20/02/2024
284

Tin mừng: Lc 11,29-32

29 Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona.

30 Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. 31 Đến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon.

Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. 32 Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”.

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu là dấu chỉ Thiên Chúa gởi đến cho ta. Cần phải biết đón nhận bằng cách thành tâm lắng nghe lời khôn ngoan của Tin Mừng, đồng thời tin vào việc làm và đời sống của Chúa Giêsu để hoán cải.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong tình yêu nhân loại, con thấy không gì đau khổ cho bằng nghi ngờ và từ chối tình yêu của nhau. Và từ đó con hiểu được phần nào Chúa rất khổ tâm vì con lòng chai dạ đá. Chúa yêu thương con và đã hiến trọn cuộc đời của Chúa để biểu lộ tình yêu của Chúa Cha đối với con. Tin Mừng của Chúa, lòng thương xót tha thứ của Chúa, tình yêu Chúa rong ruổi đi tìm những con chiên lạc và bênh vực an ủi những kẻ khổ đau bé nhỏ, cuối cùng là sự hy sinh hiến mạng sống vì người mình yêu. Tất cả đều là lời mời gọi, là dấu chỉ biểu lộ tình yêu Chúa dành cho con. Thế mà lạy Chúa, con chưa nhận ra lời mời gọi của tình yêu. Con vẫn khép lòng và nhắm mắt như những người Do Thái xưa.

Lạy Chúa, đối với những người thực tình yêu mến, tất cả đều có ý nghĩa, mọi biến cố đều là lời mời gọi, mọi sự kiện đều là tiếng nói. Đã bao lần Chúa dùng lời Tin Mừng, lời giáo huấn của Hội Thánh, lời của cha mẹ, con cái, anh chị em, để mời gọi con. Đã bao lần Chúa để xảy đến cho con những biến cố vui buồn sướng khổ để nhắc bảo con. Nhưng con chẳng muốn thấy, chẳng thèm nghe, mà chỉ đổ xô chạy tìm những phép lạ hay những tin giật gân của dư luận. Lạy Chúa, nếu con thiếu tình yêu, thì bao nhiêu dấu lạ cũng chẳng đủ cho con. Xin Chúa ban cho con một tấm lòng thành để con đón nhận Chúa và tin yêu Chúa. Xin Chúa cho con được thật tình yêu Chúa, một tình yêu bén nhậy và tế nhị, để con về với Chúa và tựa sát lòng Chúa. Amen.

Ghi nhớ“Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Cả hai bài đọc Cựu Ước và Tân Ước đều nhắc tới “dấu chỉ Giôna”:

- Ngày xưa ngôn sứ Giôna đã kêu gọi dân thành Ninivê tội lỗi lo ăn năn sám hối. Mọi người trong thành, từ vua quan đến dân chúng lớn nhỏ, đều đáp lại lời kêu gọi ấy. Chúa thấy lòng thành của họ nên đã tha thứ và không phạt họ.

- Khi nhắc lại chuyện Giôna, Chúa Giêsu cảnh cáo những người do thái thời Ngài: “Dân thành Ninivê sẽ chổi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn có Đấng hơn ông Giôna nữa”.

Như thế, Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta sám hối.

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Sám hối gồm 4 điều: 1/ biết mình có tội; 2/ buồn; 3/ tin vào tình thương tha thứ của Chúa; 4/ quay về với tình thương ấy. Thiếu 1 trong những điều trên thì không phải là sám hối thật.

2. Trong chuyện Giôna, hình ảnh dân thành Ninivê tội lỗi lại dễ thương hơn hình ảnh Giôna ngôn sứ. Ông không muốn tuân theo lệnh Chúa. Ông chỉ muốn dân Ninivê bị phạt. Khi dân thành này sám hối và được tha thì ông giận Chúa. Chúa dùng tấm gương của họ để kêu gọi Giôna sám hối. Thật lạ lùng: người giảng sám hối lại sám hối sau người nghe giảng. Là những người giảng cho người ta sám hối trong Mùa Chay này, Linh mục tu sĩ chúng ta nghĩ sao về chuyện này ?

3. Người cha rất đau khổ vì đứa con trai theo bạn bè phung phá hết tiền của. Cùng đường, chàng ta viết thư thống thiết xin lỗi cha và ngỏ ý xin cha thương xót. Người cha gửi cho cậu bức điện tín, chỉ có một chữ “Về” và kí tên cũng chỉ một chữ “Cha”.

Phúc Âm của Chúa cũng là bức điện tín gửi cho thế giới tội lỗi này, với một chữ viết “Về” và một chữ kí “Cha”. (Góp nhặt)

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Hãy thay đổi chính mình (Lc 11,29-32)

  1. Ngày xưa tiên tri Giona đã kêu gọi dân thành Ninivê tội lỗi lo ăn năn sám hối. Mọi người trong thành, từ vua quan đến dân chúng lớn nhỏ, đã đáp lại lời kêu gọi ấy. Chúa thấy lòng thành của họ nên đã tha thứ và không phạt họ.

Còn các luật sĩ và biệt phái đã từng nghe Đức Giêsu giảng dạy và chứng kiến nhiều phép lạ Ngài đã làm, nhưng họ đã không nhận ra thân thế của Ngài là Đấng Cứu Thế. Họ còn đòi Ngài phải làm phép lạ lớn trên trời để họ tin. Khi nhắc lại chuyện Giona, Đức Giêsu cảnh cáo những người Do thái thời Ngài: “Dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân này đã sám hối khi nghe ông Giona rao giảng”. Như thế, Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta sám hối.

  1. “Ông Giona đã ở trong bụng cá ba ngày...”

Hồi Đức Giêsu ở Galilê, các luật sĩ đã xin Ngài cho xem điềm lạ trên trời. Nay các biệt phái ở Giuđê cũng lại yêu cầu điều đó. Cũng như lần trước, Ngài không cho, vì biết họ chỉ có ý khiêu khích Ngài. Ngài hứa cho họ xem một phép lạ cả thể: đó là việc Ngài chết và sống lại. Nhưng Ngài mượn tích chuyện ông Giona để nói với họ.

Theo tích truyện, ông Giona khi bị ném xuống biển thì có một con cá lớn nuốt ông vào bụng, giữ ba ngày đêm, rồi nhả ông ra trên bãi biển. Câu chuyện này có ý nói đến việc Đức Giêsu sẽ chịu chết, nằm trong mộ ba ngày rồi sẽ sống lại ra khỏi mồ.

  1. Qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu dựa vào câu chuyện về điềm lạ Giona để kêu gọi sự sám hối. Đáp lại lời kêu gọi đó, thánh Luca cho chúng ta thấy có ba thái độ:

- Các biệt phái cứng lòng và gian ác, họ đòi một điềm lạ trên trời, vì họ đã không tin vào những phép lạ Đức Giêsu đã làm. Đó là tội từ chối ánh sáng, tội phạm đến Thánh Thần.

- Dân thành Ninivê mau mắn nghe lời và nhiệt tâm sám hối theo lời kêu gọi, nên họ đã được Thiên Chúa thứ tha.

- Nữ hoàng Sêba không những cảm phục những lời lẽ khôn ngoan của vua Salomôn, mà bà ta còn trở thành người rao giảng các lời ấy cho dân nước của mình.

  1. Muốn sám hối thì cần phải biết mình, biết mình có tội để sám hối, nhưng trong thực tế, biết mình là một truyện khó, vì người ta thường nói: “Bàng quan giả tỉnh, đương cục giả mê: việc người thì sáng, việc mình thì quáng, chỉ biết người mà lại không biết mình.

Nhân đây chúng ta hãy xem ý kiến của Lm. Carôlô như thế nào khi nói: Trong chuyện Giona, hình ảnh dân thành Ninivê tội lỗi lại dễ thương hơn hình ảnh Giona tiên tri. Ông không muốn tuân theo lệnh Chúa. Ông chỉ muốn dân Ninivê bị phạt. Khi dân thành này sám hối và được tha thì ông giận Chúa. Chúa dùng tấm gương của họ để kêu gọi Giona sám hối. Thật lạ lùng: người giảng sám hối lại sám hối sau người nghe giảng. Là những người giảng cho người ta sám hối trong Mùa Chay này, linh mục tu sĩ chúng ta nghĩ sao về chuyện này ?

  1. Khi được hỏi làm sao để có thể giúp đỡ cho rất đông người nghèo khó như vậy, Mẹ Têrêsa Calcutta trả lời: “Chúng tôi không phục vụ để thành công, chúng tôi phục vụ để làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa Tình yêu”.

Trong niềm tin của người Do thái, câu chuyện tiên tri Giona là một câu chuyện lạ lùng. Ông là một người nước ngoài, nhưng đã đến thành Ninivê để loan báo Lời Thiên Chúa. Dân ở đây tin tưởng ông và hoán cải. Đức Giêsu cũng đã đến, đã làm nhiều phép lạ và kêu gọi dân sám hối, nhưng họ không nghe vì không tin Người đến từ Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã đến trần gian 2000 năm, nhưng ngày nay, còn có rất nhiều người chưa tin Người là Thiên Chúa. Thế giới hôm nay ngập tràn bạo lực, vô cảm và thiếu vắng tình thương. Chúng ta phải làm gì để dấu lạ tình yêu Thiên Chúa được tỏ ra trong trần gian này ?

  1. Truyện: Hai chữ S và T.

Tại một miền quê ở nước Mỹ vào thời mới lập quốc, có hai anh em nhà kia bị bắt quả tang đang ăn         cắp cừu, dân chúng trong làng đã mở toà án nhân dân để trừng phạt.

Sau khi nghe báo cáo về tội trạng của họ, mọi người nhất trí trừng phạt bằng cách khắc trên trán tội nhân hai chữ viết tắt ST, có nghĩa là “người ăn cắp cừu”. Người ta đã dùng sắt nung đỏ khắc trên trán họ hai chữ ST rồi thả về. Hai chữ ST thành hai vết sẹo rõ ràng trên trán họ, khiến họ xấu hổ vô cùng. Vì thế, một trong hai người ăn trộm không chịu nổi sự sỉ nhục, nên đã trốn sang một vùng khác để sống. Nhưng anh không thể xoá nhoà được hai chữ viết tắt trên trán của mình. Bất cứ người lạ nào gặp anh đều hỏi anh về ý nghĩa của hai chữ ấy. Một lần nữa, không chịu nổi sự nhục nhã, anh lại rời bỏ nơi ấy và lang thang sang miền khác, nhưng đến đâu anh cũng bị người ta hỏi về hai chữ tắt ấy. Cuối cùng mòn mỏi trong cay đắng, anh đã bỏ mình nơi đất khách quê người.

Đó là người anh, còn người em thì sao ? Anh ta nghĩ rằng: “Nếu anh mình đã bị sự nhục nhã gặm nhấm đến độ phải trốn suốt cả cuộc đời, thì anh lại tự nói với mình, tôi không thể bỏ trốn chỉ vì ăn      cắp mấy con cừu, tôi phải ở lại đây và tôi phải tạo lại sự tin tưởng nơi những người xung quanh và nơi chính tôi”. Với quyết tâm đó, anh đã ở lại trong xứ sở của mình, và không bao lâu anh đã xây dựng được cho mình một sự nghiệp cũng như danh thơm của một người thanh liêm chính trực.

Nhưng cho dù năm tháng có qua đi, hai chữ ST vẫn còn ghi đậm tên vầng trán của anh. Ngày kia, một người lạ mặt hỏi cụ già trong làng về ý nghĩa hai chữ viết tắt ấy. Cụ già suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Tôi không nhớ rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của người đó, tôi nghĩ rằng chữ viết tắt ST ấy có nghĩa là Saint “thánh thiện”.

Nguồn: tgpsaigon.net


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...