Suy niệm Thứ Năm tuần 33 Thường niên
Tin mừng: Lc 19, 41-44
41 Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương 42 mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được.
43 Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. 44 Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu tiên báo về về thành Gê-ru-sa-lem bị tàn phá. Đó là cuộc phán xét lịch sử nhưng cũng là báo trước cuộc phán xét cánh chung. Chúng ta hãy tỉnh thức để biết nhận ra “giờ được Thiên Chúa viếng thăm” hầu được bình an nơi Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong khi nguời Do-thái rất tự hào về sự nguy nga, tráng lệ, kiêu hùng của thành Giê-ru-sa-lem, thì Chúa lại nói đến một ngày mà công trình ấy sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Cũng vậy, con thường chỉ đánh giá sự việc và con người dựa trên những dấu hiệu bề ngoài. Đôi khi những dấu hiệu bên ngoài ấy làm con mù quáng, nên đánh giá lầm những điều kín ẩn bên trong.
Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, người Do-thái khát khao, mong chờ một Đấng cứu tinh, nhưng khi Chúa đến giữa họ thì họ lại không chịu đón nhận. Họ đã không nhận ra Chúa, không phải vì Chúa không tỏ ra cho họ, mà là vì Chúa không đến theo kiểu họ ước mong. Và như thế, Chúa phải xót xa vì sự hững hờ của họ.
Phần con cũng không thiếu những lúc con chỉ nhìn thấy những điều trước mắt. Con quá vui khi thành công và con cũng quá buồn trước thất bại. Con đã không biết nhìn ra những sứ điệp thiêng liêng mà Chúa gởi đến cho con qua những thành công hay thất bại đó. Xin Chúa thương xót và thứ tha cho con. Xin Chúa dạy con biết sống trọn giây phút hiện tại, luôn rút ra được những ích lợi từ mọi biến cố vui buồn trong đời. Và xin cho con luôn hiểu rằng: không bao giờ là quá trễ đối với Chúa. Xin Chúa cho con luôn biết làm lại cuộc sống của mình để sẵn sàng đón chờ giờ con được Thiên Chúa viếng thăm. Amen.
Ghi nhớ: “Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”
Thành Giêrusalem tượng trưng cho dân do thái và cho tất cả những người được Thiên Chúa ưu ái nhưng đã phụ lòng Ngài nên cuối cùng phải gánh lấy số phận bi thảm.
Lỗi của nó là gì ? Là không “nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi” (câu 41); “không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (câu 44). Ơn Chúa ban cho nó rất nhiều, nhất là ơn “bình an” và “viếng thăm”. Nhưng nó đã coi như không, nên không nhận biết để cám ơn, không nhận biết để xử dụng, không nhận biết để hiểu xem ý Chúa muốn nó làm gì khi ban ơn cho nó.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. ”Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi”. Lời Chúa Giêsu rất giống với lời Thánh Vịnh đầu tiên chúng ta đọc mỗi sáng “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người và đừng cứng lòng nữa” (Tv 94). Lời này mỗi ngày nhắc nhở chúng ta “nhận biết” tiếng Chúa nói với chúng ta suốt ngày, và chúng ta đừng cứng lòng như thành Giêrusalem xưa.
2. Ngày nay người do thái vẫn còn đến bên bức tường đổ nát của cổ thành Giêrusalem để than khóc cho số phận của đất nước và tiếp tục chờ mong Đấng Messia “của họ”. Nhưng trớ trêu thay lúc Đấng Messia thật đến viếng thăm họ thì họ đã chối từ và xử tử! Tại vì họ đã “không nhận biết”. Xin giúp con tỉnh táo “nhận biết” những thời giờ Chúa đến viếng thăm con.
3. Mỗi ngày tôi đã để vuột mất biết bao “sứ điệp bình an” do anh chị em trong cộng đoàn đem đến. Tôi đã cố nhắm mắt do thành kiến, ác cảm, giận hờn… Tôi cứ mù quáng chạy miết theo sở thích và ý riêng của tôi. - Lạy Chúa, đáng lẽ con phải khóc cho bản thân, nhưng con cứ thản nhiên tự đắc… và hình như Chúa đang khóc cho tình trạng khốn đốn của con.
4. Một buổi trưa hè nóng bức, Thánh Phanxicô Assisi sau khi đi đường mệt nhọc đã tìm được một chỗ nghỉ chân rất thoải mái. Chỗ đó là dưới một gốc cây có tàng lá che mát, bên dưới là một dòng nước trong lành mát rượi. Thánh nhân rửa tay rửa mặt xong xuôi rồi ngả mình dưới tàng lá. Bỗng dưng người bật khóc. Vì người nghĩ: từ không biết bao đời, Chúa đã biết hôm nay mình đến đây, Chúa biết mình mệt, cho nên Chúa đã đặt sẵn ở đây một bóng mát và một dòng suối để cho mình nghỉ ngơi.
Cái nhìn của bậc thánh nhân đã nhận ra những điều mà người phàm không bao giờ thấy được.
5. “Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Chúa Giêsu khóc thương mà nói: Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi” (Lc 19,41-42)
Chúa Giêsu đã khóc thương dân thành Giêrusalem, và hôm nay Ngài cũng đang khóc thương tôi.
Ngài khóc thương khi thấy tôi bị xô đẩy quay cuồng bởi dòng xoáy của cuộc đời, nhưng vẫn cố bám vào những “cột mốc” không bền vững và tin đó là cột mốc của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con cảm nhận được tình Ngài yêu con, biết lấy Ngài làm cùng đích đời con. (Hosanna)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Đức Giêsu thương tiếc thành Giêrusalem (Lc 19,41-44)
- Cuộc hành trình đi Giêrusalem được kết thúc bằng một cuộc khải hoàn long trọng tiến vào thành. Nhưng khi đến gần, nhìn thấy thành Giêrusalem, Chúa thấy trước thành này sẽ bị tàn phá, cũng là báo trước cuộc phán xét trong ngày cánh chung, nên Chúa thốt lên những lời than tiếc cho thành Giêrusalem. Họ có lỗi bởi vì Thiên Chúa luôn yêu thương dân Người, nhưng họ đã từ chối tình thương của Thiên Chúa, từ chối ơn cứu độ và sự bình an Người mang đến cho họ. Và vì không đón nhận nên họ phải đau khổ.
- Trên đường tiến về Giêrusalem, vừa thấy thành, Đức Giêsu đã khóc thương nó, vì thấy trước viễn cảnh sụp đổ bình địa của thành, vì dân thành đã không tin vào Người. Đức Giêsu đã khóc, vì dường như bất lực trước sự cứng lòng của dân Do thái thành Giêrusalem. Người làm được mọi sự, nhưng đối với sự cứng lòng của người Do thái, Người không thể làm gì trước tự do của họ. Có thể nói, Thiên Chúa dường như bất lực trước sự tự do mà Người đã ban cho con người. Người Do thái là dân Chúa chọn nên họ đáng hưởng nhiều đặc ân, nhưng thực tế họ không được gì. Bởi Chúa đã giáng sinh nơi quê hương họ để cứu chuộc họ, nhưng họ đã không đón nhận.
- Dưới cái nhìn của các tiên tri, số phận của thành Giêrusalem gắn liền với niềm tin và lòng trung thành đối với Thiên Chúa. Sự trung thành của thành thánh luôn đem lại thịnh vượng và an bình. Trái lại, tai hoạ luôn là hình phạt cho sự phản bội. Ngay từ xa xưa, tiên tri Giêrêmia đã loan báo về sự sụp đổ của thành thánh vào năm -587. Trong Tin mừng, dường như Đức Giêsu cũng muốn lấy lại ngôn ngữ của Giêrêmia để loan báo về sự sụp đổ của thành thánh vào năm 70. Tiếp theo những biến cố này là một loại tang thương xảy đến cho dân Do thái mà cao điểm là cuộc sát tế 6 triệu người Do thái do Đức quốc xã trong đệ nhị thế chiến.
Như vậy, dưới cái nhìn của Luca, sự sụp đổ của Giêrusalem và bao tai hoạ xảy đến cho dân Do thái đều là hậu quả của sự khước từ hồng ân của Thiên Chúa (R.Veritas).
- Đức Giêsu đã khóc vì đau buồn trước viễn cảnh thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá bình địa: “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”. Đền thờ là nơi Ngài thường đến hành hương từng năm, nơi đầy ắp kỷ niệm thời thơ ấu, nhà của Cha Ngài, nơi linh thiêng của cả dân tộc. Vậy mà Đền thờ ấy sẽ phải bị tàn phá. Quả thật, năm 70, nhân cuộc nổi dậy của người Do thái, tướng Titô đã tàn phá bình địa thành đô, và cho cày một luống dài giữa Đền thờ, để cho thấy từ nay nơi đây đã trở thành hoang phế. Cùng với Đền thờ là biết bao người dân, trong đó có cả những trẻ thơ vô tội, bị tàn sát dưới lưỡi gươm của lính Rôma. Thế mà giờ đây, Đức Giêsu đến đem bình an cho dân thành; Ngài là Thiên Chúa đến thăm dân Ngài. Vậy mà, tiếc thay, dân thành đã dửng dưng, không đón nhận (5 phút Lời Chúa).
- Để nói lên thiện chí hoà bình giữa Ac-hen-ti-na và Chi-lê, Ac-hen-ti-na đã đem khí giới, đúc tượng Đức Giêsu. Bức tượng được đưa lên dãy núi Andes là nơi đã xảy ra cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Dưới bệ tượng có dòng chữ: “Chính Người là sự bình an của chúng ta. Người đã làm cho đôi bên nên một”.
Lời Chúa hôm nay cho thấy Đức Giêsu khóc thương Giêrusalem, bởi thành đã không nhận ra Chúa là nguồn bình an. Đức Giêsu khóc thương thành, Người cũng khóc thương những người Do thái đương thời. Họ không nhận ra Thiên Chúa đang biểu lộ tình thương giữa họ.
Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta chạy theo những thứ bình an giả tạo, mà quên tìm kiếm bình an đích thực; chúng ta chối bỏ Thiên Chúa và đặt của cải, danh vọng, địa vị làm mục đích cuộc đời. Khi ấy, chúng ta cảm thấy bất an và mệt mỏi. Ngược lại, lúc chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa và bước đi trong ánh sáng của Người, chúng ta mới có bình an đích thực.
- Điều xảy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xảy ra cho mọi người thuộc mọi thời đại. Mỗi người chúng ta đều có giây phút Chúa đến viếng thăm, đó là giây phút hồng phúc mang đến ơn lành, ơn cứu rỗi và sự bình an. “Ước chi hôm nay, nơi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi”. Nhưng Chúa không bắt buộc tự do của mỗi người, sự tự do mà Ngài đã trao ban cho con người một lần vĩnh viễn không bao giờ muốn lấy lại. Dù biết rằng con người vẫn có thể lạm dụng sự tự do đó mà chống lại Ngài (Mỗi ngày một tin vui).
- Truyện: Kiên tâm chịu đựng
Khi đi tuần tra tại một thành phố nọ có một vị thẩm phán lúc nào cũng bị một luật sư kiêu căng gây phiền toái bằng cách đưa ra một số nhận xét mang tính cách chế giễu.
Sau đó, trong bữa ăn tối, có vài người hỏi vị thẩm phán tại sao ông không dùng quyền lực của mình để chỉ trích viên luật sư này.
Vị thẩm phán liền bỏ dao nĩa xuống, chống cùi chỏ lên bàn và kể câu chuyện của mình:
- Tại thành phố của chúng ta, có một bà goá sống chung với một con chó, cứ mỗi khi mặt trăng toả sáng, thì con chó lại đi ra ngoài và sủa liên tục suốt đêm.
Ông ngừng lại và lặng lẽ bắt đầu ăn trở lại. Một trong những người bạn hỏi ông:
- Thưa ngài thẩm phán, thế con chó và mặt trăng thì làm sao ?
Ông nói:
- Ô, bất chấp tiếng sủa của con chó, mặt trăng vẫn cứ tiếp tục tỏa sáng.
Vâng! Hãy tin tưởng vào Chúa. Gặp thời thuận tiện hay không, cùng với thánh Phaolô, chúng ta hãy kiên vững trong sứ mệnh loan báo Tin mừng, vì xác tín rằng không một sức mạnh trần thế nào có thể cản được chương trình của Thiên Chúa.
4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Vào năm 70 sau Công nguyên, vị tướng La Mã Titô đem đại quân vây hãm thành Giêrusalem. Ông ra lệnh không được đốt phá.
Thế nhưng, một quân nhân như bị thúc đẩy bởi một sức kỳ lạ đã cầm bó đuốc đang cháy ném vào bên trong đền thờ, lửa bốc cháy nhanh, không chữa được. Sau khi đám cháy tàn lụi, Titô ra lệnh phá hủy thành và đền thờ, ngoại trừ ba lều tháp và một bức tường, để cho hậu lai thấy sự kiên cố của thành đã bị phá. Tất cả những sự việc trên được sử gia Josèphe sống trong thời đó ghi chép lại cho hậu thế...
Suy niệm
Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Ðức Giêsu khóc thương thành vì sẽ có ngày thành huy hoàng bị phá huỷ… Sau này, trong cuộc thương khó, dân chúng đấm ngực và thương khóc khi thấy Chúa Giêsu vác thánh giá. Chúa Giêsu nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi, hãy khóc cho thân phận mình và cho con cháu” (Lc 23,27-28). Ngài yêu thương thành Giêrusalem. Nhưng dân thành cố tình chối bỏ Ngài để chạy theo những mê muội của trần gian. Ngài cảm thấy xót xa khi người ta từ chối tình yêu của Ngài. Ngài đến cho họ tình yêu nhưng họ không đón nhận cho nên họ phải đau khổ. Tất cả mọi sự đã xảy ra như lời Chúa Giêsu đã loan báo: Vào năm 70 sau Công nguyên quân đội Rôma do tướng Titô chỉ huy đã phá hủy và bình địa thành nguy nga này.
Ngày nay, chúng ta cũng như dân thành Giêrusalem ngày xưa: Cố tình chối bỏ Chúa để chạy theo những vật chất, quyền bính danh vọng trần gian. Ðức Giêsu vẫn đang than khóc và đau khổ vì tội lỗi con người...
Xin Chúa cho chúng ta luôn khao khát, nhận biết và đón nhận tình yêu của Thiên Chúa. Biết thức tỉnh và từ bỏ đời sống tội lỗi để quay về với Ngài. Khi đó chúng con sẽ được hưởng tình yêu, sự tha thứ và ơn cứu độ từ Thiên Chúa.
Ý lực sống
“Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người,
các bạn đừng cứng lòng”.
(Tv 95,8)
Nguồn: tgpsaigon.net