của Chúa Giêsu, nghĩa là Nước Thiên Chúa, chúng ta cũng phải được tái sinh. Và như chúng ta biết, sinh ra đã không dễ, tái sinh càng khó hơn. Hơn nữa, chúng ta không thể tự mình tái sinh được, cũng như chúng ta đã không tự mình sinh ra.
          Bí tích Thánh Tẩy làm cho người tín hữu chúng ta được tái tạo và được phục hồi phẩm giá của mình, từ tình trạng tội lỗi, nô lệ ma quỉ, và phải chết đời đời, sang tình trạng của ơn sủng. Nay, nhờ được tái sinh trong Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, được tham dự vào đời sống vĩnh cửu của Thiên Chúa Ba Ngôi, được hưởng ơn cứu độ của Chúa Giêsu qua mầu nhiệm chịu chết và sống lại, được đón nhận sự sống của Chúa Thánh Thần, và đặc biệt, được trở thành con cái của Thiên Chúa, và được gia nhập vào Hội Thánh Chúa.
          Sinh ra bởi ơn trên nghĩa là, đến lúc nào đó trong đời, chúng ta phải hiểu rằng sự sống của chúng ta đến từ bên ngoài thế giới này, từ một nơi và một nguồn nằm ngoài dạ mẹ, và ở đó có sự sống thâm sâu hơn cũng như ý nghĩa thâm sâu hơn. Và thế là chúng ta phải có hai lần sinh ra, một lần cho chúng ta sự sống sinh học (sinh ra trong thế giới này) và một lần cho chúng ta sự sống cánh chung (sinh ra chúng ta trong thế giới của đức tin, linh hồn, tình yêu, và thần khí).
          Trang Tin Mừng hôm nay ta thấy Chúa Giêsu nói chuyện với ông Nicôđêmô. Chúa Giêsu bảo ông “phải được sinh ra bởi ơn trên”. Nicôđêmô hiểu theo nghĩa đen và ông phản đối, một người trưởng thành không thể nào chui vào bụng mẹ để sinh ra lần nữa. Thế nên, Chúa nói lại câu này theo ẩn dụ, cho Nicôđêmô biết rằng lần tái sinh của một người thì không như lần đầu, không phải bởi xác thịt, nhưng là “bởi nước và Thần Khí”. .
          Ơn tái sinh qua Bí tích Thánh Tẩy, giúp chúng ta được sống một đời sống mới. Bởi thế, chúng ta phải triệt để sống xứng đáng với ơn làm con cái Chúa, phải xa lánh tội lỗi, từ bỏ nết xấu, chiều theo những đam mê bất chính; vì những điều đó dễ làm chúng ta đánh mất ơn làm con cái Chúa. Hãy luôn sống như con cái của sự sáng.
          Và rồi dưới sự tác động của Thánh Thần, chính Lời Chúa và Mình Máu của Chúa, những ơn huệ và nhất là ơn tha thứ của Chúa, mới có thể tái sinh chúng ta, tái tạo con tim chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con người mới trong Gia Đình mới của Chúa : "Các ông cần phải được, Đức Giê-su nói, sinh ra một lần nữa bởi ơn trên". Bởi vì Lời Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, vẫn đang tạo dựng chúng ta và sẽ tái tạo dựng chúng ta để chúng ta trở thành tạo vật mới. 
          Vì được tái sinh bởi “nước và Thánh Thần”, nghĩa là trong chúng ta luôn có Chúa Thánh Thần hoạt động. Vì thế, chúng ta luôn luôn giữ vững ơn nghĩa của Chúa, biết vâng phục ơn Chúa Thánh Thần soi sáng qua tiếng nói của lương tâm ngay thẳng, sống theo chân lý, sống theo sự thật.
          Tâm tình của Cha Tiến Lộc thật dễ thương :  Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ đức Kitô đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ Đức Kitô nảy sinh tình đệ huynh ...
          Ai nào đó chưa biến đổi cuộc đời mình, ai nào đó chưa nảy sinh tình đệ huynh đồng nghĩa rằng họ đã chưa gặp Đức Kitô trong cuộc đời. Mỗi người chúng ta nhìn lại cung cách sống của chúng ta để chúng ta nhìn chúng ta có gặp Chúa thật hay không ? Lời đáp trả là của mỗi người chúng ta.
HOA TRÁI ĐỜI SNG ĐỨC TIN
          Thánh Martinô I là linh mục của thành phố Rôma. Ngài nổi tiếng là người thánh thiện và thông thái. Vào tháng Bảy năm 649, Martinô lên ngôi giáo hoàng. Khi người ta tranh cãi nhau về những chân lý buộc phải tin, giáo hoàng Martinô I liền triệu tập một hội nghị các giám mục.
          Cuộc họp này là Công đồng Lateranô, có mục đích giải thích cách rõ ràng minh bạch các chân lý mạc khải, những điều mà chúng ta phải tin. Tuy thế, có một vài Kitô hữu đã không hài lòng về việc này. Giáo hoàng Martinô biết rằng sự giải thích cắt nghĩa của Công đồng là điều chân thật. Bổn phận của ngài với cương vị giáo hoàng là phải giảng dạy chân lý cho dân chúng.
          Một số người có thế lực không hiểu rõ những việc làm của giáo hoàng Martinô. Một trong số họ là hoàng đế Constan II thành Constantinôpôli. Ông đã sai thuộc hạ của ông tới Rôma bắt giáo hoàng Martinô I và giải về Constantinôpôli. Những người thuộc hạ đã đến bắt cóc giáo hoàng. Lập tức họ đưa ngài ra khỏi đền thờ thánh Gioan Latran và đẩy ngài lên một chiếc tàu. Rồi, giáo hoàng Martinô lâm bệnh nhưng họ vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Vào tháng Mười năm 653, họ giam ngài tại Constantinôpôli độ ba tháng.
          Trong thời gian này, mỗi ngày họ chỉ cho giáo hoàng Martinô chút ít thực phẩm và nước uống. Thậm chí ngài không được phép tự mình tắm rửa. Sau đó, giáo hoàng Martinô I bị đưa ra xét xử, bị công khai làm nhục và bị lên án tử. Nhưng sau đó, họ lại mang ngài trở về nhà tù và giam ngài thêm ba tháng nữa. Đức Thượng phụ Giáo chủ Phaolô của Constantinôpôli đã xin tha chết cho ngài. Vì vậy, Martinô I đã bị án lệnh trục xuất thay vì phải chết. Người ta đặt giáo hoàng Martinô I trên một chiếc tàu chở ngang qua Biển Đen. Vào tháng Tư năm 654, tàu đổ bộ trên bán đảo Nga gọi là “bán đảo Crinêa.”
          Họ làm cho giáo hoàng Martinô I phải chú ý trước sự thờ ơ lãnh đạm của những người phụ trách việc giam giữ ngài. Giáo hoàng Martinô I đã viết một bài tường thuật về những ngày buồn thảm ấy. Ngài nói rằng mình cảm thấy rất đau buồn khi bị chính những người thân thuộc và các thành viên trong Giáo hội Rôma quên lãng. Ngài biết rằng họ sợ nhà vua. Nhưng ít ra, đức Martinô I nói, hẳn là họ cũng có thể gởi cho ngài những đồ tiếp tế như ngũ cốc, dầu mè và các nhu cầu thông thường khác. Nhưng họ đã không làm. Họ đã bỏ rơi giáo hoàng chỉ vì sợ hãi!
          Thời gian lưu đầy của giáo hoàng Martinô I kéo dài hai năm. Ngài qua đời khoảng năm 656. Giáo hoàng Martinô I được tôn phong là thánh tử đạo vì những đau khổ khủng khiếp ngài đã chịu. 
          Hôm nay, tiếp tục cuộc đối thoại với Nicôđêmô, Chúa Giêsu cho ông biết Ngài là Đấng Cứu Độ, Đấng đến từ Trời, ai tin vào Ngài thì được sống đời đời.
          Nicôđêmô thắc mắc lắm khi nghe Chúa Giêsu nói về một sự sinh ra mới, sinh lại trong Thần Khí: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?”. Sự ‘không hiểu nổi’ của Nicôđêmô là điều hợp lý thôi! Vì ngoại trừ Chúa Giêsu, không ai có căn cớ để nói về sự sinh lại. Sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh, thân xác vinh hiển của Ngài trở thành bằng chứng cụ thể cho cuộc sinh ra mới mẻ này. Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể đem lại cho chúng ta một kiến thức từ Trời. Chỉ một mình Chúa Giêsu Phục Sinh mới có thể tỏ lộ sự sống vĩnh cửu và chân thật. Sự sống mới mà Chúa Giêsu Phục Sinh đem lại cho những ai tin vào Ngài quả thực là một tri thức vượt xa luận lý và qui tắc suy lý của con người. Tri thức đó, thánh Gioan đã nói một cách đơn giản: “Chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi thấy,…”.
          Điều mà Chúa Giêsu đã đem đến cho chúng ta, đó chính là Thiên Chúa trong thân phận phàm nhân, Emmanuel. Không tin vào Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không hiểu được sự sống đời đời là gì. Chỉ có Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã vượt qua cái chết, mới có toàn quyền mạc khải sự sống trường sinh. Ngài là trưởng tử trong cuộc tạo dựng, và đồng thời cũng là người đầu tiên từ cõi chết sống lại. Ngài là ánh sáng để cho chúng ta biết: không ai có thể ban cho chúng ta sự sống đời đời ngoại trừ Thiên Chúa. Không ngước nhìn lên Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, chúng ta sẽ không có sự sống đời làm gia nghiệp.
           Chính Chúa Giêsu là Đầu đã khải hoàn trong vinh quang Phục Sinh, thì chúng ta là chi thể của Thân Mình Chúa Giêsu cũng sẽ theo Đầu đi vào trong vinh quang Phục Sinh với Người. Nhưng làm sao có Phục Sinh nếu không kinh qua thập giá? Đầu đã chịu giương cao trên thập giá nên cũng được giương cao trong vinh quang Phục Sinh. Tương tự như thế, chúng ta cũng đi theo con đường thập giá đến vinh quang.
          Mỗi Kitô hữu đều đã được tái sinh bởi Nước và Thánh Thần qua Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta hãy để ân sủng Chúa Thánh Thần làm cho đức tin và đời sống đạo đức của chúng ta lớn lên và trưởng thành. Hoa trái của ân sủng được thể hiện qua đức công bình, bác ái và niềm vui.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...