01/12/2023
181

Suy niệm Thứ Bảy tuần 34 Thường niên

Tin mừng: Lc 21, 34-36

34 “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất.

36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Không ai có thể biết trước ngày tận cùng của cuộc đời. Vậy người Kitô hữu cần luôn tỉnh thức và cầu nguyện, luôn trong tư thế sẵn sàng đón nhận phút giây đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy con sẵn sàng đón nhận ngày cánh chung. Ngày cánh chung đến vào lúc chẳng ai ngờ, có thể là ngày mai, hay năm tới, cũng có thể là sau khi con đã nhắm mắt xuôi tay. Để chuẩn bị biến cố bất ngờ ấy, con chỉ còn cách là luôn sẵn sàng, luôn thức tỉnh và cầu nguyện.

Cuộc sống hôm nay dễ khiến con sa đà mê muội. Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và các sản phẩm của nó đã tạo ra một lối sống xô bồ, chạy đua hưởng các tiện nghi. Người ta lo toan cho có được những lạc thú, dù có phải trả giá bằng sự cực nhọc vất vả, bằng sự bận rộn kéo dài. Giữa cảnh người người đôn đáo làm lụng sắm sửa, mấy ai đủ tỉnh thức để nghĩ tới ngày tận thế hoặc nghĩ tới nấm mồ của mình. Con mê muội cũng vì con ít cầu nguyện, ít vào nơi thanh vắng với Chúa. Mặc dù con không thể chạy một mạch thẳng tới nấm mồ của mình, nhưng cái chết lại có thể đến với con bất kể giờ phút nào. Phúc cho con nếu đó là lúc con đang tỉnh thức và cầu nguyện.

Lạy Chúa, con tha thiết xin Chúa gìn giữ con luôn ở trong tình yêu Chúa. Xin đừng để sóng đời lôi cuốn con đi, đừng để con lìa xa Chúa, quên cả ngày trở về với Chúa là nguồn cội của con. Xin Chúa thương cứu con trong giờ lâm tử. Amen.

Ghi nhớ: “Các con hãy tỉnh thức, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Đoạn Tin mừng này là một phần của diễn từ chung luận trong đó Chúa Giêsu nói tới những việc sẽ xảy ra vào những ngày cuối cùng. Chúa không dừng lâu ở việc mô tả các dấu chỉ, nhưng chú ý đến thái độ mà môn đệ Đức Giêsu phải có:

- Thái độ thứ nhất là chú ý tới việc quan trọng là đón Chúa đến: không nên để mình bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn bên ngoài để rồi lo chè chén say sưa hoặc chỉ lo chuyện sống chết, chỉ lo chuyện thế gian... và bất cứ lúc nào cũng nghĩ đến việc Chúa đến, dù cho có thình lình, đột ngột, họ cũng không ngỡ ngàng.

- Thái độ thứ hai là kiên trì trong việc cầu nguyện để xin Ngài mau đến và xin ơn đứng vững trước những xáo trộn bên ngoài.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Trong ngày cuối cùng của năm Phụng vụ, Giáo Hội muốn chúng ta nghĩ đến lúc cuối cùng của lịch sử và của đời mình như Chúa dạy: để có thể bình an khi ngày cuối cùng ấy đến, chúng ta phải luôn nghĩ tới ngày đó và phải cầu nguyện luôn.

2. ”Hãy giữ mình, kẻo lòng chúng con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời”: những thú vui vật chất và những lo lắng sự đời làm cho lòng con người ra nặng nề và quên đi điểm cuối của cuộc hành trình đời mình.

3. Ngày mai chúng ta không biết sẽ ra sao, ngày cuối đời lại càng mù mịt. Xin Chúa cho chúng ta biết sống từng giây phút hiện tại, sao cho luôn được Chúa chúc lành và được tình thương Chúa che chở, để ngày Chúa đến sẽ là ngày hạnh phúc cho chúng ta.

4. Cái chết thường đến một cách bất ngờ. Trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã nói rõ điều ấy ”Chúng con hãy tỉnh thức vì chúng con không biết ngày nào giờ nào”. Đành rằng có nhiều người bệnh một thời gian khá lâu rồi mới chết, nhưng chẳng ai ngờ mình sẽ chết vào ngày này, giờ này.

Tuy bất ngờ nhưng không phải hoàn toàn bất ngờ, vì Chúa thương chúng ta, Chúa luôn ban cho chúng ta nhiều tín hiệu báo trước cái chết để chúng ta kịp chuẩn bị. Mỗi khi chúng ta thấy một người khác chết, đó là một tín hiệu; mỗi khi chải đầu thấy mái tóc mình bạc hơn, đó cũng là một tín hiệu; một chiếc răng bị hư, đôi mắt mờ xuống, tay chân yếu đi, một chứng bệnh xuất hiện… tất cả đều là những tín hiệu. Và quan trọng hơn nữa, đó là những tín hiệu mà Chúa gởi trước cho chúng ta vì Chúa thương chúng ta. Vì thế chúng ta đừng giả mù giả điếc trước những tín hiệu tình thương ấy. Tốt nhất là đón nhận chúng, nhận ra ý nghĩa của chúng và chuẩn bị.

5. Một vị đan tu tên là Mésique. Bất trung với ơn gọi, ông đã sống một cuộc đời không máy tốt đẹp trong nhiều năm. Đột nhiên ông bị bệnh nặng. Thiên Chúa cho ông rơi vào tình trạng hôn mê trong một tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy ông không nói gì về những điều đã cảm thấy trong thời gian một tiếng đống hồ ấy. Ông xin người ta cho ông ở một mình trong một căn phóng xây kín, và ông đã ở đó suốt 12 năm trời. Hàng ngày, qua một cửa sổ nhỏ người ta đem đến cho ông một chút bánh mì và nước uống. Một hôm người ta tưởng ông đã chết nên đập phòng đi vào thì thấy ông đang hấp hối. Trước mặt các tu sĩ đang vây quanh, ông nói với họ những lời cuối cùng trước khi ra đi:

- Anh em thân mến của tôi, người nào luôn khắc ghi vào tâm khảm ý tưởng về sự chết, người đó sẽ không bao giờ phạm tội.

Nói thế rồi, ông tắt thở, để lại cho một người một ấn tượng sâu đậm. (Góp nhặt)

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Phải tỉnh thức và cầu nguyện (Lc 21,34-36)

  1. Sau khi đã trình bày và xác quyết về việc Chúa đến, hôm nay Đức Giêsu trình bày cho chúng ta thái độ phải có để chờ đợi Chúa đến: đó là tỉnh thức và cầu nguyện. Chúng ta còn phải hiểu rộng ra việc Chúa đến: đó là Chúa đến trong hiện tại bằng ơn thánh, trong giờ chết của mỗi người và trong ngày cánh chung của toàn thể nhân loại. Trong ngày đó, người khôn ngoan đích thực sẽ cho là một ngày an vui hạnh phúc. Còn người khờ dại thì coi ngày đó là ngày báo oán. Chúng ta khôn hay dại ? Hãy dùng quyền tự do mà định đoạt ngay từ bây giờ.
  2. Đức Giêsu báo trước một điều bất ngờ: Ngày Con Người quang lâm và mỗi người sẽ ra trình diện với Người. Ngày đó là ngày nào ? Không ai biết được vì chỉ có Chúa Cha mới biết. Để chuẩn bị cẩn thận cho ngày phán xét, Đức Giêsu kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn: phải thường xuyên canh phòng tâm hồn mình cho khỏi mọi chước cám dỗ; phải liên lỉ cầu xin Chúa giúp sức cho mình được trung thành bền đỗ làm tôi Chúa, sống đẹp lòng Chúa đến giây phút cuối cùng. Vì ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát.
  3. Vì lý do Chúa đến cách bất ngờ và việc phán xét có tính cách nghiêm minh, không ai có thể thoát được như chiếc lưới bất ngờ chụp xuống, nên Chúa truyền lệnh phải đề phòng bằng cách tiêu cực và tích cực: tỉnh thức và cầu nguyện.

Cách tích cực: Phải sống thanh thoát: “Các con phải đề phòng, chớ để lòng mình đắm say tửu sắc, đa mang sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu các con” (Lc 21,34). Nói khác đi, Chúa muốn chúng ta sống sứ điệp và giá trị Tin mừng, không để lòng mình bị mê hoặc chạy theo các chủ trương duy vật, hưởng thụ, quá lo thu tích của cải như một bảo đảm an toàn cho cuộc sống, mà quên lãng những nhu cầu tâm linh và các giá trị siêu việt của cuộc sống.

Cách tích cựcCác con phải tỉnh thức và cầu nguyện, để có đủ sức thoát khỏi những điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).

Phải tỉnh thức: là ở trong tư thế tỉnh táo, cẩn thận để có thể đối phó kịp thời với mọi cảnh ngộ và sẵn sàng đón tiếp Chúa đến bất cứ lúc nào.

Phải cầu nguyện: vì sức con người yếu đuối, và tự mình không làm được gì, nên cần phải cầu nguyện để cho được sức chống trả những cám dỗ, những thử thách, và bách hại để dễ dàng xứng đáng đón nhận Chúa: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.

  1. Chúa bảo chúng ta phải đề phòng vì cái chết luôn luôn đến bất ngờ: “Chúng con hãy tỉnh thức vì chúng con không biết ngày nào giờ nào”. Đúng như vậy, tuy bất ngờ nhưng không hoàn toàn bất ngờ vì Chúa thương chúng ta, Chúa luôn ban cho chúng ta nhiều tín hiệu báo trước cái chết để chúng ta kịp thời chuẩn bị.

Mỗi khi chúng ta thấy một người khác chết, đó là một tín hiệu; mỗi khi chải đầu thấy mái tóc mình bạc hơn, đó cũng là một tín hiệu; mỗi chiếc răng bị hư, đôi mắt mờ xuống, tay chân yếu đi, một chứng bệnh xuất hiện... tất cả đều là những tín hiệu.

Và quan trọng hơn nữa, đó là những tín hiệu mà Chúa gửi trước cho chúng ta vì Chúa thương chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng giả mù giả điếc trước những tín hiệu tình thương ấy. Tốt nhất là đón nhận chúng, nhận ra ý nghĩa của chúng và chuẩn bị sẵn sàng.

  1. Chúa đang đến trong từng biến cố cuộc sống, chứ không chỉ đến trong uy nghi của giáo đường; Ngài đến trong từng sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, chứ không chỉ đến trong những phút cầu kinh, nguyện ngắm; Ngài nói qua những biến cố cuộc sống, Ngài hành động ngay cả khi chúng ta không tưởng nhớ đến Ngài. Ngài yêu thương dù chúng ta phản bội Ngài, Ngài tha thứ dù chúng ta quay mặt làm ngơ với Ngài. Ngài luôn có đó trong từng hơi thở của chúng ta. Xin Ngài cho chúng ta luôn tỉnh thức để nhận ra Ngài (Mỗi ngày một tin vui).
  2. Truyện: Hãy nghĩ về sự chết

Một vị đan sĩ tên là Mésique bất trung với ơn gọi, ông đang sống một cuộc đời không mấy tốt đẹp trong nhiều năm. Đột nhiên ông bị bệnh nặng, Thiên Chúa cho ông rơi vào tình trạng hôn mê trong một tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy ông không nói gì về những điều đã cảm thấy trong thời gian một tiếng đồng hồ ấy. Ông xin người ta cho ở một mình trong một căn phòng xây kín, và ông đã ở trong đó suốt 12 năm trời. Hằng ngày, qua một cửa sổ nhỏ người ta đem đến cho ông một chút bánh mì và nước uống. Một hôm người ta tưởng ông đã chết, nên đập phòng đi vào thì thấy ông đang hấp hối. Trước mặt các tu sĩ vây quanh, ông nói với họ những lời cuối cùng: “Anh em thân mến của tôi, người nào luôn khắc ghi vào tâm khảm ý tưởng về sự chết, người đó sẽ không bao giờ dám phạm tội”.

Nói thế rồi, ông tắt thở, để lại cho mọi người một ấn tượng sâu đậm (Góp nhặt).

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Vào ngày 11/9/2001, cả thế giới kinh hoàng nhìn tháp đôi tòa nhà thương mại thế giới ở New York sụp đổ do hai chiếc máy bay Boeing 767 mà các tên khủng bố đâm vào. Biến cố kinh hoàng này đã làm cho cả thế giới thức tỉnh trước nạn khủng bố trên hành tinh chúng ta. Khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và Tây Âu, mọi người luôn được nghe những lời kêu gọi chú ý cảnh giác ở tất cả những nơi công cộng như sân bay, nhà ga, sân vận động, xe bus, mêtro... ngay cả thùng rác.

Suy niệm

Đức Giêsu mạc khải về những dấu hiệu kinh hoàng vào ngày Chúa đến, ngày tận thế: Sẽ có những sự việc lạ xảy ra trong vũ trụ một cách toàn diện. Điều này cho thấy nếu chỉ dựa vào những biến cố riêng lẻ như trong các thời đại nhìn các biến cố xảy ra để đoán ngày tận thế là việc hoàn toàn sai lầm. Ngày Đức Giêsu trở lại để phán xét như Ngài loan báo là ngày Ngài hoàn tất tước hiệu Con Người (x. Lc 21,25-26).

Trước những điềm lạ xảy ra, nếu sống thức tỉnh, chúng ta sẽ không phải “lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ” (Lc 21,25), và cũng không “sợ hãi kinh hồn chờ đợi” (Lc 21,26), nhưng sẽ “đứng dậy và ngẩng đầu lên” (Lc 21,28). Vì chúng ta sắp được lãnh ơn cứu độ như Đức Giêsu nhắn nhủ: “giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21,28). Cho nên, chúng ta hãy vững tâm và hy vọng, vì với người thức tỉnh, ngày đó sẽ là ngày “tạo dựng” một thế giới mới như Thiên Chúa loan báo trước qua ngôn sứ Isaia trong Cựu ước: “Trời mới Đất mới được tạo dựng sẽ tồn tại trước nhan Ta như thế nào, dòng dõi các con và tên các con cũng sẽ tồn tại như vậy!” (Is 65,17; 66,22). Thánh Gioan sau này đã được thị kiến nhìn thấy trời mới đất mới vào ngày tận cùng của thế giới, Ngài ghi chép lại: “Bây giờ tôi thấy một Trời mới và Đất mới; vì trời cũ và đất cũ đã qua đi. Sẽ không còn sự chết nữa; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa.”(Kh 21,1-4). Thánh Phêrô mời gọi chúng ta mong chờ Trời mới Đất mới mang tâm tình: “Hãy cố gắng hết sức để sống làm sao cho tinh tuyền, không vết nhơ tội lỗi và an bình trước mặt Chúa!” (2Pr 3,9). Sống hết sức là thể hiện sự trung tín đến cùng mà thánh Phaolô nói với chúng ta: “Chúng ta mong chờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra” và mong rằng: “Chúng ta bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Chúa Kitô, Chúa chúng ta ngự đến” (1Cr 1,6-9).

Mong đợi trong tỉnh thức, mà tỉnh thức là luôn ở tư thế “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn”, là chu toàn bổn phận đã được trao phó (x. Lc 12,35-48). Tỉnh thức và cầu nguyện nghĩa là tâm tư nguyện cầu không ngừng, không nhàm chán hay nản chí (x. Lc 18,1).

Tỉnh thức như thánh Phaolô kêu mời: “Hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: Không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tuông. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,14) như Chúa Giêsu đã luôn cảnh tỉnh: “Chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng việc đời…” (Lc 21,34). Cho nên, chúng ta thoát khỏi sự bám rễ của đam mê vào thế gian mà ra đi đón Chúa với tấm lòng chờ đợi, trong tâm hồn thức tỉnh như thánh Gioan Chrysostome nhấn mạnh: “Với vũ khí của ánh sáng, chúng ta sẽ trở nên chói lòa hơn cả những tia nắng mặt trời”. Mặt Trời Công Chính, Đức Kitô trong ngày Ngài đến.

Ý lực sống

“Đêm sắp tàn, ngày gần đến, chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng, hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày” (Rm 13,13-14).

Nguồn: tgpsaigon.net


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...